TỘI LẠM QUYỀN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ
Điều 282. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Định nghĩa: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ các nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ được giao gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Cũng như đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ chung trong một điều luật ( Điều 221) và lúc đầu cũng chỉ quy định một khung hình phạt, không quy định các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.
Do yêu cầu đấu tranh loại tội phạm này, nên từ năm 1991 đến năm 1997, Quốc hội liên tục sửa đổi bổ sung Điều 221 vào các ngày 12-8-1991, ngày 22-12-1992 và ngày 10-5-1997 theo hướng tách hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ ra thành điều luật riêng (Điều 221a); cấu tạo lại thành nhiều khoản khác nhau; mức hình phạt cũng nghiêm khắc hơn nhiều so với Điều 221 chưa sửa đổi, bổ sung. (nếu mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 221 lúc đầu là năm năm tù thì sau khi sửa đổ, bổ sung lần thứ 3 vào ngày 10-5-1997 thì mức cao nhất đối với tội phạm này là tù chung thân), nặng hơn cả tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,
Tuy nhiên, cũng như đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong quá trình soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1999, Ban soạn thảo đã căn cứ vào thực tiễn xét xử và yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này nên chỉ cấu tạo tội phạm này thành ba khoản (không tính khoản 4 quy định hình phạt bổ sung) và mức hình phạt cao nhất cũng chỉ còn hai mươi năm tù, đồng thời bổ sung, sửa đổi một số tình tiết không còn phù hợp.
Về cơ bản, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 282 được cấu tạo tương tự như tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 281, kể cả đối với các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, chỉ khác nhau ở chỗ mức hình phạt trong từng khung hình phạt quy định tại Điều 282 nặng hơn Điều 281. Qua đó ta thấy thái dộ của Nhà nước ta trừng trị hành vi lạm quyền nặng hơn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm cũng là các dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội; là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ với các tội phạm khác cũng có hành vi lạm quyền.
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
Trước hết, người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nếu
không có chức vụ, quyền hạn thì không thể lạm quyền được. Người không có chức vụ, quyền hạn mà tự xưng là mình có chức vụ, quyền hạn thì đó là mạo danh, giả danh chứ không phải là lạm quyền.
Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ.
Nếu so sánh với các tội có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thì tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, xét về tư cách chủ thể thì không có gì khác nhau, chỉ khác nhau ở hành vi khách quan (lạm quyền với lợi dụng quyền). Do đó, chỉ cần căn cứ vào Điều 1 Pháp lệnh cán bộ, công chức và Nghị định số 95-1998/NĐ-CP ngày 17-11-1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức như đã phân tích ở phần thứ nhất để xác định thế nào là cán bộ, công chức. Tuy nhiên, ngoài cán bộ công chức, thì còn có những người khác cũng có thể lạm quyền nếu họ đủ những điều kiện quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự.
Cũng như chủ thể của các tội phạm về chức vụ, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới thực hiện được tội phạm. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tội trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án (người chủ mưu, khởi xướng, giúp sức), vì ở độ tuổi này họ chưa thể trở thành cán bộ, công chức.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự, mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 1 của Điều 282 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng, vì mức cao nhất của khung hình phạt đến bảy năm tù.
2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Mặc dù tội phạm này gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng không vì thế mà cho rằng khách thể của tội phạm này là những thiệt hại thực tế xảy ra cho Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, mà những thiệt hại đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội (dấu hiệu thuộc mặt khách quan).
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác có hành vi lạm quyền.
a. Hành vi khách quan
Trước hết, người phạm tội phải là người có hành vi lạm quyền.
Hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như hành vi lạm quyền trong các tội phạm tội khác, người phạm tội đã vướt quá quyền hạn mà pháp luật cho phép. Hành vi vượt quá quyền hạn cũng tương tự như hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại Điều 280 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, hành vi lạm quyền quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự không phải là phương tiện để người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác mà là nguyên nhân gây ra những thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Nếu căn cứ vào điều văn của điều luật, thì hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại Điều 280 với hành vi lạm quyền quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự không phải là một vì nếu là một thì Điều 280 cũng phải quy định làm quyền chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc Điều 282 phải quy định lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Vì vậy, cũng có ý kiến cho rằng, hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi lạm quyền không phải là một. Về hình thức cấu tạo từ ngữ thì đúng là hai thuật ngữ này khác nhau và nếu phân tích một cách chi tiết từng âm tiết thì lạm dụng chức vụ, quyền hạn với lạm quyền có điểm giống nhau và cũng có điểm khác nhau. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn có nội hàm rộng hơn, nó bao gồm cả lạm quyền, còn lạm quyền chỉ là một bộ phận của lạm dụng chức vụ, quyền hạn.
Tuy nhiên, xét về ý nghĩa pháp lý thì khi dùng thuật ngữ lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì phải đi liền với hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc hành vi khác và hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chỉ là thủ đoạn còn hành vi tiếp theo là mục đích của người có chức vụ, quyền hạn. Còn khi dùng thuật ngữ lạm quyền thì hành vi này không phải là thủ đoạn phạm tội mà nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại và thiệt hại do chính hành vi lạm quyền gây ra, liền ngay sau hành vi lạm quyền, không còn hành vi nào khác của người phạm tội nữa. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa việc dùng hai thuật ngữ, chứ không phải sự khác nhau về bản chất của hai thuật ngữ.
Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là vượt quá quyền hạn của mình, tức là làm một việc ngoài phạm vi chức trách của mình như: Chủ tịch xã, phường ra lệnh dỡ nhà dân để giải phóng mặt bằng, ra lệnh tạm giữ người có hành vi vi phạm pháp luật; Cán bộ quản lý thị trường tịch thu hàng hoá của người kinh doanh trái phép; Cảnh sát giao thông phạt tiền lái xe vi phạm quá mức tiền phạt mà pháp luật cho phép; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ra lệnh bắt người tạm giam khi chưa có phê chuẩn của Viện kiểm sát; Kiểm sát viên phê chuẩn lệnh gia hạn tạm giam mà lẽ ra lệnh này phải do Viện trưởng mới có quyền phê chuẩn; Thẩm phán ký quyết định tạm giam bị cáo mà lẽ ra phải do Phó chánh hoặc Chánh án mới có quyền ký.v.v...
Nếu người phạm tội lạm quyền nhưng không phải trong khi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự, mà tuỳ trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng. Ví dụ: Kiểm sát viên không được giao nhiệm vụ kiểm sát điều tra nhưng đã tự ý can thiệp với cán bộ điều tra để làm sai lệch hồ sơ vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội để trục lợi, thì hành vi của Kiểm sát viên là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi thuộc trường hợp quy định tại Điều 283 Bộ luật hình sự.
b. Hậu quả
Cũng như đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hậu quả của tội lạm quyền trong khi người thi hành công vụ là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi lạm quyền chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này.
Ngoài thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì còn có những hậu quả khác không phải lại dấu hiệu bắt buộc nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt như: hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có những thiệt hại vật chất, có thiệt hại phi vật chất.
4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý ( có cả cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
Cũng như đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, động cơ phạm tội của người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là dấu hiệu bắt buộc. Điều này cũng được thể hiện ngay câu đầu tiên của điều văn: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”. Nếu không xác định được động cơ của người phạm tội thì hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân chưa cấu thành tội phạm này.
Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác cũng tương tự đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ chúng tôi đã giới thiệu ở trên.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ không có các tình tiết định khung hình phạt
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, có khung hình phạt từ một năm đến bảy năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.
So với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn và nếu so sánh giữa Điều 221a với Điều 282 thì Điều 282 là điều luật quy định một tội phạm nhẹ hơn. Vì vậy, nếu hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì Toà án áp dụng khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tù (dưới một năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.
2. Lạm quyền trong khi thi hành công vụ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự
a.Có tổ chức.
Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, lạm quyền trong khi thi hành công vụ có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.
b. Phạm tội nhiều lần
Lạm quyền trong khi thi hành công vụ nhiều lần là có từ hai lần lạm quyền trong khi thi hành công vụ trở lên và mỗi lần đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ nhiều lần.
c. Gây hậu quả nghiêm trọng
Lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng là do thực hiện hành vi phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, nên đã gây ra những thiệt hại cho xã hội và cho con người. Khác với một số tội phạm quy định trong chương các tội phạm về chức vụ nhà làm luật quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, tội phạm này chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, như chúng tôi đã phân tích về các tội phạm tội có tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng khác, hậu quả nghiêm trọng và hậu quả nghiêm trọng khác không phải là một. Cũng như đối với các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở các tội phạm khác, có thể coi là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra nếu:
- Làm chết một người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
So với khoản 2 Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
Cũng như đối với các trường hợp phạm tội khác, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới năm năm tù) nhưng không được dưới một năm tù vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mực độ giảm nhẹ không đáng kể, tập trung nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 282 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự.
3. Lạm quyền trong khi thi hành công vụ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự
Cũng tương tự như khoản 3 của Điều 281, khoản 3 của Điều 282 cũng quy định hai tình tiết có nội dung như nhau nhưng lại có tính chất và mức độ nghiêm trọng khác nhau là yếu tố định khung hình phạt, đó là: Gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu xét về kỹ thuật lập pháp thì việc quy định này chưa khoa học, không chỉ đối với tội phạm này mà chúng ta còn thấy ở nhiều tội phạm khác, nhà làm luật cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, mặc dù hai tình tiết này đều được quy định trong cùng một khung hình phạt, nhưng khi quyết định hình phạt Toà án vẫn phải phân biệt trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để áp dụng một hình phạt tương xứng đối với hậu quả mà người phạm tội gây ra.
a. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra.
Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lạm quyền trong khi người thi hành công vụ gây ra:
- Làm chết hai người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...
- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.33
b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 2 và gây hậu quả rất nghiêm trọng tại điểm a khoản này, chỉ khác ở chỗ: Trường hợp phạm tội này hậu quả khác do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra:
-Làm chết ba người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;
- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;
- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;
- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
So với khoản 3 Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhẹ hơn, Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý một số điểm sau:
- Nếu hành vi hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 282 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng không áp dụng khoản 3 Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985;
- Nếu hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 4 Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985 mà áp dụng khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười năm tù) nhưng không được dưới năm năm tù. Nếu người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người tổ chức, phạm tội nhiều lần thì có thể bị phạt mức cao nhất của khung hình phạt (hai mươi năm tù).
4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
So với Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này thì khoản 4 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi bổ sung sau:
Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “ có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 4 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. Nếu căn cứ vào thời gian cấm (mức), thì khoản 4 Điều 282 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 4 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.
Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 4 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999.
No comments:
Post a Comment