20/08/2014
Phân tích tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý - Điều 192 - Bình luận khoa học hình sự tập 4
Điều 192.  Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý 

Định nghĩa: Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý là hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý  quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự là tội phạm đã được quy định tại Điều 185a Bộ luật hình sự năm 1985. Các dấu hiệu cấu thành tội phạm nói chung không có gì thay đổi lớn, chỉ quy định rõ hơn tình tiết đã bị xử phạt hành chính là xử phạt về hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý (về hành vi này) chứ không phải bất cứ hành vi nào; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật. Điều luật chỉ quy định hành vi trồng, nhưng lại đối với các loại ma tuý khác nhau, nên khi định tội cần chú ý:

- Nếu có hành vi trồng cây có chất ma tuý nào thì định tội theo chất ma tuý đó. Ví dụ: Trồng cây thuốc phiện thì chỉ định tội là “tội trồng cây thuốc phiện”, nếu trồng cây cô ca thì định tội là “tội trồng cây cô ca”, nếu trồng cây cần sa thì định tội là “ tội trồng cây cần sa” mà không định tội như điều luật ghi: “trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây có chứa chất ma tuý”. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng nếu trồng cấy thuốc phiện thì định tội là “trồng cây thuốc phiên” còn nếu trồng các cây khác có chất ma tuý thì định tội là “trồng cây có chứa chất ma tuý” mà không cần phải định tội là trồng cây cần sa hoặc trồng cây cô ca. Đây cũng là vấn đề thực tiễn xét xử còn vướng mắc nên việc áp dụng không thống nhất; có Toà án định tội trồng cây cần sa, có Toà án lại định tội là trồng cây khác có chứa chất mà tuý, có Toà án chỉ định tội là trồng cây có chất má tuý.


- Nếu trồng nhiều loại cây có chất ma tuý khác nhau, thì định tội theo các cây có chất ma tuý đó. Ví dụ: Nguyễn Văn H vừa trồng cây thuốc phiện, vừa trồng cây cần sa, thì tội danh của H là “tội trồng cây thuốt phiện và cây cần sa”.

Về kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật quy định tên tội là “trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý” là để nhấn mạnh hành vi trồng cây thuốc phiện phổ biến ở nước ta, còn các loại cây khác có chứa chất ma tuý là nhằm đề phòng những trường hợp ở đâu đó có hành vi trồng các loại cây khác có chứa chất ma tuý như: cây cô ca, cây cần sa... Lẽ ra, chỉ cần quy định tội trồng cây có chứa chất ma tuý, còn cây đó là cây gì thì chỉ cần xác định là đủ, nhưng điều luật lại quy định “tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý” nên mới có tình trạng lúng túng khi phải định tội danh cho hành vi trồng cây có chứa chất mà tuý mà không phải là cây thuốc phiện. Hy vọng rằng, khi Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi bổ sung, vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận và quyết định. Theo chúng tôi, chỉ cần quy định “tội trồng cây có chứa chất ma tuý”

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý khoản 1 là tội ít nghiêm trọng, khoản 2 là tội nghiêm trọng.

Nói chung chủ thể của tội phạm này là bất kỳ, nhưng chủ yếu là đồng bào sinh sống ở các vùng cao, nơi có điều kiện trồng được cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

Khách thể của tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý là chế độ quản lý của Nhà nước về việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây có chứa chất ma tuý. Nếu hiểu một cách máy móc thì dễ lầm tưởng rằng, Nhà nước có cho phép một số đối tượng được trồng cây thuốc phiện hoặc hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý, nhưng thực tế không phải như vậy. Cho đến nay, trong các văn bản của Đảng và Nhà nước ta không có chỗ nào quy định cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý. Việc cây thuốc phiện còn được trồng ở nước ta hiện nay là do truyền thống lâu đời của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, nay Đảng và Nhà nước ta có chính sách vận động bà con từ bỏ việc trồng cây thuốc phiện và có chính sách hỗ trợ để đồng bào chuyển sang trồng các loại cây lương thực, cây ăn quả và các loại cây khác, chứ không phải quy hoạch lại việc trồng cây thuốc phiện. Vì vậy, khi nói chế độ quản lý của Nhà nước về việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý là việc Nhà nước có chính sách để loại bỏ việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Đối tượng tác động của tội phạm này là cây có chứa chất ma tuý như cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa...

Cây thuốc phiện còn có tên khác là Á phiện-Opium, cây Anh Túc, còn tên là tinh là Papaver Somniferum L. Có tới hơn một trăm loài thuộc giống Papaver, nhưng chỉ có 2 loại có khả năng sản xuất Morphine, đó là Papaver Somniferum và Papaver setigerum D.C. Cây thuốc phiện mọc ở vùng địa Trung Hải từ năm 300 trước Công nguyên và sau đó dần dần được trồng ở một số nước trên thế giới vùng Lưỡi Liềm Vàng và Tam giác Vàng, ở nước ta cây thuốc phiện chủ yếu được trồng ở các tỉnh: Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang, Thanh Hoá, Yên Bái, Hoà Bình, Cao Bằng1.

Cây cô ca có tên la tinh là Erythroxylon norogranatense thường mọc ở các nước Nam Mỹ. Cocarine là một chất tự nhiên được chiết xuất từ cây co ca.2

Cây cần sa (bồ đà) là loại thực vật có tên la tinh là Canabissativa L. Cây cần sa có thể mọc được ở các vùng khí hậu nhiệt độ cao, vùng nhiệt đới gió mùa Nam Mỹ, vùng Carribians, Châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á.3 

Cây cô ca và cây cần sa hầu như không thấy trồng ở nước ta, có lẽ cũng chính vì thế mà nhà làm luật chỉ quy định tội trồng cây thuốc phiện, còn việc quy định thêm các cây khác có chứa chất ma tuý là nhằm đề phòng ở nơi nào đó có trồng các cây cô ca hoặc cây cần sa thì không sợ bị lọt tội phạm.

Ngoài cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa đang được trồng ở các nước trên thế giới và trên lãnh thổ nước ta, chưa có tài liệu nào cho thấy còn những cây khác có chứa chất ma tuý. Tuy nhiên, nhà luật vẫn quy định các cây khác có chứa chất ma tuý để phòng ngừa những trường hợp mà khoa học chưa phát hiện được.

3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan.

Người phạm tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý chỉ có hành vi khách quan duy nhất là “trồng”. Hành vi này nhất thiết phải là hành động và được biểu hiện nhiều dạng khác nhau như: làm đất, gieo hạt, ươm cây, chăm bón. Một người có thể thực hiện hết các việc trong quá trình trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý, nhưng cũng có thể chỉ thực hiện một hoặc một số việc, nhưng đều với mục đích là nhằm trồng được cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý. Nếu vì lý do khách quan mà người trồng cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma tuý không thu hoạch được nhựa thuốc phiện như ý muốn thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma tuý.

Tuy nhiên, cây thuốc phiện (cây anh túc) khi ra hoa và hoa anh túc cũng là một loại hoa đẹp, nếu người trồng cây thuốc phiện không nhằm mục đích thu hoạch được nhựa thuốc phiện, mà chỉ nhằm thu hoạch hoa để bán như các loài hoa khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, nhưng phải có biện pháp giáo dục để chấm dứt việc trồng cây thuốc phiện lấy hoa vì nó cũng là mầm mống của hành vi phạm tội nếu không kiểm soát chặt chẽ và trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc loại bỏ việc trồng cây thuốc phiện.

Hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi này đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm. Các yếu tố này tuy không phải là hành vi khách quan nhưng lại là dấu hiệu rất quan trọng và nó cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Đã được giáo dục nhiều lần là đã được cơ quan Nhà nước, tổ chức, cũng như những người có trách nhiệm ở địa phương vận động, thuyết phục, nhắc nhở từ hai lần trở lên về việc không được trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý hoặc phổ biến đường lối chính sách cũng như các quy định của pháp luật về việc cấm trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý4.

Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống là đã được hỗ trợ về vốn để sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực thay thế cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý5.

Đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm là trước đó đã có lần trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý và đã bị xử phạt một trong các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết hời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, nay lại trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý6.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy từ khi Bộ luật hình sự 1985 được sửa đổi và quy định các tội phạm về ma tuý thành một chương (Chương VIIA) từ Điều 185a đến Điều 185(o) chưa có trường hợp trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý bị truy cứu trách nhiệm hình sự. điều này cho thấy Nhà nước ta đã đầu tư và công tác vận động đồng bào từ bỏ việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý, đặc biệt là cây thuốc phiện của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương đạt hiệu quả cao.

b. Hậu quả

Hậu quả của hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội, nhưng chủ yếu là những thiệt hại phi vật chất như: làm cho chính sách xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý của Nhà nước không thực hiện được hoặc làm cho tình trạng tái trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý đã được xoá bỏ. Những thiệt hại về vật chất cũng có thể xảy ra nhưng là những thiệt hại gián tiếp như gây thiệt hại đến ngân sách dành cho việc xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Hậu quả của hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Hậu quả có xẩy ra hay không, không có ý nghĩa định tội mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm 

Người phạm tội thực hiện hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý mặc dù đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm. Như vậy đối với hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý chỉ có thể được thực hiện do cố ý trực tiếp. Không có trường hợp nào do cố ý gián tiếp.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt

Là trường hợp trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, là cấu thành cơ bản của tội phạm, được quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù, là tội phạm ít nghiêm trọng.

So với khoản 1 Điều 185a Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, nếu chỉ căn cứ vào hình phạt thì khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn. Tuy nhiên, do khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định cụ thể tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nên phải coi khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1999 là quy định có lợi cho người phạm tội nên theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.

Cũng như đối với các tội phạm khác, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự, Toà án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất trong khung hình phạt ( dưới sáu tháng tù), nhưng không được dưới ba tháng tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Nói chung, đối với người phạm tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì nên cho họ được hưởng án treo, không nên phạt tù giam vì có như vậy mới có thể giáo dục họ từ bỏ việc trồng cây thuốc phiện.

2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 192 Bộ luật hình sự

a. Có tổ chức

Cũng như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch kế hoạch để thực hiện hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý như: Khởi xướng ra việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý; phân công nhiệm vụ cho những người đồng phạm khác; điều hành, phối hợp hành vi của những người đồng phạm khác để đạt được mục đích chung là trồng được cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý như: làm đất, gieo hạt, chăm bón, thu hoạch.

Người xúi dục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý như: vận động người khác không thực hiện chủ trương xoá bỏ trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý của Đảng và Nhà nước, kích động người khác cứ trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý và nói với họ rằng trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý có lợi hơn các cây khác; xúi dục người khác dùng tiền hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cho việc trồng cây lương thực, cây công nghiệp để đầu tư vào việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý...

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý như: cung cấp tiền, cung cấp cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu...để người khác thực hiện việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý; hứa với người trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý là sẽ mua sản phẩm của họ...

Phạm tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý có tổ chức có thể có tất cả những người đồng phạm nhưng cũng có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành. Nhưng nhất định phải có người thực hành và người tổ chức, nếu thiếu một trong hai người này thì không thể có phạm tội có tổ chức. Tuy nhiên, nếu đã có người tổ chức, người thực hành nhưng người thực hành chưa thực hiện hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý mà mới chuẩn bị việc thực hiện hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý thì vẫn là phạm tội có tổ chức nhưng ở gai đoạn chuẩn bị phạm tội.

b. Tái phạm tội này

Nói chung, Bộ luật hình sự chỉ quy định tái phạm và tái phạm nguy hiểm còn khái niệm tái phạm tội này chỉ quy định trong một số trường hợp cụ thể là yếu tố định tội hoặc là yếu tố định khung hình phạt.

Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự thì tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Tuy nhiên, điểm b khoản 2 Điều 192 Bộ luật hình sự không quy định tái phạm mà quy định rõ là tái phạm tội này (tức là tái phạm tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý).

Tái phạm tội này là trường hợp đã bị kết án về tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý. Nếu trước đó người phạm tội bị kết án về một tội phạm khác không phải là tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý thì không phải là tái phạm tội này.

Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 192 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 185a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn. Do đó hành vi phạm tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì cũng không áp dụng Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1999 mà vẫn áp dụng khoản 2 Điều 185a Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, tại mục 4 Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 5-7-2000 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an lại hướng dẫn: “Đối với những tội phạm đã được quy định trong một điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, nay theo cách so sánh tại các điểm từ điểm b1 đến điẻm b6 Mục 2 và tại các điểm từ điểm d1 đến điểm d6 Mục 3 Thông tư này mà vẫn giữ nguyên trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự 1999, thì áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự”. Hướng dẫn này trái với quy định tại khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999. Thiết nghĩ các cơ quan ban hành Thông tư trên cần sửa đổi kịp thời mục 4 để việc áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 chính xác hơn.7

Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới 6 tháng tù vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật và cũng có thể cho họ được hưởng án treo nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình. 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ, là người thuộc đối tượng nghiêm trị như: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy trong vụ án có tổ chức hoặc là người tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, thì phạt mức cao của khung hình phạt ( bảy năm tù).

3. Hình phạt bổ sung

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội phạm tội trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý còn có thể bị phạt từ một triệu đến năm mươi triệu đồng.

So với Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì khoản 3 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì mức phạt tiền quy định tại Điều 185(o) từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, Vì vậy, Toà án được áp dụng khoản 3 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1999 để phạt tiền đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

---
Chú giải
1 Xem Vũ Ngọc Bừng “các chất ma tuý” NXB Công an nhân dân, năm 1994. Tr 8.
2 Sách đã dẫn Tr.58
3 Sách đã dẫn Tr. 47
4 Xem Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao- Viện kiểm sát nhân dân tói cao- Bộ Công an hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số quy định của Bộ luật hình sự . Các văn bản về hình sự, dân sự, kinh tế và tố tụng. Toà án nhân dân tối cao. năm 1998. Tr 49
5 Tài liệu đã dẫn. Tr 49
6 Tài liệu đã dẫn. Tr 49
7 Xem Thông tư liên tịch số 02/2000/ TTLT-/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 5-7-2000  của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an .

No comments:

Post a Comment