31/05/2014
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Bài tập cá nhân Luật hình sự 2
Đề số 7

Vào dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thấy nhiều người đi chơi quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm có nhu cầu gửi xe máy S liền nảy ra ý định chiếm đoạt tài sản. S rủ N, H, K vào lúc trời chập choạng tối lấy dây thừng và cọc tre quây quanh một đoạn vỉa hè làm bãi nhận trông giữ xe máy. Sau khi nhận được 5 chiếc xe máy gửi vào bãi, chúng bèn nhanh chóng dắt xe đi tẩu tán. Năm chiếc xe được xác định trị giá 150 triệu đồng. 

Hỏi:

1. Có ý kiến cho rằng nhóm S, N, H, K đồng phạm về tội trộm cắp tài sản, hãy bình luận ý kiến trên và đưa quan điểm cá nhân về tội danh của bốn người này. (4 điểm)

2. Giả sử H và K chỉ mới 15 tuổi thì hai người này có phải chịu TNHS về hành vi chiếm đoạt tài sản nêu trên không? Tại sao? (3 điểm)

Bài làm:


1. Có ý kiến cho rằng nhóm S, N, H, K đồng phạm về tội trộm cắp tài sản, hãy bình luận ý kiến trên và đưa quan điểm cá nhân về tội danh của bốn người này. (4 điểm).


Trả lời:

* Ý kiến cho rằng nhóm S, N, H, K đồng phạm về tội trộm cắp tài sản là sai vì:

“Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lí tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lí tài sản” (1).

Dấu hiệu pháp lí của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ tuy nhiên trong tình huống trên hành vi S, N, H, K nhận trông giữ xe rồi mang đi tẩu tán là công khai  không phải là hành vi lén lút vì vậy nên hành vi phạm tội của S, N, H, K không phải là tội trộm cắp tài sản do đó ý kiến cho rằng S, N, H, K đồng phạm về tội trộm cắp tài sản là hoàn toàn sai.

* S, N, H, K phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 139 BLHS.

“(Tội) lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản người khác bằng thủ đoạn gian dối” (2).

Dấu hiệu pháp lí của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt.

Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Hành vi lừa dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện là nhằm thực hiện việc chiếm đoạt.

Hành vi chiếm đoạt mà tài sản đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thể hiện ở hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối. Vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã giao nhầm tài sản. Khi nhận được tài sản cũng là lúc người phạm tội lừa đảo đã làm chủ được tài sản định chiếm đoạt và người bị lừa dối đã mất khả năng làm chủ tài sản đó trên thực tế. Tội lừa đảo coi là hoàn thành ở thời điểm này – thời điểm người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Trong tình huống trên thấy nhiều người đi chơi quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm có nhu cầu gửi xe máy S liền nảy ra ý định chiếm đoạt tài sản. S rủ N, H, K vào lúc trời chập choạng tối lấy dây thừng và cọc tre quây quanh một đoạn vỉa hè làm bãi nhận trông giữ xe máy. Sau khi nhận được 5 chiếc xe máy gửi vào bãi, chúng bèn nhanh chóng dắt xe đi tẩu tán. Như vậy để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản S, N, H ,K đã dùng thủ đoạn gian dối nhận trông giữ xe nhưng trên thực tế thì S, N, H, K đã không trông giữ xe mà lấy xe mang tẩu tán. Hành vi chiếm đoạt: tính từ thời điểm S, N, H, K nhận xe từ những người gửi thì S, N, H, K chiếm đoạt được tài sản và tội phạm đã hoàn thành.

- Chủ thể: S, N, H, K có đầy đủ năng lực TNHS (vì đề bài không chú thích gì thêm nên ta coi như vậy).

- Khách thể: xâm phạm tới quan hệ sở hữu.

- Mặt chủ quan: lỗi của S, N, H, K là lỗi cố ý trực tiếp.  Mục đích của S, N, H, K là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích này có trước hành vi chiếm đoạt được tài sản ( S nảy ra ý định chiếm đoạt tài sản. S rủ N, H, K vào lúc trời chập choạng tối lấy dây thừng và cọc tre quây quanh một đoạn vỉa hè làm bãi nhận trông giữ xe máy. Sau khi nhận được 5 chiếc xe máy gửi vào bãi, chúng bèn nhanh chóng dắt xe đi tẩu tán)

- Mặt khách quan: 

Hành vi khách quan: S, N, H, K nhận trông giữ xe sau đó nhanh chóng dắt xe đi tẩu tán. 

Hậu quả: là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt 150 triệu đồng (Năm chiếc xe được xác định trị giá 150 triệu đồng).

Theo điểm e khoản 2 điều 139 BLHS: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: ...chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng...”.

Từ những phân tích ở trên ta có thể kết luận: S, N, H, K phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điểm e khoản 2 điều 139 BLHS.

2. Giả sử H và K chỉ mới 15 tuổi thì hai người này có phải chịu TNHS về hành vi chiếm đoạt tài sản nêu trên không? Tại sao? (3 điểm)

Trả lời:

H và K chỉ mới 15 tuổi thì hai người này không phải chịu TNHS về hành vi chiếm đoạt tài sản ở trên (hay nói cách khác H và K sẽ không phải chịu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Điều 12 BLHS quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự :

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”.

Theo khoản 2 điều 139 BLHS: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm....”. Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là bảy năm tù. Căn cứ khoản 3 điều 8 BLHS thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà S, N, H, K thực hiện tại điểm e khoản 2 điều 139 BLHS thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.

Như vậy H và K chỉ mới 15 tuổi thì không phải chịu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điểm e khoản 2 điều 139 BLHS.
  
Trên đây là bài viết của em về đề bài số 7 liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên bài làm còn nhiều thiếu sót em kính mong quý thầy (cô) góp ý để bài làm của em được hoàn thiện hơn! Em xin chân thành cảm ơn!

Chú thích:

(1): Đinh Văn Quế - Thạc sĩ Luật học Tòa án nhân dân tối cao, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự phần các tội phạm tập II, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.196 .
(2): Đinh Văn Quế - Thạc sĩ Luật học Tòa án nhân dân tối cao, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự phần các tội phạm tập II, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.221 .

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ luật hình sự Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đã được sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009), NXB. Lao động-xã hội, 2009;
2. Đinh Văn Quế - Thạc sĩ Luật học Tòa án nhân dân tối cao, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự phần các tội phạm tập II, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002;
3. Đinh Văn Quế - Chánh án hình sự tòa án nhân dân tối cao, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự phần chung, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2006;
4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập I, Nxb. Công an nhân dân, 2010;
5. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập II, Nxb. Công an nhân dân, 2010.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Sỹ Anh đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment