01/03/2014
Đề cương ôn tập Luật Dân sự module 1 - Chương 3 - Giao dịch dân sự
Chương 3: GIAO DỊCH DÂN SỰ

1. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ GIAO DỊCH DÂN SỰ

1.1 Khái niệm giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự được hình thành từ hai tiền đề:

- Tiền đề khách quan: do sự phát triển của xã hội, giao dịch dân sự trở thành phương tiện hữu hiệu để thỏa mãn quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể
- Tiền đề chủ quan: Chủ thể tham gia giao dịch dân sự nhằm thỏa mãn lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần của chủ thể, và do ý chí tự nguyện của chủ thể tham gia giao dịch đó.

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự là các quyền và nghĩa vụ của chủ thể được pháp luật đảm bảo thực hiện.

1.2 Phân loại giao dịch dân sự

1.2.1 Căn cứ vào sự thể hiện ý chí của chủ thể trong việc xác lập giao dịch dân sự

- Hành vi pháp lý đơn phương: là sự tuyên bố ý chí công khai của một phía chủ thể nên việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự trước hết phụ thuộc vào ý chí của chủ thể đó. Ví dụ: lập di chúc
- Hợp đồng dân sự: là thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

1.2.2 Căn cứ vào sự tự nguyện của chủ thể tham gia giao dịch dân sự

- Giao dịch dân sự được phát sinh theo ý chí của chủ thể:     là các giao dịch nhằm thỏa mãn lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần của chủ thể, do đó chủ thể có toàn quyền quyết định có tham gia vào giao dịch dân sự đó hay không
- Giao dịch dân sự được phát sinh theo ý chí của nhà nước: là các giao dich vì lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước hoặc vì những lý do khác. Trong trường hợp này buộc các chủ thể phải tham gia giao dịch.

1.2.3 Căn cứ vào hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự được xác lập

- Giao dịch dân sự có hậu quả pháp lý là làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự.
- Giao dịch dân sự có hậu quả pháp lý là làm thay đổi quyền và nghĩa vụ dân sự.
- Giao dịch dân sự có hậu quả pháp lý là làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.

1.2.4 Căn cứ vào hình thức thể hiện của giao dịch dân sự

- Giao dịch dân sự thể hiện dưới hình thức lời nói: được áp dụng đối với các giao dịch dân sự mà chủ thể có sự quen biết, tin cậy lẫn nhau, đối tượng của giao dịch có giá trị nhỏ hoặc với các giao dịch dân sự phát sinh hậu quả pháp lý sau khi thỏa thuận và các bên thực hiện nghĩa vụ ngay sau đó giao dịch chấm dứt.
- Giao dịch dân sự thể hiện dưới hình thức văn bản: hình thức văn bản có thể do pháp luật qui định hoặc do các bên thỏa thuận. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.
- Giao dịch dân sự thể hiện dưới hình thức hành vi cụ thể: bán hàng qua máy tự động, rút tiền ở các máy rút tiền

1.2.5 Giao dịch dân sự có điều kiện

Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra giao dịch dân sự tự phát sinh hoặc hủy bỏ. Điều kiện trong giao dịch dân sự có thể do một bên đưa ra hoặc do các bên thỏa thuận.

Điều kiện trong giao dịch dân sự có điều kiện có thể là điều kiện làm phát sinh hoặc điều kiện làm hủy bỏ giao dịch.

Điều kiện trong giao dịch dân sự phải là những điều kiện có thể xảy ra trong tương lai, có thể thực hiện được và không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Trong trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở của một bên hoặc của nguời thứ ba thì coi như điều kiện đó đã xảy ra. Nếu có sự tác động của một bên hoặc của người thứ ba cố ý thúc đẩy cho điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.

2. ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA GIAO DỊCH DÂN SỰ

2.1 Khái niệm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là điều kiện do pháp luật qui định mà một giao dịch dân sự muốn phát sinh hiệu lực pháp lý thì phải thỏa mãn những điều kiện đó

2.2 Các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

2.2.1 Điều kiện về chủ thể tham gia

Người tham gia giao dịch phải có năng lực hành vi dân sự

2.2.1.1 Đối với cá nhân

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự

- Đối với người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: có toàn quyền trong việ xác lập, thực hiện các giao dịch vì lợi ích của mình hoặc lợi ích của người khác

- Đối với người có năng lực hành vi dân sự một phần từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi:

+ Pháp luật dân sựu đã chấp nhận một số giao dịch dân sự nhất định phát sinh hậu quả pháp lý nếu giao dịch dân sự đó do người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi xác lập thực hiện
+ Nếu pháp luật có qui định khác thì giao dịch dân sự của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật
+ Nếu pháp luật qui định với các giao dịch dân sự liên quan đến người chưa thành niên từ đủ 15 đến dưới 18 tuồi buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của người này thì giao dịch dân sự cũng phải đáp ứng qui định này.

- Đối với người có năng lực hành vi dân sự một phần (từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi, người bị tòa án ra quyết định hạn chế năng lực hành vi dân sự): khi xác lập thực hiện giao dịch, phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ các giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi.

- Đối với người dưới 6 tuổi, người bị tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự: thì không được xác lập thực hiện giao dịch dân sự, mọi giao dịch dân sự của họ đều phải do người đại diện theo pháp luật xác lập thực hiện.

2.2.1.2 Đối với pháp nhân

- Pháp nhân là một thực thể pháp lý, khi tham gia giao dịch dân sự phải thông qua hành vi của người đại diện của pháp nhân

- Trong việc tham gia giao dịch dân sự, pháp nhân được phép tham gia các giao dịch phù hợp với mục đích hoạt động, phạm vi hoạt động, lĩnh vực kinh doanh của pháp nhân

2.2.1.3 Đối với hộ gia đính

- Các giao dịch dân sự mà hộ gia đình tham gia phải là những giao dịch được phép theo qui định của pháp luật, vì hộ gia đình là chủ thể hạn chế của quan hệ pháp luật dân sự.

- Các giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập thực hiện vì lợi ích chung của hộ gia đình làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ

- Đối với việc định đoạt tư liệu sản xuất và tài sản chung có giá trị lớn thì buộc phải có sự đồng ý của các thành viên trong hộ từ đủ 15 tuổi trở lên; Đối với tài sản chung khác phải được sự đồng ý của đa số các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên

2.2.1.4 Đối với tổ hợp tác

- Các giao dịch dân sự mà tổ hợp tác tham gia cũng là giao dịch bị hạn chế theo qui định của pháp luật, tính hạn chế này được xác định bởi hợp đồng hợp tác.

- Các giao dịch dân sự do người đại diện của tổ hợp tác xác lập thực hiện vì mục đích hoạt động của tổ hợp tác theo quyết định của đa số tổ viên làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả tổ hợp tác.

- Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất của tổ hợp tác phải được toàn thể tổ viên đồng ý, đối với các loại tài sản khác phải được đa số tổ viên đồng ý.

2.2.2 Điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch

Mục đích của giao dịch dân sự là những lợi ích (vật chất hoặc tinh thần)  hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó.

Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Điều cấm của pháp luật là những qui định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

2.2.3 Điều kiện về ý chí của chủ thể tham gia giao dịch dân sự

Điều kiện về ý chí của chủ thể là khi tham gia giao dịch chủ thể phải có sự tự nguyện.

Ý chí là nguyện vọng, mong muốn chủ quan bên trong của chủ thể và phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định. Ý chí này phải được kiểm soát bởi lý trí của chủ thể. Khi nguyện vọng bên trong thể hiện ra bên ngoài đúng như vậy thì khi đó cho thấy chủ thể có sự tự nguyện.

Những trường hợp sau đây chủ thể không có sự tự nguyện khi tham gia giao dịch:

2.2.3.1 Giao dịch dân sự được xác lập bởi sự giả tạo

Là giao dịch dân sự được xác lập để che dấu một giao dịch khác hoặc để trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba.

* Giao dịch dân sự được xác lập với mục đích nhằm che giấu một giao dịch khác: Giao dịch giả tạo để che giấu giao dịch khác luôn vô hiệu, còn giao dịch bên trong (bị che giấu) vẫn có hiệu lực pháp lý. Nếu giao dịch bên trong cũng vi phạm vào các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch đó cũng vô hiệu.

* Giao dịch dân sự được xác lập với mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba, thể hiện ở hai trường hợp.

- Bản thân chủ thể tham gia giao dịch đã tồn tại một nghĩa vụ với chủ thể khác, do đó để trốn tránh nghĩa vụ này, chủ thể đẫ xác lập giao dịch giả tạo.
- Khi tham gia giao dịch chủ thể có thể phải thực hiện một nghĩa vụ đối với nhà nước, nhưng chủ thể đã xác lập giao dịch với sự giả tạo.

* Trên thực tế có trường hợp một giao dịch dân sự được thể hiện ra bên ngoài nhưng hoàn toàn không có thực và cũng không nhằm che giấu một giao dịch nào cả  giao dịch dân sự được xác lập bởi sự tưởng tượng.

2.2.3.2 Giao dịch dân sự được xác lập bởi sự nhầm lẫn

Bản thân chủ thể xác lập giao dịch có sự nhầm lẫn nhưng chỉ xác định là giao dịch dân sự được xác lập bởi sự nhầm lẫn nếu chủ thể phía bên kia có lỗi vô ý.

Bên cạnh sự nhầm lẫn về nội dung của giao dịch còn có sự nhầm lẫn về chủ thể xác lập giao dịch.

2.2.3.3 Giao dịch dân sự được xác lập bởi sự lừa dối

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

2.2.3.4 Giao dịch dân sự được xác lập bởi sự đe dọa

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.

Để có thể xác định là giao dịch dân sự được xác lập bởi sự đe dọa phải đáp ứng các điều kiện:

- Bên đe dọa thực hiện hành vi đe dọa với lỗi cố ý, mục đích là làm phía bên kí phải xác lập giao dịch dân sự với mình hoặc chủ thế mà bản thân bên đe dọa mong muốn.
- Hành vi đe dọa nhằm làm cho bên bị đe dọa hoàn toàn tê liệt ý chí mà không còn sự lựa chọn nào khác
- Chủ thể bị đe dọa có thể là một bên trong giao dịch nhưng cũng có thể là người khác
- Hành vi đe dọa chưa gây thiệt hại về đối tượng đe dọa mà hành vi đó hướng tới, tức là bên bị đe dọa mới chỉ sợ hãi về hậu quả của sự đe dọa có thể xảy ra

2.2.3.5 Giao dịch dân sự được xác lập mà vào thời điểm xác lập, người xác lập không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình

Việc không nhận thức và làm chủ được hành vi của chủ thể khi xác lập giao dịch có thể do ý chí chủ quan của người này nhưng cũng có thể do chủ thể khác hoặc do nguyên nhân khách quan.

2.2.4 Điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự

Về nguyên tắc, nếu pháp luật không qui định hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch thì giao dịch dân sự có hiệu lực pháp lý khi thỏa mãn các điều kiện được qui đinh trong BLDS.

Nếu pháp luật qui định giao dịch dân sự buộc phải tuân theo hình thức đó thì khi xác lập giao dịch chủ thể phải tuân theo.(Điều 122)

2.3 Giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

2.3.1 Khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự không thỏa mãn một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự do pháp luật qui định.

2.3.2 Phân loại giao dịch dân sự vô hiệu

2.3.2.1 Dựa vào thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

* Giao dịch dân sự không bị hạn chế về thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu:

- Là những giao dịch mà mức độ vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là nghiêm trọng nên theo qui định của pháp luật, một số giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế về thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
- Bất  cứ lúc nào chủ thể cũng có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu, thậm chí nếu không có yêu cầu thì giao dịch đó cũng bị xác định là vô hiệu.

* Giao dịch dân sự bị hạn chế về thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu:

- Mức độ vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch không nghiêm trọng.
- Tùy thuộc vào lợi ích của mình mà các chủ thể có thể hoặc không yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

2.3.2.2 Dựa vào mức độ vi phạm đối với từng giao dịch dân sự cụ thể

* Giao dịch dân sự vô hiệu toàn bộ:

- Tất cả nội dung của giao dịch đều vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch.
- Có một số nội dung của giao dịch vô hiệu nhưng trực tiếp ảnh hưởng tới các phần còn lại của giao dịch.

* Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần:

- Có một số nội dung của giao dịch vi phạm vào các điều kiện có hiệu lực của giao dịch, còn các nội dung khác không vi phạm.
- Một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến các phần khác của giao dịch.

2.3.2.3 Dựa vào mức độ vi phạm nghiêm trọng hay không nghiêm trọng của giao dịch dân sự

* Giao dịch dân sự đương nhiên vô hiệu: chính là các giao dịch dân sự không bị hạn chế về thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

* Giao dịch dân sự vô hiệu khi có yêu cầu là giao dịch dân sự bị hạn chế về thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

2.3.2.4 Phân loại giao dịch dân sự vô hiệu theo qui định của BLDS 2005

- Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội
- Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
- Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập thực hiện
- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn
- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị đe dọa, bị lừa dối
- Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi cuả mình
- Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ qui định về hình thức

2.3.3 Thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

* Các giao dịch dân sự không bị hạn chế về thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu: là những giao dịch mà mức độ vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch là nghiêm trọng. Gồm: giao dịch dân sựu vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội, giao dịch dân sự xác lập do giả tạo.

* Giao dịch dân sự có thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 2 năm kể từ ngày xác lập giao dịch gồm:

- Giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập thực hiện.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn
- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị đe dọa, bị lừa dối
- Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi cuả mình
- Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ qui định về hình thức

* Trong việc xác định thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự cần lưu ý:

- Đối với giao dịch dân sự được giao kết trước ngày 1/7/1996 thuộc trường hợp qui định tại Khoản 1 Điều 15 Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 bao gồm: nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội, một hoặc các bên không có quyền giao kết hợp đồng thì thời gian yếu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.
- Đối với giao dịch dân sự được giao kết trước ngày 1/7/1996 thuộc trường hợp qui định tại Khoản 2 và 3, Điều 15 Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 bao gồm: hợp đồng do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập thực hiện, hợp đồng dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, hợp đồng dân sự vô hiệu do bị đe dọa, bị lừa dối, thì thời hạn yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo Qui định tại Điều 56 của Pháp lệnh hợp đồng dân sựu là 3 năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập.
- Đối với giao dịch dân sự được xác lập từ ngày 1/7/1996 đến trước ngày 1/1/2005 mà BLDS và các văn bản pháp luật khác không qui định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu, thì kể từ ngày 1/1/2005, việc xác định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được xác định theo điều 159 BLTTDS
- Đối với giao dịch dân sự được xác lập từ ngày 1/1/2005 thì thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo qui định của BLTTDS 2004
- Các qui định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự cũng được áp dụng khi xem xét đến thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

2.3.4 Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

Việc xác định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu căn cứ vào mức độ vi phạm một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và căn cứ vào yếu tố lỗi của chủ thể.

Hậu quả pháp lý trực tiếp mà các chủ thể phải gánh chịu bao gồm:

- Khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền. Trong trường hợp các bên chưa thực hiện giao dịch thì không thực hiện giao dịch, nếu giao dịch thực hiện đến đâu thì dừn đến đó.
- Đối với những trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo qui định của pháp luật: là do các giao dịch dân sự có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu cần xác định lỗi của các bên để yêu cầu bồi thường cũng như để các bên phải chịu hậu quả khác tương ứng với mức độ lỗi của mình

2.3.5 Vấn đề về bảo vệ quyền của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

Người thứ ba ở đây chỉ là người liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu chứ không phải một bên trong giao dịch dân sự vô hiệu. Khi bảo vệ quyền lợi của người thứ ba khi giao dịch dân sự vô hiệu cần chú ý:

- Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giáo bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp qui định tại Điều 257

- Trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ban gay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba nhận được tài sản này thông qua qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị sửa.



No comments:

Post a Comment