Bài tập học kỳ Tư vấn hợp đồng lao động - 8 điểm.
Đề
bài số 4: Anh T được
công ty X đưa đi làm việc ở Nhật Bản với thời hạn hợp đồng là 3 năm, mức lương
là 10 triệu đồng/tháng (từ tháng 7/ năm 2010 – tháng 7/2013). Tuy nhiên, ngày
20/12/2012 anh bị doanh nghiệp bên Nhật bản đơn phương chấm dứt HĐLĐ nên anh phải
về trước thời hạn. Anh cho rằng doanh nghiệp của Nhật Bản đã đơn phương chấm dứt
HĐLĐ trái pháp luật đồng thời còn chưa trả cho anh tiền lương tháng 12 và tiền
nghỉ phép của năm 2012 nên muốn yêu cầu được bồi thường.
-
Anh
chị hãy tư vấn cho anh T gửi đơn đến đâu để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình.
-
Hãy
giúp anh T viết đơn khởi kiện.
VĂN
PHÒNG LUẬT SƯ CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
HÀ THƯ Độc
lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: …/TTV- VPLS Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2013
THƯ
TƯ VẤN
V/v:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Kính gửi :
Ông Nguyễn Văn T
Ngày :
10/01/2013
Địa chỉ :
Số 3 - Đường Chùa Bộc - Quận Đống Đa - Thành phố Hà Nội
Về việc :
Tư vấn bảo vệ quyền lợi trong trường hợp người sử dụng
lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật.
Trước yêu cầu tư vấn của
ông về vấn đề bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chúng tôi (văn phòng luật
sư Hà Thư) đã nghiên cứu và soạn thư tư vấn này để tư vấn cho ông về việc bảo vệ quyền lợi
trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
(HĐLĐ) trái quy định của pháp luật.
A. Bối
cảnh tư vấn
Ông được công ty nơi
mình đang làm việc là công ty X đưa đi làm việc ở Nhật Bản với thời hạn hợp đồng
là 3 năm, mức lương là 10 triệu đồng/tháng (từ tháng 7/ năm 2010 – tháng
7/2013). Tuy nhiên, ngày 20/12/2012 ông bị doanh nghiệp bên Nhật bản đơn phương
chấm dứt HĐLĐ nên anh phải về trước thời hạn. Ngoài ra doanh nghiệp còn chưa trả
cho ông tiền lương tháng 12 và tiền nghỉ phép của năm 2012. Ông cho rằng doanh
nghiệp đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và muốn được bồi thường
thỏa đáng. Trong thư tư vấn, chúng tôi xin đưa ra hướng giải quyết để ông có thể
bảo vệ được quyền lợi của mình.
B. Các
văn bản áp dụng
Khi đưa ra các ý kiến
pháp lý trong thư tư vấn này chúng tôi đã xem xét các văn bản pháp luật có liên
quan sau:
1. Bộ luật lao động 2012
2. Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (Sửa đổi,
bổ sung năm 2011)
3. Các văn bản pháp luật hướng dẫn có
liên quan
C. Phân
tích sự việc
Theo như những thông
tin ông đã cung cấp cho chúng tôi là ông là người lao động tự do được công ty X
môi giới đưa đi làm ở Nhật Bản với thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, ông bị doanh nghiệp
Nhật Bản đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi mới làm việc được 2 năm 5 tháng (từ
7/2010 – 20/12/2012).
Để có thể tư vấn cụ thể
và chính xác hơn, chúng tôi muốn ông làm rõ một số vấn đề như sau:
1.
Phía
doanh nghiệp Nhật Bản có đưa ra nguyên nhân vì sao đơn phương chấm dứt HĐLĐ với
ông hay không?
2.
Trong
thời gian làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản, ông có vi phạm nội quy và bị xử
lý kỷ luật hay không?
3.
Ông
đã thông báo về vụ việc này cho công ty môi giới X hay chưa? Phía công ty X có
phản hồi gì với doanh nghiệp Nhật Bản không?
D. Nội
dung tư vấn
1. Về
việc nộp đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Thứ nhất, về văn bản luật
áp dụng. Ông là công dân mang quốc tịch Việt Nam, đang có quan hệ lao động với
một doanh nghiệp nước ngoài (Nhật Bản) tại Nhật Bản. Theo như quy định của Bộ
luật lao động 2012 (BLLĐ) thì chủ thể được ghi nhận có thể áp dụng các quy định
của bộ luật là “Người lao động Việt Nam” (Khoản 1 Điều 2) chính vì vậy, BLLĐ sẽ
được áp dụng trong trường hợp này để bảo vệ quyền lợi của ông.
Thứ hai, về sai phạm của
doanh nghiệp Nhật Bản. Hợp đồng giữa ông và doanh nghiệp này được kí kết trong
thời hạn 03 năm ( tháng 7/2010 – tháng 7/2013, tuy nhiên ngày 20/12/2012 doanh
nghiệp trên đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông trước thời hạn là khoảng 7
tháng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 BLLĐ những trường hợp người sử dụng
lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm:
“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
trong những trường hợp sau đây:
a)
Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b)
Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người
làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục,
đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa
thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ
hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động
chưa hồi phục.
Khi
sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp
tục giao kết hợp đồng lao động;
c)
Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của
pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn
buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d)
Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33
của Bộ luật này.”
Theo thông tin mà ông
đã cung cấp thì doanh nghiệp Nhật Bản đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông mà
không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, đồng thời cũng không thực hiện
các thủ tục cần thiết khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ về việc thông báo cho ông ít
nhất là trước 30 ngày và thanh toán chi phí thôi việc và các khoản kinh phí
liên quan cho ông. Nên có thể khẳng định, hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của
doanh nghiệp Nhật Bản là trái với quy định của pháp luật, ông có đủ điều kiện để
thực hiện khởi kiện doanh nghiệp này và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tranh chấp giữa ông và
doanh nghiệp Nhật Bản là tranh chấp cá nhân giữa người lao động và người sử dụng
lao động. Vì vậy căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 31; điểm c khoản 1 Điều 33; điểm
đ khoản 1 Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi năm 2012) thì thẩm quyền
thụ lý vụ án này của ông là Tòa án nhân dân cấp huyện (Tòa án nhân dân huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) và ông có quyền lựa chọn Tòa án tại đâu để
giải quyết vụ án của mình.
Một số vấn đề ông cần
lưu ý khi làm đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết quyền lợi của mình như sau:
-
Về thời hiệu khởi kiện
Khoản 2 Điều 202 BLLĐ
quy định về thời hiệu khởi kiện như sau “Thời
hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm , kể từ
ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình
bị vi phạm.” Ngày doanh nghiệp đơn
phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là ngày 20/12/2012 như vậy với thời hiệu 01
năm, anh có thể làm đơn khởi kiện doanh nghiệp Nhật Bản bất cứ lúc nào cho đến
hết ngày 20/12/2013. Ông cần chú ý vấn đề này để quyền lợi của mình được đảm bảo.
-
Về hồ sơ khởi kiện
Hồ sơ khởi kiện tại Tòa
án bao gồm:
·
Đơn
khởi kiện (theo mẫu) và các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu
khởi kiện;
·
Bản
sao giấy chứng minh thư nhân dân (hoặc hộ chiếu), Sổ hộ khẩu gia đình
(có sao y bản chính);
·
Các
tài liệu liên quan đến quan hệ lao động;
·
Bản
kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao)
*
Lưu ý: Các tài liệu nêu trên bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt
nam theo quy định trước khi nộp và nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu.
2. Soạn
thảo đơn khởi kiện
Để giúp anh có thể dễ
dàng trong việc thực hiện thủ tục để khởi kiện yêu cầu bảo vệ quyền lợi của
mình. Chúng tôi có soạn thảo sẵn mẫu đơn khởi kiện để anh có thể sử dụng.
Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc
lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------***--------------
Hà
Nội, ngày … tháng … năm ...
ĐƠN
KHỞI KIỆN
V/v
đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Kính gửi : Tòa án Nhân dân huyện/quận…
Người khởi kiện: Nguyễn Văn T, sinh năm…
CMND số … do Công an … cấp ngày ….
Trú tại: …
Người bị khởi kiện: Công ty X
Trụ sở: …
Điện thoại: …
Người đại diện: …
Về việc tôi bị Doanh nghiệp Nhật Bản đơn
phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và không thanh toán tiền lương
và tiền nghỉ phép cho tôi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.
Nội dung cụ thể tóm tắt
như sau:
Năm 2010, tôi được công
ty môi giới X đưa đi làm việc ở Nhật Bản với thời hạn hợp đồng là 3 năm, mức
lương là 10 triệu đồng/tháng (từ tháng 7/ năm 2010 – tháng 7/2013). Tuy nhiên,
ngày 20/12/2012 tôi bị doanh nghiệp bên Nhật Bản đơn phương chấm dứt hợp đồng
lao động nên tôi phải về nước trước thời hạn. Tôi cho rằng doanh nghiệp của Nhật
Bản đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đồng thời còn chưa
trả cho tôi tiền lương tháng 12 và tiền nghỉ phép của năm 2012 nên muốn yêu cầu
được bồi thường.
Do vậy, tôi làm đơn
này, kính đề nghị quý Tòa xem xét, giải quyết 2 yêu cầu của tôi như sau:
1. Đề nghị Tòa án Nhân dân huyện/quận…
xác định doanh nghiệp Nhật Bản đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái
pháp luật.
2. Yêu cầu Công ty X thanh toán tiền
lương và tiền nghỉ phép mà Doanh nghiệp Nhật Bản còn đang nợ tôi và cũng yêu cầu
Công ty X phải bồi thường những khoản trợ cấp, chi phí khác vì đã không đảm bảo
được công việc cho tôi trong quãng thời gian đi làm như theo thỏa thuận trong hợp
đồng.
Tôi xin trân trọng cảm
ơn!
Kính
đơn
Nguyễn
Văn X
Đính kèm:
-
Hợp
đồng môi giới lao động ngày… giữa tôi và công ty X;
-
Hợp
đồng đưa tôi đi làm việc có thời hạn ở Nhật Bản ngày… giữa tôi và Công ty X;
-
Hợp
đồng lao động ngày… giữa tôi và Doanh nghiệp Nhật Bản;
-
Chứng
minh Nhân dân và Sổ hộ khẩu của tôi (Bản sao).
Hy
vọng văn phòng chúng tôi đã giải đáp được yêu cầu của ông. Nếu ông còn điều gì
thắc mắc hoặc có nhu cầu hỏi thêm vấn đề gì, văn phòng chúng tôi luôn sẵn sàng
cung cấp thêm thông tin.
Cảm
ơn ông đã lựa chọn dịch vụ tư vấn của văn phòng chúng tôi, mọi vấn đề giải đáp
chúng tôi đưa ra chúng tôi xin cam kết về các vấn đề pháp lý nếu những thông
tin ông cung cấp cho chúng tôi hoàn toàn đúng sự thật.
Chúc
ông khởi kiện thành công và đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Chân thành cảm ơn ông!
Văn
phòng luật sư: Hà Thư
No comments:
Post a Comment