Bài tập tình huống Luật Sở hữu trí tuệ có đáp án.
Đề tình huống: Anh A là nhân viên của công ty X ( công ty này chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp). Trong thời gian làm việc tại công ty X, anh A tạo ra phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp một cách độc lập mà không phải thực hiện nhiệm vụ được công ty X giao cho. Giữa anh A và công ty X xảy ra bất đồng trong xác định tác giả của phương pháp này. Theo anh/chị:
a. Tác giả của phương pháp là anh A hay công ty X?
b. Anh A/công ty X nên đăng ký bảo hộ sang chế hay bảo mật phương pháp với ý nghĩa là một bí mật kinh doanh.
GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
I. Tác giả của các đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Khái niệm: Theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì: “ Tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là người trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp; trong trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp thì họ là đồng tác giả.”
- Đặc điểm :
Tác giả là người tạo ra các sản phẩm trí tuệ được thể hiện dưới dạng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp có tính sáng tạo;
Tác giả chỉ có thể là cá nhân ;
Tác giả là người trực tiếp tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình ;
- Cơ sở pháp lý : Vấn đề tác giả của các đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định trong các điều luật : khoản 1 điều 86, khoản 1 điều 122 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005,sửa đổi bổ sung năm 2009. Ngoài ra, vấn đề này còn được quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 736 Bộ luật dân sự cũng như tại Điểu 15 Nghị định 103 /2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
II. Giải quyết vụ việc.
1. Tác giả của phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp.
Trong trường hợp cụ thể trên, tác giả của phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp là anh A và anh là người có quyền đăng ký sáng chế đối với phương pháp này.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 86, khoản 1 Điều 122 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 15 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, khoản 1 Điều 736 Bọ luật dân sự năm 2005 các tổ chức, cá nhân sau đây là tác giả của sáng chế:
Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình.
Tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là người trực tiếp sang tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp.
Trong trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp thì họ là các đồng tác giả.
Căn cứ vào các quy định tại Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nghị định 103/2006/NĐ-CP và Bộ luật dân sự năm 2005, đồng thời xét tình huống thực tiễn này: “Trong thời gian làm việc tại công ty X, anh A tạo ra phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp một cách độc lập mà không phải thực hiện nhiệm vụ được công ty X giao cho.” Có thể thấy anh A, bằng công sức của mình đã độc lập nghiên cứu, trực tiếp tìm hiểu và chi phí cho việc tạo ra phương pháp này, theo đó anh A thỏa mãn các điều kiện để là tác giả của phương pháp này theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 86, khoản 1 Điều 122 Luật sở hữu trí tuệ; Vì vậy anh A có quyền đăng ký sang chế đối với phương pháp này.
Trong khi đó công ty X không phải là người trực tiếp tạo ra phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp. Công ty X cũng không phải la chủ thể hợp tác với anh A để trực tiếp sáng tạo ra phương pháp này. Đồng thời công ty X không có hoạt động đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho anh A dưới hình thức giao việc, thuê việc để tạo ra phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp. Theo đó công ty X không thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 86, khoản 1 Điều 122 Luật sở hữu trí tuệ, đoạn 2 khoản 1 Điều 736 Bộ luật dân sự. vì vậy công ty X không phải là tác giả, cũng không phải là đồng tác giả hay chủ sở hữu đối với sáng chế xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp. Công ty X không có quyền đăng ký sáng chế đối với phương pháp này.
Trong trường hợp anh A sử dụng tài sản của công ty để nghiên cứu mà không được sự đồng ý của công ty tức là anh A đã vi phạm nội quy của công ty. Trong trường hợp đó, công ty không thể lấy lý do : anh A sử dụng tài sản để nghiên cứu tạo ra phương pháp mới, thì phương pháp mới đó phải thuộc sở hữu của công ty. Điều đó là bất hợp lý và trái quy định của pháp luật. Việc anh A sử dụng tài sản của công ty để nghiên cứu khi không có sự đồng ý của công ty là vi phạm nội quy, vi phạm hợp đồng lao động, công ty X chỉ có thể xử lý anh A theo quy định của nội quy, thỏa thuận trong hợp đồng lao động, quy định của thỏa ước lao động tập thể hoặc có thể áp dụng quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Nếu có thiệt hại xảy ra đối với tài sản của công ty thì đó cũng không phải là lý do để công ty chiếm dụng phương pháp mới do anh A tạo ra, mà việc bồi thường thiệt hại của anh A có thể giải quyết theo quy định của Bộ luật Lao động, quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
2. Việc đăng ký bảo hộ của anh A đối với phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp.
Việc lưạ chọn bảo hộ dưới dạng sang chế hay bảo hộ bí mật kinh doanh tùy thuộc vào mỗi người nhưng trước khi quyết định hình thức bảo hộ cần cân nhắc đến hiệu quả của mỗi hình thức, đồng thời phải kiểm tra xem giải pháp kỹ thuật có đáp ứng điều kiện bảo hộ hay không. Trong trường hợp này, để xác định việc anh A nên bảo hộ dưới dạng Sáng chế hay nên bảo hộ Bí mật kinh doanh và bảo hộ theo cách nào thì có lợi hơn lại là vấn đề cần phải xem xét, cân nhắc lý lưỡng.
Bảo hộ Sáng chế:
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Để được cấp một bằng sáng chế, đòi hỏi giải pháp kỹ thuật đó phải đáp ứng các điều kiện như: Có tính mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Như vậy, không phải đối tượng nào cũng có thể bảo hộ với danh nghĩa sáng chế, chẳng hạn: cách thức thể hiện thông tin, giải pháp chỉ mang tính thẩm mỹ, hay như các quy trình sản xuất thực vật, động vật chỉ mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh...
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền và hiệu lực của bằng sáng chế là 20 năm. Bằng sáng chế không cấp cho những ý tưởng mơ hồ mà chỉ cấp cho những giải pháp kỹ thuật được trình bày cụ thể, chi tiết. Người yêu cầu cấp bằng sáng chế phải công bố trước công chúng một cách chi tiết những bí quyết kỹ thuật và phải nêu rõ phạm vi bảo hộ hợp lý.
Bảo bộ Bí mật kinh doanh:
Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộ lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Để được bảo hộ theo dạng bí mật kinh doanh, cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Về lý thuyết, bí mật kinh doanh được bảo hộ vô thời hạn và không cần làm thủ tục đăng ký.
Căn cứ vào sự phân tích ở trên thì anh A có thể làm đơn đăng ký bảo hộ sáng chế. Nhưng nếu như anh không muốn bộc lộ bí quyết kỹ thuật bởi họ lo sợ sáng chế có thể bị người khác lấy thì trong trường hợp này, anh A cũng có thể bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh. Cần phải lưu ý rằng, việc bảo hộ bí mật kinh doanh không đơn giản. Muốn bảo hộ bí mật kinh doanh phải tìm những biện pháp cần thiết để hạn chế việc phổ biến thông tin. Chẳng hạn như: Phải hạn chế sự ra vào nơi làm việc; tránh sự tiếp cận với các tài liệu, thông tin bí mật; hạn chế nghiêm ngặt số lượng người có thể tiếp cận các thông tin cạnh tranh quan trọng; phải giáo dục nhân viên chủ chốt và phải giám sát rất kỹ buổi thuyết trình, giới thiệu sản phẩm... Việc bảo hộ bí mật kinh doanh rất tốn kém và phần lớn phải dưạ vào các cơ quan pháp luật.
Trên thực tế có nhiều trường hợp vì sợ bộc lộ thông tin, nhiều sản phẩm đã không bao giờ xuất hiện, nhất là những sản phẩm có vốn đầu tư lớn, bởi khi sản phẩm được bán ra thị trường, các đối thủ cạnh tranh có thể dễ dàng bắt chước. Nhưng nếu như anh A cứ giữ bí mật mãi sáng chế đó thì sáng chế không được công bố này sẽ bị mai một đi và trở thành lạc hậu. Chính vì vậy, anh A chỉ nên bảo hộ dưới hình thức bí mật kinh doanh khi mà không thể xin cấp được bằng sáng chế. Thực tế hiện nay, nếu không có bằng sáng chế thì không thể có sự phát triển công nghệ và không thúc đẩy sự sáng tạo của con người.
Xét theo tình huống này thì anh A nên bảo hộ dưới dạng sáng chế, vì có thể công ty X cũng đã biết được những bí quyết kỹ thuật của phương pháp xử lý nước thải ro anh tạo ra. Vì vậy, nếu như bảo hộ dưới hình thức bí mật kinh doanh thì anh A cũng khó có thể giữ được bí mật đó là của riêng mình. Theo hình thức sáng chế thì anh A có quyền độc quyền tối cao trong việc sử dụng sáng chế của mình trong vòng 20 năm, đổi lại anh phải công bố bí quyết của mình để mọi người có thể hiểu và học hỏi được từ những giải pháp kỹ thuật đó. Sau thời hạn bảo hộ, bất cứ ai cũng có quyền sử dụng. Tuy nhiên, thời gian 20 năm cũng là tương đối dài để anh A có thể khai thác công dụng và thu được nhiều lợi ích từ sang chế đó. Có thể đầu tư sản xuất máy móc, thiết bị hoạt động theo phương pháp này bán cho các chủ thể có nhu cầu sử dụng. Nếu như anh A không có đủ vốn và các điều kiện cần thiết cho việc áp dụng sản xuất thì anh có thể chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc chuyển quyền sử dụng sáng chế này cho chủ thể khác thông qua hợp đồng chuyển quyền sở hữu hoặc hợp đồng chuyển quyền sử dụng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật sở hữu trí tuệ, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009;
2. Bộ luật Dân sự 2005;
3. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009;
4. Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
5. Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
No comments:
Post a Comment