05/02/2015
Phân tích các điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản - Bài tập học kỳ Luật An sinh xã hội - 8 điểm
Ở nước ta, cùng với các chế độ bảo hiểm xã hội khác, chế độ bảo hiểm thai sản đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật lao động từ khi giành được chính quyền đến nay. Đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nên chính sách bảo hiểm thai sản ngày càng đầy đủ, hoàn thiện và phù hợp hơn với thực tế đời sống, đáp ứng được quyền lợi hợp pháp, cũng như thể hiện chính sách đặc biệt ưu đãi đối với người lao động nữ. Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng ổn định cuộc sống, sức khỏe nhằm phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.


Cũng giống như điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội nói chung, điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản là cơ sở pháp lý mà người lao động khi có thai được nghỉ hưởng trợ cấp. Điều kiện hưởng là những quy định của pháp luật cần và đủ cho đối tượng được hưởng một chế độ bảo hiểm xã hội nhất định. Nếu không có đầy đủ các điều kiện này thì người lao động không được hưởng trợ cấp thai sản. Theo Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội, Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 152/2006/NĐ – CP và phần II, Mục B Thông tư 3/2007/TT – BLĐTBXH để được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản, những đối tượng hưởng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:


* Điều kiện về nội dung: 

     - Phải tham gia đóng phí bảo hiểm xã hội bắt buộc;

     - Phải thuộc một trong các trường hợp: 

     + Lao động nữ mang thai, sẩy thai, nạo hút thai hoặc thai chết lưu;

     + Lao động nữ sinh viên con;

     + Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi;

     + Người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai.

Theo quy định pháp luật hiện hành người lao động được hưởng bảo hiểm thai sản với điều kiện phải đóng bảo hiểm xã hội và có sự kiện thai sản. Ngoài ra còn điều kiện riêng đối với hai trường hợp lao động  nữ sinh con và người lao động nữ  nuôi con nuôi sơ sinh là phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi sơ sinh. Khác với Luật bảo hiểm xã hội hiện hành, giai đoạn trước đây ( trong Điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội năm 1961) các văn bản chưa quy định về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản vì chưa có chế độ bảo hiểm thai sản mà mới chỉ dừng lại ở chế độ đãi ngộ công nhân, viên chức nhà nước khi có thai và khi đẻ. Và mặc nhiên đã là nữ công nhân, viên chức Nhà nước khi có thai sản đều được hưởng đãi ngộ theo luật định nhưng cũng chỉ được đãi ngộ trong hai trường hợp là lao động nữ sinh con hoặc sảy thai. Đến Nghị định 43/CP ngày 22/6/1993 đã có quy định điều kiện hưởng thuộc các đối tượng đã quy định và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tuy nhiên cũng có quy định về thời gian tham gia bảo hiểm. 

Khác với Luật bảo hiểm hiện hành, trước đây các văn bản chế độ trợ cấp thai sản cũng chưa quy định thời gian tham gia tối thiểu trước khi nghỉ hưởng trợ cấp thai sản. Điều này đã dẫn đến tình trạng lạm dụng quỹ, gây ảnh hưởng đến sự cân bằng quỹ, bởi vì chưa có chế độ bảo hiểm thai sản mà mới chỉ dừng lại ở chế độ đãi ngộ công nhân, viên chức nhà nước khi có thai sản. Vì thế, đây là điểm mới, tiến bộ của luật bảo hiểm xã hội so với các quy định trước đây và cũng rất có ý nghĩa vì không chỉ chú trọng đến việc trợ giúp người lao động khi nghỉ việc thực hiện thiên chức mà còn chú trọng đến sự bảo toàn về tài chính của quỹ bảo hiểm xã hội. Một vẫn đề nữa là luật hiện hành quy định các trường hợp được nghỉ thai sản, gồm: khám thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, sẩy thai, sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh, các biện pháp tránh thai đã bao quát các trường hợp về thai sản được quy định trong các chế độ trước đây gộp chung vào chế độ bảo hiểm thai sản tạo sự thống nhất trong việc áp dụng luật.

Do đó, so với các quy định trước đây thì điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản hiện nay là khá hợp lý, có điều điểm tiến bộ. Đồng thời cũng phù hợp với các quy định của Tổ chức lao động quốc tế và pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều đã từ lâu quy định cụ thể điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản. 

Ví dụ: 

_ Pháp luật Singapore quy định điều kiện hưởng trợ cấp thai sản được xác định khá chặt chẽ, chỉ dừng lại trong giới hạn sinh 2 trẻ đầu tiên và phải đảm bảo thời gian làm việc tối thiểu là 180 ngày trước ngày khi nghỉ thai sản.

_ Pháp luật Philipin quy định người lao động phải đang làm việc, tối thiểu phải có 3 tháng đóng góp trong vòng 12 tháng cuối cùng trước khi nghỉ sinh con.

_ Pháp luật Thái Lan quy định người lao động nữ chỉ được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con với điều kiện có 7 tháng đóng góp trong vòng 15 tháng cuối cùng trước khi hưởng trợ cấp và chỉ giới hạn trong 2 lần sinh. 

Mặc dù rất coi trọng đến việc trợ giúp cho người lao động nữ khi nghỉ việc thực hiện thiên chức làm mẹ, song là một chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thai sản vẫn phải đảm bảo nguyên tắc trên cơ sở đóng góp của chính người lao động. Điều đó chứng tỏ rằng chế độ bảo hiểm thai sản ở nước ta thực sự là một chính sách xã hội thể hiện sâu sắc mục đích cũng như bản chất của bảo hiểm xã hội.

Cũng cần làm rõ thêm về trường hợp người lao động sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi sơ sinh trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con hoặc nhân nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Ví dụ: 

- Chị Nguyễn Thị A làm việc tại cơ quan X, chị sinh con vào ngày 10/4/2005, khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 4/2004 đến tháng 3/2005, nếu trong khoảng thời gian này chị A đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

- Chị B nghỉ việc vào tháng 5/2008 và sinh con vào ngày 25/9/2008, khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 10/2007 đến tháng 9/2008, nếu trong khoảng thời gian này chị B đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên thì chị B được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

* Điều kiện về thủ tục: 

Để được hưởng chế độ thai sản, người lao động phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian mang thai, lao động nữ phải có phiếu khám thai, có giấy xác nhận đối với người mang thai bệnh lý, thai không bình thường, sảy thai, đẻ thai chết lưu của cơ sở y tế có thẩm quyền. Khi sinh con, lao động nữ phải có giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con. Trong trường hợp sau khi sinh con mà con bị chết thì phải có giấy xác nhận của UBND xã, phường, hoặc cơ sở y tế nơi sinh( nơi đăng kí hộ khẩu thường trú) và giấy chứng tử hoặc mẹ chết thì cũng phải có giấy chứng tử; phải có xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, làm việc theo độ ba ca, làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0.7 trở lên hoặc xác nhận của người sử dụng lao động với người lao động nữ là người tàn tật. 

Riêng trường hợp nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi thì phải có chứng nhận theo quy định của pháp luật cụ thể là: Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động nhận nuôi con nuôi thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi, Bản sao hồ sơ nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật, Giấy xác nhận của người sử dụng lao động về nghỉ việc để nuôi con nuôi.

Việc quy định đầy đủ, chặt chẽ các thủ tục này tạo cơ sở pháp lý cho người lao động khi thai sản được hưởng trợ cấp, đảm bảo cho người lao động được hưởng các chế độ kịp thời, đúng quy định đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm trong việc chi trả cũng như quản lý quỹ bảo hiểm.

No comments:

Post a Comment