Trước kia khi nói tới thương mại quốc tế thì mặc nhiên mọi người chỉ nghĩ tới thương mại hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước trở lại đây cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì thương mại dịch vụ cũng phát triển với tốc độ chóng mặt dựa trên nền là công nghệ thông tin là chủ yếu.
I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM:
1. Khái niệm, đặc điểm và phân loại dịch vụ:
1.1. Hai khái niệm khái quát:
Dịch vụ là những hoạt động nhằm thỏa mãn những nhu cầu của sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. (Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Hà Nội năm 1995, tập 1, trang 671)
- Dịch vụ là sản phẩm của lao động xã hội mà sản phẩm tạo ra không tồn tại dưới hình thái vật chất, trong đó quá trình cung ứng và tiêu thụ diễn ra đồng thời để nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người.
Mối quan hệ giữa người cung cấp và người tiêu dùng là mối quan hệ biện chứng (mối quan hệ có đi có lại), là mối quan hệ biện chứng bởi khi người tiêu dùng phát sinh nhu cầu, chuyển nhu cầu đó đến người cung cấp dịch vụ và khi người cung cấp dịch vụ tiếp nhận được thông điệp đó (nếu khả năng của họ có thể) thì họ sẽ cung cấp dịch vụ mà người tiêu dùng mong muốn. Nghĩa là ban đầu người tiêu dùng chỉ là người có nhu cầu thôi, họ sẽ trở thành người tiêu dùng khi người cung cấp dịch vụ cung cấp dịch vụ cho họ. Nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng dịch vụ sẽ thông qua hệ thống cơ sở vật chất để từ đó cả hai bên đều được thỏa mãn. Người tiêu dùng sẽ nhận được dịch vụ mà họ yêu cầu còn người cung cấp dịch vụ sẽ bán cái mà họ có.
1.2. Đặc điểm.
i) Tính vô hình: Tính vô hình được thể hiện ở chỗ người ta không thể nào dùng các giác quan để cảm nhận được các tính chất cơ lý hóa của dịch vụ. (Ví dụ như dịch vụ bưu chính viễn thông: không ai có thể chỉ ra được hình dáng của loại hình dịch vụ đó).
ii) Tính không thể tách rời: quá trình cung ứng và tiêu thụ dịch vụ diễn ra đồng thời. (Người cung ứng dịch vụ sẽ bắt đầu cung ứng dịch vụ thì đó cũng là lúc người tiêu dùng bắt đầu quá trình tiêu dùng dịch vụ, và khi mà người tiêu dùng dịch vụ chấm dứt quá trình tiêu dùng dịch vụ của mình thì đó cũng là lúc mà người cung ứng dịch vụ chấm dứt quá trình cung ứng dịch vụ).
iii) Tính không đồng nhất: khó có thể có một tiêu chuẩn chung nào để đánh giá được chất lượng của dịch vụ. (Thậm chí cùng một loại hình dịch vụ cũng không có tiêu chí để đánh giá chất lượng bởi vì chất lượng của sản phẩm nói chung sẽ được đánh giá trước tiên thể hiện qua chỉ số kỹ thuật, tuy nhiên vì dịch vụ mang tính vô hình nên rất khó có được những chỉ số kỹ thuật và ở đây chất lượng dịch vụ được thể hiện ở sự thỏa mãn, hài lòng của người tiêu dùng – nhưng sự hài lòng của người tiêu dùng cũng rất khác nhau, nó có thể thay đổi rất nhiều).
iv) Tính không thể cất trữ: Tính không thể cất trữ là hệ quả của tính vô hình và không thể tách rời. Ở đây nhà cung cấp dịch vụ không cất trữ những dịch vụ nhưng họ cất trữ khả năng cung cấp dịch vụ cho những lần tiếp theo.
Trên đây là 4 đặc điểm của dịch vụ, tuy nhiên, trong khoa học không có gì là tuyệt đối mà chỉ mang tính tương đối, 4 đặc điểm trên cũng vậy. Ví dụ 1: Một loại hình dịch vụ tồn tại trong nền kinh tế mà không mang những đặc điểm trên đó là: Dịch vụ kiểm toán – Khi một doanh nghiệp thuê một đơn vị kiểm toán độc lập để tiến hành kiểm toán toàn bộ chứng từ của doanh nghiệp thì sản phẩm cuối cùng của đơn vị kiểm toán cung cấp cho doanh nghiệp là những bảng kiểm toán mà công ty sau một quá trình làm việc họ đã tổng hợp và đưa lại cho khách hàng của mình. Doanh nghiệp có thể lưu những bảng kết quả kiểm toán đó lại hoặc họ có thể trình, giao cho các cơ quan chức năng khi cần thiết và thậm chí là họ chuyển cho các cơ quan chức năng khác lưu giữ - ở đây sản phẩm không mang tính vô hình đồng thời có thể cất giữ được. Ví dụ 2: Dịch vụ photocopy – Sản phẩm mà khách hàng nhìn thấy được là những văn bản được copy, bản thân khách hàng có bản copy đó có thể chuyển từ tay người này sang tay người khác đồng thời có thể cất đi để sử dụng cho mục đích của riêng mình; sản phẩm là bản copy thì ta có thể nhìn thấy được, hình thù ra sao, đồng thời với những bản copy cũng có tiêu chuẩn chất lượng để đánh giá bản copy như thế nào là đạt, có chất lượng tốt (như độ sắc nét, chất lượng mực in v.v...)
1.3. Phân loại dịch vụ.
Có nhiều cách phân loại dịch vụ khác nhau, mỗi quốc gia khác nhau lại có một cách phân loại khác nhau.
Hai cách phân loại:
a) Căn cứ vào tính thương mại. Theo căn cứ này thì dịch vụ chia làm hai loại:
1. Dịch vụ mang tính thương mại: là những dịch vụ được cung ứng để nhằm mục đích kinh doanh và thu lợi nhuận như dịch vụ ngân hàng, phân phối hàng hóa, tài chính, bưu chính viễn thông v.v.... ; và
2. Dịch vụ không mang tính thương mại – còn gọi là dịch vụ phi thương mại: là những dịch vụ được cung ứng không nhằm mục đích kinh doanh, thu lợi nhuận. Chủ yếu là các dịch vụ công cộng do các tổ chức, các cơ quan cung ứng trong quá trình các cơ quan tổ chức này thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình như dịch vụ vận tải hành khách công cộng, dịch vụ giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, v.v...
Nhưng cũng có rất nhiều loại hình dịch vụ vừa mang tính thương mại vừa không mang tính thương mại trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, ví dụ: cùng là trường đại học nhưng Trường Đại học Ngoại Thương cung cấp dịch vụ giáo dục không mang tính thương mại; tuy nhiên Trường Đại học Dân lập Quản lý và kinh doanh lại cung cấp dịch vụ giáo dục mang tính thương mại (có tình trạng là những sinh viên chỉ đạt điểm đầu vào 3 môn là 5 điểm nhưng vẫn được học) – là do họ kinh doanh dịch vụ giáo dục, mở trường, bỏ tiền đầu tư vào cơ sở vật chất do vậy họ phải có sinh viên để thu được tiền đã đầu tư vào đó; nhưng ngược lại các trường quốc lập khác sử dụng tiền ngân sách nhà nước để thực hiện “Sự nghiệp giáo dục”. Trường học, bệnh viện là các cơ quan sự nghiệp sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ sự nghiệp của mình. Ví dụ: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe – nếu người bệnh vào bệnh viện đúng tuyến, nộp thẻ bảo hiểm y tế v.v.. thì đó là dịch vụ chăm sóc sức khỏe không mang tính thương mại; Tuy nhiên khi một bệnh nhân vào bệnh viện mà không đi theo tuyến, không thẻ bảo hiểm và muốn được phục vụ nhanh chóng nên vào khám “dịch vụ” với số tiền nhiều hơn, nhanh chóng hơn – lúc này dịch vụ y tế lại mang tính thương mại. Có một số loại hình dịch vụ không bao giờ có thể thương mại hóa được như Dịch vụ hành chính công – dịch vụ này là do các cơ quan chính quyền các cấp cung cấp nhằm làm giảm thời gian làm các loại thủ tục cho người dân; Hoặc Dịch vụ Công chứng cũng vậy (ở Việt Nam gọi Công chứng là dịch vụ nhưng trong WTO không coi Công chứng là một loại hình dịch vụ; Công chứng nằm ngoài các loại hình dịch vụ WTO liệt kê).
b) Phân loại của WTO: Các phân loại này giống như một liệt kê chia các loại hình dịch vụ ra làm 12 ngành với 155 phân ngành.
Việc phân chia này rất mang tính khoa học, giả sử ngành đầu tiên (1) là ngành các dịch vụ kinh doanh – Business Services; và tiếp theo đó là nhiều ngành dịch vụ khác tới (11), cuối cùng là (12) Các dịch vụ không kể tên ở trên – như vậy là vô hình chung cách phân loại của WTO đã bao trùm toàn bộ các ngành dịch vụ tồn tại trong xã hội hiện nay.
1. Các dịch vụ kinh doanh: dịch vụ kinh doanh bất động sản, đại lý hưởng hoa hồng, môi giới, liên quan đến chuyên môn ‘như luật sư, tư vấn’.
2. Các dịch vụ truyền thông: viễn thông, phát thanh truyền hình, đưa thư ‘mailling’.
3. Các dịch vụ xây dựng và kỹ sư công trình: kỹ sư công trình xây dựng cao ốc, nhà dân dụng, thiết kế nhà cửa, hoàn thiện công trình v.v...
4. Các dịch vụ phân phối: dịch vụ bán buôn, bán lẻ, bán hàng đa cấp v.v...
5. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội: y tế, bệnh viện, dịch vụ xã hội ‘như vận tải hành khách công cộng’ v.v...
6. Các dịch vụ giáo dục: giáo dục tiểu học, trung học, đại học, sau đại học.
7. Các dịch vụ tài chính: ngân hàng, bảo hiểm, tài chính và các dịch vụ tài chính khác không phải là bảo hiểm như quản lý quỹ v.v...
8. Các dịch vụ môi trường: thu gom rác thải, thoát nước, trồng cây xanh v.v...
9. Các dịch vụ du lịch và lữ hành: khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn tour, đại lý du lịch v.v...
10. Các dịch vụ giải trí, thể thao: phát hành báo chí, thể thao, hỗ trợ cho thể thao, bảo tàng, thư viện, lưu trữ v.v...
11. Các dịch vụ vận tải: vận tải hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ, đường vũ trụ, các dịch vụ hỗ trợ cho các loại hình vận tải trên ‘như sửa chữa, bảo dưỡng phương tiên, cung cấp nhiên liệu’ v.v...
12. Các dịch vụ không được kể tên ở trên.
Trên đây là cách phân loại của WTO, nhưng mỗi quốc gia lại có một cách phân loại khác nhau không nhất thiết phải dựa trên cách phân loại của WTO, ví dụ ở Việt Nam trong WTO có nhóm 3 là nhóm xây dựng và kỹ sư công trình thì Việt Nam không xếp ngành này là ngành dịch vụ. Chính vì cách phân loại của các quốc gia khác nhau như vậy nên xảy ra những tranh chấp về dịch vụ. Ví dụ: Mới đây quốc gia Angtimua, ở Caribe – Trung Mỹ, đã kiện Mỹ vì cung cấp dịch vụ ‘Gambling on Line’, Mỹ nói: Theo WTO – Gambling on Line được xếp vào nhóm dịch vụ văn hóa giải trí thể thao, tuy nhiên Angtimua lại nói rằng: nhưng với quốc gia này Gambling on Line không được xếp vào nhóm dịch vụ đó mà đó là hoạt động mà bị cấm trên lãnh thổ quốc gia đó thế mà Mỹ lại cung cấp Gambling on Line cho nên họ có quyền kiện ra WTO – Vì những phân loại khác nhau của các quốc gia nên dễ dàng dẫn tới tranh chấp.
2. Khái niệm thương mại dịch vụ.
Hiện nay chưa có khái niệm chính xác về thương mại dịch vụ, mà thương mại dịch vụ được hiểu rằng: Thương mại dịch vụ là sự trao đổi mua bán mà ở đây đối tượng là dịch vụ. Trong Hiệp định chung về Thương mại và Dịch vụ – GATS có xác định 4 phương thức cung ứng dịch vụ – 4 modes of Supply (Khoản 2 điều 1 của GATS).
i) Phương thức 1 - Mode 1: Cung ứng qua biên giới - Cross Border:
Dịch vụ di chuyển qua biên giới độc lập với người cung ứng và người tiêu dùng dịch vụ. Ví dụ như: dịch vụ viễn thông (gọi điện thoại quốc tế), tư vấn qua email, qua điện thoại, fax.
ii) Phương thức 2 - Mode 2: Phương thức tiêu dùng ở nước ngoài - Abroad Consumption:
Dịch vụ được cung ứng cho người tiêu dùng dịch vụ trên một lãnh thổ khác mà ở đó người tiêu dùng dịch vụ không phải là người cư trú thường xuyên như dịch vụ du lịch (khi một người rời khỏi nước mình sang du lịch ở nước khác thì phải sử dụng rất nhiều loại hình dịch vụ như dịch vụ thu đổi ngoại tệ, dịch vụ khách sạn, dịch vụ nhà hàng, vui chơi giải trí v.v...).
Lưu ý: khi tài sản của người tiêu dùng dịch vụ di chuyển ra khỏi biên giới thì sẽ được xếp vào Mode 2. Ví dụ: Hãng hàng không Việt Nam Airline đưa máy bay ra nước ngoài để sửa chữa, bảo dưỡng – việc Việt Nam đưa các máy bay của mình sang nước khác để bảo dưỡng, sửa chữa được xếp vào Mode 2 trong tiêu dùng dịch vụ.
Ở Mode 1 là dịch vụ di chuyển qua biên giới; Mode 2 người tiêu dùng di chuyển qua biên giới.
iii) Phương thức 3 - Mode 3: Hiện diện thương mại - Commercial Presence (Press Office; Branch; Subsidiaries):
Người cung cấp dịch vụ thông qua hiện diện thương mại của mình để cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ của một nước thành viên khác.
iv) Phương thức 4 - Mode 4: Hiện diện của cá nhân (hiện diện của tự nhiên nhân) - Presence of natural persons:
Nhà cung cấp dịch vụ sẽ thông qua sự hiện diện của các tự nhiên nhân để cung ứng dịch vụ trên lãnh thổ của một nước thành viên khác. Phương thức này ứng với dịch vụ mang tính độc lập như dịch vụ luật sư (các văn phòng luật sư thường nằm dưới dạng Associates; hoặc Partnership – trong trường hợp này không chỉ có người nước ngoài đến cung cấp dịch vụ độc lập cũng được xếp vào Mode 4 mà việc những người làm công của những người đứng ra cung ứng dịch vụ cũng được xếp vào Mode 4), Dịch vụ giải trí (việc một ca sĩ đi lưu diễn trên lãnh thổ khác cũng được xếp vào Mode 4)
II. THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TRONG KHUÔN KHỔ GATS:
GATS có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1995, đây cũng là thời điểm WTO đi vào hoạt động.
1. Cấu trúc của GATS: Gồm 3 phần
1.1. Hiệp định chính: bao gồm 29 điều quy định các nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ.
1.2. Phụ lục: những quy định cụ thể liên quan tới một số lĩnh vực như dịch vụ vận tải hàng không, đường biển, tài chính, viễn thông và việc đi lại của các nhà cung cấp dịch vụ.
1.3. Phần các cam kết: Trong GATS chỉ có cam kết của các nước tham gia vào vòng đàm phán Urugoay, còn các nước trở thành thành viên của WTO sau ngày 1/1/1995 thì sẽ dùng bản cam kết riêng. Những cam kết này liên quan tới việc mở cửa và tiếp cận thị trường, mỗi quốc gia khác nhau có một kiểu cam kết khác nhau, tuy nhiên các nước thuộc liên minh Châu Âu EU dùng chung một kiểu cam kết.
2. Nội dung chủ yếu của GATS:
Nội dung chủ yếu có rất nhiều điều như Nguyên tắc Tối huệ quốc, Đãi ngộ quốc gia, Độc quyền và Đặc quyền cung cấp dịch vụ, Minh bạch hóa, Mở cửa thị trường dịch vụ, Tự do hóa dần dần, Những quy định liên quan đến liên kết kinh tế v.v... Trong khuôn khổ bài học chỉ giới thiệu hai nguyên tắc cơ bản của GATS và cũng đồng thời là hai nguyên tắc cơ bản của WTO. Đó là Nguyên tắc Tối huệ quốc và Nguyên tắc Đãi ngộ quốc gia.
2.1. Nguyên tắc MFN – Most Favoured Nation (trong Điều II): Nguyên tắc tối huệ quốc.
Đối với những phương thức thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định này một nước thành viên phải ngay lập tức và không điều kiện dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của một nước thành viên sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà nước đó dành cho một nước thành viên khác bất kỳ.
Ví dụ: một quốc gia A dành cho một quốc gia B một sự đối xử thế nào thì quốc gia A cũng phải dành cho quốc gia C một sự đối xử không được kém thuận lợi mà quốc gia A dành cho B, hay nói một cách khác hai sự đối xử của A dành cho B và C phải tương đương với nhau. Ví dụ cụ thể: Hiện nay các ngân hàng nước ngoài cung cấp các dịch vụ liên quan tới ngoại tệ chưa được cho phép ở Việt Nam – giả định Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO – thì trong trường hợp này khi Ngân hàng Nhà nước (SBV) đồng ý cho Ngân hàng City Bank (của Mỹ) được cung cấp dịch vụ nhận gửi và cho vay bằng đồng ngoại tệ (Deposit $ Credit in US Dollar), trong trường hợp này nếu chiểu theo nguyên tắc MFN thì một loạt các ngân hàng như: Misubishi Bank, Tokyo Bank, ABN Ambro Bank, HFBC Bank, ANZ Bank, Standard Chater Bank (là những ngân hàng đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam), nếu như những ngân hàng này có nhu cầu và đệ trình hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì SBV cũng phải cấp phép để cho tất cả các ngân hàng này được cung cấp dịch vụ cho vay và gửi bằng ngoại tệ (đồng đô la Mỹ) giống như điều mà City Bank được hưởng.
Tuy nhiên trong MFN vẫn có những ngoại lệ nhất định: Đối với trong lĩnh vực thương mại dịch vụ có hai ngoại lệ sau:
i) Ngoại lệ đối với những hiệp định về ưu đãi dịch vụ được ký kết trước khi GATS có hiệu lực.
ii) Những ưu tiên nằm trong khuôn khổ hợp tác khu vực. (giả sử với ASEAN – ta có AFAS-Asian Free Agreement on Services ‘áp dụng trong thương mại dịch vụ’, nếu dẫn chiếu ra từ ngoại lệ (ii) mà WTO cho phép thì trong khuôn khổ của AFAS khi các nước ASIAN dành cho dịch vụ cũng như các nhà cung cấp dịch vụ của nhau những ưu đãi nào đó thì việc dành ưu đãi đó của Việt Nam cũng như của các nước ASEAN khác sẽ không bị các nước nằm ngoài ASEAN kiện. Hoặc ta có khuôn khổ hợp tác khu vực khác như Liên minh Châu Âu EU, đối với Liên minh Châu Âu EU họ cũng có một chương trình chung nằm trong khuôn khổ hợp tác liên quan đến lĩnh vực thương mại dịch vụ và trong trường hợp này thì khi các nước đó dành những ưu đãi nhất định cho dịch vụ hay các nhà cung cấp dịch vụ của nhau, các nước thành viên khác nằm ngoài liên kết sẽ không có quyền kiện lên WTO nếu không được dành những ưu đãi đó.
Mỗi nước thành viên WTO cũng có quyền đưa ra những ngoại lệ MFN của mình, nhưng để những ngoại lệ đó được chấp nhận thì nó cần được (i) sự đồng ý của ít nhất 3/4 số thành viên của WTO và (ii) ngoại lệ đó sẽ được cơ quan có thẩm quyền của WTO quản lý về lĩnh vực thương mại dịch vụ (gọi là Hội đồng thương mại dịch vụ) xem xét lại theo từng năm.
2.2. Nguyên tắc NT (trong điều 17 và 18): Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia.
Các nước thành viên phải giành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của các nước thành viên khác ngay lập tức và vô điều kiện sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà nước đó dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ tương tự trong nước.
Nếu chiểu theo Nguyên tắc NT, thì khi quốc gia A dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của mình sự đối xử như thế nào thì quốc gia A cũng phải dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ tương tự của quốc gia B một sự đối xử không được kém thuận lợi hơn mà quốc gia A dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ tương tự của mình.
Nếu trong MFN được thể hiện ở điểm là các quan hệ đối ngoại là bình đẳng, thì ở NT được thể hiện ở điểm quan hệ đối nội và quan hệ đối ngoại là bình đẳng với nhau. Hai nguyên tắc trên trong WTO được gọi chung bằng một tên là: Non discoumination – không phân biệt đối xử.
Tuy nhiên phải lưu ý “Dịch vụ tương tự”: Nếu chỉ nói dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ thôi thì người ta có thể chỉ hiểu đó là “dịch vụ bất kỳ” – nghĩa là chỉ hiểu là dịch vụ chung chung. Theo tiếng Anh có hai từ: “Service” và “Services” ; “Service” được hiểu là dịch vụ nói chung; còn trong GATS sử dụng từ “Services” là cụ thể hóa từng loại dịch vụ. Giả sử Dịch vụ tài chính, nhưng trong Tài chính ta có nhiều loại dịch vụ nhỏ “Services”. Ví dụ: Nhà nước Việt Nam có một quy định như sau: Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động khi mới gia nhập thị trường sẽ được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 0% trong vòng 5 năm đầu kể từ khi gia nhập thị trường. Bây giờ ta có một nhà cung cấp thông tin dịch vụ di động mới là Công ty Viễn thông Điện lực – E Telecom. Trong trường hợp này khi Nhà nước đã ban hành một chính sách như vậy thì tự động Công ty Viễn thông Điện lực sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi trong vòng 5 năm đầu kể từ khi gia nhập thị trường là 0%. Cùng thời điểm mà E-Telecom cung cấp dịch vụ thì cũng có một nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động của Mỹ là Sprint tham gia vào thị trường Việt Nam, trong trường hợp này nếu dẫn chiếu theo nguyên tắc NT thì Sprint cũng sẽ được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi trong vòng 5 năm đầu là 0%. Tuy nhiên điều đó chỉ diễn ra khi Sprint cung cấp dịch vụ có tên là “dịch vụ thông tin di động” mà thôi, còn nếu như Sprint lại cung cấp dịch vụ khác cũng là dịch vụ viễn thông nhưng lại là “dịch vụ gọi điện thoại đường dài quốc tế với giá rẻ – VOIP” thì trong trường hợp này Print không có quyền được đòi hỏi ưu đãi về thuế giống như E-Telecom.
III. VAI TRÒ CỦA THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ.
1. Thương mại dịch vụ giúp cải biến cơ cấu kinh tế của một quốc gia.
Vai trò này thể hiện ở chỗ với các nước phát triển thì đương nhiên dịch vụ hiện nay đang chiếm một tỷ trọng rất lớn trong GDP. Ví dụ đối với một số nước phát triển cũng như các nước công nghiệp mới (hay còn gọi là các nền kinh tế mới nổi) thì tỷ trọng của dịch vụ trong GDP luôn chiếm khoảng từ 60% trở lên, Canada: 79% của GDP; Mỹ: 73,7% của GDP; Singapore: 71%; Hàn Quốc: 62%; Nhật Bản: 54%; của EU mở rộng: 42% (trước kia EU có 15 nước thành viên chủ yếu là các nước Tây Âu và Nam Âu là các nước tương đối phát triển, khi đó tỷ trọng của dịch vụ đối với GDP ở khu vực này là 70%, tuy nhiên bây giờ EU kết nạp thêm 10 nước thành viên mới chủ yếu là các nước thuộc khối Đông Âu là các nước thuộc XHCN cũ thì tỷ trọng dịch vụ của toàn bộ khối EU bị sụt giảm đi); Hiện nay tốc độ tăng trưởng của thương mại dịch vụ của các nước luôn luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ví dụ về nền kinh tế toàn cầu thì trong giai đoạn 1990 đến năm 2005 tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế thế giới từ 3 đến 4% thì tốc độ tăng trưởng của thương mại dịch vụ của thế giới trong giai đoạn này là 10% (gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng về kinh tế). Ở Việt Nam, năm 2005 theo con số ước tính thì tỷ trọng của thương mại dịch vụ chiếm 38,9% GDP, Việt Nam phấn đấu đến năm 2010 (trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010) mức đóng góp của dịch vụ vào GDP là 45%.
2. Thương mại dịch vụ phát triển kéo theo sự phát triển của thương mại hàng hóa.
Trước kia để xuất khẩu được một lô hàng thì doanh nghiệp phải tốn rất nhiều thời gian (từ việc vận tải tới việc thanh toán, bốc dỡ, đóng gói v.v...), nhưng bây giờ cùng với sự xuất hiện và phát triển của nhiều ngành dịch vụ thì quá trình mua bán hàng hóa sẽ diễn ra được nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn. Ví dụ: Trước kia khi những dịch vụ trong các ngân hàng chưa phát triển thì các doanh nghiệp rất khó mua bán được hàng hóa một cách dễ dàng và nhanh chóng chẳng hạn như một doanh nghiệp muốn xuất khẩu một lô hàng thì doanh nghiệp tối thiểu phải cần các dịch vụ như: dịch vụ vận tải, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng, chưa kể đến các dịch vụ liên quan đến kiểm định chất lượng. Vậy trước kia khi dịch vụ ngân hàng chưa phát triển cùng với công nghệ thông tin chưa phát triển thì các doanh nghiệp phải dùng chứng từ thông qua đường phát chuyển nhanh, bây giờ các ngân hàng bắt đầu chấp nhận chứng từ điện tử để quá trình thanh toán diễn ra nhanh hơn, như vậy khi quá trình thanh toán diễn ra nhanh hơn thì khả năng thu hồi vốn (hay khả năng quay vòng vốn của nhà xuất khẩu) sẽ nhanh hơn, như vậy sẽ tránh được tình trạng là bị bên nhập khẩu chiếm dụng vốn và doanh nghiệp sẽ có tiền để quay vòng cho thương vụ tiếp theo. Ngoài ra khi dịch vụ vận tải phát triển thì quá trình vận chuyển hàng hóa diễn ra nhanh hơn và an toàn hơn, như vậy là nhà xuất khẩu sẽ có thể xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn đồng thời rủi ro của họ được giảm xuống trong quá trình xuất khẩu. Hoặc một nghiệp vụ ngân hàng nữa được áp dụng: Nghiệp vụ Factoring và nghiệp vụ Forfeiting (hai nghiệp vụ mới), ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu và Ngân hàng Vietcombank áp dụng hai nghiệp vụ này. Hai nghiệp vụ này là Nghiệp vụ Bao thanh toán, Ngân hàng đứng ra thanh toán toàn bộ gói cần phải thanh toán (có thể thanh toán toàn bộ hoặc một phần; Factoring là một phần, còn Forfeiting là trọn gói; hiện nay mới chỉ Factoring được áp dụng). Với hai nghiệp vụ này sẽ tạo được thuận lợi cho cả người nhập khẩu lẫn người xuất khẩu. Có một điều kiện là: Các ngân hàng nếu muốn cung cấp dịch vụ Factoring và Forfeiting thì họ phải có một dịch vụ trong đó là dịch vụ Option - quyền lựa chọn ngoại tệ, khi họ cung cấp dịch vụ Option thì họ mới được cung cấp hai dịch vụ kia để giảm những rủi ro trong chênh lệch tỷ giá, biến động quá nhiều về tỷ giá. Nhưng khi hai loại hình dịch vụ này được áp dụng thì bên phải chịu rủi ro lớn nhất là bên Ngân hàng nhưng các ngân hàng vẫn chấp nhận bởi trên thị trường có rất nhièu ngân hàng, nếu không làm với ngân hàng này thì khách hàng có thể lựa chọn ngân hàng khác do vậy các ngân hàng chấp nhận chịu rủi ro lớn để thu hút được khách hàng.
3. Thương mại dịch vụ cải biến cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới.
Năm 2002, lượng vốn FDI toàn cầu đạt khoảng trên 2 nghìn tỷ đô la, đến 60% luồng FDI đó được đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, các nhà đầu tư thích đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hơn vì cơ sở hạ tầng ban đầu cần ít vốn và khả năng thu hồi vốn lại cao, nhanh hơn so với đầu tư vào các ngành công nghiệp. Ngoài ra khi cải biến được cơ cấu đầu tư như vậy thì khi thương mại dịch vụ phát triển nó lại kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp. Ví dụ: Dịch vụ kho bãi và cảng biển – khi ở đâu đó có ý định xây dựng một cảng biển thì thông thường không dựa vào tiêu chí là ở khu vực đó có những khu công nghiệp nào để xây cảng mà việc xây cảng sẽ được tiến hành trước sau đó các khu công nghiệp mới hình thành quanh đó. Ở Việt Nam có khu vực cảng Chân Mây, sau khi hình thành dự án xây dựng cảng Chân Mây thì hình thành một loạt các dự án xây dựng các khu công nghiệp quanh đó. Mà việc hình thành một loạt các khu công nghiệp quanh đó là rất hợp lý bởi vì (i) các doanh nghiệp có lợi thế khi vận chuyển nguyên liệu đầu vào từ cảng tới nơi sản xuất, (ii) đồng thời có lợi thế về vị trí khi vận chuyển hàng từ nơi sản xuất ra cảng để phân phối đi các nơi khác, và khi cự ly, khoảng cách giảm như vậy thì rủi ro trong quá trình chuyên chở cũng giảm đi rất nhiều và đồng thời chi phí cũng được giảm theo.
4. Thương mại dịch vụ phát triển giúp tạo ra một lượng công ăn việc làm khổng lồ.
Vai trò này mang ý nghĩa xã hội rất cao. Ví dụ ở Mỹ năm 2002, số lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 86% lực lượng lao động. Đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới thì hiện nay ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động nhất là ngành du lịch với con số là 209,6 triệu lao động, chiếm khoảng 10% lực lượng lao động của toàn thế giới. Và lực lượng lao động này cũng tạo ra một lượng GNP xấp xỉ 10% tổng giá trị GNP của toàn thế giới.
No comments:
Post a Comment