27/06/2014
Các hoạt động điều tiết giá của Nhà nước - Bài tập nhóm môn Quản lí thương mại
Trong nền kinh tế thị trường, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, nhà sản xuất cũng như góp phần ổn định thị trường, Nhà nước ta đã có những hoạt động điều tiết giá nhất định. Hiện nay, cơ sở pháp lý cho các hoạt động này là Pháp lệnh giá 2002. Tuy nhiên, vừa qua Luật Giá 2012 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Do đó, sắp tới nội dung các hoạt động điều tiết giá của Nhà nước sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Giá 2012. Theo quy định tại Luật Giá thì các hoạt động điều tiết giá của Nhà nước bao gồm: bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá và kiểm tra các yếu tố cấu thành giá.

1. Hiệp thương giá

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Luật giá năm 2012 thì hiệp thương giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức và làm trung gian cho bên mua và bên bán thương lượng về mức giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ thỏa mãn điều kiện hiệp thương giá theo đề nghị của một trong hai bên hoặc cả hai bên mua, bán hoặc khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Hoạt động hiệp thương giá bao gồm những nội dung chủ yếu sau:


1.1. Thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá

Thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Luật giá năm 2012. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì tổ chức hiệp thương giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.

Sở Tài chính chủ trì tổ chức hiệp thương giá theo yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khi có đề nghị của bên mua hoặc bên bán hoặc cả hai bên mua và bán có trụ sở đóng trên địa bàn. Trường hợp bên mua và bên bán có trụ sở đóng tại hai tỉnh khác nhau cùng đề nghị hiệp thương thì hai bên thống nhất đề nghị một trong hai Sở Tài chính chủ trì hiệp thương; trường hợp không thống nhất được thì Sở Tài chính nơi bên bán đóng trụ sở chủ trì hiệp thương.

Cơ quan tổ chức hiệp thương giá chịu trách nhiệm tổ chức việc hiệp thương theo quy định của pháp luật

1.2. Các loại hàng hóa, dịch vụ được hiệp thương giá

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Giá 2012 thì các loại hàng hóa, dịch vụ được hiệp thương giá phải là hàng hóa, dịch vụ đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;

Thứ hai,hàng hoá, dịch vụ quan trọng được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đặc thù hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế; có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán hoặc bên mua, bên bán phụ thuộc nhau không thể thay thế được.

1.3. Các trường hợp cơ quan nhà nước được hiệp thương giá

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá đối với hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Giá trong các trường hợp sau:

a) Khi có đề nghị của bên mua hoặc bên bán hoặc cả hai bên mua và bán;

b) Khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

1.4. Kết quả của hiệp thương giá 

Thứ nhất, kết quả do các bên tự xác định,theo đó cơ quan tổ chức hiệp thương giá thông báo bằng văn bản về mức giá được thỏa thuận cho các bên sau khi hiệp thương ( khoản 1 Điều 25 Luật Giá).

Thứ hai, nếu như các bên không thỏa thuận đựoc thì được thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định giá tạm thời để hai bên cùng thi hành.Quyết định giá tạm thời do cơ quan tổ chức hiệp thương công bố có hiệu lực thi hành tối đa là 06 tháng. Trong thời gian thi hành quyết định giá tạm thời, các bên tiếp tục thương thảo về giá. Nếu các bên thống nhất được giá thì thực hiện theo giá đã thống nhất và có trách nhiệm báo cáo cơ quan tổ chức hiệp thương biết giá đã thống nhất, thời gian thực hiện.Hết thời hạn 06 tháng, nếu các bên không thỏa thuận được giá thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá lần hai. Nếu các bên vẫn không đạt được thỏa thuận về giá thì quyết định giá tạm thời vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi đạt được thỏa thuận về mức giá ( khoản 2 Điều 25 Luật Giá).

Ví dụ minh họa 

Một trong những ví dụ tiêu biểu của hoạt động hiệp thương giá phải nói đến vụ việc hiệp thương giá giữa VNPT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN) với sự tham gia của Bộ Tài chính về giá thuê cột điện. Theo phản ánh của các đơn vị thành viên VNPT thì giá sàn thuê cột bê tông của EVN tăng đột biến từ 3,98 đến 8,08 lần. Sau khi EVN ban hành giá mới, lãnh đạo VNPT có nhiều buổi đàm phán với lãnh đạo EVN (thời gian hơn 1 năm) nhưng không đạt kết quả đồng thuận. VNPT có các công văn: Công văn số 3228VNPT - TTBH ngày 19/8/2009 đề nghị các Bộ liên quan giúp đỡ, xem xét về mức giá thuê cột điện cho hợp lý; Công văn số 3768 ngày 22/9/2009 gửi Bộ Tài chính về việc hiệp thương giá.

Như vậy, trong trường hợp trên dịch vụ thuê cột điện không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định, song đây cũng là dịch vụ quan trọng, có thị trường cạnh tranh hạn chế, độc quyền nên trường hợp này dịch vụ thuê cột điện được coi là dịch vụ thuộc trường hợp được hiệp thương giá. Đồng thời, có đề nghị của VNPT (bên mua) về việc Hiệp thương giá nên ngày 9/11/2009, Bộ Tài chính cũng đã chủ trì Hội nghị hiệp thương giá thuê cột điện lực để treo cáp thông tin, nhưng kết thúc hội nghị vẫn chưa có mức giá thuê hợp lý. Căn cứ theo Điều 25 Luật Giá thì khi không thỏa thuận được giá,cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định giá tạm thời để hai bên cùng thi hành.Quyết định giá tạm này có hiệu lực thi hành tối đa là 06 tháng. Trong thời gian này nếu các bên thống nhất được giá thì thực hiện theo giá đã thống nhất.

2. Kiểm tra yếu tố hình thành giá

2.1. Thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá 

Khác với trường hợp phân định thẩm quyền trong trường hợp hiệp thương giá, việc phân định thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá dựa trên các loại hàng hóa, dịch vụ được kiểm tra. Theo quy định tại Điều 27 Luật Giá thì Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với:

+ Hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính;

+ Hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định tại Điều 15 của Luật này.

Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với:

+  Hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

+  Hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

2.2. Các trường hợp kiểm tra yếu tố hình thành giá

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Giá trong các trường hợp sau:

- Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bình ổn giá, định giá;

- Khi giá có biến động bất thường và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2.3. Hàng hoá, dịch vụ phải kiểm tra yếu tố hình thành giá

Các loại hàng hóa, dịch vụ sau phải kiểm tra yếu tố hình thành giá:

- Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá;

- Hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá;

-  Hàng hoá, dịch vụ khác khi giá có biến động bất thường theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

* Ví dụ minh họa: kiểm tra các yếu tố hình thành giá thuốc chữa bệnh cho người nhập khẩu.

Hiện nay trên thị trường Việt Nam, có rất nhiều đầu thuốc nhập khẩu. Nhà nước quản lý các yếu tố hình thành giá thuốc nhập khẩu bằng việc quy định các nhà kinh doanh, nhập khẩu thuốc phải thực hiện kê khai, kê khai lại giá thuốc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện niêm yết giá thuốc công khai.Các nhà nhập khẩu thuốc trước khi đưa ra lưu hành lần đầu tiên phải thực hiện kê khai các loại giá, bao gồm: giá CIF thực tế  (là giá bán thuốc tại nước xuất khẩu cộng với chi phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển từ nước xuất khẩu đến cảng Việt Nam, được ghi trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu tại hải quan); giá bán buôn dự kiến và giá bán lẻ dự kiến (nếu các nhà nhập khẩu có thực hiện việc bán lẻ). Nếu như với các chuyến hàng nhập khẩu tiếp theo, nhà nhập khẩu muốn điều chỉnh tăng giá CIF hoặc tăng giá bán buôn, giá bán lẻ thì phải thực hiện kê khai lại giá thuốc. Các nhà nhập khẩu khi kê khai, kê khai lại giá thuốc thì phải lập hồ sơ kê khai, kê khai lại gửi đến Cục quản lý dược – Bộ Y tế, cơ quan này sẽ thực hiện giám sát việc kê khai, kê khai lại của các doanh nghiệp có hợp lý hay không để từ đó đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, căn cứ vào:

- Chi phí nhập khẩu, giá thành toàn bộ, chi phí lưu thông thuốc xác định theo các quy định pháp luật hiện hành.

- Mặt bằng giá thuốc trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. 

- Biến động của các yếu tố chi phí đầu vào như nguyên liệu, nhiên liệu, tỷ giá và một số chi phí khác.

Khi giá thuốc có biến động bất thường và cơ quan nhà nước có thẩm quyết định bình ổn giáthuốc thì Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra các yếu tố hình thành giá thuốc nói chung, giá thuốc nhập khẩu nói riêng trên cơ sở hồ sơ đăng kí, đăng kí lại giá thuốc nhập khẩu, giá thuốc nhập khẩu được các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thuốc niêm yết, so sánh với giá thuốc được bán thực tế trên thị trường có phù hợp không, để từ đó có những biện pháp thích hợp.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment