15/06/2014
Tội xâm phạm an ninh quốc gia - Bài tập cá nhân Luật Hình sự 2
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhát và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội, chế độ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm hại sự tồn tại, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những tội có tính chất nguy hiểm cao, được chia làm 2 nhóm: 

- Nhóm 1: Các tội trực tiếp uy hiếp sự tồn tại của chính quyền nhân dân ( Điều 78 và Điều 79 BLHS).

- Nhóm 2: Các tội trực tiếp uy hiếp sự vững mạnh của chính quyền nhân dân ( Từ điều 80 đến Điều 91 BLHS ).

Hai nhóm tội trên tuy mang những đặc điểm riêng biệt nhưng vẫn có những đặc điểm dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy, với bài tập cá nhân thứ nhất, em xin được làm rõ hơn vấn đề trên với đề bài sau:


A (là công dân Việt Nam) là phóng viên của một tờ báo ra hàng ngày nhưng bất mãn vì không được đề bạt vào vị trí lãnh đạo. A thường tâm sự với B và C (là thành viên của một tổ chức chính trị nước ngoài). Biết rõ thái độ của A, B và C đề  nghị A sưu tầm những thông tin đăng tải trong nước về những tồn tại, bất cập, khiếm khuyết của đất nước. B đã trả cho A 20 triệu đồng và A biết được rằng B và C sẽ gửi số tài liệu sưu tầm cho tổ chức nước ngoài để sử dụng chống lại Việt Nam.


1. Có hai quan đểm về tội danh của A như sau:
a. A phạm tội phản bội Tổ quốc.
b. A phạm tội gián điệp.

Anh, chị theo quan điểm nào? Hãy lập luận đẻ chứng minh cho quan điểm của mình và phản bác quan điểm mà anh (chị) cho là sai.

2. Tội phạm do A thực hiện ở giai đoạn phạm tội nào?

Bài làm:

1. Theo quan điểm của em, A phạm tội gián điệp.  Vì A có đầy đủ yếu tố cấu thành của  tội gián điệp như sau:

- Thứ nhất, về mặt khách thể: Việc A sưu tầm tầm những thông tin đăng tải trong nước về những tồn tại, bất cập, khiếm khuyết của đất nước để đưa cho B, C (là thành viên của một tổ chức chính trị nước ngoài), sẽ   làm xâm hại đến an ninh đối ngoại của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Vì những tài liệu mà A đưa cho B và C sẽ được gửi đến cho tổ chức nước ngoài nhằm chống lại Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng đến độc lập của nước CHXHCNVN, bất khả xâm phạm lãnh thổ và khả năng phòng thủ đất nước. 

- Thứ hai, về mặt khách quan: Hành vi của A là hành vi cung cấp và thu thập các tài liệu thuộc bí mật, thông tin đăng tải trong nước về những tồn tại, bất cập, khiếm khuyết của đất nước cho người nước ngoài để sử dụng chống lại Việt Nam.

Hành vi này cũng được quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 80 BLHS như sau: 

“ 1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
…….
c, Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

- Thứ ba, về mặt chủ quan: Lỗi của A ở đây là lỗi cố ý trực tiếp. A bất mãn vì không được đề bạt vào vị trí lãnh đạo, dẫn đến nghe theo lời đề nghị của B và C thu thập tài liệu…và A biết được rằng B và C sẽ gửi số tài liệu thu thập đó cho tổ chức nước ngoài để chống lại Việt Nam, nhưng A vẫn làm để chống chính quyền nhân dân 

- Thứ tư, về mặt chủ thể: A là công dân Việt Nam và thực hiện hành vi được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 80 BLHS => A thỏa mãn dấu hiệu về mặt chủ thế.

Như vậy, với đầy đủ yếu tố cấu thành của tội gián điệp như trên, A phạm tội gián điệp.

Với những lập luận trên, theo em, quan điểm cho rằng A phạm tội phản bội Tổ quốc là sai. 

Tội phản bội tổ quốc và tội gián điệp cũng có điểm giống nhau nên rất dễ xảy ra sự nhầm lần giữa hai tội này. Tội phản bội tổ quốc và tội gián điệp đều có dấu hiệu quan hệ với nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh sự giống nhau đó, còn có những điểm khác nhau để nhận diện được hai tội trên.

Quan điểm cho rằng A phạm tội phản bội tổ quốc là sai vì: 

Theo như Khoản 1 Điều 78 BLHS có quy định như sau: 

“ 1. Công dân Việt Nam nào câu kết với người nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.”

Hành vi của tội này đó là “Câu kết với người nước ngoài làm gây nguy hại…”: hành vi câu kết của tội này mang tính chặt chẽ, nếu A câu kết chặt chẽ có thể sẽ là những hành động:  

+ Bàn bạc với B và C về mưu đồ chống phá nhà nước Việt Nam, cùng lập kế hoạch kĩ lưỡng.

+ Hoạt động dựa vào thế lực của B và C. 

+ Nhận tiền của Bvà C để phục vụ cho việc hoạt động gây nguy hại cho độc lập chủ quyền…

Nhưng ở đây, hành vi sưu tầm tài liệu của A để đưa cho B và C là hành vi làm theo sự chỉ đạo của B và C , chứ không có sự bàn bạc kĩ lưỡng về mưu đồ, lập kế hoạch kĩ lưỡng. Và khoản tiền 20 triệu đồng là khoản tiền B và C trả công cho hành vi thu thập tài liệu của A, chứ đây không phải khoản tiền để phục vụ cho việc gây nguy hại đến độc lập chủ quyền… A hoạt động sưu tầm này không phải dựa trên thế lực của B và C mà việc thu thập này là do A là một phóng viên nên có thể lợi dụng ngành nghề của mình để thu thập. Thêm nữa, những tài liệu về tồn tại, bất cập, khiếm khuyết khi được sử dụng chống lại Việt Nam sẽ làm trực tiếp uy hiếp sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.

=> Từ những lập luận trên, em có thể khẳng định rằng A phạm tội gián điệp, không phải phạm tội phản bội tổ quốc.

2. Tội phạm do A thực hiện ở giai đoạn tội phạm hoàn thành. 

Tội phạm do A thực hiện là tội gián điệp được quy định tại Điều 80 BLHS có cấu thành tội phạm hình thức.

Tội phạm gián điệp có cấu thành tội phạm hình thức nên tội phạm hoàn thành ngay khi A thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của A đó là “Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho người nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để người nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” A đã thực hiện các hành vi trên và được trả 20 triệu đồng, chứng tỏ A đã hoàn thành hành vi phạm tội .

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập 1, NXB CAND, Hà Nội 2010
2. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học bộ luật hình sự phần các tội phạm tập II, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh. 
3. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (Đã được sửa đổi bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009)

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment