15/06/2014
Tội trộm cắp tài sản - Bài tập nhóm Luật Hình sự 1
Xã hội ngày càng phát triền và văn minh nhưng vấn đề về tội phạm vẫn luôn gây nhức nhối, đặc biệt là tội phạm trộm cắp tài sản không ngừng gia tăng ở các thành phố lớn. Theo trang thông tin điện tử của thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, chỉ từ 01/01/2010 đến 31/4/2010, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 26 vụ trộm cắp tài sản, trị giá tài sản thiệt hại khoảng 1.5 tỷ đồng. Ngày nay, hoạt động của các đối tượng phạm tội diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn gây án ngày càng tinh vi, manh động với giá trị tài sản cao, gây thiệt hại lớn cho cá nhân, tập thể. Có thể thấy, tội trộm cắp tài sản ngày càng phổ biến và có mức độ nguy hiểm cao cho xã hội. Thấy được tính chất nguy hiểm của tội trộm cắp tài sản, chúng em đã tiến hành tìm hiểu một ví dụ cụ thể như sau:

A trộm cắp tài sản của B trị giá 100 triệu đồng. Hành vi của A cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự và bị Tòa tuyên phạt 3 năm tù. Anh (chị) hãy xác định:

a) Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự, loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội gì? Vì sao? 

b) Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ? Vì sao?

c) Nếu A là người nước ngoài thì A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?

d) Tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS) đã được sửa đổi nội dung gì theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS ngày 19 tháng 6  năm 2009?

Dưới đây là toàn bộ hướng giải quyết của nhóm chúng em

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

a) Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự, loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội gì? Vì sao? 

Theo khoản 3 Điều 8 BLHS, các nhóm tội phạm được định nghĩa:

“Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của hình phạt đối với tội ấy là đến 7 năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Các nhóm tội phạm được phân biệt với nhau bởi dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội và dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lí. Dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội là tính nguy hiểm cho xã hội, dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lí là tính phải chịu hình phạt. Tính nguy hiểm cho xã hội được cụ thể hoá ở tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Tương ứng và phù hợp với bốn mức độ nguy hiểm cho xã hội đã được phân hoá như vậy cũng có bốn mức độ cao nhất của khung hình phạt: Đến 3 năm tù; đến 7 năm tù; đến 15 năm tù và trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Để xác định loại tội mà A đã thực hiện thuộc loại tội gì, phải căn cứ vào mức độ gây nguy hại cho xã hội và mức cao nhất của khung hình phạt với tội đó:

Đại lượng xác định mức độ gây nguy hại là các dấu hiệu cấu thành tội phạm đó. Trong tình huống nêu trên, dấu hiệu cấu thành tội phạm là: A trộm cắp tài sản của B. Trị giá tài sản bị trộm cắp là 100 triệu đồng. Hành vi của A cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS và bị Tòa tuyên phạt 3 năm tù.

Ngoài việc căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm, để xác định tội đó là loại tội gì còn phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy mà điều luật của BLHS quy định là mấy năm tù. Trong tình huống nêu trên, hành vi của A cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS. Phạm tội thuộc trường hợp này sẽ bị phạt tù từ hai đến bảy năm. Mức cao nhất của khung hình phạt trong trường hợp này là bảy năm tù. 

Vậy, theo mức độ gây nguy hại cho xã hội và mức cao nhất của khung hình phạt căn cứ điểm 3 khoản 2 Điều 138 và Khoản 3 Điều 8, loại tội mà A thực hiện là loại tội nghiêm trọng.

b) Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ? Vì sao?

Mỗi loại tội phạm thường có một CTTP cơ bản, ngoài ra còn có thể có một hoặc nhiều CTTP tăng nặng hay giảm nhẹ.

CTTP cơ bản là CTTP chỉ có dấu hiệu định tội- dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác.

CTTP tăng nặng là CTTP mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường).

CTTP giảm nhẹ là CTTP mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường). 

Vì vậy, để xác định hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành phạm tội cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ, cần phải dựa vào dấu hiệu định tội và dấu hiệu định khung (nếu có).

Khoản 1 Điều 138 BLHS quy định: trộm cắp tài sản của người khác “có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.” Đây là CTTP cơ bản vì ngoài dấu hiệu định tội “trộm cắp tài sản của người khác” thì không có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm nào khác. Dấu hiệu mô tả tội phạm ấy cho phép phân biệt tội trộm cắp tài sản với các tội khác như tội cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản... 

Để xác định một trường hợp phạm tội cụ thể thỏa mãn dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng hay khung hình phạt giảm nhẹ, cần phải đối chiếu dấu hiệu này với các tình tiết thực tế của hành vi phạm tội. Trong điểm e khoản 2 Điều 138, ngoài dấu hiệu định tội “trộm cắp tài sản của người khác” còn có thêm dấu hiệu “chiếm đoạt tài sản từ năm mươi triệu đồng đến trên hai mươi triệu đồng” – phản ánh mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi tăng lên một cách đáng kể. Trong tình huống trên, A có hành vi trộm cắp tài sản của B. Số tài sản đó trị giá 100 triệu đồng, thỏa mãn dấu hiệu đã nêu tại điểm e khoản 2 Điều 138 . Vì vậy, khung hình phạt được áp dụng với A chuyển từ khung hình phạt bình thường (cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm) lên một khung hình phạt nặng hơn (phạt tù từ hai đến bảy năm).

Căn cứ vào dấu hiệu định tội và dấu hiệu định khung hình phạt nêu trên, có thể xác định: hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm tăng nặng. 

c) Nếu A là người nước ngoài thì A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?

Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Hình sự quy định: “Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”  Như vậy, theo nguyên tắc lãnh thổ thì luật hình sự Việt Nam có hiệu lực tuyệt đối với mọi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dù người thực hiện tội phạm là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không quốc tịch. Tuy nhiên, tại khoản 2 điều này, Bộ luật Hình sự cũng có quy định thêm: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

Khi người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam thì cơ quan chức năng địa phương phải tiến hành thủ tục điều tra theo đúng quy định của bộ luật Tố tụng hình sự (Điều 2 bộ luật TTHS). Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các hiệp định quốc tế mà nước ta đã ký kết hay công nhận hoặc theo tục lệ quốc tế, thì vấn đề về trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. (Điều 10, 12, 28, 29 Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23/8/1993).

- Nếu là người nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao thì không được bắt, giữ hoặc có hành động nào xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm thân thể của họ. Sau khi lập xong biên bản thì tạo điều kiện cho họ quay về nhiệm sở và thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao biết. 

- Nếu là người nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ lãnh sự thì cũng xử lý như trên trừ những trường hợp phạm tội nghiêm trọng thì có thể bị giam, tạm giữ (trước khi ra quyết định cần tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao).

Do đó, nếu A là người nước ngoài và hành vi nói trên của A xảy ra ở Việt Nam thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự của A phải xét đến hai trường hợp:

1. Nếu A là người nước ngoài nhưng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự

Trong trường hợp này A có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật Hình sự Việt Nam. Quyền miễn trừ ngoại giao là những quyền dành cho cơ quan đại diện ngoại giao và thành viên của cơ quan đại diện đó được miễn trừ khỏi các hành vi cưỡng chế của cơ quan tư pháp, tài chính và cơ quan điều tra, an ninh của nước sở tại, được miễn trừ khỏi việc bắt giữ, khám xét, hỏi cung, trưng thu, tịch thu tài sản, ... tại nước sở tại. Mọi chi tiết về các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao được quy định tại Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao và Pháp lệnh năm 1993 về quyền ưu đãi và miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Điều 31 Công ước Viên của Bộ Ngoại giao ngày 18/4/1961 về quan hệ ngoại giao có quy định: “Viên chức ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự của Nước tiếp nhận. Họ cũng được hưởng quyền miễn trừ xét xử về dân sự và hành chính…” trừ những trường hợp được quy định tại điểm a, b, c của khoản này. Đồng thời Khoản 3 Điều 31 cũng nêu rõ:  Không được có bất cứ một biện pháp xử lý nào đối với viên chức ngoại giao, trừ những trường hợp nêu ở các điểm a, b và c trong Khoản 1 của Điều này và việc xử lý đó cần được tiến hành sao cho không vi phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể hoặc nhà ở của họ.”

Các trường hợp ngoại giao là vấn đề nhạy cảm để giữ vững hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia nên vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của A còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận và đàm phán giữa những nhà ngoại giao của hai nước. A có thể phải chịu trách nhiệm hình sự Việt Nam hoặc cũng có thể không. Trường hợp của A sẽ được xét xử theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

2. Nếu A là người nước ngoài và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 5 Bộ luật hình sự

Trong trường hợp này A đương nhiên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Điều này được quy định rõ tại Khoản 1 Điều 5 của Bộ luật hình sự về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó A sẽ bị xét xử và phải chịu trách nhiệm hình sự  tương ứng với tội danh của mình theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

d) Tội trộm cắp tài sản (Điều 138 Bộ luật hình sự) đã được sửa đổi nội dung gì theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 19 tháng 6 năm 2009

Sau gần 8 năm thi hành, BLHS năm 1999 đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên đến nay, do điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước có nhiều thay đổi, đòi hỏi BLHS phải có những sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với tình trạng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển

Cụ thể trong điều 138 BLHS đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS năm 1999, tại khoản 1, điều 138 về tội “Trộm cắp tài sản”: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”

Còn trong luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự  ngày 19 tháng 6 năm 2009, tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 đã sửa đổi mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự ở quy định tại Khoản 1 của một số điều trong đó có Điều 138. Cụ thể, sửa đổi cụm từ “năm trăm nghìn đồng” thành cụm từ “hai triệu đồng” tại khoản 1 các điều 137, 138, 139, 143, 278, 279, 280, 283, 289, 290 và 291.

Vì thế, khoản 1 Điều 138 đã được sửa thành: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Như vậy, “Tội trộm cắp tài sản” điều 138 BLHS đã sửa đổi nội dung giá trị bị trộm cắp từ năm trăm nghìn đồng lên hai triệu đồng. Còn các điểm, khoản khác của Điều 138 vẫn giữ nguyên, thời gian áp dụng từ 00h00’ ngày 01/01/2010

Có thể  nói rằng, việc BLHS sửa đổi bổ sung một số điều, trong đó có Điều 138 là để phù hợp với tình hình thực tế. Sự sửa đổi này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa tương đối lớn. Nó đã phản ánh mức độ phản hồi của hệ thống pháp luật hình sự đối với sự thay đổi của kinh tế - xã hội. Pháp luật phải đi liền với thực tiễn đời sống. Đất nước ngày càng đi lên, tình hình kinh tế - xã hội cũng biến đổi, phát triển từng ngày, mức sống của người dân ngày một nâng cao và hoàn thiện hơn, mức lương tối thiểu tăng từ 180.000 lên 650.000 và sẽ tiếp tục tăng. Cùng với đó là tình trạng khủng hoảng tiền tệ, lạm phát dẫn đến đồng tiền mất giá. Như vậy, việc sửa đổi Điều 138 với nội dung như trên theo nhóm chúng em là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển của đời sống xã hội.  

Việc sửa đổi, bổ sung luật hình sự là một yêu cầu tất yếu, đảm bảo không hình sự hóa hầu hết các hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam. Các sửa đổi cần cụ thể, rõ ràng để làm cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự sửa đổi đó nhằm phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Nó thể hiện cái nhìn tổng hợp tình hình của các yêu cầu phát triển đất nước, các mối quan hệ đối nội, đối ngoại, các xu thế quốc tế nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền con người. 

KẾT LUẬN

Tội trộm cắp tài sản ngày càng tăng trong xã hội ngày nay gây thiệt hại đáng kể cho cá nhân, tập thể. Việc xác định chính xác và nhanh chóng loại tội phạm, loại cấu thành tội phạm, trách nhiệm hình sự của chủ thể là rất quan trọng, quyết định đến việc xét xử, áp dụng mức hình phạt đối với tội phạm. Cũng cần lưu ý rằng, xã hội ngày nay luôn phát triển không ngừng. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong BLHS là không thể thiếu. Các nhà áp dụng luật cần nắm bắt tình hình nhanh chóng, toàn diện, vận dụng linh hoạt góp phần làm cho xã hội dưới pháp luật thêm công bằng dân chủ.

Trên đây là toàn bộ bài tập nhóm tháng thứ nhất môn Luật Hình sự 1 của nhóm chúng em. Vì khuôn khổ bài làm có hạn nên có thể bài làm của chúng em không tránh khỏi những thiếu sót. Nhóm 2, lớp N04 – TL2 chúng em rất mong nhận được sự quan tâm, góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn

Chúng em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, NXB CAND, Hà Nội 2010
2. GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và Cấu thành tội phạm, NXB CAND, Hà Nội 2010
3. GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Mô hình Luật hình sự Việt Nam, NXB CAND, Hà Nội 2010
4. TS. Trần Minh Hưởng, Học viện cảnh sát nhân dân, Hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam tập1 – Bình luận khoa học Bộ luật hình sự dã được sửa đổi bổ sung năm 2009, NXB Lao động, Hà Nội 2009
5. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1999
6. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1999, sửa đổi bổ sung 2009
7. Công ước Viên của Bộ Ngoại giao ngày 18 tháng 4 năm 1961 về quan hệ ngoại giao

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment