15/06/2014
Hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản - Bài tập cá nhân Luật Hình sự 2
Đề bài:

Với ý định chiếm đoạt tài sản của người khác, lợi dụng đêm tối M lẻn vào nhà ông D khi cả nhà đang ngủ say để lấy chiếc xe đạp mới mua. Khi đang dắt xe ra cửa thì hành vi của M bị ông D phát hiện. Ông D hô mọi người bắt giữ M và nắm đuôi chiếc xe đạp kéo lại không cho M dắt đi. M dung chân đạp vào ngực ông D làm co ông ngã đập đầu xuống sàn nhà (thương tích không đáng kể). Sau khi đạp ông D, M tiếp tục dắt xe ra ngoài nhưng thấy mọi người nghe tiếng kêu cứu đang đổ xô lại nên y bỏ lại chiếc xe trong ngõ.

1. Xác định hành vi của M?
2. Giả sử chiếc xe đạp có giá trị 1.500.000 đồng thì M có phạm tội không?

3. Giả sử ông D bị M đạp ngã xuống sàn và chết thì tội danh của M được xác định như thế nào


1. Xác định hành vi của M?

Hành vi thứ nhất: Theo tình huống của đề bài, lợi dụng đêm tối, khi cả nhà ông D đang say ngủ, M đã lẻn vào nhà ông D lấy chiếc xe đạp. Gia đình ông D – chủ sở hữu của chiếc xe đạp không hề hay biết về hành vi chiếm đoạt của M cho đến khi M dắt xe ra đến cửa. Như vậy, có thể thấy, hành vi của M là lén lút đối với tài sản của ông D.

Hành vi thứ hai: Ngay khi bị ông D phát hiện, tri hô mọi người và giành lại tài sản, M dùng chân đạp vào ngực ông D làm cho ông ngã đập đầu xuống sàn nhà. Ở đây xuất hiện hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản ngay tức khắc nhằm làm cho ông D không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản.

Hành vi “lén lút” được coi là dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 BLHS. Tuy nhiên ở đây có thể nhận thấy hành vi “lén lút” được chuyển hóa thành hành vi “dùng vũ lực” qua chi tiết “M dùng chân đạp vào ngực ông D làm cho ông ngã đập đầu xuống sàn nhà”. Ngay sau đó, M vẫn tiếp tục dắt xe ra khỏi nhà. Có thể thấy, hành vi dùng vũ lực ở đây không nhằm mục đích tẩu thoát mà nhằm mục đích chiếm đoạt  tài sản. Như vậy, lúc đầu M lén lút vào nhà ông D lấy chiếc xe đạp, nhưng sau đó, khi bị ông D phát hiện và hô mọi người bắt giữ, M đã ngay tức khắc dùng vũ lực hòng chiếm đoạt bằng được tài sản của ông D – dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS

Như vậy đối chiếu các tình tiêt của vụ án, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn thì trường hợp của M thuộc trường hợp chuyển hóa từ lén lút chiếm đoạt tài sản thành dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản

2. Giả sử chiếc xe đạp có giá trị 1.500.000 đồng thì M có phạm tội không?

Tiểu mục 6.2 Mục I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 có quy định: “Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”

Mặt khác, Khoản 1 Điều 133 BLHS quy định rõ: “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì…” Như vậy, do tính chất nguy hiểm cao của tội phạm này nên cấu thành tội phạm chỉ miêu tả 3 dạng hành vi khách quan được coi là hành vi phạm tội của tội cướp tài sản  và dấu hiệu mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” mà không đề cập đến giá trị tài sản. Giá trị tài sản chỉ được đề cập đến ở khoản 2,3,4 với ý nghĩa là dấu hiệu định khung tăng nặng. Nói cách khác, chủ thể chỉ cần thực hiện một trong 3 hành vi khách quan nêu trên đã đủ để cấu thành tội phạm

Như vậy, hành vi của M nêu trên đã đủ các yếu tố cấu thành tội cướp tài sản được qui định tại điều 133 BLHS 

Tóm lại, giả sử chiếc xe đạp có giá trị là 1.500.000 đồng hay trên, dưới 1.500.000 đồng thì hành vi của M vẫn cấu thành tội cướp tài sản theo khoản 1 điều 133 BLHS do M đã dùng vũ lực đối với ông D là chủ chiếc xe đạp nhằm chiếm đoạt tài sản đó của ông D.

3.  Giả sử ông D bị M đạp ngã xuống sàn và chết thì tội danh của M đươc xác định như thế nào?

Giả sử ông D bị M đạp ngã xuống sàn và chết thì tội danh của M được xác định là tội cướp tài sản theo qui định tại điểm a khoản 4 điều 133( cướp tài sản làm chết người) mà không cấu thành tội giết người theo Điều 93 BLHS.

Sở dĩ có thể kết luận như vậy dựa vào những căn cứ sau: Tội giết người theo Điều 93 BLHS quy định hành vi giết người phải là hành vi tước đoạt trái pháp luật sự sống của con người với lỗi của chủ thể là lỗi cố ý. Người phạm tội thấy trước được hậu quả nguy hiểm của hành vi của mình nhưng mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Tuy nhiên trong trường hợp này, căn cứ vào mặt chủ quan thì lỗi của M đối với hậu quả ông D chết là lỗi vô ý, bởi: Ngay từ đầu mục đích của M là chiếm đoạt chiếc xe đạp mới mua của nhà ông D nên mới lợi dụng đêm tối khi cả gia đình ông D đang ngủ say để lấy trộm xe. Nhưng hành vi đó của M đã bị ông D phát hiện và tri hô mọi người đồng thời ông D cũng nắm lấy đuôi xe kéo lại không cho M dắt đi.Để chống lại sự ngăn cản đó của ông D, M đã dùng chân đạp vào ngực ông D. Rõ ràng trong hoàn cảnh này thì ý thức của M chỉ là đạp vào ông D để ông ta bị đau mà buông tay ra không nắm lấy đuôi xe đạp nữa để M có thể dắt được xe đi. M có thể lường trước được việc ông D bị ngã. Tuy nhiên M không thể lường trước được cú ngã đó lại khiến ông D chết. Hơn nữa M không hề có ý thức mong muốn hậu quả chết người và cũng không có ý thức bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra. Đối tượng hướng đến của M là chiếc xe đạp. Cái chết của ông D nằm ngoài mong muốn của M .

Từ đó, ta có thể  kết luận M vẫn phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS nhưng với tình tiết tăng nặng “làm chết người”  theo điểm a khoản 4 Điều 133 BLHS 1999.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập 1, NXB CAND, Hà Nội 2010
2. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học bộ luật hình sự phần các tội phạm tập II, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh. 
3. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (Đã được sửa đổi bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009)
4. Nghị quyết số 01-1989/HĐTP ngày 19/04/1989 của Hội đồng thẩm phán TANDTC
5. Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment