25/04/2015
Nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay
Bài tập học kỳ Lý luận Nhà nước và pháp luật.

Việc tìm hiểu nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật có ý nghĩa lí luận và thực tiễn vô cùng quan trọng đối việc xây dựng và hoàn thiện công cụ quyền lực cao nhất của nhà nước. Việc áp dụng nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật ở Việt Nam có vai trò là phương tiện pháp lí đặc thù để đưa pháp luật vào cuộc sống trong điều kiện phát huy quyền tự chủ của tất cả các chủ thể trong xã hội. Hơn bất kì hoạt động thực hiện pháp luật nào, xây dựng và ban hành pháp luật cần dựa trên các nguyên tắc khoa học, đặc biệt là phải dựa trên nguyên tắc dân chủ. Có như vậy mới đưa được đất nước đi lên, phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

I. Khái niệm:

1. Khái niệm về xây dựng pháp luật:

Xây dựng pháp luật là quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định nhằm ban hành ra các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích của nhà nước. Xây dựng pháp luật là một quá trình hoạt động vì nó bao gồm nhiều hoạt động, từ việc thừa nhận các quy phạm xã hội có sẵn, các án lệ đến việc sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật và xây dựng, ban hành ra các quy phạm pháp luật mới.

2. Khái niệm nguyên tắc xây dựng pháp luật

Nguyên tắc xây dựng pháp luật là những tư tưởng chỉ đạo phản ánh khái quát những sự việc khách quan liên quan đến quá trình nâng ý chí nhà nước lên thành pháp luật. Đây là những cơ sở quan trọng của toàn bộ quá trình xây dựng pháp luật, đòi hỏi tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình ban hành, sửa đổi hay bãi bỏ các quy phạm pháp luật phải nghiêm chỉnh tuân theo. Hoạt động xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay được tiến hành theo các nguyên tắc cơ bản sau:

Một là nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Hai là nguyên tắc khách quan.
Ba là nguyên tắc khoa học.
Bốn là nguyên tắc dân chủ.
Năm là nguyên tắc pháp chế.
Sáu là nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các lực lượng xã hội.

3. Khái niệm về nguyên tắc dân chủ 

Đây là nguyên tắc đòi hỏi trong quá trình xây dựng pháp luật, các chủ thể có thẩm quyền phải tạo điều kiện cho nhân dân có thể tham gia một cách đông đảo và rộng rãi vào quá trình thảo luận các quy phạm pháp luật dự thảo. Điều này vừa có thể đảm bảo cho pháp luật thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vừa tạo điều kiện cho nhân dân tìm hiểu và hiểu được nội dung các quy định của pháp luật, nhất là các quy định có liên quan tới các hoạt động hàng ngày của họ, nhờ đó góp phần làm cho pháp luật được thực hiện nghiêm túc hơn, đồng thời nâng cao hơn ý thức pháp luật của nhân dân.

II. Những cơ sở của nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật.

1.Cơ sở chính trị 

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, đại diện cho lợi ích và ý chí của nhân dân lao động. Đảng ta đã khẳng định, Đảng cộng sản mang bản chất giai cấp công nhân, đồng thời là đại biểu trung thành cho lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong chế độ, nhà nước dân chủ, quần chúng nhân dân là người làm chủ. Quyền lực, lợi ích thuộc về nhân dân, sức mạnh và quyền lực đều nằm trong dân. Đó chính là cơ sở chính trị chứng tỏ dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xây dựng pháp luật Việt Nam.

2. Cơ sở pháp lí 

Cơ sở pháp lí của nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật được quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 1992:” Công dân có quyền tham gia quản lí Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Trong Điều 53 Hiến pháp đã quy định quyền của công dân đã tạo điều kiện cho nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật bảo đảm tính dân chủ được thực hiện.

III. Nội dung và ý nghĩa của nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật Việt Nam hiện nay.

1.Nội dung:

Nguyên tắc này đảm bảo sự tham gia của động đảo các tầng lớp nhân dân vào hoạt động xây dựng pháp luật nhằm làm cho pháp luật thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các thành viên trong xã hội. Mặt khác nó cho phép phát huy được trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật đồng thời cũng góp phần nâng cao hơn ý thức pháp luật của người dân.

2. Ý nghĩa 

Nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc củng cố, nâng cao vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống, nhà nước và xã hội. Pháp luật đã và đang là cơ sở pháp lí vững chắc cho việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, ghi nhận và đảm bảo tất cả các quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Hoạt động xây dựng pháp luật dựa trên nguyên tắc dân chủ sẽ nâng cao ý thức pháp luật của người dân, mỗi lần xây dựng pháp luật người dân sẽ tích lũy cho mình một lượng kiến thức về pháp luật nhất định, sẽ làm cho pháp luật đi sâu vào tiềm thức của người dân,để pháp luật trở nên có hiệu lực. 

IV. Biểu hiện trong thực tiễn của nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật.

1.Thành tựu bước đầu:

Điều 54 Hiến pháp năm 1992 quy định:” Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”. Điều này cho thấy nhân dân có quyền tự do dân chủ tham gia vào thành lập, quản lí nhà nước. Nhân dân có quyền tham gia xây dựng pháp luật và Nhà nước.

Điều 2 Hiến pháp 1992 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp tri thức”. Qua đây, ta thấy quyền dân chủ của công dân được Nhà nước đặt lên hàng đầu cũng như vai trò của nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Người dân được tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật và thành lập Nhà nước, Người dân tham gia vào hoạt động giám sát, bỏ phiếu, đóng góp ý kiến, phản ánh những sai sót trong pháp luật, được Nhà nước trưng cầu ý kiến,... dưới hai hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Nguyên tắc dân chủ được đảm bảo trong hoạt động trưng cầu dân ý hay phúc quyết Hiến pháp như điều 70 Hiến pháp năm 1946 đã làm: 

“Sửa đổi hiến pháp phải theo cách thức sau đây:

a. Do hai phần ba tổng số nghị viện yêu cầu.
b. Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c. Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải được đưa ra toàn dân phúc quyết.

2.Những mặt khuyết điểm và yếu kém

Bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn những hạn chế và khuyết điểm trong nguyên tắc hoạt động xây dựng pháp luật. Những sự vi phạm nguyên tắc dân chủ ngày càng gia tăng, mức độ nghiêm trọng ngày càng lớn, sự tùy tiện trong hoạt động xây dựng pháp luật, ban hành những luật chồng chéo,trái ngược nhau,... Thái độ trong việc thực hiện nguyen tắc dân chủ chưa tốt ở cấp trên, ý thức của nhân viên cấp dưới và một số người dân còn kém, trách nhiệm từng thành viên, cá nhân và người dân chưa rõ ràng.

Trong đời sống xã hội, nhiều nơi tính dân chủ không được đảm bảo, vẫn còn nhiều sai phạm xảy ra, còn những ý kiến đóng góp của người dân không được để ý và giải quyết. Nguyên tắc dân chủ sẽ không được đảm bảo nếu như các sai sót này không được chú ý và giải quyết, sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng pháp luật, dẫn đến pháp luật không nói lên ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Trong thực tế hiện nay còn không ít xã, phường, thị trấn cán bộ lãnh đạo chưa thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật như trưng cầu ý kiến, ý kiến, góp ý của nhân dân. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng, uy tín của các cán bộ xã, phường, thị trấn đối với cá nhân. Không ít các trường hợp các cơ quan có thẩm quyền chưa thông báo công khai các hoạt động trưng cầu ý dân, xây dựng pháp luật, dẫn đến tình trạng người dân hoàn toàn không biết về các hoạt động đó, làm cho người dân bị động, thiếu an tâm, giảm sút tính dân chủ trong nhân dân. Đến khi người dân có vi phạm pháp luật hay có trách nhiệm pháp luật cũng không biết mình nên làm gì và phải làm như thế nào.

Mỗi khi ban hành các văn bản pháp luật mà đúng với thực kế, nguyện vọng của nhân dân, người dân sẽ lên tiếng phản đối, buộc các nhà làm luật phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản pháp luật đó. 

V. Kiến nghị hoàn thiện.

Một là: Xây dựng nhà nước pháp quyền với quyền lực tối cao của pháp luật, đảm bảo cho nhà nước thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đảm bảo thực hiện đúng đường lối của Đảng và được thể chế hóa.

Hai là: Các hoạt động lập pháp cần phải được công khai. Các đai biểu Quốc hội phải là đại biểu cho toàn dân. Ý kiến của đại biểu thiểu số phải được ghi lại và công bố cho cử tri, để cho cử tri biết được đại biểu mà họ bầu lên có hoàn thành nhiệm vụ và bảo vệ quyền lợi cho họ không.

Ba là: Tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị theo yêu cầu dân chủ, đảm bảo vai trò và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu quả xây dựng pháp luật.

Bốn là: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp và chuyên môn hóa, thành thạo nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, có thái độ tận tụy và khả năng sáng tạo trong những nhiệm vụ được giao, giữ nghiêm kỉ luật và quy chế trong khi đang thi hành công vụ, gương mẫu trong quan hệ và ứng xử với nhân dân theo chuẩn mực của văn hóa pháp luật và văn hóa dân chủ.

Năm là: Xây dựng cơ chế thực hiện dân chủ và thực hiện nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật trong đời sống cộng đồng, cần cụ thể hóa nguyên tắc dân chủ trong nghị quyết, nghị định có hiệu lức pháp lí. Tiếp tục nghiên cứu, phân cấp quản lí, tránh tình trạng chồng tréo nhiệm vụ và thẩm quyền.

Sáu là: Nâng cao dân trí trong xã hội, mở rộng các kênh truyền thông về pháp luật, cần có chủ trưởng triển khai các cuộc vận động, tuyên truyền một cách cụ thể về nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Bảy là: Tăng cường lấy ý kiến nhân dân trong các dự thảo văn bản pháp luật. Như vậy, ý chí và nguyện vọng của nhân dân mới thực hiện được rõ rệt, từ đó nhá nước mới có thể vì nhân dâ phục vụ tốt hơn.

No comments:

Post a Comment