Điều 199. Tội sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.
Định nghĩa: Tội sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi tự mình hoặc nhờ người khác đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể của mình đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.
Tội chứa sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 Bộ luật hình sự là tội phạm đã được quy định tại Điều 185l Bộ luật hình sự năm 1985.
So với Điều 185l Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 199 Bộ luật hình sự năm 1999 không có sửa đổi, bổ sung gì. Đây là tội phạm về ma tuý duy nhất không có sửa đổi bổ sung, kể cả về hình phạt bổ sung.
Tội sử dụng trái phép chất ma túy cùng với một số tội phạm về ma tuý khác mới được quy định theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 10-5-1997 có hiệu lực từ ngày 22-5-1997.
Việc nhà làm luật quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi tội phạm là xuất phát từ yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống ma tuý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng người sử dụng trái phép chất ma tuý cũng chỉ là nạn nhân của tệ nạn ma tuý, cũng như đối với người bán dâm họ cũng chỉ là nạn nhân của hành vi mại dâm. Sau nhiều lần thảo luận, Quốc hội quyết định hình sự hoá hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, cũng như đối với tội trồng cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma tuý, hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ cấu thành tội phạm khi người sử dụng trái phép chất ma tuý đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội sử dụng trái phép chất ma túy cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội sử dụng trái phép chất ma túy chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này khoản 1 là tội phạm ít nghiêm trọng và khoản 2 là tội phạm nghiêm trọng mà theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài các điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự về độ tuổi, chủ thể của tội sử dụng trái phép chất ma tuý còn kèm theo các điều kiện khác như:
Đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.
Đã được giáo dục nhiều lần là đã được cơ quan nhà nước, tổ chức cũng như những người có trách nhiệm ở địa phương từ hai lần trở lên vận động, thuyết phục, nhắc nhở hoặc xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma tuý.
Đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc là đã người sử dụng trái phép chất ma tuý đã bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh được thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 24 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 6-7-1995) và theo đúng quy định của Quy chế "Về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6-7-1995" (ban hành kèm theo Nghị định số 20/CP ngày 13-4-1996 của Chính phủ).40
điều luật quy định: đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà không quy định hoặc mà vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma tuý, vì vậy người sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ bị coi là tội phạm khi họ vừa bị giáo dục nhiều lần vừa bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Nếu chỉ bị một trong hai hình thức trên thì vẫn chưa cấu thành tội phạm.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Cũng như khách thể của một só tội phạm về ma tuý, khách thể của tội phạm này là chế độ quản lý của Nhà nước về việc sử dụng chất ma tuý vào các mục đích chữa bệnh và vì vậy, quan hệ xã hội bị xâm phạm còn bao gồm cả tính mạng, sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là chế độ quản lý về việc sử dụng chất ma tuý.
Đối tượng tác động của tội phạm này cũng chính là người sử dụng ma tuý, tự mình tác động lên cơ thể của mình mà trực tiếp là sức khoẻ, có khi cả tính mạng của chính mình.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan.
Nếu nói hành vi khách quan của tội sử dụng trái phép chất ma tuý thì chỉ có một hành vi duy nhất là sử dụng ma tuý nhưng bằng nhiều hình thức khác nhau như: tiêm, chích, hút, hít, uống, nuốt...
Để sử dụng được ma tuý người phạm tội phải tìm địa điểm, có thể là thuê, mượn hoặc tự tìm một nơi kín đáo để sử dụng trái phép chất ma tuý. Nói chung hành vi sử dụng trái phép ma tuý được thực hiên một cách lén lút (lén lút với nhà chức trách và với người xung quanh). Tuy nhiên, có một số trường hợp người sử dụng trái phép chất ma tuý không che giấu hành vi của mình, trong những trường hợp này thường là những con nghiện khi đã lên cơn hoặc những người thuộc dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa coi việc hút thuốc phiện là việc bình thường như người ta hút thuốc lá, thuốc lào và họ coi việc hút thuốc phiện không phải là phạm pháp.
Sử dụng chất ma tuý là tự đưa chất ma tuý vào cơ thể của mình hoặc nhờ người khác đưa chất ma tuý vào cơ thể của mình.
Tự đưa chất ma tuý vào cơ thể của mình là bằng nhiều hình thức khác nhau để đưa được chất ma tuý vào cơ thể của chính mình nhằm thoả mãn nhu cầu về ma tuý như: tự tiêm, chích; tự hút, hít; uống, ăn, nuốt...mà không cần có sự giúp đỡ của người khác.
Nhờ người khác đưa chất ma tuý vào cơ thể của mình là thuê, mượn người khác giúp mình để đưa chất ma tuý vào cơ thể của mình nhằm thoả mãn nhu cầu về ma tuý như: nhờ người khác tiêm, chích; nhờ người khác đốt để hít, để hút...
Người mà người sử dụng trái phép chất ma tuý có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; người cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng có thể chỉ là người sử dụng trái phép chất ma tuý cùng với mình.
Trong trường hợp người phạm tội vừa có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, vừa có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, vừa có hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý mà các hành vi này đều cấu thành tội phạm thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tất cả tội phạm mà họ đã thực hiện. Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp người phạm tội thực hiện hai hành vi phạm tội hoặc cả ba hành vi phạm tội trên nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội nặng nhất là tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
b. Hậu quả
Hậu quả của các tội phạm về ma tuý nói chung và hậu quả của tội sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng không phải là yếu tố bắt buộc để định tội. Những thiệt hại do hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội là chính sách quản lý của Nhà nước đối với sử dụng trái phép chất ma túy và tính mạng, sức khoẻ của con người mà trước hết là của chính người phạm tội; đồng thời làm tăng số lượng người sử dụng trái phép chất ma tuý trong xã hội.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của việc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện.
Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, tức là người phạm tội mong muốn việc sử dụng trái phép dược thực hiện nhằm thoả mãn nhu cầu về ma tuý của mình. Mục đích của người phạm tội được thể hiện ngay trong hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, bởi vì khi người ta sử dụng cái gì đó cho cơ thể của mình là nhằm thoả mãn nhu cầu. Nếu không có nhu cầu sử dụng trái phép chất ma tuý thì không thể có việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt
Là trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, là cấu thành cơ bản của tội phạm, được quy định tại khoản 1 Điều 199 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba tháng đến hai năm tù, là tội phạm ít nghiêm trọng.
So với khoản 1 Điều 185l Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì quy định tại khoản 1 Điều 199 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn và cũng không nặng hơnaw, đồng thời Điều 199 so với Điều 185l cũng không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn. Vì vậy, đối với hành vi phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý, thì áp dụng khoản 1 Điều 185l Bộ luật hình sự năm 1985 mà không áp dụng khoản 1 Điều 199 Bộ luật hình sự năm 1999.
Cũng như đối với các tội phạm khác, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 199 Bộ luật hình sự, Toà án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, thì Toà án có thể chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn (cải tạo không giam giữ, phạt tiền hoặc cảnh cáo). Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.
Nói chung, đối với người phạm tội sử dụng trái phép chất ma tuý, đường lối xử lý là lấy giáo dục là chính, chỉ áp dụng hình phạt tù đối với người có nhân thân xấu, nếu để họ ở ngoài xã hội thì có nhiêu khả năng gây nguy hại cho xã hội. Ví dụ: Đinh Văn T sinh năm 1976 ở quận Ba Đình, thành phố Hà Nội là con nghiện và đã nhiều tiền án tiền sự về tội trộm cắp tài sản; ra tù T vẫn nghiện ma tuý và đã bị tập trung cai nghiện, nhưng sau khi cai nghiện về, T vẫn tiếp tục sử dụng trái phép ma tuý và bị bắt. Toà án nhân dân quận Ba Đình đã phạt Đinh Văn T 30 tháng tù về tội sử dụng trái phép chất ma tuý.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 199 Bộ luật hình sự
Khoản 2 Điều 199 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là người sử dụng trái phép chất ma tuý thuộc trường hợp tái phạm tội sử dụng trái phép chất ma tuý (tái phạm tội này).
Bộ luật hình sự chỉ quy định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm mà không quy định khái niệm tái phạm tội này hay tái phạm tội khác. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự về tái phạm và tái phạm nguy hiểm thì, tái phạm tội này là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội sử dụng trái phép chất ma tuý chưa được xoá án mà lại phạm tội sử dụng trái phép chất ma tuý.
Hầu hết các tội phạm trong Bộ luật hình sự nhà àm luật chỉ quy định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt. Tuy nhiên, trong một số tội phạm do đặc điểm, tính chất của tội phạm đó mà nhà làm luật quy định “tái phạm về tội này”. Ví dụ: Tội trồng cây thuốc phiện hoặc loại cây khác có chứa chất ma tuý (Điều 192); tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 206); tội đua xe trái phép (Điều 207)...
Điều luật chỉ quy định tái phạm tội này mà không quy định tái phạm nguy hiểm tội này, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu tái phạm nguy hiểm tội này thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, bởi vì: Tội sử dụng trái phép chất ma tuý không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng nên trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ xảy ra khi người phạm tội đã tái phạm về tội sử dụng trái phép chất ma tuý chưa được xoá án tích, mà lại phạm tội sử dụng trái phép chất ma tuý và như vậy thì ít nhất người phạm tội cũng có một lần tái phạm tội này.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 199 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ hai năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.
So với khoản 2 các Điều 185l Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 199 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn mà cũng không nặng hơn. Do đó hành vi phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì không được áp dụng khoản 2 Điều 199 Bộ luật hình sự năm 1999 mà phải áp dụng khoản 2 Điều 185l Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới hai năm tù nhưng không được dưới ba tháng tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật, mặt khác hình phạt 3 tháng tù là mức tối thiểu của loại hình phạt tù mà Điều 33 Bộ luật hình sự quy định. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt mức cao của khung hình phạt ( năm năm tù). Việc cho người phạm tội được hưởng án treo trường hợp này cũng phải thận trọng vì họ đã bị kết án về tội sử dụng trái phép chất ma tuý chưa được xoá án nay lại phạm tội sử dụng trái phép chất ma tuý, chứng tỏ những biện pháp giáo dục đối với họ là không có hiệu quả, cần có biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc hơn.
---
Chú giải
40 Xem Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 5 tháng 8 năm 1998 của Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương VIIA "Các tội phạm về ma tuý" của Bộ luật hình sự
No comments:
Post a Comment