Điều 193. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
Định Nghĩa: Tội sản xuất trái phép chất ma tuý là hành vi chiết xuất chất ma tuý từ quả của cây thuốc phiện, lá, hoa, quả của cây cần sa, lá của cây co ca cũng như việc điều chế, pha chế từ tiền chất ma tuý thành chất ma tuý hoặc từ chất ma tuý này thành chất ma tuý khác trái với quy định của Nhà nước.
Tội sản xuất trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự là tội phạm đã được quy định tại Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985. Các dấu hiệu cấu thành tội phạm, các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt nói chung không có gì thay đổi lớn.
Tuy nhiên, so với Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 có một số sửa đổi như sau:
- Nếu Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “có nhiều tình tiết quy đinh quy định tại khoản 2 điều này” và “có nhiều tình tiết quy đinh quy định tại khoản 3 điều này” tại điểm g khoản 3 và điểm g khoản 4 của điều luật, thì Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định tình tiết này là yếu tố định khung hình phạt nữa;
- Nếu khoản 1 Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù thì khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù;
- Nếu khoản 2 Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt từ mười năm đến mười lăm năm tù thì khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù;
- Nếu khoản 4 Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì khoản 4 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Về hình phạt bổ sung, cũng có những thay đổi như:
- Nếu Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc bị tich thu một phần hoặc toàn bộ tài sản; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định từ hai năm đến năm năm” thì khoản 5 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định “có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tich thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
- Nếu Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung cho tất cả các tội phạm về ma tuý tại một điều luật (Điều 185o), thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt bổ sung cho tội phạm nào thì quy định ngay trong điều luật quy định về tội phạm đó. Hình phạt bổ sung của tội sản xuất trái phép chất ma tuý được quy định tại khoản 3 của Điều 193 Bộ luật hình sự.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội sản xuất trái phép chất ma tuý cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội sản xuất trái phép chất ma tuý, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma tuý quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự, vì khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng và theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma tuý theo khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Điều 193 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tọi này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội sản xuất trái phép chất ma tuý là chế độ quản lý của Nhà nước về việc chế xuất, điều chế, pha chế chất ma tuý. Việc sản xuất chất ma tuý dùng vào việc chữa bệnh hoặc mục đích xã hội phải được Nhà nước cho phép. Hiện nay, việc sản xuất một số chất ma tuý chủ yếu trong lĩnh vực y tế nhằm mục đích chữa bệnh dưới dạng thuốc tân dược và được quy định rất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu quản lý, bán và sử dụng.
Đối tượng tác động của tội phạm này là các chất ma tuý, các nguyên liệu có chứa chất ma tuý và các tiền chất ma tuý...
Các chất ma tuý là các chất hoá học nguồn tự nhiên hoặc nhân tạo khi xâm nhập cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức và trí tuệ, làm con người bị lệ thuộc vào chúng, và cuối cùng gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng.8
Các chất ma tuý được liệt kê trong các bảng 1, bảng 2, bảng 3 và bảng 4 danh mục các chất ma tuý, chất hướng thần, tiền chất theo quy định của Công ước quốc tế 1961; 1971; 1988. Công ước này Việt Nam đã tham gia theo quyết định số 798-QĐ/CTN ngày 1-9-1997 của Chủ tịch Nước cộng hoà xã hội Việt Nam và Nghị định của Chính phủ Số 67/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2001Ban hành các danh mục chất ma tuý và tiền chất 9
ở nước ta, các chất ma tuý thường gặp là thuốc phiện, Hêrôin, Morphin, cần sa và một số loại ma tuý ở dạng thuốc tân dược như: Suzusen, Dolargan, Methamphetamin...
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan.
Người phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý có thể thực hiện một hoặc một số hành vi để tạo ra chất ma tuý. Các hành vi đó là chiết xuất, điều chế...
Chiết xuất chất ma tuý là hành vi chiết xuất quả thuốc phiện lấy nhựa loãng màu trắng từ quả thuốc phiện rồi sấy khô trong điều kiện không khí bình thường và tạo thành nhựa thuốc phiện; tách tinh chất từ nhựa thuốc phiện để lấy chất alkaloid; tách tinh chất từ lá, hoa, quả của cây cần sa để lấy nhựa cần sa (Hashich), tinh dầu cần sa (Dầu Hashich); tách tinh chất từ lá của cây cô ca để lấy tinh dầu cô ca ( Cocaine)... Nói chung là hành vi tách tinh chất từ các cây thảo mộc để lấy nhựa, tinh dầu rồi từ các chất này điều chế thành các chất ma tuý.
Điều chế chất ma tuý là dùng phương pháp tạo phản ứng hoá học từ các tiền chất ma tuý, các chất hoá học cần thiết để tạo ra các chất ma tuý như:
Từ nhựa thuốc phiện tạo ra Morphine bằng cách trộn thuốc phiện với vôi toả (calciumhyđroxide) rồi hoà tan với nước. Hỗn hợp này, một phần dùng để chiết xuất Morphine và Cô-đê-in (Codeine), phần khác dùng để chiết xuất Thê-ba-in (Thebaine) và Pa-pa-ve-rin (Papaverine). Khi đã điều chế được Morphine thì từ Morphine lại điều chế thành Heroin. Thông thường cứ 10 Kg thuốc sống chiết xuất được 1 Kg Morphine và từ 1Kg Morphine điều chế được 1 Kg Heroin10
Từ lá Cô ca điều chế thành Cocaine bằng nhiều phương pháp khác nhau:
Ngâm trộn lẫn lá coca với nước và vôi để tạo thành hỗn hợp của phản ứng alkaline trong bình cao áp. Hỗn hợp này nghiền nát và cho thêm vào một số dầu hoả ( hoặc hydrocarbon) và khuấy đều.
Tách dầu hoả và vắt kho phần lá coca. Thêm một số nước acid hoá vào để tách dầu hoả. các alkaloid hoà tan trong phần dung dịch nước. Dùng ammonia kết tủa các alkaloid kiềm. Cocaine sẽ kết tủa ở giai đoạn này và kết quả là tạo thành kem coca.
Để sản xuất Cocaine hydrochloride, kem coca hoà tan tại trong acid sulphuric loãng. Potassium permanaganate có thể them vào cho tới khi xuất hiện màu hồng trong dung dịch. Dung dịch để lắng và sau đó lọc. Kết tủa Cocaine kiềm và các alkaloid khác bằng ammonia. Phần kết tủa đem lọc, rửa bằng nước và phơi khô.
Cocaine kiềm thô đem hoà tan trong diethyl ether. Dung dịch này mang lọc và cho thêm acid hydrochloric đặc cùng acetone. Cocaine hydrochoride sẽ kết tủa và đem lọc sấy khô.
Hiệu quả của quy trình trên đạt được như sau: Cứ 145 Kg lá coca khô thì điều chế được khoảng 1 Kg Cocaine HCL11
Trong một số sách báo hiện nay, còn dùng các thuật ngữ khác để biểu hiện hành vi khách quan của tội sản xuất trái phép chất ma tuý như: Bào chế, pha chế, nhưng thực chất các thuật ngữ này đều có nội dung như điều chế.
Không coi là sản xuất trái phép chất ma tuý nếu người phạm tội chỉ pha nước với các chất ma tuý thể rắn, thể bột... thành thể lỏng để tiện việc sử dụng như: pha nước với bột heroin, pha nước với thuốc phiện để tiêm chích.
Sản xuất trái phép chất ma tuý là sản xuất không được phép của Nhà nước. Như vậy việc sản xuất ma tuý có trường hợp được Nhà nước cho phép. Hiện nay, việc sản xuất một số chất ma tuý ( chủ yếu là các chất hướng thần) trong lĩnh vực y tế nhằm mục đích chữa bệnh phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt của Nhà nước.
Thực tiẽn xét xử cho thấy hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý ít xẩy ra. Tuy nhiên, trong những năm qua các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh một số người ngước ngoài lợi dụng chính sách đầu tư của Nhà nước đã xây dựng Nhà máy sản xuất mì chính (bôt ngọt) để sản xuất 234 Kg Methamphetamin, còn ở thành phố Hà Nội, một số người đã sản xuất 1,4 Kg Codein. Ngoài hai vụ án trên, cho đến nay các cơ quan chức năng chưa phát hiện được hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý nào khác.
b. Hậu quả
Hậu quả của của hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý là những thiệt hại đến các quy định của Nhà nước về việc sản xuất chất ma tuý. Hậu quả này có thể đã xay ra hoặc nếu không được ngăn chặn thì sẽ xẩy ra. Hậu quả của hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý không phải là số lượng chất ma tuý được xản xuất nhiều hay ít. Tuy nhiên, nếu số lượng chất ma tuý càng nhiều thì tác hại cho xã hội càng lớn.
Hậu quả của hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội mà chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt. Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có hành vi sản xuất trái phép ra chất ma tuý, không phân biệt só lượng nhiều hay ít. Nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi chiết xuất, điều chế nhằm sản xuất ra chất ma tuý nhưng chưa tạo ra được chất ma tuý mà mình mong muốn thì coi là phạm tội chưa đạt.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi sản xuất các chất ma tuý nhưng vẫn thực hiện. Như vậy, đối với hành vi sản xuất tội phạm chất ma tuý chỉ có thể được thực hiện do cố ý trực tiếp. Không có trường hợp nào do cố ý gián tiếp.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt
Là trường hợp sản xuất trái phép chất ma tuý không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 của điều luật, là cấu thành cơ bản của tội phạm, được quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.
So với khoản 1 Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn và được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
Cũng như đối với các tội phạm khác, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự, Toà án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất trong khung hình phạt ( dưới hai tù), nhưng không được dưới ba tháng tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Tuy nhiên, việc cho người phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý phải rất thận trọng, vì tội phạm này là tội phạm nghiêm trọng, hơn nữa hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý bản thân nó đã mang tính nghiêm trọng, chỉ có thể cho người phạm tội hưởng án treo trong trường hợp việc sản xuất trái phép chất ma tuý được thực hiện bằng phương pháp thủ công, đơn giản và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự
a. Có tổ chức
Cũng như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, Sản xuất trái phép chất ma tuý có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch kế hoạch để thực hiện hành vi sản xuất chất ma tuý, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.
Sản xuất trái phép chất ma tuý có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc sản xuất trái phép chất ma tuý như: Khởi xướng ra việc sản xuất trái phép chất ma tuý; phân công nhiệm vụ cho những người đồng phạm khác; điều hành, phối hợp hành vi của những người đồng phạm khác để đạt được mục đích chung là sản xuất được chất ma tuý.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi chiết xuất, điều chế chất ma tuý như: Pha chế các dung dịch, thử phản ứng hoá học, tìm kiếm các tiền chất, các tinh chất có chứa chất ma tuý để sản xuất ra một chất ma tuý hoặc điều chế chất ma tuý này thành chất ma tuý khác. Khi xác định trường hợp người phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý bằng cách tìm kiếm các tiền chất để sản xuất trái phép chất ma tuý cần phân biệt với trường hợp phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 195 Bộ luật hình sự. Nếu tìm kiếm tiền chất bằng cách mua bán nhưng không nhằm mục đích sản xuất trái phép chất ma tuý, không biết việc sản xuất trái phép chất ma tuý của người khác thì không phải là người thực hành trong vụ án sản xuất trái phép chất ma tuý.
Người xúi dục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác sản xuất trái phép chất ma tuý.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc sản xuất chất ma tuý như: cung cấp tiền, cung cấp phương tiện, dụng cụ cho việc sản xuất chất ma tuý; hứa tiêu thụ chất ma tuý... Khi xác định người giúp sức trong vụ án sản xuất trái phép chất ma tuý có tổ chức cần phân biệt với trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự. Nếu cung cấp phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý nhưng không hứa hẹn trước, không biết đang có việc hoặc sắp có việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì không phải là người giúp sức trong vụ án sản xuất trái phép chất ma tuý có tổ chức.
Phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý có tổ chức có thể có tất cả những người đồng phạm, nhưng cũng có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành. Nhưng nhất định phải có người thực hành và người tổ chức, nếu thiếu một trong hai người này thì không thể có phạm tội có tổ chức. Tuy nhiên, nếu đã có người tổ chức, người thực hành nhưng người thực hành chưa thực hiện hành vi chiết xuất, điều chế chất ma tuý mà mới chuẩn bị việc sản xuất chất ma tuý thì vẫn là phạm tội có tổ chức nhưng ở gai đoạn chuẩn bị phạm tội.
b. Phạm tội nhiều lần
Sản xuất trái phép chất ma tuý nhiều lần đã có tất cả hai lần sản xuất trái phép ma tuý trở lên mà mỗi lần phạm tội đều có đầy đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất trái phép chất ma tuý quy định tại khoản 1 của điều này; đồng thời trong số các lần sản xuất trái phép chất ma tuý đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu có hai lần sản xuất trái phép chất ma tuý, trong đó đã có một lần bị kết án hoặc được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt thì không coi là phạm tội nhiều lần, còn nếu có từ ba, bốn, năm... lần sản xuất trái phép chất ma tuý trong đó có một lần bị kết án hoặc được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt thì vẫn coi là phạm tội nhiều lần vì ít nhất cũng còn hai lần chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu có hai lần sản xuất trái phép chất ma tuý nhưng có một lần đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật, vậy có coi là phạm tội nhiều lần không? Đây là vấn đề không chỉ đối với tội sản xuất trái phép chất ma tuý mà còn đối với các tội phạm về ma tuý khác. Có thể còn có ý kiến khác nhau, nhưng theo chúng tôi, hình thức xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật là một biện pháp kết thúc việc xử lý một hành vi vi phạm nên không thể coi lần phạm tội đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật là một lần phạm tội để xác định tình tiết phạm tội nhiều lần được, vì theo nguyên tắc thì một hành vi phạm tội hoặc một hành vi vi phạm không thể bị xử lý hai lần. Vì vây, nếu các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần đối với tội sản xuất trái phép chất ma tuý, cũng như đối với các tội phạm về ma tuý khác, thì chúng tôi đề nghị: Phạm tội nhiều lần là đã có tất cả từ hai lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 của điều luật và trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật.
c. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sản xuất trái phép chất ma tuý là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc sản xuất tội phạm chất ma tuý; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng. Ví dụ: Bùi Văn Q là Tổ trưởng tổ sản xuất thuốc tân dược thuộc Công ty dược II thuộc tỉnh M đã lợi dụng cương vị của mình đã sử dụng các thiết bị, máy móc dùng để sản xuất thuốc tân dược để xản xuất Morphine. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của mình thì dù có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Đặng Xuân Đ là cán bộ thu mua nông thổ sản thuộc Công ty thương mại tỉnh H đã mua thuốc phiện rồi dùng các phương pháp chiết xuất ra chất alkaloid rồi đem bán cho một số người để tiếp tục sản xuất ra Morphin.
Thực tiễn xét xử cho thấy, ngoài việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn người phạm tội còn lợi dụng nghề nghiệp để sản xuất trái phép chất ma tuý như: Dược sỹ, điều chế viên, giám định viên... Tuy nhiên, nhà làm luật chỉ quy định lợi dụng chức vụ, quyền hạn nên đối với người lợi dụng nghề nghiệp để sản xuất trái phép chất ma tuý thì cũng bị coi là lợi dụng quyền hạn, vì nghề nghiệp của họ cũng cho phép họ những quyền hạn nhất định.
d. Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức
Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để sản xuất trái phép chất ma tuý là người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để sản xuất trái phép chất ma tuý. Thông thường, người phạm tội trong trường hợp này là thông qua các hợp đồng sản xuất (sản xuất hoá chất, thuốc tân dược) để sản xuất chất ma tuý. Người phạm tội lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức cũng là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người phạm tội chỉ lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để sản xuất trái phép chất ma tuý. Ví dụ: Trương Công H là Trưởng phòng kinh doanh Công ty dược đã bị buộc thôi việc, nhưng H vẫn lấy danh nghĩa Công ty để ký hợp đồng sản xuất thuốc amphetamine cho Đào Văn T.
đ. Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam
Để xác định người phạm tội có thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự hay không, chỉ cần xác định trọng lượng chất ma tuý mà người phạm tội sản xuất được. Nếu trọng lượng ma tuý từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam là người phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, chất ma tuý quy định ở điểm đ khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự chỉ là nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao cô ca.
Nhựa thuốc phiện (Opium) là loại nhựa loãng màu trắng được chiết xuất từ quả thuốc phiện bằng phương pháp thủ công rồi sấy khô, đóng bánh. Tuy nhiên, số lượng thuốc nhựa phiện từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam không phân biệt nhựa đó ở thể lỏng hay đã cô đặc, khi thuốc phiện đã được cô đặc thì nhựa thuốc phiện lại chuyển sang mầu nâu hoặc mầu đen xẫm. Tuy nhiên, nếu lấy nhựa thuốc phiện đã cô đặc để pha với nước thành dung dịch thì không coi là sản xuất ma tuý và trọng lượng dung dịch đó không lấy làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự mà phải tính thành phần thuốc phiện trong dung dịch đó để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Nếu người phạm tội mới chích quả thuốc phiện để lấy nhựa loãng có mầu trắng, chưa kịp cô đặc mà bị bắt, thì vẫn căn cứ vào trọng lượng nhựa thuốc phiện loãng đó để truy cứu trách nhiệm hình sự, và nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì lượng thuốc phiện đã cô đặc mức độ nguy hiểm hơn lượng thuốc phiện chưa cô.
Nhựa cần sa (Cannabis resin) là nhựa được chiết xuất từ cây cần sa (lá, thân, vỏ, hoa, quả) bằng phương pháp phơi khô, sau đó ép hoặc chiết xuất. Nhựa cần sa có màu vàng, xám hoặc đen xẫm giống như nhựa thuốc phiện. Nhựa cần sa thường có nồng độ các chất gây nghiện rất cao, có thể gấp 8 đến 10 lần so với cây cần sa chưa ép hoặc chiết xuất thành nhựa. Khi đêm tiêu thụ, người ta thường đóng thành bánh có trọng lượng từ 0,25 đến 1 kilôgam hoặc làm thành viên có đường kính 1cm dến 8cm.12
Nhựa cần sa có hai loại chính: Loại ở vùng Địa Trung Hải có màu vàng hoặc xám, mùi vị hắc; loại ở vùng Ấn Độ thường có màu đen được đóng thành bánh hoặc viên thành viên.
Vấn đề đặt ra là, nếu chiết xuất thảo mộc cần sa hoặc nhựa cần sa để lấy tinh dầu cần sa thì có thuộc trường hợp phạm tội này không ? Có ý kiến cho rằng thuộc trường hợp phạm tội quy định tại điểm h của khoản này. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, tại điểm h lại quy định các chất ma tuý khác chứ không phải là cần sa. Đây cũng là vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp, do không nghiên cứu kỹ các chất ma tuý và quá trình chiết xuất, điều chế ma tuý khi quy định trong luật chưa phản ảnh đầy đủ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tinh dầu cần xa có nồng độ các chất gây nghiện cao hơn gấp 4 đến 5 lần nhựa cần sa, nên không thể xếp ngang bằng với nhựa cần sa được. Vì vậy, trong khi Bộ luật hình sự chưa sửa đổi, bỏ sung thì nên coi tinh dầu cần sa như là một chất ma tuý khác thuộc thể lỏng để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
Cao cô ca là một chất kem được chiết xuất từ lá cây cô ca bằng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng nhất thiết phải bằng phương pháp hoá học như đã trình bày ở phần hành vi khách quan của tội phạm. Kem cô ca là nguyên liệu để sản xuất côcain qua các bước cho phản ứng hoá học.
Chỉ có lá cô ca mới chiết xuất được kem cô ca còn các bộ phận khác của cây cô ca chưa có tài liệu nào phản ảnh các bộ phận này chiết xuất được kem cô ca.
Để nhận biết có phải là kem cô ca không có nhiều biện pháp khác nhau như: Thử màu sắc, thử mùi vị, thử vi tinh thể.13
Trọng lượng nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca là trọng lượng không tính cả bao bì, nhưng phải tính cả trọng lượng mà các cơ quan tiến hành tố tụng gửi đi giám định và trọng lượng mà trong quá trình bảo quản bị hao hụt mất mát. Vì vậy, ngay sau khi thu giữ nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca, cơ quan điều tra phải tiến hành xác định ngay trọng lượng của nó theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
e. Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, tức là chỉ cần xác định trọng lượng của chất ma tuý để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Hêrôin là một chất ma tuý được điều chế từ Morphine mà Morphine lại là một chất ma tuý được điều chế nhựa thuốc phiện. Như vậy, có thể nói Hêrôin có nguồn gốc từ nhựa thuốc phiện, cứ 10 kilôgam thuốc phiện sống có thể chiết xuất được 1 kilôgam Morphine và từ 1 kilôgam có thể điều chế được 1 kilôgam Hêrôin.14
Hêrôin được điều chế ở nhiều nơi trên thế giới nhưng chủ yếu ở một số vùng như: ở vùng Tây Nam Á, vùng Trung Đông, vùng Đông Nam Á ; ở Việt Nam chưa phát hiện vụ án nào sản xuất Hêrôin nhưng việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ Hêrôin thì lại xẩy ra nhiều, nhất là những năm gân đây.
Hêrôin có nhiều loại khác nhau nhưng chủ yếu là ở dạng bột, có loại mầu trắng mịn, trắng sữa, có loại mầu hồng nhạt, mầu nâu sáng dùng để hút, hít, tiêm chích. Khi vận chuyển, người ta thường đóng bánh với trọng lượng 350 gam một bánh và thường đóng hai bánh với nhau gọi là một cặp.
Chất lượng Hêrôin cũng khác nhau có loại tỷ lệ Hêrôin đạt khoảng 60%, có loại đạt 70%, có loại chỉ đạt tỷ lệ 30-40%, có loại đạt tỷ lệ tới 90%. Tuy nhiên, hàm lượng Hêrôin cao thấp không có ý nghĩa xác định tội danh mà chỉ có ý nghĩa khi quyết định hình phạt.
Việc nhận biết Hêrôin cũng như xác định hàm lượng Hêrôin có nhiều phương pháp, có khi chỉ bằng mắt thường cũng biết như: loại Hêrôin đã đóng thành bánh, có in nhẵn mác, nhưng nếu Hêrôin ở dạng bột thì mắt thường khó nhận biết mà phải nếm thử. Nói chung, Hêrôin và các chất ma tuý khác đều phải thử bằng phương pháp hoá học do cơ giám định đảm nhiệm.
Côcain là chất tự nhiên được chiết xuất từ lá cô ca (tên Latinh là Erythroxylon norogranatense). Việc điều chế côcain nhất thiết phải bằng phương pháp cho phản ứng hoá học như đã giới thiệu ở phần hành vi khách quan.
Có nhiều cách để xác định côcain, nhưng nhất thiết phải bằng phương pháp hoá học và được tiến hành trong phòng thí nghiệm như: Thử Scott, thử mùi vị, thử vi tinh thể.15
Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam là trọng lượng để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, đối với Hêrôin thì việc xác định trọng lượng không khó, nhưng việc xác định trọng lượng côcain là vấn đề phức tạp hơn, vì côcain được điều chế từ là cô ca, từ kem cô ca, từ một loại côcain khác (côcain kiềm, côcain HCL). Nếu là côcain kiềm và côcain HCL thì không cần phân biệt côcain loại nào người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về trọng lượng côcain mà người đó sản xuất. Vì vậy, khi bắt được người sản xuất chất côcain cần đưa đến cơ quan giám định để xác định chất đó có phải là côcain không và là loại côcain nào.
Việc xác định trọng lượng Hêrôin và côcain cũng tương tự như việc xác định trọng lượng đối với nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca quy định tại điểm đ khoản 2 điều này.
g. Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam
Các chất ma tuý khác là các chất không phải là thuốc phiện, không phải là cần sa hay cô ca, cũng không phải là Hêrôin hay côcain, không phải ở thể lỏng mà là ở thể rắn.
Như vậy, ngoài các chất như: Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao cô ca, Hêrôin và côcain thì còn lại các chất ma tuý khác ở thể rắn đều thuộc trường hợp phạm tội quy định tại điểm này.
Theo quy định tại Công ước về ma tuý mà Việt Nam đã tham gia thì có tới 247 chất ma tuý khác nhau.16 điều luật mới quy định có 5 chất ma tuý thông dụng đã được phát hiện tại Việt Nam, còn các chất ma tuý khác thì phải đối chiếu danh mục các chất ma tuý quy định tại Công ước quốc tế về ma tuý.
Cho đến nay, chưa có văn bản nào giải thích hoặc hướng dẫn thế nào là chất ma tuý khác ở thể rắn. Vấn đề này, cũng dễ hiểu, vì ở nước ta chủ yếu chỉ có các chất ma tuý như thuốc phiện, Hêrôin, cần sa và một số chất ma tuý như: Suzusen, Methamphetamin, Codein.... Việc nhà làm luật quy định các chất ma tuý khác cũng nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.
Có thể còn ý kiến khác nhau, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự chỉ quy định hai loại: thể lỏng và thể rắn. Do đó, ngoài thể lỏng thì các chất ma tuý còn lại đều được coi là thể rắn ở dạng bột, viên, bánh... có như vậy thì mới đơn giản hoá việc xác định các chất ma tuý khác.
Tuy nhiên, nếu là Hêrôin hoặc côcain thì chỉ cần sản xuất từ năm gam đến dưới ba mươi gam là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự, còn các chất ma tuý khác người phạm tội phải sản xuất từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự. Trong các chất ma tuý khác, có những chất có tác dụng gây nghiện hoặc độc hại hơn nhiều so với Hêrôin hoặc côcain, nhưng có những chất lại không bằng cả thuốc phiện hoặc cần sa hay cao cô ca cũng đều được coi như nhau. điều này là bất hợp lý, qua thực tiễn xét xử chắc chắn sẽ được các nhà làm luật sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
h. Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít.
Cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 điều này, chỉ khác ở chỗ: các chất ma tuý khác trong trường hợp này là ở thể lỏng và đơn vị đo lường bằng mililít chứ không phải bằng gam hay kilôgam.
Do đơn vị đo lường được tính bằng mililit nên khi xác định các chất ma tuý ở thể lỏng cần bảo đảm tính chính xác tuyết đối, nhất là đối với chất ma tuý không được đóng thành ống có ghi ký hiệu, hàm lượng, khối lượng... mà đơn vị đo lường gần bằng hoặc ( trên, dưới) một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít.
i. Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản 2 điều này
Đây là trường hợp phạm tội tương đối phức tạp vì nó là sự tổng hợp của các trường hợp phạm tội quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản 2 điều này.
Thực tiễn xét xử, khi gặp phải trường hợp phạm tội này các cơ quan tiến hành tố tụng thường hay bị nhầm lẫn về số lượng các chất ma tuý để xác định người phạm tội bị truy cứu theo khoản nào của điều luật.
Theo Thông tư liên tịch sô 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ nội vụ hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luât sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, thì trường hợp phạm tội có từ hai chất ma tuý trở lên được xác định như sau: ( Chúng tôi chỉ nêu những nội dung còn phù hợp với Bộ luật hình sự năm 1999)
Trường hợp thứ nhất.
Nếu các chất ma tuý đó đều được quy định trong cùng một điểm, thì cộng trọng lượng các chất ma tuý đó lại với nhau và so sánh với quy định về trọng lượng trong điều luật tương ứng để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo khoản nào của điều luật đó.
Ví dụ : Một người sản xuất 300gam nhựa thuốc phiện và 300gam nhựa cần sa. Do nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa đều được quy định trong cùng điểm đ khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự, cho nên cần cộng trọng lượng nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa lại với nhau bằng 600gam (300+ 300 = 600). Đối chiếu với quy định về trọng lượng, thì thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự.
Trường hợp thứ hai (theo Thông tư là trường hợp thứ ba vì trường hợp thứ hai không còn phù hợp với Bộ luật hình sự năm 1999).
Nếu các chất ma tuý đó đều có trọng lượng dưới mức tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 193, thì cách xác định như sau:
Xác định tỷ lệ phần trăm (%) về số lượng của từng chất ma tuý so với mức tối thiểu quy định tại khoản 2 của điều luật tương ứng đối với chất ma tuý đó tại các điểm tương ứng, rồi cộng các tỷ lệ % về trọng lượng của từng chát ma tuý lại với nhau. Nếu tổng các tỷ lệ % về trọng lượng của các chất ma tuý mà dưới 100%, thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 193; nếu từ 100% trở lên thì thuộc trường hợp quy định tại điểm i khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự.
Ví dụ 1: Một người sản xuất 200 gam nhựa thuốc phiện và 2 gam Hêrôin. Trong trường hợp này cách tính như sau:
Tỷ lệ % về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối tiểu quy định tại khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự đối với nhựa thuốc phiện là 40% (200 gam so với 500 gam). Tỷ lệ % về trọng lượng của Hêrôin so với mức tối tiểu quy định tại khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự đối với Hêrôin cũng là 40% (2 gam so với 5 gam). Tổng tỷ lệ % về trọng lượng của nhựa thuốc phiện và Hêrôin là 80% (40%+40%) nên thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự.
Ví dụ 2: Một người sản xuất 400 gam nhựa thuốc phiện và 3 gam Hêrôin, thì cách tính như sau:
Tỷ lệ % về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối tiểu quy định tại khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự đối với nhựa thuốc phiện là 80% (400 gam so với 500 gam). Tỷ lệ % về trọng lượng của Hêrôin so với mức tối tiểu quy định tại khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự đối với Hêrôin cũng là 60% (2 gam so với 5 gam). Tổng tỷ lệ % về trọng lượng của nhựa thuốc phiện và Hêrôin là 140% (80%+60%) nên thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự.
k. Tái phạm nguy hiểm
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.
Phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại sản xuất trái phép chất ma tuý quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 điều luật, hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý.
So với trường hợp tái phạm nguy hiểm được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điêu 40 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tái phạm nguy hiểm có một số điểm khác như sau:
- Nếu Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: "đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng" thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: "đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng".
- Nếu Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: "mà lại phạm tội nghiêm trọng", thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: "mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng".
- Nếu Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: "mà lại phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý hoặc tội nghiêm trọng", thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: "mà lại phạm tội do cố".
Như vậy, tái phạm nguy hiểm theo Bộ luật hình sự năm 1999 có đặc điểm sau:
- Đã hai lần phạm tội đều là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, hoặc một trong hai lần đó là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, trong đó có một lần đã bị kết án. Ví dụ: Đã bị kết án về tội giết người theo khoản 2 Điều 193, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý theo khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999.
- Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý, không phân biệt tội đó là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý theo khoản 1 Điều 193 thì bị coi là tái phạm nguy hiểm.
Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 đều không quy định: Đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý thì có bị coi là tái phạm nguy hiểm hay không? Đây cũng là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi cho rằng, một người đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mới còn bị coi là tái phạm nguy hiểm huống hồ người đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mới thì càng phải coi họ là tái phạm nguy hiểm.
So với Điều 40 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tái phạm nguy hiểm thì Điều 49 Bộ luật hình sự năm 1999 có lợi cho người phạm tội. Do đó, đối với hành vi phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý và cần phải xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm thì phải căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự năm 1999.
Khi xác định tái phạm nguy hiểm thuộc trường hợp quy định tại điểm k khoản 2 điều này cần chú ý trường hợp tái phạm thứ nhất, đòi hỏi người phạm tội phải sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc trường hợp là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó người phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của Điều 193 mới là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì hình như nhà làm luật quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm là yếu tố định khung hình phạt là thừa vì người phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý phải thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội mới tái phạm nguy hiểm mà đã thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật rồi thì cần gì phải xác định tái phạm nguy hiểm nữa. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào nguyên tắc quyết định hình phạt thì việc nhà làm luật quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm là yếu tố định khung hình phạt là cần thiết, vì nếu người phạm tội có nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt thì mức hình phạt cụ thể phải cao hơn người phạm tội có ít tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. So với khoản 2 Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì mức hình phạt thấp nhất trong khung hình phạt chỉ có bảy năm so với mười năm quy định tại khoản 2 Điều 185b. Do đó hành vi phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới hai năm tù vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ, là người thuộc đối tượng nghiêm trị được quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự, thì bị phạt mức cao của khung hình phạt ( mười lăm năm tù).
3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự
a. Có tính chất chuyên nghiệp
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính cho mình.
Phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc sản xuất trái phép chất ma tuý là nguồn sống chính cho mình.
Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 quy định các tội phạm về ma tuý đều coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.
Khi áp dụng tình tiết này, cần lưu ý rằng khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ: tội phạm đó được lặp đi, lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống.
Sản xuất trái phép chất ma tuý tính chất chuyên nghiệp và sản xuất trái phép chất ma tuý nhiều lần đều giống nhau ở chỗ: Người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý nhiều lần (từ hai lần trở lên), nhưng khác nhau ở chỗ: Sản xuất trái phép chất ma tuý nhiều lần, người phạm tội không lấy việc sản xuất trái phép chất ma tuý làm phương tiện sống và họ chỉ thực hiện từ hai lần trở lên và mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất trái phép chất ma tuý. Hiện nay, cũng có quan điểm cho rằng, đối với trường hợp một người chỉ phạm một tội, nhưng được thực hiện nhiều lần trong một thời gian nhất định mà hành vi phạm tội đó được lặp đi, lặp lại thì cũng phải coi là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội phải lấy việc phạm tội làm phương tiện kiếm sống. Quan điểm này, theo chúng tôi là không có cơ sở khoa học, vì nếu coi trường hợp phạm tội nhiều lần nào cũng là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì không thể lý giải được sự khác nhau giữa phạm tội có tính chất chuyên nghiệp với phạm tội nhiều lần.
b. Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 của điều này chỉ khác nhau ở chỗ trọng lượng nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam. Do đó chỉ cần xác định trọng lượng thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca, đối chiếu với quy định của điều luật để xác định người phạm tội thuộc trường hợp khoản nào của điều luật.
Cách xác định trọng lượng thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 cuả điều luật.
c. Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 của điều này chỉ khác nhau ở chỗ trọng lượng Hêrôin hoặc côcain từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam.
Cách xác định trọng lượng Hêrôin hoặc côcain cũng tương tự như việc xác định trọng lượng nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca quy định tại điểm b khoản 2 điều này.
d. Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 của điều này chỉ khác nhau ở chỗ: Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam.
Cách xác định trọng lượng các chất ma tuý ở thể rắn cũng tương tự như đối với việc xác định trọng lượng các chất ma tuý khác.
đ. Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm năm mươi mililít đến dưới bảy trăm năm mươi mililít
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm h khoản 2 của điều này chỉ khác nhau ở chỗ: Các chất ma tuý khác ở thể lỏng mà người phạm tội sản xuất ra là từ hai trăm năm mươi mililít đến dưới bảy trăm năm mươi mililít.
e. Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản 3 điều này
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm i khoản 2 của điều này chỉ khác nhau ở chỗ: Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản 3 điều này. Cách xác định cũng tương tự như cách tính mà Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ nội vụ hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luât sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên khi xác định tổng trọng lượng chất ma tuý để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo khoản 3 Điều 193 cần chú ý:
Nếu trong các chất ma tuý, có chất có trọng lượng quy định tại khoản 1, có chất quy định tại khoản 3, có chất quy định tại khoản 2, có chất quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự thì tính như sau:
Xác định tỷ lệ phần trăm (%) về trọng lượng của chất ma tuý có trọng lượng nhiều nhất so với mức tối thiểu quy định đối với chất ma tuý đó tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự; xác định tỷ lệ % về trọng lượng của các chất ma tuý khác so với mức tối thiểu quy định đối với chất ma tuý đó tại khoản 3 Điều 193 quy định mức tối thiểu chất ma tuý có trọng lượng nhiều nhất; cộng các tỷ lệ % về trọng lượng của từng chất ma tuý với nhau. Nếu tổng các tỷ lệ % trọng lượng của các chất ma tuý là từ 100% trở lên thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự.
Ví dụ 1: Một người sản xuất 400 gam nhựa thuốc phiện và 24 gam Hêrôin. Trường hợp này Hêrôin có trọng lượng thuộc khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự, còn nhựa thuốc phiện có trọng lượng thuộc khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự, nên Hêrôin có trọng lượng nhiều nhất. Tổng số lượng của các chất ma tuý được xác định như sau:
Tỷ lệ % về trọng lượng của Hêrôin so với mức tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 193 là 80% (24 gam so với 30 gam); tỷ lệ % về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 193 là 40% (400 gam so với 1 kilôgam); Tổng tỷ lệ % của hai chất này là 120%, nên thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự.
Ví dụ 2: Một người sản xuất 4,5 kilôgam nhựa thuốc phiện và 4 gam Hêrôin. Trường hợp này nhựa thuốc phiện có trọng lượng thuộc khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự, còn Hêrôin có trọng lượng thuộc khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự, nên nhựa thuốc phiện có trọng lượng nhiều nhất. Tổng số lượng của các chất ma tuý được xác định như sau:
Tỷ lệ % về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu quy định tại khoản 4 Điều 193 là 90% (4,5 kilôgam so với 5 kilôgam); tỷ lệ % về trọng lượng của Hêrôin so với mức tối thiểu quy định tại khoản 4 Điều 193 là 4% (4 gam so với 100 gam); Tổng tỷ lệ % của hai chất này là 94%, nên vẫn thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. So với khoản 3 Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn mà cũng không nặng hơn (khung hình phạt đều có mức hình phạt từ mười lăm đến hai mươi năm tù), nhưng vì Điều 193 là điều luật nhẹ hơn Điều 185b nên hành vi phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì được khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 mà không áp dụng khoản 3 Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985 17
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới mười lăm năm tù nhưng không được dưới bảy năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ, thì có thể bị phạt tới hai mươi năm tù (mức cao của khung hình phạt).
4. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 193 Bộ luật hình sự
a. Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3 của điều này chỉ khác nhau ở chỗ trọng lượng nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca từ năm kilôgam trở lên.
Cách xác định trọng lượng nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca cũng tương tự như đối với việc xác định trọng lượng nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 3 của điều này.
b. Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 và điểm c khoản 3 của điều này chỉ khác nhau ở chỗ trọng lượng Hêrôin hoặc côcain từ một trăm gam trở lên.
Cách xác định trọng lượng Hêrôin hoặc côcain cũng tương tự như việc xác định trọng lượng Hêrôin, côcain quy định tại điểm e khoản 2 và điểm c khoản 3 điều này.
c. Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 và điểm d khoản 3 của điều này chỉ khác nhau ở chỗ: Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên.
Cách xác định trọng lượng các chất ma tuý khác ở thể rắn cũng tương tự như việc xác định trọng lượng các chất ma tuý khác quy định tại điểm g khoản 2 và điểm d khoản 3 điều này.
d. Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm h khoản 2 và điẻm đ khoản 3 của điều này chỉ khác nhau ở chỗ: Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có trọng lượng từ bảy trăm gam trở lên.
Cách xác định các chất ma tuý khác ở thể lỏng cũng tương tự như việc xác định các chất ma tuý khác ở thể lỏng quy định tại điểm h khoản 2 và điểm đ khoản 3 điều này.
đ. Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản 4 điều này
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm i khoản 2, điểm e khoản 3 của điều này chỉ khác nhau ở chỗ: Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản 3 điều này
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 193 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. So với khoản 4 Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì mức thấp nhất của khung hình phạt là hai mươi năm tù so với tù chung thân được quy định tại khoản 4 Điều 185b Bộ luật hình sự năm 1985. Do đó hành vi phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì được áp dụng khoản 4 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới hai mươi năm tù nhưng không được dưới mười lăm năm năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ, thì có thể bị phạt tử hình.
Để cụ thể hoá việc áp dụng khoản 4 Điều 193 Bộ luật hình sự cũng như một số điều luật khác, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15-3-2001. Theo Nghị quyết này thì khi áp dụng khoản 4 Điều 193 Bộ luật hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma tuý cần chú ý:
Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì:
Xử phạt hai mươi năm tù nếu:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có trọng lượng từ 5 kilôgam đến dưới mười kilôgam;
- Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam đến dưới chín trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít đến dưới hai n - Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý trên.
Xử phạt tù chung thân nếu:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi kilôgam;
- Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba trăm gam đến dưới sáu trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ chín trăm gam đến dưới hai nghìn năm trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai nghìn mililít đến dưới năm nghìn mililít;
- Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý trên.
Xử phạt tử hình nếu:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ hai mươi kilôgam trở lên;
- Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ sáu trăm gam trở lên;
- Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai nghìn năm trăm gam trở lên;
- Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ năm nghìn mililít trở lên;
- Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý trên.
Về tình tiết "có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số luợng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý trên” được tính như sau:
Trường hợp thứ nhất.
Nếu các chất ma tuý đó đều được quy định trong cùng một điểm của khoản 4 Điều 193, thì cộng trọng lượng các chất ma tuý đó lại với nhau và so sánh với trọng lượng được hướng dẫn trên, để xem xét người phạm tội phải bị xử phạt mức hình phạt nào.
Ví dụ : Một người sản xuất 9 kilôgam nhựa thuốc phiện và 17 kilôgam nhựa cần sa. Do nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa đều được quy định trong cùng điểm a khoản 4 Điều 193 Bộ luật hình sự, cho nên cần cộng trọng lượng nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa lại với nhau bằng 26 kilôgam (9 kg + 17kg = 26kg). Đối chiếu với trọng lượng được hướng dẫn, thì phải áp dụng điểm đ khoản 4 Điều 193 Bộ luật hình sự để xử phạt người phạm tội mức án tử hình.
Trường hợp thứ hai
Nếu các chất ma tuý đó được quy định tại các điểm khác nhau của khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 193, thì cách tính tổng số lượng của các chất ma tuý này tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý quy định tại khoản 4 Điều 193 Bộ luật hình sự. cách tính như sau:
Lần lượt lấy từng chất ma tuý trong số các chất ma tuý mà người phạm tội đã sản xuất làm chuẩn. Tính trọng lượng của các chất ma tuý còn lại trong số các chất ma tuý mà người phạm tội đã sản xuất tương ứng với bao nhiêu gam, kilôgam hoặc mililít của chất ma tuý đã lấy theo tỷ lệ trọng lượng tối thiểu của các chất ma tuý còn lại với trọng lượng tối thiểu của chất ma tuý đã lấy làm chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 193.
Cộng trọng lượng của các chất ma tuý đã tính được tương đương với trọng lượng thực có của chất ma tuý đã lấy làm chuẩn thì được tổng số lượng của các chất ma tuý mà người phạm tội đã sản xuất.
So sánh các kết quả tính tổng số lượng của các chất ma tuý mà người phạm tội đã sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tương đương (theo từng chất ma tuý đã lấy làm chuẩn) với nhau và với hướng dẫn trên. Nếu tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương theo chất ma tuý nào mà có lợi cho người phạm tội khi quyết định hình phạt, thì lấy tổng số lượng đó.
Ví dụ: Một người sản xuất 4 kilôgam thuốc phiện, 90 gam Hêrôin và 150 gam chất ma tuý khác ở thể rắn. Cách tính tổng số lượng của các chất ma tuý này như sau:
- Lấy thuốc phiện làm chuẩn để tính 90 gam Hêrôin và 150 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với bao nhiêu kilôgam thuốc phiện (tính theo tỷ lệ trọng lượng tối thiểu của thuốc phiện và Hêrôin, của thuốc phiện và chất ma tuý khác ở thể rắn quy định tại khoản 4 Điều 193); cụ thể là:
Đối với Hêrôin:
100 gam Hêrôin tương đương với 5 kilôgam thuốc phiện.
90 gam Hêrôin tương đương với X kilôgam thuốc phiện.
X = 90 gam x 5 kilôgam = 4,5 kilôgam thuốc phiện.
100 gam
Đối với chất ma tuý khác ở thể rắn:
300 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với 5 kilôgam thuốc phiện.
150 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với Y kilôgam thuốc phiện.
Y= 150 gam x 5kilôgam = 2,5 kilôgam thuốc phiện.
300 gam
Cộng trọng lượng của Hêrôin và chất ma tuý khác ở thể rắn vừa tính được tương đương với trọng lượng thuốc phiện (X và Y) với trọng lượng thuốc phiện thực có là:
4,5 kilôgam + 2,5 kilôgam + 4 kilôgam = 11 kilôgam.
Như vậy, trong trường hợp này tổng số lượng của thuốc phiện, Hêrôin và chất ma tuý khác ở thể rắn (các chất ma tuý mà người phạm tội đã sản xuất trái) tương đương với 11 kilôgam thuốc phiện.
- Lấy Hêrôin làm chuẩn để tính 4 kg thuốc phiện và 150 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với bao nhiêu gam Hêrôin (tính theo tỷ lệ trọng lượng tối thiểu của Hêrôin và thuốc phiện, của Hêrôin và chất ma tuý khác ở thể rắn quy định tại khoản 4 Điều 194); cụ thể là:
Đối với thuốc phiện:
5 kilôgam thuốc phiện tương đương với 100 gam Hêrôin
4 kilôgam thuốc phiện tương đương với X gam Hêrôin
X = 4 kilôgam x 100 gam = 80 gam Hêrôin
5 kilôgam
Đối với các chất ma tuý khác ở thể rắn:
300 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với 100 gam Hêrôin
150 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đối với Y gam Hêrôin
Y = 150 gam x 100 gam = 50 gam Hêrôin
300 gam
Cộng trọng lượng của thuốc phiện và chất ma tuý khác ở thể rắn vừa tính được tương đương với trọng lượng Hêrôin (X và Y) với trọng lượng Hêrôin thực có là:
80 gam + 50 gam + 90 gam = 220 gam
Như vậy, trong trường hợp này tổng số lượng của thuốc phiện, Hêrôin và chất ma tuý khác ở thể rắn (các chất ma tuý mà người phạm tội đã sản xuất trái phép) tương đương với 220 gam Hêrôin.
- Lấy chất ma tuý khác ở thể rắn làm chuẩn để tính 4 kg thuốc phiện và 90 gam Hêrôin tương đương với bao nhiêu gam chất ma tuý khác ở thể rắn (tính theo tỷ lệ trọng lượng tối thiểu của chất ma tuý khác ở thể rắn và thuốc phiện, của chất ma tuý khác ở thể rắn và Hêrôin quy định tại khoản 4 Điều 193); cụ thể là:
Đối với thuốc phiện:
5 kilôgam thuốc phiện tương đương với 300 gam chất ma tuý khác ở thể rắn.
4 kilôgam thuốc phiện tương đương với X gam chất ma tuý khác ở thể rắn.
X = 4 kilôgam x 300 gam = 240 gam chất ma tuý khác ở thể rắn
5 kilôgam
Đối với Hêrôin:
100 gam Hêrôin tương đương với 300 gam chất ma tuý khác ở thể rắn.
90 gam Hêrôin tương đương với Y gam chất ma tuý khác ở thể rắn.
Y = 90 gam x 300 gam = 270 gam chất ma tuý khác ở thể rắn
100 gam
Cộng trọng lượng của thuốc phiện và Hêrôin vừa tính được tương đương với trọng lượng chất ma tuý khác ở thể rắn (X và Y) với trọng lượng chất ma tuý khác ở thể rắn thực có là:
240 gam+ 270 gam + 150 gam = 660 gam
Như vậy, trong trường hợp này tổng số lượng thuốc phiện, Hêrôin và chất ma tuý khác ở thể rắn (các chất ma tuý mà người phạm tội đã mua bán trái phép) tương đương với 660 gam chất ma tuý khác ở thể rắn..
So sánh các kết quả xác định tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương (theo từng chất ma tuý đã lấy làm chuẩn), tức là so sánh các kết quả vừa tính trên với nhau và với hướng dẫn cho thấy:
Nếu lấy tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương với trọng lượng thuốc phiện (11 kg) thì áp dụng điểm đ khoản 4 Điều 193 để xử phạt người phạm tội tù chung thân.
Nếu lấy tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương với trọng lượng Hêrôin (220 gam) hoặc với trọng lượng chất ma tuý khác ở thể rắn (660 gam) thì áp dụng điểm đ khoản 4 Điều 193 để xử phạt người phạm tội hai mươi năm tù.
Kết quả so sánh trên đây cho thấy nếu lấy tổng số lượng của các chất ma tuý mà người phạm tội đã sản xuất trái phép tương đương với trọng lượng Hêrôin hoặc chất ma tuý khác ở thể rắn thì đều có lợi hơn cho người phạm tội; do đó, trong ví dụ này có thể lấy tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương với trọng lượng Hêrôin hoặc tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương với trọng lượng chất ma tuý khác ở thể rắn để xét xử đối với bị cáo.
Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ (ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS) mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:
Xử phạt tù từ mười lăm năm đến dưới hai mươi năm nếu:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có trọng lượng từ 5 kilôgam đến dưới mười kilôgam;
- Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam đến dưới chín trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít đến dưới hai nghìn mililít;
- Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý trên.
Xử phạt hai mươi năm tù nếu:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi kilôgam;
- Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba trăm gam đến dưới sáu trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ chín trăm gam đến dưới hai nghìn năm trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai nghìn mililít đến dưới năm nghìn mililít;
- Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý trên.
Xử phạt tù chung thân nếu:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ hai mươi kilôgam trở lên;
- Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ sáu trăm gam trở lên;
- Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai nghìn năm trăm gam trở lên;
- Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ năm nghìn mililít trở lên;
- Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý trên.
Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:
Xử phạt tù chung thân nếu:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi kilôgam;
- Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba trăm gam đến dưới sáu trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ chín trăm gam đến dưới hai nghìn năm trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai nghìn mililít đến dưới năm nghìn mililít;
- Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý trên.
Xử phạt tử hình nếu:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi kilôgam;
- Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba trăm gam đến dưới sáu trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ chín trăm gam đến dưới hai nghìn năm trăm gam;
- Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai nghìn mililít đến dưới năm nghìn mililít;
- Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý trên.
Trong trường hợp theo hướng dẫn thì người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng nếu người phạm tội chỉ là người giúp sức, do nể nang tình cảm, bị cưỡng bức hoặc vì hám lợi nhất thời ... mà sản xuất trái phép chất ma tuý thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ từng trường hợp cụ thể mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
So với Thông tư liên tịch số 01 ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ nội vụ hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, thì Nghị quyết trên của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Do nghị quyết này chỉ hướng dẫn áp dụng khoản 4 Điều 193 của Bộ luật hình sự năm 1999, còn các quy định khác của Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 chưa được hướng dẫn. Do đó, trong khi chưa có hướng dẫn chính thức việc áp dụng Điều 193 Bộ luật hình sự năm của các cơ quan chức năng, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 01 ngày 2-1-1998 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, khi vận dụng cần phải đối chiếu, so sánh với những quy định tại Nghị quyết số 01 ngày 15-3-2001 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về 193 Bộ luật hình sự.
5. Hình phạt bổ sung
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý còn có thể bị phạt từ năm triệu đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
So với Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì khoản 5 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì mức phạt tiền quy định tại Điều 185(o) từ hai mươi triệu đến năm trăm triệu đồng, hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ hai năm đến năm năm; việc áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại Điều 185(o) là bắt buộc, còn khoản 5 Điều 193 việc áp dụng hình phạt bổ sung có thể áp dụng hoặc không áp dụng, Vì vậy, Toà án được áp dụng khoản 5 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1999 để áp dụng hình phạt bổ sung đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.
8 Xem Vũ Ngọc Bừng “các chất ma tuý” NXB Công an nhân dân, năm 1994. Tr 6.
9 Xem phụ lục “Nghị định của Chính phủ Số 67/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2001Ban hành các danh mục chất ma tuý và tiền chất”
10 Xem Vũ Ngọc Bững “Các chất ma tuý” NXB Công an nhân dân. năm 1994. Tr11-27.
11 Sách đã dẫn. Tr 62-63
12 Xem Vũ Ngọc Bừng “Các chât ma tuý” NXB Công an nhan dân .Năm 1994. Tr 48
13 Sách đã dẫn. Tr 71-73.
14 Sách đã dẫn. Tr 13-46.
15 Sách đã dẫn. Tr 58-73.
16 Xem Danh mục cac chất ma tuý Phần phụ lục
17 Xem chú thích sô 7.
No comments:
Post a Comment