18/08/2014
Những điểm mới của bộ luật Hình sự 1999 về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người - Bình luận Bộ luật Hình sự 1999 - Tập 1
Chương Một: NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ  NĂM 1999 
VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHOẺ, NHÂN PHẨM, DANH DỰ  CON NGƯỜI

So với Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm 10 Điều ( Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ có 20 Điều ) trong đó có 7 Điều được tách từ các tội danh cũ thành tội danh độc lập (Điều 94 - Tội giết con mới đẻ; Điều 95 - Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Điều 99 - Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; Điều 105 - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Điều 106 - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Điều 107 - Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ; Điều 109 - Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính ) có một Điều Bộ luật hình sự năm 1985 quy định ở Chương các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính và một Điều Bộ luật hình sự năm 1985 quy định ở Chương các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình và các tội phạm đối với người chưa thành niên, nay Bộ luật hình sự năm 1999 đưa về Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người ( Điều 116 - Tội dâm ô đối với trẻ em và Điều 120 - Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em); hai Điều quy đinh hai tội danh mới ( Điều 117 - Tội lây truyền HIV cho người khác và Điều 118 - Tội cố ý truyền HIV cho người khác).


Các hình phạt bổ sung trước đây Bộ luật hình sự năm 1985 quy định chung trong một điều luật (Điều 118), nay quy định ngay trong từng điều luật, nếu xét thấy tội phạm đó cần áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội. Việc quy định này, không chỉ phản ảnh trình độ lập pháp cao hơn, mà còn có tác dụng to lớn trong việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, tránh được việc bỏ quên hoặc áp dụng không chính xác hình phạt bổ sung đối với người phạm tội. Một số tội trước đây không quy định hình phạt bổ sung này Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm hình phạt bổ sung, một số hình phạt bỏ sung không còn phù hợp Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người, đồng thời quy định thêm một số hình phạt bổ sung để đáp ứng yêu cầu phòng ngừa laọi tội phạm này.

Các điều luật vẫn quy định lại các tội danh cũ, các tội danh được tách ra hoặc các tội danh mới cũng được bổ sung, sửa đổi đầy đủ hơn, hoàn chỉnh hơn trước.

- Đối với tội giết người (Điều 93), được cấu tạo lại thành ba khoản, tách khoản 3 chuyển thành Điều 95, tách khoản 4 thành Điều 94. Khoản 1 vẫn là những trường hợp phạm tội có những tình tiết định khung tăng nặng, nhưng quy định thêm các tình tiết: "giết trẻ em; giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thấy giáo, cô giáo của mình; để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; thuê giết người hoặc giết người thuê". Khoản 2 quy định trường hợp giết người không có các tình tiết quy định ở khoản 1, nhưng mức cao nhất của khung hình phạt chỉ có mười lăm năm, còn khoản 3 quy định hình phạt bổ sung.

- Đối với tội giết con mới đẻ (Điều 94), chỉ có một điểm khác là hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm ( khoản 4 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1985 là một năm).

- Đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95) được cấu tạo thành hai khoản. Khoản 1 có khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm ( khoản 3 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1985 từ sáu tháng đến năm năm); khoản 2 là trường hợp giết nhiều người có khung hình phạt từ ba năm đến bảy năm ( quy định này mới, nặng hơn khoản 3 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1985).

- Đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96) cũng được cấu tạo thành hai khoản. Khoản 1 có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. So với Điều 102 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt cải tạo không giam giữ nặng hơn, nhưng hình phạt tù thì lại nhẹ hơn ( Điều 102 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định cải tạo không giam giữ đến một năm, hình phạt tù đến ba năm). Khoản 2 quy định trường hợp giết nhiều người có khung hình phạt từ hai năm đến năm năm ( quy định này mới, nặng hơn so với khoản Điều 102 Bộ luật hình sự năm 1985).

- Đối với tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 97) về bản chất tuy không có gì mới so với Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng tên tội danh và cách hành văn được viết lại cho chính xác và phù hợ với thực tiễn xét xử như: thay thuật ngữ làm chết người thay cho thuật ngữ xâm phạm tính mạng. Điều luật được cấu thành ba khoản. Khoản 1 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm, nặng hơn so với khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985; khoản 2 có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng năng hơn so với đoạn hai khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985; khoản 3 quy định hình phạt bổ sung.

- Đối với tội vô ý làm chết người (Điều 98), chỉ có một thay đổi nhỏ đó là đoạn hai của khoản 1 Điều 104 được quy định thành khoản 2 Điều 98.

  - Đối với tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính ( Điều 99) là tội được tách từ khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1985 và được cấu tạo thành ba khoản. Khoản 1 có khung hình phạt từ một năm đến sáu năm, nặng hơn đoạn một khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1985; khoản 2 là trường hợp làm chết nhiều người có khung hình phạt từ năm năm đến mười hai năm, nhẹ hơn đoạn hai khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1985; khoản 3 quy định hình phạt bổ sung.

- Đối với tội bức tử (Điều 100) được cấu tạo thành hai khoản. Khoản 1 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm, nặng hơn Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1985.; khoản 2 là trường hợp làm nhiều người tự sát có khung hình phạt từ năm năm đến mười hai năm, là cấu thành mới hoàn toàn so với Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1985.

- Đối với tội xúi dục người khác tự sát (Điều 101) được cấu tạo thành hai khoản. Khoản 1 có khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm, nhẹ hơn Điều 106 Bộ luật hình sự năm 1985.; khoản 2 là trường hợp làm nhiều người tự sát có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm, là cấu thành mới hoàn toàn so với Điều 106 Bộ luật hình sự năm 1985.

- Đối với tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng  Điều 102) được cấu tạo thành ba khoản. Về nội dung không có gì mới so với Điều 107 Bộ luật hình sự năm 1985, chủ yếu chỉ viết lại khoản 2 thành hai điểm a và b. Về hình phạt cải tạo không giam giữ quy định ở khoản 1 có mức tối đa là hai năm; khoản 3 quy định hình phạt bổ sung.

- Đối với tội đe doạ giết người (Điều 103) được cấu tạo lại thành hai khoản và bổ sung nhiều dấu hiệu mới vào cấu thành tăng nặng. Khoản 1 có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến bai  năm, nặng hơn Điều 108 Bộ luật hình sự năm 1985; khoản 2 là cấu thành tăng nặng, hoàn toàn mới so với Điều 108 Bộ luật hình sự năm 1985 vơí các tình tiết định khung như: đối với nhiều người;đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đối với trẻ em và để che giấu hoặc trốn tránh việc xử lý về một tội phạm khác.

- Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104) được cấu tạo lại theo hướng: Lấy tỷ lệ thương tật làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, do yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống loại tội phạm này nên nhà làm luật quy định thêm một số trường hợp tuy hành vi cố ý gây thương tích cho người khác có tỷ lệ thương tật dưới mức quy định vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các trường hợp phạm tội này cũng là dấu hiệu định khung hình phạt. Trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, có nhiều trường hợp tương tự như các tình tiết định khung hình phạt của tội giết người, có trường hợp đã được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985, có trường hợp thực tiễn xét xử đã được tổng kết và hướng dẫn. 
Có thể tóm tắt các dấu hiệu cơ bản của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
Nếu cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự;
Nếu tỷ lệ thương tật của người bị hại dưới 11% thì phải thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự. Trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 có các trường hợp sau đây là quy định mới: "dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; có tổ chức; trong thời gian đạng bị tạm giữ,tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê".
Nếu tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến  31% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù.
Nếu tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ năm năm đến mười lăm năm, nhẹ hơn so với khoản 3 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985.
Nếu dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân . Đây là quy định mới năng hơn so với Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985.

- Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ( Điều 105), là tội phạm được tách từ khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 và được cấu tạo lại cho phù hợp với thực tiẽn xét xử và các hướng dẫn của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương. Khoản 1 quy định tỷ lệ thương tật của người bị hại phải từ 31% đến 60% thì người có hành vi có ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự ; điều văn của điều luật quy định tương tự như trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Cấu tạo thêm khoản 2 với hai tình tiết định khung là "đối với nhiều người và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác", có khung hình phạt từ một năm đến năm năm. 

- Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106), là tội phạm được tách từ khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 và cũng được cấu tạo lại cho phù hợp với thực tiẽn xét xử và các hướng dẫn của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương. Khoản 1 quy định tỷ lệ thương tật của người bị hại phải từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người. Cấu tạo thêm khoản 2 với tình tiết định khung là "phạm tội đối với nhiều người", có khung hình phạt từ một năm đến ba năm. 

- Đối với tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 107) là tội phạm được tách ra từ khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985 và cũng được cấu tạo lại cho phù hợp với thực tiẽn xét xử và các hướng dẫn của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương. Khoản 1 quy định tỷ lệ thương tật của người bị hại phải từ 31% trở lên thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cấu tạo thêm khoản 2 với tình tiết định khung là "phạm tội đối với nhiều người" có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù và khoản 3 quy định hình phạt bổ sung.

- Đối với tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 108 ) quy định cụ thể tỷ lệ thương tật là từ 31% trở lên thay cho dấu hiệu thương tích nặng, tổn hại nặng và tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên hai năm mà Điều 110 Bộ luật hình sự năm 1985 đã quy định, đồng thời quy định thêm khoản 2 về hình phạt bổ sung.

- Đối với tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 109) là tội phạm được tách từ khoản 2 Điều 110 Bộ luật hình sự năm 1985 cũng được quy định cụ thể tỷ lệ thương tật là từ 31% trở lên thay cho dấu hiệu thương tích nặng, tổn hại nặng và mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm nhẹ hơn khoản 2 Điều 110 Bộ luật hình sự năm 1985, đồng thời quy định thêm khoản 2 về hình phạt bổ sung.

- Đối với tội hành hạ người khác (Điều 110) quy định thêm khoản hai với hai tình tiết định khung là "đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật và đối với nhiều người".

- Đối với tội hiếp dâm (Điều 111), bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết..."; quy định thêm các dấu hiệu trong cấu thành, đó là "đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân"; quy định thêm một số tình tiết định khung mới, đó là "đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc; đối với nhiều người; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% ( khoản 2); gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội  (khoản 3).

- Đối với tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 ), quy định thêm một số tình tiết định khung hình phạt như: " gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% (khoản 2); đối với nhiều người; ); gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội  (khoản 3). Về hình phạt, mức cao nhất không có gì mới nhưng mức thấp nhất ở khoản 2 là mười hai năm, ở khoản 3 là tù hai mươi năm, ở khoản 4 là mười hai năm.

- Đối với tội cưỡng dâm (Điều 113) bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết...";  quy định thêm một số tình tiết định khung hình phạt như: " gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; cưỡng dâm nhiều người; (khoản 2); gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội  (khoản 3). Về hình phạt, mức cao nhất không có gì mới nhưng mức thấp nhất ở khoản 2 là ba năm, ở khoản 3 là bảy năm. quy định thêm khoản 4 là trường hợp cưỡng dâm người chưa thành niên. ( được tách từ khoản 1 Điều 113a Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội cưỡng dâm người chưa thành niên)

- Đối với tội cưỡng dâm trẻ em ( Điều 114). Tội phạm này được tách từ tội cưỡng dâm người chưa thành niên quy định tại Điều 113a Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, được cấu tạo lại theo hướng nặng hơn trường hợp cưỡng dâm người chưa thành niên, bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết...";  thêm một số tình tiết định khung mới. Khoản 1 có khung hình phạt từ năm năm đến mười năm; khoản 2 thay tình tiết "gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nạn nhân" bằng tình tiết " gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;  khoản 3 thêm tình tiết "đối với nhiều người; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội" và thay tình tiết "gây tổn hại rất nặng cho sức khỏe của nạn nhân" bằng tình tiết " gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên"; khoản 4 quy định hình phạt bổ sung.

- Đối với tội giao cấu với trẻ em ( Điều 115) bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết..."; thêm một số tình tiết định khung hình phạt; ở khoản 2 thêm tình tiết "đối với nhiều người" và thay tình tiết "gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nạn nhân" bằng tình tiết " gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; ở khoản 3 thêm tình tiết " biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội và gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên".

- Đối với tội dâm ô đối với trẻ em ( Điều 116) bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết..."; thêm tình tiết định khung ở khoản 3 là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" và thêm khoản 4 quy định hình phạt bổ sung.
- Đối với tội lây truyền HIV cho người khác ( Điều 117) và tội cố ý truyền HIV cho người khác ( Điều 118) là hai tội danh mới.

- Đối với tội mua bán phụ nữ ( Điều 119) thêm các tình tình tiết định khung, đó là "mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm; có tính chất chuyên nghiệp; mua bán nhiều lần"; bỏ tình tiết "tái phạm nguy hiểm" quy định thêm khoản 4 về hình phạt bổ sung.

- Đối với tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em ( Điều 120) quy định thêm hành vi chiếm đoạt trẻ em và trong điều văn của điều luật thêm cụm từ dưới bất kỳ hình thức nào cho phù hợp với thực tiễn đáu tranh phòng chống tội phạm này trong thời gian vừa qua. So với Điều 149 Bộ luật hình sự năm 1985 thì tội phạm này nghiêm khắc hơn. Khoản 1 có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm, khoản 2 có khung hình phạt từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, đồng thời quy định thêm các tình tiết định khung hình phạt như: Vì động cơ đê hèn; để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; để sử dụng vào mục đích mại dâm. Khoản 3 quy định hình phạt bổ sung.

- Đối với tội làm nhục người khác ( Điều 121) quy định thêm các tình tiết định khung hình phạt như: Phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình và quy định thêm khoản 3 về hình phạt bổ sung.

- Đối với tội Vu khống ( Điều 122) được viết lại theo hướng quy định các hành vi ngay trong cấu thành cơ bản, đồng thời cụ thể hoá các trường hợp phạm tội theo khoản 2 của điều luật như: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ quyền hạn; đối với nhiều người; đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đối với người thi hành công vụ; vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Khoản 3 quy định hình phạt bổ sung.

No comments:

Post a Comment