Cùng với sự phát triển của nền sản xuất hàng hoá, đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế thị trường và thương mại quốc tế, các nhãn hiệu và tên thương mại ngày càng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của chủ thể kinh doanh. Dù là hai yếu tố khác biệt nhau nhưng “tên thương mại” và “nhãn hiệu” rất dễ bị nhầm lẫn và thực chất chúng cũng có mối quan hệ lẫn nhau và cùng nhau tạo nên dấu hiệu nhận biết các doanh nghiệp, thương nhân với nhau. Vấn đề bảo hộ tên thương mại và nhãn hiệu vì thế mà được đặt ra và được đảm bảo thực hiện bởi pháp luật, đặc biệt là luật Sở hữu trí tuệ.
Giải quyết vấn đề
1. Mối quan hệ giữa bảo hộ tên thương mại và nhãn hiệu
Khoản 21, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (gọi tắt là Luật SHTT) quy định: “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Như vậy, cùng với việc đặt tên và đăng kí tên đó để với cơ quan quản lý Nhà nước (Sở kế hoạch đầu tư, cơ quan thuế) để có thể tiến hành hoạt động kinh doanh khi mới thành lập một doanh nghiệp, thì trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp thường dùng thêm tên thương mại để giao dịch nhằm phân biệt doanh nghiệp của mình với doanh nghiệp khác. Trên thực tế, có nhiều trường hợp tên thương mại trùng với tên doanh nghiệp trong giấy đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhãn hiệu là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (khoản 6, Điều 14 Luật SHTT). Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Như vậy, có thể phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu thông qua các tiêu chí như: chức năng (để phân biệt các doanh nghiệp hay hàng hóa, dịch vụ cùng loại); phạm vi bảo hộ (trên một địa bàn, lĩnh vực nhất định hay trên toàn quốc); thành phần cấu tạo (chỉ có từ ngữ, số đọc được hay có thể kết hợp đường nét, hình ảnh, màu sắc); hay vấn đề bảo hộ (tự động hay phải thông qua thủ tục đăng kí);… Về cơ bản, bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại được hiểu là việc Nhà nước sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và tên thương mại của các chủ thể sử dụng, chống lại mọi hành vi xâm phạm đến nhãn hiệu và tên thương mại của các các chủ thể đó.
Qua những phân tích trên, có thể khẳng định rằng, giữa nhãn hiệu và tên thương mại luôn tồn tại những khác biệt nhất định, tuy nhiên trên thực tế, có những trường hợp nhãn hiệu của hàng hóa, dịch vụ lại có tên trùng hoặc tương tự tới mức độ gây nhầm lẫn với tên thương mại (ví dụ, một số chủ thể kinh doanh sử dụng tên thương mại của mình để đặt tên cho nhãn hiệu của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất ra). Chính vì vậy, trong những trường hợp này, việc bảo hộ tên thương mại luôn luôn có mối quan hệ chặt chẽ với việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ. Do đó, để đảm bảo cho việc bảo hộ một cách tốt nhất nhãn hiệu và tên thương mại của các chủ thể kinh doanh, pháp luật SHTT đã luật hóa những quy định khá chặt chẽ và xác đáng. Cụ thể, mối quan hệ giữa việc bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại được thể hiện chủ yếu thông qua việc quy định các điều kiện bảo hộ như sau:
- Khoản 2, Điều 74 Luật SHTT quy định một trong những trường hợp nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu có: “dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”. Nếu vi phạm quy định này, nhãn hiệu sẽ không được bảo hộ.
- Khoản 3, Điều 78 Luật SHTT quy định một trong các điều kiện để xác định khả năng phân biệt của tên thương mại là: “không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được bảo hộ”. Vi phạm quy định này, tên thương mại cũng không được bảo hộ.
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật SHTT ở Việt Nam, đã xảy ra không ít vụ tranh chấp quyền SHTT về nhãn hiệu và tên thương mại mà nguyên nhân chính là việc vi phạm các quy định pháp luật nêu trên.
2. Vụ việc tranh chấp liên quan đến tên thương mại và nhãn hiệu
2.1. Vụ việc 1: Phạt Vincon vì xâm phạm nhãn hiệu Vincom
2.1.1. Tóm tắt vụ việc
Công ty Cổ phần Vincom đã khởi kiện dân sự Cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon vì hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, tên thương mại.
Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức có kết luận về vụ việc, đồng thời ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTra, xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đối với Vincon.
Theo đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp” có hiệu lực vào ngày 9/11/2010; đồng thời căn cứ vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm hành chính của Công ty Vincon tại các biên bản vi phạm hành chính được lập bởi cơ quan Thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hà Nội, Huế và Đà Nẵng, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định xử phạt Vincon.
Cụ thể, Vincon sẽ bị phạt tiền với mức phạt 14.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Vincom”.
Công ty Vincon cũng được yêu cầu loại bỏ yếu tố vi phạm “Vincon” trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, phương tiện quảng cáo và trên tên công ty, tên chi nhánh của công ty tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Vincon đã có hành vi sử dụng dấu hiệu “Vincon” trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, phương tiện quảng cáo và trên tên công ty, tên chi nhánh của công ty này tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Vincom” đang được bảo hộ tại Việt Nam của Vincom.
Cùng với quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp do Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, ngày 13/12/2010, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã ra bản kết luận giám định số NH228-10YC/KLGĐ, theo đó căn cứ theo điểm 39.8, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì “Dấu hiệu “Vincon” trên đối tượng giám định là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Vincom” đã được bảo hộ theo giấy chứng nhận số 103940 của Công ty Cổ phần Vincom”.
Trong thông cáo báo chí gửi đi chiều 21/12, Vincom cho rằng các văn bản trên đã khẳng định rằng quyết định khởi kiện và đấu tranh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu, nhãn hiệu Vincom của công ty là hoàn đúng đắn và chính xác. Điều này cũng khẳng định pháp luật về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp và chủ thể sở hữu trí tuệ.
Đáng chú ý là, sau khi Vincom họp báo công bố quyết định khởi kiện thì ngày 11/12/2010, lãnh đạo Vincon đã đến trụ sở Vincom để đề nghị thảo luận phương án giải quyết vụ việc.
Theo đó, trên tinh thần thiện chí và chia sẻ, Vincom đã chấp thuận đề xuất của Vincon với nội dung hai bên cùng tổ chức họp báo để thông báo việc Vincon sẽ chính thức đổi tên đồng thời rút lại các yếu tố vi phạm.
Hai bên cũng đã thống nhất thời gian họp báo vào ngày 22/12/2010. Tuy nhiên, đến ngày 17/12/2010, Vincom lại nhận được Công văn số 151/CTVC của Vincon về việc xin... hoãn thời hạn đổi tên đến tháng 2/2011, với các lý do mà theo Vincom là thiếu xác đáng.
Công ty Vincom cho rằng đây là những hành động thể hiện sự thiếu thiện chí, “tiền hậu bất nhất” và cố tình chây ỳ theo phương thức “khất lần”. Đồng thời, không thể chấp nhận việc kéo dài những hành vi, dấu hiệu vi phạm trong khi đã có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng, Vincom đã quyết định hủy cuộc họp báo theo thoả thuận giữa hai bên và tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý theo kế hoạch mà cụ thể là triển khai công tác khởi kiện dân sự lên Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.
2.1.2. Nhận xét
Theo lập luận của nhóm, tên thương mại/tên doanh nghiệp của Vincon tương tự với tên thương mại/tên doanh nghiệp của Vincom đã được đăng ký trước và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực "bất động sản".
Việc đặt tên nhãn hiệu và tên thương mại Vincon đã gây ra sự nhầm lẫn nhãn hiệu và tên thương mại của Vincom đối với công chúng; từ đó dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới uy tín thương hiệu, hình ảnh và uy tín của Vincom.
Mới đây, khi một số đơn vị truyền thông đại chúng có đưa tin: “Bắt quả tang Phó tổng giám đốc Vincon đánh bạc ngay trong phòng họp”, nhiều người đã lầm tưởng đó là nói về Công ty Cổ phần Vincom.
Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vincom nói rằng cơ sở để công ty này khởi kiện là Vincom đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với tên "Vincom và hình" từ ngày 26/1/2005 tại Cục Sở hữu Trí tuệ. Nhãn hiệu Vincom đã được đăng ký bảo hộ độc lập hoặc cùng với các yếu tố khác theo 7 văn bằng bảo hộ được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ.
Thêm nữa, nhãn hiệu Vincom còn được đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid dưới số 975445 và đã được chấp nhận bảo hộ tại 20 nước EU và Singapore, Nga; đồng thời sẽ được bảo hộ tại Trung Quốc và Belarus. Nhãn hiệu này cũng đã được đăng ký ở Hồng Kông và sắp tới là ở Thái Lan.
Luật Doanh nghiệp quy định: “Tên của doanh nghiệp phải bảo đảm yếu tố kỹ thuật, không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký kinh doanh; phải viết rõ loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần...”
Việc khác nhau ở duy nhất một chữ N và M tại cuối từ, nhưng hai chữ này đều là phụ âm đọc tương tự nhau và nhìn cũng giống nhau. Sự khác biệt này không đủ để phân biệt một cách rõ ràng giữa hai nhãn hiệu và gây nhầm lẫn về tổng thể của hai nhãn hiệu. Trên thực tế, công chúng đã nhiều lần bị nhầm lẫn về hai nhãn hiệu này. Mặc dù ra đời sau rất nhiều khi thương hiệu VINCOM đã nổi tiếng nhưng lại sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu VINCON để gây ra sự nhầm lẫn, hiểu lầm với tên thương mại, nhãn hiệu VINCOM là một hành vi cố tình nhằm hưởng lợi trên uy tín và danh tiếng của Vincom.
Vincon đã vi phạm khoản i Điều 74 Luật SHTT về nhãn hiệu: “i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;”
Và điều 78 luật SHTT về tên thương mại: “2. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
3. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng”
Vincon đã bị xử phạt theo nghị định 97/NĐ-CP.
Như vậy, việc xử lí Vincon, là một việc làm đúng đắn. Vụ kiện cũng có thể xem là một tín hiệu cho việc tới đây các doanh nghiệp phải quen dần với cách ứng xử mới, theo đó sở hữu trí tuệ phải được tôn trọng thật sự.
Nhưng suy cho cùng, việc Vincon có vi phạm quy định này hay không? Quyết định cuối cùng thuộc về tòa án và vẫn còn bỏ ngỏ, nhất là trong bối cảnh tình trạng vi phạm về sở hữu trí tuệ vẫn rất phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, vụ việc sẽ khiến các doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ phải tự xem lại mình.
Các doanh nghiệp trùng tên hoặc gần giống tên là hiện tượng không hiếm trong nền kinh tế Việt Nam. Đây là hệ quả của việc trong một thời gian dài, các cơ quan đăng ký kinh doanh của các tỉnh thành “độc lập tác chiến” trong việc đăng ký kinh doanh.
Phải đến đầu năm nay, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin về Doanh nghiệp trên toàn quốc mới được thiết lập. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tình trạng trùng tên doanh nghiệp được giải quyết tận gốc mà chỉ là không để xảy ra tình trạng này đối với các doanh nghiệp mới thành lập.
Còn đối với các doanh nghiệp trùng tên từ trước, cách giải quyết vẫn còn vướng mắc. Gần đây nhất, với việc nhập Hà Tây với Hà Nội, cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện có tới 600 doanh nghiệp ở hai địa phương này trùng tên với nhau.
Sở hữu trí tuệ luôn là lĩnh vực mà cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài hết sức quan ngại khi tiến hành kinh doanh tại Việt Nam. Liên tiếp trong các kỳ hợp thường niên của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VFB), đây là vấn đề bị kêu ca nhiều nhất.
Như vậy pháp luật Việt Nam về SHTT cần được bố sung, hoàn thiện để giải quyết thỏa đáng hang tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực này, nhất là khi vn đã tham gia vào sân chơi quốc tê, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp.
2.2. Vụ việc 2: Xâm phạm quyền thương hiệu WINCO
2.2.1. Tóm tắt vụ việc
Văn phòng luật sư WINCO và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ WINCO là chủ sở hữu nhãn hiệu Win, WINCO và hình theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 70053 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 14/2/2006, bảo hộ cho các dịch vụ: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng; tư vấn pháp luật; dịch vụ pháp lý khác. Theo đó, Văn phòng luật sư WINCO và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ WINCO được độc quyền sử dụng nhãn hiệu này trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Gần đây, Văn phòng luật sư WINCO phát hiện dấu hiệu WINLAW đang được Công ty Luật TNHH WINLAW và Công ty CP tư vấn WINLAW (cùng ở khách sạn Thể Thao, làng sinh viên Hacinco, quận Thanh Xuân-Hà Nội) sử dụng làm tên thương mại, tên giao dịch, tên miền; sử dụng dấu hiệu này trên website, trên các giấy tờ giao dịch, trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của WINCO. Hành vi nói trên đã và sẽ làm cho khách hàng sử dụng các dịch vụ bị nhầm lẫn về chủ thể hoạt động kinh doanh.
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố bản kết luận giám định số NH. 0007-09 YC/KLGĐ về hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ của Công ty WINLAW đối với Văn phòng Luật sư WINCO. Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đánh giá: Về nhãn hiệu: dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm là chữ “WINLAW” được sử dụng trong các tài liệu giới thiệu của Công ty Luật WINLAW, trên website www.winlaw.com.vn (so sánh với chữ WINCO là nhãn hiệu được bảo hộ). Về dịch vụ: Gồm 3 dịch vụ do Công ty Luật TNHH WINLAW giới thiệu, quảng cáo và thực hiện: tư vấn pháp luật, tranh tụng tại tòa án và tư vấn đại diện sở hữu trí tuệ… Căn cứ các dữ liệu, thông tin có được, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ kết luận: Việc Công ty Luật WINLAW sử dụng dấu hiệu “WINLAW” trên tên thương mại, tên giao dịch, tên miền, giấy tờ giao dịch để thực hiện dịch vụ tư vấn pháp luật và tranh tụng tại tòa án cũng như các dịch vụ tư vấn và đại diện sở hữu trí tuệ mà không được phép của Văn phòng Luật sư WINCO là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Văn phòng Luật sư WINCO được bảo hộ theo GCNĐKNH số 70053.
2.2.2. Nhận xét
Theo văn phòng luật sư WINCO và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ WINCO thì Công ty Luật TNHH WINLAW và Công ty CP tư vấn WINLAW sử dụng WINLAW làm tên thương mại, tên giao dịch, tên miền; sử dụng dấu hiệu này trên website, trên các giấy tờ giao dịch, trên các phương tiện thông tin truyền thông. Để xác định được có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của WINCO, chúng ta cần phải xác định xem có sự tương tự dẫn đến nhầm lẫn giữa nhãn hiêu của văn phòng luật sư WINCO và Công ty Luật TNHH WINLAW.
Thứ nhất, Văn phòng luật sư WINCO và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ WINCO đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 70053 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 14/2/2006, bảo hộ cho các dịch vụ: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng; tư vấn pháp luật; dịch vụ pháp lý khác. Theo đó, Văn phòng luật sư WINCO và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ WINCO được độc quyền sử dụng nhãn hiệu này trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chính vì vậy Văn phòng luật sư WINCO và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ WINCO, có toàn quyền với nhãn hiệu WINCO, WINCOLAW, không có một tổ chức, cá nhân hay doanh nghiệp nào được phép sử dụng nhãn hiệu này hay những nhãn hiệu khác có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu WINCO, WINCOLAW trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, nhãn hiệu WINCOLAW với nhãn hiệu WINLAW là những nhãn hiệu hoàn toàn có thể gây nhầm lẫn giữa hai chủ thể là chủ của hai nhãn hiệu vì cả hai đều cung cấp những dịch vụ hoàn toàn giống nhau đó là: dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng; tư vấn pháp luật; dịch vụ pháp lý khác. Sự khác nhau duy nhất về nhãn hiệu là hai chữ cái “CO”, một bên là “WINCO” là viết tắt của Văn phòng luật sư WINCO và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ WINCO; một bên là “WIN” tên viết tắt của công ty Luật TNHH WINLAW và Công ty CP tư vấn WINLAW. Với những người không có sự hiểu biết chi tiết về chủ thể là chủ của nhãn hiệu WINCOLAW và WINLAW, thì có thể dẫn đến việc hiểu nhầm rằng hai nhãn hiệu này là dịch vụ của một chủ thể, trên thức tế nhiều người còn gọi WINCOLAW với tên tắt là WINLAW . Do đó, nhãn hiệu WINLAW đã không đảm bảo được khả năng phân biệt theo quy định tại Điều 79, Luật sở hữu trí tuệ. “Điều 78. Khả năng phân biệt của tên thương mại
Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
2. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
3. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.”
Thứ ba, nhãn hiệu WINLAW là nhãn hiệu không đảm bảo được khả năng phâm biệt với nhãn hiệu WINCOLAW theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và hoàn toàn có thể gây nhầm lẫn. Hành vi của công ty Luật TNHH WINLAW và Công ty CP tư vấn WINLAW khi cố ý đăng kí sử dụng nhãn hiệu WINLAW mà không xin phép Văn phòng luật sư WINCO và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ WINCO là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý theo Điều 129, Luật sở hữu trí tuệ: “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”.
Qua những nhận định trên của nhóm, công ty Luật TNHH WINLAW và Công ty CP tư vấn WINLAW đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của WINCO. Do đó, công ty Luật TNHH WINLAW và Công ty CP tư vấn WINLAW phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu WILAW và bồi thường những thiệt hại cho Văn phòng luật sư WINCO và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ WINCO.
Kết thúc vấn đề
Thông qua phân tích khái niệm, đặc điểm cũng như nghiên cứu các trường hợp xảy ra trên thực tế có thể nhận thấy vấn đề bảo hộ tên thương mại, nhãn hiệu là cần thiết và phải được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, kích thích kinh tế phát triển.
Tài liệu tham khảo
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Nxb. CAND, Hà Nội – 2009.
2. Lê Đình Nghị và Vũ Thị Hải Yến (chủ biên), Giáo trình luật SHTT, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009.
3. Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung 2009).
4. Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp” có hiệu lực vào ngày 9/11/2010.
5. website:
- http://www.vcci.com.vn/phap-luat/
- http://thanhtra.most.gov.vn/csdl/vn/
Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment