08/07/2014
Phòng ngừa tội phạm từ quan điểm của Tâm lý học hành vi - Bài tập học kỳ Tâm lý học tội phạm
Bài tập Tâm lý học tội phạm có đáp án.

Phương châm rất quan trọng trong đường lối xử lý của Nhà nước ta là lấy giáo dục, phòng ngừa là chính, phòng ngừa tốt cũng chính là chống tội phạm tốt. Yêu cầu là phải ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm ngay từ đầu làm cho tội phạm ít xảy ra hơn và tiến tới không xảy ra tội phạm, và để việc chống tội phạm, xử lý tội phạm chỉ là hãn hữu, là việc làm bất đắc dĩ. Thuyết "Phòng ngừa tội phạm từ quan điểm của Tâm lý học hành vi" là một trong những học thuyết góp phần không nhỏ vào sự phát triển của vấn đề này. Trong phạm vi bài viết, em xin đi Phân tích nội dung của thuyết “Phòng ngừa tội phạm từ quan điểm của Tâm lý học hành vi”. Rút ra bài học thực tiễn.

Giải quyết vấn đề

I. Khái quát về phòng ngừa tội phạm

1. Khái niệm về phòng ngừa tội phạm

Phòng ngừa tội phạm là hệ thống các quy định, các biện pháp, các hành động của cá nhân, tổ chức nhằm hạn chế, ngăn chặn tội phạm xảy ra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các tội phạm xảy ra và giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Như vậy, đây là hệ thống các quy định, các biện pháp, các hành động nhằm:

- Hạn chế tội phạm
- Ngăn chặn tội phạm
- Phát hiện, xử lý các tội phạm xảy ra
- Giáo dục người phạm tội.

2. Khái niệm phòng ngừa tội phạm dưới góc độ tâm lí học 

Phòng ngừa tội phạm dưới góc độ tâm lý học là hệ thống các biện pháp, các quy định, các hành vi của cá nhân, tổ chức mà: 

- Thứ nhất, hình thành ở con người những phẩm chất tâm lí tích cực, những thói quen hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội; 

- Thứ hai, ngăn chặn sự hình thành, loại bỏ, hạn chế những phẩm tâm lí tiêu cực, những thói quen hành vi không phù hợp với chuẩ mực xã hội, giải tỏa khuynh hướng gây hấn, xâm kích;

- Thứ ba, đảm bảo hạn chế tối đa cho cá nhân không phạm tội trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

II. Phòng ngừa tội phạm từ quan điểm của tâm lý học hành vi

Trường phái tâm lý học hành vi chính thức trở thành một trường phái lý thuyết độc lập trong tâm lý học từ đầu thế kỷ XX, đánh dấu bằng sự ra đời của học thuyết điều kiện hoá kinh điển của Ivan Pavlov; điều kiện hoá thao tác của E.Thorndike và việc phát triển hai học thuyết này thành thuyết hành vi cổ điển (John B. Watson) và thuyết hành vi mới (B.F. Skinner, A.Bardura).

Ivan Pavlov (1849 - 1936)  qua thực nghiệm với con chó đói đã chứng minh học thuyết điều kiện hoá kinh điển. Điều kiện hoá kinh điển là một hình thức của học tập, trong đó một kích thích trung gian (kích thích không tạo ra phản ứng) đi cặp đôi với một kích thích có điều kiện (kích thích có tạo ra phản ứng) liên tục. Theo Pavlov, các mối liên kết tạm thời được hình thành bởi các phản xạ có điều kiện chính là các liên tưởng – cơ sở của hoạt động tâm lý .

Người ứng dụng thành công những nghiên cứu của Pavlov trong tâm lý học là J.B.Watson (1878-1958), cha đẻ của Tâm lý học hành vi cổ điển. Watson đã phát triển học thuyết phản xạ có điều kiện vào nghiên cứu hành vi và sáng lập ra trường phái hành vi trong tâm lý học (1913). Ông nhấn mạnh đến những hành vi được nghiên cứu một cách khách quan (những kích thích, đáp ứng, củng cố được quan sát một cách trực tiếp), bác bỏ, coi thường sự hiện hữu và vai trò của các sự kiện tinh thần như ý thức, suy nghĩ, tưởng tưởng … Tuy nhiên, quan điểm cực đoan này của Watson bị nhiều nhà tâm lý học phản đối. Họ phát triển quan điểm coi nội dung cơ bản của tâm lý học là hành vi bên ngoài nhưng không phủ nhận tầm quan trọng của các sự kiện tinh thần trong phân tích hành vi, tạo nên trường phái hành vi mới.

Edward L. Thorndike (1874 – 1949) – nhà tâm lý học Mỹ - độc lập nghiên cứu và cùng đưa ra những phát minh tương tự với phản xạ có điều kiện của Pavlov – nguyên tắc luyện tập nổi tiếng “làm thử và sửa sai”. Thorndike cho rằng nền tảng của việc học tập là sự hình thành mối liên hệ giữa đầu vào cảm giác và sự thúc đẩy hành động. Theo ông, hành vi được kiểm soát bởi hậu quả của nó. 

B. F. Skinner (1904-1990), đã hệ thống hoá học thuyết của Thorndike thành thuyết điều kiện hoá thao tác. Điều kiện hoá thao tác liên quan đến sự tăng hoặc giảm hành vi nào đó bằng cách thay đổi một cách có hệ thống hiệu quả của hành vi đó.  

A. Bandura đã phát triển lý thuyết học tập xã hội hiện đại bao hàm cả nguyên tắc điều kiện hoá kinh điển, điều kiện hoá thao tác và nguyên tắc học qua quan sát, nhấn mạnh vai trò của nhận thức (tư duy, tưởng tượng, niềm tin, mong muốn,…) trong điều chỉnh hành vi. Lý thuyết của Bandura đã mang lại cho trường phái hành vi một diện mạo mới, khắc phục những khiếm khuyết của chủ nghĩa hành vi cổ điển của Watson – chỉ xem xét những hành vi biểu hiện ra bên ngoài, bỏ qua những gì diễn ra ở bên trong.

Công thức cơ bản của trường phái hành vi là kích thích – phản ứng (S – R). Do đó, đối tượng của tâm lý học xã hội theo trường phái này là hành vi của con người.

Theo mô hình hành vi, mỗi người được xác định bởi một tập hợp những hành vi của người đó. Các nhà Tâm lý học hành vi quan niệm rằng “bất kỳ cái gì một người làm là hành vi, còn cái gì một người có là nét tính cách”. 

Hành vi có hai phạm trù: hành vi biểu hiện ra bên ngoài và hành vi diễn ra bên trong. Hành vi bộc lộ ra bên ngoài là những gì chúng ta làm người khác có thể quan sát trực tiếp được (Ví dụ: ăn, chơi, nói, cười, viết,...). Hành vi diễn ra bên trong đầu là những gì chúng ta làm mà người khác không thể quan sát trực tiếp được (Ví dụ: suy nghĩ tưởng tượng, nghi nhớ, suy đoán, tình cảm,...) nhưng có thể nhận biết thông qua suy luận.

Các nhà hành vi học đã sử dụng mô hình ABC (viết tắt các từ Anticedents - tác nhân kích thích; Behaviors - hành vi; Consequesces - Hậu quả, kết quả) để mô tả quá trình liên tiếp, hiện thời của những tác nhân kích thích thúc đẩy hành vi xã hội và hiệu quả sau khi hành vi được trình diễn:

Mô hình ABC về hành vi người phạm tội

(A). Tác nhân kích thích ban đầu là những sự kiện xảy ra hoặc có mặt trước khi hành vi phạm tội B diễn ra, chúng tạo ra những điều kiện cần và đủ cho hành vi phạm tội xảy ra.

(C). Hậu quả là những sự kiện xảy ra sau và như là kết quả của một việc thực hiện hành vi.phạm tội. Hậu quả có thể xảy ra ngay hoặc một thời gian sau mới xảy ra và ảnh hưởng đến khả năng suất hiện lại của hành vi này trong tương lai. Mặc dù có rất nhiều sự kiện xảy ra trước và theo sau mọi hành vi nhưng chỉ có một số rất ít có ảnh hưởng đáng kể trực tiếp như là những nhân tố đang duy trì sự có mặt của hành vi. Hơn nữa tác nhân kích thích khởi đầu và hậu quả duy trì sự có mặt của hành vi theo những cách khác nhau. Hậu quả thực tế của một hành vi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, liệu hành vi đó có xảy ra nữa hay không? Hậu quả mong muốn cũng có thể là kích thích khởi động ảnh hưởng đến việc liệu một người sẽ “cam kết” thực hiện hành vi vào lúc đó. Dự đoán về hậu quả có thể có cũng là một nhân tố xác định liệu những điều kiện “cần và đủ” này có đúng cho việc thực hiện hành vi hay không.

Theo quan điểm của tâm lý học hành vi thì bản chất và hành vi phạm tội của con người do môi trường, đặc biệt là môi trường xã hội quyết định. Hầu hết các hành vi của con người là do tập nhiễm. Việc con người thực hiện hành vi phạm tội là do sự kích thích của môi trường chứ không phải do ý thức bên trong.

Qua những phân tích trên, ta thấy một số ý nghĩa của Tâm lý học hành vi đối với nghiên cứu và phòng ngừa tội phạm:  

Trường phái hành vi đã đem lại cho tâm lý học nói chung và tâm lý học xã hội nói riêng một hướng đi mới, tập trung vào nghiên cứu các hành vi xã hội, chứng minh rằng chúng có thể nhận biết và điều khiển được. Tuy nhiên, những nguyên tắc của trường phái hành vi gây trở ngại lớn cho việc nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội khi hoàn toàn bỏ qua các nghiên cứu về các quá trình hoạt động và phát triển của nhóm. Chính khái niệm nhóm trong trường phái hành vi chỉ được xem như một nhóm nhỏ gồm hai nhân vật. Điều này khiến trường phái hành vi trở thành trường phái lý thuyết mang ít tính xã hội nhất trong các lý thuyết của tâm lý học xã hội.

III. Bài học thực tiễn

1. Phải chú trọng đặc biệt đến môi trường xã hội. 

Môi trường sống cụ thể của con người với những nhân tố lạc hậu, tiêu cực, không phù hợp với đạo đức và sự tiến bộ xã hội, không thuận lợi cho sự phát triển, ảnh hưởng đến hành vi con người, gây nên những hành vi lệch chuẩn. Đặc biệt là tác động không lành mạnh từ gia đình như bầu không khí không thuận hòa, có người phạm tội, nếp sống thiếu văn hóa, giáo dục sai lầm, hoàn cảnh kinh tế thiếu thốn, khó khăn, thiếu việc làm... Tác động của gương xấu của bạn bè và những người xung quanh. Tác động tiêu cực của đường phố, làng xã, nơi cư trú. Tác động tiêu cực của sách báo, phim ảnh và các loại văn hóa đồi trụy khác. Tác động xấu của hoàn cảnh xung đột, bất hòa, do đụng chạm về quyền lợi và do quan hệ ứng xử không đúng mực. Tác động chính của các hiện tượng phạm tội, phạm pháp và các tệ nạn đang hàng ngày xảy ra trong xã hội.

Theo Tâm lý học hành vi, bản chất và hành vi phạm tội của con người do môi trường, đặc biệt là môi trường xã hội quyết định. Một đứa trẻ sinh ra về bản chất đa phần là không thiện không ác, chỉ trong quá trình tiếp xúc với môi trường xã hội mới bắt đầu hình thành phẩm chất bản thân. Hoàn cảnh tốt giúp con người tiếp thu những cái tốt đẹp, tích cực và ngược lại, hoàn cảnh xấu sẽ mang lại những điều tiêu cực trong quá trình hình thành và phát triển con người, cụ thể là nhân cách và hành vi. Hành vi phạm tội ra đời dựa trên vấn đề nhân cách xấu và phẩm chất tâm lý tiêu cực đã hình thành xong và tích tụ trong bản chất con người. Con người lúc này đã nhiễm phải cái xấu, cái tiêu cực nên với một hoàn cảnh, tình huống nhất định như cần tìền số lượng lớn để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, họ sẽ không nghĩ tới những công việc lương thiện để kiếm tiền mà do nhận thức kém cùng những tiêu cực sẵn có, họ sẽ bắt đầu hình thành hành vi phạm tội. Trong hoàn cảnh bên ngoài thôi thúc, môi trường xung quanh là môi trường nhiều tệ nạn thì hành vi mang tính trái pháp luật cũng tác động tới việc quyết định hành vi phạm tội của con người nơi đó. 

2. Chú trọng đến việc hình thành thói quen tuân theo pháp luật

- Việc hình thành thói quen tuân theo pháp luật thông qua một tác động làm mẫu. Tác động làm mẫu xảy ra trong tình huống một người đạt được những mẫu hình phản ứng mới thông qua quan sát việc thực hiện tốt các đáp ứng mới của mẫu. 

Trong trường hợp này, người quan sát sẽ theo dõi mẫu một mẫu hình đáp ứng nhất định và rồi thể hiện mẫu hình đáp ứng đó khi bị đặt vào trường hành vi tương tự. Việc kết hợp và móc nối các đáp ứng phù hợp chắc chắn đã xảy ra qua các quá trình dàn xếp trung gian mang tính biểu tượng và do đó hành vi đã được học mà “không có thử nghiệm”. Điều này có nghĩa là nếu một người thường xuyên quan sát những người xung quanh mình có những hành vi tuân theo pháp luật thì khi đặt mình vào những trường hợp tương tự, người đó có xu hướng thực hiện những hành vi mà những người xung quanh mình đã thực hiện, dẫn đến họ cũng tuân theo pháp luật, từ đó tình trạng phạm tội cũng ít hơn. Chính vì vậy, việc hình thành những thói quen tuân theo pháp luật ngay từ nhỏ là rất quan trọng.

- Việc hình thành các thói quen tuân theo pháp luật có tác động kiềm chế và làm mất đi phản xạ có điều kiện. Các nhà tâm lý học hành vi đã chứng minh rằng khi một người mẫu ngang hàng tiến hành hành vi gây hấn mà không có hậu quả tiêu cực thì nó sẽ làm tăng khả năng người quan sát cũng sẽ tiến hành những hành vi gây hấn bị cấm đoán tương tự khi bị đặt trong cùng một trường hành vi. Như vậy, khi một người quan sát chứng kiến một người khác phải chịu đựng hình phạt vì đã tiến hành những hoạt động bị cấm, vi phạm pháp luật  thì khuynh hướng thực hiện những hành động sai lầm tương tự đó bị giảm đi.

- Điều này xảy ra là do sự quan sát những hành động của những người gần gũi quanh ta để làm mẫu. Đó là sự bắt chước không hơn không kém hay tập nhiễm theo hậu quả.Tập nhiễm theo hậu quả là ứng xử được quan sát do cá nhân thống hợp có xét đến hậu quả của nó lên mẫu. Cá nhân quan sát và đánh giá các hậu quả ứng xử gây ra cho người mẫu, điều này ảnh hưởng đến một số quá trình nhận thức làm cho có thể đặt kiểu tập nhiễm này vào loại tiếp theo. 

3. Phải kiểm soát chặt chẽ các tình huống giáo dục.

Do Tâm lý học hành vi nghiêng về quan niệm hành vi phạm tội luôn có sự tác động không nhỏ bởi môi trường và hoàn cảnh xung quanh, nên muốn khiến nhân cách và hành vi của người bình thường cũng như người phạm tội dần trở về đúng pháp luật, muốn họ sau này không có hành vi vi phạm hoặc tái phạm thì nhất thiết, phải dùng sự lao động cùng các chế độ giáo dục, quản lý và học tập riêng để giúp họ nhìn nhận được hành vi  của mình. Tâm lý học hành vi tin rằng, nếu người bình thường nói chung và người phạm tội nói riêng được đặt vào một môi trường quản lý  giáo dục tốt và tích cực, chuân mực đạo đức xã hội thì họ sẽ bị tác động bởi môi trường này mà khắc phục và điều chỉnh lại nhận thức, tâm lý của mình và có những hành vi đúng đắn.

4. Tránh xa các tình huống dễ gây cảm xúc. 

Các tình huống dễ gây cảm xúc đóng vai trò như một tác nhân gây kích thích tác động đến hành vi của người phạm tội. Những tình huống dễ gây cảm xúc từ môi trường xã hội có thể tạo ra nhũng hành vi tích cực hoặc tiêu cực. Theo thống kê của ngành công an, 60 - 70% số vụ án giết người do các nguyên nhân xã hội trong năm 2010 là có tính bột phát, nhất thời, tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ dẫn đến hành vi phạm tội; khoảng 20% số vụ do người thân, ruột thịt, họ hàng gây ra. Nguyên nhân chủ yếu của những vụ giết người này chỉ bắt nguồn từ mâu thuẫn trong sinh hoạt, đôi khi rất nhỏ nhặt (vụ em rể đặt thuốc nổ vào xe máy khiến chị dâu thiệt mạng ở Bắc Ninh gần đây là một dẫn chứng đau lòng). Con số này cũng chỉ ra những bất cập trong một số kỹ năng sống của người phạm tội, như thiếu tự tin, khả năng kiềm chế, tự chủ kém, trong khi về xúc cảm thường có cường độ mạnh, nhưng dễ thay đổi; tính hay phô trương, bốc đồng nổi trội trong khi nhu cầu nhận thức nghèo nàn...

Tâm lý con người luôn diễn biến tùy vào những tình huống cụ thể mà mỗi cá nhân gặp phải trong cuộc sống. Ðiều quan trọng là mỗi người biết kiềm chế những biểu hiện không lành mạnh để hành động tích cực thắng thế. Nhưng, dường như định hướng giáo dục còn thiếu chú trọng bồi đắp những kỹ năng tự suy xét và đánh giá, cũng như khả năng tự kiềm chế những biểu hiện không mong muốn trong tính cách mỗi người. Trong khi đó, một số nét tính cách được xem là mang tính "truyền thống" như sĩ diện, nhiều khi chỉ là "sĩ diện hão" vẫn còn phổ biến và làm sai lệch đi giá trị đích thực của lòng tự trọng. Sự thiếu hụt những kỹ năng nêu trên và những phẩm chất cần thiết dễ làm cho con người có hành vi bột phát không kiểm soát được khi ở vào tình huống căng thẳng.

Kết luận

Thuyết phòng ngừa tội phạm theo quan điểm của Tâm lý học hành vi tuy đã ra đời từ lâu và có những hạn chế nhất định nhưng những đóng góp của nó đối với công tác phòng ngừa tội phạm hiện nay là không thể phủ nhận. Tâm lý học hành vi cùng với những thuyết khác về phòng ngừa tội phạm của Phân tâm học, Tâm lý học hoạt động, Tâm lý học nhân thức... là những nền móng đầu tiên cho quá trình nghiên cứu và phát triển vấn đề phòng ngừa tội phạm.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Tập bài giảng Tâm lý học tội phạm, Trường Đại học Luật Hà Nội
2. Đại học quốc gia Hà Nội, Các trường phái lý thuyết trong tâm lý học xã hội. xuât bản năm 2005
3. Nguyễn Công Khanh, Tâm lý trị liệu, NXB ĐHQGHN, 2000, trang 87.
4. Trương Am, Tác động tâm lý trong hoạt động điều tra hình sự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2001.
5. Nguyễn Hồi Loan -  Đặng Thanh Nga, Tâm lý học tư pháp, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009
6. Trương Ngôn, Giáo trình tâm lý pháp lý, Trường đại học Cảnh sát nhân dân, 1995.

No comments:

Post a Comment