A. Mở bài
Bên cạnh pháp luật, với tư cách một loại chuẩn mực xã hội, trong đời sống xã hội còn có sự hiện diện của nhiều loại chuẩn mực xã hội khác nhau với tính chất, mức độ phổ biến, phạm vi tác động, điều chỉnh và cơ chế thực hiện khác nhau. Trong bài tập này, em xin phân tích “mối quan hệ các chuẩn mực xã hội bất thành văn với pháp luật” bao gồm: chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực phong tục, tập quán và chuẩn mực thẩm mỹ.
B. Thân bài
I. Khái niệm:
1. Chuẩn mực xã hội bất thành văn:
Chuẩn mực xã hội bất thành văn nghĩa là các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực xã hội này không được ghi chép thành văn bản dưới dạng một bộ luật nào cả.
2. Pháp luật:
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự, là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội do Nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và được thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.
3. Chuẩn mực đạo đức:
Chuẩn mực đạo đức là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi đối với hành vi xã hội của con người, trong đó xác lập những quan điểm, quan niệm chung về công bằng và bất công, về cái thiện và cái ác, về lương tâm, danh dự, trách nhiệm và những phạm trù khác thuộc đời sống đạo đức, tinh thần của xã hội.
4. Chuẩn mực phong tục, tập quán:
Chuẩn mực phong tục, tập quán là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi được xác lập nhằm củng cố những mẫu mực giao tiếp, ứng xử trong các cộng đồng người, các quy tắc sinh hoạt công cộng lâu đời của con người, được hình thành qua quá trình lịch sử lặp đi, lặp lại nhiều lần, trở thành thói quen trong lao động, cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của các cộng đồng xã hội.
5. Chuẩn mực thẩm mỹ:
Chuẩn mực thẩm mỹ là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi về mặt thẩm mỹ đối với hành vi xã hội của con người, tuân theo những quan điểm, quan niệm đang được phổ biến, thừa nhận trong xã hội về cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái anh hùng, cái tuyệt vời, được xác lập trong các quan hệ thẩm mỹ, trong các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, trong lối sống và sinh hoạt…của cá nhân và các nhóm xã hội.
II. Mối quan hệ giữa các chuẩn mực xã hội bất thành văn với pháp luật:
1. Mối quan hệ giữa chuẩn mực đạo đức với pháp luật:
Pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với đạo đức. Đạo đức là tập hợp các quan điểm, quan niệm của con người (một giai cấp, một cộng đồng người) về cái thiện và cái ác, về sự công bằng và bất công, về nghĩa vụ, danh dự và các phạm trù khác thuộc đời sống tinh thần của xã hội. Các quan điểm, quan niệm này rất khác nhau, được quy định bởi những điều kiện của đời sống vật chất xã hội; từ đó hình thành nên một hệ thống các quy tắc ứng xử của con người. Khi đạo đức đã trở thành niểm tin nội tâm thì nó sẽ là cơ sở cho hành vi xã hội của con người. Ví dụ khi bé, đứa trẻ luôn được dạy “kính trên, nhường dưới”, “hiếu thảo với ông bà, ba mẹ, thân thiết với anh chị, nhường nhịn các em nhỏ”; do vậy, tới khi trưởng thành, đứa trẻ đó đã là thanh niên và con người này luôn luôn hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, chan hòa với anh chị em trong gia đình.
Trong xã hội có giai cấp, mỗi giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau đều có quan niệm đạo đức riêng của mình; vì vậy, các quy phạm đạo đức tồn tại trong xã hội cũng có nhiều loại và chúng có sự tác động qua lại lẫn nhau. Giai cấp thống trị, vì nắm quyền lực trong tay, nên có điều kiện và ưu thế để nâng các quan niệm đạo đức của mình thành pháp luật. Do đó, pháp luật luôn phản ánh đạo đức của giai cấp cầm quyền. Ví dụ: Xã hội chủ nô coi việc giết nô lệ là việc riêng của chủ nô, đến xã hội phong kiến, việc giết nông nô bị lên án. Đạo đức phong kiến bóp nghẹt cá nhân dưới uy quyền của tôn giáo và quý tộc; đạo đức tư sản giải phóng cá nhân, coi trọng nhân cách. Tuy nhiên, do có sự tác động qua lại của nhiều loại đạo đức của các giai cấp khác nhau trong xã hội, nên pháp luật không thể không phản ánh quan điểm, lợi ích của các giai cấp khác nhau đó. Trong khi xây dựng và thực hiện pháp luật, dù muốn hay không, giai cấp cầm quyền buộc phải tính đến yếu tố đạo đức nhằm tạo cho pháp luật một khả năng thích ứng, khiến cho nó dường như thể hiện ý chí chung của mọi tầng lớp xã hội. Có những quy phạm pháp luật, khi đã trở nên phổ biến trong xã hội, thành yếu tố thường trực trong hành vi xã hội của con người, sẽ trở thành quy phạm đạo đức.
Mặc dù chịu sự tác động của đạo đức và các quy phạm xã hội khác, nhưng pháp luật có tác động mạnh mẽ đối với đạo đức. Pháp luật có thể loại bỏ các chuẩn mực đạo đức đã lỗi thời, cải tạo các chuẩn mực đạo đức, góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức mới, phù hợp hơn với tiến bộ xã hội. Ví dụ thời phong kiến Việt Nam, khi một người con gái bỗng nhiên có con mà chưa cưới chồng thì người này sẽ bị cạo đầu, bôi vôi, cho trôi sông; nhưng ngày nay thì điều này không còn do xã hội đã có cái nhìn thoáng hơn, tôn trọng hơn đối với quyết định của những người con gái ấy và pháp luật quy định những điều khoản khắt khe về tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Chuẩn mực đạo đức và pháp luật tuy khác nhau về phạm vi tác động, cơ chế tác động tới các quan hệ tới các quan hệ xã hội, nhưng chúng có chung mục đích điều tiết, điều chỉnh hành vi của con người. Mối quan hệ giữa chuẩn mực đạo đức và pháp luật là mối quan hệ tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau và bổ sung cho nhau trong quá trình điều chỉnh hành vi của con người. Trong mối quan hệ này, chuẩn mực đạo đức có phạm vi điều chỉnh các quan hệ xã hội rộng hơn, còn pháp luật có phạm vi điều chỉnh sâu hơn. Trong một số trường hợp, định hướng đạo đức muốn được thực hiện một cách phổ biến trong xã hội thì phải thông qua các quy phạm pháp luật để thể hiện. Ví dụ về giữ phép lịch sự tại công sở Điều 6 trong Quyết định 129/2007/QĐ-TTg Ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước quy định:
“Điều 6. Lễ phục
Lễ phục của cán bộ, công chức, viên chức là trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài.
1. Lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức: bộ comple, áo sơ mi, cravat.
2. Lễ phục của nữ cán bộ, công chức, viên chức: áo dài truyền thống, bộ comple nữ.
3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, trang phục ngày hội dân tộc cũng coi là lễ phục.”
Điều đó cho thấy, ở một số khía cạnh nhất định pháp luật có ưu thế nổi trội hơn so với chuẩn mực đạo đức. Pháp luật không chỉ ghi nhận các chuẩn mực đạo đức, mà còn là công cụ, phương tiện bảo vệ chuẩn mực đạo đức một cách hữu hiệu bằng các biện pháp, chế tài cụ thể. Pháp luật có vai trò to lớn trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển các quy tắc đạo đức phù hợp, tiến bộ trong xã hội.
Ngược lại, chuẩn mực đạo đức là nền tảng tinh thần để thực hiện các quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân trong xã hội thực hiện một hành vi pháp luật hợp pháp không phải vì họ hiểu các quy định của pháp luật, mà hoàn toàn xuất phát từ các quy tắc đạo đức. Ví dụ công chức đi làm luôn sắp xếp bàn làm việc gọn gàng vì họ không muốn đồng nghiệp chê cười là cẩu thả, lộn xộn; họ không nói tục chửi bậy nơi công sở vì họ tin làm như vậy là không lịch sự; tuy nhiên có thể họ sẽ không biết những điều trên được quy định tại các văn bản luật. Cụ thể: Điều 8 và Điều 15 trong Quyết định 129/2007/QĐ-TTg Ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước quy định:
“Điều 8. Giao tiếp và ứng xử
Cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ phải thực hiện các quy định về những việc phải làm và những việc không được làm theo quy định của pháp luật.
Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng. Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt.”
“Điều 15. Phòng làm việc
Phòng làm việc phải có biển tên ghi rõ tên đơn vị, họ và tên, chức danh cán bộ, công chức, viên chức.
Việc sắp xếp, bài trí phòng làm việc phải bảo đảm gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, hợp lý.
Không lập bàn thờ, thắp hương, không đun, nấu trong phòng làm việc.”
Nhiều quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của chuẩn mực đạo đức được nhà nước sử dụng và nâng lên thành quy phạm pháp luật. Khi xây dựng và ban hành pháp luật, nhà nước không thể không tính tới các quy tắc của chuẩn mực đạo đức. Ví dụ về lòng biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”
Ngày 2/4/2007, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động số 84/2007/QH11. Luật này có hiệu lực từ ngày 11/4/2007. Theo đó, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch). Nếu những ngày này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.
2. Mối quan hệ giữa chuẩn mực phong tục, tập quán với pháp luật:
Chuẩn mực phông tục tập quán và pháp luật có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Do gắn bó chặt chẽ với những thói quen, nếp sống của các cộng đồng xã hội nên chuẩn mực phong tục, tập quán được coi là các quy tắc xử sự chung, điều chỉnh các quan hệ xã hội ngay từ khi trong xã hội còn chưa xuất hiện nhà nước và pháp luật. Nhiều phong tục, tập quán trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ rất bền chặt trong nhân dân và có sức mạnh hơn cả những đạo luật. Nhiều thuần phong mỹ tục rất cần thiết cho đạo lí làm người, giữ gìn trật tự, kỉ cương xã hội. Ví dụ cúng Thổ Công là cúng vị thần cai quản nhà cửa; tảo mộ là để nhắc nhở con cháu nhớ về những con người đã sinh thành nuôi dưỡng mình, nhớ về ông bà tổ tiên, con cháu được dịp tỏ lòng hiếu thảo. Khi nhà nước xuất hiện, nhà nước đã tìm cách vận dụng các phong tục, tập quán để phục vụ cho lợi ích của mình, thay đổi nội dung của chúng cho phù hợp, thừa nhận và nâng cấp chúng thành các quy phạm pháp luật hoặc coi chúng là tập quán pháp. Ví dụ: kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, phong tục, tập quán tốt đẹp trong gia đình Việt nam là một trong các nhiệm vụ cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình. Để cụ thể hoá nhiệm vụ này, khoản 1 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 qui định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội: “Vận động nhân dân xoá bỏ phong tục, tập qúan lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”, và Điều 6 Luật này đã khẳng định: “Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc qui định tại Luật này thì được tôn trọng và phát huy”. Vận dụng các qui định của pháp luật, trong thực tiễn xét xử của Toà án nhân dân các cấp, đặc biệt Toà án ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đã áp dụng nhiều phong tục, tập quán để giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Hay, trong thực hiện và áp dụng pháp luật, nhà làm luật có thể trù liệu và cho phép giải quyết một số vụ việc phức tạp theo phong tục, tập quán của mỗi địa phương. Chẳng hạn, Điều 409 Bộ Luật Dân sự 2005 cho phép sử dụng tập quán nơi giao dịch được xác lập để giải thích quyền, nghĩa vụ của các bên; Điều 625 quy định việc bồi thường theo tập quán đối với thiệt hại do gia súc thả rông gây ra; Điều 3 cũng quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không thoả thuận thì có thể áp dụng phong tục, tập quán, nếu không có phong tục, tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và các quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong bộ luật này”. Như vậy, chuẩn mực phong tục ,tập quán là một nguồn quan trọng để hình thành pháp luật.
Chuẩn mực phong tục, tập quán là sự thể hiện ý chí chung của cộng đồng xã hội, được các thành viên của nó thừa nhận, tuân thủ và thực hiện một cách tự nguyện. Nó là một trong những nhân tố tạo nên sự đồng thuận xã hội. Với ý nghĩa đó, chuẩn mực phong tục, tập quán góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật vào đời sống cộng đồng xã hội một cách thuận lợi.
Pháp luật cũng có tác động quan trọng đối với chuẩn mực phong tục, tập quán. Pháp luật có thể góp phần củng cố, khẳng định, phát huy các phong tục, tập quán; hoặc ngược lại, có thể can thiệp, cưỡng bức để loại bỏ chúng ra khỏi đời sống cộng đồng. Trong mối liên hệ này, cần lưu ý hai khía cạnh sau:
Một là, đối với những phong tục, tập quán có giá trị truyền thống, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành thuần phong mỹ tục, có tác dụng tích cực tới cộng đồng xã hội thì pháp luật cần thừa nhận, củng cố, giữ gìn và phát huy vai trò của chúng trong đời sống xã hội; vận dụng chúng vào trong nếp sống, nếp suy nghĩ, hành vi pháp luật của mỗi người. Ví dụ, theo tập quán của người Mường, Thái, Thổ ở tỉnh Thanh Hoá thì khi vợ chồng mâu thuẫn với nhau vai trò của đại diện hai họ lúc cưới xin rất quan trọng trong việc hoà giải. Nếu hai vợ chồng có ý định ly hôn thì những người đại diện cho họ vợ và họ chồng tìm mọi cách phân tích, hoà giải để hai vợ chồng đoàn tụ với nhau. Đây là tập quán rất tốt cần được vận dụng cho các án kiện ly hôn của những đôi vợ chồng thuộc các tộc người này.
Về nguyên tắc, Nhà nước và xã hội tôn trọng và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, “Tính chất tốt đẹp” của phong tục, tập quán là một giá trị trừu tượng, nội dung của giá trị này thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của xã hội, đồng thời cũng phụ thuộc vào quan niệm của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, tầng lớp xã hội và giai cấp. Vì vậy, nó có thể được xác định đánh giá theo nhiều góc độ, nhiều quan niệm khác nhau. (Trên thực tế, trong quá trình soạn thảo Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2000, đã có không ít những ý kiến lo ngại về những khó khăn trong kế thừa, phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp, đặc biệt trong áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình, bởi vì: rất khó xác định phong tục, tập quán nào là tốt đẹp cần được kế thừa và phát huy; phong tục, tập quán nào cần được xoá bỏ, do đó, có thể tạo kẽ hở cho những tập tục lạc hậu tồn tại, hoặc gây ra sự lạm dụng tập quán nhiều hơn là áp dụng qui phạm pháp luật, gây khó khăn trong việc đưa Luật Hôn nhân – Gia đình vào đời sống xã hội….).
Hai là, đối với những phong tục, tập quán đã lạc hậu, lỗi thời, đã trở thành hủ tục, thậm chí mang màu sắc mê tín dị đoan ( đồi phong bại tục ), thì bên cạnh việc tích cực vận động, tuyên truyền để nhân dân nhận thức được và tự giác loại bỏ; trong những trường hợp cần thiết, nhà nước, chính quyền các cấp phải dùng tới sức mạnh cưỡng chế của pháp luật nhằm loại trừ chúng ra khỏi đời sống của cộng đồng; góp phần xây dựng lối sống văn minh, phù hợp với tiến bộ xã hội. Ví dụ Nhiều dân tộc (Tày, Nùng, Thái ở Lào Cai…) cho con trai được hưởng gia tài, con trai trưởng đựoc tôn trọng ngang với người cha(5). Tập quán này Toà án cần phê phán, không áp dụng trong việc giải quyết các tranh chấp, đặc biệt các tranh chấp liên quan đến tài sản trong gia đình.
3. Mối quan hệ giữa chuẩn mực thẩm mỹ với pháp luật:
Chuẩn mực thẩm mỹ và pháp luật có sự tác động qua lại lẫn nhau. Chuẩn mực thẩm mỹ tác động trong hầu hết các lĩnh vực quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ pháp luật, điều chỉnh hành vi thẩm mỹ của con người phù hợp với các quan điểm, qun niệm trong xã hội về cái đẹp, cái xấu, cái cao cả… Chuẩn mực thẩm mỹ đòi hỏi các bộ luật, đạo luật được ban hành phải phù hợp với các giá trị, chuẩn mực thẩm mỹ đang phổ biến trong xã hội thì mới dễ dàng được nhân dân tuân thủ và thực hiện. Khi đó, bản thân các bộ luật, đạo luật cũng mang các giá trị thẩm mỹ, là một “tác phẩm nghệ thuật”. Nhiều quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực thẩm mỹ, do phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của nhà nước về tổ chức, quản lí xã hội, đã được nhà nước thừa nhận và vận dụng trong các đạo luật. Ví dụ Điều 4 trong Quyết định 129/2007/QĐ-TTg Ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước quy định:
“ Các hành vi bị cấm
1. Hút thuốc lá trong phòng làm việc;
2. Sử dụng đồ uống có cồn tại công sở, trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao;
3. Quảng cáo thương mại tại công sở.”
Các văn bản luật của nhà nước điều chỉnh các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trật tự công cộng, ứng xử nơi công sở, kiến trúc…là những minh chứng sống động cho mối liên hệ này. Như vậy, chuẩn mực thẩm mỹ là cơ sở lý luận và thực tiễn để nhà nước xây dựng và ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị, văn hóa – nghệ thuật, quảng cáo, du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, thời trang…
Đối với pháp luật, vấn đề không dừng lại ở chỗ cứ ban hành thật nhiều văn bản luật có chất lượng cao, điều quan trọng hơn là làm thế nào để các văn bản luật đó đi vào thực tiễn cuộc sống, trở thành pháp luật thường trực trong hành vi của mỗi người. Nhìn trên phương diện này, chuẩn mực thẩm mỹ có tác dụng định hướng, điều chỉnh hành vi pháp luật của các cá nhân, phù hợp với các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực thẩm mỹ. Trong nhiều trường hợp, vì những lí do nhất định, các cá nhân không biết đến các quy định của pháp luật, nhưng do các quy tắc pháp luật phù hợp với các chuẩn mực thẩm mỹ, nên các hành vi pháp luật cũng trùng với hành vi thẩm mỹ; các cá nhân thực hiện hành vi pháp luật dựa trên các quan điểm, quan niệm thẩm mỹ của họ. Ví dụ được giáo dục từ nhỏ nên rất nhiều người Trung Quốc, cụ thể ở thành phố Quảng Châu, biết giữ gìn vệ sinh đường phố, không khạc nhổ, ném vỏ hoa quả trên đường; nhưng có thể họ không biết rằng ném vỏ hoa quả, nhổ bã kẹo cao su trên mặt đất hay đi vệ sinh bậy nơi công cộng nằm trong danh sách một loạt những hành vi bị cấm mà chính quyền thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đăng tải trên website của họ hôm 7/1/2010. Quy định nhằm cải thiện hành vi ứng xử của cư dân tại dự án chung cư mới do chính quyền tài trợ.
Chuẩn mực thẩm mỹ, cũng như các chuẩn mực xã hội khác, luôn vận động, biến đổi và thay đổi, có những quy tắc thẩm mỹ mất đi và có những chuẩn mực thẩm mỹ mới ra đời, đáp ứng yêu cầu của quan hệ thẩm mỹ trong xã hội. Pháp luật, do đặc trưng về sức mạnh cưỡng bức của nó, góp phần củng cố, bảo vệ các chuẩn mực thẩm mỹ tiến bộ, phù hợp; đồng thời, loại bỏ những quy tắc thẩm mỹ đã lạc hậu và xây dựng những chuẩn mực thẩm mỹ mới tương ứng với lối sống văn minh, hiện đại. Ví dụ về quy tắc thẩm mỹ lạc hậu: thời phong kiến Trung Quốc, người phụ nữ được coi là đẹp thì phải có bàn chân nhỏ nhắn, càng nhỏ càng cao quý, vì vậy, họ phải bó bàn chân mình từ thủa bé. Dần dần hình thức này biến chuyển từ chuẩn mực thẩm mỹ thành phong tục. Đến bây giờ thì đây đã là một quy tắc thẩm mỹ cổ hủ, phong tục lạc hậu, đem lại nhiều phiền hà cho người phụ nữ trong việc sinh hoạt cũng như sức khỏe của họ. Vì vậy, luật pháp đã loại bỏ quy tắc thẩm mỹ này.
C. Kết luận
Từ khi Nhà nước được thành lập, pháp luật được sinh ra thì các chuẩn mực xã hội đã có những tác động lên luật pháp. Mối quan hệ giữa các chuẩn mực xã hội và pháp luật là mối quan hệ tác động qua lại, tương tác với nhau. Trong các loại chuẩn mực xã hội thì chuẩn mực xã hội bất thành văn như chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực phong tục, tập quán và chuẩn mực thẩm mỹ vừa là nguồn của pháp luật, vừa giúp pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống thuận lợi hơn. Có rất nhiều điều xung quanh mối quan hệ giữa chuẩn mực xã hội bất thành văn và pháp luật, tuy nhiên trong giới hạn bài tập, em xin kết thúc vấn đề tại đây. Em rất mong thầy cô đóng góp ý kiến và sửa chữa những thiếu sót của em. Em xin chân thành cảm ơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ts. Ngọ Văn Nhân, Xã hội học pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội – 2010.
2. Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động số 84/2007/QH11
3. Quyết định 129/2007/QĐ-TTg Ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.
4. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
5. Bộ Luật Dân sự 2005.
6. http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=85&modid=389&ItemID=37023
7. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII. Nxb. chính trị quốc gia, năm 1996, tr 112-113.
8. http://www.romelaw.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=193%3Amot-so-van-de-ve-ap-dung-phong-tuc-tap-quan-trong-giai-quyet-cac-tranh-chap-ve-hon-nhan-va-gia-dinh&catid=55%3Atin-tuc&Itemid=5&lang=en
No comments:
Post a Comment