20/08/2014
Phân tích tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (điều 145) - Bình luận khoa học bộ luật hình sự - tập 2
13. TỘI VÔ Ý GÂY THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG ĐẾN TÀI SẢN (ĐIỀU 145)

Điều luật không miêu tả hành vi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, nhưng căn cứ vào các quy định của pháp luật và khoa học luật hình sự thì:

Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là hành vi của một người tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, nhưng cho rằng thiệt hại đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản,mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước.

Nếu tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước người phạm tội là người có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản bị thiệt hại, còn ở tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản người phạm tội không có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản bị thiệt hại.

Tài sản bị thiệt hại trong tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước là tài sản Nhà nước, còn tài sản bị thiệt hại trong tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là tài sản của công dân, của tổ chức xã hội, tổ chức nước ngoài... không phải là tài sản của Nhà nước.

Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản quy định tại Điều 145 Bộ luật hình sự là tội dược nhập từ tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tạ Điều 140 và tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công dân quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự năm 1985. Nói chung tội phạm này không có gì mới so với hai tội quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, Điều 145 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định cụ thể tài sản bị thiệt hại nghiêm trọng là tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.


A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Cũng tương tự như đối với các tội xâm phạm sở hữu khác, người phạm tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của là người phải đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng. ( khoản 1 của điều luật có mức cao nhất của khung hình phạt là hai năm tù, còn khoản 2 của điều luật có mức hình phạt của khung hình phạt là ba năm tù).

Khác với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt còn chủ thể của tội phạm này là chủ thể bất kỳ, không phải là người có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản.    

2. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng tương tự như các tội xâm phạm sở hữu khác, nhưng tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu và khác với các tội có tính chất chiếm đoạt là người phạm tội không chiếm đoạt tài sản mà chỉ làm mất, làm hỏng tài sản. Nếu chỉ xét về tài sản bị thiệt hại thì cũng tương tự như tài sản bị mất mát, hư hỏng trong tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, chỉ khác nhau ở chỗ trong tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hành vi gây thiệt hại là do cố ý và ở tội thiếu trách nhiệm gây thiệt nghiêm trọng đén tài sản Nhà nước, hành vi gây thiệt hại là của người  có trách nhiệm trực tiếp quản lý tài sản và tài sản bị thiệt hại là tài sản của Nhà nước. Trong tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng có trường hợp tài sản bị thiệt hại là tài sản của Nhà nước nhưng không phải do người có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản đó gây ra.

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản do người phạm tội thực hiện tương đối đa dạng, vừa hành động, vừa không hành động. Nếu chỉ xét về hành vi không xét đến yếu tố lỗi thì hành vi gây thiệt hại đến tài sản cũng tương tự như hành vi của tội huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản ( bị đốt cháy, bị mất, bị hư hỏng...)
 Thông thường, người phạm tội vô ý gây thiệt hại đến tài sản đã vi phạm những thể lệ, những quy tắc sinh hoạt xã hội mà ai cũng biết và không xử sự như người phạm tội. Ví dụ: Trong khu vực trạm bán xăng, đã có biển báo cấm lửa, nhưng khi vào mua xăng, Bùi Xuân B vẫn hút thuốc lá, nhân viên bán xăng yêu cầu B tắt thuốc lá, thì B cầm điều thuốc lá đang cháy dở ném đi, nhưng không may lại trúng vào bình xăng đang bơm xăng xe của anh Phan Văn H làm  xe của anh H bốc cháy gây thiệt hại 60.000.000 đồng và gây bỏng nặng cho chị Trần Thị X có tỷ lệ thương tật 31%. Trong trường hợp này B không chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thiệt hại đến tài sản, mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thương tích cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc hành chính quy định tại Điều 109 Bộ luật hình sự.
b. hậu quả

Hậu quả của tội phạm này là thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, ngoài ra không có thiệt hại nào khác.
Thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản chính là giá trị tài có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Thiệt hại về tài sản phải do chính hành vi vô ý của người phạm tội gây ra mới là hậu quả của tội phạm này, nếu thiệt hại đó không phải do hành vi vô ý của người phạm tội gây ra thì không được tính để xác định hậu quả của tội phạm này.

Nếu ngoài thiệt hại về tài sản mà còn gây ra những thiệt hại khác như thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người khác thì cũng tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người hoặc tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn đến sức khoẻ của người khác.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của được thực hiện do vô ý. Cũng như đối với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng gồm cả hai trường hợp: Vô ý vì quá tự tin và vô ý vì cẩu thả.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 145 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. So với tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 145 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn. Vì vậy, đối với hành vi vô ý gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa từ 50.000.000 đồng dén dưới 500.000.000 đồng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau ngày 4-1-2000 ( ngày Chủ tịch nước công bố Bộ luật hình sự năm 1999), mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì được áp dụng khoản 1 Điều 145 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội. Nếu giá trị tài sản bị thiệt hại từ 500.000.000 đồng trở lên thì phải áp dụng khoản 2 Điều 145 Bộ luật hình sự.
Khoản 1 Điều 145 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là hai năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của khoản 1 Điều 145 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:

- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;  

- Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;

- Tài sản bị thiệt hại càng có giá trị cao, hình phạt càng nặng;

- Người phạm tội khắc phục phần lớn thiệt hại về tài sản thì được áp dụng hình phạt nhẹ hơn người phạm tội không khắc phục hoặc khắc phục không đáng kể thiệt hại về tài sản.

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( ba tháng tù). Nếu người phạm tội đáng được khoan hồng nhưng chưa tới mức được miến trách nhiệm hình sự thì cũng có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với họ. Trong trường hợp này hình phạt cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất của điều luật.

2. Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 145 Bộ luật hình sự

Khoản 2 của điều luật chỉ có một tình tiết định khung hình phạt, đó là giá trị tài sản bị thiệt hại là từ 500.000.000 đồng trở lên.

Việc xác định giá trị tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng quy định ở khoản 1 của điều luật cũng như từ 500.000.000 đồng trở lên quy định ở khoản 2 của điều luật là giá trị vào thời điểm xảy ra vụ án (từ khi thực hiện hành vi phạm tội).
Một số điểm cần chú ý khi áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 đối với các tội xâm phạm sở hữu

1. Các quy định về các tội xâm phạm sở hữu quy định trong chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 nói chung nặng hơn các tội xâm phạm sở hữu của công dân và nhẹ hơn các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985. Do đó, chủ yếu chỉ áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 mà hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000.

2. Các tình tiết là yếu tố định tội và nếu căn cứ vào tình tiết này làm giảm hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000. Ví dụ: Trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà trộm cắp dưới 500.000 đồng cũng không bị coi là tội phạm.

3. Đối với các tội có quy định giá trị tài sản là căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người phạm tội chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định bị cáo phạm tội theo khoản nào của điều luật, nếu điều khoản của Bộ luật hình sự quy định tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội, nếu phạm tội chưa đạt mà không xác định được giá trị tài sản định chiếm đoạt thì phải bị truy cứu theo khoản 1 của điều luật tương ứng.

4. Trong trường hợp Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hai tội giống nhau (trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và trộm cắp tài sản của công dân), nay Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định một tội ( trộm cắp tài sản) mà hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 nhưng sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì cần chú ý:

- Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt cộng chung không làm vượt khung hình phạt tương xứng thì áp dụng kung hình phạt tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử đối với bị cáo. Vị du: A trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa 10.000.000 đồng, trộm cắp tài sản của công dân 14.000.000 đồng, cộng chung là 24.000.000 đồng thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 thì áp dụng khoản 1 Điều 138 để xét xử đối với bị cáo.

- Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt cộng chung làm vượt khung hình phạt tương xứng thì chỉ áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 đối với tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa còn tội xâm phạm tài sản của công dân vẫn áp dụng Bộ luật hình sự năm 1985. Trong trường hợp này vẫn phải tuyên bố bị cáo phạm hai tội và tổng hợp hình phạt. Ví dụ: A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa với giá trị là 150.000.000 đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân là 100.000.000 đồng, nếu cộng chung thành 250.000.000 đồng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 nên Toà án không thể áp dụng khoản 3  Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với bị cáo mà chỉ áp dụng khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và áp dụng khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 1985 để xét xử bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và tổng hợp hình phạt theo Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1985.

- Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt thuộc trường hợp quy định ở hai khung hình phạt khác nhau mà cộng lại vẫn thuộc trường hợp quy định ở khung hình phạt mà bị cáo đã phạm thì áp dụng khung hình phạt tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử đối với bị cáo. Ví dụ: A lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 50.000.000 đồng của công dân và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 140.000.000 đồng là tài sản xã hội chủ nghĩa, nếu cộng chung thành 190.000.000 vẫn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 140, thì áp dụng khoản 2 Điều 140 để xét xử đối với bị cáo.


5. Trường hợp nếu chỉ căn cứ vào giá trị tài sản thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật, nhưng vì có tình tiết quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật mà tình tiết đó mới được quy định thì không áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự năm 1999 có tình tiết định khung hình phạt đó để xét xử đối với bị cáo. Ví dụ: A, B, C cưỡng đoạt 40.000.000 đồng trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  và thuộc trường hợp có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng vì tình tiết phạm tội có tổ chức là tình tiết mới Nên các bị cáo chỉ bị xét xử theo khoản 1 Điều 135.

6. Các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng không phải là tình tiết mới nếu như ở các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng khi áp dụng các tình tiết này cần phải căn cứ vào tình hình cụ thể và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra để xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

7. Các tình tiết gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; từ 31% đến 60%; từ 61% trở lên được coi là tình tiết mới nếu như điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định gây thương tích hoặc gây thương tích nặng, hoặc chỉ quy định hành hung để tẩu thoát. Nếu điều khoản của Bộ luật hình sự năm 1985 quy định gây thương tích hoặc gây thương tích nặng, thì các tỷ lệ thương tật nêu trên không coi là tình tiết mới mà tuỳ từng trường hợp cụ thể, Toà án có thể xác định đối với trường hợp phạm tội cụ thể đối với bị cáo. Ví dụ: điểm c khoản 2 Điều 129 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: gây thương tích nặng, gây tổn hại nặng cho sức khoẻ thì coi trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% tương ứng với tình tiết gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng đến sức khoẻ.

8. Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại rất nặng cho sức khỏe của người khác, nhưng lại quy định "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng", vì vậy, nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên thì phải coi là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, nếu điều khoản nào của Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định tình tiết "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng" mà điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định tình tiết "gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên" thì được áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử đối với bị cáo.

9. Đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản, không coi các tình tiết là dấu hiệu định tội quy định tại khoản 1 Điều 141 là tình tiết mới, vì các tình tiết đó chỉ cụ thể hoá quy định tại Điều 136 và Điều 159 Bộ luật hình sự năm 1985 .

10. Hình phạt bổ sung đối với các tội xâm phạm sở hữu quy định tại chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 được coi là hình phạt nhẹ hơn so với hình phạt bổ sung quy định tại Điều 142 và Điều 163 Bộ luật hình sự năm 1985, vì các hình phạt bổ sung quy định đối với từng tội đều quy định mở ( có thể ), tức là Toà án có thể áp dụng hoặc không áp dụng. Một số loại hình phạt không còn quy định đối với một số tội. Ví dụ: Hình phạt quản chế không áp dụng đối với người phạm tội trộm cắp...

nguồn :BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ
PHẦN CÁC TỘI PHẠM, ĐINH VĂN QUẾ
THẠC SĨ LUẬT HỌC – TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

No comments:

Post a Comment