14/06/2014
Sự khác biệt giữa vai trò của luật thành văn và án lệ ở Anh và ở Mỹ - Bài tập học kỳ Luật So sánh
Anh và Mỹ là hai đại diện tiêu biểu chho dòng họ common law, do đó hệ thống pháp luật của hai quốc gia này có những điểm chung nhất định về cấu trúc nguồn luật, thủ tụng tố tụng, chế định tiêu biểu… Song bên cạnh đó cũng có những điểm riêng khác biệt,  một trong số đó là sự khác biệt giữa vai  trò của luật thành văn và án lệ.

1. Sự khác biệt về vai trò của án lệ ở Anh và ở Mỹ

Ở cả hai hệ thống pháp luật Anh và Mỹ, án lệ đều được coi là nguồn luật cơ bản chủ yếu và quan trọng, tuy nhiên việc sử dụng và áp dụng án lệ ở hai quốc gia này lại có điểm khác biệt. 

Một bản án (hay một án lệ) gồm hai phần: một là “ratio decidendi”: cơ sở, lí do, nguyên tắc pháp lí để ra phán quyết, là phần có giá trị ràng buộc và phải được tôn trọng; hai là “obiter dictum”: phần bình luận của thẩm phán, không bắt buộc phải tuân theo. Tuy nhiên trong một số trường hợp các thẩm phán có thể không áp dụng án lệ nếu như hai vụ việc được thẩm phán chứng minh là không giống nhau; hoặc một bản án có quá nhiều cơ sở hay nguyên tắc pháp lí; hay bản án đó không phân biệt được “ratio decideendi” với “obiter dictum”.

Cụ thể, nguyên tắc “stare decisis” (có nghĩa là tuân thủ các phán quyết trước đây và không phá vỡ những quy phạm pháp luật đã được thiết lập trong án lệ) đều được cả hai hệ thống pháp luật tôn trọng những sự áp dụng nguyên tắc này ở Anh khắt khe hơn trong khi mỹ lại áp dụng sử dụng nguyên tắc này mềm dẻo, tự do hơn. Theo nguyên tắc stare decisis, các tòa án cấp dưới chịu sự ràng buộc bởi các nguyên tắc pháp lí do các tòa án cấp trên sang tạo ra, được ghi nhận trong các bản án qua quá trình xét xử các vụ việc trong quá khứ. Ở Anh, nguyên tắc stare decisis được áp dụng tuyệt đối, có nghĩa không chỉ các tòa án cấp dưới phải chịu sự ràng buộc bởi các nguyên tắc pháp lí của tòa án cấp trên mà chính bản thân các tòa án cấp trên (gồm Thượng nghị viên, Tòa phúc thẩm và Tòa án cấp cao) cũng ràng buộc chính mình bởi những phán quyết đã được ghi nhận trong án lệ trước đó, trừ Thượng nghị viện. Tính ràng buộc chính mình của các tòa ánh Anh thể hiện qua hai điểm: thứ nhất, họ không muốn phủ nhận những phán quyết trong quá khứ của mình; thứ hai, là sự miễn cưỡng của họ trong sự phân biệt tình tiết của vụ việc hiện tại với tình tiết của vụ việc trong quá khứ, họ thường ít chịu tìm ra những điểm mâu thuẫn giữa hai vụ việc hoặc không khai thác sự bất hợp lí, thiếu cặn kẽ trong các phán quyết trước đây của thẩm phán. Các tòa án Anh tạo ra luật và thay đổi luật bằng các bản án của mình song thẩm phán thường có xu hướng tìm những qui định pháp luật đã có và được sử dụng trong án lệ. Chính bởi sự áp dụng cứng nhắc nguyên tắc stare decisis mà hệ thống pháp luật Anh phát triển có phần chậm chạp.

Khác với Anh, ở Mỹ, nguyên tắc stare decisis vẫn được coi trọng nhưng áp dụng lại mềm dẻo hơn, linh hoạt và tự do hơn, thể hiện ở việc những phán quyết của tòa án cấp trên đã được ghi nhận thành án lệ chỉ mang tính ràng buộc các tòa án cấp dưới mà không ràng buộc chính bản thân tòa án đã sáng tạo ra. Tiền lệ pháp được các tòa án trích dẫn thường xuyên song trong các bản án lại cũng dành khá nhiều chỗ cho quan điểm của thẩm phán về chính sách chung. So với thẩm phán Anh, thẩm phán Mỹ quan tâm tới hệ quả thực tiễn của một phán quyết và những hệ quả thực tiễn này có phù hợp với nhu cầu chính sách hơn là với sự kiên định của thẩm phán trong việc xem xét các vụ việc hiện tại có quan hệ ra sao với các vụ việc tương tự trong quá khứ, họ có thể tự tạo ra một án lệ mới với phán quyết mới khác với các án lệ trước đó nếu thấy cần thiết và hợp lí.

2. Sự khác biệt giữa vai trò của luật thành văn ở Anh và ở Mỹ

Ở Mỹ, luật thành văn được coi trọng hơn ở Anh.

Điểm khác biệt rõ nhất chính là Mỹ có hiến pháp thành văn trong khi Anh không có hiến pháp thành văn. Hiến pháp Mỹ là một văn kiện thống nhất, có tính chất tối cao, dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là tam quyền phân lập và kiềm chế và đối trọng, trong khi hiến pháp Anh nằm rải rác trong đặc quyền Hoàng gia, một số truyền thống hay một số án lệ như văn bản pháp luật do Nghị viện ban hành. Chính vì ở Anh không có hiến pháp thành văn nên cũng không có cơ quan bảo hiến trong khi với giá trị pháp lí cao nhất của mình, hiến pháp Mỹ được Tòa án tối cao bảo vệ. Liên bang và các bang ở Mỹ đều có hiến pháp viết riêng, trong đó hiến pháp các bang có hiệu lực cao hơn các đạo luật khác của bang nhưng phải phù hợp với hiến pháp liên bang. Một điểm đặc biệt đó là hiến pháp Mỹ có thừa nhận quyền con người.

Điểm khác biệt khác là số lượng các văn bản pháp luật ở Mỹ nhiều hơn ở Anh và được áp dụng thường xuyên hơn. Ở Mỹ có nhiều đạo luật ở cả cấp liên bang và cấp bang. Mỗi bang đều có quyền ban hành luật riêng áp dụng trong bang và phần lớn luật thành văn của các bang vẫn độc lập tuyệt đối với luật thành văn của các bang khác. Ở Anh, các văn bản pháp luật do nghị viện trực tiếp ban hành hoặc nghị viện ủy quyền ban hành.

Một điểm khác biệt nữa là kỹ thuật pháp điển hóa ở Mỹ cao hơn ở Anh do Mỹ coi trọng luật thành văn hơn lại them việc thường xuyên áp dụng cho phù hợp với sự linh hoạt tự do trong việc sử dụng luật đã thúc đẩy các nhà làm luật ở Mỹ phải thường xuyên xem xét và cải cách hệ thống pháp luật, từ đó nâng cao kỹ thuật pháp điển hóa của mình. Ngược lại ở Anh, luật thành văn không được coi trọng bằng án lệ, chủ yếu tập hợp từ các án lệ chung nhất và ít được đem áp dụng nên nhu cầu cải cách luật thành văn ở Anh không cao từ đó trình độ pháp điển hóa ở Anh kém phát triển hơn ở Mỹ. 

Một điểm khác biệt khác là nguồn luật thành văn ở Anh còn có thêm luật của Liên minh Châu Âu (EU). Với tư cách là thành viên của EU Anh cũng phải tuân thủ pháp luật của EU. Song một điều ước quốc tế để trở thành luật của Anh thì cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện Anh, và luật của EU có thể được thi hành bằng một đạo luật trong nước hoặc một văn bản dưới luật do Chính phủ ban hành.

3. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt

Thứ nhất là do sự thiếu tin tưởng vào tiền lệ pháp của người Mỹ, vì nó có nguồn gốc từ Anh – nước từng đi xâm chiếm thôn tính Mỹ. Thứ hai là do Mỹ là một quốc gia trẻ quan điểm coi trọng truyền thống cũng khác với Anh. Thứ ba do Mỹ là một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo lại có nền kinh tế phát triển mạnh và liên tục nên pháp luật Mỹ không thể chỉ bó hẹp thụ động trong những phán quyết của một cá nhân, một bản án đã tuyên từ quá khứ. Thứ tư là do hệ thống tòa án của Mỹ khác Anh: Mỹ là nhà nước liên bang với hệ thống cấu trúc tòa án bang và liên bang khác với cấu trúc hệ thống tòa án đơn nhất ở Anh – một nước quân chủ lập hiến. Những nguyên nhân cơ bản này đã dẫn đến sự khác biệt giữa luật thành văn và án lệ ở Anh và ở Mỹ.

Như vậy, dù là ở trong cùng dòng họ common law thì vai trò của luật thành văn và án lệ ở Anh và ở Mỹ cũng có những sự khác biệt nhất định như đã nêu ở trên.

Tài liệu tham khảo

1. Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2008.
2. Michael Bogdan, Luật so sánh (bản tiếng Việt), Nxb Kluwer, Norstedts Juridik, Tano, năm 2002.
3. Rene David, Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment