05/02/2015
Tình huống về quyền lợi của người bị thương do chiến tranh - Bài tập học kỳ Luật An sinh xã hội - 8 điểm
Bài tập tình huống

Bà Võ Thị Lượm ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh B là vợ liệt sĩ. Bản thân bà cũng tham gia hoạt động cách mạng và đã từng bị địch bắt tra tấn rất dã man. Sau giải phóng năm 1975, bà Lượm làm việc ở huyện ủy huyện Long Mỹ. Đến năm 2008, lúc 53 tuổi, do vết thương bị tra tấn năm xưa tái phát, bà phải xin về hưu và tiện chăm sóc cha già.


Theo quy định của pháp luật an sinh xã hội hiện hành, bà Lượm được hưởng những quyền lợi nào? Bà Lượm có được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hay không, tại sao?


Giải quyết tình huống

1. Những quyền lợi bà Lượm được hưởng theo quy định của pháp luật an sinh xã hội hiện hành.

1.1. Chế độ bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định về đối tượng áp dụng đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc: “1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;...”. Theo đề bài, bà Lượm làm việc tại huyện ủy huyện Long Mỹ từ sau giải phóng năm 1975. Đối chiếu với Luật Bảo hiểm xã hội thì bà Lượm là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Để biết được bà Lượm sẽ được hưởng những chế độ nào, chúng ta sẽ cùng xem xét.

* Chế độ ốm đau

- Điều kiện được hưởng: 

Điều 22 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau khi: bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế; trừ trường hợp ốm đau, tai nạn do tự hủy hoại sức khỏe hoặc do say rượu, sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện khác.

Trong tình huống bài cho thì bà Lượm đã phải xin nghỉ hưu sớm do vết thương chiến tranh khi xưa tái phát. Bản thân bà ngày xưa cũng từng bị địch tra tấn rất rã man nên khi về già vết thương lâu ngày lại đau. Vì điều kiện tất yếu để được hưởng chế độ ốm đau là phải có xác nhận của cơ quan y tế nên trong trong tình huống của bà Lượm t sẽ có 2 trường hợp:

Thứ nhất, bà Lượm có xác nhận của cơ quan y tế về việc điều trị 

Trong trường hợp này thì do bà là đối tượng được hưởng chế độ bảo hiễm xã hội và đủ điều kiện để hưởng chế độ ốm đau nên bà Lượm sẽ được hưởng những quyền lợi sau:

+ Thời gian hưởng chế độ

Tái phát vết thương chiến tranh ( Di chứng do vết thương chiến tranh) có tên trong Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ y tế ban hành. Vì thế, bà Lượm được nghỉ tối đa 180 ngày trong 1 năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần. 

+Mức trợ cấp hưởng

Theo khoản 1 Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội, bà  Lượm được hưởng mức trợ cấp chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Cụ thể, bà Lượm sẽ được hưởng trợ cấp bằng 75% tiền lương, tiền công của tháng liền kề trước khi bà nghỉ việc năm 2008

+ Nghỉ dưỡng sức, phụ hồi sức khỏe sau khi ốm đau

Theo quy định của người lao động chỉ được nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định ( Điều 23); hết thời gian nghỉ theo chế độ thai sản và sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động -  bệnh nghề nghiệp mà còn sức khỏe còn yếu. 

Thứ hai, bà Lượm không có giấy xác nhận của cơ quan y tế

Vì bà Lượm là đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nhưng do bà không đủ điều kiện để hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 22 Luật bảo hiểm xã hội nên bà sẽ không được hưởng quyền lợi của chế độ ốm đau do bảo hiểm xã hội chi trả.

Trong trường hợp này bà Lượm sẽ được xét trong chế độ ưu đãi xã hội. Vì bản thân bà Lượm  cũng tham gia hoạt động cách mạng và đã từng bị địch bắt tra tấn rất dã man nên trong trường hợp này cũng có thể xét bà vào đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi xã hội.

* Chế độ hưu trí

Trong hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí là một trong chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn. Đây là chế độ bảo hiểm không còn tham gia quan hệ lao động nữa. Vì vậy nó rất cần thiết và không thể thiếu được bởi bất cứ người lao động nào cũng sẽ đến lúc già yếu, hết lao động nhưng vẫn có nhu cầu đảm bảo cuộc sống và lương hưu sẽ là nguồn thu nhập chính của họ trong lúc này. Được hưởng trợ cấp khi về hưu là một trong những mục đích, động lực cơ bản để người lao động tham gia quan hệ bảo hiểm xã hội. 

Điều kiện quan trọng, cần thiết để một người được hưởng chế độ hưu trí là tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm.

Theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, điều kiện để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là: 

- Có 20 năm tham gia đóng bảo hiểm; Nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi.

- Có 20 năm tham gia đóng bảo hiểm;  Nam từ đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi; có 15 năm làm công việc nặng nhọc độc hại hoặc 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0.7 trở lên

- Riêng trường hợp lực lượng vũ trang tuổi nghỉ hưu được giảm 5 tuổi trong các trường hợp bình thường, nếu có ít nhất 15 năm làm việc trong trường hợp độc hại thì giảm 10 tuổi.

- Có từ đủ 30 năm tham gia đóng bảo hiểm; Nam từ đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi có nguyện vọng về hưu.

Ngoài ra một số trường hợp không phụ thuộc vào tuổi đời cũng được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng nhưng ở mức thấp. Đó là trường hợp:

- Có từ đủ 20 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội;  Nam từ đủ 50 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi bị suy giảm 61% khả năng lao động

- Có từ đủ 20 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội; Suy giảm 61% khả năng lao động trong đó có 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại hoặc sống ở nơi có phụ cấp từ 0.7 trở lên.

Quay trở lại đề bài, vào năm 2008 do vết thương bị tra tấn năm xưa tái phát, bà Lượm phải xin về hưu sớm hơn so với tuổi pháp luật quy định, mặc dù bà mới có 53 tuổi.

Lúc bà xin về hưu bà mới có 53 tuổi.  Do trong đề bài không nói rõ bà Lượm đóng bảo hiểm từ năm bao nhiêu nên ta cứ tính bà Lượm đóng bảo hiểm từ năm bà làm việc ở huyện ủy huyện Long Mỹ. Do đó tính từ năm 1975 đến năm 2008, bà Lượm đã đóng được 33 năm bảo hiểm xã hội. Cộng thêm việc về hưu của bà là do ý nguyện của bà nên bà vẫn chưa có đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu hàng tháng nhưng ở nếu bà muốn hưởng chế độ hưu trí hàng tháng bà có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm để có thể hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đầy đủ.  

Mức hưởng hàng tháng của bà được tính như sau: 

_ 15 năm đầu tính  =  45% tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội

_ Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 3% đối với lao động nữ: 18 x 3 = 54%

=> Tiền lương hưu hàng tháng: 45+54-2= 97% tiền lương bình quân

_ Tối đa = 75% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm nên => Tiền lương hưu bà Lượm được hưởng là 75% tiền lương bình quân

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bao gồm mức lương cấp bậc, chức vụ, hợp đồng, phụ cấp chức vụ, thâm niên chức vị bầu cử, hệ số chênh lệch bảo lưu… nếu có. Cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 29 Điều lệ bảo hiểm xã hội và được sửa đổi bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 01/ NĐ – CP.

1.2. Chế độ bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng theo quy định pháp luật có trách nhiệm tham gia. Những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế này đã được quy định cụ thể tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008.

Chế độ bảo hiểm y tế khi bà Lượm được hưởng lương hưu hàng tháng thì đồng thời chị cũng được cơ quan bảo hiểm xã hội hỗ trợ bảo hiểm y tế hàng tháng với mức tối đa là 6% của lương hưu được hưởng . Khoản 3 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế: “ người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng”. Và Điều 13 của Luật này quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế như sau: “ Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại khoản 3 điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng ”

1.3. Chế độ ưu đãi xã hội 

Ưu đãi xã hội là những ưu tiên, đãi ngộ của Nhà nước, cộng đồng và toàn xã hội đối với người có công.Họ là những người có đóng góp to lớn, cống hiến, hy sinh cho đất nước, cho dân tộc.Chính vì vậy, sự hy sinh, cống hiến của những đối tượng này cho sự nghiệp cách mạng dân tộc được là điều kiện tiên quyết, quyết định chế độ hưởng.

Theo quy định của pháp luật an sinh xã hội, những đối tượng hưởng chế độ ưu đãi xã hội bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước ngày khởi nghĩatháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.(*)

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 54/2006/NĐ – CP Hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: “ Thân nhân sau đây của liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi: Vợ hoặc chồng liệt sĩ là người có quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận”.

Trong tình huống đề bài cho thì bà Lượm là vợ của liệt sĩ và bản thân bà ngày xưa cũng hoạt động cách mạng và bị địch bắt tra tấn rất dã man do đó bà có thể sẽ được hưởng hai chế độ ưu đãi xã hội.

Nếu bà Lượm chưa tái giá và là đại diện cho thân nhân liệt sỹ trong trường hợp liệt sỹ có nhiều thân nhân, bà còn được hưởng chế độ ưu đãi xã hội bao gồm: trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử, trợ cấp tiền tuất hàng tháng kể từ ngày liệt sĩ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng bằng " Tổ quốc ghi công ". Mức của các trợ cấp được quy định tùy từng thời điểm cụ thể.

(*) Khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2012

Trường hợp bà Lượm đã tái giá, theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, trường hợp vợ liệt sỹ đã lấy chồng khác nhưng đã nuôi con liệt sỹ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sỹ khi còn sống thì vẫn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

Ngoài ra bà còn được hưởng chế độ ưu đãi xã hội như là người hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày. Trước đây, bà Lượm đã tham gia hoạt động cách mạng nhưng bị địch bắt tù đày và bị tra tấn rất dã man. Nếu bà Lượm có đầy đủ xác nhận của cơ quan có thẩm quyền công nhận là  trong thời gian bị tù đày, tra tấn không khai báo có hại cho chính quyền. 

2. Bà Lượm có được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng không? Tại sao

Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội về điều kiện hưởng lương hưu được quy định như sau: 

“ 1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;

b) Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

2. Người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ năm mươi lăm tuổi, nữ đủ năm mươi tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật công an nhân dân có quy định khác;

b) Nam từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi, nữ từ đủ bốn mươi lăm tuổi đến đủ năm mươi tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên”.

Do bà Lượm đã có đủ năm đóng bảo hiểm nhưng chưa đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đầy đủ nhưng để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đầy đủ bà có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm được quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội như sau: 

“ Điều 57. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội 

Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội”.

Khi bà Lượm bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm theo đúng như Luật quy định bà có thể được hưởng đầy đủ những quyền lợi của chế độ hưu trí hàng tháng theo mức hưởng được quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội: 

Điều 52. Mức lương hưu hằng tháng

“Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%”.

Tóm lại, nếu bà Lượm bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm bà sẽ được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đầy đủ theo luật định.

NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật An sinh xã hội – Đại học Luật Hà nội – NXB Tư pháp – 2005

2. Nghị định 152/2006/NĐ – CP của chính phủ ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội bề bảo hiểm xã hội bắt buộc

3. Công ước số 103 năm 1952 về bảo vệ thai sản

4. TS. Nguyễn Hữu Chí, Chế độ Bảo hiểm thai sản, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 4(94)/2007

5. Chương V Hiến pháp 1992 về Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

6. Luật Bảo hiểm xã hội của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, số 71/ 2006/ QH11 ngày 29/6/2006

7. Luật Bảo hiểm y tế  của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - 2008

8. TS. Nguyễn Thị Kim Phụng. TS Nguyễn Hiền Phương – Bảo hiểm xã hội đối với Lao động nữ trong pháp luật một số nước ASEAN và những kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Luật học số 2 năm 2010.

9.  Lục Việt Dũng, Chế độ bảo hiểm thai sản – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khóa luận tốt nghiệp năm 2012

10. Phạm Thị Quỳnh, Chế độ bảo hiểm thai sản, Trường Đại học Luật Hà nội, Khóa luận tốt nghiệp năm 2010

11. Đào Duy Phương, Chế độ Bảo hiểm xã hội về thai sản theo pháp luật hiện hành, Trường Đại học Luật hà nội, Khóa luận tốt nghiệp năm 2006

No comments:

Post a Comment