Tình huống: Công ty C là chủ sở hữu nhãn hiệu “Dulux” đăng ký cho sản phẩm sơn thuộc nhóm 02 tại Việt Nam. Tháng 6 năm 2013, Công ty C phát hiện xưởng sơn của Ông Lê Minh D chuyên đổ nước sơn do Ông D pha chế vào thùng sơn đã qua sử dụng mang nhãn hiệu “Dulux” của công ty C và đóng thùng lại để bán ra thị trường với giá ngang bằng giá do Công ty C phân phối. Vận dụng những kiến thức đã học, anh (chị) hãy đưa ra ý kiến về vụ việc trên và đề xuất phương án giải quyết cho công ty C.
I. LỜI MỞ ĐẦU
Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính….Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất., kinh doanh chân chính. Tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi nêu trên làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.
Để có cái nhìn chi tiết, cụ thể hơn về thực trạng hàng giả hiện nay trên thị trường, em xin đi vào làm rõ một ví dụ minh họa như sau: “Công ty C là chủ sở hữu nhãn hiệu “Dulux” đăng ký cho sản phẩm sơn thuộc nhóm 02 tại Việt Nam. Tháng 6 năm 2013, Công ty C phát hiện xưởng sơn của Ông Lê Minh D chuyên đổ nước sơn do Ông D pha chế vào thùng sơn đã qua sử dụng mang nhãn hiệu “Dulux” của công ty C và đóng thùng lại để bán ra thị trường với giá ngang bằng giá do Công ty C phân phối”.
I. NỘI DUNG
1. Một vài khái niệm cơ bản
1.1. Khái niệm “nhãn hiệu”
Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005: “ nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
Ta có thể hiểu rằng, nhãn hiệu có chức năng cơ bản và quan trọng nhất đó là chức năng phân biệt, khi nhìn vào nhãn hiệu hàng hóa ta có thể phân biệt hàng hóa này với hàng hóa khác bởi nhãn hiệu là khác nhau. Nhãn hiệu có thể là dấu hiệu chữ, có thể là dấu hiệu hình hoặc có thể nó bao gồm cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình.
1.2. Khái niệm “ văn bằng bảo hộ”
Theo Khoản 1 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì “văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu; tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ”.
2. Giải quyết tình huống
2.1. Ý kiến về vụ việc liên quan đến Công ty C và ông Lê Minh D
Trong vụ việc này, ông D đã tự mình pha chế nước sơn rồi đổ nước sơn do ông pha chế vào thùng sơn đã qua sử dụng mang nhãn hiệu “Dulux” do công ty C là chủ sở hữu đối với nhãn hiệu đó và sau đó ông D mang bán ra thị trường với giá ngang bằng với giá mà công ty C phân phối. Trước hết cần khẳng định rằng, nhãn hiệu sơn “Dulux” do công ty C làm chủ sở hữu đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ đối nên nó được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đó. Vậy hàng giả do ông D tạo ra thuộc loại nào trong số bốn loại hàng giả mà pháp luật quy định? Theo khoản 1 điều 04 Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả quy định :
“1. Hàng không có giá trị sử dụng, công dụng:
a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hoá; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có hàm lượng, định lượng chất chính, tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá;
c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá;
d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.”
Trong tình huống này, chúng ta chưa thể vội kết luận rằng hàng hóa mà ông D pha chế giả về chất lượng, công dụng. Bởi lẽ, sau khi phát hiện hành vi của ông D, ngay lập tức loại sơn do ông D tự pha chế sẽ được mang đi để giám định tại các tổ chức giám định sở hữu trí tuệ thỏa mãn điều kiện tại điều 201 Luật sở hữu trí tuệ 2005 và điều 42 sửa đổi nghị định 119/2010/ NĐ-CP: “ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân khác có quyền liên quan có quyền yêu cầu giám định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” để giám định xem chất lượng, thành phần của loại sơn do ông D pha chế có giống với chất lượng, thành phần sơn của loại sơn mang nhãn hiệu “Dulux” hay không.
- Nếu kết quả giám định cho thấy loại sơn do ông D pha chế hoàn toàn không có giá trị sử dụng, không thể dùng làm sơn như đã nêu hoặc có giá trị sử dụng nhưng chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng của loại sơn mang nhãn hiệu “Dulux” do công ty C làm chủ sở hữu thì căn cứ vào điểm a, điểm b đã nêu ở trên, loại sơn mà ông D pha chế ra là hàng hóa giả không có giá trị sử dụng, công dụng.
- Nếu kết quả giám định cho thấy loại sơn mà ông D pha chế ra có chất lượng, thành phần của nó tương tự với loại sơn mang nhãn hiệu “Dulux” do công ty C làm chủ sở hữu mà cụ thể là tương tự tới mức trên 70% thì loại sơn mà ông D pha chế sẽ không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, điều 04 Nghị định 08/2013/NĐ-CP nên không bị coi là hàng hóa giả không có giá trị sử dụng, công dụng.
Thông thường trong thực tế, đối với loại sơn tự pha chế do ông D làm ra sẽ rất khó để có thể tương tự về chất lượng, thành phần của loại sơn mang nhãn hiệu “Dulux”. Bởi vì, đối với loại sơn mang nhãn hiệu “Dulux” do công ty C làm chủ sở hữu sẽ được nghiên cứu thành phẩn một cách khoa học và sản xuất theo một quy trình cụ thể của công ty nên chỉ với cá nhân riêng lẻ là ông D thì rất khó có thể thực hiện được tất cả những công việc đó mà thay vào đó chỉ là pha chế thủ công những hợp chất thông thường nên khả năng lớn sẽ rơi vào trường hợp thứ nhất đó là loại sơn mà ông D pha chế ra thuộc loại là hàng hóa giả không có giá trị sử dụng, công dụng.
Tiếp theo là về hình thức của thùng đựng sơn, ông D đã sử dụng thùng sơn mang nhãn hiệu “Dulux” đã qua sử dụng để chứa đựng, đóng thùng loại sơn do mình tự pha chế để bán ra thị trường. Như vậy, ông D đã sử dụng nhãn hàng hóa của công ty C về mặt hàng sơn “Dulux” nên căn cứ theo khoản 2 điều 04 nghị đinh 08/2013/NĐ-CP quy định:
“2. Hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa:
a) Hàng hoá có nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hoá, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hoá của thương nhân khác;
b) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá.”
Căn cứ vào quy định trên đây, mặt hàng sơn mà ông D tự sản xuất và buôn bán là hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của mặt hàng sơn “Dulux” do công ty C là chủ sở hữu.
Như vậy, ông D đã pha chế sơn và sử dụng thùng sơn của nhãn hiệu sơn “Dulux” đã qua sử dụng để đóng thùng cho loại sơn ông tự pha chế ra nên có 2 khả năng xảy ra với ông D: một là ông D sản xuất và buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; hai là ông D vừa sản xuất, buôn bán hàng hóa giả không có giá trị sử dụng, công dụng và vừa sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hoàng hóa.
Thêm vào đó, căn cứ vào khoản 2 Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ quy định về hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ: “ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý”. Ở đây, việc ông D sử dụng nhãn hiệu “Dulux” đã được công ty C đăng ký bảo hộ mà chưa được sự cho phép của công ty C thì mặt hàng sơn mà ông D sản xuất ra đã giả mạo về sở hữu trí tuệ.
2.2. Phương án giả quyết cho Công ty C
Để đảm bảo quyền lợi cho công ty C, hành vi làm hàng sơn giả của ông D cần được xử lý kịp thời bằng các biện pháp xử lý do pháp luật quy định. Căn cứ quy định tại điểm b Khoản 1 điều 211 Luật sở hữu trí tuệ về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính: “ sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này” và căn cứ vào nghị định 08/2013/NĐ-CP thì các hành vi của ông D thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hành vi ông D tự pha chế nước sơn rồi cho vào thùng của hãng sơn “Dulux” do công ty C là chủ sở hữu là hành vi “sản xuất hàng giả”, còn hành vi đem những thùng sơn do ông tự sản xuất đó bán ra thị trường thì đó là hành vi “buôn bán hàng giả”. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 3 nghị định 08 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buồn bán hàng giả:
“Sản xuất hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả để đưa vào lưu thông.
“Buôn bán hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, trưng bày, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa hàng giả vào lưu thông.”
Căn cứ vào quy định trên, hành vi ông D tự pha chế nước sơn rồi cho vào thùng của hãng sơn “Dulux” do công ty C là chủ sở hữu là hành vi “sản xuất hàng giả”, còn hành vi đem những thùng sơn do ông tự sản xuất đó bán ra thị trường thì đó là hành vi “buôn bán hàng giả”. Ông D đã cùng một lúc có hai hành vi vi phạm đó là sản xuất và buôn bán hàng giả. Các hành vi này trước hết đã xâm phạm đến hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nên hành vi của ông D ngay sau khi bị công ty C phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng thì sẽ bị làm rõ và xử phạt theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại điều 5 nghị định 08/2013/NĐ-CP thì mức phạt áp dụng với hành vi sản xuất hàng giả là từ 100.000 đồng đến 70.000.000 đồng, mức phạt áp dụng với hành vi buôn bán hàng giả là từ 200.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Cụ thể, cũng theo quy định tại nghị định 08/2013/NĐ-CP thì ông D phải chịu các mức phạt hành chính sau đây:
Thứ nhất, như đã phân tích và làm rõ ở mục 2.1 nếu sau khi giám định mà kết quả cho thấy hàng sơn do ông D pha chế thuộc loại hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng thì ông D sẽ phải chịu phạt vi phạm hành chính do sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng theo quy định tại Điều 9 Nghị định 08/2013/NĐ-CP:
“a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị đến 3.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, căn cứ vào số lượng hàng giả mà ông D đã sản xuất ra so với hàng thật sơn “Dulux” do công ty C làm chủ sở hữu thì ông D sẽ phải gánh chịu mức phạt tương ứng theo quy định của pháp luật nếu ông D sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng. Thêm vào đó, ông D còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 08/2013/NĐ-CP như: buộc tiêu hủy hàng hóa, buộc nộp lại số tiền có được từ sản xuất hàng giả vào ngân sách Nhà nước, buộc tiêu hủy hàng hóa còn lưu thông trên thị trường.
Thứ hai, tương tự trường hợp thứ nhất, nếu hàng giả của ông D được khẳng định là hàng hóa giả không có giá trị sử dụng, công dụng thì ông D sẽ phải chịu xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng được quy định tại điều 8 Nghị định 08/2013/NĐ-CP, tại điều luật này quy định mức xử phạt vi phạm của ông D sẽ được căn cứ vào số lượng hàng hóa giả đã bán để xác định nghĩa vụ mà ông phải thực hiện, thêm vào đó ông D cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật như: tiêu hủy hàng hóa, nộp lại số tiền thu lợi được từ hoạt động buôn bán hàng giả.
Thứ ba, căn cứ vào quy định tại điều 10 Nghị định 08/2013/NĐ-CP về xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì ông D sẽ phải chịu cả mức xử phạt đối với hành vi này. Căn cứ vào số lượng hàng giả và quy định tại khoản 1, Điều 10 sẽ xác định được chính xác số tiền vi phạm hành chính trong trường hợp này ông D phải chịu cùng với các biện pháp khắc phục hậu quả trong đó có biện pháp: buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm đối với số hàng giả đã bán còn đang lưu thông trên thị trường.
Thứ tư, căn cứ vào quy định tại Điều 11 Nghị định 08/2013/NĐ-CP về xử phạt đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì ông D sẽ bị xử phạt đối với hành vi này một khoản tiền nhất định dựa vào số lượng hàng hóa giả được sản xuất ra và khung phạt theo quy định tại khoản 1, Điều 11; thêm vào đó là các biện pháp khắc phục hậu quả.
Thứ năm, căn cứ vào điều 14 nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định: “Đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này thì áp dụng các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để xử phạt”. Cụ thể, tại điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý dựa trên giá trị hàng hóa vi phạm.
Như vậy, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của ông D sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền phạt bằng tổng số tiền xác định trong các trường hợp nêu trên. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của công ty C thì công ty này có quyền khởi kiện
Tuy nhiên, căn cứ vào quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự về tội sản xuất, buốn bán hàng giả: “ Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.” Từ quy định này ta có thể thấy các trường hợp mà công ty C có thể áp dụng biện pháp hình sự kiện ông D ra tòa hình sự để ông D phải chịu mức phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm bao gồm:
- Nếu trước đó ông D đã bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng vẫn tái phạm với hành vi sản xuất, buôn bán hàng hàng giả là mặt hàng sơn “Dulux” của công ty C thì công ty C.
- Nếu số lượng ông D sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng .
- Nếu số lượng ông D sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá dưới 30.000.000 đồng nhưng nếu trong lượng sơn ông D pha chế có chất gây hậu quả nghiêm trọng đối với xã hôi.
Trong trường hợp hàng giả mà ông D sản xuất, buôn bán tương đương với số lượng hàng thật có giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì ông D sẽ phaỉ chịu mức tù từ 3 năm đến 10 năm, trong trường hợp giá trị trên 500.000.000 đồng thì ông D có thể sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 điều 156 thì ông D còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ… Thêm vào đó, Công ty D có thể khởi kiện ông D tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự: “ người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại…” Tuy nhiên, ông D chỉ phải chịu tội này khi hành vi sản xuất, buốn bán hàng giả của ông có quy mô thương mại, ta có thể hiểu đơn giản là với một thị trường rộng, mang tầm quy mô lớn nên rất có thể ông D sẽ không thuộc trường hợp quy định tại Điều 171 Bộ Luật hình sự.
Ngoài những biện pháp hành chính, hình sự đã được đưa ra ở trên, Công ty C còn có thể sử dụng biện pháp dân sự để bảo vệ quyền đối với mặt hàng sơn “Dulux” của mình. Công ty C có quyền khởi kiện ta tòa dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cùng với đó, công ty C sẽ có quyền và nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại điều 203 Luật sở hữu trí tuệ và điều 79 Bộ Luật tố tụng dân sự. Đầu tiên, công ty C phải chứng minh được mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông qua văn bằng bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu “Dulux”. Tiếp theo đó, công ty C phải cung cấp các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể là thùng sơn “Dulux” giả do ông D sản xuất. Căn cứ vào điều 204 Luật sở hữu trí tuệ quy định về nguyên tắc xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ xác định mức thiệt hại mà công ty C phải gánh chịu về vật chất và tinh thần. Cuối cùng, căn cứ vào quy định tại điều 205 Luật sở hữu trí tuệ về căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại để xác định số tiền mà ông D phải bồi thường cho Công ty C là bao nhiêu. Một lưu ý đối với công ty C, sau khi khởi kiện ông D, công ty C có quyền yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định cụ thể tại Điều 206, 207,208,209,210 Luật sở hữu trí tuệ.
II. KẾT LUẬN
Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội mà trước hết là cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân. Có làm được như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình “Luật sở hữu trí tuệ”, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.
2. Luật sở hữu trí tuệ 2005.
3. Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009.
4. Bộ Luật dân sự năm 2005
5. Bộ Luật Tố tụng dân sự 2004.
6. Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
7. Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
8. Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
9. Nghị định số 119/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
No comments:
Post a Comment