08/02/2014
Bài tập cá nhân Công pháp quốc tế - Bình luận về các hành vi do quốc gia Tunyza và Bravia
Đề bài:

Năm 1995, hai quốc gia Tunyza và Bravia ký kết Hiệp ước phân định biên giới trong đó thoả thuận sẽ thiết lập khu vực phi quân sự có chiều rộng 10 km tính từ đường biên giới trở vào lãnh thổ mỗi bên. Ngày 16/8/2011, quốc gia Tunyza tập trung hàng nghìn binh sĩ để chuẩn bị cho cuộc tập trận sát dọc tuyến biên giới giữa Tunyza và Bravia. Chính quyền Tunyza cho rằng cuộc tập trận này mang tính chất phòng thủ và diễn ra hàng năm. Trong khi đó, chính quyền Bravia lại cho rằng đây là một hành động vi phạm Hiệp ước phân định biên giới đã ký, có tính chất khiêu khích quân sự và đe doạ sự toàn vẹn lãnh thổ của Bravia.

Để phản đối hành động này, ngày 17/8/2011, Bravia đã gửi tối hậu thư yêu cầu Tunyza rút quân ngay lập tức ra khỏi khu vực biên giới giữa hai quốc gia và đe doạ sẽ sử dụng quân đội để tấn công nếu Tunyza không rút quân. Bất chấp lời cảnh báo của Bravia, Tunyza vẫn không tiến hành rút quân. Trước thái độ của Tunyza, Bravia đã dùng đạn pháo về phía Tunyza làm thiệt mạng nhiều dân thường và binh sĩ của Tunyza.

Hãy bình luận về các hành vi do quốc gia Tunyza và Bravia thực hiện trên cơ sở các quy định của luật quốc tế
Bài làm

Với những dữ kiện đưa ra từ tình huống có thể kết luận cả hai quốc gia Tunyza và Bravia đều có hành vi vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật Quốc tế

Thứ nhất, hành vi của cả 2 quốc gia đều vi phạm nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực

- Về phía Tunyza:

Năm 1995, hai quốc gia Tunyza và Bravia ký kết Hiệp ước phân định biên giới trong đó thoả thuận sẽ thiết lập khu vực phi quân sự có chiều rộng 10 km tính từ đường biên giới trở vào lãnh thổ mỗi bên. Khu vực phi quân sự là khu vực, biên giới hoặc ranh giới nằm giữa hai hay nhiều lực lượng quân sự đối lập mà tại đó hoạt động quân sự không được phép tiến hành. Tuy nhiên, vào ngày 16/8/2011, quốc gia Tunyza tập trung hàng nghìn binh sĩ để chuẩn bị cho cuộc tập trận sát dọc tuyến biên giới giữa Tunyza và Bravia. Theo Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp quốc năm 1970 về các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ hợp tác giữa các quốc gia đã quy định "mọi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm vi phạm các đường ranh giới quốc tế như giới tuyến ngừng bắn, được thiết lập bằng bởi một thỏa thuận quốc tế mà quốc gia đó là một bên, hoặc tương tự như vậy, có nghĩa vụ phải tuân thủ". Khái niệm vũ lực còn bao hàm cả việc quốc gia này sử dụng lực lượng vũ trang không nhằm tấn công xâm lược quốc gia khác nhưng để gây sức ép, đe dọa quốc gia khác. Như vậy hành vi tập trận sát biên giới của Tunyza được coi là hành động đe dọa dùng vũ lực, vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế

- Về phía Bravia:

Để phản đối hành động này, ngày 17/8/2011, Bravia đã gửi tối hậu thư yêu cầu Tunyza rút quân ngay lập tức ra khỏi khu vực biên giới giữa hai quốc gia và đe doạ sẽ sử dụng quân đội để tấn công nếu Tunyza không rút quân. Tiếp sau đó, trước thái độ bất hợp tác của Tunyza, Bravia đã dùng đạn pháo về phía Tunyza làm thiệt mạng nhiều dân thường và binh sĩ của Tunyza. Ở đây, sự phản ứng của Bravia gồm 2 hành vi “gửi tối hậu thư” và “bắn đạn pháo”. Như phân tích ở trên hành động “gửi tối hậu thư” đe dọa quốc gia khác cũng được coi là hành vi “đe dọa dùng vũ lực”, không phù hợp với hiến chương Liên hợp quốc. Hiến chương cũng chỉ quy định hai trường hợp sử dụng hợp pháp lực lượng vũ trang vào mục đích tự vệ và theo quyết định của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khi có đe dọa hòa bình, xâm phạm hòa bình hoặc bị xâm lược. hành sử dụng vũ trang để tự vệ chỉ được coi là “hợp pháp” khi một quốc gia bị quốc gia khác tấn công vũ trang. Trong trường hợp này, Bravia đã có hành động “bắn đạn pháo” khi Tunyza chưa có hành động tấn công vũ trang nào. Như vậy, hành động “bắn đạn pháo” từ phía Bravi được coi là hành vi “dùng vũ lực”, vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật Quốc tế.

Thứ hai, hành vi bắn đạn pháo của Bravi về phía Tunyza đã vi phạm nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế

Tranh chấp quốc tế luôn xảy ra trong các hoàn cảnh cụ thể, khi mà các chủ thể luật Quốc tế có những quan điểm trái ngược hoặc mâu thuẫn nhau và có những yêu cầu, hay đòi hỏi cụ thể không thể thống nhất được. Tuyên bố 1970 đã quy định: "Tất cả các quốc gia sẽ giải quyết các tranh chấp quốc tế với những quốc gia khác bằng các biện pháp hòa bình…". Bên cạnh đó, Điều 33 Hiến chương Liên Hợp quốc đã đưa ra những biện pháp hòa bình mà các bên có thể lựa chọn khi xảy ra tranh chấp quốc tế. Khi xảy ra tranh chấp, các bên có quyền tự do lựa chọn các biện pháp giải quyết theo điều 13 để giải quyết tranh chấp sao cho hiệu quả nhất nhưng bắt buộc phải tuân thủ nguyên tắc và cơ sở luật Quốc tế

Như vậy, hành vi của Bravi không nằm trong các biện pháp được quy định tại điều 33 và vi phạm nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế

Thứ ba, hành động không tuân thủ đúng Hiệp định phân định biên giới đã ký với Bravia của Tunyza đã vi phạm nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế

Khoản 2 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc quy định “ tất cả các thành viên liên hợp quốc thiện chí thực hiện các nghĩa vụ do Hiến chương đặt ra”. Bên cạnh đó, Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế cũng đã khẳng định “mỗi điều ước quốc tế hiện hành đều ràng buộc các bên tham gia và đều được các bên thực hiện một cách thiện chí”

Bravia và Tunyza đã kí với nhau Hiệp định phân định biên giới năm 1995 một cách tự nguyện, trên cơ sở bình đằng, và tại thời điểm ngày 16/8/2011, điều ước đã phát sinh và đang còn hiệu lực. Trường hợp của Tunyza không nằm trong các trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc đã được quy định. Như vậy cả hai bên phải có nghĩa vụ tuân thủ theo đúng những quy định của điều ước. Hành vi tập trận sát biên giới của Tunyza đã vi phạm thoả thuận trong Hiệp ước với Bravia, đã có sự vi phạm trong việc thực thi điều ước đồng thời vi phạm nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật quốc tế, Nxb. CAND, Hà Nội, 2007.
2. Lê Mai Anh và Trần Văn Thắng, Luật quốc tế - Lí luận và thực tiễn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001.
3. ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân - ThS. Chu Mạnh Hùng (đồng chủ biên), Giáo trình Luật quốc tế, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2010.
4. Chủ biên Nguyễn Trung tín, PHS.PTS Nguyễn Đăng Dung Lê Mai Thanh, Nguyễn Hoàng Vân, Tìm hiểu luật quốc tế, Nxb đồng nai
5. TS.Nguyễn Thị Thuận, Luật Quốc tế - Những điều cần biết, Nxb CAND, Hà Nội 2010
 
Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên bài tập vào form dưới đây.

No comments:

Post a Comment