13/04/2015
Tình huống về chế độ an sinh xã hội dành cho thương binh và gia đình
Tình huống: Anh C là thương binh, có mẹ là bà mẹ Việt Nam anh hung. Do sức khỏe yếu nên anh C không đi làm. Tháng 2/2014, anh C bị ốm phải vào bệnh viện điều trị, nhưng do bệnh hiểm nghèo nên anh C đã qua đời. Được biết anh C có con bị tàn tật suy giảm 82% khả năng lao động.

Hỏi:

Anh C và gia đình anh được hưởng những chế độ an sinh xã hội nào?

Trong thời gian anh C ốm và điều trị tại bệnh viện có được hưởng chế độ an sinh xã hội nào không? Nếu có là những chế độ gì?

1. Anh C và gia đình được hưởng những chế độ an sinh xã hội nào?

a. Đối với anh C:

Đề bài có nêu rằng anh C là thương binh nhưng không nói rõ anh là thương binh bị suy giảm bao nhiêu khả năng lao động, do vậy, anh C sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi đối với thương binh bao gồm:

- Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động và loại thương binh. Cụ thể:  Được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng từ ngày Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (gọi chung là Hội đồng Giám định y khoa) kết luận suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% trở lên. Thương binh được Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 05% đến 20% được hưởng trợ cấp một lần.

Thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 81% trở lên được hưởng phụ cấp hàng tháng.

Trường hợp có vết thương nặng: cụt hai chi trở lên; mù hai mắt; tâm thần nặng không tự lực được trong sinh hoạt; liệt hai chi trở lên hoặc có tình trạng thương tật đặc biệt khác, được hưởng phụ cấp đặc biệt hàng tháng. Thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 81% trở lên sống ở gia đình thì có người phục vụ. Người phục vụ được hưởng trợ cấp hàng tháng.

- Bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào thương tật của từng người và khả năng của Nhà nước;

- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm. Theo quy định cụ thể thì tại gia đình, mức chi điều dưỡng là 800.000 đ/người/lần, tại các cơ sở điều dưỡng thời gian điều dưỡng tối đa là 10 ngày (không kể thời gian đi và về) với mức chi điều dưỡng 1.500.000 đồng/người/lần, bao gồm: Tiền ăn sáng và 2 bữa chính: 1.100.000 đồng; Thuốc bổ và thuốc chữa bệnh thông thường: 100.000 đồng; Quà tặng người đi điều dưỡng:100.000 đồng; Chi khác (khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, nghe chuyện thời sự, tham quan, chụp ảnh, phục hồi chức năng,…): 200.000 đồng;

Trong thời gian điều dưỡng tập trung nếu bị ốm đau đột xuất thì được giới thiệu đi điều trị tại bệnh viện gần nhất theo chế độ bảo hiểm y tế hiện hành;

Trường hợp đối tượng đi điều dưỡng tập trung, nếu không ở hết thời gian của đợt điều dưỡng thì không được thanh toán lại tiền. Số kinh phí còn lại do Sở Lao động -Thương binh và Xã hội quản lý để tăng số đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng hàng năm;

Như vậy, anh C được hưởng chế độ điều dưỡng  tại nhà hoặc tại cơ sở điều dưỡng

- Được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ căn cứ vào thương tật và trình độ nghề nghiệp được tạo điều kiện làm việc trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động;

- Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, được miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở

b. Đối với gia đình anh C

Nếu anh C là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình được trợ cấp người phục vụ; người phục vụ thương binh được Nhà nước mua bảo hiểm y tế.

Nếu anh C là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được Nhà nước mua bảo hiểm y tế cho cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng. Như vậy, mẹ anh C và con anh sẽ được mua bảo hiểm y tế miễn phí.

Ngoài ra, Khi thương binh chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí,  đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi

Bên cạnh đó, pháp luật an sinh xã hội còn quy định, Thương binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất như sau:

- Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng;

- Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ sống cô đơn không nơi nương tựa; con mồ côi cả cha mẹ dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì con của thương binh được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng trong một số trường hợp sau:

- Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;

- Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không có thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập hàng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;

- Con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn.

Căn cứ quy định trên, nếu con anh C bị tàn tật  suy giảm khả năng lao động 82%  thì con anh  C sẽ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng kể từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận. 

Ngoài ra, con của anh C còn được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ theo quy định.

Còn đối với mẹ anh C thì ngoài các chế độ dành cho thân nhân thương binh được hưởng thì bà còn là bà mẹ Việt Nam anh hùng, do đó, bà còn được hưởng các chế độ, chính sách riêng, được hưởng trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng,phụ cấp hàng tháng, sống ở gia đình thì được hưởng trợ cấp người phục vụ. Khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi. Mức trợ cấp người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng mỗi tháng bằng một lần mức chuẩn.

2. Trong thời gian anh C ốm và điều trị tại bệnh viện có được hưởng chế độ an sinh xã hội nào không? Nếu có là những chế độ gì?

Chế độ bảo hiểm y tế:

Theo quy định của pháp luật, thương binh dưới 81% là đối tượng thuộc diện người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Theo quy định pháp luật mới về BHYT thì thương binh dưới 81% (người có công với cách mạng) được Nhà nước cấp thẻ BHYT do ngân sách Nhà nước chi trả với mức đóng bằng 4,5% mức lương tối thiểu (29.000đồng/tháng).

Luật BHYT quy định thương binh dưới 81% khi khám bệnh, chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Nghị định số 62/2009/NĐ-CP, thương binh dưới 81% khi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng dịch vụ cao, chi phí lớn được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí.

Như vậy, trong thời gian anh C bị ốm và điều trị tại bệnh viện thì anh được nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả, anh được khám, chữa bệnh miễn phí.

Ngoài ra, anh C còn có thể nhận được trợ cấp ốm đau khi nằm viện, hoặc các chính sách ưu đãi khác nhằm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần như cấp thuốc định kỳ, mời điều trị điều dưỡng, chuẩn bị các chế độ chăm sóc đặc biệt.....từ phía nhà nước và các cơ quan, tổ chức.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Trường đại học luật Hà Nội, giáo trình luật an sinh xã hội. Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2012.
2. Trung tâm đào tạo từ xa, trường đại học Huế, giáo trình pháp luật bảo đảm xã hội. nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
3. Nguyễn Hữu Chí (chủ biên) , giáo trình luật an sinh xã hội. NXB. Giáo dục Việt Nam, 2012.
4. Nguyễn Hiền Phương, pháp luật an sinh xã hội- những vấn đề lý luận và thực tiễn, nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2010.
5. Luật bảo hiểm xã hội 2006.
6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật bảo hiểm y tế năm 2014.

No comments:

Post a Comment