15/06/2014
Loại tội rất nghiêm trọng tội vi phạm an toàn giao thông - Bài tập nhóm Luật Hình sự 1
TÌNH HUỐNG SỐ 9:

A (điều khiển xe máy) vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng của 3 người. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 202 BLHS

Hỏi:

a. Căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy xác định trường hợp phạm tội theo Khoản 3 Điều 202 BLHS thuộc loại tội phạm nào?
b. Phân tích khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp này
c. Nếu A 15 tuổi thì A có phải chịu TNHS đối với hành vi vi phạm trong trường hợp này không? Tại sao?

GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG

a. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS hãy xác định trường hợp phạm tội theo khoản 3 Điều 202 BLHS thuộc loại tội phạm nào?

Theo khoản 3 Điều 8 BLHS, các nhóm tội phạm được định nghĩa:

“Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung  hình phạt đối với tội ấy là đến 7 năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Các nhóm tội phạm được phân biệt với nhau bởi dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội và dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lí. Dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội là tính nguy hiểm cho xã hội, dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lí là tính phải chịu hình phạt. Tính nguy hiểm cho xã hội được cụ thể hoá ở tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Tương ứng và phù hợp với bốn mức độ nguy hiểm cho xã hội đã được phân hoá như vậy cũng có bốn mức độ cao nhất của khung hình phạt: Đến 3 năm tù; đến 7 năm tù; đến 15 năm tù và trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Để xác định loại tội mà A đã thực hiện thuộc loại tội gì, phải căn cứ vào mức độ gây nguy hại cho xã hội và mức cao nhất của khung hình phạt với tội đó:

Đại lượng xác định mức độ gây nguy hại là các dấu hiệu cấu thành tội phạm đó. Trong tình huống nêu trên, dấu hiệu cấu thành tội phạm là: A điều khiển xe máy vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng của 3 người. Hành vi của A cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 3 Điều 202 BLHS 

Ngoài việc căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm, để xác định tội đó là loại tội gì còn phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy mà điều luật của BLHS quy định là mấy năm tù. Trong tình huống nêu trên, hành vi của A cấu thành tội phạm theo khoản 3 Điều 202 BLHS. Phạm tội thuộc trường hợp này sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Mức cao nhất của khung hình phạt trong trường hợp này là mười lăm năm tù. 

Vậy, theo mức độ gây nguy hại cho xã hội và mức cao nhất của khung hình phạt căn cứ khoản 3 Điều 202 và Khoản 3 Điều 8, loại tội mà A thực hiện là loại tội rất nghiêm trọng.

b. Phân tích khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp này

Khách thể của tội phạm:

Cũng giống như các hoạt động khác của con người, hoạt động phạm tội cũng nhằm vào những khách thể cụ thể, tồn tại ngoài ý thức và độc lập với ý thức của chủ thể nhưng không phải là cải biến khách thể mà là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho chính những khách thể đó

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại.

Theo luật hình sự Việt Nam, những quan hệ xã hội được coi là khách thể bảo vệ của luật hình sự là những quan hệ xã hội đã được xác định trong khoản 1 Điều 8 BLHS: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.

Hành vi bị coi là tội phạm, theo luật hình sự Việt Nam là hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho một trong những quan hệ xã hội đã được xác định.

Khách thể của tội phạm là một trong bốn đặc điểm để cấu thành nên tội phạm. Các hành vi xâm phạm đến các quan hệ xã hội nếu không là khách thể của tội phạm thì không phải là tội phạm. Hiểu rõ được khách thể của tội phạm sẽ giúp chúng ta xác định rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, phân biệt tội này với tội khác.

Đối với tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp trên, căn cứ quy định về hành vi khách quan của tội này đó là “ ... điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác...” tại Điều 202 BLHS, có thể khẳng định khách thể của tội phạm bao gồm cả quan hệ về an toàn, trật tự công cộng và quan hệ nhân thân. Nghĩa là hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ do A thực hiện là loại tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Khách thể bị xâm phạm, đe dọa xâm phạm trước là trật tự, an toàn công cộng, cụ thể hơn là trật tự an toàn giao thông đường bộ từ đó gây thiệt hại và xâm phạm trực tiếp đến quan hệ nhân thân, là tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.

Đối với loại tội phạm này, không thể bóc tách hai quan hệ xã hội đồng thời bị xâm phạm  được. Bởi nếu chỉ xét sự xâm hại một trong hai quan hệ xã hội đó thì chưa thực sự phản ánh được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Bản chất của tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chỉ được thể hiện chính xác, đầy đủ trong sự tổng hợp các thiệt hại đã gây ra cho tất cả các quan hệ xã hội mà hành vi phạm tội hướng tới.

Do đó, an toàn, trật tự công cộng và quan hệ nhân thân đều là khách thể trực tiếp của hành vi phạm tội trong trường hợp này.

Đối tượng tác động của tội phạm: 

Sự gây thiệt hại cho khách thể, dù ở bất cứ hình thức cụ thể nào cũng luôn luôn diễn ra trên cơ sở hành vi phạm tội tác động và làm biến đối tình trạng bình thường của đối tượng tác động – bộ phận cấu thành quan hệ xã hội.

Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

Bất cứ tội phạm nào cũng đều tác động làm biến đổi tình trạng của những đối tượng tác động cụ thể. Sự làm biến đổi tình trạng này là phương thức gây thiệt hại cho quan hệ xã hội.   

Đối tượng tác động của tội phạm có thể là con người, các đối tượng vật chất hay hoạt động bình thường của chủ thể. Sự gây thiệt hại cho khách thể dù ở hình thức cụ thể nào cũng luôn diễn ra trên cơ sở hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng của các đối tượng tác động – các bộ phận cấu thành của quan hệ xã hội.

Trong tình huống này, hành vi phạm tội của A đã dẫn đến cái chết của 3 nạn nhân. Như vậy, con người trở thành đối tượng tác động của tội phạm bởi quyền nhân thân, cụ thể là tính mạng, sức khỏe của 3 nạn nhân bị tội phạm xâm phạm tới và chỉ có thể thực sự bị gây thiệt hại khi có sự biến đổi tình trạng bình thường về sức khỏe, sự sống của con người. 

c. Nếu A 15 tuổi thì A có phải chịu TNHS đối với hành vi vi phạm trong trường hợp này không?

Năng lực chịu TNHS là điều kiện cần thiết để có thể xác định con người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chỉ có người có năng lực TNHS mới có thể là chủ thể của tội phạm. 

Trách nhiệm hình sự được hiểu là “Trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình” 

Để kêt luận được rằng A có phải chịu trách nhiệm hính sự về hành vi của mình không cần xác định A có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đã đạt độ tuổi luật định chưa? 

Người có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam là người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 12 BLHS và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 13 BLHS:

“Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: 

1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thực hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hính sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. 

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, những đã lâm và tình trạng quy định tại khoản 1 điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.” 

Để xác định xem A có phải chiu trách nhiệm hình sự khi có hành vi pham tội thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 202 BLHS không cần phải xét các vấn đề sau:

Thứ nhất, A không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 13 BLHS.

Thứ hai, căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nước khác, Nhà nước ta đã xác định trong BLHS tuổi 14 là tuổi bắt đầu có năng lực TNHS và tuổi 16 là tuổi có năng lực TNHS đầy đủ. Điều 12 BLHS quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.” Theo quy định trên, A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng vì A đã 15 tuổi.

Thứ ba, hành vi điều khiển xe máy gây thiệt hại tính mạng cho ba người của A thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 202 BLHS. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS thì trường hợp này thuộc loại tội rất nghiêm trọng. Ngoài ra, xét về mặt chủ quan thì tội phạm được quy định tại Điều 202 BLHS được thực hiện với lỗi của can phạm là lỗi vô ý. Tùy từng trường hợp mà lỗi của kẻ phạm tội có thể là lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả. Nhưng trong cả hai trường hợp lỗi trên, người phạm tội đều không mong muốn cho hậu quả xảy ra. Vì vậy, loại tội mà A thực hiện là loại tội rất nghiêm trọng do vô ý.

Qua những phân tích trên, có thể thấy A là người đã có năng lực trách nhiệm hình sự để chịu trách nhiệm về những tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trường hợp phạm tội của A lại thuộc loại tội rất nghiêm trọng do vô ý. Vì vậy, nếu A 15 tuổi thì A không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm trong trường hợp này.

KẾT LUẬN

Tội phạm liên quan đến xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng đang ngày càng tăng trong xã hội ngày nay gây thiệt hại đáng kể cho cá nhân, tập thể. Việc xác định chính xác và nhanh chóng loại tội phạm, loại cấu thành tội phạm, trách nhiệm hình sự của chủ thể là rất quan trọng, quyết định đến việc xét xử, áp dụng mức hình phạt đối với tội phạm. Các nhà áp dụng luật cần nắm bắt tình hình nhanh chóng, toàn diện, vận dụng linh hoạt góp phần làm cho xã hội dưới pháp luật thêm công bằng dân chủ.

Trên đây là toàn bộ bài tập nhóm tháng thứ hai môn Luật Hình sự 1 của nhóm chúng em. Vì khuôn khổ bài làm có hạn nên có thể bài làm của chúng em không tránh khỏi những thiếu sót. Nhóm 2, lớp N04 – TL2 chúng em rất mong nhận được sự quan tâm, góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn.

Chúng em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, NXB CAND, Hà Nội 2010
2. GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và Cấu thành tội phạm, NXB CAND, Hà Nội 2010
3. GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Mô hình Luật hình sự Việt Nam, NXB CAND, Hà Nội 2010
4. TS. Trần Minh Hưởng, Học viện cảnh sát nhân dân, Hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam tập1 – Bình luận khoa học Bộ luật hình sự dã được sửa đổi bổ sung năm 2009, NXB Lao động, Hà Nội 2009
5. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1999, sửa đổi bổ sung 2009
6. Các website:
http://diendanphapluat.vn
http://chinhphu.vn
http://sinhvienluat.vn
http://luatvietnam.vn
http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment