31/05/2014
Bài tập nhóm 1 Thương mại 2 - 9 điểm
Xem thêm: Tổng hợp bài tập Luật Thương mại 2 có đáp án.

1. Tư vấn cho công ty A giải pháp tiết kiệm nhất để thực hiện được ý định trên đây. 

Hoạt động mua bán hàng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng có thể được tiến hành theo nhiều phương thức khác nhau. Giao dịch qua trung gian trong hoạt động thương mại là phương thức giao dịch trong đó mọi việc thiết lập quan hệ giữa người mua và người bán hàng hoá (người cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ) và việc xác định giao dịch phải thông qua một người trung gian. Có rất nhiều hình thức trung gian thương mại khác nhau như: đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá, đại lý thương mại… 

Hoạt động giới thiệu và bán sản phẩm lại tiêu tốn một nguồn nhân lực khá lớn. Chính vì vậy họ thường phát triển mạng lưới buôn bán theo cách lập một hệ thống các đại lý thương mại, các đại lý này sẽ trở thành cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Với hình thức hình thành nên các đại lý thương mại, điều nay vừa đảm bảo sự tiết kiệm nguồn nhân lực, đỡ tốn chi phí thù lao cho những nguồn nhân lực khi mà họ trực tiếp bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhưng cũng đảm bảo việc mở rộng thị trường. Do đó hình thức phù hợp nhất để thực hiện ý định của công ty A sẽ là hình thức đại lý thương mại. Công ty A cần tìm đối tác ở thị trường miền Trung để ký kết một hợp đồng đại lý thương mại để dần mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây.

Điều 166 Luật thương mại 2005 quy định về đại lý thương mại:

“Đại lý thương mại là một hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.”

Lý do Công ty A nên chọn hình thức đại lý thương mại là do căn cứ vào những đặc điểm pháp lý của đại lý thương mại. Cụ thể đó là:

Thứ nhất, Công ty A có nhu cầu muốn có sự hiện diện trên thị trường miền Trung để dần mở rộng hoạt kinh doanh tại đây, song không muốn mở chi nhánh hay văn phòng đại diện do kinh phí hạn chế, chính vì vậy chọn hình thức đại lý thương mại  là một biện pháp an toàn cho việc xuất hiện lần đầu tại thị trường miền Trung. Bản thân bên đại lý lại là chủ thể (thương nhân) đã có kinh nghiệm hoạt động trên thị trường miền trung, họ am hiểu về nhu cầu cũng như cách thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nên việc sản phẩm của Công ty A đến với khách hàng sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn, họ sẽ hạn chế được công việc lập kế hoạch chi phí cho thuê mặt bằng, nhân công, hay hoạt động chào bán sản phẩm trên thị trường mới. 

Đại lý thương mại là một hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. Hay nói cách khác đại lý chỉ là bên đứng ra bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ thay cho doanh nghiệp. Các đại lý tuyệt đối không được quy định các điều kiện về mua bán, giá cả,… trái với các chính sách của doanh nghiệp trừ trường hợp có thỏa thuận trong hợp đồng đại lý. Điều này cũng có nghĩa bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá đã giao cho bên đại lý theo Điều 170 Luật Thương mại quy định. Khi bên đại lý giao kết hợp đồng với khách hàng , quyền sở hữu hàng hóa sẽ được chuyển từ bên giao đại lý cho khách hàng. Với tư cách là chủ sở hữu hàng hóa bên giao đại lý có toàn quyền định đoạt đối với hàng hóa của mình cũng như  chịu mọi rủi ro, chất lượng hàng hóa, chất lượng dịch vụ hàng hóa và bên đại lý cũng liên đới chịu trách nhiệm nếu hàng hóa hư hỏng do lỗi của bên đại lý. Theo khoản 1, 2 điều 172 luật thương mại 2005, thì bên giao đại lí có quyền ấn định giá giao cho đại lí hoặc ấn định cả giá mua, bán hàng hóa đấy. Vì thế, việc được chủ động ấn định giá này sẽ giúp công ty A chủ động tăng, giảm giá của mình tránh thiệt thòi sau này, nếu giá thành tăng lên. (Điều 172, Điều 173, Điều 174, Điều 175 Luật Thương mại quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của bên giao đại lý, bên đại lý). 

Như vậy, với hình thức này thì công ty A ở Hà Nội vẫn là chủ sở hữu đối với các mặt hàng, chỉ giao hàng hóa thủ công kĩ nghệ cho bên đại lý, bên đại lý có thể tự do giúp công ty A thực hiện việc buôn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mở rộng ra thị trường miền trung, mà vẫn đảm bảo sự quản lý giá cả, điều kiện mua bán… với những loại hàng hóa này, từ đó vừa an toàn vừa có thể mở rộng thị trường. Bên đại lý chính là người bán hàng thuê cho bên giao đại lý, điều này cũng đảm bảo sự tiết kiệm chi phí hơn so với mở văn phòng đại diện hay chi nhánh. 

Thứ hai, về vấn đề thù lao đại lý. Theo khoản 1 điều 171 Luật thương mại  thì thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc theo quy định tại khoản 4 Điều 171 Luật thương mại  nếu như không có thỏa thuận, nhờ đó mà công ty A tiết kiệm rất nhiều chi phí và nhân công. Như vậy, việc trả thù lao theo hình thức này sẽ đảm bảo việc bên đại lý sẽ có ý thức phát triển thị trường, tăng cường mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ ra thị trường, điều này sẽ giúp công ty A có điều kiện làm ăn có lãi và tăng thu hơn, và việc trả lương cho bên đại lý bằng hình thức này sẽ đỡ được chi phí gốc hơn…

Thứ ba, qua hoạt động đại lý, công ty A có thuận lợi trong việc bảo vệ và quảng bá về hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm của mình và có thể tìm hiểu được thị trường một cách chân thực và chính xác nhất. Việc mở rộng thị trường, đại lí sẽ có nhiều cách để mở rộng tại địa bàn mình hơn, là một cách để xâm nhập thị trường nhanh nhất, quảng bá thương hiệu nhanh nhất, bởi lẽ hình thức đại lý rất phong phú, có thể phân phối sản phẩm cho nhiều đại lý cấp dưới trong một hệ thống, chính vì vậy sẽ làm cho việc tiêu thụ hàng hóa hiệu quả hơn, tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng hơn. Hoàn toàn có thể đặt ra thỏa thuận trong hợp đồng đại lí thương mại như: Nếu công ty A làm ăn thua lỗ, có thể chấm dứt hợp đồng với đại lí và nhanh chóng rút khỏi thị trường để hạn chế thiệt hại (tiến hành theo quy định tại Điều 177 Luật Thương Mại). Hay nếu muốn mở rộng ra, công ty A có thể tìm thêm rất nhiều đại lí khác. Hay, nếu mặt hàng của công ty A triển khai vào miền Trung không hiệu quả, doanh thu thấp thì công ty A sẽ tiện lợi hơn trong việc thu hàng về. Nếu làm chi nhánh hay văn phòng  đại diện, nếu việc kinh doanh không hiệu quả rút về cũng mất một số vốn khá lớn trong khâu tổ chức và nhân sự.

Thứ tư, việc quy định đại lí trả tiền hàng theo đợt sẽ giúp công ty A linh hoạt và chủ động trong nguồn vốn của mình, vì thế mà sẽ thuận lợi cho công việc thu mua nguyên liệu sản xuất. Hoặc giữa công ty A và bên đại lý có thể có những thỏa thuận khác để việc thanh toán được tiến hàng một cách thuận tiện nhất cho cả hai bên (Điều 176 Luật Thương mại).

Thứ năm, giữa bên đại lý và bên giao đại lý có tư cách pháp lý riêng, tức là khi gặp vấn đề rủi ro thì qua hợp đồng đã thỏa thuận giữa hai bên thì bên nào không thực hiện đúng theo quy định thì tự chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu công ty A biết cách thỏa thuận rõ ràng những điều khoản trong hợp đồng đại lí thương mại thì khi có bất kì rủi ro nào trong quá trình phân phối cho các đại lí, việc giải quyết cũng dễ dàng, đỡ tốn kém chi phí đi lại, chi phí phân định trách nhiệm mà chỉ cần thực hiện đúng theo hợp đồng, bên nào có lỗi hay vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Việc kí kết hợp đồng đại lí của mỗi công ty xác định là một dạng hợp tác lâu dài, vì vậy việc gắn bó là rất cần thiết bởi sự cần nhau từ cả hai phía, việc thúc đẩy kinh doanh để có được lợi nhuận luôn đặt ra ở tất cả các bên, hiệu quả kinh doanh sẽ tăng lên đồng nghĩa với việc thù lao của đại lí cũng tăng lên.

Việc không lựa chọn các hình thức trung gian còn lại cũng có nhiều nguyên nhân:

- Đối với hình thức đại diện cho thương nhân: thì hình thức này chỉ nhân danh người giao đại diện chứ không nhân danh chính mình trong việc thực hiện giao dịch. Với hình thức này thì bên đại diện cho công ty  A không được tự do mua bán hàng háo, cung ứng dịch vụ cho công ty A như hình thức đại lý , mà chỉ hoạt động trong phạm vi thẩm quyền đại diện, điều nay sẽ hạn chế việc mở rộng thị trường ra thị trường miền trung.

- Đối với môi giới thương mại: Tuy hình thức này có phạm vi hoạt động rất rộng, và có thể tiết kiệm được nhiều chi phí, nhưng chưa phù hợp để mở rộng thị trường. Bởi bản chất của môi giới là bên môi giới sẽ là trung gian cho bên được môi giới để kí kết hợp đồng,…và hưởng thù lao môi giới. Chính vì vậy, bên môi giới thực chất là đã nhằm tới những đối tượng nhất định có thể sử dụng sản phẩm của công ty A, và giới thiệu bên thứ ba cho công ty A mà không hề hướng tới mọi khách hàng khác nhau có thể sử dụng sản phẩm của công ty. Môi giới thường mang tính chất vụ việc, tức là khách hàng nào muốn sử dụng dịch vụ thì sẽ B thực hiện “môi giới” cho công ty A, điều này làm hạn chế hoạt động giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm của A.

- Đối với hình thức ủy thác mua bán hàng hóa: Ủy thác thường được sử dụng nhiều trong hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa đối với các doanh nghiệp muốn xuất, nhập khẩu hàng hóa nhưng không có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa; hoặc doanh nghiệp đó muốn sử dụng dịch vụ trọn gói của một doanh nghiệp chuyên thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm tiết kiệm thời gian, tránh các thủ tục phiền hà. Đó cũng là lí do tại sao nói đến ủy thác là nói đến ủy thác xuất khẩu mà ít thấy dùng ủy thác mua bán hàng hóa. Vì thế nếu A lựa chọn hình thức này là không hề phù hợp. Mặt khác, phạm vi hoạt động ủy thác hẹp hơn so với hoạt động đại lý thương mại, bởi lẽ hoạt động ủy thác chỉ được thực hiện trong mỗi lĩnh vực mua bán hàng hóa, còn đại lý thì trong nhiều lĩnh vực của hoạt động thương mại vì đại lý thương mại còn có thêm cả đại lý cung ứng dịch vụ (nên đương nhiên lại có thêm một yếu tố để mở rộng kinh doanh , đưa sản phẩm đến gần với người dân).

Bên nhận ủy thác thì không được tự do như bên đại lý trong việc lựa chọn bên thứ ba để giao kết và thực hiện hợp đồng mặc dù cả hai đều nhân danh chính mình trong quan hệ với bên thứ ba. Quan hệ ủy thác thì mang tính vụ việc, chính vì vậy nên quan hệ giữa các bên sẽ nhanh chóng kết thúc , còn quan hệ đại lý thì là quá trình hợp tác lâu dài.

Với những phân tích trên đây thì giải pháp tiết kiệm nhất để thực hiện được ý định của công ty A là lựa chọn hoạt động trung gian thương mại: Đại lý thương mại. 

2. Trong trường hợp tư vấn cho Công ty A lựa chọn ký kết một hợp đồng, hãy trình bày đặc điểm pháp lý của hợp đồng đó

Theo như phận tích ở trên thì để công ty A có thể mở rộng thị trường kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ ra miền Trung, song công ty A không muốn mở chi nhánh hay văn phòng đại diện mà lại ít tốn kém thì để thực hiện được ý định của mình công ty A sẽ dùng hình thức đại lý thương mại để thực hiện ý định đó.

Tuy nhiên theo quy định tại Điều 166 Luật thương mại 2005 quy định về đại lý thương mại, ta có thể thấy đại lý thương mại có thể là đại lý mua bán hàng hóa hoặc đại lý cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên trong đề bài có nói rõ công ty A kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ như vậy ở đây việc mở đại lý cho công ty a phải là đại lý mua bán hàng hóa. Do vậy mà giữa công ty A và đại lý sẽ kí kết một hợp đồng đó là hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa.

Để hiểu rõ hơn về hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa sau đây nhóm xin đi phân tích các đặc điểm của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa.

Để biết được những đặc điểm của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa thì trước tiên ta phải hiểu hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa là gì. Luật thương mại năm 2005 không đưa ra một khái niệm hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa. Tuy nhiên căn cứ vào quy định tại Điều 166 LTM 2005 quy định về đại lý thường mại và Điều 388 BLDS 2005 quy định về hợp đồng thì ta có thể đưa ra được khai niệm về hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa như sau: “ Hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó một bên (bên đại lý) nhân danh chính mình để thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho bên kia (bên giao đại lý) để hưởng thù lao”.

Công ty A kí kết hợp đồng với đại lý tại miền trung thì hợp đồng giưa các bên có những đặc điểm pháp lý sau:

Thứ nhất, chủ thể của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa là các thương nhân.

Quan hệ đại lý mua bán hàng hóa được xây dựng trên cơ sở hợp đồng, giữa bên giao đại lý và bên đại lý. 

Theo Điều 167 Luật thương mại 2005 quy định về bên giao đại lý và bên đại lý: 

“1. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.

2. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.”

Như vậy theo quy định của pháp luật thì cả bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân.

Bên giao đại lý và bên đại lý phải là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp; cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Bên giao đại lý là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua. Đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được Bộ Công Thương cho phép. Để hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa có hiệu lực pháp luật thì các bên phải có năng lực chủ thể thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. 

Tuy nhiên trong trường hợp này bên giao đại lý là công ty A thương nhân Việt Nam chứ không phải là thương nhân nước ngoài.

Do vậy mà từ những phân tích trên thì công ty A là bên giao đại lý và công tuy B bên đại lý đều phải là thương nhân theo quy định của Luật thương mại và Luật Doanh nghiệp 2005.

Thứ hai, bên đại lý phải dùng chính danh nghĩa của mình để thực hiện việc mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý

Đây là một đặc điểm quan trọng của hợp đồng đại lý, cho phép phân biệt hợp đồng đại lý với hợp đồng đại diện cho thương nhân. Trong quan hệ hợp đồng đại lý, do bên giao đại lý thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho mình thông qua bên đại lý nên bắt buộc phải có quyền kinh doanh những hàng hóa đó, hay nói cách khác là phải có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với hàng hóa đại lý.  Do bên đại lý thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý bằng chính danh nghĩa của mình nên phải có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với hàng hóa đại lý mua, đại lý bán. Từ nghĩa vụ cụ thể của bên đại lý là nhân danh chính mình để thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng hàng hóa nhất định cho bên giao đại lý nên bên giao đại lý phải có đăng ký kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa ghi trong hợp đồng ( sẽ chứng minh cụ thể tại phần (3))

Thứ ba, trong quan hệ hợp đồng đại lý, chủ sở hữu hàng hóa là bên giao đại lý, đại lí chỉ là người được bên giao đại lý giao việc định đoạt hàng hóa. Bên giao đại lý hoàn toàn không chuyển quyền sở hữu hàng hóa ( trong trường hợp đại lý bán) hoặc tiền ( trong trường hợp đại lý mua).

Cơ sở để bên đại lý bán hoặc mua hàng hóa cho bên giao đại lý là sự ủy nhiệm quyền mua, bán hàng hóa của bên giao đại lý. Đặc điểm này làm cho HĐ đại lí MBHH hoàn toàn khác hợp đồng mua bán hàng hóa. Đặc trưng nổi bật nhất của hợp đồng mua bán hàng hóa là có sự chuyển quyền sở hữu hàng hóa cũng như chuyển giao rủi ro từ người bán sang cho người mua, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trong quan hệ ĐLMBHH, bên đại lý chỉ giao hàng hóa cho bên đại lý bán hàng mà không chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên đại lý (bên giao đại lý chỉ chuyển quyền chiếm hữu hàng hóa cho bên đại lý). Khi bên đại lý giao kết, thực hiện hợp đồng với khách hàng, quyền sở hữu hàng hóa sẽ được chuyển từ bên giao đại lý sang cho khách hàng. Bên đại lý chỉ có vai trò của một người làm dịch vụ trung gian nối liền sự liên kết của bên giao đại lý với khách hàng. Với tư cách là chủ sở hữu của hàng hóa, bên giao đại lý được toàn quyền định đoạt đối với hàng hóa của mình cũng như phải chịu rủi ro đối với hàng hóa cũng như gánh chiu mọi trách nhiệm với khách hàng về chất lượng của hàng hóa (trừ trường hợp hàng hóa hư hỏng do lỗi của bên đại lý).

Như vậy, công ty A chuyển giao hàng hóa đồ mỹ nghệ cho công ty B nhưng không chuyển giao quyền sở hữu cho công ty B. Công ty B với vai trò là bên đại lý làm dịch vụ trung gian nối liền sự liên kết của công ty A với khách hàng và hưởng thù lao. Khi khách hàng mua hàng hóa thì quyền sở hữu được chuyển trực tiếp từ công ty A sang cho khách hàng. 

Thứ tư, để thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý phải thực hiện các hành vi thực tế 

Bên đại lý nhận hàng hóa từ bên giao đại lý để giao cho người mua trong trường hợp đại lý bán, hoặc nhận tiền từ bên giao đại lý để thanh toán cho khách hàng; nhận hàng từ khách hàng để giao cho bên đại lý trong trường hợp đại lý mua hàng.

Đặc điểm này giúp phân biệt hợp đồng đại lý với hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, trong đó bên được ủy thác chủ yếu thực hiện các hành vi pháp lý (bên được ủy thác chỉ sử dụng danh nghĩa của mình ký hợp đồng với khách hàng; còn việc giao hàng, thanh toán có thể được thực hiện trực tiếp giữa bên ủy thác với khác hàng). Bên ĐLMBHH được tự do hơn bên nhận ủy thác trong việc lựa chọn bên thứ ba để giao kết và thực hiện hợp đồng. Việc bên nhận ủy thác thực hiện mua bán hàng hóa cho bên ủy thác phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bên ủy thác. Nhưng bên đại lý trong quan hệ ĐLMBHH được tự do trong việc tìm kiếm, giao kết hợp đồng với các bên thứ ba mà không chịu sự tác động của bên giao đại lý. 

Theo đó, công ty B nhận hàng hóa từ công ty A để giao cho người mua trong trường hợp là đại lý bán; hoặc nhận tiền từ công ty A đề thanh toán cho khách hàng, nhận hàng từ khách hàng để giao cho công ty A trong trường hợp là đại lý mua hàng.

Thứ năm, hợp đồng đại lý là một dạng của hợp đồng dịch vụ

_ Về hình thức hợp đồng đại lí mua bán hàng hóa, theo quy định tại Khoản 15 Điều 3 Luật thương mại 2005, hình thức của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa giữa công ty A và Công ty B bắt buộc phải bằng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lí tương đương. Các hình thức có giá trị pháp lí tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật 

_ Bên đại lý bán hàng hóa hoặc mua hàng cho bên giao đại lý để nhận thù lao. Trong quan hệ hợp đồng đại lý, lợi ích bên đại lý được hưởng chính là thù lao đại lý mà xét dưới khía cạnh pháp lý thì khoản tiền này chính là thù lao dịch vụ mà bên giao đại lý phải thanh toán cho bên đại lý do sử dụng dịch vụ mua bán hàng hóa của bên đại lý.

3. Phân tích để thấy rõ, Công ty B, đối tác ký kết hợp đồng với Công ty A trong quan hệ thương mại trên đây, có cần thiết phải có đăng ký kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ hay không? Tại sao?

Trước hết, ta phải khẳng định rằng công ty B, đối tác kí kết hợp đồng với công ty A trong quan hệ thương mại trên đây, cần thiết phải đăng kí kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ.

Khi công ty A kí kết hợp đồng đại lí mua bán hàng hóa đồ thủ công mỹ nghệ với công ty B thì giữa A và B xác lập mối quan hệ giữa bên đại lí và bên giao đại lí. Điều 166 Luật Thương mại 2005 quy định: “…bên đại lí nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lí hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lí cho khách hàng …”. Trong quan hệ với bên giao đại lí và khách hàng thì bên đại lí nhân danh chính mình để thực hiện hoạt động thương mại, và đây là hoạt động thương mại độc lập. Công ty B là đại lí cho bên giao đại lí là công ty A, khi bên B thực hiện hoạt động bán đồ thủ công mỹ nghệ đó cho bên thứ 3 là khách hàng tức là bên B tham gia vào quan hệ với bên thứ 3 nhân danh chính mình, họ tham gia vào quan hệ đó như một chủ thể độc lập kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhằm mục đích lợi nhuận. Do đó, bên B muốn nhân danh chính mình để hoạt động mua bán đồ thủ công mỹ nghệ với bên thứ 3 thì phải có nghĩa vụ là đăng kí kinh doanh ngành nghề này lúc này Công ty B mới không vi phạm quy định của pháp luật đó là:“hoạt động kinh doanh theo đúng ngành nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện” (khoản 1 điều 9 Luật Doanh nghiệp 2005).

Thêm nữa, Khoản 1 điều 86 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích của mình.”

Như vậy, trong quan hệ hợp đồng đại lý, do bên A là bên giao đại lý thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho mình thông qua bên đại lý là bên B, nên bắt buộc phải có quyền kinh doanh những hàng hóa đó, hay nói cách khác là bên A phải có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với hàng hóa đại lý. Do bên đại lý (bên B) thực hiện việc mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý ( bên A ) bằng chính danh nghĩa của mình nên phải có giấy phép kinh doanh  phù hợp với hàng hóa đại lý mua, đại lý bán. 

Mặt khác, theo quy định tại Điều 45 Nghị định 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại đã nêu rõ: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi giao đại lý hoặc làm đại lý mua bán loại hàng hóa, dịch vụ không đúng với ngành nghề, mặt hàng, dịch vụ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh.”

Quy định trên cho thấy hành vi làm đại lí mua bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với ngành nghề, mặt hàng, dịch vụ ghi trong giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, điều luật này cũng gián tiếp quy định việc bên đại lí phải có đăng kí kinh doanh đối với mặt hàng, ngành nghề, dịch vụ được làm đại lí cho bên giao đại lí. 

Nói tóm lại, từ những phân tích trên, ta có thể thấy công ty B phải có đăng kí kinh doanh đối với mặt hàng đồ thủ công mỹ nghệ bở nếu không đăng kí thì Công ty B không thể nhân danh chính mình để tiến hành các hoạt động mua bán hàng hóa đối với bên thứ 3 theo yêu cầu của bên giao đại lý (bên A).

4. Phân tích phạm vi trách nhiệm của công ty B đối với công ty A và đối với khách hàng (nếu có).

a. Phạm vi trách nhiệm của công ty B đối với công ty A.

Công ty A là công ty kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ. Nếu công ty A kí kết hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa với công ty B thì công ty B sẽ là đại lý của công ty A. Cho nên, với tư cách là bên đại lý bán hàng hóa, công ty B phải thực hiện đúng theo những nghĩa vụ cụ thể mà pháp luật đã quy định trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 

Điều 175 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên đại lý có các nghĩa vụ sau đây: 

1. Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý ấn định; 

2. Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý; 3. Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;

4. Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng hóa đối với đại lý bán; giao hàng hóa đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ; 

5. Bảo quản hàng hóa sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra; 

6. Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý; 

7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định đó”.

* Như vậy, phạm vi trách nhiệm của công ty B với công ty A có các vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, công ty B phải tiến hành mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do công ty A bên giao đại lí ấn định.

Với hình thức đại lý mà công ty A bên giao đại lý đã ấn định giá mua, giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý tức công ty B phái mua bán hàng hóa cung ứng dịch vụ cho bên thứ ba đúng giá mà công ty A quy định. Công ty B không được tự ý nâng giá bán hoặc giảm giá mua. 

Đối với hình thức đại lý bao tiêu mà bên đại lí thực hiện việc mua bán trọn vẹn một khối lượng hàng hóa hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý. Trong hình thức này thì công ty thủ công mỹ nghệ A sẽ ấn định giá giao đại lí, công ty B sẽ quyết định giá bán hàng hóa cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Vì vây, thù lao mà công ty B được hưởng là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán thực tế so với giá mua giá bên do công ty A quy định. Công ty B phải mua bán hàng thủ công mỹ nghệ theo đúng giá tối đa hoặc giá tối thiểu đã thỏa thuận với công ty A.

Thứ hai, công ty B có nghĩa vụ phải giao và nhận hàng, tiền cho công ty A theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý. 

Nghĩa vụ này là một nghĩa vụ rất quan trọng của công ty B. Đối với đại lý bán, công ty B có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền cho công ty A. Đối với đại lý bên mua, công ty B có nghĩa vụ nhận tiền và giao hàng cho công ty A. Đối với đại lý cung ứng dịch vụ công ty B phải có nghĩa vụ thanh toán tiền cung ứng dịch vụ cho công ty A - bên giao đại lý. Điều 176 Luật thương mại quy định: “Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền hàng, tiền cung ứng dịch vụ và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng một khối lượng dịch vụ nhất định.”Nếu trong hợp đồng hai công ty A và B thỏa thuận, bên đại lý bán hàng phải thanh toán tiền hàng sau một thời gian nhất định kể từ khi nhận hàng không phụ thuộc vào hàng có bán được hay không. Rất dễ xảy ra tranh chấp nếu công ty A không bán được hàng và không thanh toán đầy đủ.

Thứ ba, công ty B có trách nhiệm phải thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật.

Công ty A muốn mở rộng thị trường tại miền trung và kí kết hợp đồng đại lý với công ty B. Để đảm quyền lợi của mình hai công ty A và B có thể sẽ tiến hành thỏa thuận về các biện pháp bảo đảm như kí cược, cầm cố, thế chấp…Đặc biệt là công ty B họ cần phải đảm bảo thực hiện các biện pháp này nhằm chắc chắn rằng họ không lừa đảo đối với công ty A tránh phát sinh tranh chấp. Cho nên, mọi vấn đề tranh chấp về biện pháp bảo đảm được hai bên thỏa thuận sẽ tuân thủ những quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Thứ tư, công ty B có nghĩa vụ bảo quản hàng hóa sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng khi hàng hóa trong trường hợp có lỗi do mình gây ra.

Đồ thủ công mỹ nghệ là mặt hàng được giao đạilý do điều kiện địa lý công ty và công ty xa nhau cho nên trong quá trình vận chuyển không tránh khỏi hàng hóa bị hỏng hoặc mất đi tính thấm mỹ. Công ty B là người trực tiếp đưa hàng hóa đén khác hàng nên cần phải bảo quản hàng hóa cẩn thận để đảm bảo chất lượng hàng hóa không bị thay đổi khi bán ra thị trường. Công ty B sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa trong trường hợp có lỗi của mình. 

Thứ  năm, công ty B phải chịu sự kiểm tra, giám sát của bên phía công ty A và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên công ty A.

Quy định này của pháp luật cho thấy sự lệ thuộc chặt chẽ của bên đại lý vào bên giao đại lý, đây là một điểm quan trọng làm cho dại lý mua bán hàng hóa khác với ủy thác mua bán hàng hóa. Nhưng quy định này của pháp luật nhiều khi cũng nảy sinh bất cập trên thực tế bên giao đại lý được trao quyền kiểm sát và giám bên đại lý như vậy sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh của bên đại lý và nhiều khi ảnh hưởng tối lợi ích của họ.

b. Phạm vi trách nhiệm của công ty B đối với khách hàng (nếu có).

_ Công ty B phải làm việc trực tiếp với khách hàng, đảm bảo về chất lượng của sản phẩm khi được giao cho khách. Cung ứng dịch vụ tốt cho khách hàng, không được bán hàng hóa kém chất lượng.

_ Đàm phán và thực hiện các thủ tục ký kết hợp đồng với khách hàng. 

_ Chủ động xây dựng các phương thức tiếp thị khách hàng

_ Có trách nhiệm nhắc nhở khách hàng gia hạn khi dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng. Trực tiếp theo dõi, tư vấn và hỗ trợ khách hàng. 

_ Đối với những công việc khách hàng yêu cầu mà đại lý không đáp ứng được có thể xin được hỗ trợ từ công ty A.

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Giáo trình Luật Thương mại tập II - Trường Đại học Luật Hà Nội - Nhà xuất bản Công an nhân dân/ Hà Nội – 2006.
2. Luật Thương mại 2005.
3. Bộ luật Dân sự 2005
4. Luật doanh nghiệp 2005

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Hao Hao đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment