31/05/2014
Nhân tố ảnh hưởng đến đời sống âm nhạc của giới trẻ Việt Nam - Bài tập học kỳ Mỹ học - 8 điểm
Âm nhạc đã là ngôn ngữ của tâm hồn, của trái tim và nhịp đập cuộc sống. Tất cả những điều đó đã khẳng định sự diệu kỳ của âm nhạc trong cuộc sống loài người. Chính vì thế mà âm nhạc có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của con người, trong đó có một bộ phận là giới trẻ. Nhưng đời sống âm nhạc của giới trẻ Việt Nam hiện nay bên cạnh những mặt tốt đẹp còn có những điều biến chất, biến dạng. Vậy nguyên nhân do đâu mà dẫn tới điều đó? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, em xin phép được phân tích đề bài: “Các nhân tố ảnh hưởng đến đời sống âm nhạc của giới trẻ Việt Nam”.

B. NỘI DUNG

I. Biểu hiện về đời sống âm nhạc của giới trẻ Việt Nam

1. Giới trẻ với âm nhạc truyền thống. 

Dân tộc Việt Nam vốn có nền âm nhạc truyền thống vô cùng phong phú, độc đáo và đa dạng. Các loại hình âm nhạc như nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, hát xoan… được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngoài ra, trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, chủ đề Tổ quốc luôn được biểu hiện sâu sắc, thể hiện tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc. Chính chủ đề này đã làm nên giá trị lớn lao của âm nhạc truyền thống. Hàng loạt bài hát biểu hiện lòng yêu quê hương, căm thù giặc, quyết chiến quyết thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ chính là những minh chứng rõ nhất trong việc thể hiện phẩm chất công dân của mỗi người Việt Nam.

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy âm nhạc truyền thống vẫn sống lay lắt, ít người xem, người nghe, đặc biệt là giới trẻ. Nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, nhìn nhận: “Một bộ phận rất lớn thanh, thiếu niên từ chỗ không hiểu, hiểu không hết giá trị của âm nhạc truyền thống dẫn đến tôn sung âm nhạc thương mại, sính nhạc Tây, nhạc Hàn. Điều đó làm cho hoạt động âm nhạc hết sức khó khăn”.

2. Giới trẻ với nhạc nước ngoài

Hiện nay, nhạc nước ngoài đang rất phát triển ở Việt Nam và nó đang được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Ví dụ: nhạc Hàn. 

Trào lưu âm nhạc Hàn Quốc đã du nhập và đang phát triển tại Việt Nam và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động âm nhạc của nhiều ca sĩ. Nếu mỗi ca sĩ trẻ được trang thiết bị tốt về thẩm mỹ âm nhạc và phông văn hóa cơ bản, biết kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt tại Việt Nam thì khi đứng trước bất kì sự du nhập của dòng văn hóa nào sẽ vẫn có sự tỉnh táo để  nhận biết nên học hỏi cái gì và cái gì phải bỏ qua. Điều đó có nghĩa là phải tiếp thu trên tinh thần “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Đó còn có thể khích lệ sự sáng tạo của các ca sĩ trẻ. Như vậy, người nghe là giới trẻcũng sẽ cảm nhận được những giá trị tốt đẹp từ giai điệu của bài hát.

Tuy nhiên, vẫn còn có những hiện tượng như trong hoạt động âm nhạc như một số ca sĩ, nhóm nhạc của Việt Nam đã coppy, bắt chước từ trang phục, phong cách biểu diễn, đầu tóc, kỹ năng giao tiếp, động tác vũ đạo….Đặc biệt là hiện tượng đạo nhạc, đạo MV, đạo các cách bày bìa, đĩa nhạc từ các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc. Chính từ những hiện tượng này đã làm lây lan sang giới trẻ những hiện tượng tương tự như vậy, ví dụ: chế nhạc trên lời bài hát khác,…

Không những vậy, còn một số hiện tượng như khi dịch lời của các ca khúc hải ngoại sang tiếng Việt thì lại dịch sai khiến cho người nghe hiểu nhầm, hiểu sai về giá trị thực sự của bài hát.

3. Giới trẻ với “nhạc chợ”

Trên các trang mạng hiện nay đã xuất hiện một thể loại âm nhạc có tên là “nhạc chợ”. Chúng ta có thể hiểu đơn giản “nhạc chợ” là thể loại nhạc chứa những ca từ không có ý nghĩa, nhảm nhí, dung tục,… Nhưng thể  loại nhạc này lại được một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay yêu thích.

Một ví dụ cho thể loại đó là ca khúc “Ba thằng bạn” .Xin trích ra đây một đoạn lời trong ca khúc Ba thằng bạn của rapper nổi đình nổi đám trong giới trẻ hiện nay: "Tao có 1 thằng bạn thân khá là bản lĩnh/ Lúc nào mở miệng cũng nói chơi chung với tao không hề toan tính/ Nhưng sau lưng thì lại đâm chọt để cho tao mất bạn tình /What the f... !nhiều khi tao không dám tin đó là bạn mình!/ Nhưng không sao! sống như vậy cũng hay/ Nhờ vậy tao mới tìm được điểm chung của đám súc vật và mày đề cao vậy thôi ! chứ thua xa chó nhà tao /Nếu không tin thì cứ nghe tiếp coi nó hơn mày chỗ nào! /Con rex nhà tao vẫn sủa hằng ngày nhưng cơm nó ăn không no /Còn mày ở không sung sướng và khi thấy anh em chết không lo /Và con rex hễ thấy ai đụng đến tao là nó cắn hoài không nhả/ Riêng mày thấy đầu gấu "thăm" tao thì lo kiếm chỗ núp trước trong nhà /Còn nhiều! Cái này là tao tóm tắt..."

Đó chính là thẻ loại mà một bộ phận giới trẻ hiện nay đam mê thể loại nhạc này, đi đâu cũng thấy các nhóm teen ngâm nga những ca khúc dạng này, thậm chí còn cài làm nhạc chuông, nhạc chờ trong điện thoại. Một số bạn trẻ còn coi đó chính là linh hồn của họ và dùng mọi cách để bảo vệ trước mọi sự lên án về loại ngôn từ tục tĩu và thiếu tính giáo dục.

Nhạc sỹ Giáng Son cho rằng: "Đây là một dạng của thảm họa âm nhạc, càng ngày thảm họa càng lên đời. Dường như giới trẻ càng ngày càng nghiện thảm họa. Tôi đã lường trước được chuyện này. Với những người nghe nhạc thực sự sẽ không bao giờ click vào những đường link ấy bởi nếu chẳng may phải nghe thì sẽ phát điên vì không thể chấp nhận, không thể tiêu hóa được những loại âm nhạc như vậy".

II. Những nhân tố ảnh hưởng đến đời sống âm nhạc của giới trẻ Việt Nam 

1. Phương tiện truyền thông

Hiện nay, có rất nhiều thể loại âm nhạc mới, lạ, hấp dẫn ra đời như rock, hiphop, dance,…đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều các bạn giới trẻ. Những thể loại nhạc này xuất hiện rất nhiều trên các trang mạng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Vì thế mà nó có thể dễ dàng lan nhanh và trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Điều đó đã làm đa số giới trẻ hiện nay quay lưng lại với nhạc truyền thống và đi theo những thể loại nhạc mới lạ đó. Hơn nữa, tuổi trẻ chỉ thích những gì mới mẻ mà không thích những cái cũ, điều này do từ việc giáo dục âm nhạc, ngoài ra cũng là do ảnh hưởng của sự “gieo rắc”văn hoá Tây Phương cũng đều hay hơn.

2. Người sáng tác

Vẫn biết, tự thân nghệ thuật có sự đào thải, nhưng với số lượng ca khúc mới ồ ạt tấn công vào thị trường âm nhạc trong khi đối tượng tiếp nhận lại là số đông, ở nhiều độ tuổi, không phải ai cũng dễ dàng chọn cho mình một "gout" âm nhạc đúng đắn.

Trên thực tế thì sáng tác đang đi theo hướng "nghiệp dư hóa" và chính sự ồ ạt này đã làm thị trường âm nhạc đang đi thụt lùi!

Mỗi tác phẩm âm nhạc cần chuyển tải thông điệp, ý nghĩa nào đó về tình yêu, cuộc sống... mang giá trị nghệ thuật, thẫm mỹ. Nhưng trái lại thì âm nhạc liên tục xuất hiện những ca khúc sáo rỗng về ca từ, nhảm về giai điệu, nghèo về ý tưởng...

Xét về mặt bằng chung thì những ca khúc mới có "tuổi thọ" rất chóng vánh. Nội dung sáng tác chủ yếu bó hẹp ở đề tài yêu đương nam nữ, ít có sự đổi mới và cảm tưởng. Sự o ép về ca từ, thô trong câu chữ, quằn quại về giai điệu... không là đích đến của âm nhạc.

Lý giải cho những yếu kém này chỉ có thể là sự non yếu của người viết về trình độ, vốn sống. Họ sáng tác chủ yếu dựa vào sự vay mượn vốn sống và kỹ thuật mù mờ. Bởi xét mặt bằng chung thì "cha đẻ" của rất nhiều ca khúc nhạc trẻ trên thị trường hiện nay chưa đủ tầm để được gọi là nhạc sỹ, nên chăng chỉ là những người viết, người sáng tác, vì đại đa số là tay ngang. Họ đến với âm nhạc vì có chút năng khiếu về nhạc lý và vì sở thích nên chưa có sự kiểm chứng nào.

Vậy làm thế nào để trả lại sự trong sáng cho âm nhạc? Hơn ai hết, nhiệm vụ của người sáng tác vẫn là đi đầu. Mỗi người làm nhiệm vụ sáng tạo nghệ thuật nên định hướng và ý thức thẩm mỹ âm nhạc trong tác phẩm mình tạo ra. Vì mỗi tác phẩm là một công trình nghệ thuật ít nhiều ảnh hưởng đến công chúng.

3. Quản lý của thị trường âm nhạc

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm âm nhạc kém chất lượng hoặc những ca khúc, bài hát có tính chất không lành mạnh. Ví dụ như nhạc chế, nhạc chợ,… Chính sự buông lỏng trên thị trường này đã khiến cho giới trẻ tiếp cận với một thị trường âm nhạc lớn mà không có chọn lọc. Điều nay có thể dễ dàng dẫn tới hiện tượng giới trẻ đi theo những dòng nhạc không hay.

Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đánh giá, giám sát chặt chẽ hơn nữa các ca khúc mới. Tiến hành đồng bộ từ khâu sáng tác, hạn chế những tác phẩm thảm họa tung ra thì trường. Còn về đối tượng tiếp nhận, đặc biệt là giới trẻ thay vì chạy theo xu hướng thì nên có trách nhiệm với nền âm nhạc Việt bằng cách lựa chọn những sản phẩm âm nhạc lành mạnh?

4. Phương pháp tuyên truyền,  giáo dục

Để tránh cho giới trẻ có những cái nhìn lệch lạc, không đúng về đời sống âm nhạc thì nên cần áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ngay trongnhà trường. 

Cần hướng cho học sinh tìm hiểu về những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao của âm nhạc Việt Nam và phương Tây. Trước mắt, bên cạnh môn thưởng thức âm nhạc phương Tây, trong nhà trường cần có bộ giáo trình hoàn chỉnh về thưởng thức âm nhạc Việt Nam, nhanh chóng hình thành  một hệ thống giảng dạy thật khoa học đúng với những đặc điểm của nó.  

Một số thể loại nhạc của Việt Nam như nhạc Giao hưởng và Thính phòng của Việt Nam muộn hơn so với phương Tây, nhưng nền văn hoá âm nhạc dân gian đã được hình thành trong bối cảnh lịch sử lâu đời và vô cùng đặc sắc của nước ta, nếu được truyền dạy một cách khoa học thì việc khích lệ học sinh yêu thích nghệ thuật truyền thống Việt Nam chắc chắn không thua kém so với âm nhạc phương Tây. Nghệ thuật Chèo, Ca Huế, Đàn ca tài tử - Cải lương, các  hình thức sinh hoạt âm nhạc độc đáo khác như Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, âm nhạc nghi lễ, âm nhạc Cung đình, âm nhạc của các dân tộc thiểu số... đều là nguồn tài nguyên phong phú của văn hóa âm nhạc nước ta. 

5. Nhận thức của giới trẻ

Đời sống âm nhạc của giới trẻ hiện nay như thế nào phần lớn phụ thuộc vào nhận thức của chính bản thân họ. Những hiện tượng như “cuồng thần tượng” hay “trào lưu K-Pop” đã khiến cho giới trẻ đổ xô theo những thứ đó mà không cần biết nó có phù hợp với bản thân mình không. Vậy để tránh được điều đó, mỗi người nên chọn cho mình một xu hướng âm nhạc đúng đắn, phù hợp với chuẩn mực thẩm mỹ và hoàn cảnh của bản thân. 

C. KẾT BÀI

Sô-xta-cô-vits đã từng nói: “Âm nhạc nâng con người lên, làm con người cao quí hơn, củng cố phẩm chất, củng cố niềm tin vào sức mạnh bên trong của bản thân, vào sứ mệnh lớn lao của mình”. Chính vì âm nhạc có một vai trò quan trọng trong đời sống như vậy nên chúng ta không nên để những nhân tố bất lợi ảnh hưởng đến đời sống âm nhạc của mình.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://www.cdsonla.edu.vn/spnt/index.php?option=com_content&view=article&id=144:ly-lun-phe-binh-am-nhc--thc-trng-va-gii-phap&catid=34:gioi-thieu&Itemid=53
2. http://www.hanquochoc.edu.vn/cps/nghiencuu/vanhoahanquoc_nghiencuu/2014/2/881.aspx
3. http://thaibinhtv.vn/tintuc/am-nhac-dan-toc-mat-dan-cho-dung/vi-VN-15910-55.aspx
4. http://vhnthcm.edu.vn/van-hoa-am-nhac-han-quoc-lan-song-ngam-trong-showbiz-viet/
5. http://www.nguoiduatin.vn/gioi-tre-phat-sot-voi-am-nhac-cho-bua-a13137.html

Cảm ơn bạn Trần Kim Oanh đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment