Điều 200. Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy
Định nghĩa: Cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực nhằm buộc người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, hoặc dụ dỗ, mua chuộc hay bất kỳ hình thức nào nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
Tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự là tội phạm đã được quy định tại các Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985.
Điều luật quy định 2 hành vi phạm tội khác nhau, nên phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để định tội danh cho chính xác.
Nếu một người thực hiện cả 2 hành vi quy định trong điều luật và cùng với một hoặc một số người thì định tội là “cưỡng bức và lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý” và áp dụng một mức hình phạt theo điều khoản của Bộ luật hình sự mà người phạm tội bị áp dụng, mà không dùng liên từ “hoặc” như điều luật quy định vì như vậy cũng tức là chưa biết người phạm tội phạm tội gì.
Nếu một người chỉ thực hiện một hành vi quy định tại điều luật thì định tội theo hành vi mà người đó thực hiện chứ không định tội “cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy”.
Nếu một người thực hiện hai hành vi nhưng không liên quan với nhau, thì phải định tội theo từng hành vi và áp dụng mức hình phạt riêng cho từng hành vi phạm tội rồi tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự.
So với Điều 185m thì Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 có một số sửa đổi sau:
Nếu điểm h khoản 2 Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “Gây tổn hại nặng cho sức khoẻ người khác hoặc gây cố tật nặng cho người khác” thì điểm h khoản 2 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “ Gây tổn hại cho sức khoẻ người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%” ;
Nếu điểm a khoản 3 Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “Gây chết người ” thì điểm a khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định“ Gây tổn hại cho sức khoẻ người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người”;
Nếu điểm d khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 điều này và Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 điều này”thì khoản 3 và khoản 4 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định hai tình tiết này nữa.
Về khung hình phạt quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của điều luật không có gì thay đổi, riêng khoản 4 Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì khoản 4 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Về hình phạt bổ sung, cũng có những thay đổi như:
Nếu Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng” thì khoản 5 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”. Như vậy, so với Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung về tội phạm này, nếu chỉ căn cứ vào mức tiền phạt thì khoản 5 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nhưng..
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự, vì khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng và theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy theo khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Điều 200 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Cũng tương tự như tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và tội “chứa chấp viẹc sử dụng trái phép chất ma tuý”, khách thể của tội tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là chế độ quản lý của Nhà nước về việc sử dụng chất ma tuý vào các mục đích chữa bệnh và vì vậy, quan hệ xã hội bị xâm phạm còn bao gồm cả tính mạng, sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là chế độ quản lý về việc sử dụng chất ma tuý.
Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người sử dụng ma tuý, nếu không có người sử dụng chất ma tuý thì không thể có người phạm tội tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, người sử dụng chất ma tuý lại không phải là người bị hại mà ngược lại trong một số trường hợp nếu thoả mãn các dấu hiệu của tội sử dụng trái phép chất ma tuý thì họ còn là người phạm tội.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan.
Theo quy điều văn của điều luật thì người phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý có thể thực hiện một trong hai hoặc cả hai hành vi: cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn làm cho người bị đe doạ sợ hãi phải miễn cưỡng sử dụng trái phép chất ma tuý.
Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là dùng lời lẽ hoặc thủ đoạn nhằm mua chuộc, rủ rê, dụ dỗ, xúi dục hoặc bằng các thủ đoạn khác khêu gợi sự ham muốn sử dụng ma tuý của người khác để họ tự nguyện sử dụng trái phép chất ma tuý.
Khi xác định hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý cần phân biệt với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mà người phạm tội cũng có hành vi cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
Hành vi cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cũng bằng những thủ đoạn như dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn làm cho người bị đe doạ sợ hãi hoặc mua chuộc, rủ rê, dụ dỗ, xúi dục người khác để họ sử dụng ma tuý, chỉ khác nhau ở chỗ:
- Người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý ngoài hành vi cướng bức hoặc lôi kéo người sử dụng trái phép chất ma tuý còn có hành vi đưa chất ma tuý vào cơ thể của người sử dụng ma tuý hoặc tìm kiếm người sử dụng trái phép chất ma tuý cho người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý để người tổ chức đưa chất ma tuý vào cơ thể của người sử dụng trái phép chất ma tuý.
- Người phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ có hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo, còn việc đưa chất ma tuý vào cơ thể của người bị cưỡng bức, bị lôi kéo là do tự người sử dụng ma tuý thực hiện. Ví dụ: Hoàng Văn Đ là con nghiện đã có nhiều tiền án, tiền sự về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và trộm cắp tài sản. Đ thường tụ tập với một số em làm nghề đánh giầy. Trong số những em đánh giầy, có Bùi Quốc H 15 tuổi là con của một gia đình buôn bán khá giả, nhưng vì bố mẹ ly hôn nên H bỏ đi nhà đi lang thang và nhập bọn với các em đánh giầy. Đ cho rằng nếu H nghiện ma tuý thì Đ cũng có tiền sử dụng ma tuý. Đ đã rủ H sử dụng ma tuý nhưng H sợ liền bị Đ hăm doạ: Nếu không nghe thì không cho nhập bọn tao và báo cho bố mẹ đến đưa về nhà. Vì sợ phải về nhà nên H đã miễn cưỡng sử dụng ma tuý.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hành vi đe doạ, khống chế, ép buộc, giữ tay chân để cho chất ma tuý vào miệng, mũi, tiêm chích ma tuý vào cơ thể... trái với ý muốn của nạn nhân cũng là hành vi cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma tuý.41 Nếu cho rằng, hành vi giữ chân tay để cho chất ma tuý vào miệng, vào mũi người bị giữ chân, giữ tay cũng là hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý thì không còn sự khác nhau giữa tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý với tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
b. Hậu quả
Hậu quả của hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là những thiệt hại cho xã hội, trong đó trực tiếp gây ra những thiệt hại về trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khoẻ của chính người sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ có xẩy ra đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý thì những thiệt hại đó là yếu tố định khung hình phạt. Ví dụ: Nếu cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý mà gây chết người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự, còn nếu gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h khoản 2 Điều 200 Bộ luật hình sự.v.v...
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Như vậy, đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chỉ có thể được thực hiện do cố ý trực tiếp. Không có trường hợp nào do cố ý gián tiếp.
Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, tức là người phạm tội mong muốn người khác sử dụng trái phép chất ma tuý với nhièu động cơ khác nhau. Nếu vì động cơ đê hèn thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 của điều luật. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh mục đích của người phạm tội. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội là mong muốn người mà mình cưỡng bức hoặc lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý thì không phải là phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt
Là trường hợp cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật, là cấu thành cơ bản của tội phạm, được quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.
So với khoản 1 Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn, nhưng nếu so sánh giữa tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985 với tội phạm này quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn. Vì vậy, hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999.
Cũng như đối với các tội phạm khác, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự, Toà án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất trong khung hình phạt ( dưới hai năm tù), nhưng không được dưới ba tháng tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Tuy nhiên, chỉ nên cho người phạm tội được hưởng án treo trong trường hợp lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, còn đối với trường hợp cưỡng bức, nhất là cưỡng bức bằng thủ đoạn dùng vũ lực thì việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải rất thận trọng.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự
a) Có tổ chức
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác.
Cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch kế hoạch để thực hiện hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu, là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.
Khi xác hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, cần phân biệt với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chát ma tuý.
Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi phạm tội thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm, còn cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy có tổ chức là quy mô của tội phạm mọi hành vi của những người đồng phạm đều nằm một mục đích là mong muốn cho người mà mình cưỡng bức hoặc lôi kéo tự sử dụng chất ma túy. Nếu việc tổ chức cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác mà nhằm đưa chất ma tuý vào cơ thể của người bị cưỡng bức hoặc lôi kéo thì thuộc trường hợp phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Những người đồng phạm khác như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức cũng tương tự với trường hợp phạm tội có tổ chức khác, chỉ khác ở chỗ tội phạm được thực hiện trong trường hợp này là hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; người thực hành trong vụ án cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy là người trực tiếp thực hiện hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
Phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy có tổ chức, có thể có tất cả những người đồng phạm, nhưng cũng có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành. Nhưng nhất thiết phải có người thực hành và người tổ chức, nếu thiếu một trong hai người này thì không bị coi là phạm tội có tổ chức.
b. Phạm tội nhiều lần
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội nhiều lần khác.
Cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần là đã có tất cả hai lần cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy trở lên mà mỗi lần phạm tội đều có đầy đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời trong số các lần cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu có hai lần cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy trong đó có một lần chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần
Nếu có hai lần cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó đã có một lần bị kết án, được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật thì không coi là phạm tội nhiều lần, còn nếu có từ ba, bốn, năm... lần cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy trong đó có một lần bị kết án, được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật, thì vẫn coi là phạm tội nhiều lần vì ít nhất cũng còn hai lần chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần đối với tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy cần chú ý:
Nếu có một lần cưỡng bức người khác (A) sử dụng trái phép chất ma túy và một lần lôi kéo người khác (B) sử dụng trái phép chất ma túy thì không phải là phạm tội nhiều lần mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội danh khác nhau: tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy và tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy và bị tỏng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự.
Nếu có một lần cưỡng bức người khác (A) sử dụng trái phép chất ma túy và một lần lôi kéo người khác cũng đối với ( A) sử dụng trái phép chất ma túy, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội, đó là: tội cưỡng bức và lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy và chỉ bị áp dụng một hình phạt nhưng thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần.
c) Vì động cơ đê hèn;
Phạm tội vì đồng cơ đê hèn là trường hợp người phạm tội thực hiện tội phạm với động cơ rất xấu xa, thấp hèn, đáng khinh bỉ, không kể gì đến danh dự, nhân phẩm tư cách của một con người. Động cơ của bị cáo mang tính hèn nhát, bội bạc, phản trắc, ích kỷ.
Phạm tội vì động cơ đê hèn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự 42 và là yếu tố định khung hình phạt trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người và các tội xâm phạm đến các quyền tự do dân chủ của công dân. Tuy nhiên, đối với các tội khác, trong đó có tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, nhà làm luật cũng quy định tình tiết này là yếu tố định khung hình phạt.
Cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy vì động cơ đê hèn là trường hợp vì sự ích kỷ, phản trắc, bội bạc, xấu xa, hèn nhát mà cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Ví dụ: Vũ Thị C là thư ký riêng cho Đặng Xuân Đ, giám đốc Công ty dịch vụ thương mại, thành phố H; C và Đ đã quan hẹ bất chính với nhau, nên C ép Đ phải ly hôn với vợ để chung sống với mình, nhưng Đ không đồng ý. Để trả thù Đ, C đã cấu kết với Đào Văn T dụ dỗ, lôi kéo con trai của Đ sử dụng trái phép chất ma tuý.
Việc xác định động cơ đê hèn của người phạm tội phải gắn với hành vi tội phạm mà người đó thực hiện. Tính chất đê hèn không phải ở hành vi phạm tội mà là ở động cơ phạm tội thuộc mặt chủ quan của cấu thành nên rất khó xác định. Do đó, khi người phạm tội không khai thật động cơ phạm tội của mình, thì cần xem xét, đánh giá tất cả các tình tiết khách quan của vụ án, mối quan hệ gia đình và xã hội giữa người phạm tội với người bị hại và những người thân của người bị hại... Trên cơ sở đó mà xác định người phạm tội thực hiện hành vi tội phạm có vì động cơ đê hèn hay không? nếu không có căn cứ để xác định người phạm tội thực hiện tội phạm với động cơ đê hèn thì không nên gò ép theo kiểu võ đoán, truy trụp cho người phạm tội.
d) Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên;
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự chỉ khác ở chỗ người phạm tội trong trường hợp này là thực hiện hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý.
Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi ( chưa đủ 18 tuổi), do đó người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Khi áp dụng tình tiết này cần phân biệt khái niệm người chưa thành niên với khái niệm trẻ em. Trẻ em cũng là người chưa thành niên, nhưng là người dưới 16 tuổi, còn người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi.
Hiện nay, trên một số sách báo, một số tác giả có sử dụng khái niệm “vị thành niên” nhằm chỉ người chưa trong 18 tuổi, nhưng khái niệm này mối quốc gia sử dụng có khác nhau. Có nước coi vị thành niên là người từ 11 tuổi đến 21 tuổi, có nước quy định vị thành niên là người từ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi, có nước lại quy định vị thành niên là người từ 14 tuổi đến 20 tuổi... ở nước ta trước đây trong một số văn bản pháp luật cũng dùng khái niệm vị thành niên nhưng là để chỉ người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời và các đạo luật khác sau Bộ luật hình sự năm 1985 không còn dùng khái niệm vị thành niên nữa mà thống nhất dùng khái niệm người chưa thành niên và khái niệm trẻ em.
Việc xác định tuổi của người bị cưỡng bức hoặc bị lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội mà căn cứ vào tuổi thật của người bị cưỡng bức hay bị lôi kéo. Đây không phải là tình tiết thuộc mặt chủ quan nên dù người phạm tội có nại rằng họ không biết người mà mình cưỡng bức hoặc lôi kéo sử dụng trái phép là người chưa thành niên thì cũng không vì thế mà cho rằng không thuộc trường hợp phạm tội này.
Căn cứ để xác định tuổi thật của người bị cương bức hoặc bị lôi kéo sử dụng trái phép ma tuý là giấy khai sinh và các tài liệu về hộ khẩu, hộ tịch. Trong trường hợp các giấy tờ trên bị thất lạc hoặc không có thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh, điều tra. Nếu sau khi xác minh mà vẫn không xác định được tuổi thật của người sử dụng trái phép chất ma tuý thì áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tột, cụ thể là:
Nếu chỉ biết tháng và năm sinh, thì lấy ngày đầu tiên của tháng đó. Ví dụ: A sinh vào tháng 8 năm 1987 thì lấy ngày 1 tháng 8 năm 1987 là ngày sinh của A.
Nếu chỉ biết năm sinh thì lấy ngày đầu tiên của tháng đầu tiên năm đó. Ví dụ: B sinh vào năm 1988 thì lấy ngày 1 tháng 1 năm 1988 là ngày sinh của B.
đ. Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự chỉ khác ở chỗ người phạm tội trong trường hợp này là thực hiện hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người mà mình biết là đang có thai (không kể cái thai đó ở tháng thứ mấy)
Nếu người phụ nữ bị cưỡng bức, bị lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai. Ví dụ: Đinh Quang V yêu chị Nguyễn Thị Nh, nhưng không được chị Nh đáp lại tình yêu của V. Trong khi đó chị Nh đã yêu anh Lê Văn C người cùng cơ quan với chị Nh và đã có thai với anh C. Nhưng vì chưa tổ chức đám cưới và cái thai mới có hơn hai tháng nên không ai biết chị Nh có thai ngoài chị. Do không yêu được chị Nh nên V tìm cách trả thù chị Nh. Ngày 14-3-2001, V mời chị Nh đi chơi và uống nước. Khi đến nhà hàng, do đã thoả thuận từ trước với Trần Q là một tên có nhiều tiền án tiền sự, nên trong lúc V và chị Nh đang uống nước thì Q xuất hiện đến bàn của V và chị Nh đang ngồi. Q rút dao găm giấu trong người ra đặt trên bàn và doạ: “Chúng mày có tiền nôn ra, không thì tao xin tí tiết !” vì không có tiền nên chị Nh hỏi V có tiền đưa cho Q, nhưng V trả lời không có, Q liền đưa ra một gói nhỏ và nói: “không có tiền thì phải uống hết chỗ bột này”; chị Nh biết bột mà Q buộc chị uống là bột Hêrôin nhưng vì quá sơ nên chị Nh buộc phải uống. Sau khi uống Hêrôin chị Nh bị xốc phải đưa vào bệnh viện cấp cứu mới biết chị Nh có thai hơn hai tháng. mặc dù chị Nh có thai nhưng trong hoàn cảnh cụ thể này thì Q và V đều không biết chị Nh có thai nên không thuộc trường hợp đối với phụ nữ mà biết là đang có thai.
Ngược lại, trong trường hợp người phụ nữ sử dụng trái phép không có thai, nhưng người phạm tội tin lầm là có thai nên vẫn cưỡng bức hoặc lôi kéo họ sử dụng trái phép chất ma tuý thì vẫn bị coi là phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai. Ví dụ: Chu Thanh M và chị Đỗ Kim T yêu nhau và hai người đã quan hệ với nhau như vợ chồng, nhưng từ khi gặp chị Nguyễn Thị X, thì M tỏ ra lạnh nhạt đối với chị T. Chị T buồn và đem chuyện kể cho bạn là Phạm Thị Kh; chị Kh bàn với T nói dối với M là đã có thai để buộc M phải tổ chức đám cưới với chị T. Sau khi nghe chi T cho biết mình đã có thai, M rất lo lắng và bàn với chị T vào bệnh viện phá thai, nhưng chị T vẫn cương quyết không chịu mà vẫn ép M phải cưới. Sau đó có người mách cho M phá thai bằng cách nuốt một ít thuốc phiện. Trong một buổi đi chơi với chị T, M đã nói dối với chị T là người có thai con so (con đầu lòng), muốn cho thai khoẻ thì nên nuốt một ít thuốc phiện. Để M tin là mình có thai thật, nên chị T đã tìm mua một bi thuốc phiện có trọng lượng 0,05 gam nuốt trước mặt M. Mặc dù chị T không có thai nhưng M tin là chị T có thai và đã lôi kéo chị T sử dụng trái phép chất ma tuý nên M vẫn bị coi là phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai.
Đối với phụ nữ mà biết là có thai là dấu hiệu thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội chứ không phải dấu hiệu khách quan như trường hợp phạm tội đối với phụ nữ có thai quy định ở một số tội phạm khác hay tại điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự chỉ cần xác định người bị hại là phụ nữ có thai là đủ căn cứ xác định là tình tiết tăng nặng rồi không cần phải xác định người phạm tội có biết hay không biết rõ người phụ nữ có thai hay không.
e. Đối với nhiều người
Cưỡng bức hoặc lôi kéo nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy là trường hợp một lần cưỡng bức hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc một lần lôi kéo hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý.
Nếu người phạm tội một lần có hai hành vi: hành vi cưỡng bức và hành vi lôi kéo nhưng mỗi hành vi chỉ đối với một người thì không phải là phạm tội đối với nhiều người mà người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma tuý và tội lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý, nếu không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt khác thì đều thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự và người phạm tội bị áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự để tổng hợp hình phạt. Ví dụ: Lê Công T đã hăm doạ buộc Bùi Huy Th sử dụng trái phép chất ma tuý và lôi kéo Đào Thị Xuân L sử dụng trái phép chất ma tuý. Hành vi của Lê Công T bị Toà án nhân dân tỉnh P kết án về hai tội : Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý và tội Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
Nếu người phạm tội nhiều lần cưỡng bức, nhiều lần lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng không có lần nào có từ hai người sử dụng trái phép chất ma tuý trở lên thì vẫn thuộc trường hợp phạm tội đối với nhiều người mà không thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần. Ví dụ: Ngày 12-3-2002 Định Thái P cưỡng bức Phạm Thị H đến ngày 1-5-2002, P lại cưỡng bức Nguyễn Quốc K sử dụng trái phép chất ma tuý; Ngày 10-5-2002, P lôi kéo Bùi Thị M sử dụng trái phép chất ma tuý, đến ngày 15-5-2002, P lại lôi kéo Phùng Văn S sử dụng trái phép chất ma tuý. Mặc dù Đinh Thái P cưỡng bức, lối kéo mỗi lần chỉ có một người nhưng có tất cả 4 người sử dụng trái phép chất ma tuý vào 4 thời điểm khác nhau, nên phải coi là phạm tội đối với nhiều người. Tuy nhiên, hiện nay có ý kiến cho rằng mỗi lần phạm tội đối với một người nhưng nhiều lần phạm tội đối với nhiều người thì vẫn là phạm tội nhiều lần chứ không phải là phạm tội đối với nhiều người.
g) Đối với người đang cai nghiện;
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ là người sử dụng trái phép chất ma tuý là người bị cưỡng bức, bị lôi léo sử dụng trái phép chất ma tuý.
Cũng như đối với trường hợp tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đối với người dang cai nghiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự, người đang cai nghiện cũng là người đã nghiện ma tuý đang được cai nghiện ở trong trung tâm cai nghiện hoặc cai nghiện tại nơi ở theo sự chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn. Việc đưa người nghiện ma tuý vào các trung tâm cai nghiện có thể theo yêu cầu của gia đình người nghiện, sự tự nguyện của chính bản thân người nghiện hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Người đang cai nghiện là người nghiện ma tuý bắt đầu cai nghiện và chưa kết thúc thời gian cai nghiện, nếu người nghiện ma tuý đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đưa vào trung tâm cai nghiện nhưng vì lý do khách quan nên chưa vào trung tâm cai nghiện mà cưỡng bức hoặc lôi kéo họ sử dụng trái phép chất ma tuý thì không thuộc trường hợp phạm tội đối với người đang cai nghiện. Ví dụ: Hoàng Văn Ng là con nghiện đã có quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố đưa vào Trung tâm cai nghiện, nhưng Ng xin sau ngày giỗ bố sẽ chấp hành quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố vào Trung tâm cai nghiện. Trước ngày giỗ bố, Ng bị Phạm Văn M cũng là con nghiện lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý thì bị bắt quả tang. Mặc dù Ng đã có quyết định cai nghiện nhưng chưa cai nghiện nên hành vi lôi kéo Ng sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng hành vi của M không phải là phạm tội đối với người đang cai nghiện.
Nếu người cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý không biết người mà mình cưỡng bức hoặc lôi kéo đang cai nghiện thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Nguyễn Thị L đang cai nghiện tại trung tâm cai nghiện thành phố, nhưng L đã bỏ trốn khỏi trung tâm. Trong lúc L đang lang thang trên cánh đồng thì gặp Phạm Thanh B. B hỏi L hiện nay đang làm gì, ở đâu đã cai được ma tuý chưa. L nói dối với B là mình đã đi cai nghiện về từ hai tháng trước nhưng vẫn không cai được. B không biết L bỏ trốn từ trung tâm cai nghiện đã rủ L sử dụng trái phép chất ma tuý.
Nếu người cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý không cần biết người mà mình cưỡng bức hoặc lôi kéo đang cai nghiện hay không, nhưng vẫn cưỡng bức hoặc lôi kéo họ sử dụng trái phép chất ma tuý, sau khi đã cưỡng bức hoặc lôi kéo họ sử dụng trái phép chất ma tuý mới biết họ đang cai nghiện, thì vẫn bị coi là phạm tội đối với người đang cai nghiện. Ví dụ: Tưởng Duy A và Tưởng Duy L đều là con nghiện nhưng A và L đã lâu không gặp nhau nên A không biết L đang cai nghiện. Khi gặp L, A rủ L sử dụng ma tuý thì L nói với A là mình đang cai nghiện theo chỉ định của Bác sĩ, nhưng A không tin và nói với L là A không quan tâm việc cai nghiện của L, A cho rằng, làm gì có chuyện cai nghiện tại gia. Do không làm chủ được bản thân, lại bị A lôi kéo, nên L đã sử dụng ma tuý cùng với A. Tuy A không biét chắc là L đang cai nghiện, nhưng A cũng không cần biết L có cai nghiện thật hay không mà chỉ quan tâm đến việc lôi kéo rủ rê L sử dụng trái phép chất ma tuý, nên hành vi phạm tội của A vẫn là hành vi phạm tội đối với người đang cai nghiện.
h. Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm e khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ người sử dụng trái phép chất ma tuý bị tổn hại đến sức khoẻ mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% trong trường hợp này là người bị cưỡng bức hoặc bị lôi kéo. Ví dụ: Ngô Quốc T là học sinh lớp 10 bị Nguyễn Văn Q và Trịnh Văn C là con nghiện rủ rê, lôi kéo T sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng vì do tiêm chích quá liều nên T bị xốc thuốc phải đưa đi cấp cứu. Sau khi điều trị, sức khoẻ của T bị giám sút, giám định thương tật, T bị tổn hại sức khoẻ có tỷ lệ thương tật là 50%.
Khi xác định trường hợp phạm tội này cần chú ý:
Chỉ đối với những người bị cưỡng bức hoặc bị lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý và do sử dụng ma tuý mà dẫn đến bị tổn hại sức khoẻ thì người có hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người đó mới chịu trách nhiệm về tổn hại sức khoẻ của người sử dụng trái phép chất ma tuý.
Nếu hành vi cưỡng bức mà người phạm tội dùng vũ lực và do hành vi dùng vũ lực mà gây ra thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người bị cưỡng bức hoặc người khác, thì tuỳ trường hợp người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Phí Văn B là con nghiện đã bị kết án về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù, trở về gia đình, B đã rủ rê lôi kéo một số người sử dụng trái phép chất ma tuý, trong đó có Vũ Khắc V. Do V chưa sử dụng ma tuý bao giờ nên không dám sử dụng ma tuý. B ra lệnh cho đồng bọn bắt trói V và dùng chân tay đấm đá V. Vì bị đánh và sợ bọn B, nên V đã miễn cưỡng phải sử dụng ma tuý thì bị bắt quả tang. Thấy V bị thâm tím mặt mũi, nên đã đưa đi bệnh viện điều trị và kết quả giám định V bị thương tích có tỷ lệ thương tật là 21%.
i. Gây bệnh nguy hiểm cho người khác
Đây là trường hợp tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự, nhưng trường hợp phạm tội này gây bệnh nguy hiểm cho người khác là do cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng ma tuý mà người sử dụng ma tuý bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Được coi là bệnh nguy hiểm là những bệnh không có khả năng cứu chữa, dễ dẫn đến tử vong hoặc tuy không dẫn đến tử vong nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khoẻ suốt đời.
Cũng như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự, khi xác định trường hợp phạm tội này, cần phân biệt với trường hợp lây truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 117 và trường hợp cố ý truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 118 Bộ luật hình sự.
Nếu người cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý biết người sử dụng ma tuý nhất định sẽ bị lây HIV mà vấn cố ý cưỡng bức, lôi kéo họ nhằm lây truyền HIV cho người sử dụng ma tuý thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 hoặc Điều 118 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Trần Ngọc Đ biết Nguyễn Hùng C là con nghiện thường hay mua ma tuý về tiêm chích, đồng thời Đ cũng biết Từ Văn Q là con nghiện đã bị nhiễm HIV. Đ đã lôi kéo Nguyễn Hùng C và Từ Văn Q sử dụng trái phép chất ma tuý. Sau khi Q tiêm chích ma tuý cho mình xong, C đã dùng kim tiêm mà Q vừa tiêm chích ma tuý để tiêm chích ma tuý cho mình. Mặc dù biết làm như vậy, C sẽ bị lây nhiễm HIV nhưng Đ không ngăn cản, không nói cho C biết nên sau khi tiêm chích ma tuý C đã bị nhiếm HIV.
Bệnh nguy hiểm mà người phạm tội gây cho người khác là do hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra nhưng về ý thức chủ quan của người phạm tội thì có thể họ không biết là hành vi của mình sẽ gây ra bệnh đó cho người sử dụng trái phép chất ma tuý. Trường hợp phạm tội này không phải là tình tiết thuộc mặt chủ quan mà là tình tiết thuộc mặt khách quan của tội phạm (tình tiết về hậu quả) và hậu quả này người phạm tội không mong muốn nhưng có thể bỏ mặc hoặc có thể ngoài ý muốn chủ quan (không nhận thức được hậu quả). Cũng chính vì thế mà nhà làm luật chỉ quy định “gây bệnh” và nếu chưa gây bệnh thì không bị coi là phạm tội trong trường hợp này.
k. Tái phạm nguy hiểm
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự trường hợp tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm k khoản 2 Điều 193, điểm p khoản 2 Điều 194, điểm g khoản 2 Điều 195, điểm g khoản 2 Điều 196 và điểm h khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ người phạm tội tái phạm nguy hiểm trong trường hợp này là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại cưỡng bức hoặc lôi léo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của Điều 200 Bộ luật hình sự , hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cưỡng bức hoặc loi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 200 Bộ luật hình sự.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 200 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. So với khoản 2 các Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn mà cũng không nặng hơn, nhưng vì Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985, nên hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới hai năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt mức cao của khung hình phạt (mười lăm năm tù).
3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự
a. Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người
Điểm a khoản 3 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên và gây chết người.
Trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 của điều luật, chỉ khác ở chỗ tỷ lệ thương tật mà người phạm tội gây ra cho người khác là từ 61% trở lên. Ví dụ: Mai Thị T là học sinh Trường phổ thông trung học bị Lê Trung H rủ rê lôi kéo nên đã tiêm chích ma tuý dẫn đến bị lây bệnh siêu gan B. Sau khi điều trị cơ quan giám định y khoa kết luận T bị tổn hại sức khoẻ có tỷ lệ thương tật 65%.
Trường hợp gây hậu quả chết người cũng tương tự như trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác nhưng chỉ khác là hậu quả của hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra hậu quả chết người chứ không phải chỉ gây tổn hại đến sức khoẻ . Ví dụ: Triệu Quốc K là con nghiện do không có tiền tiêm chích nên K đã lôi kéo được cháu Huỳnh Thanh B 16 tuổi con của một cán bộ Ngân hàng Công thương chi nhánh thị xã S. Do chưa sử dụng chất ma tuý bao giờ lại nghe lời K nên B đã chích ma tuý nhưng bị xốc thuốc đưa vào bệnh viện cấp cứu thì bị chết.
Cũng như đối với trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, cái chết của nạn nhân là ngoài sự mong muốn của người phạm tội. Nếu người phạm tội mong muốn cho người mà mình tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý chết thì hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ là thủ đoạn giết người và người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự .42
b. Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây bệnh nguy hiểm cho người khác, chỉ khác ở chỗ trong trường hợp này có từ hai người trở lên bị gây bệnh nguy hiểm. Khác với trường hợp gây tổn hại đến sức khoẻ, nhiều người bị gây bệnh nguy hiểm là có từ hai người trở lên và tất cả đều bị gây bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên nếu có từ ba người trở lên bị gây bệnh, thì chỉ cần có hai người bị gây bệnh nguy hiểm là người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 3 của điều luật mà không nhất thiết phải tất cả đều bị gây bệnh nguy hiểm. Nếu có nhiều người bị gây bệnh nhưng chỉ có một người bị bệnh nguy hiểm thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại điểm i khoản 2 của điều luật. Trường hợp này không thể cộng các bệnh không nguy hiểm của nhiều người để thành bệnh nguy hiểm của một người được.
c. Đối với trẻ em dưới 13 tuổi
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 của điều luật, chỉ cần xác định tuổi thật của người sử dụng chất ma tuý mà không cần phải xác định ý thức chủ quan của người phạm tội có biết người mà họ cưỡng bức hoặc lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý dưới 13 tuổi hay không.
Theo Điều 1 Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thì trẻ em là người chưa thành niên dưới 16 tuổi, nhưng chỉ trẻ em dưới 13 bị cưỡng bức hoặc lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 của điều luật.
Việc xác định tuổi của người sử dụng trái phép chất ma tuý cũng tương tự như trường hợp quy định tại tại điểm g khoản 2 cdf 197 Bộ luật hình sự. Nếu đã làm hết cách mà không xác định được tuổi thật của người sử dụng trái phép chất ma tuý thì xác định theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. So với khoản 3 các Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn mà cũng không nặng hơn, nhưng vì Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985, nên hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì được áp dụng khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới mười lăm năm tù nhưng không được dưới bảy năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt mức cao của khung hình phạt (hai mươi năm tù).
4. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 200 Bộ luật hình sự
Khoản 4 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt nhưng không quy định thành từng điểm riêng, đó là: gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặt biệt nghiêm trọng khác.
Gây chết nhiều người là trường hợp do cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý mà gây chết từ hai người trở lên. Việc xác định có hai người trở lên bị chết do hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý cũng cần phân biệt hai trường hợp:
Nếu có hai người bị chết trở lên do hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý đều là người do sử dụng trái phép chất ma tuý mà chết thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật.
Nếu chỉ có một người chết do bị cưỡng bức hoặc lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý và nguyên nhân đãn đến cái chết là do sử dụng ma tuý, còn những người khác bị chết là do hành vi khác thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 của điều luật mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng theo hành vi phạm tội của họ. Ví dụ: Hồ Quốc K lôi kéo Đinh Trọng T và Hoàng Kim D sử dụng trái phép chất ma tuý. Do tiêm chích ma tuý qua liều nên Đinh Trọng T chết do bị xốc thuốc, còn Hoàng Kim D sau khi sử dụng trái phép ma tuý được Hồ Quốc K chở về bằng xe máy, trên đường về nhà D, do không phóng nhanh vượt ẩu nên K đã đâm vào vỉa hè làm D ngã xuống đường chết.
Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác là trường hợp ngoài hậu quả chết hai người còn gây ra những hậu quả khác và hậu quả này được coi là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra được coi tương đương với hậu quả gây chết nhiều người, nên khi xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cũng cần phải đánh giá tương ứng với hậu quả gây chết hai người.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra có thể là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại khác cho xã hội.
Cho đến nay, chưa có hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra, mặc dù đối với các tội phạm về ma tuý các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng tình tiết này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Mặt khác thực tiễn xét xử cũng chưa có trường hợp nào xảy ra cần phải xác định hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên căn cứ vào các quy định của pháp luật, đối chiếu với các tình tiết khác quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự, theo chúng tôi có thể coi các thiệt sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý gay ra:
- Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của hai người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên và hai người có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
- Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của bốn người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Cưỡng bức, lôi kéo nhiều trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc rất nhiều người chưa thành niên từ 13 tuổi trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý.
Ngoài những thiệt hại về về tính mạng, sức khoẻ có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho rất nhiều người trên một địa bàn nhất định. v.v... Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 200 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, cũng là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
So với khoản 4 các Điều 185m Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì khoản 4 Điều 185m có khung hình phạt là chung thân hoặc tử hình, còn khoản 4 Điều 200 có khung hình phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân. Do đó hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì được áp dụng khoản 3 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới hai mươi năm tù nhưng không được dưới mười lăm năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt mức cao của khung hình phạt (tù chung thân).
5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
So với Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì khoản 5 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì mức phạt tiền quy định tại Điều 185(o) từ mười triệu đến một trăm triệu đồng, còn mức phạt tiền quy định tại khoản 5 Điều 200 là từ năm triệu đến một trăm triệu đồng và việc áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại Điều 185(o) là bắt buộc, còn khoản 5 Điều 200 việc áp dụng hình phạt bổ sung có thể áp dụng hoặc không áp dụng, Vì vậy, đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý, thì được áp dụng khoản 5 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
---
Chú giải
41 Xem Trần văn luyện “Trách nhiẹm hình sự đối với các tội phạm về ma tuý”.NXB Chính Trị quốc gia. năm 1998. Tr 106.
42 Xem Đinh văn Quế “các tình tiết tình tiết tăng nặng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”. NXB Chính trị quốc gia. năm 2000.
42 Xem “Bình luận Bộ luật hình sự .phần các tội phạm, Tập 1. các tội xâm phạm tính mạng,sức khoẻ,nhân phẩm, danh dự của con người” NXB T.p Hồ Chí Minh năm 2002.
No comments:
Post a Comment