14/06/2014
Đăng ký bảo hộ sáng chế hoặc bí mật kinh doanh - Bài tập học kỳ Luật Sở hữu trí tuệ
Đề bài:

Anh A là nhân viên của Công ty X (công ty này chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp) và là tác giả của phương pháp xử ly nước thải từ các nhà máy công nghiệp. Tuy nhiên, giữa anh A và Công ty X xảy ra bất đồng trong xác định tá giả của phương pháp này. Theo anh/chị:

a. Tác giả của phương pháp là anh A hay Công ty X?
b. Anh A/Công ty X nên đăng ký bảo hộ sáng chế hay bảo mật phương pháp với ý nghĩa là một bí mật kinh doanh.

Cùng sự phát triển kinh tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nước ta đã có những tiến bộ trong việc ban hành luật sở hữu trí tuệ; thay đổi, bổ sung hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó việc bảo hộ bản quyền, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn đ a lý… giống cây trồng và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh luôn được quan tâm và hoàn thiện.

Sáng chế và bí mật kinh doanh đều là đối tượng của sở hữu công nghiệp, việc xác định được tác giả của sáng chế hay lựa chọn hình thức đăng ký bảo hộ sáng chế hay bảo hộ với ý nghĩa như một bí mật kinh doanh cho sản ph ẩm tạo ra vẫn luôn vẫn còn hạn chế.

Bài làm dưới đây em xin thực hiện đề bài liên quan đến vấn đề trên.

Bài làm

a. Tác giả của phương pháp là anh A hay Công ty X?

Trả lời: Anh A là tác giả của phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp.

Theo Điều 8, Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan quy định về tác giả như sau:

“1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học bao gồm:
a. Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;
b. Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;
c. Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam;
d. Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

2. Tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả.”

Tác giả là người đã sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ được thể hiện dưới dạng là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trị mạch tích hợp. Người sáng tạo ra các đối tượng này chỉ có thể là cá nhân, bằng lao động có tính sáng tạo của mình, cá nhân tạo ra sản phẩm được pháp luật thừa nhận là đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ. Cũng theo Điều 8 của Nghị định thì tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả.

Áp dụng Điều 8 Nghị định 100/CP vào tình huống của đề bài có thể khẳng định anh A là tác giả của phương pháp chứ không phải công ty X. Phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp được coi là một sáng chế - là đối tượng của sở hữu công nghiệp mà Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ, do anh A trực tiếp sáng tạo ra bằng lao động trí óc của mình nên anh A chính là tác giả của phương pháp này.

Đối với công ty X, căn cứ vào quan hệ lao động trong quá trình tạo ra phương pháp xử lý nước thải (anh A có là tác giả đồng thời hay không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả) thì có thể xác định được quyền của công ty X đối với phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp này. Trong trường hợp nếu công ty X là người giao nhiệm vụ sáng tạo cho anh A là tác giả của phương pháp thì công ty X có tư cách của chủ sở hữu quyền tác giả hay chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp, còn không công ty X sẽ không có quyền gì liên quan tới phương pháp xử lý nước thải – sáng chế của anh A. Nhưng, dù ở trường hợp nào đã nói, công ty X đều không phải là tác giả của phương pháp.

b. Anh A/Công ty X nên đăng ký bảo hộ sáng chế hay bảo mật phương pháp với ý nghĩa là một bí mật kinh doanh.

Trả lời: Anh A/Công ty B nên đăng ký bảo hộ sáng chế.

Sáng chế thuộc nhóm đối tượng quyền sở hữu công nghiệp có tính sáng tạo là đặc trưng nổi bật; do vậy, bên cạnh chủ sở hữu công nghiệp pháp luật còn ghi nhận tác giả đã sáng tạo ra chúng. Theo Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ quy định thì tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng kí sáng chế:

- Tác giả đã tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;

- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận và trong trường hợp có quy định khác của pháp luật.

- Trong trường hợp các đối tượng trên được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất, kinh phí thì quyền đăng kí sẽ thuộc về Nhà nước.

Như vậy, trong trường hợp Công ty X là tổ chức đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho anh A dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận và pháp luật có quy định khác thì công ty X có thể đăng kí quyền bảo hộ sáng chế đối với phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp như anh A – tác giả của phương pháp.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định của cơ quan quản lí nhà nước về sở hữu công nghiệp cho người nộp đơn đăng kí, trong khi đối với bí mật kinh doanh, quyền sở hữu công nghiệp được xác lập một cách tự động, không cần phải trải qua các trình tự, thử tục xin xác lập quyền.

Quyền đối với bí mật kinh doanh tự động được xác lập khi đáp ứng đầy đủu các điều kiện bảo hộ theo quy định tại Điều 84, 85 Luật sở hữu trí tuệ mà không cần phải đăng kí. Như vậy, chỉ khi nào có sự xâm phạm hay tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể cạnh tranh thì mới đặt ra vấn đề chứng minh các điều kiện bảo hộ nói trên và chủ thể nắm giữ thông tin thành công trong việc chứng mình thì sẽ được hưởng bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Anh A/Công ty X nên đăng kí bảo hộ sáng chế vì (xét trường hợp Công ty X thuộc đối tượng có quyền đăng kí bảo hộ sáng chế với phương pháp):

Một trong những hạn chế của bảo mật phương pháp với ý nghĩa là một bí mật kinh doanh là nếu bí mật được thể hiện dưới dạng một sản phẩm mang tính chất đổi mới, thì những người khác có thể kiểm tra, mổ xẻ và phân tích nó (tức là “phân tích ngược” nó) và phát hiện bí mật, và sau đó sẽ có quyền sử dụng nó. Việc bảo hộ bí mật kinh doanh một sáng chế thực chất không tạo độc quyền để loại trừ bên thứ ba khỏi việc sử dụng thương mại nó. Chỉ có sáng chế hoặc mẫu hữu ích có thể có dạng bảo hộ này.

Phương pháp xử lý nước thải của các nhà máy công nghiệp của anh A/ Công ty X đáp ứng được các yêu cầu của một sáng chế được bảo hộ đó là có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp thỏa mãn các quy định tại điều 60, 61 và 62 Luật sở hữu trí tuệ; song nó cũng là một sản phẩm mang tính chất đổi mới. Tức là, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật, có khả năng sẽ có người có hiểu biết về lĩnh vực kĩ thuật tương ứng kĩ thuật tạo ra phương pháp này có thể phân tích và phát hiện ra phương pháp. Khi đó người này hoàn toàn có quyền sử dụng nó mà không bị xử phạt vi phạm bản quyền hoặc đăng kí bảo hộ sáng chế với phương pháp xử lý nước thải này vì tìm ra sáng chế tương tự với bí mật kinh doanh của anh A/Công ty X bằng các biện pháp hợp pháp nếu phương pháp của anh A/Công ty X không đăng kí bảo hộ sáng chế mà chỉ là bảo hộ phương pháp với ý nghĩa là một bí mật kinh doanh. Do vậy, lợi ích của anh A/Công ty X chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều và có thể là mất hoàn toàn.

Ngoài ra, việc đăng kí bảo hộ phương pháp như một sáng chế thay vì là một bí mật kinh doanh còn tránh được những hạn chế khác của việc đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh như: một khi bí mật bị công bố, thì bất kỳ người nào cũng có thể tiếp cận và sử dụng nó một cách tùy ý; một bí mật kinh doanh khó thực thi hơn một sáng chế, mức độ bảo hộ dành cho bí mật kinh doanh khác nhau một cách đáng kể theo các nước, nhưng nói chung là yếu, đặc biệt khi so với bảo hộ dành cho sáng chế; hoặc người khác có thể đăng kí bảo hộ sáng chế nếu tạo ra sáng chế tương tự dựa trên bí mật kinh doanh của người khác bằng các biện pháp hợp pháp.

Tóm lại, để bảo vệ được quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, anh A/Công ty X nên đăng kí bảo hộ sáng chế cho phương pháp xử lý nước thải của các nhà máy công nghiệp.

Trên đây là cách giải quyết các câu hỏi tình huống của đề bài đặt ra, vì hiểu biết và nhận thức còn có hạn nên trong quá trình làm bài không tránh khỏi sai sót, mong thầy cô xem xét và bỏ qua. Em xin chân thành cảm ơn!

Tài liệu tham khảo

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ, Nxb.CAND, Hà Nội – 2009.
2. Lê Đình Nghị và Vũ Thị Hải Yến (chủ biên), Giáo trình luật SHTT, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009.
3. Luật SHTT năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
4. Nghị định của Chính phủ số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan.
5. Nghị định của Chính phủ số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010.
6. Thông tư của Bộ khoa học và công nghệ số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN.
7. Website:
- http://www.noip.gov.vn
- http://webkinhte.com/

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment