14/06/2014
Bài giảng Quan hệ kinh tế quốc tế - Chương I - TỔNG QUAN VỀ QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ
I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA MÔN HỌC.

1. Một số khái niệm.

1.1. Quan hệ kinh tế đối ngoại.

Quan hệ kinh tế đối ngoại là tổng thể những mối quan hệ về kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ cao của một nền kinh tế với bên ngoài.

Lưu ý:

Quan hệ kinh tế đối ngoại là những bộ phận của nền kinh tế các quốc gia.

Bên ngoài (có thể hiểu là phần còn lại của thế giới).

1.2. Quan hệ kinh tế quốc tế.

Quan hệ kinh tế quốc tế là tổng thể các mối kinh tế đối ngoại của các nền kinh tế xét trên phạm vi toàn thế giới.

Đứng trên góc độ một nước nhìn ra bên ngoài ta có quan hệ kinh tế đối ngoại, đứng trên góc độ không của riêng một quốc gia nào ví dụ như của các tổ chức quốc tế, của một nhà nghiên cứu hay của các chính phủ để khẳng định chính sách nói chung thì các nền kinh tế đối ngoại đan xen với nhau tạo thành quan hệ kinh tế quốc tế.

2. Đối tượng nghiên cứu của môn học.

2.1. Chủ thể của quan hệ kinh tế quốc tế: 

Sẽ đi sâu ở chương VIII – Liên kết kinh tế quốc tế.

a) Nhóm các quốc gia, vùng, lãnh thổ, các nền kinh tế (ở đây vừa có quốc gia vừa có các nền kinh tế là do khái niệm quốc gia và nền kinh tế rất khác nhau: trong đa số các trường hợp thì một quốc gia là một nền kinh tế, nhưng một nền kinh tế chưa chắc đã là một quốc gia, ví dụ như khi nói Nền kinh tế EU ‘nhất là trong điều kiện liên kết kinh tế quốc tế hiện nay’, Nền kinh tế ASEAN v.v... chứ không phải riêng lẻ từng nước. Hoặc với lý do tế nhị trong quan hệ ngoại giao khuôn khổ của APEC thì người ta luôn gọi là các nền kinh tế thành viên chứ không gọi là các quốc gia thành viên như các tổ chức quốc tế khác là do trong APEC có cả Trung Quốc và Đài Loan, nếu như gọi là các quốc gia thành viên thì có nghĩa là APEC thừa nhận Đài Loan là một quốc gia mà như vậy sẽ làm cho Trung Quốc không hài lòng). Do vậy khái niệm các nền kinh tế có thể là rộng hơn hoặc hẹp hơn phạm vi quốc gia tuỳ từng trường hợp và được sử dụng rộng rãi hơn.

b) Nhóm các liên kết kinh tế quốc tế mang tính khu vực, liên khu vực, toàn cầu  - Số lượng các liên kết của các chủ thể này ngày càng tăng là do xu hướng tự do hoá cũng như xu hướng hình thành các liên kết kinh tế quốc tế trên thế giới ngày càng gia tăng (Các liên kết mang tính khu vực như: ASEAN, EU, NAFTA – khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ gồm Mỹ + Canada + Mehico; APEC – là liên kết mang tính liên khu vực vừa có Châu Mỹ vừa có Châu Á, GATT/WTO – Liên kết toàn cầu v.v...).

c) Nhóm các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế (IMF, WB, ADB, IFC – International Financial Co-oporation v.v...).

d) Nhóm các tổ chức của Liên Hiệp Quốc (FAO, UNDP, UNCTAD –United Nations Conference Trade and Development: Diễn đàn của Liên Hiệp quốc về thương mại và phát triển: Đặc thù của diễn đàn này là đứng về khía cạnh của các nước đang phát triển v.v...).

e) Nhóm các công ty, tập đoàn, hãng, xí nghiệp v.v... – Một trong những loại hình công ty sẽ được nghiên cứu nhiều trong môn học này là các công ty xuyên quốc gia, vai trò của loại hình công ty này ngày càng đóng vai trò chủ chốt không chỉ trong thương mại mà còn trong lĩnh vực đầu tư quốc tế và chuyển giao công nghệ; Hầu như những tập đoàn lớn như IBM, Toyota, Nisan, Misubishi, Intel v.v... đều là những tập đoàn xuyên quốc gia, do vậy chiến lược hoạt động của các công ty này như thế nào về các khía cạnh như đầu tư, lý do để tiến hành sáp nhập theo chiều dọc, ngang ... sẽ là những vấn đề được đi sâu sau này.

2.2. Khách thể của quan hệ kinh tế quốc tế.

a) Thương mại quốc tế (Di chuyển hàng hoá và dịch vụ trên quy mô quốc tế – sẽ được nghiên cứu ở Chương II, III, IV).

b) Đầu tư quốc tế (Sự di chuyển vốn trên quy mô quốc tế).

c) Di chuyển quốc tế về hàng hoá sức lao động (Sức lao động sẽ di chuyển trên quy mô quốc tế như thế nào).

d) Quan hệ quốc tế về khoa học và công nghệ (Các đối tượng về công nghệ như bí quyết kỹ thuật, các vấn đề về sở hữu trí tuệ liên quan tới các nước đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam..).

e) Di chuyển quốc tế về tiền tệ.

3. Phương pháp nghiên cứu của môn học.

a) Kết hợp các kiến thức cơ bản đã được học ở các môn học trước như Lịch sử các học thuyết kinh tế, Kinh tế Vi mô, Kinh tế Vĩ mô - những vấn đề liên quan tới sản xuất, tiêu dùng, thặng dư về tiêu dùng, thặng dư về sản xuất, tổng phúc lợi xã hội, khía cạnh thu của chính phủ từ thuế, các khoản chi của chính phủ cho các khoản như trợ cấp, tổng phúc lợi xã hội (được đo bằng thặng dư người tiêu dùng cộng với thặng dư sản xuất cộng với thu của chính phủ ‘nếu có khi chính phủ can thiệp vào việc thu thuế’ hoặc trừ đi chi của chính phủ ‘nếu chính phủ có trợ cấp'.

b) Kết hợp lý luận và thực tiễn.

II. NHỮNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỐI NGOẠI CỦA CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI.

1. Hai loại hình chiến lược.

1.1. Chiến lược đóng cửa nền kinh tế.

Nội dung:

Khi áp dụng chiến lược đóng cửa nền kinh tế, các quốc gia hạn chế mở rộng các mối quan hệ kinh tế đối ngoại với bên ngoài, phát triển kinh tế bằng nội lực là chính, thực hiện tự cung tự cấp bằng những nguồn lực trong nước.

Mục đích:

Xây dựng một nền kinh tế tự chủ hoàn toàn dựa trên khả năng của mình.

Giảm sự phụ thuộc kinh tế vào bên ngoài.

Ưu điểm:

Xây dựng một nền kinh tế tự chủ là nền tảng bảo đảm cho sự độc lập về chính trị.

Các nguồn lực trong nước được khai thác tối đa để thoả mãn nhu cầu trong nước.

Tốc độ phát triển kinh tế ổn định. Nền kinh tế ít bị ảnh hưởng bởi những biến động xấu (khủng hoảng) của nền kinh tế thế giới. (Ví dụ: trường hợp của Việt Nam khi Khu vực Châu á có cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đó thì Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng đến nền kinh tế, trong khi đó cuộc khủng hoảng đó ảnh hưởng rất lớn đến các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia v.v... Đã có một loạt những lý giải tại sao Việt Nam lại không bị ảnh hưởng nhiều, những lý giải đó thiên về tính tích cực như: Có hướng chủ động, Dự báo trước v.v..; nhưng về khía cạnh kinh tế thì bản chất của vấn đề là do nền kinh tế của Việt Nam khi đó còn rất đóng, chưa hội nhập sâu với các nền kinh tế khác trong khu vực – Hội nhập sâu được thể hiện ở điểm quan hệ với các nhà đầu tư trong khu vực, vay vốn của các ngân hàng ở Thái Lan, Indonesia, quan hệ đầu tư thương mại, công nghệ v.v.. những đan xen về kinh tế với các nước trong khu vực của Việt Nam còn thấp ở thời điểm đó, do vậy khi những Ngân hàng ở Thái Lan, Indonesia v.v.. bị phá sản thì Việt Nam không có nhiều những khoản vay ở đó. Nếu như bây giờ mà xảy ra cuộc khủng hoảng trong khu vực như vậy thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất to lớn vì mức độ hội nhập của Việt Nam hiện giờ đã rất cao so với thời điểm đó.

Nhược điểm:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng chậm.

Nền kinh tế bị tụt hậu so với bên ngoài.

Các nguồn lực trong nước được khai thác tối đa nhưng không hiệu quả.

Thị trường nội địa nghèo nàn, chật hẹp, giá cả đắt đỏ, hàng hoá kém đa dạng, và người tiêu dùng không có điều kiện để thoả mãn nhu cầu của mình một cách tốt nhất.

Qua bốn nhược điểm trên ta thấy đối với các nước áp dụng chiến lược này thì tốc độ phát triển kinh tế ổn định nhưng rất chậm, tụt hậu so với bên ngoài (vd: nền kinh tế của các nước Châu á những năm 1970 so với Việt Nam không có sự cách biệt là mấy ‘như Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông đã là một trong những khu vực kinh tế rất sầm uất’ nhưng sau một thời gian tương đối đóng cửa ‘mở cửa với Đông Âu; nhưng đóng với các khu vực khác’ tới khi mở cửa năm 1986 thì các nước trong khu vực đã tiến rất xa so với Việt Nam).

Trong một dịp phỏng vấn những Việt Kiều, có một Việt Kiều ở Nhật có trả lời câu hỏi: Ai cũng biết rằng đóng cửa hay bảo hộ (đóng cửa nói chung, bảo hộ trong lĩnh vực mậu dịch nói riêng) là một chiến lược không tốt sẽ làm cho người tiêu dùng thiệt thòi (nếu như đã biết về kinh tế, quản trị kinh doanh ta đều biết rằng bảo hộ hay đóng cửa sẽ làm cho người tiêu dùng bị thiệt bởi vì giá cả sẽ tăng lên do bảo hộ thì sẽ phải đóng thuế, khi giá tăng thì lượng tiêu dùng sẽ giảm đi trên cơ sở đường cầu). Ông đã lập luận như sau: Nếu không có bảo hộ thì giá thế giới ở mức độ P1, và sản xuất, tiêu dùng ở lượng Q1, giao điểm của P1 và Q1 là H phần tam giác PP1H là thặng dư của người tiêu dùng (Consumer Surplus). Khi có bảo hộ mà bảo hộ mức độ càng cao thì tác động của nó càng lớn thì sẽ tác động làm mức giá tăng lên P2, do vậy người tiêu dùng cắt giảm làm lượng giảm xuống mức Q2, thặng dư giảm đi xuống còn diện tích của PP2H2. Trong xã hội ai cũng là người tiêu dùng (người sản xuất, gia đình, cá nhân, chính phủ v.v..) do vậy nếu nói rằng người tiêu dùng bị thiệt thòi thì ai cũng bị thiệt thòi cả (nhưng trong các vòng đàm phán của WTO, luôn luôn các bên đều mong muốn phải bảo hộ ngành này, ngành kia). Ông nói tiếp: Người ta muốn có tiêu dùng được thì phải có thu nhập thì mới có thể trang trải được khoản tiêu dùng của mình. Muốn có thu nhập thì phải có công ăn việc làm, mà bảo hộ thì tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người. Nếu tham gia vào WTO, khi các doanh nghiệp cảm thấy mình đã đủ mạnh, nếu không thì mức độ cạnh tranh cao, số lượng các doanh nghiệp phải lao đao sẽ tăng lên rât nhiều và kéo theo là tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Bảo hộ tạo ra công ăn việc làm chính vì vậy giúp cho nhiều người có thể trang trải được những chi phí của minh, do vậy bảo hộ / đóng cửa có tính hai mặt: (i) làm cho người tiêu dùng bị thiệt thòi, thị trường nghèo nàn, số lượng hàng hoá thấp, giá cả cao; nhưng ngược lại (ii) về khía cạnh xã hội thì lại tạo công ăn việc làm. Do vậy để phát triển trong dài hạn bảo hộ vẫn rất cần.

1.2. Chiến lược mở cửa nền kinh tế.

Nội dung:

Các nước thực hiện việc mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại với bên ngoài, trọng tâm là hoạt động ngoại thương trong đó chú trọng hàng đầu là đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút và sử dụng vốn, công nghệ bên ngoài để khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong nước.

Ưu điểm:

Tốc độ phát triển kinh tế cao và nhanh do có thể kết hợp sử dụng có hiệu quả các yếu tố bên trong và bên ngoài phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế.

Thị trường rộng mở, hàng hoá đa dạng, phong phú có chất lượng và người tiêu dùng có thể thoả mãn nhu cầu của mình một cách tốt nhất.

Tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, kích thích được sản xuất phát triển.

Tất nhiên trong điều kiện cạnh tranh như vậy sẽ có những rủi ro, doanh nghiệp nào có thể tồn tại và doanh nghiệp nào không thể tồn tại được. Doanh nghiệp nào tồn tại được trong điều kiện mở cửa, hội nhập thì sẽ được hưởng lợi nhiều vì thị trường sẽ rộng mở, không có thuế xuất khẩu sang các nước khác thay vì khi chưa có Tối huệ quốc thì bị áp hàng rào thuế quan cao làm cho doanh nghiệp bị kìm hãm về khía cạnh thị trường.

Thực tiễn đã chứng minh rằng chiến lược mở cửa nền kinh tế là rất đúng đắn. VD: Hiện nay hàng hoá ở Việt Nam rất phong phú, nhiều hơn hẳn 5 năm trước đây, giá cả cạnh tranh. Người tiêu dùng có thể lựa chọn rất nhiều mặt hàng mà mình cần với mọi mức giá mà họ có thể. Đấy chính là kết quả của chiến lược mở cửa, nhưng cái gì cũng có tính hai mặt, đó là do có sự dồi dào hàng hoá như vậy nên có rất nhiều loại hàng giả.

Nhược điểm:

Nền kinh tế phụ thuộc và chịu tác động gián tiếp hoặc trực tiếp của những biến động xấu mà nền kinh tế thế giới có thể đưa lại. (vd: như giá dầu mỏ trên thế giới mà leo thang thì lập tức Việt Nam cũng có xu hướng tăng giá).

Tốc độ phát triển kinh tế cao, nhanh nhưng không ổn định. (Gọi là phát triển kinh tế nóng, tuy cao nhưng nếu có khủng hoảng thì lập tức đứng chững lại ngay).

Nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng mất cân đối. (Là việc quá thiên về khía cạnh sản xuất hàng hoá để xuất khẩu, nếu như thị trường không ổn định, không xuất khẩu được nữa thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị chao đảo).

1.3. Việc lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại của các nước trên thế giới hiện nay.

Các nước đều thực hiện chiến lược mở cửa kinh tế nhưng không hoàn toàn (vẫn có sự can thiệp của nhà nước – bảo hộ một số ngành; mức độ can thiệp đến đâu thì tuỳ vào nền kinh tế của mỗi nước, chiến lược của từng chính phủ).

Mở cửa nề kinh tế là sự lựa chọn tất yếu của các nước trên thế giới hiện nay nếu muốn tồn tại và phát triển.

III. BỐI CẢNH QUỐC TẾ CỦA QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ HIỆN NAY.

1. Đặc điểm 1:

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, xu thế chung của thế giới hiện nay là xu thế hoà hoãn, chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Tuy nhiên, những xung đột quốc tế vẫn còn và ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của kinh tế thế giới, và những xung đột chính trị thường tạo ra những ảnh hưởng lớn về kinh tế.

Nguyên nhân gì gây ra những xung đột trong môi trường kinh tế quốc tế hiện nay?

Mặc dù số lượng các cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới đã giảm nhưng những xung đột vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Những nguyên nhân gây ra những xung đột đó là những vấn đề về tôn giáo (đạo hồi, thiên chúa giáo), khủng bố (11/9), tranh chấp lãnh thổ (tranh chấp giữa các nước trong khu vực như Việt Nam – Trung Quốc, Indonesia – Malaysia v.v..). Khi còn những xung đột như vậy thì kinh tế bị ảnh hưởng rất nhiều. Như sau khi xảy ra cuộc khủng bố 11/9, thì mọi người rất sợ đi máy bay đã gây ra tình trạng làm cho các hãng hàng không trên thế giới bị lâm vào tình trạng khủng hoảng phải sa thải rất nhiều nhân công lao động.

2. Đặc điểm 2:

Cách mạng khoa học công nghệ ngày càng phát triển với nội dung rộng lớn ngày càng tác động trực tiếp tới mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội ở tất cả các nước.

Cuộc cách mạnh khoa hoặc công nghệ đã làm xuất hiện nền kinh tế tri thức mà đặc thù của kinh tế tri thức ta có thể thấy rất quan trọng như vai trò của công nghệ thông tin, người máy, thương mại điện tử v.v... Có rất nhiều khái niệm về nền kinh tế tri thức nhưng ta có thể hiểu rằng trong kinh tế tri thức vai trò của chất xám (hàm lượng chất xám), tri thức tạo ra giá trị sản phẩm ngày càng tăng.

Cách mạng khoa học công nghệ sẽ tác động tới cơ cấu trao đổi, trước kia nước nào giàu thì là những nước có nền công nghiệp phát triển, nhưng hiện nay cách đo lường để xem một nước phát triển hay không thì không thể dựa vào chỉ số về đóng góp của công nghiệp trên tổng GDP nữa mà sẽ được tính trên phần đóng góp của lĩnh vực dịch vụ cho tổng GDP.

3. Đặc điểm 3:

Trong nhiều thập kỷ gần đây, khu vực kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đã nổi lên, trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, năng động nhất thế giới. Cho dù là trước hay sau cuộc khủng hoảng năm 1997, khu vực này vẫn được coi là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, đây vẫn là khu vực thu hút được đầu tư nước ngoài lớn nhất. Một trong những mô hình mà được thế giới nhắc đến về phát triển ở khu vực này là mô hình “Đàn sếu bay” – một nước dẫn đầu đi trước (Nhật Bản từ những năm 50, 60), sau đó các nước khác đi theo (như Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan) rồi tiếp theo như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillipin v.v... Cơ chế của mô hình này là chuyển giao công nghệ, theo lý thuyết vòng đời sản phẩm để thực hiện chuyển giao công nghệ, đầu tư nước ngoài, các nước phát triển xong sẽ chuyển giao cho các nước tiếp theo. Tuy nhiên, mô hình này không được nhắc tới nữa sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997.

4. Đặc điểm 4:

WTO giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới.

IV. TỔNG QUAN VỀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI - WTO.

1. Bối cảnh lịch sử.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (1870-1914), được coi như thời vàng son của tự do hoá thương mại, của mở cửa quan hệ kinh tế quốc tế. Sau đó do xảy ra các cuộc chiến tranh trên thế giới lần thứ nhất , lần thứ hai, trong thời gian chiến tranh (đặc biệt là các nước Châu Âu) tập trung nguồn lực cho chiến tranh không chú ý tới kinh tế chính vì vậy các chính phủ thực hiện chính sách bảo hộ chặt chẽ để tiết kiệm tiêu dùng. Do vậy, nền kinh tế thế giới chứng kiến những cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau những cuộc chiến tranh thế giới. Những cuộc khủng hoảng đó bị đổ lỗi phần lớn là do chính sách bảo hộ mậu dịch của các nước trong thời kỳ chiến tranh, tuy nhiên bảo hộ mậu dịch không phải là lý do duy nhất mà còn là do chiến tranh nên các nước không thể có được mối quan hệ chính trị hài hoà.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các nước thấy rằng cần thiết phải tạo lập môi trường quốc tế mở hơn.

Tránh những sai lầm của có thể lặp lại là bảo hộ gây ra khủng hoảng kinh tế trong thời kỳ giữa các cuộc chiến tranh. Các nước cố gắng tạo ra một môi trường kinh tế mở hơn để có thể xoá bỏ sự suy thoái cũng như kích thích nền kinh tế Châu Âu. Đã có nhiều chương trình phục hồi sau chiến tranh, một trong những chương trình đó chính là Kế hoạch Marshall của Mỹ, đây là một trong những công cụ mà Mỹ muốn giúp Châu Âu để phục hồi lại nền kinh tế. Trong thời kỳ đó Châu Âu nền kinh tế Châu Âu đang suy kiệt chỉ có Mỹ là hùng mạnh, tuy  nhiên chỉ một mình Mỹ với kế hoạch đó thì chưa đủ do vậy các nước muốn tìm ra một cơ chế để có thể thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển bằng cách xoá bỏ bảo hộ, nhưng vấn để không chỉ có xoá bảo hộ (tự mình xoá bỏ các hàng rào thuế quan để hàng hoá các nước xâm nhập vào nhưng hàng hoá của nước mình lại không thể bán ra các nước khác) do vậy các nước cùng nhau tìm một giải pháp để các nước cùng nhau giảm thuế để các nước cùng có ảnh hưởng tới nhau.

Năm 1944 tại Bretton Woods - Mỹ: đưa ra giải pháp.

Bốn trụ cột của nền kinh tế thế giới ra đời:

Ngân hàng Quốc tế về tái thiết và phát triển (IBRD – International Bank for Reconstruction Development). Có tên gọi này là vì Ngân hàng này có nhiệm vụ tái thiết và phát triển Châu Âu – Hiện nay Ngân hàng này đã trở thành Ngân hàng Thế giới – WB, vì sau khi giúp đỡ Châu Âu trở thành một khu vực có nền kinh tế mạnh của thế giới, Ngân hàng này chuyển mục tiêu để hỗ trợ các nước nghèo trên thế giới nên đã được đặt lại tên như vậy.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF – International Money Fund).

Tổ chức thương mại quốc tế (ITO – International Trade Organization; đây chính là tổ chức tiền thân của WTO – Tổ chức thương mại thế giới)

Quỹ bình ổn giá cả (PSF – Price Stabilization Fund)

2. Giới thiệu về GATT.

Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch General Agreement on Tariff and Trade - GATT.

GATT được ký tại Geneva vào ngày 30 tháng 10 năm 1947 bởi 23 nước và có hiệu lực chính thức từ ngày 1 tháng 1 năm 1948.

ITO được thành lập tại Havana (1948), ký kết bởi 53 thành viên (nằm trong khuôn khổ Bretton Wood).

ITO sụp đổ vào năm 1950: chỉ sau hai năm thành lập – lý do sụp đổ là do Thượng nghị viện Mỹ, và Anh đã không phê chuyển về việc cho ra đời ITO; lý do mà Mỹ không phê chuẩn là bởi hai lý do (i) lúc đó thế giới không thể có 3 cực kinh tế Mỹ – Tây Âu – Nhật Bản như sau này mà chỉ có Mỹ do vậy nếu như có ITO đứng lên để điều phối quan hệ kinh tế toàn cầu thì vô hình chung Mỹ đã trao quyền lực vào tay một tổ chức đứng ra để giải quyết vấn đề trong khuôn khổ quốc tế do vậy Mỹ không muốn, Tuy nhiên tới năm 1995 điều đó không thể tồn tại thêm nữa vì tới thời điểm này không chỉ có Mỹ là cường quốc kinh tế nữa mà phải theo xu thế chung thương mại hội nhập toàn cầu; (ii) Ngoài ra lý do khác nữa là do chiến tranh. Do vậy, ITO là một tổ chức có cơ cấu chặt chẽ đã không tồn tại được, trên cơ sở là một cơ cấu chặt – các nước sẽ phải cam kết với nhau cái gì thì phải thực hiện cái đó; Các vòng đàm phán trong khuôn khổ của GATT vẫn được thực hiện – hay nói cách khác ITO bị sụp đổ nhưng GATT vẫn tồn tại dưới dạng “lỏng” qua những vòng đàm phán – do vậy khi nói về GATT người ta thường nói tới những vòng đàm phán trong khuôn khổ GATT. Việc sụp đổ của ITO mà GATT vẫn tồn tại thể hiện một cơ chế chặt chưa tồn tại được nhưng một cơ chế lỏng thì vẫn có thể tồn tại được để đàm phán với nhau nhưng không mang tính chất sâu, có những điều có thể thực hiện nhưng không phải bắt buộc.

3. Sự ra đời của WTO.

Sự ra đời của WTO được thực hiện trong vòng đàm phán thứ 8 (1986-1994; vòng đàm phán Urugoay tại Geneva)

Sự ra đời của WTO có thể được lý giải bởi một số lý do sau:

Nhiều hình thức bảo hộ mới xuất hiện thay vì hình thức thuế quan trước kia, những rào cản tinh vi hơn ví dụ như những quy định về môi trường, an toàn thực phẩm v.v...

Sự phát triển và mở rộng các hoạt động thương mại gắn với đầu tư, dịch vụ, chuyển giao công nghệ do vậy khuôn khổ của WTO không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hàng hoá do vậy còn có nhiều hiệp định khác như: GATT – Thương mại hàng hoá hữu hình; GATS -  thương mại dịch vụ; TRIM's, TRIPs

Thương mại hàng nông sản và hàng dệt may chưa được đề cập tới trong GATT vì được coi là những lĩnh vực nhạy cảm.

Thể chế và hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT quá lỏng lẻo nên bị một số nước thành viên chỉ trích. Cơ chế giải quyết tranh chấp trên cơ sở đồng thuận; thể chế không mang tính ràng buộc do vậy sau khi giải quyết tranh chấp nếu có bên nào không thực hiện xử phạt thì GATT cũng không có biện pháp gì để bắt buộc thực hiện.

Do vậy, tháng 12 năm 1994, tại vòng đàm phán Urugoay ở Marrakesh (Marốc): Hiệp định thành lập WTO được ký kết.

Ngày 1 tháng 1 năm 1995, WTO chính thức ra đời. WTO là sự kế thừa của GATT nhưng chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn, mở rộng hơn.

Sự khác nhau giữa GATT và WTO

Về tính thể chế: WTO là một tổ chức có tư cách pháp nhân còn GATT thì không, do vậy WTO có thể đứng ra để đàm phán với EU, Mỹ, WB, IMF v.v...

Về phạm vi điều chỉnh: WTO có phạm vi điều chỉnh lớn hơn GATT; GATT chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; còn WTO điều chỉnh thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, hàng dệt may v.v...

Về tính ràng buộc: GATT không có tính ràng buộc; WTO có tính ràng buộc rất rõ ràng, nếu như quốc gia nào cam kết gì thì phải thực hiện cam kết đó.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp: WTO có cơ chế giải quyết chặt chẽ và có hiệu quả, không phải thực hiện trên cơ chế đồng thuận mà có hẳn một cơ quan giải quyết tranh chấp DSB (Dispute Settlement Body) tương tự như một toà án của WTO do vậy số lượng đưa ra tranh chấp nhờ WTO giải quyết rất nhiều. Một điều hứa hẹn khi đưa ra để DSB giải quyết đó là các nước đang phát triển có cơ hội thắng rất cao (vd: Trung Quốc, các nước ở Nam Mỹ và một số nước khác cùng nhau kiện Mỹ về hàng dệt may và đã thắng –2004).

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment