“Văn hóa” là hai từ đã không còn xa lạ gì trong xã hội ngày nay. Chúng ta có thể nghe thấy, nhìn thấy và cảm nhận được văn hóa một cách dễ dàng. Nhưng cảm nhận đó lại có sự khác nhau ở mỗi con người.
Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Vì vậy, mà văn hóa cũng được tiếp cận theo nhiều góc độ khác nhau, nhiều cách khác nhau.
Một trong những cách tiếp văn hóa đó là tiếp cận theo định nghĩa miêu tả liệt kê. Cách tiếp cận này đã giúp con người hiểu sâu hơn về văn hóa nhưng nó cũng có những hạn chế nhất định. Để hiểu rõ hơn về điều này, em xin phép được trình bày đề tài: “Quan điểm của bạn về cách tiếp cận văn hóa theo định nghĩa miêu tả liệt kê. Lấy ví dụ minh họa. Ưu, nhược điểm của cách tiếp cận đó”.
NỘI DUNG
I. Khái quát chung
Văn hóa là sản phẩm của con người; là hệ quả của sự tiến hóa nhân loại. Nhờ có văn hóa mà con người trở nên độc đáo trong thế giới sinh vật và khác biệt so với những con vật khác trong thế giới động vật.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Văn hóa quy định lối sống, phong cách, niềm tin, thân phận…
Có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Ngay từ năm 1952, hai nhà nhân loại học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã từng thống kê có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa trong các công trình nổi tiếng thế giới. Văn hóa được đề cập đến trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như dân tộc học, nhân chủng học (theo cách gọi của Mỹ hoặc dân tộc học hiện đại theo cách gọi của châu Âu), dân gian học, địa văn hóa học, văn hóa học, xã hội học...và trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu đó định nghĩa về văn hóa cũng khác nhau. Các định nghĩa về văn hóa nhiều và cách tiếp cận khác nhau đến nỗi ngay cả cách phân loại các định nghĩa về văn hóa cũng có nhiều.
Các định nghĩa văn hóa hiện có tuy rất phong phú và đa dạng, nhưng tựu trung lại, chúng không nằm ngoài hai loại: định nghĩa miêu tả và định nghĩa nêu đặc trưng. Định nghĩa miêu tả liệt kê các thành tố của văn hóa, còn các định nghĩa nêu đặc trưng thì có thể quy về ba khuynh hướng lớn. Khuynh hướng thứ nhất coi văn hóa là những kết quả (sản phẩm) nhất định. Đó có thể là những giá trị, những truyền thống, những nếp sống, những chuẩn mực, những tư tưởng, những thiết chế xã hội, những biểu trưng, ký hiệu, những thông tin... mà một cộng đồng đã sáng tạo, kế thừa và tích lũy. Khuynh hướng thứ hai xem văn hóa như những quá trình. Đó có thể là những hoạt động sáng tạo, những công nghệ, những quy trình, những phương thức tồn tại, sinh sống và phát triển, cách thức thích ứng với môi trường, phương thức ứng xử của con người... Khuynh hướng thứ ba xem văn hóa như những quan hệ, những cấu trúc... giữa các giá trị, giữa con người với đồng loại và muôn loài.
II. Tiếp cận văn hóa theo định nghĩa miêu tả, liệt kê
1. Định nghĩa
Cách tiếp cận văn hóatheođịnh nghĩa miêu tả, liệt kê muốn nhắc đến những gì mà văn hóa bao hàm. Nhà nhân loại học người Anh Edward Burnett Tylor (1832 - 1917) đã định nghĩa văn hóa theo cách này như sau: “văn hóa hay văn minh hiểu theo nghĩa rộng trong dân tộc học là một tổng thể phức hợp gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, và bất cứ những khả năng, tập quán nào mà con người thu nhận được với tư cách là một thành viên của xã hội”.
Về khái niệm “văn hóa”, hiện có rất nhiều định nghĩa. Vào năm 1952, hai nhà nhân học người Mỹ là A. Kroeber và C. Kluckhohn đã viết một cuốn sách chuyên bàn về các định nghĩa văn hóa nhan đề: Văn hóa - tổng luận phê phán các quan niệm và định nghĩa (Culture: a critical review of concepts and definitions), trong đó đã dẫn ra và phân tích 164 định nghĩa về văn hóa. Trong lần xuất bản thứ hai của cuốn sách này, số định nghĩa văn hóa đã tăng lên đến trên 200. Còn hiện nay thì số lượng định nghĩa về văn hóa khó mà biết chính xác được: có người bảo là 400, có người nói là 500, lại có người quả quyết rằng chúng lên đến con số hàng nghìn...
Các nhà dân tộc học kinh điển thường định nghĩa văn hóa theo cách liệt kê các hình thái của văn hóa, sao cho dễ hiểu và dễ miêu tả. E.B.Tylor định nghĩa văn hóa là “Một toàn thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luân lý, luật pháp, phong tục và tất thảy những năng lực khác nhau và những tập quán khác nhau mà con người hoạch đắc với tư cách là thành viên của xã hội”; hay như định nghĩa của Malinowski: “Văn hóa bao gồm các quá trình kế thừa về kỹ thuật, tư tưởng, tập quán và giá trị”; hay như định nghĩa của Từ điển Petit Larousse năm 1981: “Là toàn thể những cấu trúc xã hội, tôn giáo... những biểu thị trí tuệ, nghệ thuật,... đặc định một xã hội”; hoặc như cách hiểu của Margaret Mead.
Từ những định nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu văn hóa theo định nghĩa miêu tả, liệt kê là toàn thể những hình thức ứng xử mà một nhóm cá nhân (cộng đồng) được hợp nhất bởi một truyền thống chung, truyền lại cho con cháu họ. Như vậy, văn hóa không những chỉ định các truyền thống nghệ thuật, khoa học, tôn giáo và triết học của một xã hội, mà còn chỉ định cả các kỹ thuật riêng biệt, các phong tục chính trị và hàng ngàn cách sống đặc định đời sống hàng ngày của xã hội.Tóm lại, văn hóa theo định nghĩa miêu tả, liệt kê có phạm vi rất rộng, không chỉ là văn hóa xã hội mà còn là các vấn đề của kinh tế, chính trị. Trong kinh tế cũng có văn hóa, trong chính trị cũng có văn hóa. Nhưng theo quan điểm hiện đại, văn hóa không phải là “kinh tế”, văn hóa cũng không phải “chính trị”, văn hóa ở đây là văn hóa xã hội, xa rời kinh tế, chính trị.
2. Ví dụ minh họa
Để hiểu rõ hơn về cách tiếp cận văn hóa này, em xin đưa ra một ví dụ cụ thể như sau. Đó là cách tiếp cận văn hóa trà Việt Nam theo định nghĩa miêu tả liệt kê.
Văn hóa trà Việt Nam, là một thành tố của văn hóa ẩm thực, là một hệ thống hữu cơ những giá trị vật chất ( vật thể ) và tinh thần ( phi vật thể ) của cây chè do người Việt Nam sáng tạo và tích lũy trong quá trình sản xuất tác động đến môi trường tự nhiên và quá trình tiêu dùng giao tiếp trong môi trường xã hội.
Lịch sử uống trà đã có 4000 năm, xuất phát từ cái nôi vùng gió mùa Đông Nam Á đã lan rộng ra toàn cầu. Vì những giá trị nhiều mặt về vật chất và tinh thần trong đời sống con người, trà được uống nhiều và phổ biến hàng ngày, xếp thứ nhì sau nước với 50% dân số thế giới uống trà. Trà là một loại nước uống giải khát và kích thích trí não không có cồn, đáp ứng nhu cầu sinh lý cơ bản của con người và là một dược liệu lý tưởng bảo vệ sức khỏe trong mọi thời đại như: ngủ ít, an thần, mắt sáng, giải khát sinh nước bọt, thanh giải nhiệt, tiêu cảm, giải độc, khỏi nhức đầu, chống say nắng, dễ tiêu hóa, giảm béo, chống đầy bụng, trị tức ngực, làm lành vết thương, tăng khí lực, kéo dài tuổi thọ.... Trà là một thứ nước uống tốt nhất mà thế giới tự nhiên đã ban cho loài người. Để phát triển ngành trà bền vững và có hiệu quả, cần quan tâm đầy đủ đến các vấn đề văn hóa trà bao gồm sản xuất, chế biến và phong tục uống trà.
Theo dòng lịch sử phát triên của đất nước, Văn hóa trà Việt Nam có những loại hình phổ biến sau đây:
- Chè tươi (fresh tea)
Chè tươi hay nước chè tươi được nấu, om hay hãm từ lá chè xanh lá già, bánh tẻ hay nụ chè không chế biến hoặc chế biến rất đơn giản, theo tập quán địa phương hay sở thích của người uống. So với cách uống chè trên thế giới, thì uống lá chè tươi, nụ chè và cả cành chè là cách uống độc đáo của người Việt Nam, chưa thấy ghi chép trên các sử sách hiện có của thế giới. Mỗi địa phương ở Việt Nam có một cách uống chè tươi khác nhau.
Hiện nay tiêu dùng chè tươi gồm hai loại, suốt lá già bánh tẻ như chè tươi Hà Tây, Thái Bình và cắt cả cành lá như chè tươi (Gay - Anh Sơn) ở Nghệ An và Hà Tĩnh. “Rửa sạch, đổ nước lã, đun sôi, ủ rơm, uống nóng bằng bát đàn. Nước chè xanh màu diệp lục rất chát và kích thích, uống đặc cắm tăm”
- Chè mạn (man tea)
Chè mạn chế biến tại Hà Giang, như chè Mạn Hảo của Vân Nam, bán ở Hà Nội xưa thời phong kiến, dưới dạng bánh hình tròn, ít khi vuông, bọc bẹ lá cọ và buộc ghép bằng lạt tre thành từng cối (gọi là chè chi).
Nguyên liệu hái từ chè Shan được trồng và khai thác quảng canh, kiểu chè rừng. Chế biến đơn giản, búp chè hái về sao nhanh trong chảo, rồi đem vò chân, sau đó vò tay, tãi ra phên tre phơi nắng, gần khô đưa vào bếp sấy.
Chè mạn có màu nước đỏ và vị dịu mát thuần hoà, không chát như trà lục, ít kích thích do hàm lượng cafêin thấp.
- Trà xanh (greeen tea)
Trà xanh là loại trà uống phổ biến ở Việt Nam được chế biến từ búp và lá chè non theo công nghệ trà lục diệt men hoàn toàn của chè my Trung Quốc. Trà xanh được sản xuất ở những vùng chè công nghiệp tập trung vùng Trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng. Nổi tiếng về chất lượng là trà Thái (Thái Nguyên). Nguyên liệu sản xuất trà xanh được hái từ chè trồng hàng rào, mật độ dày, đốn thấp.
Sơ đồ công nghệ chế biến như sau:
Diệt men --> Vò chè --> Làm khô --> Phân loại-->Đóng gói
Trà xanh có hương thơm ngát mùi cốm, vị nồng đượm, hậu ngọt, màu nước xanh vàng tươi sáng sánh. Người sành điệu đánh giá chất lượng trà xanh qua hương, vị, màu nước của nước pha trà, cánh trà khô xoăn móc câu và bã trà. Cách uống giống cách uống trà lục của người Hán: Không pha đường - Uống nước nóng - Kiêng dầu mỡ.
- Trà ô long (olong tea)
Nguyên liệu giống chè Trung Quốc, Đài Loan chế biến theo công nghệ trà đỏ Trung Quốc, sử dụng phối hợp tác dụng của men (lên men một nửa) và tác dụng nhiệt - ẩm ở mức cân đối để sản xuất trà ô long.
Trà ô long có màu nước đỏ tươi trong sáng, vị chát dịu mạnh hơn vị trà đen, hương thơm mạnh và dạy mùi hoa quả tự nhiên.
Sơ đồ chế biến:
Nguyên liệu --> Làm héo và lên men kết hợp --> Diệt men --> Vò --> Sấy sơ bộ -->
Ủ nóng --> Sấy khô --> ủ nóng --> Phân loại--> Đóng gói
- Trà đen (blak tea)
Trà đen được chế biến từ nguyên liệu giống như của trà xanh với công nghệ có lên men, bằng thiết bị cơ điện, quy mô lớn tập trung.
Trà đen truyền thống (OTD) này sản xuất theo sơ đồ công nghệ Pháp và Liên Xô cũ:
Làm héo --> Vò chè --> Lên men --> Sấy khô --> Phân loại --> Đóng gói
Trà đen thành phẩm có cánh xoăn đẹp, đen bóng, nước đỏ tươi, trong sáng, vị chát dịu, hương thơm ngát mùi hoa hồng và ngọt đường.
- Trà túi nhúng (tea bag)
Vào khoảng những năm 1960, cùng với sự có mặt của quân đội Mỹ ở miền Nam trà túi đã thâm nhập vào xã hội Việt Nam. Đây là loại trà ưa chuộng của thế hệ trẻ thời hội nhập ở các thành phố lớn trong nước hiện nay.
Trong công nghệ trà đen có nhiều trà mảnh, trà vụn; nhằm tiết kiệm và thu hồi trà tốt lọt sàng, đã có công nghệ làm túi giấy lọc đặc biệt đóng trà và thêm hương vị hoa quả, dược thảo. Khi pha trà túi vào cốc chén rót nước sôi, túi bã trà vớt lên dễ dàng sạch sẽ, không phải cọ rửa ấm chén, đổ bã.
Tóm lại, cấu trúc nền Văn hoá trà Việt Nam gồm ba lớp, tương ứng với nền văn hoá chè bản địa (chè tươi - chè mạn), rồi phát triển trong sự tiếp biến rất đậm nét với nền văn hoá trà khu vực Trung Hoa (trà tàu - trà ô long) và sau đó với nền văn hoá trà phương Tây (trà đen, trà mảnh, trà đá, trà túi). Các lớp Văn hoá trà Việt Nam đan xen lẫn nhau, như một ống nhòm vạn hoa muôn hình màu sắc. Đó là sự đan xen của các lớp văn hóa trà cổ kim Đông Tây, theo dân tộc, tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo nhiều màu sắc của xã hội Việt Nam.
Uống trà không những để thưởng thức những giá trị vật chất, mà còn để hưởng thụ những giá trị tinh thần. Uống trà thường kết hợp với môi trường thiên nhiên, nghệ thuật gốm sứ, thi ca, vũ nhạc, hoa pháp, thư pháp, hội họa, kiến trúc, tôn giáo. Chính sự kết hợp hài hòa hai giá trị nêu trên trong văn hóa trà của Trung Hoa, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam đã tạo nên sắc thái văn hóa nghệ thuật của “chén trà phương Đông”.
Trong văn hóa Việt Nam, trà có một vai trò quan trọng trong giao tiếp xã hội và điều tiết mối quan hệ giữa con người với con người còn gọi là trà lễ, trà đức. Trà có mặt trong giao lưu tình nghĩa ở ngày hội làng, đình đám, đưa đón khách thập phương về thăm quê nhà. Và chén trà đã làm cho mọi người xích lại gần nhau, xua đi những mặc cảm, oán thù, nó đã làm cho người gần người hơn. Trà còn được sử dụng như một phương tiện giao tiếp trong biếu xén, quà tặng, lễ tết, cầu phúc, cưới xin, thờ cúng. Trà khởi đầu một ngày mới và kết thúc sau bữa ăn tối của mọi gia đình, tạo nên sự ấm cúng, bình an trong tâm tưởng của mỗi con người.
Phong tục uống trà và sự phát triển của cây chè Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc. Người Việt xưa dù sống trên núi cao, dưới đồng bằng châu thổ hay bên bờ biển, dù là người sang, hay kẻ hèn tất thảy đều giữ một tập tục uống trà. Đó là tập tục biểu thị sự trân trọng, lòng hiếu khách. Dù vui hay buồn, dù nắng hay mưa khách cũng không thể từ chối một chén trà nóng khi chủ nhân trân trọng dâng mời.
3. Ưu điểm, nhược điểm của cách tiếp cận văn hóa theo định nghĩa miêu tả, liệt kê:
Ưu điểm:
Như thế, cách định nghĩa theo quan điểmmô tả, liệt kêđã cụ thể hóa được những hình thái chính của văn hóa, tạo điều kiện cho việc thu thập tài liệu, mô tả đối tượng. Như đúng tên gọi của nó, cách tiếp cận này giúp chúng ta hình dung được văn hóa là thế nào, văn hóa xuất phát từ cuộc sống của con người, gần gũi, thân quen. Với cách tiếp cận này thật dễ để có thể hiểu văn hóa là gì và văn hóa như thế nào, nó bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống của con người.
Nhược điểm:
Bên cạnh ưu điểm, cách định nghĩa này có một số hạn chế sau:
- Trong một định nghĩa giới hạn, việc liệt kê tất cả các hình thái của văn hóa vốn rất đa dạng là điều không thể. Sự đa dạng trong phạm vi của các hình thái văn hóa là rất rộng, nên việc liệt kê được đủ các hình thái văn hóa là rất khó. Cũng như trong ví dụ trên để đưa ra một định nghĩa đầy đủ về văn hóa trà Việt Nam theo cách liệt kê, miêu tả là điều không thể. Vì vậy, ta chỉ có thể đưa ra định nghĩa với những nét đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất.
KẾT LUẬN
Như vậy, cách tiếp cận văn hóa theo định nghĩa miêu tả, liệt kê giúp chúng ta có thêm một góc nhìn khác về văn hóa, khiến chúng ta thấy văn hóa mang trong mình những hình thái đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì cũng tồn tại những hạn chế. Đó là lí do, là tiền đề để hình thành nên các cách tiếp cận khác về văn hóa sau này. Nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng vẫn nên tôn trọng cách tiếp cận này của E.B.Tylor.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại cương về văn hóa Việt Nam – TS. Phạm Thái Việt, NXB văn hóa - thông tin, 2004
2. http://phamngocquang.net/tra.nsf/0/Khai-nien-van-hoa-tra-Viet-Nam-52.htm
3. http://www.caonguachuviet.vn/cn-cong-ty-co-phan-tai-chinh-dau-tu-xay-dung-chu-viet/print/2-van-hoa-tra-viet.html
4. http://anthdep.edu.vn/?frame=newsview&id=177
Cảm ơn bạn Trần Kim Oanh đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment