21/09/2013
Bài tập cá nhân Công pháp Quốc tế – Tòa án công lý quốc tế
Trong giai đoạn hiện nay, hội nhập quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa là yêu cầu hàng đầu đặt ra với mỗi quốc gia kèm theo đó là sự gia tăng của quan hệ hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, tồn tại một cách tất yếu như mặt trái của quan hệ hợp tác giữa các quốc gia là tranh chấp quốc tế cũng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng đòi hỏi phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình và dựa trên các nguyên tắc, quy phạm của Luật Quốc tế nhằm ổn định các quan hệ quốc tế và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Một trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế là giải quyết thông qua cơ quan tài pháp quốc tế. Không giống với các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế khác, giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán quốc tế là cách thức giải quyết tranh chấp bằng phương pháp, thủ tục tư pháp. Về tổng thể các cơ quan tài phán quốc tế tồn tại chủ yếu ở ba dạng là Tòa án Quốc tế, Trọng tài quốc tế và cơ quan tài phán được thành lập trong khuôn khổ tổ chức quốc tế mà trong phạm vi bài tiểu luận này em xin đề cập đến dạng thức đầu tiên đó là Tòa án công lý quốc tế.

Nội dung

I. Khái quát chung về Tòa án quốc tế (The International Court of Justice – ICJ)

Tiền thân của Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ) là Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (The Permanent Court of International Justice – PCIJ) – vốn là tòa án của Hội Quốc Liên ra đời vào năm 1922. Tòa PCIJ tồn tại cùng với sự tồn tại của Hội Quốc Liên cho tới khi UN được thành lập và ICJ ra đời thay thế cho PCIJ vào năm 1946.

Tòa án Công lý quốc tế được thành lập và hoạt động trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và Quy chế Tòa án Công lý quốc tế. Hiến chương Liên hợp quốc dành toàn bộ Chương XIV từ Điều 92 đến Điều 96 để quy định những vấn đề cơ bản về tổ chức, thẩm quyền và hoạt động của Tòa. Quy chế Tòa án Công lý quóc tế gồm 70 điều được coi là một phần phụ lục gắn bó hữu cơ với Hiến chương Liên hợp quốc. Trụ sở của ICJ đặt tại La Hay, Hà Lan.

1.     Thành phần, cơ cấu tổ chức của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ)

Tòa án Công lý quốc tế gồm 15 thẩm phán có các quốc tịch khác nhau. Thẩm phán Tòa án Công lý quốc tế được Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bầu với nhiệm kỳ 9 năm và cứ mỗi năm bầu lại 1/3 số thẩm phán. Tiêu chuẩn để bầu thẩm phán Tòa án Công lý quốc tế căn cứ vào năng lực cá nhân, tương quan vị trí địa lý và đại diện cho các hệ thống pháp luật trên thế giới. Thẩm phán của tòa không được đảm nhiệm chức vụ chính trị, hành chính hoặc nghề nghiệp nào trong thời gian đương nhiệm. Bên cạnh các thẩm phán, khi phiên tòa mở ra, các bên tranh chấp có thể lựa chọn các thẩm phán ad hoc. Thẩm phán ad hoc là thẩm phán do một hoặc các bên tranh chấp không có thẩm phán mang quốc tịch nước mình trong thành phần của tòa đề cử tham gia Hội đồng xét xử.
Các phụ thẩm có thể được tòa lựa chọn hoặc theo yêu cầu của các bên tranh chấp tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp nhằm mục đích tranh thủ thêm sự đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động của tòa, nhất là trong các lĩnh vực kỹ thuật. Ban thư ký đảm trách các dịch vụ tư pháp và là bên lien lạc giữa tòa và các bên tranh chấp.

2.     Chức năng của Tòa án Công lý quốc tế ( ICJ).

Tòa án Công lý quốc tế có 2 chức năng chính:

- Chức năng giải quyết tranh chấp: ICJ là cơ quan có chức năng giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các quốc gia không phải thành viên Liên Hợp quốc (thỏa mãn những điều kiện do Đại hội đồng quyết định ). Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa được xác định theo 3 phương thức: Chấp nhận thẩm quyền của tòa theo từng vụ việc, Chấp nhận trước quyền của Tòa trong các điều ước quốc tế, Tuyên bố đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của tòa.

- Chức năng đưa ra kết luận tư vấn: ICJ thực hiện chức năng đưa ra kết luật tư vấn khi Đại hội đồng hay Hội đồng bảo an Liên hợp quốc yêu cầu, liên quan đến những vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn hoạt động của các cơ quan này. Các quốc gia không có quyền yêu cầu tòa đưa ra kết luận tư vấn về tranh chấp của mình. Các ý kiến tư vấn chỉ mang tính chất khuyến nghị.

3. Thủ tục tố tụng tại phiên tòa.

ICJ tiến hành giải quyết tranh chấp quốc tế theo trình tự đầy đủ hoặc rút gọn. Thành phần của một phiên tòa là tối thiểu 9 thẩm phán. Trình tự đầy đủ gồm 2 giai đoạn: giai đoạn tiến hành các thủ tục bổ trợ và giai đoạn xét xử nội dung vụ việc. Trong phạm vi chức năng của mình, tòa có thể lập ra ba loại tòa đặc thù: tòa rút gọn trình tự tố tụng, tòa đặc biệt, tòa ad hoc. Được quy định rất rõ trong chương III Quy chế Tòa Công lý quốc tế.

Thủ tục xét xử một vụ tranh chấp trước tòa được quy định cụ thể trong quy chế của Tòa án Công lý quốc tế. Quá trình thụ lý gồm hai giai đoạn: 1, Thủ tục viết trong đó các quốc gia hoàn thành và trao đổi bị vong lục về lập luận của từng bên và các lý lẽ luận tội hay bào chữa; 2, Thủ tục nói ( Tranh tụng trước tòa ) trong đó tòa sẽ nghe ý kiến các bên, các luật sư và cố vấn trong phiên tòa xét xử công khai.

Ngoài thủ tục chung gòm hai giai đoạn này cho bất kỳ một vụ tranh chấp nào đưa ra trước tòa, thủ tục xét xử của tòa theo từng trường hợp sẽ được tiến hành theo những bước sau:

- Các bên nộp đơn kiện lên Tòa và cử đại diện liên lạc của mình.

- Tòa tiến hành các thủ tục bổ trợ cho thủ tục chính về xét xử nội dung : Tòa sẽ xem xét xác định thẩm quyền của mình trong từng vụ việc cụ thể được nêu. Trong từng trường hợp cần thiết, tòa có thể ra những biện pháp bảo đảm tạm thời cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho mỗi bên. Hợp các các vụ án có mục tiêu tranh chấp chung. Khả năng xử án vắng mặt. Tòa xem xét khả năng can dự vào vụ việc từ bên thứ ba.

- Tòa xét xử về mặt nội dung của vụ việc

- Ra quyết định cuối cùng phân giải tranh chấp.

4. Phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế.

a. Phán quyết của tòa được tuyên bố công khai

Phán quyết của tòa được trình bày dưới dạng song ngữ, mỗi trang đối nhau dành cho một ngôn ngữ. Các phán quyết thường có độ dài trung bình là 50 trang cho 1 thứ tiếng (tối thiểu là 10, tối đa 271 trang) Toàn văn của phán quyết được chia thành các mục nhỏ và được đánh số. Khác với thực tiễn trọng tài quốc tế, phán quyết của tòa án công lý quốc tế được tuyên bố công khai tại gian chính của Cung điện hòa bình.

b. Phán quyết của tòa mang tính bắt buộc đối với các bên.

Các phán quyết của tòa có giá trị chung thẩm và bắt buộc với các bên. Nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các phán quyết của Tòa toàn thể cũng như Tòa rút gọn, Cho tất cả các phán quyết chỉ rõ giải pháp cho tranh chấp hay các nuyên tắc có thể áp dụng cho tất cả các phán quyết có hay không các quy định về tài chính.

c. Phán quyết của tòa không có giá trị ràng buộc với bên thứ 3.

Quyết định của tòa chỉ có giá trị bắt buộc đối với các bên tranh chấp và chỉ trong vụ án đó ( điều 59 quy chế của tòa ) Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng mặc dù phán quyết của tòa không ràng buộc các bên đứng ngoài tranh chấp nhưng nó có tác động gián tiếp tới các nước này.

II. Thực tiễn hoạt động của Tòa án Công lý quốc tế.

Tòa án Công lý quốc tế là cơ quan pháp lý chính của Liên hợp quốc. Đây không phải là một tổ chức lập pháp mà chỉ là một cơ quan tài phán đưa ra các phán quyết và các kết luận tư vấn trong chừng mực thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên ngày nay không có một cơ quan tài phán nào giải quyết các vấn đề của cộng đồng quốc tế trong một tổng thể và được các quốc gia sử dụng một các chung nhất trong việc bảo vệ những giá trị của Luật quốc tế như Tòa án Công lý quốc tế.

Các phán quyết và kết luận tư vấn của Tòa đã đề cập mọi khía cạnh khác nhau của công pháp cũng như tư pháp quốc tế, liên quan tới tất cả các bên trên thế giới tới việc kiểm tra các hệ thống pháp lý khác nhau. Tòa có bước khởi đầu tốt đẹp qua các vụ Eo biển corfou năm 1949, quyền tị nạn 1950, hay các kết luận tư vấn Bồi thường thiệt hại cho hoạt động các cơ quan của Liên hợp quốc năm 1949.
Trong thực tiễn hoạt động của tòa đã có 148 vụ tranh chấp được đưa ra trước tòa (tính đến tháng 6 năm 2010), trong số đó có khoảng 120 vụ tranh chấp đã được tòa xét xử. Nhiều phán quyết của ICJ đã có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh các phán quyết, ICJ đã đưa ra hơn 20 kết luận tư vấn. Mặc dù số kết luận tư vấn đưa ra không nhiều và các kết luận đó cũng không có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các chủ thể nhưng nó có vai trò không nhỏ trong quá trình dàn xếp một số tranh chấp quốc tế.

1. Những thành tựu đã đạt được.

ICJ đã có những đóng góp tích cực trong các lĩnh vực chung của luật quốc tế. Tòa án công lý quốc tế với sứ mệnh giải quyết các tranh chấp pháp lý giữ các quốc gia và giúp đỡ các tổ chức quốc tế hoạt động 1 cách hiệu quả với việc duy trì công lý trong hoạt động của tòa đã có đóng góp to lớn trong việc khẳng định vai trò của Luật quốc tế trong quan hệ quốc tế cũng nhưu việc phát triển luật quốc tế.
Các quyết định của tòa không chỉ giới hạn trong việc giải thích và nhận thức quá trình phát triển của Luật quốc tế. Trong nhiều trường hợp chính tòa đã đóng góp vào quá trình tiến triển đó bằng việc giái thích luật quốc tế thực định và áp dụng chúng vào các hoàn cảnh đặc thù, các quyết định của tòa đã làm sáng tỏ thêm luật quốc tế và qua đó phần nào mở đường cho các quốc gia phát triển tiếp nhận luật quốc tế. Đóng góp trong luật án lệ của tòa là to lớn.

2. Những tồn tại

Là một cơ quan của luật quốc tế, có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan khác của Liên hợp quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, Tòa án công lý quốc tế đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và có những đóng góp không nhỏ vào việc phát triển và hoàn thiện luật quốc tế. Song, năng lực của tòa vẫn chưa được khai thác đầy đủ. Năng lực này bị hạn chế do cả sự tham gia chưa tích cực của các quốc gia vào công việc của tòa cũng như do chính tầm quan trọng của những vụ việc tòa giải quyết. Những vấn đề đưa ra trước tòa thường là những vấn đề không lớn ví dụ các vụ tai nạn máy bay những năm 1950, vụ Electronica Sicula … Một số yêu cầu giải thích điều lệ của các tổ chức quốc tế hay Hiến chương Liên hợp quốc. Tòa cũng giải quyết một số vụ tranh chấp về lãnh tổ như vủ Các đảo Minquier và Ecre’hous, Tranh chấp biên giới Hà lan – Bỉ, Đền Pre’ah… Tuy nhiên những vụ tòa xét xử không phải những vụ tranh chấp lãnh thổ lớn. Mỗi khi phải giải quyết một vấn đề lớn của luật quốc tế có tầm quan trọng về kinh tế và chính trị (Tây Nam Phi, Các vụ thử vũ khí hạt nhân về chính trị , Barcelona Traction về kinh tế ) Tòa thường đưa ra các giải pháp mang tính tranh cãi ( Thềm lục địa Tuynidi/Libi hay vụ Nicaragoa, Lôccơbi .. ) Tòa không đối đầu với các cơ quan khác.

Tòa án Công lý quốc tế hoạt động dựa trên sự thỏa thuận của các quốc gia thành viên nên Tòa chỉ thực sự hoạt động đúng năng lực và chức năng của mình khi các quốc gia thành viên thực sự tin tưởng và coi Tòa như một giải pháp tài phán có thể sử dụng khi đàm phán trực tiếp không đạt được kết quả khả quan.

Bên cạnh đó, khi đề cập đến thủ tục kết luận tư vấn, đây là hình thức giúp đỡ giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia với các tổ chức quốc tế và giữa các tổ chức quốc tế với nhau. Nhưng kết luận này không có giá trị bắt buộc. Hiệu lực của các kết luận tư vấn trông chờ vào nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia và thái độ của dư luận. Liệu có cần tăng cường hiệu lức của chúng bằng các quy định các tổ chức quốc tế cũng như có quyền được sử dụng thủ túc giải quyết tranh chấp không. Nếu ý kiến này được chấp nhận thì tổ chức quốc tế với cá thành viên là quốc gia độc lập có chủ quyền có quyền được chấp nhận trước thẩm quyền của tòa và có thể cử thẩm phán ad hoc được không? Đây là những vấn đề chưa có câu trả lời và phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của Tòa án Công lý quốc tế.

KẾT LUẬN

Là một quốc gia tại Đông Nam Á, khu vực không hẳn thờ ơ với các hoạt động của Tòa án Công lý quốc tế, Việt Nam luôn ủng hộ mọi giải pháp hòa bình các tranh chấp quốc tế, trong đó có biện pháp tài phán quốc tế. Trong khi chủ trương giải quyết các tranh chấp quốc tế của mình bằng con đường đàm phán trực tiếp, Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lục từ bên ngoài trong việc biến khu vực Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng và phát triển, trong đó công lý luôn được tôn trọng. Trên đây là bài tiểu luận của em, bài chắc hẳn còn nhiều thiếu sót, kính mong được sự quan tâm của các thầy cô.

Em xin chân thành cảm ơn

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật quốc tế, Nxb. CAND, Hà Nội, 2007.
  2. Giáo trình Luật quốc tế, Thạc sĩ Nguyễn T Kim Ngân, Thạc sĩ Chu Mạnh Hùng, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010.
  3. Tòa án Công lý quốc tế – TS Nguyễn Hồng Thao – Nxb CTQG 2001
  4. Quy chế tòa án Công lý quốc tế.

No comments:

Post a Comment