27/06/2014
Đồng phạm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Bài tập học kỳ Luật Hình sự 1
1.A, B, C phạm tội gì?

A, B và C là đồng phạm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Hành vi của A, B và C thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. A, B và C đã dụ được M và N tham gia chơi đỏ đen và đã sử dụng thủ đoạn tráo bài để thắng cuộc và lấy được tiền của M.

* Về mặt khách thể, tội phạm này xâm phạm đến quan hệ sở hữu về tài sản. Ngoài ra, nó còn tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội. Đối tượng của tội phạm này là tài sản. Rõ ràng, hành vi của ba tên này đã tác động đến quan hệ sở hữu về tài sản mà cụ thể là quan hệ sở hữu với tiền của anh M, tài sản là số tiền có tổng giá trị là 8 triệu đồng. 

* Về mặt khách quan, hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi khác nhau là: hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt, trong đó, hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích, là kết quả của hành vi lừa dối đó. 

Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật và có thể thực hiện qua lời nói, qua việc xuất trình những giấy tờ sai sự thật hoặc qua những việc làm cụ thể. Trong tình huống đề bài, sau một vài ván biểu diễn thử trò chơi làm cho hành khách trên xe tò mò và thấy dễ thắng mà tham gia, A, B, C đã dụ được M và N tham gia trò chơi và chúng đã lấy được tiền của M bằng cách sử dụng thủ đoạn tráo bài.

Khi định tội cho hành vi tổ chức trò chơi đỏ đen trên xe khách liên tỉnh của A, B và C rất có thể nhầm sang tội đánh bạc, điểm đáng chú ý ở đây là: ba tên này dùng thủ đoạn tráo bài để giành phần thắng. Trong thực tế, có những trò chơi mà sự thắng cuộc của người tham gia là hoàn toàn do may rủi hoặc phụ thuộc vào một khả năng nào đó của họ (như trò đánh cờ tướng) hoặc phụ thuộc vào cả sự may rủi và cả khả năng của cá nhân (như đánh cá tỉ số được thua trong một trận đá bóng) hoặc phụ thuộc vào một yếu tố nào đó khác độc lập với ý muốn chủ quan của những người tham gia. Bên cạnh đó, những trò chơi mà một hoặc một số người tham gia bằng những thủ đoạn gian dối, tinh vi có thể hoàn toàn chủ động trong việc để mình thua hay thắng. Vậy, những trò chơi mà trong đó có sự lừa dối của một số người mà họ có thể làm chủ cuộc chơi như vậy thì sẽ bị coi là tội đánh bạc hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản? 

Tội đánh bạc là loại tội có yếu tố trục lợi, những người tham gia đánh bạc luôn có mong muốn là mình được cuộc. Với mong muốn đó, không bao giờ họ đồng ý chơi khi biết chắc chắn mình sẽ thua và lại còn là thua do đối phương dùng thủ đoạn gian dối, nói cách khác, họ sẽ không tham gia một trò bịp bợm. Rõ ràng, nếu M và N biết đó là trò bịp thì chắc chắn họ sẽ không tham gia. Trong thực tế, nhiều người do tư tưởng tham lam, trục lợi và đã tham gia nhầm vào trò bịp đó. Và tất nhiên họ sẽ thua cuộc nhưng có thể khi đã trao  đổi đến những tài sản cuối cùng rồi mà họ vẫn không biết là mình bị lừa. Nếu đứng trên phía những người tham gia nhầm này mà nhận xét thì thấy rằng, ý thức chủ quan của họ là muốn đánh bạc, thế nhưng họ đã tham gia vào một trò bịp, và đối phương của họ hoàn toàn biết rõ, hoàn toàn không có ý thức là đánh bạc mà là sử dụng thủ đoạn gian dối, lừa người chơi khác tin đây chỉ là một trò chơi bình thường – không có thủ đoạn gian lận gì mà tham gia vào. Về thực chất, hành vi của những kẻ bịp bợm trong những trò chơi đó không còn là hành vi đánh bạc đơn thuần nữa mà là hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Nó chỉ khác những trường hợp phạm tội lừa đảo bình thường là được ngụy trang dưới hình thức cờ bạc. Rõ ràng là hành vi của ba tên lừa bịp này không thỏa mãn cả về khách quan lẫn chủ quan cấu thành tội đánh bạc. Khi tiến hành trò đỏ đen này, có thể M giành phần thắng nhưng do chúng tráo bài nên M không thể thắng được, M lại tưởng là mình đen đủi.

Và một điều cũng đáng chú ý nữa, hành vi lừa dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện là nhằm thực hiện chiếm đoạt, những hành vi lừa dối nhằm mục đích khác thì dù có mục đích tư lợi cũng không phải là hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có những trường hợp, người phạm tội dù có hành vi lừa dối chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhưng thủ đoạn gian dối đó chưa thể giúp người phạm tội chiếm đoạt được tài sản thì chưa thể xác định đó là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở tình huống này, chính nhờ thủ đoạn gian dối, tráo bài mà ba tên này đã cùng nhau chiếm được tài sản của M. A, B và C đã lừa và dụ được M và N tham gia chơi, làm cho M và N chỉ nghĩ rằng đây chỉ là một trò chơi đỏ đen và lại dễ giành phần thắng.

Theo Điều 139 BLHS, chỉ lấy tài sản có giá trị từ hai triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm hoặc nếu tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng thì phải gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hay đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Tội phạm hoàn thành khi người quản lý tài sản tin nhầm vào sự gian dối mà giao tài sản, không kể diễn biến sau đó thế nào. Trong tình huống này, ba tên đó đã cùng nhau chiếm được 8 triệu đồng của M.

* Về mặt chủ quan: người phạm tội này với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi (nhằm chiếm đoạt tài sản) là dấu hiệu bắt buộc. Mục đích này phải có trước hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi lừa đảo nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi không cấu thành tội phạm này mà chỉ có thể cấu thành tội chiếm giữ tài sản trái phép hay chỉ là một quan hệ dân sự. Rõ ràng, ba tên này đã có tính toán trước và đã bàn nhau tìm kiếm tiền bằng cách tổ chức trò chơi đỏ đen trên xe khách liên tỉnh, sau đó khi dụ được M và N, thấy M đặt cược năm triệu, chúng đã sử dụng thủ đoạn tráo bài và tiếp tục dùng thủ đoạn đó ở lần sau.

* Về chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 và 4 Điều này. Đề bài không đề cập đến độ tuổi của ba tên này, ta coi chúng đều trên 16 tuổi và hoàn toàn có năng lực trách nhiệm hình sự.

Vậy ta có thể kết luận lại: A, B và C là đồng phạm của nhau trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đều giữ vai trò là người thực hành, cụ thể là thuộc khoản 1 Điều 139 BLHS: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

2. M và N có phạm tội không? Nếu phạm tội thì là tội gì?

Về phần M,  M có phạm tội và phạm tội đánh bạc.

* Mặt khách thể: tội phạm xâm phạm vào trật tự an toàn công cộng. Khác với pháp luật của một số nước, một số nước tư bản cho phép đánh bạc, pháp luật nước ta nghiêm cấm mọi hoạt động đánh bạc dưới bất kì hình thức nào và coi đây là hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội. M và N đã tham gia vào trò chơi đỏ đen được ba tên A, B và C tổ chức trên một chuyến xe liên tỉnh.

* Mặt khách quan của tội phạm: ở phần trên cũng đã đề cập đến hành vi đánh bạc, đánh bạc được biểu hiện dưới bất cứ hình thức nào được thua bằng tiền hoặc dùng hiện vật để gán nợ, hiện vật có thể là vàng, bạc, đá quý, xe máy…M đã dùng tiền của mình để tham gia vào trò chơi đỏ đen.

Nhưng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi có một trong những điều kiện:

- Được thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ hai triệu trở lên;

- Đã bị kết án về tội này hoặc tội được quy định tại Điều 249 BLHS mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Về phần N, đề bài không nói rõ tổng số tiền mà N đã đặt cược là bao nhiêu cũng như không nói rõ hành vi của N, N sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc khi phạm vào một trong những điều kiện đã nêu trên. 

Điều 248 BLHS quy định: “Người nào đánh bạc trái phép…”, như vậy đây là một điểm mới được sửa đổi trong tội đánh bạc, trước đây thì mọi hành vi đánh bạc đều bị coi là vi phạm pháp luật, nhưng chúng ta vẫn cho tồn tại một số sòng bạc (casino) cho người nước ngoài chơi. Thực tiễn này làm cho tồn tại hành vi đánh bạc mà không bị xử lý dù trái pháp luật. Theo quy định tại Điều 248 sửa đổi thì hanh vi đánh bạc không được pháp luật cho phép mới cấu thành tội còn những hanh vi đánh bạc. Nhưng rõ ràng, việc chơi đỏ đen trên xe liên tỉnh mà M và N tham gia này là trái pháp luật.

Khi truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… cần phân biệt: một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa…(để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi một lô đề, tham gia cá độ một trận bóng, tham gia cá độ trong một lần đua ngựa… Trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt và trách nhiệm hình sự đối với người chơi một lần đánh bạc trong những trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó. Tương tự như vậy, đối với M, sau khi thua năm triệu, để tìm cách gỡ số tiền bị mất và đã đặt cược tiếp ba triệu. Vậy, trong tình huống trên, tổng số tiền mà M đã chơi là tám triệu đồng.

* Mặt chủ quan: tội phạm được tham gia dưới hình thức lỗi xố ý, nhằm thu lợi bất chính. Tuy M và N là người bị A, B và C lừa nhưng không vì thế mà họ không phải chịu trách nhiệm về hành vi đánh bạc của mình.

Xét về trách nhiệm hình sự của M và N là những người tham gia nhầm vào trò bịp của A, B và C, vẫn cấu thành tội đánh bạc, vì ý thức chủ quan của họ là mong muốn đánh bạc, thấy trò này cũng dễ thắng đâm sinh lòng tham và tham gia chơi. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp đưa hối lộ cho một tên lưu manh do nhầm tưởng, do bị lừa, tên này là người có chức, có quyền và đương nhiên, người đưa hối lộ nhầm này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ. 

* Chủ thể của tội phạm: tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định. Đề bài không đề cập nên ta coi M và N đều đủ tuổi và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Điểm đáng chú ý ở đây là: dù đúng là người bị lừa, mất tài sản thật vì họ tham gia nhầm vào một trờ lừa bịp nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi sai phạm của bản thân – tội đánh bạc mà cụ thể là M phải chịu trách nhiệm hình sự về khoản 1 Điều 248 BLHS. 

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

1 comment:

  1. Trang ca cuoc bong da uy tín số 1 Việt Nam
    Khuyến mãi cực hấp dẫn ( lên tới 100% giá trị nạp TK )
    Cùng cá cược bóng đá tại Casino889

    ReplyDelete