Đề bài:
Do có mâu thuẫn từ trước với K, T định giết K. T cầm dao nhọn đâm 3 nhát liên tiếp vào ngực K để trả thù. Thấy K nằm im, tin rằng K đã chết, T bỏ đi. Được cấp cứu kịp thời, K không chết.
Hỏi:
a. Xác định giai đoạn phạm tội của T
b. Hình thức lỗi của T khi phạm tội là gì?
c. Mức hình phạt cao nhất tòa án có thể áo dụng đối với T là bao nhiêu?
Bài làm:
a. Xác định giai đoạn phạm tôi của T
Cũng như những hoạt động khác của con người trong xã hội, hành vi phạm tội diễn ra theo quá trình nhất định. Người cố ý phạm tội luôn muốn thực hiện được trọn vẹn quá trình đó để đạt được mục đích của mình nhưng trong thực tế, do những nguyên nhân ngoài ý muốn mà người phạm tội đã không thực hiện được toàn bộ quá trình đó mà phải dừng lại ở những thời điểm khác nhau. Để đánh giá mức độ thực hiện tội phạm, luật hình sự Việt Nam phân biệt 3 mức độ thực hiện tội phạm: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành (Điều 17, 18 BLHS)
Chuẩn bị phạm tội là giai đoạn trong đó người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó. Trong giai đoạn này, hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện là dạng phổ biến nhất. Người phạm tội chưa thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm, tức là chưa có hành vi xâm phạm đến đối tượng tác động.
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội (Điều 18 BLHS). Căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi mà họ đã thực hiện, phạm tội chưa đạt bao gồm phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt hoàn thành.
Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt, trong đó người phạm tội vì những nguyên nhân khách quan chưa thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm
Phạm tội chưa đạt hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt nhưng người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết đẻ gây ra hậu quả nhưng do nguyên nhân ngoài ý muốn, hậu quả vẫn không xảy ra.
Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được miêu tả trong CTTP. Khi tội phạm hoàn thành thì hành vi phạm tội đã có đủ các dấu hiệu phản ánh đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của loại tội đó
Quay lại với trường hợp của T, T cầm dao đâm liên tiếp 3 nhát dao vào ngực K. T tin rằng 3 nhát dao đó đã đủ làm cho K chết mà không cần phải đâm thêm nhát nào nữa. Tuy nhiên do được cấp cứu kịp thời nên K không chết, hậu quả chết người không xảy ra, mục đích của T không đạt được. Như vậy hành vi của T thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt. Bên cạnh đó, T đã thực hiện đầy đủ các hành vì cần thiết làm cho K chết, nhưng việc K không chết là do yếu tố khách quan nằm ngoài mong muốn của T. Như vậy, trong tình huống này, giai đoạn phạm tội của T là giai đoạn phạm tội chưa đạt hoàn thành.
b. Hình thức lỗi của T khi phạm tội là gì?
Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Để xác định hình thức lỗi của người thực hiện tội phạm phải căn cứ vào thái độ tâm lý của họ khi thực hiện tội phạm, thể hiện ở khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi phạm tội gây ra hậu quả tác hại. Trong tình huống trên, T thực hiện hành vi khi có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, ý thức và mong muốn hậu quả xảy ra, như vậy hình thức lỗi của T khi phạm tội là lỗi cố ý
Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (Điều 9 BLHS)
- Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vì của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó.
- Về ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả phát sinh
Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
- Về lí trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hành vi đó có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hôi.
- Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn cho hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra.
Với trường hợp của T:
Về lý trí: T cầm dao nhọn(vật có khả năng gây chết người) đâm 3 nhát liên tiếp vào ngực K chứng tỏ T nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó sẽ dẫn đến cái chết của K
Về ý chí: Sau khi đâm K, tin rằng K đã chết nên T bỏ đi, chứng tỏ T mong muốn cái chết của K (hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội)
Như vậy, hình thức lỗi của T khi phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
c. Mức phạt cao nhất Tòa án có thể áp dụng đối với T
Như đã phân tích ở trên, giai đoạn phạm tội của T là giai đoạn phạm tội chưa đạt. Theo quy định tại điều 18: “Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chưa đạt” Như vậy, người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm, không phân biệt mức độ và phân loại tội phạm.
Khoản 3 Điều 52 quy định:
“Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật có quy định áp dụng hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”
Trong tình huống này, hành vi phạm tội của T thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93. Phạm tội trong trường hợp này bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Mức cao nhất của khung hình phạt là mười lăm năm tù. Căn cứ khoản 3 Điều 52, mức cao nhất Toà án có thể áp dụng với T là không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định, nghĩa là không quá ba phần tư của mười lăm năm tù. Như vậy, mức án cao nhất là T có thể phải chịu là mười một năm ba tháng tù về tội giết người chưa đạt.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, NXB CAND, Hà Nội 2010
2. GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và Cấu thành tội phạm, NXB CAND, Hà Nội 2010
3. GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Mô hình Luật hình sự Việt Nam, NXB CAND, Hà Nội 2010
4. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1991, sửa đổi bổ sung 2009
5. http://diendanphapluat.vn
http://chinhphu.vn
http://sinhvienluat.vn
http://luatvietnam.vn
Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment