15/06/2014
Tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người - Bài tập nhóm Luật Hình sự 2
Con người được coi là vốn  quý của xã hội, là đối tượng hàng đầu được pháp luật hình sự nói riêng cũng như pháp luật nói chung bảo vệ. Bảo vệ con người trước hết là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và tự do của họ, vì đó là những điều có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với con người. Vì lẽ đó, Bộ luật Hình sự Việt Nam có riêng một chương – chương XII, quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Đây được coi là một trong những chế định quan trọng nhất của bộ luật hình sự Việt Nam, trực tiếp bảo vệ con người với tư cách là chủ thể của các mối quan hệ xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, với bài tập nhóm tháng thứ nhất môn Luật Hình sự Việt Nam 2, nhóm 2, lớp N02 – TL1 chúng em xin chọn đề bài số 6:

Hiếu và Hoa kết hôn đã được 15 năm. Hiếu thường xuyên uống rượu say thì về đập phá đồ đạc trong gia đình và đánh vợ rất dã man. Mỗi khi không lo được tiền cho chồng mua rượu, chị Hoa lại phải gánh chịu những lời lăng mạ tồi tệ cùng trận đòn quái ác của chồng. Có lần chưa hả dạ, Hiếu còn kéo chị Hoa ra đầu làng và làm nhục chị. Do quá uất ức và tủi nhục, chị Hoa đã nhảy xuống sông để tự sát. Thấy vậy, Hiếu nhảy xuống sông dìm đầu vợ xuống nước và nói : “Muốn chết tao cho chết luôn”. Mấy phút sau chị Hoa tắt thở. Hỏi : 

1. Xác định tội danh của Hiếu.
2. Giả sử Hiếu không có hành vi dìm đầu vợ xuống nước thì tội danh của Hiếu là gì.
3. Giả sử chị Hoa nhảy xuống sông tự sát nhưng được hàng xóm cứu, không chết thì TNHS của Hiếu được giải quyết như thế nào.

4. Giả sử Hiếu vừa chấp hành xong bản án 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích và đã có hành vi nêu trên thì trường hợp phạm tội của Hiếu được coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.


NỘI DUNG CHÍNH

1. Xác định tội danh của Hiếu.

Hiếu bị truy tố về tội giết người tại Điều 93 BLHS căn cứ vào các dấu hiệu pháp lý của CTTP tội giết người sau đây:

- Mặt khách quan của tội phạm:

+ Hành vi khách quan của tội phạm: Hành vi mà Hiếu thực hiện ở đây chính là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác. Hành vi tước đoạt tính mạng người khác được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Theo tình huống, Hiếu đã bằng hành động dìm đầu chị Hoa là vợ của Hiếu xuống nước gây ra cái chết cho chị Hoa. Hành vi khách quan của Hiếu đã xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng của chị Hoa - là khách thể bảo vệ của luật hình sự, gây nguy hại rất lớn cho xã hội.

+ Hậu quả của tội phạm: Hậu quả được quy định là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP tội giết người là hậu quả chết người. Trong trường hợp này hậu quả chết người, cụ thể là việc chị Hoa thiệt mạng đã xảy ra. Do vậy tội phạm mà Hiếu thực hiện là tội phạm hoàn thành.

+ Mối QHNQ giữa hành vi khách quan và hậu quả: Người có hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác chỉ phải chịu TNHS về hậu quả chết người đã xảy ra nếu hành vi họ thực hiện là nguyên nhân của hậu quả chết người đã xảy ra đó. Ở đây Hiếu bằng hành vi dìm đầu vợ xuống cùng với việc chị Hoa tắt thở ít phút sau đó do bị ngạt nước cho thấy hậu quả chết người xảy ra do chính hành vi trực tiếp của Hiếu. Như vậy, Hiếu phải chịu TNHS về hậu quả chết người đó.

- Mặt chủ quan của tội phạm :

+ Lỗi của Hiếu trong trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp. 

Trong tình huống trên ta có thể nhận thấy rõ Hiếu không những không cứu vợ mình khi thấy chị Hoa nhảy xuống sông tự sát mà lại có hành vi dìm đầu chị xuống nước gây ra cái chết của chị. Có thể thấy rằng, Hiếu mong muốn hậu quả là chị Hoa chết và hậu quả đã xảy ra như Hiếu mong muốn. Như vậy trong trường hợp này, lỗi của Hiếu là lỗi cố ý. Và đó là lỗi cố ý trực tiếp do:

Về lí trí : Hiếu nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó

Việc dìm đầu xuống nước là một việc rất nguy hiểm, có thể khiến nạn nhân ngạt nước và rất dễ dẫn đến tử vong do bị ngạt nước lâu. Như vậy, khi dìm đầu chị Hoa xuống nước đã cho thấy Hiếu hoàn toàn ý thức rõ về tính nguy hiểm trong hành vi của mình. Ngoài việc nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, Hiếu còn thấy trước được hậu quả của hành vi do mình thực hiện. Với hành vi dìm đầu chị Hoa xuống nước có nghĩa Hiếu đã dự kiến được trước việc đó sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của chị Hoa.

Về ý chí: ở đây Hiếu đã nhận thức được tính chất của hành vi mà vẫn thực hiện hành vi và kèm theo lời nói “Muốn chết tao cho chết luôn” thì chứng tỏ Hiếu mong muốn thực hiện hành vi đó và muốn hậu quả xảy ra. Và hậu quả của hành vi phạm tội của Hiếu mà Hiếu đã thấy trước hoàn toàn phù hợp với mục đích và sự mong muốn của hắn, đó là chị Hoa đã chết.

            + Mục đích, động cơ phạm tội : Tuy mục đích và động cơ phạm tội không phải dấu hiệu bắt buộc của CTTP giết người nhưng trong trường hợp này ta có thể thấy rõ động cơ phạm tội của chủ thể Hiếu, do muốn vợ mình là chị Hoa phải chết nên đã không những không cứu khi chị Hoa tự sát mà còn nhảy xuống dìm đầu khiến chị Hoa chết. Hậu quả chị Hoa chết đã thể hiện rõ mục đích phạm tội của Hiếu. Vậy hậu quả chết người thỏa mãn mục đích của Hiếu và hành vi của Hiếu đã cấu thành tội phạm mà CTTP phản ánh. 

Như vậy, có thể kết luận, Hiếu bị truy tố về tội Giết người theo Điều 93 BLHS

2. Giả sử Hiếu không có hành vi dìm đầu vợ xuống nước thì tội danh của Hiếu là gì?

Trường hợp theo giả định của đề bài là Hiếu không thực hiện hành vi nhảy xuống sông và dìm đầu Hoa xuống nước tới chết nên tội danh của Hiếu đã thay đổi. Hiếu không trực tiếp thực hiện hành vi tước đoạt sinh mạng của Hoa.Tội danh của Hiếu trong trường hợp này là tội bức tử theo Điều 100 BLHS. Dựa vào dấu hiệu pháp lý trong trường hợp này ta có thể xác định rõ ràng hành vi của Hiếu phạm vào tội bức tử theo quy định tại điều 100 BLHS:

Điều 100. Tội bức tử. 

1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc vào mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

Thứ nhất, về khách thể:  tội phạm xâm phạm đến quyền được sống của con người. Ở đây khách thể bị xâm phạm đó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của chị Hoa. Tuy Hiếu không trực tiếp thực hiện hành vi tước đoạt sinh mạng của chị Hoa nhưng lý do dẫn đến hành vi tự sát của chị Hoa hoàn toàn xuất phát từ sự hành hạ, đánh đập, làm nhục trong thời gian dài của Hiếu. Chị Hoa là người lệ thuộc vào Hiếu theo quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận.

Thứ hai, về mặt khách quan: Bức tử là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm cho người đó tự tước đoạt tính mạng của mình. Mặt khách quan của tội bức tử được thể hiện:

Đối với nạn nhân phải thoả mãn các điều kiện: Thứ nhất, người tự sát phải là người lệ thuộc vào người phạm tội (sự lệ thuộc có thể về mặt vật chất hay tinh thần). Thứ hai, nạn nhân phải là ngườin tự tước đoạt tính mạng của mình. Thứ ba, nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân tự sát là do hành vi của người phạm tội – do bị đối xử tàn ác, thường xuyên bị ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục mà nạn nhân tự sát.

Về phía người phạm tội phải có các hành vi như: Một là, đối xử tàn ác với nạn nhân như đánh đập, bỏ đói, bỏ rét,….Hai là, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi nạn nhân – là trường hợp người phạm tội đã thường xuyên đối xử bất công, tàn nhẫn đối với nạn nhân. Hành vi này được lặp đi lặp lại nhiều ần gây nên sự uất ức, bế tắc cho người lệ thuộc dồn họ vào chân tường và tìm đến cái chết.Ba là, làm nhục nạn nhân. Đây là hành vi cố ý làm tổn hại nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nạn nhân như chửi rủa, xỉ vả nạn nhân trước đám đông. 

Từ những dữ kiện của đề bài ta có thể thấy:

- Hành vi khách quan : Hiếu thường xuyên uống rượu say thì về đập phá đồ đạc trong gia đình và đánh vợ rất dã man. Mỗi khi không lo được tiền cho chồng mua rượu, chị Hoa lại phải gánh chịu những lời lăng mạ tồi tệ cùng trận đòn quái ác của chồng. Có lần chưa hả dạ, Hiếu còn kéo chị Hoa ra đầu làng và làm nhục chị. Đây là những hành vi trái pháp luật và đạo đức. Hiếu đã đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi và làm nhục vợ mình là chị Hoa.

- Hậu quả của tội phạm : Hậu quả bắt buộc trong cấu thành tội phạm bức tử đó là người bị hành hạ, đối xử tàn ác, thường xuyên bị ngược đãi ức hiếp tự sát, không kể  việc tự sát của nạn nhân có thể dẫn đến cái chết hay không. Chỉ cần nạn nhân có hành vi tự sát là tội phạm đã hoàn thành, còn việc nạn nhân chết hay được cứu sống không phải là dấu hiệu bắt buộc mà nó chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt.

. Trong trường hợp này hậu quả đã xảy ra do chị Hoa quá uất ức và tủi nhục đã nhảy xuống sông để tự sát. Như vậy, giữa hành vi khách quan và hậu quả có mối nhân quả với nhau.

Thứ ba, xét về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp - người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể làm cho nạn nhân tự sát tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Hoặc cũng có thể người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý về hành vi và vô ý đối với hậu quả tự sát - họ tin rằng hậu quả tự sát không xảy ra. Ở đây, lỗi của Hiếu trong trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp. Không phải chỉ một lần mà trong thời gian dài Hiếu đã có những hành vi đánh đập, mắng chửi, làm nhục vợ cũng như phá tán tài sản gia đình làm chị Hoa bị tổn hại nặng nề không những về thể xác mà còn cả về mặt tinh thần dẫn đến ý định tự sát.

Thứ tư, chủ thể của tội phạm: Là những người có quan hệ nhất định với nạn nhân. Trong đó nạn nhân là người bị lệ thuộc vào người phạm tội như lệ thuộc về kinh tế, bị ràng buộc về quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ công tác hay quan hệ tín ngưỡng. Chị Hoa là vợ Hiếu, là người bị ràng buộc với Hiếu về quan hệ hôn nhân gia đình.

Như vậy, những phân tích trên là cơ sở để ta khẳng định: Giả sử Hiếu không có hành vi dìm đầu vợ xuống nước thì trong trường hợp này tội danh của Hiếu là tội bức tử theo quy định tại Điều 100 BLHS năm 1999.

3. Giả sử Hoa nhảy xuống sông tự sát nhưng được hàng xóm cứu, không chết thì TNHS của Hiếu được giải quyết như thế nào?

Với những phân tích ở trên, các hành vi của Hiếu đủ để cấu thành tội Bức tử theo điều 100 BLHS. Để truy cứu trách nhiệm hình sự của người phạm tội chúng ta phải xác định rằng chính do những hành vi khách quan của người phạm tội đã dẫn đến việc nạn nhân tự sát chứ không phải nguyên nhân, lý do nào khác. Người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự  về tội bức tử nếu về khách quan hành vi của họ đã gây ra hậu quả là nạn nhân tự sát. Nếu vì lí do khác làm nạn nhân tự sát thì người có hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp…cũng không bị coi là phạm tội bức tử. Giữa hành vi khách quan và hành vi tự sát của nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả. 

Nhìn lại một lần nữa quy định của pháp luật:

Điều 100. Tội bức tử. 
1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc vào mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

Có thể thấy, điều luật chỉ đòi hỏi hành vi phạm tội đã dẫn đến xử sự tự sát. Hành vi tự sát là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm không kể việc tự sát của nạn nhân có thể dẫn đến cái chết hay không. Tuy nhiên, chỉ cần nạn nhân có hành vi tự sát là tội phạm đã hoàn thành, còn việc nạn nhân chết hay được cứu sống không phải là dấu hiệu bắt buộc mà nó chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt.

Như vậy, trong trường hợp của Hiếu, nếu Hoa nhảy xuống sông tự sát nhưng được bà con cứu, không chết thì trách nhiệm hình sự của Hiếu không thay đổi. Hiếu vẫn phải chịu trách nhiệm về tội Bức tử theo quy định tại khoản 1 điều 100 BLHS. Tuy nhiên việc Hoa không chết có thể có ý nghĩa khi quyết định mức phạt đối với Hiếu. Hiếu vẫn sẽ phải chịu hình phạt theo quy định tại khung hình phạt cơ bản (từ 2 đến 7 năm) nhưng có thể Hiếu sẽ được giảm nhẹ mức phạt trong trường hợp này.

(Bức tử làm cho một người chết bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 100 BLHS có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù, là tội phạm nghiêm trọng. So với Điều 105 BLHS năm 1985 là tội nặng hơn, vì mức thấp nhất của khung hình phạt theo khoản 1 Điều 100 cao hơn mức thấp nhất của khung hình phạt theo Điều 105 BLHS năm 1985. Do đó, những hành vi bức tử được thực hiện trước 0h 00 ngày 1/ 7/ 2000 nhưng sau 0h 00 ngày 1/ 7/ 2000 mới bị xử lí thì không áp dụng khoản 1 Điều 100 mà chỉ áp dụng Điều 105 BLHS năm 1985 để xét xử đối với người phạm tội.)

4. Giả sử Hiếu vừa chấp hành xong bản án 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích và đã có hành vi nêu trên thì trường hợp phạm tội của Hiếu được coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?.

Việc xác định hành vi phạm tội của Hiếu có bị coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, trước tiên phải xem xét Hiếu đã được xoá án tích về tội cố ý gây thương tích hay chưa.

Trong luật Hình sự Việt Nam, án tích là một trong những hậu quả pháp lí của việc bị kết án. Người bị kết án sẽ phải mang án tích. Trong những hậu quả pháp lí mà người phạm tội phải chịu do việc phạm tội gây ra, án tích là hậu quả sau cùng. "Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án", chưa phạm tội lần nào, đối với họ không còn cơ sở bất lợi để xác định là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm khi họ phạm tội mới. Điều 64 Bộ luật Hình sự 1999 về Đương nhiên xoá án tích quy định:

"Những người sau đây đương nhiên được xóa án tích:
1. Người được miễn hình phạt;
2. Người bị kết án không phải về các tội qui định tại chương XI và chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án người đó không phạm tội mới trong thời gian sau đây:
- Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù nhưng dược hưởng án treo:
- Ba năm trong trường hợp bị phạt tù đến ba năm;
- Năm năm trong trường hợp bị phạt tù trên ba năm đến mười lăm năm;
- Bảy năm trong trường hợp bị phạt tù trên mười lăm năm."

Hiếu vừa chấp hành án 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích, vì vậy Hiếu được xoá án tích nếu không phạm tội mới trong 5 năm kể từ khi chấp hành xong bản án đó. Như vậy trong trường hợp này, vì Hiếu vừa mới ra tù nên vẫn chưa được xoá án tích về tội cố ý gây thương tích, mà lại phạm tội mới là giết người theo điều 93, là tội rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng, với lỗi cố ý.

Tái phạm theo quy định tại điều 49 BLHS là trường hợp phạm tội sau khi đã bị kết án và áp dụng hình phạt nhưng chưa được xoá án tích về tội đã bị kết án đó. Tái phạm là tình tiết phản ánh nhân thân xấu của người phạm tội và do vậy, luật Hình sự Việt Nam luôn luôn coi tái phạm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Người phạm tội bị coi là tái phạm nếu thoả mãn hai điều kiện sau:

- Về chủ thể: chưa được xoá án tích về tội đã bị xét xử.

- Phạm tội mới do cố ý, hoặc phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp tái phạm có tính chất nguy hiểm hơn hẳn các trường hợp tái phạm thông thường. Người phạm tội bị coi là tái phạm nguy hiểm nếu thuộc một trong hai trường hợp sau:

- Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

- Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.

Điều 104 bộ luật Hình sự 1999 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định:

"2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp qui định tại các điểm từ a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm;
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp qui định tại các điểm từ a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm."

Theo quy định về phân loại tội phạm tại khoản 3 điều 8, thì người phạm tội theo khoản 2 điều 104 là phạm tội nghiêm trọng, và theo khoản 3 là phạm tội rất nghiêm trọng.

Như vậy, việc xác định Hiếu đã tái phạm hay tái phạm nguy hiểm còn tùy thuộc vào việc trong bản án trước Hiếu đã bị kết án 7 năm tù theo khoản 2 hay khoản 3 điều 104.

- Trường hợp thứ nhất, nếu trong bản án trước, Hiếu bị kết án theo khoản 2 điều 104, là phạm tội nghiêm trọng, thì trường hợp của Hiếu là tái phạm. 

- Trường hợp thứ hai, nếu trong bản án trước, Hiếu bị kết án theo khoản 3 điều 104, là phạm tội rất nghiêm trọng, thì trường hợp của Hiếu là tái phạm nguy hiểm.

KẾT LUẬN

Tóm lại, các tội xâm phạm tính mạng, sức khẻ, nhân phẩm, danh dự của con người là nhóm tội phạm có tính chất đặc biệt nguy hiểm. Để định tội danh chính xác đối với các trường hợp phạm tội yêu cầu một cái nhìn tổng quát, rõ ràng và công minh từ phía các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Trên đây là toàn bộ bài tập nhóm tháng thứ nhất môn Luật hình sự Viêt Nam 2 của nhóm chúng em. Vì khuôn khổ bài làm có hạn nên có thể chúng em không tránh khỏi những thiếu sót. Nhóm 2 lớp N02 TL1 chúng em rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn.

Chúng em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập 1, NXB CAND, Hà Nội 2010
2. GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và Cấu thành tội phạm, NXB CAND, Hà Nội 2010
3. GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Mô hình Luật hình sự Việt Nam, NXB CAND, Hà Nội 2010
4. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học bộ luật hình sự phần các tội phạm tập II, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh. 
5. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (Đã được sửa đổi bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009)
6. Các website:
http://diendanphapluat.vn
http://chinhphu.vn
http://sinhvienluat.vn
http://luatvietnam.vn

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment