27/09/2013
Bài tập nhóm Luật an sinh xã hội - Tư vấn quyền lợi an sinh xã hội
Tình huống Luật An sinh xã hội: Anh H vào làm việc tại công ty Y từ tháng 6/1994. Năm 2006 anh bị tai nạn lao động được xác định suy giảm 33% khả năng lao động. Năm 2008 vết thương tái phát anh phải vào viện điều trị 1 tháng. Sau khi ra viện anh được xác định suy giảm 40% khả năng lao động nhưng anh vẫn tiếp tục làm việc. Năm 2009 anh chết do xuất huyết não. Anh có mẹ đã 65 tuổi và hai con: một cháu 16 tuổi và một cháu 12 tuổi. Anh (chị) hãy tư vấn quyền lợi về ASXH cho anh H và gia đình anh.

Xem xét tình huống của anhH và đối chiếu với những quy định pháp luật hiện hành, nhóm chúng tôi xin tư vấn cho anh H và gia đình các quyền lợi an sinh xã hội như sau:

- Anh H được hưởng chế độ tai nạn lao động hằng tháng.
- Anh H được hưởng chế độ ốm đau khi vết thương tái phát.
- Gia đình anh H được hưởng chế độ mai táng khi anh H chết
- Mẹ và 2 con anh H có thể được hưởng tiền tuất hàng tháng.

Cụ thể các quyền lợi an sinh xã hội của anh H và gia đình anh H như sau:

1. Quyền lợi anh H được hưởng khi bị tai nạn lao động năm 2006: anh H được huởng chế độ tai nạn lao động.

- Điều kiện hưởng:

Anh H là công dân Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn cho công ty Y, do đó theo điểm a khoản 1 điều 2 Luật BHXH “1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn...” mà theo điều 38 Luật BHXH thì Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động... là người lao động quy định tại các điểm a,...khoản 1 Điều 2 của Luật này.” Như vậy anh H hoàn toàn là đối tượng được hưởng chế độ tai nạn lao động .

Trong tình huống nêu rõ anh H bị tai nạn lao động, do đó xác định anh H đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động.

- Chế độ hưởng:

Sau khi điều trị ổn định tai nạn lao động, anh H được xác định là bị suy giảm khả năng lao động 33%. Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật BHXHthì:1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng”. Do đó, với mức suy giảm khả năng lao động là 33% ( trên 31%) thì anh H được hưởng trợ cấp hàng tháng. Cụ thể mức trợ cấp hằng tháng anh H được hưởng gồm:

+ Trợ cấp hằng tháng tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động:

Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 43 Luật BHXH có: “2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung; tại Khoản 3 Chương III Mục B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH Sửa đổi bổ sung theo Thông tư 19/2008/TT-BLĐTBXH và Thông tư 41/2009/TT-BLĐTBXH (sau đây gọi tắt là Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH) cũng có hướng dẫn về mức trợ cấp này.

Từ đó,có thể tính mức trợ cấp theo mức độ suy giảm khả năng lao động anh H đựơc nhận là:
{0,3 x Lmin + (33 – 31) x 0,02 x Lmin } = 34%  x L­­min ( trong đó Lmin = mức lương tối thiểu chung ).

Tức anh sẽ đựơc nhận trợ cấp 34 % mức lương tối thiểu chung.

+ Trợ cấp hằng tháng theo thời gian đóng bảo hiểm:

Theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 43 Luật BHXH thì “2...b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.”  Hướng dẫn cụ thể cách tính này cũng được quy định tại Khoản 3 Chương III Mục B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH .

Theo đó,  anh H còn được trợ cấphằng tháng theo thời gian đóng bảo hiểm là:
0,5% x L+ 0,3% x L x ( 12-1) năm = 3,8 %x L (trong đó L = mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi anh H nghỉ việc để điều trị TNLĐ).

Như vậy, anh H còn được hưởng 3,8% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi anh H nghỉ việc để điều trị TNLĐ.

- Về thời điểm hưởng trợ cấp TNLĐ hằng tháng của anh H, Theo Khoản 4 Chương III Mục B Thông tư 03/2008/TT-BLĐTBXH, anh H được hưởng trợ cấp từ tháng anh điều trị xong ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa nếu anh H không điều trị nội trú hoặc không xác định được thời điểm điều trị xong ra viện.
           
- Về chi phí chữa trị tai nạn lao động

Theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật lao động “Người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động  hoặc bệnh nghề nghiệp.” Như vậy công ty Y phải trả toàn bộ chi phí điều trị cho anh H.

- Ngoài ra, nếu như anh H bị tổn thương bất kỳ bộ phận nào, chức năng nào của cơ thể thì ngoài các khoản trợ cấp nêu trên , anh H còn được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ theo tình trạng thương tật cụ thể của anh. (quy định tại Điều 45 Luật BHXH) hoặc được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ nếu sau khi điều trị TNLĐ còn yếu ( Điều 48 Luật BHXH)

2. Quyền lợi anh H được hưởng khi vết thương TNLĐ tái phát năm 2008

Năm 2006 anh bị tai nạn lao động, đến năm 2008 vết thương tái phát vào viện điều trị 1 tháng. Trong trường hợp này, anh H điều trị là do vết thương TNLĐ tái phát và hiện nay vấn đề nay chưa có văn bản nào quy định  cụ thể quyền lợi an sinh xã hội anh H được huởng là gì? Nhóm xin đưa ra một số lập luận làm căn cứ để xác định quyền lợi anh H sẽ được hưởng khi vết thương TNLĐ tái phát:

- Thứ nhất, khi NLĐ bị TNLĐ năm 2006, NSDLĐ đã chi trả toàn bộ chi phí điều trị của NLĐ cho tới khi vết thương ổn định theo quy định Khoản 2 Điều 105; Khoản 2, Khoản 3 Điều 107, Điều 143 Bộ Luật Lao động, tức là NSDLĐ đã chịu trách nhiệm đầy đủ với TNLĐ của NLĐ. Nên nếu NSDLĐ tiếp tục chi trả cho những lần tái phát về sau thì sẽ là không hợp lý cũng như dễ tạo ra áp lực khi NSDLĐ phải chịu trách nhiệm quá lớn trước TNLĐ của NLĐ.

- Thứ hai, rất có thể vào thời điểm người lao động bị tái phát, bên NSDLĐ có thể còn tồn tại cũng có thể không, hoặc lúc này NLĐ đã chuyển công tác sang đơn vị sử dụng lao động khác. Khi đó rất khó có căn cứ  làm cơ sở xác định quyền lợi cho NLĐ.

Từ những lập luận trên xác định: trường hợp NLĐ bị tái phát vết thương TNLĐ  thì sẽ được xác định là bị ốm đau, chi phí do BHYT chi trả.

*.Anh H được hưởng chế độ ốm đau:

- Điều kiện hưởng:

Anh H thuộc đối tượng được hưởng chế  độ ốm đau theo điểm a khoản 1 Điều 2 Luật BHXH “Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam … Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn”. Như đã nói ở trên, anh H bị ốm đau do tái phát vết thương năm 2006, do vậy anh đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau theo khoản 1 Điều 22 Luật bảo hiểm xã hội và Điều 8 Chương II Nghị định 152/2006/NĐ-CP: “  Điều kiện hưởng chế độ ốm đau: 1. Bị ốm đau.. phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế.”

- Về thời gian hưởng chế độ ốm đau:

Tính tới khi bị tái phát vết thương, anh H đã có 14 năm đóng bảo hiểm bắt buộc ( từ 1994 đến 2008). Đồng  thời, do tình huống không đề cập đến điều kiện làm việc của anh H nên có thể hiểu anh làm việc trong điều kiện làm việc bình thường.  Do vậy theo điểm a Khoản 1 Điều 23 Luật BHXH thì “ Thời gian hưởng chế độ ốm đau:1…a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng ba mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm”. Như vậy, thời gian anh H được hưởng chế độ ốm đau là 30 ngày.

- Về mức hưởng chế độ ốm đau:

Như đã xác định ở trên,  thời gian anh H hưởng  chế độ ốm đau  căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 23. Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật BHXH thì xác định mức hưởng chế độ ốm đau của anh H như sau:“ Mức hưởng chế độ ốm đau :1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 23 ...của Luật này thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.” Do đó, anh H được hưởng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm của tháng liền kề trước khi anh H nghỉ việc điều trị vết thương

*. Anh H được thay đổi mức trợ cấp hàng tháng:

Năm 2006 anh bị tai nạn lao động được xác định suy giảm 33% khả năng lao động. Năm 2008 vết thương tái phát anh phải vào viện điều trị 1 tháng. Sau khi ra viện anh được xác định suy giảm 40% khả năng lao động nhưng anh vẫn tiếp tục làm việc. Trong khi đó, khi điều trị TNLĐ, anh chỉ bị suy giảm 30% khả năng lao động. Tức là, đến năm 2008, mức suy giảm khả năng lao động của anh H do TNLĐ đã tăng lên. Về điều nàỳ, tại  điểm d Khoản 5 Chương III Mục B Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH có hướng dẫn: “Đối với người lao động đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, khi giám định lại có mức suy giảm khả năng lao động thay đổi thì mức trợ cấp hàng tháng mới được tính theo quy định tại khoản 3 mục III phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH, trong đó mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động được tính trên mức suy giảm khả năng lao động mới; mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội là mức hiện hưởng” Hàng tháng anh H sẽ được nhận khoản trợ cấp là:

+ Trợ cấp hằng tháng theo mức độ suy giảm khả năng lao động:
0,3 x Lmin + (40 – 31) x 2% x Lmin  = 49% x L­­min

+ Trợ cấp hằng tháng tính theo số năm đóng bảo hiểm giữ nguyên mức hiện huởng, tức  3,8% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi anh H nghỉ việc để điều trị TNLĐ
-Về thời điểm hưởng trợ cấp: Theo điểm đ Khoản 5 Chương III Mục B Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH thì thời điểm được hưởng mức trợ cấp mới tính từ tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng giám định y khoa.

*. Anh H được hưởng Bảo hiểm y tế:

Anh H là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 23 Luật bảo hiểm y tế. Vì vậy anh H sẽ được hưởng bảo hiểm y tế.
Theo Điều 22 Luật BHYT thì anh H sẽ được BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh.

3.Quyền lợi mà gia đình anh H được hưởng khi anh mất năm 2009:

Năm 2009, anh chết do xuất huyết não.  Gia đình anh H được hưởng quyền lợi theo chế độ tử tuất. Cụ thể:

a. Gia đình anh H được hưởng trợ cấp mai táng:

- Điều kiện hưởng:

Anh H trước khi chết được xác định là NLĐ quy định tai khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội và đang đóng bảo hiểm. Mà căn cứ theo điểm a khoản 1 điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội thì đối tượng sau đây khi chết thì người lo mai táng đựơc nhận trợ cấp mai táng: “1…a. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của luật này đang đóng bảo hiểm xã hội”.

Đối chiếu điều kiện của anh H với  điểm a khoản 1 Điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội có thể kết luận: anh H là đối tuợng mà khi chết người lo mai táng cho anh được hưởng trợ cấp mai táng.

- Mức hưởng:

Theo khoản 2 Điều 63 Luật BHXH “. 2. Trợ cấp mai táng bằng mười tháng lương tối thiểu chung.” Do đó, người lo mai táng cho anh H sẽ được  nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung

b. Thân nhân anh H được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:

*. Điều kiện hưởng:

Anh H vào làm công ty Y từ năm 1994 đến năm 2009 thì anh H chết do xuất huyết não. Như vậy, tính đền thời điểm anh H chết thì anh đã là việc trong công ty Y là 15 năm, tương đương với thời gian anh H tham gia đóng BHXH là 15 năm.

Như  đã phân tích ở trên ta xác định được: anh H là đối tượng thuộc điểm a khoản 1 Điều 63 Luật BHXH. Mặt khác, anh H được hưởng các chế độ chế độ tai nạn lao động hàng tháng tức là anh H chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Mà tại điểm a khoản 1 Điều 64 Luật BHXH có quy định: “1. Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng: a, Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ mười lăm năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần”

Theo đó, với việc anh H là đối tượng được hưởng trợ cấp mai táng theo khoản 1 Điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội, đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, anh chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì anh H là trường hợp mà khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng ( điểm a khoản 1 Điều 64 Luật BHXH).

*. Thân nhân của anh H được hưởng tiền tuất hằng tháng:

Khi đã xác định anh H đủ điều kiện để thân nhân có thể được hưởng tiền tuất hàng tháng, cần xác định trong số thân nhân của anh H thì ai có thể được hưởng tiền tuất hàng tháng.
Theo đề bài, Anh  H có mẹ 65 tuổi và hai con: một cháu 16 tuổi và một cháu 12 tuổi. Ta xem xét đối với từng người:

- Người con 12 tuổi của anh H:

Theo điểm a khoản 2 Điều 64 Luật BHXH thì “2. Thân nhân của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm: a) Con chưa đủ mười lăm tuổi”.

Như vậy, nguời con 12 tuổi của anh H hoàn toàn được hưởng tiền tuất hàng tháng.

- Người con 16 tuổi của anh H (giả sử tên là A)

Cũng tại điểm a khoản 2 Điều 64 nêu trên thì: “2. Thân nhân của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm: a) …con chưa đủ mười tám tuổi nếu còn đi học; con từ đủ mười lăm tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên

Căn cứ vào quy định trên có thể thấy:

+  Nếu A còn đi học hoặc/ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên thì A đương nhiên được hưởng tiền tuất hàng tháng.

+ Ngược lại, nếu A không còn đi học hoặc/ và bị suy giảm khả năng lao động dưới 81% thì A sẽ không được hưởng tiền tuất hàng tháng.

- Mẹ anh H:

Theo điểm c khoản 2 Điều 65 Luật BHXH thì: “ 2.Thân nhân của các đối tượng…được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, bao gồm:…d. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng…nếu từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ”. Đồng thời tại khoản 2 Điều này cũng quy định: “Thân nhân quy định tại các điểm c khoản này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung”.

Như vậy, mẹ anh H đã đáp ứng được điều kiện về độ tuổi ( 65 tuổi) song do chưa xác định được bà có hay không có thu nhập, nếu có thu nhập thì mức thu nhập là bao nhiêu nên xét các truờng hợp có thể xảy ra :

+ Nếu bà không có thu nhập thì bà sẽ được hưởng tiền tuất hàng tháng.

+ Nếu bà có thu nhập hằng tháng nhưng mức  thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì bà vẫn sẽ được hưởng tiền tuất hàng tháng.

+ Nếu mẹ anh H có thu nhập và mức thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu chung tại thời điểm anh H chết thì bà sẽ không được hưởng tiền tuất hàng tháng.

Tại khoản 2 điều 65 Luật BHXH cũng có quy định: “2. Trường hợp có một người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật này thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá bốn người”. tuy nhiên xét tất cả các truờng hợp thân nhân của anh H có thể nhận trợ cấp tuất hàng tháng thì số người được hưởng tối đa cũng chỉ có ba người nên không cần xem xét đến khả năng số người được hưởng  trợ cấp tuất hàng tháng vượt quá quy định của pháp luật.

*. Mức trợ cấp tuất hằng tháng:

Quy định về mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân, khoản1 Điều 65 Luật BHXH có ghi rõ: “ 1. Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung.

Như vậy, khi mẹ và hai con của H đã thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì mức trợ cấp tuất cũng khác nhau tuỳ thuộc vào việc những người thân nhân đó có người trực tiếp nuôi dưỡng hay không. Cụ thể, nếu ai có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng của người đó bằng 50% mức lương tối thiểu chung. Nếu ai không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng mà người đó được hưởng bằng 70% mức lương tối thiểu chung.

*. Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:

Căn cứ khoản 3 Điều 65 Luật BHXH xác định “3. Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà người lao động… chết ” tức là thời điểm mà thân nhân của anh H hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà anh H chết.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Giáo trình Luật an sinh xã hội_Trường đại học Luật Hà Nội_NXB Tư Pháp
  2. Bộ luật lao động năm 1994 sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006 và 2007
  3. Luật bảo hiểm xã hội năm 2006
  4. Luật bảo hiểm y tế năm 2008
  5. Nghị định số 152/2006/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
  6. Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH sửa đổi bổ sung theo Thông tư 19/2008/TT-BLĐTBXH và Thông tư 41/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành Nghị định số 152/2006/NĐ-CP

No comments:

Post a Comment