18/04/2015
Những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay
Bài tập học kỳ Lý luận Nhà nước và pháp luật - 8 điểm

Trong đời sống xã hội, pháp luật có một vai trò, vị trí vô cùng quan trọng và mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Pháp luật là một trong những phương tiện có hiệu quả nhất để quản lí xã hội. Tuy nhiên pháp luật chỉ thực sự phát huy vai trò to lớn của nó khi nó được áp dụng vào đời sống và được cụ thể hóa bằng những hành động của con người, đó chính là áp dụng pháp luật. Vấn đề dặt ra đối với nhà nước là không phải cứ ban hành ra nhiều văn bản luật mà quan trọng hơn là phải áp dụng pháp luật đó trong cuộc sống . Chính từ ý nghĩa quan trọng của vấn đề này nên em đã lựa chọn đề tài: “Những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay” để làm rõ hơn vấn đề hoạt động áp dụng pháp luật ở nước ta.


NỘI DUNG

I. Lí luận chung về áp dụng pháp luật

Trong khoa học pháp lý, áp dụng pháp luật được coi là một trong các hình thức thực hiện pháp luật, do vậy, trước khi tìm hiểu khái niệm áp dụng pháp luật, chúng ta cùng xem xét khái niệm thực hiện pháp luật.

1.Khái niệm thực hiện pháp luật

“Thực hiện pháp luật là quá trình các tổ chức, cá nhân và các chủ thể pháp luật khác khi gặp phải tình huống thực tế mà quy phạm pháp luật đã dự liệu, trên cơ sở nhận thức của mình chuyển hóa một cách sáng tạo quy tắc xử sự chung mà nhà nước đã quy định vào tình huống cụ thể đó thông qua hành vi thực tế hợp pháp của mình”.

Căn cứ vào tính chất pháp lí người ta chia thực hiện pháp luật thành bốn hình thức chính là: tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật, và áp dụng pháp luật.

2. Áp dụng pháp luật

2.1: Khái niệm áp dụng pháp luật

Trong bốn hình thực hiện pháp luật đã nêu thì áp dụng pháp luật là hình thức cơ bản, chủ yếu và quan trọng nhất phần lớn các quy định của pháp luật chỉ có thể được thực hiện trong thực tế thông qua hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền. Do đó ta có thể định nghĩa về áp dụng pháp luật như sau :

“Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy dịnh của pháp luật hoặc tự  mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể”

Từ định nghĩa trên ta thấy áp dụng pháp luật có những đặc điểm sau :

Một là, áp dụng pháp luật là hoạt động có tính tổ chức, quyền lực nhà nước.

Hai là, áp dụng pháp luật phải tuân theo những hìnhh thức và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.

Ba là, áp dụng pháp luật là hoạt động điều chỉnh mạng tính cá biệt,cụ thể đối với những quan hệ xã hội nhất đị

Bốn là, áp dụng pháp luật là hoạt động đòi hỏi tính sáng tạo

2.2:Các trường hợp cần áp dụng pháp luật

Khi xem xét về mặt lí luận ta có thể thấy, hoạt động áp dụng pháp luật được tiến hành trong một số trường hợp sau :

Thứ nhất, khi quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể không mặc nhiên phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt .

Ví dụ: Quan hệ pháp lí giữa một người với công ty chỉ phát sinh khi giám đốc công ty đó ký hợp đồng với họ.

Thứ hai, khi xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể mà họ không tự giải quyết được với nhau và yêu cầu có sự can thiệp của một chủ thể có thẩm quyền .

Thứ ba khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước .Có thể áp dụng pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật nhưng cũng có thể không vi phạm pháp luật.

Thứ tư khi cần áp dụng các hình thức khhen thưởng đối với các chủ thể có thành tích theo quy định của pháp luật

Thứ năm khi cần điều tra, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lí của các chủ thể trong một số lĩnh vực.

Thứ sáu khi cần xác nhận sự tồn tại của một sự kiện thực tế nào đó theo quy định của pháp luật.

II. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động áp dụng pháp luật ở nước ta hiện nay.

Trong thực tế hoạt động áp dụng pháp luật chịu sự quy định, ảnh hưởng của nhiều yếu tố thuộc cả cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng pháp lý. Và sau đây là những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động áp dụng pháp luật 

1.Hoạt động xây dựng pháp luật

Trước hết, hoạt động áp dụng pháp luật có liên quan rất chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật . Để thực hiện và áp dụng pháp luật có hiệu quả trước hết phải có pháp luật tốt. Nói cụ thể hơn là phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh , đồng bộ , sát thực tế, phù hợp với các quy luật khách quan của sự phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với những điều kiện kinh tế , chính trị,văn hóa xã hội, tâm lí, tổ chức ...mà trong đó pháp luật sẽ tác động, đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi của đất nước ở mỗi thời kì phát triển . Sau khi đã ban hành pháp luật, vấn đề quan trọng có ảnh hưởng tới việc thực hiện , áp dụng pháp luật là tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân để mọi người nắm được các quy định của pháp luật, từ đó họ có ý tức tự giác tuân theo pháp luật.

2.Trình độ văn hóa pháp lí của cán bộ và nhân dân

Hoạt động áp dụng pháp luật không những có liên quan chặt chẽ đến hoạt động xây dựng pháp luật mà sự hoàn thiện của hoạt động áp dụng pháp luật còn đòi hỏi trình độ pháp lí của cán bộ, nhân dân trong xã hội.Vì vậy cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân , tạo lòng tin của nhân dân vào pháp luật để từ đó họ có những hành vi pháp luật tích cực, biết sử dụng pháp luật vào việc bảo vệ quyền , lợi ích hợp pháp của mình cũng như của người khác và đấu tranh không khoan nhượng với các hiện tượng tiêu cực , vi phạm pháp luật trong xã hội

3.Công tác tổ chức và cán bộ của các cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật vốn là hoạt động do các cơ quan hoặc các chủ thể có thẩm quyền tiến hành như cơ quan hành chính, tòa án, viện kiểm sát, công an...Do tính chất quan trọng và phức tạp của hoạt động áp dụng pháp luật nên chủ thể bị áp dụng có thể được hưởng lợi ích rất lớn nhưng cũng có thể phải chịu những hậu quả bất lợi nên trong pháp luật luôn có sự xác định rõ ràng cơ sở, điều kiện, trình tự thủ tục... của chủ thể trong quá trình áp dụng pháp luật. Chính vì vậy các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần được tổ chức một cách khoa học,có sự phân công rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của mỗi cơ quan, mỗi bộ phận để tránh hiện tượng chồng chéo, mâu thuẫn cản trở nhau trong công việc của các cơ quan này. Sự không thống nhất, không phân định rõ ràng phạm vi, lĩnh vực hoạt động hoặc thẩm quyền của các cơ quan dễ dẫn đến có những vụ việc thì nhiều cơ quan tranh nhau giải quyết nhưng lại có những vụ việc thì đùn đẩy không cơ quan nào nhận trách nhiệm giải quyết. Trong tổ chức và hoạt động của các 
cơ quan áp dụng pháp luật phải đảm bảo tính năng  động , chủ động, sáng tạo , sự độc lập của mỗi cơ quan hoặc mỗi bộ phận đồng thời đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, giữa các bộ phận cùng tham gia áp dụng pháp luật cũng như sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan áp dụng pháp luật với các cơ quan khác của Nhà nước hoặc với các tổ chức xã hội .

Đặc biệt, hoạt động hiệu quả của các cơ quan áp dụng pháp luật còn thể hiện ở sự thông thạo các công việc mà họ đảm nhận và thực hiện chúng với tinh thân trách nhiệm cao, tránh hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, trì trệ, giấy tờ hình thức hoặc thờ ơ lãnh đạm đối với số phận, tính mạng con người, với tài sản của Nhà nước và của nhân dân .Thực tế cho thấy sự quan liêu, chậm trễ, thiếu tinh thần trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc một số cán bộ có chức có quyền trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân dẫn đến nhiều vụ việc đơn giản lại trở nên phức tạp, nhiều sự oan ức bất bình trong nhân dân không giải quyết được gây ra hậu quả không thể lường trước .

4.Văn bản áp dụng pháp luật

Khi nói tới hoạt động áp dụng pháp luật thì chúng ta không thể không nhắc tới các văn bản áp dụng pháp luật bởi tính hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng, sự tác động của các văn bản áp dụng pháp luật. Quá trình áp dụng pháp luật phải thông qua một số giai đoạn nhất định, các giai đoạn đó được thực hiện nhờ sự trợ giúp của các văn bản áp dụng pháp luật. Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản pháp lí cá biệt, mang tính quyền lực do các chủ thể có thẩm quyền ban hành trên cơ sơ sở pháp luật theo trình tự thủ tục luật định nhằm điều chỉnh cá biệt đối với cáctổ chức, các nhân cụ thể trong những trường hợp cụ thể như bản án, quyết định, sự xác nhận của cơ quan nhà nước... Do vậy trong tất cả các trường hợp các văn bản áp dụng pháp luật phải được ban hành đúng lúc, đúng đối tượng và phù hợp với một số yêu cầu sau: văn bản áp dụng pháp luật phải hợp pháp, nghĩa là nó được ban hành đúng thẩm quyền hoặc nhà chức trách chỉ được ban hành một số văn bản áp dụng pháp luật nhất định theo quy định của pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật phải được ban hành có cơ sở thực tế, nghĩa là nó được ban hành căn cứ vào những sự kiện, những đòi hỏi thực tế đầy đủ, chính xác và đáng tin cậy.

5.Ý thức pháp luật cuả người áp dụng pháp luật, người bị áp dụng pháp luật, chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật và chủ thể bị áp dụng pháp luật.

Ý thức pháp luật có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động áp dụng pháp luật. Tất cả các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật, chủ thể bị áp dụng pháp luật, người ápdụng pháp luật và người bị áp dụng pháp luật đều cần có ý thức pháp luật để điều chỉnh hành vi của mình và hành vi của các chủ thể khác phù hợp với mục đích, yêu cầu của pháp luật.

Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, quan điểm, quan niệm thịnh hành trong xã hội thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luât và sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp với các hành vi pháp lí thực tiễn. Khi ra các quyết định nhất là các văn bản áp dụng pháp luật cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền phải căn cứ vào quy địnhcủa pháp luật chứ không thể căn cứ vào những động cơ các nhân, cục bộ vì hoạt động này liên quan đến quyền và nghĩa vụ pháp lí của chủ thể đặc biệt là đối với chủ thể bị áp dụng pháp luật. Do đó các quyết định áp dụng pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng tên gọi, trình tự thủ tục do pháp luật quy định, tổ chức thi hành quyết định đó trên thực tế. Nói chung áp dụng pháp luật là một quá trình phức tạp đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải có ý thức pháp luật cao nếu không có ý thức pháp luật cao thì chủ thể bị áp dụng pháp luật sẽ rất khó để nhận thấy rằng ý thức pháp luật đã có tác động tích cực đến quá trình thực hiện nghiệp vụ của chủ thể tiến hành.

Ý thức pháp luật của cán bộ có thẩm quyền áp dụng pháp luật càng cao thì hoạt động áp dụng pháp luật của họ càng đúng đắn và hiệu quả. Chủ thể áp dụng pháp luật nhân danh quyền lực nhà nước nên hoạt động áp dụng pháp luật có tính chất bắt buộc với chủ thể bị áp dụng vì thế hoạt động này không chỉ thể hiện ý thức của người trực tiếp áp dụng pháp luật mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, thay đổi  thái độ tình cảm pháp luật của người bị áp dụng. Nếu họ thực hiện những hành vi sai trái thì vô tình sẽ dẫn đến thái độ coi thường pháp luật của người dân và nguy hiểm hơn là có thể làm cho nhân dân không còn niềm tin vào pháp luật và chế độ nữa. Ngược lại nếu những người áp dụng pháp luật có ý thức pháp luật cao thì nhân dân sẽ có niềm tin vào pháp luật, thấy được giá trị của việc tôn trọng pháp luật và thực hiệ chính xác, tuân theo pháp luật và vận động nười khác làm theo pháp luật.

Ý thức pháp luật và hành vi của cán bộ công chức nhà nước có ảnh hưởng sâu rộng , trực tiếp đến nhiều cá nhân khác nhất là hoạt động pháp luật của đội ngũ cán bộ tư pháp bởi một trong những thẩm quyền quan trọng của họ là có thể ban hành những nghị quyết làm pháp sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một hay nhiều quyền hạn hay nhiệm vụ pháp lí, có thể đưa lại lợi ích hoặc thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần cho các tổ chức, cá nhân khác. Do đó đối với cán bộ trong hoạt động tư pháp thì ý thức pháo luật càng cần được chú trọng. Hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp đòi  hỏi các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật cần phải hiểu nội dung của quy phạm, xác định rõ các đặc trưng pháp lí của sự vụ có liên quan để ban hành văn bản áp dụng pháp luật chính xác, hợp pháp. Mọi sai sót trong quá trình cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ hoặc cá biệt hóa chế tài pháp luật đều có nguy cơ phá vỡ tính đúng đắn của quá trình áp dụng pháp luật. Vì vậy, chỉ có thể đem lại hiệu quả tốt nhất cho hoạt động áp dụng pháp luật khi ý thức của các cá nhân có thẩm quyền được bảo đảm. Nâng cao trình độ văn hóa pháp lí, ý thức pháp luật, hình thành bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng… là những đòi hỏi cần thiết đới với những người áp dụng pháp luật trên thực tế.

Không những thế ý thức pháp luật còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong các trường hợp các quy phạm pháp luật hiện hành bị lạc hậu, không đáo ứng được một cách đầy đủ, chính xác những đòi hỏi của sự phát triển của xã hội hoặc trong những trường hợp cần giải quyết vụ việc không có pháp luật điều chỉnh cần áp dụng pháp luật tương tự. Trong những trường hợp đó người trực tiếp áp dụng pháp luật sẽ căn cứ vào ý thức pháp luật, các nguyên tắc và niềm tin nội tâm của mình để giải quyết vụ việc theo những cách khác nhau để phù hợp. Thực tế cho thấy không ít trường hợp do mục đích động cơ cá nhân  hoặc những nguyên nhân khác nhau mà người có thẩm quyền áp dụng pháp luật đã cụ thể hóa mục đíct trái hẳn hoặc không phù hợp với mục đích xã hội. Do vậy cần có những hoạt động kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ quá trình áp dụng pháp luật đồng thời phải có biện pháp xử lí nghiêm minh những người cố ý áp dụng pháp luật không đúng, không phù hợp với mục đích xã hội.

6.Những điều kiện vật chất- kỹ thuật cần thiết đảm bảo cho hoạt động áp dụng pháp luật

Hoạt động áp dụng pháp luật còn chịu ảnh hưởng  của những điều kiện đảm bảo cần thiết về vật chất- kỹ thuật. Nhiều văn bản pháp luật, nhiều quy định của pháp luật muốn được thực hiện trong thực tế đòi hỏi phải có một chi phí rất lớn về sức người và trang bị vật chất- kỹ thuật. Vì thế kinh phí hoạt động cho hoạt động áp dụng pháp luật là một trong diều kện cần thiết quan trọng để việc áp dụng pháp luật có hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần của người trực tiếp áp dụng pháp luật và gia đình họ, giúp họ giảm bớt những khó khăn về vật chất để họ có thể tận tam dồn hết thời gian , sức lc, trí tuệ cho công việc , không bị mua chuộc về vật chất, giữ thái độ vô tư khách quan.

Hoạt động áp dụng pháp luật cũng  phải luôn tuân theo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tất cả các công đoạn, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện vi phạm pháp luật, những hành vi áp dụng pháp luật không đúng, không phù hợp.

Ngoài những yếu tố trên thì hoạt động áp dụng pháp luật còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố khác như chất lượng hệ thống pháp luật, chất lượng của quy phạm pháp luật...

Trên đây chỉ là một số yếu tố ảnh hưởng đến hoạt đông áp dụng pháp luật mà em muốn nói đến và từ đó giúp ta có những biện pháp đúng đắn để hoạt động áp dụng có hiệu quả hơn, tốt đẹp hơn.

KẾT LUẬN

Như vậy hoạt động áp dụng pháp luật là một vấn đề phức tạp được tiền hành bởi các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền  và chịu ảnh hưởng của yếu tố khác nhau. Để hoạt động áp dụng pháp luật đạt được hiệu quả tốt nhất chúng ta cần có những biện pháp thiết thực.

Trên đây là tìm hểu của em về vấn đề: “những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay”. Bài viết còn nhiều thiếu sót, mong thầy (cô) góp ý dể bài viết của em hoàn thiện thêm.

Em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lí luận nhà nước và pháp luật, NXB CAND 2011
2. Nguyễn Thị Hồi, tài liệu tham khảo “ áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay”, NXB tư pháp 2009
3. Nguyễn Minh Đoan, “ ý thức pháp luật”,NXB Chính trị quốc gia- sự thật 2011
4. Nguyễn Minh Đoan, “hiệu quả pháp luật- những vấn đề lí luận và thực tiễn”, NXB chính trị quốc gia 1997
5. Nguyễn Minh Đoan, “thực hiện và áp dụng ở Việt Nam” NXB chính trị quốc gia 2010

No comments:

Post a Comment