A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Giá trị nhân thân là những gía trị gắn liền với cá nhân mỗi con người, chúng tồn tại không phụ thuộc vào mức độ và tính chất điều chỉnh của quy phạm pháp luật.
Trong những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác nhau về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc tế…hệ thống các quyền nhân thân trong pháp luật các nước ngày càng được mở rộng với sự quy định nhiều quyền mới như quyền hiến bộ phận cơ thể, quyền hiến xác, quyền xác định lại giới tính... và trong đó có điều 33 luật dân sự Việt Nam 2005 quy định: "Cá nhân có quyền hiến bộ phận cơ thể của mình cho người khác vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học. Việc hiến và sử dụng bộ phận cơ thể được quy định theo pháp luật".
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Cơ sở lí luận
1. Khái niệm
Theo Điều 34 BLDS năm 2005. Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết:
‘‘Cá nhân có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học.
Việc hiến và sử dụng xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện theo quy định của pháp luật.’’
2. Chủ thể và đối tượng của quyền hiến bộ phận cơ thể.
- Chủ thể quyền:
Giống như chủ thể của các quyền nhân thân khác, chủ thể của quyền hiến bộ phận cơ thể người chỉ có thể là cá nhân. Theo điều 33 bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005, cá nhân có quyền được hiến bộ phận cơ thể của mình vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học. Pháp luật không có bất kỳ một sự phân biệt nào đối với các chủ thể quyền, có nghĩa là xét về mặt năng lực pháp luật, mọi cá nhân có quyền hiến bộ phận cơ thể và quyền này được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Tuy nhiên, có quyền và có khả năng thực hiện quyền là hai việc hoàn toàn khác nhau. Để có thể thực hiện được quyền này thì cá nhân phải đáp ứng một số điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Điều 5 luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định rõ người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Bởi vì quyết định hiến bộ phận cơ thể là một quyết định quan trọng có ảnh hưởng lớn đối với bản thân người hiến cũng như đối với xã hội, nên pháp luật đòi hỏi người hiến phải là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nhằm bảo đảm tuyệt đối nguyên tắc tự nguyện của việc hiến bộ phận cơ thể. Quan hệ hiến bộ phận cơ thể là quan hệ nhân thân, nên phải do cá nhân tự mình tham gia xác lập và thực hiện, không thể thông qua người địa diện. Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng có quyền được hiến bộ phận cơ thể. Theo khảon 2 điều 23 của bộ luật dân sự năm 2005: " Giao dịch dân sự liên quan đên stài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người địa diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày"
- Đối tượng của quyền hiến bộ phận cơ thể:
Đối tượng quyền hiến bộ phân cơ thể là "bộ phận cơ thể" người. Dưới góc độ sinh học cơ bản, tát cả những gì thuộc về con người, cấu tạo nên cơ thể con người được gọi chung trong mọi khái niệm chung thống nhất "bộ phận cơ thể người" (như: răng, tóc, máu, tay, chân, xương…). Trong luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, thuật ngữ " bộ phận cơ thể người" được giải thích như sau: " bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất đinh", trong đó "mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người". Theo đúng định nghĩa này, " bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiêu floại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định". Chỉ có thể được coi là bộ phận cơ thể người và là đối tượng của quyền hiến bộ phận cơ thể nếu bộ phận đó có khả năng thực hiện được chức năng sinh lý bình thường vốn có của nó.
3. Nguyên tắc ghi nhận và mục đích của việc hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết:
a. Nguyên tắc ghi nhận:
- Nguyên tắc phi thương mại.
- Nguyên tắc vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
- Nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện của người hiến bộ phân cơ thể.
b. Mục đích:
Mục đích của việc hiến xác và bộ phận cơ thể không phải đem lại lợi ích cho chủ thể quyền như đại đa số các quyền nhân thân khác, mà nhằm đem lại lợi ích cho giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích lợi nhuận. Trong đó mục đíc chữa bệnh là quan trọng nhất vì nhu cầu lấy bộ phận cơ thể người chữa bênh là rất lớn, rất cấp bách. Bởi con người là giá trị cao quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách pháp luật, tất cả vì cho con người, trong đó quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, là cơ sở để thực hiện các quyền của con người.
4. Điều kiện hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết
a. Điều kiện về năng lực chủ thể:
Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết là một quyền nhân thân quan trọng, mặc dù là quyền nhưng không phải cá nhân nào muốn thực hiện cũng được mà cá nhân đó phải đạt được những điều kiện nhất định, trong đó một điều kiện không thể không nói đến đó là điều kiện về độ tuổi và điều kiện về khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi.
Như chúng ta đã biết, điều kiện về độ tuổi là một dấu hiệu định lượng quan trọng để xem xét cá nhân đó có đủ khả năng thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể hay không. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà ở các nước trên thế giới có sự quy định khác nhau về độ tuổi đối với người hiến bộ phận cơ thể khi còn sống, đặc biệt là hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết. ở Pháp, đủ 13 tuổi trở lên mới có quyền đăng ký từ chối hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (tức là sau khi một người bị chết đi, cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ kiểm tra xem người đó có thẻ từ đăng ký từ chối hiến xác không, nếu không có thì cơ sở y tế có thẩm quyền gián tiếp suy luận là người đó đã đồng ý hiến). ở nước ta, Điều 5 của Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.
Phân tích quy định trên ta thấy, cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền hiến bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết. Sở dĩ có quy định như vậy bởi các nhà làm luật nước ta quan niệm rằng ở tuổi đó, người hiến mới phát triển đầy đủ về tâm, sinh lý cũng như về mặt pháp lý họ là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có thể bằng hành vi của mình tham gia xác lập các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật. Nếu độ tuổi là một dấu hiệu định lượng, là điều kiện cần để hiến mô, bộ phận cơ thể thì khả năng nhận thức và điều khiển hành vi là dấu hiệu định tính để xác định xem cá nhân đã hoàn thiện về mặt tâm lý, về khả năng nhận thức hay chưa.
b.Điều kiện về trình tự:
Những người có đủ điều kiện quy định tại Điều 5 của Luật có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình với cơ sở y tế, khi nhận được thông tin của người hiến mô, bộ phận cơ thể, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Sau khi nhận được thông báo về trường hợp hiến xác, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có đủ điều kiện về trang thiết bị, về đội ngũ cán bộ y tế để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến. Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này có trách nhiệm trực tiếp gặp người hiến để tư vấn thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể và hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khoẻ cho người hiến. Đến đây, người hiến mô, bộ phận cơ thể người để được hiến phải đảm bảo được điều kiện về sức khoẻ. Còn trường hợp hiến xác sau khi chết thực hiện theo quy định điều 19 của Luật.
Một vấn đề đặt ra là liệu điều kiện hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết vào mục đích nghiên cứu khoa học có khác gì với điều kiện hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết vì mục đích chữa bệnh không ? ở đây, chúng ta có thể dễ dàng trả lời được là giữa chúng có sự khác nhau bởi mục đích của chúng là khác nhau. Vì vậy, có thể thấy có nhiều trường hợp không đủ điều kiện để hiến mô, bộ phận cơ thể vì mục đích chữa bệnh, nhưng vẫn có thể hiến và được sử dụng và mục đích nghiên cứu khoa học.
c. Điều kiện về sức khỏe
Việc hiến mô, bộ phận cơ thể nói chung cũng như việc hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc mang lại hay kéo dài sự sống cho người bệnh. Thực tế trên thế giới và ở Việt Nam cũng đã xảy ra những trường hợp việc lấy, ghép nhầm mô, bộ phận cơ thể của người hiến bị bệnh (nan y) cho người bệnh đã gây ra những cái chết rất thương tâm hoặc trường hợp bác sĩ lấy nhầm bộ phận cơ thể của người hiến dẫn tới tính mạng của người hiến bị đe dọa nghiêm trọng. Do đó, để bảo đảm tính mạng, sức khoẻ cũng như tinh thần cho người hiến, Luật đã đưa ra những quy định về hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết phải được kiểm tra sức khoẻ, tuy nhiên lại chưa quy định cụ thể người hiến cần phải đáp ứng được điều kiện gì về sức khoẻ. Nhưng theo quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc thực hiện kỹ thuật cấy ghép thận, gan… cho người bệnh thì trong Quyết định này có chỉ rõ là người hiến về sức khoẻ không bị mắc các bệnh nan y như: viêm gan B, nhiễm HIV,…
Bên cạnh các quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết, cơ sở y tế có thẩm quyền để có thể lấy được xác, bộ phận cơ thể người hiến sau khi chết, Luật cũng xác định thêm một số điều kiện khác như: điều kiện xác định chết não, liệu có cần sự đồng ý của gia đình người hiến không trong trường hợp người thân của họ muốn hiến xác, bộ phân cơ thể? Trong Luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên mà tự nguyện làm đơn hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết thì không cần sự đồng ý của gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra trường hợp người hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nhưng khi họ chết rồi cơ sở y tế có thẩm quyền đến lấy thì gia đình người hiến không đồng ý, trường hợp này cơ sở y tế có được quyền cưỡng chế lấy không? Vấn đề này, ở Pháp đã áp dụng cơ chế suy đoán sự đồng ý, tức là khi phát hiện một người bị chết, cơ sở y tế có thẩm quyền kiểm tra trên hệ thống thông tin điện tử xem người đó có đăng ký từ chối hiến không, nếu người đó không đăng ký thì suy đoán rằng người đó đã đồng ý hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết. Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu gia đình người hiến không đồng ý hiến thì cơ sở y tế cũng không lấy xác, bộ phận cơ thể của người đó.
Điều 5 của Luật quy định người hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống cũng như sau khi chết đều là người phải từ đủ 18 tuổi trở lên tự nguyện làm đơn đăng ký hiến. Tuy nhiên, Luật cũng quy định trong trường hợp người chết không có đơn đăng ký hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nhưng nếu gia đình người hiến đồng ý thì cơ sở y tế có thẩm quyền vẫn đựợc nhận.
Một vấn đề đặt ra là, những người sau khi chết không có thẻ đăng ký hiến xác, sau khi chết mà gia đình người đó đồng ý hiến bằng văn bản thì có bắt buộc người chết đó phải từ đủ 18 tuổi trở lên không? Trong trường hợp người chết 17 tuổi không có thẻ đăng ký hiến mà gia đình họ đồng ý hiến cho y học bằng văn bản thì giải quyết vấn đề này thế nào, Luật cũng chưa có quy định.
II. Một số vụ việc liên quan đến hiến xác bộ phận cơ thể sau khi chết.
1. Tử tù Nguyễn Văn Hải xin hiến xác nhưng không được chấp nhận.
Nguyễn Văn Hải (30 tuổi, trú tại Quảng Ninh). Tháng 8/2008, Nguyễn Văn Hải thuê một tàu ra một đảo gần đó chở hàng. Tuy nhiên, ra đến giữa biển, Hải đã trói chủ tàu, đẩy xuống biển rồi mang tàu về Nghệ An bán được 7 triệu đồng. Sau khi gây án, Hải trốn vào Nam nhưng sau đó chưa đầy nửa năm thì bị bắt tại Kiên Giang.Hải bị Tòa Phúc thẩm, TAND tối cao tại Hà Nội xét xử và tuyên phạt án tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Tháng 9/2009, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh thông báo cho tử tù Nguyễn Văn Hải về việc viết đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá. Tuy nhiên, thay vì viết đơn xin ân xá, tử tù này lại viết đơn xin được thi hành án trong đó thể hiện nguyện vọng hiến xác cho y học tuy nhiên không được chấp nhận.
Theo em, quyết định của Tòa là hợp lí vì: tử tù là một người đang phải thi hành bản án, bị hạn chế một số quyền công dân. Hơn thế, hình thức tử hình hiện tại là xử bắn bằng đội hành quyết, cho nên dù tử tù có muốn hiến bộ phận cơ thể hay thi thể cũng khó vì các nội tạng (tim, thận…) đều không còn nguyên vẹn. Còn nếu để cho ướp xác để phục vụ nghiên cứu cũng khó vì theo một bác sỹ, khi tiêm thuốc vào các mạch máu của tử thi, tử thi phải đảm bảo nguyên vẹn, nếu các động mạch bị vỡ thì không thể tiêm thuốc vào vì bị xì hơi. Một điểm nữa, là từ 1/7/2011, Luật Thi hành án Hình sự có hiệu lực, trong đó quy định thay hình thức xử bắn bằng tiêm thuốc độc. Như vậy, việc lấy mô tạng, bộ phận cơ thể hoặc thi thể của tử tù sẽ càng khó khăn vì nếu tiêm thuốc độc thì dường như các cơ quan nội tạng đều rất khó còn có thể sử dụng được nữa. Như vậy, có thể nói dù Luật không cấm, nhưng nếu chỉ căn cứ theo các quy định hiện nay, thì tử tù có làm đơn bày tỏ nguyện vọng được hiến xác, cũng không thể thực hiện được.
2. Thạc sĩ Lương Hoài Nam xin được hiến xác
Ông là thạc sỹ khoa học Lương Hoài Nam (53 tuổi), giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 tỉnh Nghệ An.
Lá đơn tự nguyện hiến xác của ông Nam gửi đến Trường ĐH Y khoa Vinh:
Trong lá đơn hiến xác gửi đến Trường ĐH Y khoa Vinh, ông Lương Hoài Nam viết: “Vốn yêu thích nghề y nên từ nhỏ tôi đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về ngành này. Tôi hiểu rất rõ giá trị của xác người trong việc nghiên cứu và học tập. Tôi tự nguyện hiến tặng xác mình sau khi qua đời cho nhà trường để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy… Kể từ giờ phút này, ngày 20/2/2011, thể xác tôi thuộc về Trường Đại học Y khoa Vinh”.
Tất nhiên ban đầu tâm nguyện của ông vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình, nhất là vợ ông.
Xét thấy, Th.s Lương Hoai Nam là người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Nếu Ông đủ điều kiện về sức khỏe, thực hiên đúng theo trình tự thủ tục hiến xác sau khi chết và không bị người thân phản đối thì ông hoàn toàn có thể hiến xác sau khi chết nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học, y học …
Tuy nhiên theo em, việc hiến xác hoặc hiến bộ phận cơ thể của người đã chết, dù với mục đích gì cũng phải có sự đồng ý của người đó trước khi chết, nghĩa là họ phải thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình trước khi chết, có như vậy mới đảm bảo được nguyên tắc tự định đoạt và nguyên tắc tự chủ của người đó trước khi chết, đồng thời cũng phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên của người chết, tuy là nhũng người thân thích của người chết, song họ cũng không thể có quyền định đoạt đối với quyền nhân thân của người khác, cho dù người đó đã chết.
3. Hiến Gan cứu người khi đã chết não
Anh N.V.C 20 tuổi (Hà Nội), bị chấn thương sọ não do tai nạn. Ngày 21/5/2010, anh N.V.C được gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, bệnh viện đã tận tình cứu chữa, nhưng sau gần một ngày, do vết thương quá nặng, anh N.V.C đã "chết não". Ðược sự động viên, tuyên truyền và giải thích của bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức, cùng sự cảm thông, lòng yêu thương những người bệnh hiểm nghèo, gia đình anh N.V.C quyết định hiến tặng gan và hai quả thận để cứu giúp những người bệnh nặng. Bệnh nhân được ghép gan là anh P.N.T, 46 tuổi (Ðiện Biên), bị viêm gan B, bắt đầu có triệu chứng chuyển sang ung thư giai đoạn đầu. Cách đây gần hai tháng, anh P.N.T luôn kêu mệt, không muốn ăn, sức khỏe giảm dần. Anh P.N.T được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt- Ðức. Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng, bác sỹ chẩn đoán anh bị ung thư gan và cần phải mổ trong thời gian sớm nhất.
Ngày 22/5/2010, Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức đã thực hiện thành công ca ghép gan cho anh T. Thành công của ca phẫu thuật được nhân lên gấp bội bởi đây là lần đầu tiên, nhóm phẫu thuật ghép gan hoàn toàn do các giáo sư, bác sĩ, y tá, điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức đảm nhiệm, không có sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế nước ngoài.
- Qua tình huống trên nơi xảy ra sự kiện là bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức.
- Chủ thể của sự việc là anh N.V.C 20 tuổi ở Hà Nội là người hiến tặng gan và anh P.N.T 46 tuổi ở Điện Biên là người được hiến tặng.
Tình huống trên cho thấy việc gia đình anh N.V.C đồng ý cho anh N.V.C hiến tặng gan là một hành vi hoàn toàn đúng pháp luật. Chính vì vậy vụ việc này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận. Việc hiến gan của anh N.V.C được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Anh N.V.C đã bị chết não được sự động viên, tuyên truyền và giải thích của bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức, cùng sự cảm thông, lòng yêu thương những người bệnh hiểm nghèo, gia đình anh N.V.C quyết định hiến tặng gan và hai quả thận để cứu giúp những người bệnh nặng, thể hiện tinh thần tự nguyện của gia đình anh C không vì mục đích thương mại.
Anh T là người nhận gan của anh C, và đã được các bác sĩ bện viện Hữu nghị Việt- Đức phẫu thuật thành công, tình hình sức khỏe ngày càng ổn định.
III. Nhận xét về những vấn đề của pháp luật hiện hành quy định về quyền hiến bộ phận cơ thể.
Điều 34 BLDS ( sửa đổi) quy định cá nhân có quyền hiến bộ phận cơ thể của mình hoặc hiến xác sau khi chết vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học. Việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể của người chết chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên của người đó. Việc sử dụng xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện theo quy định của Pháp Luật”. Quy định nêu trên là chưa phù hợp bởi lẽ: Việc hiến xác hoặc hiến bộ phận cơ thể của người đã chết, dù với mục đích gì cũng phải có sự đồng ý của người đó trước khi chết, nghĩa là họ phải thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình trước khi chết, có như vậy mới đảm bảo được nguyên tắc tự định đoạt và nguyên tắc tự chủ của người đó trước khi chết, đồng thời cũng phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên của người chết, tuy là nhũng người thân thích của người chết, song họ cũng không thể có quyền định đoạt đối với quyền nhân thân của người khác, cho dù người đó đã chết.
Để góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, ngày 29/11/2006 Quốc hội đã thông qua luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Đây là văn bản luật đầu tiên điều chỉnh chuyên biệt một lĩnh vực rất mới mẻ và phức tạp nên nó không tránh khỏi những bất cập nhất định và cần đươc hoàn thiện. Luật bộc lộ những bất cập sau:
- Luật quy định rất cụ thể về việc lấy, ghép bộ phận cơ thể người nhằm mục đích chữa bệnh song hầu như chưa có quy phạm cụ thể nào điều chỉnh việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Trong khi đó, thực tế nhu cầu về vấn đề giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học tại trung tâm y học, các trường địa học.
- Luật vẫn chưa đề cập vấn đề hiến bộ phận cơ thể, hiến xác của tử tù nhằm phục vụ cho chữa bệnh và nghiên cứu khoa học nên rất khó khăn cho các cơ sở y tế có thể nhận xác trong trường hợp người có án tử hình muốn hiến xác của họ cho y học.
- Thực tế những năm vừa qua cho thấy, việc dùng tử thi vô thừa nhận đã góp phần cứu chữa được nhiều người bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh về mắt (ghép giác mạc, kết mạc)…Tuy nhiên, luật cũng chưa định nghĩa thế nào là tử thi vô thừa nhận; tử thi vô thừa nhận khác gì với tử thi không hoặc chưa xác định được người thân thích là ai.
- Vai trò của gia đình trong hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác sau khi chết là rất quan trọng. Theo luật, người hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết phải đơn tự nguyện hiến, còn nếu chết mà không có đơn tự nguyện hiến cần phải có sự đồng ý của cha mẹ…Có thể gián tiếp hiểu rằng: những người dù điều kiện luật định, có đơn hiến thì không cần có sự đồng ý của gia đình. Vậy trong trường hợp người chết có đơn tự nguyện hiến nhưng sau khi họ chết gia đình không đồng ý, liệu cơ sở y tế có quyền cưỡng hiến không? Vấn đề này trên thực tế xảy ra rất khó giải quyết.
- Ngoài ra, một số vấn đề luật cần được quy định cụ thể hơn như: Người chết hiến xác có nhất định là đủ 18 tuổi trở lên hay không? Luật có nên quy định sự tham gia của giám định pháp y trong hội đồng xác định chết não không? Thủ tục đăng kí hiến mô, bộ phận cơ thể người sống; Thủ tục đăng kí hiến bộ phận cơ thể người hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết ; tổ chức tang lễ và mai táng cho người hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết ;tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến xác tại điểm b khoản 2 điều 24 của luật,có nên cho phép ngân hàng mô tư nhân hoạt động hay không?
IV.Hướng hoàn thiện pháp luật về hiến xác,hiến bộ phận cơ thể người.
a. Về trình tự, thủ tục đối với người hiến xác, bộ phận cơ thế sau khi chết.
- Cần phải sớm có quy định pháp luật về trình tự thủ tục đối với việc hiến mô, bộ phận cơ thể người cho mục đích nghiên cứu khoa học cũng như quy định về điều kiện đối với các tổ chức nhận xác, bộ phận cơ thể người để nghiên cứu khoa học. Quy định này rất quan trọng bởi, hiến xác, bộ phận cơ thể người vì mục đích chữa bệnh là biện pháp ngăn chặn hậu quả, thì nghiên cứu khoa học lại giúp phát hiện và phòng ngừa bệnh tật.
b. Về năng lực chủ thể của người hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết
- Về độ tuổi của người hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết theo Điều 22 của Luật, trường hợp người chết mà không có thẻ đăng ký hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, theo chúng tôi, Luật không nên giới hạn độ tuổi là đủ 18 tuổi trở lên mà người dưới 18 tuổi cũng có thể được chấp nhận nếu được gia đình hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó đồng ý
- Về năng lực chủ thể của người hiến là cần thiết trong trường hợp người đó hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc đăng ký hiến sau khi chết. Tuy nhiên, trường hợp mà người chết không để lại di chúc mà gia đình họ làm đơn hiến mô, bộ phận cơ thể của con mình nhằm mục đích cứu chữa người bệnh thì vấn đề năng lực nhận thức của người đó lại không nên đặt ra, bởi cho dù người đó có thể bị rơi vào trường hợp bị tâm thần hoặc mất năng lực hành vi đi chăng nữa thì cũng không có nghĩa là bộ phận cơ thể nào của họ cũng bị ảnh hưởng hoặc không sử dụng được để cứu chữa người bệnh. Do đó, chúng ta không nên đặt ra vấn đề khả năng nhận thức cũng như năng lực hành vi của người hiến trong những trường hợp như trên.
c. Về sức khỏe đối với người hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết
Sức khỏe là điều kiện vô cùng quan trọng đối với người hiến trong quá trình hiến mô, bộ phận cơ thể người nhằm cứu chữa người bệnh. Do vậy có thể dễ dàng nhận thấy sức khỏe là điều kiện tiên quyết và quan trọng đối với mục đích cứu chữa bệnh, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hiến mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người nhận ghép. Tuy vậy, nếu sử dụng xác, bộ phận cơ thể vào mục đích nghiên cứu khoa học thì không nhất thiết phải bắt buộc điều kiện về sức khỏe của người hiến, bởi vì đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là nhằm tìm nguyên nhân và cách thức phòng ngừa bệnh tật để cứu chữa người bệnh. Vì vậy, dù là người có bệnh hay không có bệnh mà hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nhằm mục đích giảng dạy và nghiên cứu khoa học thì đều có thể nhận được.
d. Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết đối với tử tù
- Nên nghiên cứu quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục cho phép người bị tuyên tử hình có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết, đây là một việc làm rất nhân văn và mang tính nhân đạo sâu sắc. Vì thế nên có quy định về điều kiện hiến xác, bộ phận cơ thể đối với tử tù trong trường hợp họ muốn hiến, ngoài những điều kiện chung về độ tuổi, năng lực nhận thức, sức khỏe… thì cần phải có những quy định đầy đủ hơn nữa về vấn đề này. Ví dụ, cần phải bãi bỏ quy định là không cho mang xác tù nhân ra khỏi pháp trường (tức là xác phải chôn trong pháp trường) … đây là một vấn đề nhạy cảm nên cần phải có sự cân nhắc thận trọng giữa việc đảm bảo an ninh, an toàn và vấn đề nhân đạo, sức khỏe nhân dân.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...” cuộc sống còn có biết bao thử thách, khó khăn con người rồi sẽ vượt qua tất cả nhờ có những tấm lòng cao cả. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa nếu mỗi người biết sống có ích, sống vì đồng loại. Hiến bộ phận cơ thể người là một trong những nghĩa cử cao đẹp của con người, quyền hiến bộ phận cơ thể người ngày càng được hoàn thiện hơn để đáp ứng nhu cầu cho và nhận vì mục đích cao đẹp không trái với xã hội. Với tư cchs là quyền nhân thân, quyền hiến bộ phận cơ thể cần được phát huy và phát triển hơn nữa cùng với sự pháy triển của Việt Nam và thế giới.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Giáo trình luật dân sự Việt Nam 1.Trường đại học Luật Hà Nội. NXB Công An Nhân Dân.
2. Bộ luật dân sự Việt Nam, nxb CAND, 2010.
3. Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam tập 1, nxb CTQG.
4. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com
5. Website: www.toaan.gov.vn
6. Website: www.luatdaiviet.vn
No comments:
Post a Comment