Bài tập học kỳ Luật Dân sự 1 có đáp án.
Ngay từ khi ra đời, Nhà nước ta đã công nhận, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân. Điều này được ghi nhận trong bản hiến pháp đầu tiên của nước ta( hiến pháp 1946), hiến pháp đã khẳng định quyền làm chủ và các quyền cơ bản của nhân dân ta. Sau này trong các bản hiến pháp 1959, 1980 và hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001, các quyền cơ bản của công dân lại tiếp tục được khẳng đinh, phát triển và mở rộng thành chế định quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong các quyền của công dân, ta không thể không nhắc đến “ quyền đối với hình ảnh của cá nhân”. Hình ảnh của cá nhân thuộc lĩnh vực riêng tư của mỗi người. Tuy nó không có gì bí mật, cần phải hạn chế sử dụng nhưng một khi muốn sử dụng những hình ảnh của cá nhân ai đó, nhất là sử dụng khai thác vào mục đích kinh doanh (như in lịch, in bìa sách, bao bì mẫu quảng cáo...) thì đều phải hỏi ý kiến “người chủ” hình ảnh đó (người thật có hình đó). Bởi về nguyên tắc, mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Mỗi người đều có quyền cho hay không cho người khác sử dụng hình ảnh của mình. Nếu chưa được sự đồng ý mà sử dụng đã là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Trong phần bài tập lớn học kỳ này , em xin trình bày về đề tài: “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh”. Đây là một đề tài có một nội dung xã hội khá phức tạp trong xã hội nước ta hiện nay. Về bản thân cá nhân em còn nhiều hạn chế về mặt kiến thức nên trong bài làm của mình chắc chắn em cũng sẽ mắc phải những sai sót về nội dung hoặc hình thức không đáng có. Do vậy, em rất mong mình sẽ nhận được những sự chỉ bảo, giúp đỡ từ phía thầy cô bộ môn và những sự chỉ bảo giúp đỡ của thầy cô sẽ giúp em có được thêm nhiều kinh nghiệm hơn khi làm bài trong quá trình rèn luyện ở trường.
Em xin chân thành cảm ơn!
NỘI DUNG
I. VỀ HÌNH ẢNH CỦA CÁ NHÂN.
Có thể thấy, trên thế giới hiện nay có rất nhiều ý kiến định nghĩa khác nhau về “hình ảnh cá nhân”. Vậy, hình ảnh cá nhân là gì? BLDS cũng như những văn bản pháp luật khác cũng chưa đưa ra khái niệm nào về hình ảnh.Trước hết, có thể khẳng định, cá nhân chính là khái niệm về “một con người cụ thể, sống trong một xã hội và được phân biệt với các cá nhân khác thông qua tính đơn nhất và phổ biến” (Theo Mác – Lênin).
Nhiều người cho rằng, hình ảnh chính là những hình khối cụ thể của một sự vật nào đó, được con người tiếp nhận thông qua thị giác và hệ thần kinh. Tuy nhiên, đấy chỉ là một khái niệm “hình ảnh hẹp”. Với khái niệm “hình ảnh”, ta hiểu cơ bản đó là những biểu hiện ra bên ngoài của một vật thể nào đó, được cảm nhận và tiếp thu thông qua thị giác, xúc giác, thính giác hay cảm giác của con người. Nó không chỉ đơn thuần là những “hình ảnh cụ thể”, mà đó còn có thể là những cảm nhận, nhận xét về tính cách, học thức hay gia đình của một cá nhân cụ thể nào đó trong xã hội.
Dưới góc độ pháp lý, căn cứ điều 31 BLDS năm 2005 thì hình ảnh của cá nhân được hiểu là bao gồm mọi hình thức nghệ thuật ghi lại hình dáng của con người như chụp ảnh, quy phim, ghi hình, ....
II. QUYỀN HÌNH ẢNH CỦA CÁ NHÂN
1) Định nghĩa về quyền hình ảnh của cá nhân:
Hình ảnh của cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, bằng việc quy định nó là một quyền nhân thân của cá nhân.
Quyền đối với hình ảnh của cá nhân được hiểu là quyền nhân thân gắn liền với cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, theo đó, cá nhân được phép sử dụng và cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình.
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh được qui định tại Điều 31 Bộ Luật Dân sự như sau:
“1.Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ành của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
2) Đặc điểm pháp lý của quyền của cá nhân đối với hình ảnh :
Thứ nhất, Quyền đối với hình ảnh của cá nhân thuộc nhóm quyền nhân thân mang tính cá biệt hóa.
Quyền nhân thân cá biệt hoá cá nhân như quyền của cá nhân đối với họ tên, hình ảnh, dân tộc,... tập hợp những công cụ cá biệt hóa ( họ tên, hình ảnh, lý lịch...) ở đó mỗi chủ thể sẽ cho ta hình dung bên ngoài về chủ thể đó, khác biệt hoàn toàn so với chủ thể khác. Trong đó, hình ảnh cá nhân là công cụ cơ bản và thể hiện sự khác biệt rõ nét nhất. Quyền nhân thân cá biệt hoá cá nhân sẽ ghi nhận những đặc điểm của mỗi cá nhân, là cơ sở để xác định các dấu hiệu cơ bản của quyền cá biệt hóa cá nhân. Qua hình ảnh chúng ta có thể có được những hình dung ban đầu về chủ thể đó, điều này giúp chúng ta có thể thuận lợi trong việc phân biệt chủ thể này với chủ thể khác khi tham gia trong quan hệ pháp luật dân sự; từ đó xác định quyền nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các chủ thể.
Thứ hai, Quyền đối với hình ảnh của cá nhân chỉ thuộc về cá nhân.
Khác với quyền nhân thân của một tổ chức hay pháp nhân thì họ chỉ được bảo vệ về danh dự và uy tín, biểu tượng, thương hiệu. Quyền nhân thân nói chung có thể thuộc về tổ chức, nhưng quyền nhân thân đối với hình ảnh thì chỉ thuộc về cá nhân, theo quy định của BLDS khoản 1 điều 31: “cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Hình ảnh là một đặc tính không thể tách rời khỏi cá nhân, và chỉ thuộc duy nhất cá nhân đó.
Thứ ba, Quyền đối với hình ảnh của cá nhân được bảo hộ vô thời hạn và được bảo vệ khi có yêu cầu.
Hình ảnh của cá nhân không những gắn liền với cá nhân khi người đó còn sống mà còn gắn liền với bản thân người đó ngay cả khi đã chết. Quyền đối với hình ảnh của cá nhân được pháp luật bảo hộ vĩnh viễn, không có thời hạn.khi chủ thể không còn nữa thì các cá nhân có liên quan được quyền yêu cầu khi có hành vi xâm phạm, cụ thể pháp luật quy định tại khoản 2 điều 31: “2. Việc sử dụng hình ành của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác”. Khi họ còn sống việc sử dụng hình ảnh của họ mà không được sự đồng ý của họ sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống sinh họat của cá nhân đó, và những người có liên quan bởi vậy kể cả tới khi cá nhân chết pháp luật vẫn bảo vệ hình ảnh của họ.
Khi chủ thể bị xâm phạm hình ảnh thì có thể yêu cầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, vì hiện nay, hoạt động xâm phạm hình ảnh của cá nhân xảy ra quá rộng rãi, nhà nước cũng không thể kiểm soát hết. Người yêu cầu có thể là người có lợi ích bị xâm hại hoặc là những người có liên quan, người đại diện, người giám hộ.
Thứ tư, Quyền đối với hình ảnh của cá nhâncó thể là quyền nhân thân gắn với tài sản hoặc là uyền nhân thân không gắn với tài sản.
Nhóm quyền nhân thân không gắn với tài sản gồm các quyền được quy định từ điều 26 tới điều 51 BLDS năm 2005. Quyền nhân thân gắn với tài sản chỉ có quy định tại khoản 2 điều 738 và mục a khoản 1 điều 751 BLDS 2005.
Hình ảnh của cá nhân có thể được đem ra dử dụng trong khai thác thương mại, song phải được sự đồng ý của chủ sở hữu của hình ảnh đó, và không phải bất cứ cá nhân nào cũng có thể khai thác được giá trị thương mại từ hình ảnh của mình, nó phụ thuộc bào nhiều yếu tố như: hình dáng, thẩm mỹ, độ nổi tiếng,... hình ảnh của mỗi cá nhân do chính cá nhân đó độc quyền khai thác, những chủ thể khác muốn khai thác phải có sự đồng ý của chủ sở hữu hình ảnh đó. Khi được sự đồng ý của chủ thể đó thì sẽ phát sinh quan hệ trao đổi, thỏa thuận giữa các bên, bên sử dụng hình ảnh phải xin phép và có thể phải trả một khoản tiền, từ đó phát sinh quyền tài sản.
Thứ năm, quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền nhân thân không gắn với tài sản.
Hoàn toàn khác với quyền tài sản đối với hình ảnh, quyền nhân thân đối với hình ảnh luôn gắn với chính hình ảnh của bản thân người đó, và mỗi một chủ thể có một hình ảnh riêng biệt. Mỗi chủ thể được công nhận một cách vô điều kiện cho quyền nhân thân gắn với hình ảnh. Hình ảnh của cá nhân là đặc điểm nhận dạng cá nhân đó chứ không phải là một loại tài sản để đem ra giao dịch.
3) Nội dung quyền hình ảnh của cá nhân.
3.1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Khoản 1 điều 31 BLDS 2005 là sự khẳng định của nhà nước về quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân, quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân gồm quyền được phép sử dụng hình ảnh của mình, quyền cho người khác sử dụng hình ảnh của mình, quyền được bảo vệ đối với hình ảnh của cá nhân khi bịhành vi sử dụng trái phép hoặc hành vi khác xâm hại.
Thứ nhất, cá nhân có quyền được phép sử dụng hình ảnh của mình.
Thông qua các hoạt động của chính các chủ thể mà họ có thể thực hiện quyền của mình đối với hình ảnh, trong đó có việc tự khai thác giá trị thương mại,
Thứ hai, cá nhân có quyền cho người khác sử dụng hình ảnh của mình.
Cá nhân có quyền định đoạt cho chủ thể khác sử dụng hình ảnh của mình, thông qua việc chủ thể “ đồng ý” cho chủ thể khác sử dụng hình ảnh của mình. BLDS không quy định rõ như thế nào là đồng ý. Đồng ý ở đây được hiểu là có sự thoả thuận giữa người sử dụng hình ảnh của cá nhân với cá nhân có hình ảnh đó hay chỉ cần việc sử dụng hình ảnh không có sự phản đối của người có hình ảnh thì được hiểu là người đó đương nhiên đồng ý. Theo chúng tôi, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân vào bất kỳ mục đích gì mà không xin phép đều bị coi là vi phạm quyền nhân thân về hình ảnh của cá nhân dù việc sử dụng đó có thể mang lại lợi ích hay gây thiệt hại cho người có hình ảnh. Còn việc người có hình ảnh đó có khởi kiện hay không thì đó lại là quyền của chủ thể trong quan hệ về tố tụng dân sự và người đó có quyền lựa chọn.
Pháp luật Việt Nam cũng chưa quy định rõ những trường hợp nào thì pháp luật cho phép sử dụng hình ảnh của cá nhân. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại của người sử dụng hình ảnh trong nhiều trường hợp cần thiết như ảnh chụp đưa tin, ảnh tư liệu, ảnh phóng sự… trong đó có hình ảnh của cá nhân. Vấn đề này cần phải được quy định và giải thích cụ thể hơn trong các văn bản luật, dưới luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS.
Có thể nói, đứng về khía cạnh bản quyền thì bức ảnh, tấm hình, pho tượng … đều là tác phẩm nghệ thuật và được bảo hộ quyền tác giả. Người sử dụng tác phẩm phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm hoặc người có quyền sử dụng tác phẩm đó. Tuy nhiên, đứng về khía cạnh quyền nhân thân thì người sử dụng hình ảnh phải được sự đồng ý của người có hình ảnh đó hoặc đại diện của người đó trong trường hợp người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ mười lăm tuổi. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của cá nhân mà xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hình ảnh nhưng không hề làm tổn hại, ảnh hưởng tới quan hệ pháp luật dân sự bảo vệ- quan hệ của người có hình ảnh với xã hội, cũng không phát tán, không cản trở việc phát triển nhân cách của cá nhân, không gây thiệt hại, ... nên nếu phải xin phép trong trường hợp này là không phù hợp.
3.2. Cá nhân có quyền bảo vệ hình ảnh của mình theo quy định của pháp luật.
Bất kỳ hành vi xâm phạm quyền nhân thân nào cũng sẽ phải chịu một trách nhiệm pháp lý. Hiện nay, pháp luật dân sự đã có những quy định rõ ràng hơn về các biện pháp bảo vệ và khôi phục quyền nhân thân đối với hình ảnh. Và trong nhiều trường hợp, không nhất thiết phải gây ra thiệt hại mới bị coi là vi phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh mà kể cả trường hợp chưa gây ra thiệt hại, trong việc sử dụng hình ảnh của họ mà không được sự đồng ý.
3.3. Mối quan hệ giữa quyền nhân thân đối với hình ảnh với nhóm quyền nhân thân liên quan đến giá trị tinh thần của con người.
Có hai quyền nhân thân có quan hệ mật thiết tới quyền đối với hình ảnh của cá nhân: quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền bí mật đời tư. Việc xác định rõ mối quan hệ giữa các quyền có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo việc thực hiện quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân.
Thứ nhất, quyền bí mật đời tư có liên hệ tới quyền của cá nhân đối với hình ảnh.
Thông thường hình ảnh cá nhân có thể được công khai theo ý chí của chủ thể, nhưng trong nhiều trường hợp thì có những hình ảnh của cá nhân có thể được coi là “bí mật đời tư”( bí mật đời tư được quy định tại điều 38 BLDS 2005). Trường hợp hình ảnh của cá nhân là hình ảnh riêng tư, nếu bị xâm phạm nó có liên quan trực tiếp tới bí mật đời tư của chủ thể đó.hoặc là những hình ảnh của cá nhân được giấu kín và được pháp luật tôn trọng, hoặc những hình ảnh cá nhân đó không muốn tiết lộ, công khai, nếu bị xâm phạm nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của cá nhân đó. Như vậy, những biểu hiện nêu trên cũng có thể được coi là bí mật đời tư của cá nhân đó.
Khi bị hành vi xâm phạm tới hình ảnh của mình, cá nhân có quyền khởi kiện hành vi xâm phạm tới đời tư. Trong vấn đề này thì quyền bí mật đời tư có liên hệ tới quyền của cá nhân đối với hình ảnh, hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của cá nhân đối với hình ảnh ở góc độ nào đó có liên quan, xác định là hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư. Một số hành vi điển hình như: quy phim, chụp ảnh, công bố hình ảnh riêng tư của người khác mà chưa được đồng ý.
Thứ hai, quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín có liên hệ tới quyền của cá nhân đối với hình ảnh.
Hình ảnh làm tăng giá trị của cá nhân đó, nếu hình ảnh của cá nhân được sự đồng ý của chủ sở hữu hình ảnh đó, thể hiện khá chân thực, sống động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như tiểu sử, sự nghiệp, gia đình, ... thì giá trị của cá nhân đó sẽ ngày càng được nâng cao.
Hình ảnh của cá nhân có thể làm ảnh hưởng xấu tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân đó. Khoản 3 điều 31 BLDS 2005: “Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ là gía trị vật chất, tinh thần mà còn ảnh hưởng tới những người có liên quan của chủ sở hữu hình ảnh đó. Có nhiều dạng hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân mà ảnh hưởng xấu tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân đó như: phát tán các video về đời tư có chỉnh sửa nội dung, làm sai sự thật về hình ảnh của cá nhân đó,... đã gây ra khá nhiều hậu quả nghiêm trọng. như vậy, nếu sử dụng hình ảnh của cá nhân dù hợp pháp, đồng ý của cá nhân nhưng nếu xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín thì cũng đều coi là vi phạm pháp luật.
3.4. Giới hạn quyền nhân thân đối với hình ảnh.
3.4.1 Giới hạn quyền nhân thân đối với hình ảnh trong mối quan hệ với quyền được thông tin.
Điều 69 hiến pháp 1992 có quy định “ công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin”. Quyền tự do thông tin được hiểu là tự do tìm kiếm thông tin, tự do tiếp cận thông tin.
Trong hoạt động báo chí, quyền tự do hoạt đông báo chí cũng rất dễ xung đột của cá nhân đối với quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Hai quyền này có giá trị ngang nhau, tuy nhiên, quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị hạn chế bởi quyền tự do hoạt đông báo chí. Nghị định 51/2002/NĐ CP ngày 26/4/2002 của chính phủ ban hành thay thế cho NĐ 133/HĐBT. Tại khoản 5 điều 3 của nghị định này quy định báo chí “ không được đăng phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó,....” theo quy định này thì báo chí có quyền đăng ảnh cá nhân mà không cần xin phép nhưng phải có ghi chú thích hợp, và không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó. Điều 5 của NĐ đã loại bỏ yêu cầu phải có sự đồng ý của chủ nhân hoặc người được giao quyền sử dựng hình ảnh. Để đảm bảo được quyền thông tin trong lĩnh vực báo chí, quyền hình ảnh của cá nhân bị giới hạn nhưng sự giới hạn đó là nhằm tôn trọng quyền được biết thông tin cảu người dân trong sự cân đối với quyền bí mật đời tư của cá nhân, và chỉ trong một chừng mực nhất định phục vụ cho lợi ích hợp pháp của toàn thể cộng đồng, còn nhất thiết là phải bảo vệ chặt chẽ quyền đối với hình ảnh của cá nhân.
3.4.2 Giới hạn quyền nhân thân đối với hình ảnh trong trường hợp xung đột với quyền lợi chung, quyền của bên thứ ba, hoặc trong trường hợp cá nhân từ bỏ quyền đối với hình ảnh của mình.
Trường hợp xung đột với quyền lợi chung, quyền của bên thứ ba: theo quy định tại điều 31 BLDS 2005 thì có thể dẫn tới cách hiểu là cá nhân được phép hoàn toàn định đoạt những gì mình muốn đối với hình ảnh của mình, không ai có quyền ngăn cản hay xâm phạm. Điều này dẫn tới nhiều cá nhân có cách xử sự mất chuẩn mực chung. Bởi vậy, quyền nhân quyền nhân thân đối với hình ảnh đã được quy định giới hạn và phù hợp với quyền lợi chung. Cá nhân không thể viện dẫn quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân trong trường hợp họ chỉ có mặt trong một bức ảnh chụp phong cảnh thiên nhiên, hya những bức ảnh có sự tham gia của nhiều người, của cả cộng đồng. ở đây, người chụp ảnh không nhằm ghi hình của cá nhân đó, mà ghi hình các phong cảnh hay sự kiện.
Trường hợp xung đột trong trường hợp cá nhân từ bỏ quyền đối với hình ảnh của mình.
Bất lực trước những bất cập, cùng nhiều trở ngại khách quan mà nhiều cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm tới hình ảnh của cá nhân khác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều này gây ra tâm lý từ bỏ việc tố cáo, khiếu nại, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý mà phần lớn các bên chủ yếu tự hòa giải và thỏa thuận giải quyết.
Như vậy, không thể khẳng định là pháp luật không bảo vệ quyền lợi của người bị hại mà chính do sự từ bỏ quyền này của công dân.
4) Ý nghĩa của việc bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân.
Thứ nhất, hình ảnh có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của mỗi người, khi nó bị xâm phạm thì sẽ để lại hậu quả rất lớn, vì khi xâm phạm tới hình ảnh cá nhân không chỉ là xâm phạm tới hình ảnh mà còn là tới danh dự, nhân phẩm, uy tín, của cá nhân cũng như những người có liên quan. Bởi vậy, việc bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn chặn những vi phạm về hình ảnh của cá nhân, giúp khắc phục một phần hậu quả của chủ thể khi bị xâm phạm.
Thứ hai, bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân góp phần hiện thực hóa chủ trương đường lối chính sách của Đảng, nhà nước về bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân, tăng cường lòng tin của nhân dân vào nhà nước, vào chế độ xã hội.
Thứ ba, bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân góp phần đảm bảo trật tự xã hội, giáo dục ý thức pháp luật của người dân, làm cho mọi người có ý thức tôn trọng quyền hình ảnh của mỗi cá nhân.
5) Các biện pháp bảo vệ quyền hình ảnh luật định.
Theo pháp luật dân sự quy định các biện pháp bảo vệ và khôi phục các quyền nhân thân của công dân. Bản thân cá nhân có thể tự bảo vệ, tự mình cải chính. Những người xâm phạm quyền nhân thân của người khác thì dù cố ý hay vô ý thì đều có quyền yêu cầu người có vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt. Nhiều hành vi vi phạm và phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cùng các chi phí như: Chi phí hợp lý để hạn chế khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; tiền bồi thương bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm. Bồi thường bằng một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm. Nếu chỉ xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì bồi thường thiệt hại tinh thần tối đa bằng 10 tháng lương tối thiểu (Do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ, hiện nay là 290.000 đồng/tháng). Nếu việc xâm phạm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, thiệt hại tính mạng, người bị xúc phạm lo lắng, buồn phiền sinh ra bệnh tật, tự tử… thì riêng mức bồi thường thiệt hại tinh thần có thể đến tối đa 60 tháng lương tối thiểu.
Bên cạnh những nội dung quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền nhân thân về hình ảnh thì nhà nước cũng có ban hành nhiều văn bản khác có liên quan, ví dụ như: Nghị quyết số 03/2006/NQ HĐ TP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thảm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005, về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chi phí hạn chế, khắc phục thiệt hại gồm: chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm đăng tải hình ảnh của cá nhân có nội dung xúc phạm tới danh dự nhân phẩm của cá nhân có hành vi bị xâm phạm, chi phí cho việc thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hình ảnh bị xâm phạm, ...
Về mặt nguyên tắc, khi đơn vị, cá nhân muốn sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích kinh doanh hoặc một mục đích nào khác mà luật quy định phải được sự đồng ý của người có hình ảnh đó nhưng lại không thực hiện quy định này là sai. Do đó nếu thấy mình bị xúc phạm thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu toà án buộc người đã xúc phạm bạn phải chấm dứt sự xúc phạm đó và xin lỗi, cải chính đồng thời bồi thường thiệt hại nếu có.Việc xâm phạm quyền nhân thân của người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu ở mức độ thấp, tính nguy hiểm chưa đáng kể thì có thể bị Nhà nước xử lý hành chính; nếu nguy hiểm cho xã hội ở mức độ đáng kể thì người thực hiện hành vi ấy có thể bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định trong Bộ luật hình sự.
III. THỰC TRẠNG VỀ QUYỀN ĐỐI VỚI HÌNH ẢNH CÁ NHÂN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY.
Xã hội ngày càng phát triển, thì nhu cầu tiếp cận thông tin và trao đổi thông tin ngày càng diễn ra rầm rộ hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ vấn đề quyền nhân thân đối với hình ảnh lại dễ dàng bị xâm phạm như hiện nay. Chúng ta có thể kể đến một số dạng hành vi xâm phạm tới quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân điển hình:
Thứ nhất, sử dụng hình ảnh của cá nhân với mục đích thương mại, không được sự đồng ý của chủ thể có hình ảnh. Vấn đề xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân diễn ra chủ yếu, rầm rộ nhất trong lĩnh vực cá hát, điện ảnh, với những tên tuổi nổi tiếng.
Ngay sau khi Trần Nguyễn Uyên Linh đạt giải nhất cuộc thi Việt Nam Idol 2010, các phương tiện truyền thông ca ngợi cô như là hiện tượng hiếm có trong làng ca nhạc. Trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, đều bắt gặp những lời yêu mến, hâm mộ dành cho Uyên Linh. Phải công nhận rằng, sự biến hóa trong âm nhạc của giọng ca giàu nội lực này đã truyền lửa mạnh mẽ tới người nghe. Tiếng hát của Uyên Linh như một hiệu ứng, được lan truyền với một tốc độ rất cao trong cộng đồng mạng. Uyên Linh năm nay 22 tuổi, mặc dù không được đào tạo bài bản về kỹ thuật thanh nhạc nhưng đã chinh phục được đông đảo khán giả. Trong lúc cơn sốt Uyên Linh còn chưa hạ nhiệt, Công ty Cổ phần dịch vụ phần mềm Trò chơi Việt (Cty Trò chơi Việt) lại tung ngay một game online đã được tung ra với cái tên vô cùng câu khách: "Em muốn làm Uyên Linh" để thu lợi nhuận. Điều đáng nói, cách thức của trò chơi này lại là một sự bôi nhọ chính Uyên Linh và các thành viên của Vietnam Idol 2010 như nhạc sĩ Quốc Trung, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà báo Diễm Quỳnh, ca sĩ Siu Black, MC Phan Anh, Văn Mai Hương, Lều Phương Anh... Theo mặc định của trò chơi, người chơi sẽ phải chọn ra 5 đối thủ để thi đấu bằng cách ném trứng vào mặt. Các "đối thủ" bị ném trứng chính là những cái tên nêu trên. Trò chơi ăn theo hiện tượng Uyên Linh và cuộc thi Vietnam Idol 2010, nhiều người cho rằng, đây là sự bôi nhọ hình ảnh của cả Uyên Linh và các thành viên khác của Vietnam Idol.
Căn cứ vào quy định tại Điều 25 Bộ Luật dân sự (BLDS) về quyền nhân thân thì Uyên Linh cũng như những người trong cuộc hoàn toàn có quyền yêu cầu Công ty Trò chơi Việt hoặc cơ quan có thẩm quyền buộc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều 31 BLDS đã quy định về quyền của cá nhân với hình ảnh như sau: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Căn cứ vào Điều 611 BLDS Uyên Linh hoàn toàn có quyền khởi kiện đòi bồi thường bằng tiền. Số tiền đó được tính từ những chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Thứ hai, phát tán hình ảnh cá nhân nhằm xâm hại tới danh dự nhân phẩm uy tín của cá nhân
Nhận xét về thực trạng bảo vệ quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân, hiện nay những vụ việc xâm phạm hình ảnh của cá nhân, chủ thể quyền bảo vệ hình ảnh của mình bằng cách khởi kiện tại tòa án. Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), hiện cũng chưa có quy định hay hướng dẫn rằng mức độ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín nghiêm trọng đến mức nào thì người vi phạm sẽ phải bồi thường? Do đó, việc chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường hay không, nhất là bồi thường tổn thất về tinh thần cũng thuộc toàn quyền xem xét của tòa. Việc đòi BTTH hiện nay rất bất cập, phi lý, tùy theo giá trị sử dụng hình ảnh trong việc kinh doanh mà người đó có thể đòi BTTH lên tới vài triệu hay vài chục triêu như: Đầu năm 2004, gia đình bé Minh Khôi kiện Công ty Biti’s, đòi bồi thường thiệt hại 154 triệu đồng vì Biti’s xài trái phép ảnh của bé Minh Khôi in trên bìa lịch, tập quảng cáo. Tháng 9-2004, TAND quận 6 (TP.HCM) buộc Biti’s phải xin lỗi công khai gia đình bé Khôi, chấm dứt vô điều kiện việc sử dụng trái phép hình ảnh của bé và bồi thường gần ba triệu đồng
Theo quy định của BLDS thì mức tối đa BTTH về tinh thần cho hành vi xâm phạm hình ảnh cũng chỉ bằng 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định, hiện nay là 7.300.000 đồng( điều 611 BLDS năm 2005)
Trước hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân thì cá nhân bị xâm phạm cần xác định hành vi xâm phạm hình ảnh thông thường hay xâm phạm quyền tác giả mà có yêu cầu đòi BTTH một cách hợp lý hơn. Xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân từ vi phạm pháp luật dân sự có thể chuyển hóa sang vi phạm pháp luật hình sự. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo điều 253 BLHS, tội làm nhục người khác điều 121 BLHS, ....
Thứ ba, quyền đăng hình của báo chí
Quyền tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định tại điều 69 hiến pháp năm 1992.
Khoản 3 điều 5 Nghị định 51/2002/ NĐ CP ngày 26/4/2002 hướng dân thi hành luật báo chí đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo chí: “ không được đăng phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự nhân phẩm của cá nhân đó.... không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư công bố tài liệu thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người ciết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó. Ngoài ra, pháp luật cũng cho phép cơ quan báo chí đăng phát hình ảnh về đời tư mà không cần sự đống ý của người đó, có thể là nguyên nhân báo chí lợi dụng quyền này để xâm phạm bí mật đời tư, đăng phát các hình ảnh thông tin nhằm thu hút độc giả, đồng thời ảnh hưởng xấu tới lối sống thanh thiếu niên hiện nay. Nhiều quy định của pháp luật cũng được đặt ra nhưng vẫn chưa đủ mạnh để có thể bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của những người có hình ảnh bị xâm phạm thông qua hoạt động báo chí. Đồng thời theo điều 31 của BLDS 2005 thì vấn đề đăng hình ảnh của cá nhân thì nhà nước vẫn chưa quy định rõ ràng như thế nào được coi là trừ trường hợp “ vì lợi ích của nhà nước, lợi ích của công cộng”.
Vấn đề quy định chụp ảnh của cá nhân hiện nay ở Việt Nam cũng có nhiều bất cập, mà ngay chính bản thân cá nhan đó cũng không hề biết tới.
Trong thực tế có rất nhiều vi phạm hình ảnh cá nhân xảy ra xuất phát tư nguyên nhân mục đích quảng cáo, tuyên truyền:
Tháng 1-2003, cô Phan Thị Như Quỳnh gửi đơn khiếu nại Tổng cục Du lịch Việt Nam và tác giả Vũ Quốc Khánh vì sử dụng bức ảnh “Nụ cười Việt Nam” có ảnh của cô mà không xin phép. Bức ảnh này được nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh chụp năm 1994, đến năm 2000 được Tổng cục Du lịch Việt Nam chọn làm biểu tượng “Việt Nam! Điểm đến của thiên niên kỷ mới!”
Tại khoản 8 điều 8 Luật số 16/2012/QH13 của Quốc hội LUẬT QUẢNG CÁO trong đó có quy định về Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”.
Thứ tư, một số vấn đề liên quan tới nhiếp ảnh gia.
Có thể thấy rằng vấn đề xâm phạm quyền nhân thân gắn với hình ảnh của cá nhân thường bị xâm phạm thông qua hành vi sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh có hình của mình trong ảnh vào mục đích kinh doanh. Qua hai vụ việc xử phạt liên quan tới việc sử dụng ảnh không xin phép cá nhân có hình trong ảnh hoặc người đại diện hợp pháp của họ có thể thấy rằng quy định của pháp luật về vấn đề bảo vệ quyền nhiếp ảnh còn đang bỏ ngỏ. tình trạng sử dụng các tác phẩm không xin phép tác giả, không đề tên tác giả ... xảy ra rất nhiều. Như vậy, khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh được chụp vào mục đích thương mại thì ngoài sự đồng ý của nhiếp ảnh gia còn phải có sự chấp thuận củ cá nhân có hình trong bức ảnh đó. Dù việc sử dụng hình ảnh đó đem lại lợi ích cho cá nhân có hình ảnh nhưng nếu việc làm đó không có sự chấp thuận của người đó thì hành vi này cũng đã xâm phạm tới quyền nhân thân của cá nhân có hình trong tác phẩm đó.
Vấn đề tiếp theo là vấn đề hình ảnh của người của công chúng, việc sử dụng hình ảnh của người của công chúng được sử dụng khá rộng rãi, do đó danh giới giữa việc sử dụng phải xin phép và sử dụng không xin phép là rất khó xác định. Đó có thể là những người có vai trò quan trọng như chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ,... diễn viên, ca sỹ nổi tiếng,... bằng việc đăng tải thông tin báo chí đã tạo ra tranh luận xã hội, truyền tải phản ứng của dư luận xã hội đối với cách cư xử của những người này. ở việt nam hiện nay thì vấn đề bí mật đời tư của những người nổi tiếng vẫn luôn là đề tài mà báo chí hàng ngày hàng giờ săn lùng, bên cạnh đó, về phía người nổi tiếng thì chính họ cũng đang lạm dụng việc đó nhằm đánh bóng tên tuổi củ cá nhân họ.
IV. NHỮNG KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HÌNH ẢNH.
Nhà nước cần có những quy định rõ ràng hơn về khái niệm “hình ảnh cá nhân”. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có sự sửa đổi bổ sung điều 31 BLDS năm 2005 về khái niệm cách hiểu về quyền nhân thân đối với hình ảnh: “ là quyền nhân thân gắn liền với cá nhân liên quan đến việc tạo dựng sử dụng cho phép sử dụng hình ảnh theo ý chỉ của chính cá nhân đó.” Cần sửa đổi những quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân theo hướng mở: tổ chức cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể nếu như đáp ứng đủ những yêu cầu: không ảnh hưởng tới những quan hệ của người có mặt trong ảnh, không cản trở việc phát triển nhân cách của họ; không sử dụng vào mục đích thương mại. bên cạnh đó cần quy định rõ ràng hơn nữa trong vấn đề như thế nào gọi là sử dụng hình ảnh của cá nhân nhằm “lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác”.
Cho phép những người có liên quan, người đại diện cũng có quyền yêu cầu bảo vệ. Điều 25, 31BLDS 2005 cần quy định rõ ràng hơn cơ quan tổ chức có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân để tạo thuận lợi cho cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm kịp thời thực hiện được việc bảo vệ quyền nhân thân của mình.
Đặc biệt cần sửa đổi bổ sung điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 về thẩm quyền của Tòa án theo hướng tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với các việc giải quyết yêu cầu bảo vệ họ tên, danh dự nhân phẩm, uy tín, xác định giới tính đối với từng cá nhân. Cần quy định rõ ràng những trường hợp nào là sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân. Cần phải quy định rõ quyền hạn khi tác nghiệp của nhà báo liên quan đến việc đăng ảnh bị can khi bị bắt và chụp ảnh bị cáo tại phiên toà.Pháp luật cần quy định cụ thể hơn như thế nào thì được coi là “có sự đồng ý” của chủ sở hữu trong việc sử dụng hình ảnh. Hơn nữa trong các văn bản hiện hành chưa có quy định cụ thể về bảo vệ quyền nhân thân của người có quyền nhân thân trong trường hợp họ đã chết.
Cần bổ sung thêm những quy định về việc đăng tải nội dung hình ảnh lên các trang web, việc phát tán những bức ảnh công khai của cá nhân lên các trang mạng xã hội khác và việc bình phẩm, đánh giá hình ảnh cá nhân bằng những lời lẽ thiếu lịch sự.
Cần quy định mức bồi thường cụ thể và hợp lí hơn để ngăn chặn, răn đe không tái phạm hành vi xâm phạm của những người có dụng ý xấu. Hiện nay mức quy định BTTH là không quá mười tháng lương tối thiểu( mức tối thiểu chung hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng) còn khá khiêm tốn so với mức độ nghiêm trọng của một số hành vi xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh.
Bên cạnh đó cần quy định cụ thể rõ ràng hơn về chế tài đăng bài đính chính của cơ quan báo chí khi có hành vi xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh. Vì trên thực tế việc đính chính của các cơ quan báo chí chỉ nhằm hợp thức hóa chứ thực sự không có ý nghĩa cơ quan báo chí xin lỗi, đăng bài của báo chí thường đăng trên những mục mà ít người đọc, với khổ bé, bởi vậy, pháp luật cần quy định rõ các hình thức cải chính xin lỗi của cơ quan báo chí.
KẾT LUẬN
Như vậy, vấn đề quyền hình ảnh của cá nhân cũng như trách nhiệm dân sự của cá nhân, pháp nhân hay các chủ thể khác gây thiệt hại đến hình ảnh của người khác là một nội dung hết sức cần thiết cần được quan tâm trong thực tế xã hội của nước ta hiện nay. Chỉ khi nào nhận định rõ quyền hình ảnh của cá nhân và hậu quả của những hành vi xâm phạm tới hình ảnh của cá nhân đó cùng với mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và hậu quả xảy ra thì mới có cơ sở pháp lý để xác định chủ thể vi phạm phải bồi thường thiệt hại. Việc giải quyết triệt để những sai phạm trong quyền hình ảnh cũng như vấn đề bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân không những bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản liên quan mà còn ngăn chặn kịp thời những hành vi cố ý xâm phạm hình ảnh người khác để đảm bảo cho những quy định của pháp luật được thực hiện có hiệu quả trong đời sống xã hội hiện đại.
DANH MỤC TÀI LIỆN THAM KHẢO
1. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
2. Bộ luật dân sự năm 2005;
3. Nghị định số 133/HĐBT của Hội đồng bộ trưởng ngày 30/4/1992 quy định về chi tiết thi hành luật báo chí;
4. Nghị định số 51/2002/NĐ CP ngày 26/4/2002 quy định chi tiết thì hành luật báo chí, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật báo chí;
5. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh trong pháp luật dân sự Việt Nam;
6. Nghị định 66/2013/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công, viên chức và lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành;
7. Nghị định 103/2012/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng năm 2013;
8. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I và II, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009;
9. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!
No comments:
Post a Comment