23/09/2013
Bài tập học kỳ Công pháp Quốc tế – Trong thực tiễn, cá nhân có thể tham gia vào một số quan hệ pháp luật quốc tế nhất định nhưng không vì thế mà thực thể này trở thành chủ thể của Luật quốc tế
Trong bất cứ quan hệ pháp luật nào thì chủ thể luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng và là một trong những dấu hiệu để xác định mối quan hệ nào đó thuộc sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật nào. Luật Quốc tế là hệ thống pháp luật được tập hợp từ nhiều văn bản từ nhiều nguồn khác nhau. Việc nghiên cứu về chủ thể là rất cần thiết vì giúp tìm ra đâu là nguồn của luật, quan hệ nào thuộc sự điều chỉnh của luật.

Thực tế trên thế giới hiện nay ngoài quan điểm truyền thống cho rằng quốc gia, các dân tộc đang đấu tranh, tổ chức liên chính phủ, chủ thể đặc biệt khác là chủ thể của luật thì còn có quan điểm (hiện đại) cho rằng cá nhân, các công ty xuyên quốc gia, tổ chức phi chính phủ cũng nên được xem là chủ thể của luật Quốc Tế. Đây là quan điểm mới và cũng được một số nước trên thế công nhận. Hiện tại ở Việt Nam mặc dù cũng có nhiều ý kiến về vấn đề mới này nhưng chưa có nhiều công trình nghiên cứu sâu về quan hiện đại. Câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta có suy nghĩ gì về vấn đề này? Có nên công nhận quan niệm này?

Đây là đề tài được xem là khá mới mẻ và còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ nên chúng ta cần phải nghiên cứu sâu hơn để tìm ra lời giải đáp phù hợp với thực tiễn hiện nay. Với đề tài : Bình luận quan điểm “Trong thực tiễn, cá nhân có thể tham gia vào một số quan hệ pháp luật quốc tế nhất định nhưng không vì thế mà thực thể này trở thành chủ thể của Luật quốc tế” em sẽ đưa ra cái nhìn của bản thân dựa trên nền tảng các kiến thức cơ bản, chính thống về Luật quốc tế.

1.     Khái niệm về chủ thể của luật quốc tế
  • Định nghĩa chủ thể luật quốc tế
Mỗi hệ thống pháp luật đều có những chủ thể nhất định của nó. Đối với Luật quốc tế, số lượng cũng như quyền năng của từng loại chủ thể bị chi phối bởi phạm vi các quan hệ được Luật quốc tế điều chỉnh và trong một chừng mực nhất định, phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn phát triển.

Trong giai đoạn chiếm hữu nô lệ, quan hệ bang giao giữa các quốc gia còn hạn hẹp, chủ yếu là quan hệ giữa các quốc gia trong cùng khu vực, nên chủ thể của Luật Quốc tế trong giai đoạn này chỉ là các quốc gia chủ nô. Sang thời kỳ phong kiến, quan hệ giữa các quốc gia được mở rộng. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của tôn giáo (đặc biệt là thiên chúa giáo) đến các mặt của đời sống xã hội phong kiến khá rõ nét. Chính vì vậy, chủ thể Luật Quốc tế trong thời kì này bao gồm các quốc gia phong kiến, các nhà thờ thiên chúa giáo. Đến giai đoạn tư bản chủ nghĩa, đặc điểm của quan hệ quốc tế trong thời kỳ này mang tính chất “cá lớn nuốt cá bé”, chỉ có các quốc gia văn minh – quốc gia tư bản chủ nghĩa – mới được coi là chủ thể của luật quốc tế, còn các quốc gia kém phát triển, các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc không có tư cách này. Cách mạng tháng Mười năm 1917, chiến tranh thế giới và sự phát triển của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã dến sự ra đời của một loạt các quốc gia xã hội chủ nghĩa, cùng với đó là sự xuất hiện các dân tộc đấu tranh giành quyền tự quyết và các tổ chức liên chính phủ. Trước tình hình đó, trong luật quốc tế đặt ra vấn đề tồn tại nhiều loại chủ thể khác nhau bên cạnh chủ thể truyền thống là các quốc gia.

Dưới góc độ lý luận khoa học pháp lý, để xác định được đối tượng của Luật Quốc tế cần phải dựa vào các dấu hiệu cơ bản sau:

- Có sự tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế do Luật Quốc tế điều chỉnh.

- Có ý chí độc lập trong sinh hoạt quốc tế.

- Có đầy đủ quyền và nghĩa vụ riêng biệt đối với các chủ thể khác thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quốc tế.

- Có khả năng gánh vác những trách nhiệm pháp lý quốc tế do những hành vi mà chủ thể gây ra.

Từ những cơ sở trên, chúng ta có thể định nghĩa tổng quát khái niệm chủ thể của Luật Quốc tế như sau: Chủ thể của Luật Quốc tế là những thực thể đang tham gia hoặc có khả năng tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế một cách độc lập, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ quốc tế và khả năng gánh vác trách nhiệm pháp lý quốc tế từ những hành vi mà chính chủ thể thực hiện.

  • Đặc điểm của chủ thể luật quốc tế

Xét về vị trí, tính chất, vai trò chức năng và bản chất pháp lý… thì các chủ thể của Luật Quốc tế có sự khác nhau, tuy nhiên chúng bao giờ cũng có chung các đặc điểm cơ bản và đặc trưng sau: năng lực pháp luật, năng lực hành vi pháp luật và năng lực trách nhiệm pháp lý.

Năng lực pháp luật là khả năng của chủ thể luật quốc tế có những quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định.

Năng lực hành vi pháp luật thể hiện qua sự thực hiện có ý thức các quyền và nghĩa vụ của chủ thể luật quốc tế.

Chủ thể của luật quốc tế có năng lực trách nhiệm pháp lý đối với những vi phạm pháp luật quốc tế của mình. Những tính chất trên được gọi là tính chủ thể pháp lý.

  •  Phân loại chủ thể luật quốc tế

Hiện nay, trong quan hệ pháp Luật Quốc tế hiện đại thì chủ thể của Luật Quốc tế bao gồm:

- Các quốc gia, đây là chủ thể cơ bản và chủ yếu của Luật Quốc tế.

- Các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập, đây là chủ thể tiềm tàng của Luật Quốc tế.

- Các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đây là chủ thể phái sinh của Luật Quốc tế, được hình thành bởi sự hợp tác của các quốc gia trên nhiều lĩnh vực hướng đến lợi ích của các quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng.

- Các chủ thể đặc biệt khác.

2.     Có nên xem cá nhân là chủ thể của Luật quốc tế?

Thứ nhất: Về sự tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế do Luật Quốc tế điều chỉnh.

Sự tham gia của cá nhân vào các quan hệ pháp luật quốc tế được Luật quốc tế thừa nhận. Một số các tác giả đã viện dẫn các Điều ước Quốc tế về quyền con người (ví dụ như Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế 1948), về vị thế pháp lý của một số nhóm cá nhân trong Luật Quốc tế (Công ước Quốc tế về quyền của người tị nạn 1951), hay quyền của cá nhân được thỉnh cầu lên các Tòa án Quốc tế (Điều 190 Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 cá nhân có quyền được đưa đơn kiện nhà nước tham gia Công ước và đòi hỏi được xét xử tại Toà án Quốc tế về biển), khả năng gánh vác trách nhiệm pháp lý quốc tế ( ví dụ như Điều lệ Tòa án binh quốc tế 1945, Công ước Quốc tế về ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng 1948…).

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật quốc tế, cá nhân có thể tham gia hạn chế trọng một số quan hệ pháp luật quốc tế đặc biệt, ví dụ, trong quan hệ tố tụng quốc tế, khi Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh.

Rõ ràng, không thể phủ nhận sự tham gia của cá nhân vào các quan hệ pháp luật quốc tế nhưng cá nhân chỉ có khả năng tham gia rất hạn chế vào một số các quan hệ quốc tế xác định hoặc tham gia các quan hệ này một cách gián tiếp thông qua Nhà nước. Điều này liên quan đến dấu hiệu thứ hai: Ý chí độc lập trong sinh hoạt quốc tế.

Thứ hai: Về ý chí độc lập trong sinh hoạt quốc tế.

Rõ ràng, cá nhân có thể có nhiều quyền mà luật quốc tế ấn định, như quyền xuất ngoại, du nhập vào nước khác, quyền thụ đắc tài sản, quyền hoạt động thương mại,… nhưng cá nhân luôn phải nhờ quốc gia mình can thiệp với nước ngoài, để nước ngoài công nhận những quyền đó của cá nhân. Như thế, rõ ràng là khi tham gia vào tất cả các quan hệ của đời sống xã hội thì cá nhân vẫn chịu một sự chi phối rất lớn từ ý chí, từ quyền lực chính trị của chủ thể đặc biệt – đó là Nhà nước.

Ví dụ: Điều 6 Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948 quy định: “Những kẻ phạm tội diệt chủng sẽ bị 1 Tòa án có thẩm quyền của quốc gia nơi hành vi phạm tội được thực hiện xét xử hoặc một tòa án hình sự quốc tế có thể phán quyết trên cơ sở các quốc gia thanh viên sẽ chấp nhận thẩm quyền của Tòa án quốc tế đó”

Với quy định này có thể thấy, một cá nhân phạm tội diệt chủng, tùy thuộc vào ý chí của các quốc gia, có thể bị xét xử bởi 1 tòa án của quốc gia hoặc bị xét xử bởi 1 tòa án quốc tế do các quốc gia thỏa thuận thành lập. Cá nhân không có quyền lựa chọn, tức là không có ý chí trong một quan hệ pháp luật quốc tế mà mình tham gia.

Như vậy, cá nhân không  có ý chí độc lập khi tham gia các quan hệ quốc tế, và như vậy cá nhân không thể là một chủ thể của luật quốc tế

Thứ ba: Về việc có đầy đủ quyền và nghĩa vụ riêng biệt đối với các chủ thể khác thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quốc tế.

Không thể phủ nhận rằng, trên thực tế, có một số trường hợp luật quốc tế trao các quyền và nghĩa vụ trực tiếp cho cá nhân. Đặc biệt là sự ra đời của Bản tuyên ngôn nhân quyền ngày 10/12/2948 đã công nhận mọi cá nhân, bất luận là người dân quốc gia độc lập hay bị trị đều được hưởng các quyền và tự do trong bản tuyên ngôn.

Các quyền và tự do căn bản trong bản tuyên ngôn có thể được chia thành 4 loại: (1) Các quyền về tự do cá nhân (Từ điều 3 đến điều 13) như các quyền sống tự do và an toàn, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được được bảo vệ chống lại mọi sự bắt bớ giam giữ trái phép, mọi sự tran tấn, trừng phạt dã man, quyền tự do đi lại, xuất ngoại, hồi hương; (2) Các quyền về tự do trong mối liên lạc với người khác (Điều 14 đến Điều 16) như quyền tị nạn, quyền có quốc tịch, quyền lập gia đình; (3) Các quyenf tự do tinh thần và tự do chính trị (từ Điều 17 đến Điều 21) như quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, tự do bầu cử, ứng cử, quyền tham gia các công việc công; (4) Các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội (Điều 22 đến Điều 27) như quyền có việc làm, quyền tự do chọn việc làm, tự do lập nghiệp đoàn, được hưởng các chế độ an ninh xã hội, tự do học tập, hưởng một nền giáo dục căn bản và miễn phí, tự do tư tưởng về khoa học,…

Một số nhà luật học đã dựa vào những căn cứ như trên đã đề cập, họ chứng minh rằng cá nhân vẫn được hưởng quyền và các nghĩa vụ như các chủ thể khác của luật quốc tế. Tuy nhiên, theo quan điểm của em thì dù các Điều ước Quốc tế trên là hướng tới con người, hướng tới cá nhân thì những quyền, nghĩa vụ cá nhân tồn tại trong Điều ước quốc tế đó chỉ với ý nghĩa là khách thể của các quan hệ pháp luật điều ước quốc tế về quyền con người, hình thành từ sự hợp tác giữa các quốc gia với nhau hay với tổ chức quốc tế. Cá nhân trong các mối quan hệ như vậy chỉ có thể là đối tượng của những thỏa thuận hay cam kết quốc tế mà không thể là chủ thể của những mối quan hệ đó được.

Như vậy, cần phải thấy rằng việc cá nhân tham gia vào một số quan hệ pháp luật quốc tế về quyền con người là do sự thỏa thuận của các chủ thể luật quốc tế. Cá nhân chỉ là chủ thể của quyền con người chứ không phải chủ thể của luật quốc tế về quyền con người.

Trên đây mới bàn đến những quyền, nghĩa vụ của cá nhân có thể gây nhầm lẫn trong việc xác định tư cách chủ thể luật quốc tế của cá nhân. Một điều quan trọng nữa là, trên thực tế có rất nhiều quyền và nghĩa vụ cá nhân không hề có. Theo tập quán quốc tế, những cá nhân không có những quyền hạn do Luật quốc tế ấn định mà những quyền này được dành cho quốc gia. Chẳng hạn như cá nhân không thể thưa kiện trước tòa án quốc tế, không thể kí kết các hiệp ước quốc tế,…

Như vậy, có thể khẳng định cá nhân không các quyền, nghĩa vụ ngang bằng, riêng biệt với các chủ thể khác của luật quốc tế mà phải chịu sự tác động của quốc gia.

Thứ tư: Về khả năng gánh vác những trách nhiệm pháp lý quốc tế do những hành vi mà chủ thể gây ra.

Có thể thấy rằng không một chủ thể nào có quyền tài phán chủ thể của Luật Quốc tế, trên nó không tồn tại quyền lực chính trị nào chi phối hoạt động của nó và khi tham gia vào các quan hệ quốc tế thì các chủ thể có vị trí độc lập, bình đẳng với nhau. Khả năng gánh vác những trách nhiệm pháp lý quốc tế do hành vi của mình gây ra có quan hệ mật thiết với khả năng có sự tự do ý chí tham gia các quan hệ quốc tế.

Do đó, một điều tất yếu từ việc cá nhân không có các quyền, nghĩa vụ riêng biệt theo quy định của luật quốc tế là cá nhân sẽ không có sự tự do ý chí tham gia các qan hệ quốc tế, đồng thời cá nhân cũng không có khả năng gánh vác những trách nhiệm pháp lý quốc tế do những hành vi của mình gây ra 1 cách độc lập. Một khi không có vị trí độc lập bình đẳng với các chủ thể khác, cá nhân sẽ không thể độc lập gánh chịu trách nhiệm pháp lý do những hành vi của mình gây ra.

Thực tiễn ta thấy rằng, trong mối tương quan về địa vị pháp lý trong Luật quốc gia thì nhà nước luôn có quyền tài phán đối với công dân nước mình, phần lớn các quan hệ phát sinh giữa cá nhân với nhà nước đều được điều chỉnh bởi phương pháp quyền uy, mệnh lệnh phục tùng. Mặt khác, chúng vẫn có thể bị tài phán bởi các cơ quan quốc tế khác (ví dụ như Tòa án binh Quốc tế) theo Luật Quốc tế.

Vì vậy, khi tham gia vào các hoạt động, cá nhân luôn bị chi phối ảnh hưởng bởi quyền lực chính trị và khi tham gia vào quan hệ với các chủ thể khác của Luật Quốc tế thì chúng khó có thể có được vị trí độc lập và bình đẳng.

KẾT LUẬN

Hiện nay việc có nên đưa cá nhân vào là chủ thể của Công pháp quốc tế hay không cũng đang còn là vấn đề gây tranh cãi lớn. Dù không ủng hộ quan điểm này nhưng em vẫn mong muốn rằng trong tương lai cá nhâ có thể tham gia nhiều hơn nữa vào đời sống quốc tế. Luật Quốc tế cũng như Luật quốc gia đều có sự phát triển, thay đổi theo quá trình phát triển khách quan của xã hội. Vì vậy với sự phát triển và hội nhập toàn cầu như hiện nay thì mở rộng khái niệm “Luật Quốc tế” là điều cần thiết nhưng cần có sự nhìn nhận phù hợp với khoa học pháp lý của từng chế độ, từng hình thức chính trị của mỗi quốc gia.

No comments:

Post a Comment