20/08/2014
Thực trạng nuôi con nuôi thực tế - Luật Hôn nhân và gia đình
1. Nhận diện quan hệ nuôi con nuôi thực tế

1.1. Một số dạng nuôi con nuôi trong thực tế xã hội Việt Nam

Trong đời sống xã hội Việt Nam, việc nhận nuôi connuôi đã tồn tại từ lâu, với nhiều lý do và mục đích khác nhau, nhưng lýdo cơ bản, phổ biến nhất là vì lòng từ tâm, lòng thương người, muốn cưumang, giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Với quan niệm nhưvậy, việc nhận con nuôi, nhận cha mẹ nuôi đã được thực hiện khá rộngrãi trong đời sống nhân dân.

Với ý nghĩa là một quyền tự do dân sự của cá nhân,việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi có thể được thực hiện theo nhữngcách thức khác nhau, tuỳ theo sự lựa chọn của cá nhân trong những điềukiện, hoàn cảnh nhất định. Tuy nhiên có thể thấy, có hai cách thức xáclập quan hệ nuôi con nuôi trong thực tế. Đó là xác lập quan hệ nuôi connuôi về mặt xã hội và xác lập về mặt pháp lý.


Việc nhận nuôi con nuôi có thể được xác lập về mặtpháp lý, thông qua sự kiện đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan nhànước có thẩm quyền. Đối với những trường hợp có đăng ký, giữa ngườinhận nuôi và con nuôi phát sinh quan hệ cha mẹ và con trước pháp luật.Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôiđược nhà nước công nhận và bảo vệ. Vấn đề này không nằm trong khuôn khổphân tích của bài viết này. Trong phạm vi của bài viết này, chỉ xin bànđến những dạng xác lập quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi trong thực tế màkhông đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


Trong thực tế đời sống tồn tại khá nhiều cáctrường hợp nhận con nuôi nhưng không đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơquan nhà nước có thẩm quyền. Đây là những trường hợp xác lập quan hệnuôi con nuôi về mặt xã hội. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợpnhận nuôi con nuôi không có sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩmquyền đều là nuôi con nuôi thực tế. Qua nghiên cứu cho thấy, trong thựctế đời sống xã hội Việt Nam, quan hệ nuôi con nuôi đã từng tồn tại mộtsố dạng cơ bản sau:

- Nuôi con nuôi theo phong tục tập quán

- Nuôi con nuôi để khuếch trương quyền thế của gia đình

- Nuôi con nuôi để lấy phúc

- Nuôi con nuôi trên danh nghĩa

- Nuôi con nuôi thực tế.

Chúng tôi xin phân tích một số dạng hình thành quanhệ nuôi con nuôi trong thực tế mà không có sự công nhận của cơ quan nhànước có thẩm quyền, để có cơ sở hiểu rõ hơn và phân biệt giữa nuôi connuôi thực tế với các dạng quan hệ nuôi con nuôi khác trong thực tế đờisống.

* Nuôi con nuôi theo phong tục tập quán: việcnhận trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa làm con nuôi là một việc làmthiện, nhân đạo, là một phong tục tốt đẹp, thể hiện đạo lý của dân tộcvà được xã hội ủng hộ. Trách nhiệm cứu người, cưu mang những ngườinghèo khổ, tàn tật nặng, mồ côi mà không có người thân thích để nươngtựa cũng đã được phản ánh trong pháp luật nhà Lê qua bộ Quốc triều hìnhluật(1). Những quy định này của pháp luật đã có tác dụng nhất địnhtrong việc khuyến khích nhận trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa làm connuôi, nhận những người già neo đơn, “không thể tự mình mưu sống được”làm cha, mẹ nuôi trong đời sống cộng đồng ở xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, ở một số vùng miền còn tồn tại tập tụcnối nòi. Nối nòi là một tục lệ khá phổ biến, có tính chất đặc trưng củacác dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc ở Trường Sơn Tây Nguyên,như dân tộc Ê Đê. Nối nòi được hiểu là sự thay thế người khác bằng mộtngười trong họ hàng của người chết để tiếp tục duy trì quan hệ hônnhân, nhằm duy trì dòng họ, nòi giống. Tập tục của người Ê Đê là: “gẫy rầm sàn thì phải thay, gẫy giát sàn thì phải thế, người này chết thì phải nối bằng một người khác”(2).Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, nên việc nối nòi theo dòng họ mẹ, đểdòng họ mẹ không bị tuyệt tự là một điều quan trọng. Vì vậy, quyền thừakế cũng được xác định theo dòng họ mẹ (Điều 182, Điều 183, Điều 185Luật Tục Ê Đê). Do đó trong trường hợp một người phụ nữ không có conthì “phải tìm nuôi lấy một đứa con của người chị hay của người emgái mình, không có đứa này thì phải tìm một đứa khác trong cùng một họvới mình” và khi đó người con được thừa kế mọi của cải của ngườiphụ nữ để lại (Điều 106 Luật Tục Ê Đê). Theo tập quán mẫu hệ, nên trongnhững trường hợp này người ta thường nuôi một người con gái của chị, emgái cùng họ với người nuôi: “muốn nuôi một người con gái để làm giống, muốn nuôi một người con như chính mình đẻ ra để tránh mất giống tuyệt nòi…” (Điều 107 Luật Tục Ê Đê).

Người Mường, Thái, Dao, Thổ, Mông, Khơ Mú đều cóphong tục nhận nuôi con nuôi. Đối với các gia đình dân tộc Mường, Tháimà không có con thì họ thường nhận một đứa con của người anh hay ngườiem làm con nuôi và coi nó như con đẻ của mình(3). Người Chăm cũngthường nhận nuôi con nuôi là người trong tộc họ, nếu không có thì kiếmngười ngoài tộc(4). Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, con gái út đượchưởng tài sản thừa kế và có trách nhiệm quản lý tài sản để thờ cúng chamẹ tổ tiên. Người Chăm có quan niệm rằng “phận của đàn ông là chiến đấu, phận của đàn bà là sinh nở”(5).Vì vậy, việc nuôi con nuôi là nhằm có người kế tục dòng họ mẹ. Điều nàythường xảy ra tương tự đối với các dân tộc theo chế độ mẫu hệ ở TrườngSơn – Tây Nguyên(6). Như vậy, có thể nói, việc nhận cáccháu trong họ (con anh, chị, em) làm con nuôi đã trở thành một phongtục tập quán tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Điều đó phù hợp với tâm lýcủa người Việt Nam là muốn đông con nhiều cháu, nên dù có con đẻ, họvẫn “muốn nhận nhiều con nuôi từ những gia đình khác”(7).

Những quan hệ nuôi con nuôi theo phong tục tập quánnhư vậy có thể vì lợi ích của người nhận nuôi, của gia đình dòng họngười nhận nuôi nhiều hơn vì lợi ích của con nuôi. Các quan hệ nuôi connuôi theo phong tục tập quán đã từng tồn tại từ lâu trong cộng đồng cácdân tộc thiểu số và hiện nay vẫn còn tồn tại. Những quan hệ nhận nuôicon nuôi này được xã hội, cộng đồng thừa nhận, các bên đã thực hiệnquyền và nghĩa vụ của quan hệ cha mẹ và con trên thực tế, mặc dù có thểkhông thực hiện việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

* Nuôi con nuôi để khuếch trương quyền thế của gia đình:Trong đời sống xã hội Việt Nam, việc nuôi con nuôi còn nhằm khuếchtrương quyền thế của gia đình. Bởi vì theo quan niệm của xã hội ViệtNam, “tầm cỡ và sự giàu có của một gia đình gắn chặt với thế lực chínhtrị và xã hội”. Nhiều gia đình đã có con đẻ vẫn nhận nuôi con nuôi, vìmuốn có “nhiều gia nhân và nhiều bà con họ hàng, cho nên họ có phongtục nuôi con nuôi lẫn nhau (không phân biệt con trai hay con gái) trongdòng họ của mình…”(8). Những đứa trẻ được nuôi có thể xuất thân từnhững gia đình khá giả, có địa vị ngang hàng với gia đình nhận nuôi,nhưng phần lớn là trẻ sinh ra trong những gia đình nghèo. Việc nhậnnuôi con nuôi như vậy thường diễn ra ở những gia đình trong giới cầmquyền, nhằm mục đich được hưởng một số lớn đất đai. Việc nhận nuôinhững đứa trẻ từ các gia đình nghèo khổ còn nhằm mục đích có thêm nguồnnhân công mà không phải trả tiền. Những đứa trẻ này tuy được nhận làmcon nuôi nhưng không có quyền lợi như con đẻ, “việc nuôi con nuôi kiểunày có tính chất một quan hệ họ hàng giả tưởng, mối quan hệ giữa cha mẹnuôi và con nuôi tương tự như giữa ông chủ và người tuỳ thuộc”(9). Việcnuôi con nuôi nhằm khuếch trương quyền thế của gia đình thường tồn tạitrong các gia đình địa chủ phong kiến trước đây. Hiện nay việc nhậnnuôi con nuôi để có thêm người giúp việc trong gia đình có thể vẫn tồntại, nhưng việc nhận nuôi con nuôi chỉ có tính chất hình thức, không cógiá trị pháp lý. Giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi cũngkhông tồn tại quan hệ cha mẹ và con trên thực tế.

* Nuôi con nuôi để lấy phúc: Trong thực tếđời sống, có không ít trường hợp vì mê tín mà người ta nhận nuôi mộtđứa trẻ, coi như con của mình để làm phúc, để có thể giảm bớt tai vạ,những điều không may mắn cho gia đình hoặc để vợ chồng có thể sinh đượccon của mình. Người được nhận nuôi có thể là bất cứ đứa trẻ nào, có thểlà trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ con nhà nghèo đông con… Giữa ngườinhận nuôi và đứa trẻ được nhận nuôi có thể có quan hệ quen biết hoặckhông quen biết… Người nhận nuôi đối xử với người con nuôi như con đẻ,nhưng việc nuôi con nuôi có thể không được sự công nhận của cơ quan nhànước có thẩm quyền.

* Nuôi con nuôi trên danh nghĩa: đây là nhữngtrường hợp thường xảy ra trong cuộc sống. Nuôi con nuôi trên danh nghĩalà việc các bên nhận nhau là cha mẹ nuôi và con nuôi xuất phát từ tìnhcảm, nhưng không gắn với quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con, khôngnhằm mục đích hình thành quan hệ cha mẹ và con trong thực tế. Các bêncó thể đối xử với nhau, gọi nhau là cha mẹ và con, nhưng không ràngbuộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau trên thực tế. Hai bênthường không sống chung với nhau. Việc nuôi con nuôi này không phụthuộc vào bất cứ điều kiện nào, mà chỉ tuỳ thuộc vào tình cảm, sự tựnguyện của các bên, phù hợp với cách ứng xử, chuẩn mực đạo đức chungcủa xã hội. Việc nuôi con nuôi này thường được thực hiện dưới hình thứcthoả thuận bằng lời giữa các bên chủ thể. Quan hệ cha mẹ và con tronghình thức này thường chỉ tồn tại trên danh nghĩa, có ý nghĩa đối vớihai bên chủ thể, mà không có ý nghĩa nhiều lắm đối với những người kháctrong gia đình của hai bên, những người xung quanh và xã hội. Tuynhiên, trong xã hội Việt Nam, hình thức nhận con nuôi hoặc nhận cha mẹnuôi trên danh nghĩa thường hay xảy ra, vì người Việt Nam vốn có lốisống trọng tình, trọng nghĩa, hiếu đễ. Ví dụ: việc nhận những người giàcả, không có khả năng lao động là cha nuôi, mẹ nuôi để chăm sóc, nuôidưỡng; việc bạn bè của những đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh nhậnnhững người mẹ liệt sỹ làm mẹ nuôi; hoặc cho con làm con nuôi của nhữngngười có tài, có đức, giỏi giang… trên danh nghĩa để con cái có thể họcđược những phẩm chất tốt đẹp của họ… Hình thức nuôi con nuôi trên danhnghĩa thể hiện nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Đặcbiệt, trong điều kiện kinh tế thị trường, việc nuôi con nuôi trên danhnghĩa còn thể hiện sự chăm sóc, quan tâm của cộng đồng đối với nhữngngười nghèo khổ, già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Điều đó ítnhiều tạo điều kiện giúp đỡ họ bớt khó khăn, tạo niềm tin cho họ trongcuộc sống. Việc nhận nuôi con nuôi này chủ yếu hướng tới những giá trịđạo đức, tinh thần, nhưng không có giá trị pháp lý.

Những dạng quan hệ nuôi con nuôi trên đều có đặcđiểm chung là không có sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Tuy nhiên không phải các dạng quan hệ nuôi con nuôi đó đều là nuôi connuôi thực tế. Để xác định quan hệ nuôi con nuôi nào là quan hệ nuôi connuôi thực tế cần hiểu rõ bản chất của quan hệ nuôi con nuôi thực tế.

1.2. Khái niệm và bản chất của quan hệ nuôi con nuôi thực tế:

*Khái niệm nuôi con nuôi thực tế:

Nuôi con nuôi thực tế là hình thức nuôi con nuôi làmhình thành quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người đượcnhận làm con nuôi. Việc nhận nuôi thoả mãn đầy đủ các điều kiện củaviệc nuôi con nuôi, không trái với mục đích của việc nuôi con nuôi vàđạo đức xã hội. Người con nuôi cùng sống trong gia đình cha mẹ nuôi.Giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi có mong muốn thiết lậpquan hệ cha mẹ và con, đối xử với nhau trong tình cảm cha mẹ và con,đồng thời thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đốivới nhau để xây dựng một gia đình thật sự. Quan hệ cha mẹ và con giữahai bên đã được xác lập trong thực tế, được họ hàng và mọi người xungquanh công nhận. Việc nhận nuôi con nuôi có thể được thực hiện bằng lờinói hoặc văn bản thoả thuận giữa hai bên gia đình, nhưng không đăng kýtại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quan hệ nuôi con nuôi thực tế phải có đầy đủ các dấu hiệu sau:

- Về ý chí của các bên: Giữa người nhận nuôi và connuôi có mong muốn thiết lập quan hệ cha mẹ và con, đã thật sự coi nhaunhư cha mẹ và con, đối xử với nhau trong tình cảm cha mẹ và con.

- Về chủ thể: người nhận nuôi và con nuôi đáp ứngđầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, như điều kiện vềtuổi, tư cách đạo đức, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng…

- Về khách quan: các bên đã cùng chung sống vớinhau, gắn bó, cư xử với nhau trong tình cảm cha mẹ và con, thực hiệnđầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đối với nhau. Quan hệgiữa cha mẹ và con giữa hai bên được họ hàng và mọi người xung quanhthừa nhận. Việc nuôi con nuôi là đúng mục đích, không trái pháp luật vàđạo đức xã hội.

Như vậy, chỉ khi một quan hệ nuôi con nuôi có đầy đủcác dấu hiệu trên thì mới được coi là nuôi con nuôi thực tế. Trước đây,trong thực tế giải quyết các tranh chấp về nuôi con nuôi, đặc biệt lànhững tranh chấp liên quan đến quyền thừa kế, tòa án cũng dựa vào nhữngdấu hiệu trên để xem xét có hay không có quan hệ nuôi con nuôi thực tế.Khi được công nhận là quan hệ nuôi con nuôi thực tế thì giữa người nhậnnuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý của quan hệcha mẹ và con.

Trong các dạng quan hệ nuôi con nuôi đã tồn tạitrong thực tiễn đời sống có quan hệ được coi là nuôi con nuôi thực tế,còn những quan hệ không có đủ các dấu hiệu trên thì không được côngnhận là nuôi con nuôi thực tế. Để có cơ sở nhận biết quan hệ nuôi connuôi thực tế cần xem xét bản chất của quan hệ này.

* Bản chất của quan hệ nuôi con nuôi thực tế:

Có thể nói, bản chất của quan hệ nuôi con nuôi thựctế là đã hình thành và tồn tại quan hệ cha mẹ và con giữa người nhậnnuôi và người được nhận nuôi trong thực tế cuộc sống. Quan hệ cha mẹ và con được xác lập phùhợp với mong muốn, tình cảm của các bên và được thể hiện rõ ràng, côngkhai trong cuộc sống, nhưng chưa được công nhận của cơ quan có thẩmquyền.

Để làm rõ bản chất của quan hệ nuôi con nuôi thực tếcó thể phân biệt giữa quan hệ nuôi con nuôi thực tế với nuôi con nuôidanh nghĩa.

Có quan điểm cho rằng: “con nuôi thực tế cũng giốngnhư con nuôi trên danh nghĩa, là sự thoả thuận miệng giữa hai gia đìnhvề việc nuôi con nuôi mà không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩmquyền, (có một số ít trường hợp có văn bản viết tay giữa hai gia đình).Tuy nhiên loại con nuôi này khác với con nuôi trên danh nghĩa là ngườicon nuôi ở hẳn với cha mẹ nuôi và gắn bó với cha mẹ nuôi”(10).

Có thể nhận thấy quan hệ con nuôi thực tế và connuôi danh nghĩa có dấu hiệu giống nhau là đều không đăng ký tại cơ quannhà nước có thẩm quyền, song về bản chất của hai quan hệ là khác nhau.Theo chúng tôi, con nuôi thực tế là người được nhận làm con trên cơsở đáp ứng đầy đủ các điều kiện của việc nuôi con nuôi, giữa người nuôivà người được nhận nuôi đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ củacha mẹ và con đối với nhau, nhưng không đăng ký việc nuôi con nuôi tạicơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quan hệ nuôi con nuôi thực tế khác quan hệ con nuôi trên danh nghĩa ở những điểm sau:

Thứ nhất, quan hệ con nuôi trên danh nghĩa làmột quan hệ xã hội, không phải là một quan hệ pháp luật, không đượcpháp luật điều chỉnh. Ngược lại, con nuôi thực tế là một hiện tượng xãhội có thể được pháp luật điều chỉnh khi có những điều kiện nhất định,trong giai đoạn nhất định.

Thứ hai, quan hệ con nuôi trên danh nghĩakhông đòi hỏi phải tuân theo các quy định của pháp luật về điều kiệnnuôi con nuôi (như điều kiện về chủ thể giữa các bên…), nhưng quan hệcon nuôi thực tế chỉ có thể được công nhận có giá trị pháp lý khi tuânthủ đầy đủ các điều kiện của việc nuôi con nuôi nhưng không đăng kýnuôi con nuôi.

Thứ ba, quan hệ con nuôi trên danh nghĩakhông tồn tại quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau giữa cha mẹ nuôi và connuôi, nhưng trong quan hệ con nuôi thực tế hai bên đã thực sự chungsống với nhau, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và conđối với nhau.

Thứ tư, con nuôi trên danh nghĩa không làmphát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, nhưngđối với con nuôi thực tế thì giữa cha mẹ nuôi và con nuôi vẫn có quyềnvà nghĩa vụ pháp lý của cha mẹ và con theo luật định (khi được côngnhận).

Trong thực tế đời sống có thể tồn tại nhiều dạngnuôi con nuôi mà không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưđã phân tích ở mục trên. Dựa trên những dấu hiệu bản chất của quan hệnuôi con nuôi thực tế có thể phân biệt, xác định khi nào một quan hệnuôi con nuôi không có đăng ký được công nhận là nuôi con nuôi thực tế.Chỉ khi được công nhận là quan hệ nuôi con nuôi thực tế thì giữa cácbên chủ thể mới có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quyđịnh của pháp luật.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, những quan hệ kiểu nàykhông được công nhận về mặt pháp lý. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tớiquyền lợi của các bên và có phần không phù hợp với thực tế khách quancủa quan hệ nuôi con nuôi. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của các bên chủthể trong quan hệ nuôi con nuôi thực tế, nhà nước cần có những biệnpháp mềm dẻo, linh hoạt để giải quyết một cách thiết thực, có hiệu quảvấn đề này trong thời gian gần nhất.

2. Pháp luật điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi thực tế

Nuôi con nuôi thực tế là một hiện tượng khách quanluôn tồn tại trong đời sống xã hội ở nước ta. Tuy nhiên không phải lúcnào nhà nước cũng ban hành các quy phạm pháp luật để điều chỉnh vấn đềnày. Thông thường quan hệ nuôi con nuôi thực tế được điều chỉnh, giảiquyết bằng các quy phạm đạo đức và phong tục tập quán. Nhà nước đã cósự điều chỉnh bằng pháp luật đối với quan hệ nuôi con nuôi thực tế quamột số văn bản pháp luật trong mỗi giai đoạn nhất định.

Luật HN&GĐ năm 1959 là đạo luật đầu tiên của nhànước ta điều chỉnh vấn đề nuôi con nuôi. Trong Luật này, vấn đề nuôicon nuôi mới chỉ được quy định rất sơ sài bởi một điều luật (Điều 24).Theo quy định của điều luật này thì “việc nhận nuôi con nuôi phảiđược Ủy ban hành chính cơ sở mơi trú quán của người nuôi hoặc của đứatrẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”. Tuy nhiên, Luật HN&GĐ năm 1959 không có quy định gì về các điều kiện của việc nuôi con nuôi.

Luật HN&GĐ năm 1986 quy định về nuôi con nuôitrong một chương riêng, với quy định về tuổi của người được nhận làmcon nuôi, ý chí của các bên và “việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”.Như vậy, Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986 đều quyđịnh việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyềncông nhận và ghi vào sổ hộ tịch thì mới có giá trị pháp lý.

Với các quy định tại Luật HN&GĐ năm 1959, LuậtHN&GĐ năm 1986 như trên đã dẫn đến cách hiểu là việc nuôi con nuôichỉ cần cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và ghi vào sổ hộ tịchmà không bắt buộc phải đăng ký việc nuôi con nuôi như quy định tại Điều72 Luật HN&GĐ năm 2000. Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi thìcách hiểu như vậy là chưa đúng với bản chất của việc đăng ký hộ tịch.Theo các văn bản pháp luật về đăng ký hộ tịch thì có thể hiểu đăng kýhộ tịch bao gồm hai việc gắn liền với nhau: đó là công nhận các sự kiệnhộ tịch (hoặc còn gọi là xác nhận các sự kiện hộ tịch theo Điều 1 Nghịđịnh số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch,Điều 1 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005) và ghi các sự kiệnđã được công nhận đó vào sổ hộ tịch. Điều này cũng được thể hiện rõràng trong Điều lệ đăng ký hộ tịch ban hành kèm theo Nghị định số 04/CPngày 16/1/1961 và Thông tư số 05 –NV ngày 21/1/1961 của Bộ Nội vụ hướngdẫn thi hành Điều lệ đăng ký hộ tịch mới (mục D: Đăng ký và ghi chúviệc nuôi con nuôi). Sự công nhận việc nuôi con nuôi của cơ quan nhànước có thẩm quyền được thể hiện bằng Quyết định công nhận việc nuôicon nuôi. Quyết định đó được trao cho các bên đương sự, là một loạigiấy tờ hộ tịch và là chứng cứ pháp lý xác nhận sự kiện hộ tịch của cánhân. Đồng thời với việc ra quyết định công nhận việc nuôi con nuôi,việc nhận nuôi con nuôi phải được ghi vào sổ hộ tịch. Ghi vào sổ hộtịch là việc xác nhận một sự kiện hộ tịch và lưu trữ những thông tingắn liền với nhân thân của cá nhân vào sổ gốc, là cơ sở pháp lý làmphát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của cá nhân.Những thông tin về việc nuôi con nuôi được ghi trong sổ hộ tịch (cụ thểlà Sổ đăng ký việc nuôi con nuôi) là cơ sở để cấp lại bản sao Quyếtđịnh công nhận việc nuôi con nuôi khi Quyết định đó bị mất hoặc bị hưhỏng không thể sử dụng được. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị pháplý như bản chính.

Như vậy, có thể nói, theo quy định của pháp luật,việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền côngnhận và ghi vảo sổ hộ tịch mới có giá trị pháp lý, thực chất đó chínhlà đăng ký việc nuôi con nuôi.

Tuy nhiên trong thực tế nhận nuôi con nuôi, vì nhiềulý do khác nhau mà việc này không được thực hiện. Nhiều trường hợp quanhệ nuôi con nuôi đã được thực hiện trên thực tế nhưng lại không có sựcông nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không được ghi vào sổ hộtịch nên việc nuôi con nuôi không có giá trị pháp lý, làm ảnh hưởngtrực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự.

Để giải quyết một cách hợp tình hợp lý, phù hợp vớithực trạng khách quan của quan hệ nuôi con nuôi thực tế và bảo vệ đượclợi ích chính đáng của các bên đương sự, Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày20/1/1988 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn ápdụng Luật HN&GĐ năm 1986 (viết tắt là Nghị quyết số01/1988/NQ-HĐTP) quy định: “Những điều kiện về nuôi con nuôi đã đượcquy định trong các điều 34, 35, 36, và 37 nhưng trước khi Luật này đượcban hành thì những điều kiện đó chưa được quy định đầy đủ. Vì vậy,những việc nuôi con nuôi trước khi ban hành Luật mới vẫn có giá trịpháp lý, trừ những trường hợp nuôi con nuôi trái với mục đích xã hộicủa việc nuôi con nuôi (như: nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động hoặcđể dùng con nuôi vào những hoạt động xấu xa, phạm pháp). Nếu việc nuôicon nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi connuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụvới con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý doluật định”.

Theo quy định này thì nếu việc nuôi con nuôi đượcbắt đầu từ trước ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực (ngày 3 -1-1987) mà chưa đăng ký, thì việc nuôi con nuôi vẫn có giá trị pháp lý doluật định trong khoảng thời gian luật HN&GĐ năm 1986 còn hiệu lực.Do đó, nếu xảy ra tranh chấp trong khoảng thời gian này thì quan hệ chamẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi vẫn đượccông nhận, do việc áp dụng Luật HN&GĐ năm 1986 và Nghị quyết số01/1988/NQ-HĐTP. Tuy nhiên nếu sau khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệulực mà quan hệ nuôi con nuôi đó vẫn chưa được đăng ký tại cơ quan nhànước có thẩm quyền thì sẽ không có giá trị pháp lý.

Ví dụ: Bà H nhận cháu T làm con nuôi từ năm 1982,lúc đó cháu 3 tuổi, nhưng không có sự công nhận của cơ quan nhà nước cóthẩm quyền và chưa được ghi vào sổ hộ tịch. Bà H và cháu T đã sốngtrong tình cảm mẹ con đối với nhau, quan hệ mẹ con được mọi người xungquanh và họ hàng thừa nhận. Giả sử năm 1999 bà H chết, nếu có tranhchấp về thừa kế, thì T vẫn được công nhận là con nuôi thực tế của bà Hnên được thừa kế tài sản của bà H theo quy định của Nghị quyết số01/1988/NQ-HĐTP. Nhưng nếu bà H chết năm 2002 thì vấn đề sẽ trở nênphức tạp hơn, vì theo Luật HN&GĐ năm 2000, T sẽ không được côngnhận là con nuôi thực tế của bà H nữa nên không được thừa kế tài sảncủa bà H. Điều này là không phù hợp với thực tế khách quan và bản chấtcủa quan hệ nuôi con nuôi, nên không đảm bảo được quyền lợi chính đángcủa các bên đương sự.

Theo Điều 72 Luật HN&GĐ năm 2000, “việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch”. Điều 17 Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27-3-2002 quy định: “Nhữngtrường hợp nhận nuôi con nuôi được xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm2001, ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật, màchưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng có đủ điều kiệntheo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và trên thực tế,quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi đã được xác lập, các bên đã thựchiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, thì được pháp luật côngnhận và được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việcđăng ký nuôi con nuôi. Nếu có tranh chấp liên quan đến việc xác địnhquan hệ giữa cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người đượcnhận làm con nuôi thì do Toà án giải quyết”.

Như vậy, việc nuôi con nuôi thực tế chỉ được côngnhận nếu việc nuôi con nuôi đó được xác lập giữa “công dân thuộc cácdân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa” trước ngày1/1/2001 nhưng chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối vớicác trường hợp nuôi con nuôi phát sinh sau ngày 1/1/2001 giữa công dâncác dân tộc thiểu số phải thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi theoĐiều 16 của Nghị định số 32/2002/NĐ-CP. Như vậy, theo LuậtHN&GĐ năm 2000, về nguyên tắc, những trường hợp nhận nuôi con nuôidiễn ra trước khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực (ngày 1/1/2001),dù là bao lâu đi nữa, cũng không được công nhận có giá trị pháp lý, nếuchưa được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, (trừ một số trường hợpngoại lệ nhận nuôi con nuôi giữa đồng bào dân tộc thiểu số với nhauđang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa). Đồng thời, mọi trường hợp nuôi connuôi sau ngày 1/1/2001 mà không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền đềukhông có giá trị pháp lý. Điều đó có nghĩa là sẽ không công nhận quanhệ nuôi con nuôi thực tế sau khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực.

Có thể thấy, nếu áp dụng những quy định này một cáchcứng nhắc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của cácbên trong quan hệ nuôi con nuôi, và không phù hợp với thực tế kháchquan của quan hệ nuôi con nuôi. Bởi vì, có nhiều trường hợp, quan hệnuôi con nuôi đã được xác lập trên thực tế, giữa hai bên đã thực hiệnđầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đối với nhau, việc nuôicon nuôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, phù hợp với mục đích của việcnuôi con nuôi và đã tồn tại trong một thời gian dài, được mọi ngườicông nhận, đến nay con nuôi có thể đã trên 15 tuổi, nên nếu các bên cónguyện vọng đăng ký việc nuôi con nuôi thì không có cơ sở để giảiquyết, vì vậy quyền lợi của các bên không được bảo đảm. Trong nhữngtrường hợp này, khi có tranh chấp hoặc một sự kiện nào đó xảy ra, nhưcó yêu cầu được hưởng di sản thừa kế của người chết là cha nuôi, mẹnuôi… thì không có cơ sở để giải quyết. Do đó, theo chúng tôi, đối vớinhững trường hợp này, nhà nước cần có biện pháp linh hoạt, mềm dẻo nhằmbảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên, đồng thời phù hợpvới thực tế khách quan của quan hệ nuôi con nuôi.

3. Giải pháp giải quyết tình trạng con nuôi thực tế hiện nay

Thực tế cho thấy hiện nay phát sinh khá nhiều yêucầu giải quyết các quan hệ về nhân thân và tài sản giữa người nhận nuôicon nuôi với người được nhận nuôi, mà việc nhận nuôi đó chưa được côngnhận của cơ quan có thẩm quyền và chưa được ghi vào sổ hộ tịch, mặc dùquan hệ cha mẹ và con giữa hai bên đã tồn tại trên thực tế trong thờigian dài, có khi hàng chục năm. Việc cần có một giải pháp có tính khảthi để giải quyết tình trạng này là một yêu cầu khách quan và cấpthiết, cần được pháp luật quan tâm điều chỉnh, đặc biệt khi Luật Nuôicon nuôi đang được xây dựng.

3.1. Phương hướng chung: Theo chúng tôi, giải quyết vấn đề con nuôi thực tế phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chínhđáng của các bên trong quan hệ cha mẹ và con phù hợp với thực tế và bảnchất khách quan của quan hệ nuôi con nuôi.

Thứ hai, chỉ công nhận có quan hệ cha mẹ vàcon đối với những trường hợp nuôi con nuôi mà các bên chủ thể đáp ứngđủ các điều kiện của việc nuôi con nuôi vào thời điểm bắt đầu xác lậpquan hệ tương ứng với các quy định của pháp luật có hiệu lực tại thờiđiểm đó và các bên đã thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và conđối với nhau trên thực tế.

Thứ ba, chỉ công nhận quan hệ nuôi con nuôithực tế đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau thựchiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ tư, chỉ công nhận quan hệ nuôi con nuôithực tế đối với những trường hợp quan hệ nuôi con nuôi bắt đầu trướckhi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực.

3.2. Giải pháp cụ thể: Trên cơ sở đó,giải quyết vấn đề nuôi con nuôi thực tế có thể được điều chỉnh bằng mộtvăn bản pháp luật riêng biệt, có thể bằng Nghị quyết của Quốc hội vềviệc thi hành Luật Nuôi con nuôi, tương tự như cách giải quyết đối vớicác trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước khi LuậtHôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực. Có thể quy định cụ thể mộtsố trường hợp sau:

- Trường hợp thứ nhất: Quan hệ nuôi con nuôi đã đượcxác lập trước ngày 3/1/1987, ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực,mà người nhận nuôi và con nuôi đáp ứng đủ các điều kiện của việc nuôicon nuôi theo quy định của luật HN&GĐ năm 1986, các bên đã thựchiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đối với nhau trênthực tế, quan hệ cha mẹ và con đã được mọi người thừa nhận và vẫn đangtồn tại trên thực tế, thì được công nhận có quan hệ cha mẹ và con theoquy định của pháp luật. Các bên có nguyện vọng đăng ký việc nuôi connuôi thì được khuyến khích và giải quyết. Nếu các bên thực hiện đăng kýviệc nuôi con nuôi thì quan hệ cha mẹ và con vẫn được công nhận từ khibắt đầu chung sống.

- Trường hợp thứ hai: Quan hệ nuôi con nuôi được bắtđầu từ sau ngày 3/1/1987 (ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực) đếntrước ngày 1/1/2001, trong đó người nhận nuôi và con nuôi đáp ứng đủcác điều kiện của việc nuôi con nuôi theo quy định của Luật HN&GĐnăm 1986 tại thời điểm xác lập quan hệ, các bên đã thực hiện đầy đủ cácquyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đối với nhau trên thực tế, quan hệcha mẹ và con đã được mọi người thừa nhận và vẫn đang tồn tại trên thựctế, thì các bên có quyền được đăng ký việc nuôi con nuôi để hợp pháphóa quan hệ nuôi con nuôi trong thời gian 2 năm, kể từ ngày văn bảnriêng biệt điều chỉnh vấn đề này có hiệu lực, kể cả trong trường hợpcon nuôi đã quá tuổi theo luật định. Nếu việc nuôi con nuôi được đăngký trong thời hạn 2 năm đó thì quan hệ cha mẹ và con giữa các bên đượccông nhận kể từ khi bắt đầu xác lập. Nếu trong khoảng thời gian 2 nămcác bên chưa thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi mà có tranh chấp thìquan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi vẫn được côngnhận. Nếu sau thời hạn 2 năm, các bên vẫn không thực hiện thủ tục đăngký việc nuôi con nuôi thì khi có tranh chấp, quan hệ giữa hai bên khôngđược công nhận là quan hệ cha mẹ và con.

- Trường hợp thứ ba: mọi quan hệ nuôi con nuôi bắtđầu từ ngày 1/1/2001 mà không đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quannhà nước có thẩm quyền thì đều không có giá trị pháp lý.

Theo chúng tôi, khi xây dựng Luật Nuôi con nuôi cầncân nhắc và có quy định cụ thể, hợp tình, hợp lý để giải quyết thỏađáng những trường hợp nuôi con nuôi thực tế đã tồn tại trong quá khứ,nhằm bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệnuôi con nuôi.

3.3. Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi thực tế

Khi công nhận quan hệ nuôi con nuôi thực tế, Nghịquyết của Quốc hội cần quy định cụ thể về hệ quả pháp lý sẽ phát sinhcủa việc nuôi con nuôi đó tương ứng mỗi hình thức nuôi con nuôi cụ thể.

Về nguyên tắc, việc lựa chọn theo hình thức nuôi connuôi trọn vẹn hay nuôi con nuôi đơn giản tùy thuộc vào ý chí của cácbên chủ thể có quyền trong việc cho – nhận con nuôi. Trong trường hợp quan hệ nuôi con nuôithực tế được công nhận mà người con nuôi đã có đủ khả năng thể hiện ýchí của mình, thì việc lựa chọn hình thức nuôi con nuôi cũng phải có sựthể hiện ý chí của người con nuôi. Ý chí lựa chọn hình thức nuôi connuôi của các chủ thể được thể hiện công khai bằng văn bản khi thực hiệnthủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi.

Trên cơ sở ý chí của các bên chủ thể, hiệu lực củahình thức nuôi con nuôi đơn giản hay trọn vẹn được áp dụng kể từ thờiđiểm quan hệ nuôi con nuôi thực tế được công nhận.

Giải quyết vấn đề nuôi con nuôi thực tế là một vấnđề phức tạp, nhưng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, chi phối mạnh mẽ đếnquyền, lợi ích của các chủ thể trong quan hệ nuôi con nuôi. Về mặt xãhội, giải quyết tốt vấn đề nuôi con nuôi thực tế còn góp phần củng cốnhững quan hệ xã hội tốt đẹp, thể hiện bản chất của nhà nước trong việcquan tâm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, qua đó củng cốlòng tin của nhân dân vào pháp luật của nhà nước./.

(1) Xem Điều 294, Điều 295 Quốc triều hình luật

(2) Xem Điều 98, Điều 99 Luật tục Ê Đê (tập quán pháp), NXB Chính trị quốc gia, Hà nội 1996, tr.120 -121

(3) Viện nghiên cứu khoa học pháp lý (1999), Chuyên đề: Mối quan hệ giữa tập tục và pháp luật, tr.70

(4) Viện nghiên cứu khoa học pháp lý (1999), Chuyên đề: Mối quan hệ giữa tập tục và pháp luật, tr..101

(5)Trương Tiến Hưng (2004), “Mấy ý kiến về luậttục của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận về thừa kế”, Nhà nước và pháp luật,(8), tr. 28-32.

(6) Vũ Đình Lợi (1994), Gia đình và hôn nhântruyền thống ở các dân tộc Malayô – Pôlynêxia Trường Sơn – Tây Nguyên,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 60-61

(7) Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII- XVIII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr.153.

(8) Insun Yu, s. đ. d, tr. 143

(9) Insun Yu, s. đ. d, tr. 143

(10) Vũ Ngọc Bình, Vấn đề con nuôi nước ngoài, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2000, tr.70

SOURCE: TẠP CHÍ DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT, SỐ CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT VỀ NUÔI CON NUÔI, NĂM 2009

TS. GVC. NGUYỄN PHƯƠNG LAN – Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội

No comments:

Post a Comment