25/04/2015
Vai trò của Liên hợp quốc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật biển quốc tế
Bài tập học kỳ Công pháp quốc tế.


Từ khi thành lập đến nay, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã và đang có những đóng góp to lớn về nhiều mặt đối với cộng đồng quốc tế. Trong số các hoạt động đa dạng của mình, không thể không kể đến vai trò của Liên Hợp Quốc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc tế, mà đặc biệt là trong chuyên ngành luật biển quốc tế, đây là ngành luật có nhiều điểm còn tồn tại mâu thuẫn giữa các quốc gia trên thế giới. Vậy Liên hợp quốc đã và sẽ có những động thái gì để góp phần vào sự phát triển và hoàn thiện các nguyên tắc và quy phạm trong Luật biển. Đó là lí do em lựa chọn đề tài: “Phân tích làm sáng tỏ vai trò của Liên hợp quốc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các nguyên tắc, quy phạm của Luật biển quốc tế” làm bài tập học kì của mình.


B. NỘI DUNG

1. Khái quát về vai trò của LHQ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc tế. 

Tổ chức LHQ chính thức được thành lập ngày 24/10/1945 với sự tham gia của 51 quốc gia sáng lập, thay thế Hội Quốc Liên (hoạt động kém hiệu quả), trở thành một tổ chức quốc tế toàn cầu với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm một nền hoà bình và trật tự thế giới bền vững. Tới năm 2011 đã có 193 quốc gia là thành viên của LHQ, gồm tất cả các quốc gia độc lập được thế giới công nhận. LHQ gồm 6 cơ quan chính là: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế – Xã hội, Hội đồng Quản thác, Toà án Quốc tế và Ban Thư ký. Không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ bảo vệ hoà bình và an ninh quốc tế, LHQ còn là diễn đàn nơi các quốc gia thảo luận và thông qua các quy phạm pháp luật quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của thế giới. Đồng thời, tổ chức này cũng có thẩm quyền và phương tiện để đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Một trong số hoạt động cơ bản và quan trọng nhất của LHQ đó là xây dựng, phát triển hệ thống pháp luật quốc tế trên cơ sở sự thống nhất, đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Cụ thể, xét về quá trình xây dựng, phát triển hệ thống pháp luật quốc tế nói chung, hoạt động của LHQ được thể hiện chủ yếu thông qua hai con đường sau:

Một là, hoạt động xây dựng pháp luật quốc tế trực tiếp: đây là hoạt động của Liên hợp quốc với tư cách là chủ thể của Luật quốc tế. Liên hợp quốc kí kết các điều ước quốc tế hoặc chấp nhận các tập quán quốc tế để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình trong khuôn khổ thẩm quyền mà các quốc gia thành viên trao cho tổ chức. 

Hai là, hoạt động xây dựng pháp luật gián tiếp: đây là hoạt động đưa ra sáng kiến, bảo trợ để kí kết các điều ước quốc tế. Thông thường, Liên hợp quốc sẽ tổ chức các diễn đàn, các hội nghị để các bên thương lượng và kí kết điều ước quốc tế. Ngoài ra, Liên hợp quốc còn tham gia soạn thảo các điều ước quốc tế, thiết lập nên các thiết chế để giám sát việc thực hiện các điều ước này. 

2. Vai trò của Liên hợp quốc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các nguyên tắc, quy phạm chuyên ngành Luật biển quốc tế 

2.1. Vai trò của Liên hợp quốc trong ba hội nghị đàm phán về vấn đề xây dựng luật biển.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2 ngày càng có nhiều tranh cãi, tranh chấp liên quan đến việc sử dụng nguồn lợi biển. Bên cạnh đó, tình hình giao lưu, khai thác biển giữa các quốc gia trên thế giới đặt ra yêu cầu cần thống nhất các nguyên tắc và quy phạm của Luật biển quốc tế. Trước những khác biệt liên quan đến yêu sách chủ quyền đối với biển và đại dương, cộng đồng quốc tế cũng như Liên hợp quốc đã có những nỗ lực nhằm pháp điển hoá luật pháp quốc tế về biển, thể hiện rõ nét nhất thông qua ba hội nghị về Luật biển do Liên hợp quốc triệu tập.

- Hội nghị Luật biển lần thứ nhất của Liên hợp quốc tổ chức tại Giơnevơ từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 29 tháng 4 năm 1958.

Hội nghị này của Liên hợp quốc nhằm hệ thống hóa pháp luật về biển đối với lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, biển xa bờ và đã thu được kết quả quan trọng về phương diện lập pháp quốc tế, đó là sự ra đời của bốn Công ước: Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải; Công ước về biển cả; Công ước về đánh cá và bảo vệ các tài nguyên sinh vật của biển cả và Công ước về thềm lục địa. Pháp điển hoá nhiều nguyên tắc và quy phạm của Luật tập quán về biển (như tự do biển cả, qua lại không gây hại, chế độ nội thuỷ, lãnh hải, chế độ thềm lục địa…). Tuy nhiên, những công ước này lại thất bại trong việc thống nhất bề rộng lãnh hải; chưa xây dựng được khái niệm khoa học về thềm lục địa và hạn chế hơn nữa là không thể hiện được lợi ích của các nước vừa và nhỏ. Ngoài ra, các nước tham dự còn thông qua một Nghị định thư về về phương thức giải quyết tranh chấp. Mặc dù vậy, các thành công về phương diện lập pháp của hội nghị này vẫn có ý nghĩa trong việc tạo tiền đề để cộng đồng quốc tế tiếp tục con đường phát triển hiện đại Luật biển quốc tế. 

- Hội nghị Luật biển lần thứ hai của Liên hợp quốc tổ chức tại Giơnevơ từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 26 tháng 4 năm 1960.

Tham gia hội nghị lần này có đại diện của 87 quốc gia và quan sát viên của 24 tổ chức quốc tế chuyên môn của Liên hợp quốc. Hội nghị này được tổ chức với mong muốn nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại của hội nghị Luật biển lần thứ nhất, đặc biệt về vấn đề chiều rộng của lãnh hải. Nhưng thực tế, do thời gian giữa hai kỳ hội nghị quá ngắn để các quốc gia có thể đạt được sự nhất trí chung nên hội nghị đã không thống nhất được về chiều rộng lãnh hải và không thông qua được điều ước quốc tế nào.

- Hội nghị Luật Biển lần thứ ba của Liên hợp quốc, sau 5 năm trù bị (1967-1972) bao gồm 11 phiên họp, kéo dài 9 năm (từ tháng 12 – 1973 đến tháng 12 – 1982).

Hội nghị lần này là một sự kiện lịch sử quan trọng trong việc phát triển tiến bộ và pháp điển hoá Luật quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng. Để chuẩn bị cho Hội nghị này, Đại hội đồng liên hợp quốc đã thành lập một ủy ban Ad học để nghiên cứu về phương thức hòa bình sử dụng vùng đáy biển nằm ngoài vùng nước thuộc quyền tài phán của các quốc gia. Sau ba năm chuẩn bị kỹ lưỡng, năm 1970, Đại hội đồng đã thông qua Nghị quyết 2750C để triệu tập Hội nghị lần thứ ba về Luật biển với mục đích thiết lập được sự thống nhất về khái niệm di sản chung của nhân loại, cũng như xác định được bề rộng lãnh hải và chế độ khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thủy sinh trong khu vực biển tiếp giáp với lãnh hải. Trong cuộc họp đầu tiên, Hội nghị thành lập các Ủy ban để điều khiển Hội nghị (Ủy ban tổng hợp, Ủy ban biên tập và các Ủy ban chính). Tám năm đàm phán kết thúc với việc thông qua Công ước tại New York ngày 30/4/1982 với tỷ lệ 130 phiếu ủng hộ, 4 phiếu chống và 17 phiếu trắng. Với việc 60 quốc gia phê chuẩn vào ngày 28/07/1994 khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua “Thỏa thuận 1994” về việc thực thi Phần XI của Công ước, Công ước Liên hợp quốc về luật biển đã chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 (Việt Nam đã phê chuẩn ngày 23/6/1994, tính đến tháng 7-2005 đã có 147 quốc gia và Cộng đồng châu Âu phê chuẩn Công ước.)

Có thể thấy rằng, thông qua việc triệu tập ba hội nghị về luật biển nói trên, LHQ đã thể hiện vai trò là chủ thể tổ chức hội nghị đàm phán về vấn đề xây dựng luật biển. Bên cạnh đó, LHQ còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo trợ tổ chức các hội nghị nhằm thảo luận và thông qua công ước Luật biển năm 1982. Các hội nghị hình thành Luật biển có quy mô rất to lớn, có sự đầu tư, chuẩn bị kĩ càng, chu đáo từ LHQ. Phải trải qua cả một quá trình dài, từ các cuộc đàm phán, thương lượng, đấu tranh, nhân nhượng lợi ích giữa các chủ thể mới có thể hoàn thành được sản phẩm là công ước về luật biển quốc tế. Khẳng định điều này để có thể thấy rõ hơn vai trò của LHQ khi đã tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho việc hình thành luật biển quốc tế, hình thành các nguyên tắc làm nền tảng, hình thành các quy phạm để cụ thể hóa nội dung luật biển quốc tế. 

Không chỉ dừng lại ở vai trò tổ chức các hội nghị để hình thành luật biển quốc tế, LHQ còn mở ra các hội nghị thường niên để giải quyết các vấn đề phát sinh trong công ước luật biển, hoàn thiện thêm các quy phạm luật biển quốc tế. Ví dụ: ngày 14/6/2011, Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) đã khai mạc tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề hành chính và ngân sách liên quan đến Tòa án quốc tế về luật biển (ITLS), báo cáo của Tổng Thư ký Cơ quan đáy biển quốc tế (ISA) và Chủ tịch Ủy ban giới hạn thềm lục địa (CLCS). Vai trò của các hội nghị này vô cùng quan trọng, nó góp phần thúc đẩy sự hợp tác, phát triển, quá trình áp dụng cũng như ngày càng hoàn thiện hơn quy chế pháp lý về luật biển quốc tế. 

2.2. Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong việc pháp điển hóa các quy phạm quốc tế về biển 

Không chỉ đóng vai trò bảo trợ tổ chức hội nghị đàm phán giữa các quốc gia về luật biển quốc tế, Liên hợp quốc còn đóng vai trò quan trọng trong việc pháp điển hóa các quy phạm quốc tế về biển. Tuy nhiên, trong số các cơ quan của Liên hợp quốc thì Đại hội đồng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc pháp điển hóa pháp luật quốc tế cũng như việc pháp điển hóa các quy phạm quốc tế về biển. Do đó, vai trò của Liên hợp quốc trong việc pháp điển hóa các quy phạm quốc tế về biển được thể hiện qua vai trò của Đại hội đồng. 

Theo Hiến chương Liên hợp quốc, một trong những nhiệm vụ chính của Đại hội đồng là thúc đẩy việc xây dựng và pháp điển hoá luật pháp quốc tế theo hướng tiến bộ. Điều 11,13 Hiến chương quy định: “Đại hội đồng có thể thảo luận tất cả các vấn đề hoặc các công việc thuộc phạm vi Hiến chương. Đồng thời, Đại hội đồng có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu và thông qua kiến nghị nhằm phát triển sự hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực chính trị, thúc đẩy việc pháp điển hoá và sự phát triển của luật pháp quốc tế theo hướng tiến bộ”. Theo đó, trong quá trình pháp điển hóa các quy phạm quốc tế về biển, Đại hội đồng đóng vai trò thúc đẩy việc xây dựng và pháp điển hóa các quy phạm quốc tế về biển theo hướng tiến bộ. Ví dụ: Do sự đa dạng của hoạt động ở đại dương và kết quả tiến bộ của khoa học kỹ thuật, năm 1970 Đại hội đồng LHQ đã thông qua quyết định triệu tập Hội nghị LHQ vào năm 1973. Thủ tục Hội nghị LHQ về Luật biển lần thứ 3, ngày 16/11/1973, được Đại hội đồng LHQ thông qua bằng Thoả thuận bất thành văn - Hiệp ước quân tử.

Đại hội đồng thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy quá trình xây dựng và pháp điển hoá luật pháp quốc tế thông qua các cơ quan chính: Uỷ ban luật pháp quốc tế (ILC), Uỷ ban thương mại quốc tế (UNCIRAL); các Uỷ ban ad và các hội nghị thành viên. Tuy nhiên, nhiệm vụ thúc đẩy quá trình pháp điển hóa các quy phạm quốc tế về biển của Đại hội đồng được thực hiện thông qua hai cơ quan chính là Ủy ban luật pháp quốc tế và các hội nghị thành viên.

Uỷ ban luật pháp quốc tế (ILC) là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc gồm những chuyên gia luật pháp quốc tế có nhiệm vụ giúp Liên hợp quốc xây dựng và soạn thảo những Điều ước quốc tế đa phương. Uỷ ban luật pháp quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc pháp điển hoá luật pháp quốc tế. Uỷ ban đã xây dựng và hoàn thiện nhiều Dự thảo tuyên bố, Công ước trong đó có Công ước luật biển năm 1982. Ủy ban luật pháp quốc tế đã xây dựng 4 công ước Giơnevơ về lãnh hải, vùng tiếp giáp, biển cả, thềm lục địa và việc đánh cá, bảo vệ các nguồn tài nguyên sinh vật tại biển cả làm cơ sở cho việc thông qua Công ước Luật biển tại Hội nghị Liên hợp quốc về Luật biển. Ví dụ: Uỷ ban luật pháp quốc tế đã xây dựng và hoàn thiện được nhiều dự thảo, tuyên bố, công ước như Dự thảo luật về tội phạm chống lại hòa bình và an ninh nhân loại năm1954, 1996, Dự thảo quy chế tòa án hình sự quốc tế, Công ước về giảm tình trạng không quốc tịch năm 1961, quy định về thủ tục trọng tài năm 1958, Công ước Viên về quan hệ ngoại giao.

Những nỗ lực pháp điển hóa các quy phạm Luật biển quốc tế của Ủy ban pháp luật quốc tế đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan đến việc sử dụng các nguồn lợi từ biển được cộng đồng quốc tế quan tâm. Ví dụ: Trước khi có Công ước Luật biển năm 1982, Anh hay áp dụng quy tắc đường của vịnh 10 hải lý, song liên quan đến các nước khác, như Nauy lại luôn từ chối áp dụng quy tắc này, mà áp dụng các thức xác định đường cơ sở thẳng, sau này Liên hợp quốc đã pháp điển hoá tập quán này trong luật biển quốc tế hiện đại với tính chất là một quy phạm điều ước quốc tế. 

Hội nghị thành viên là trường hợp Liên hợp quốc triệu tập một hội nghị quốc tế để các quốc gia có thể trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán, xây dựng một công ước đa phương. Theo như phân tích ở phần 1, Liên hợp quốc đã tổ chức ba hội nghị về luật biển để thông qua dự thảo 4 công ước luật biển do Ủy ban pháp luật quốc tế xây dựng. Các hội nghị về luật biển được tổ chức đóng vai trò là nơi để các nước thành viên của Liên hợp quốc thông qua, kí kết cũng như đề xuất các ý kiến nhằm xây dựng và bổ sung các quy phạm luật quốc tế về biển trên cơ sở 4 công ước Luật biển do Ủy ban pháp luật quốc tế xây dựng. Các hội nghị thành viên do Liên hợp quốc triệu tập đã thể hiện nỗ lực của Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế trong việc pháp điển hóa các quy phạm quốc tế về biển. 

Có thể thấy rằng, hoạt động của hai cơ quan là ủy ban pháp luật quốc tế và các hội nghị thành viên không chỉ thể hiện nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc pháp điển hóa các quy phạm quốc tế về biển nhằm giải quyết các tranh chấp, xung đột liên quan đến biển giữa các quốc gia mà còn thể hiện vai trò thúc đẩy việc pháp điển hóa các quy phạm quốc tế về biển của Đại hội đồng cũng như Liên hợp quốc.

2.3. Liên hợp quốc định hướng cũng như nêu sáng kiến tạo điều kiện cho việc mở rộng, phát triển hình thành các nguyên tắc mới về lĩnh vực biển. 

Việc định hướng cho hoạt động xây dựng cũng như phát triển pháp luật quốc tế về biển có thể được rút ra từ quá trình hoạt động thực tiễn của các cơ quan của LHQ như: phán quyết, tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế, Nghị quyết của Đại Hội đồng,.. Bên cạnh đó, thông qua những điều ước đã được kí kết hay gia nhập, đã góp phần định hướng cho các quốc gia thành viên để từ đó tự mở rộng, cụ thể hóa và phát triển những quy phạm bằng cách kí kết các điều ước song phương, đa phương mới trong phạm vi không bị cấm. 

- Tòa án công lý quốc tế LHQ: 

Một là, xuất phát từ việc giải quyết các tranh chấp thực tế để giải thích làm sáng tỏ nội dung của quy phạm pháp luật quốc tế và một trong số những phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế còn là tiền đề cơ sở để hình thành nên quy phạm pháp luật quốc tế mới. Ví dụ: Vụ thềm lục địa Biển Bắc năm 1969 về phân chia thềm lục địa giữa ba nước là Công hòa liên bang Đức, Hà Lan và Đan Mạch theo đó Tòa án đã đưa ra nguyên lý “đất thống trị biển” và xác định bản chất pháp lý của thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lục địa ra biển.

Hai là, từ quá trình áp dụng luật, Tòa án Công lý Quốc tế có thể thấy rõ được những bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật đưa ra những ý kiến tư vấn để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy phạm đó.

- Đại hội đồng: Là cơ quan toàn thể của LHQ với sự tham gia của tất cả các thành viên, theo Điều 10 Hiến chương LHQ, Đại hội đồng có thẩm quyền rất rộng, trong đó có quyền được thảo luận và đưa ra kiến nghị về tất cả các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc thuộc quyền hạn, chức năng của bất kỳ một cơ quan nào của LHQ cho thành viên LHQ hoặc Hội đồng Bảo an,… Những kiến nghị của Đại hội đồng không có tính chất bắt buộc, tuy nhiên nó đóng vai trò trong việc định hướng và là cơ sở để hình thành nhiều điều ước quốc tế. Đối với lĩnh vực biển cũng vậy. Thực tế, Đại hội đồng đã có nhiều nghị quyết liên quan đến lĩnh vực này như: Nghị quyết 1803 (XVII) 18/12/1962 “Tuyên bố về chủ quyền vĩnh cửu trên các tài nguyên thiên nhiên”; Nghị quyết 2749 (XXV) ngày 17/12/1970 “Tuyên bố về các nguyên tắc quản lý đáy biển và đại dương cũng như lòng đất của chúng nằm ngoài ranh giới quyền tài phán quốc gia”. Đây là những cơ sở cho việc xây dựng các quy phạm pháp luật quốc tế về biển và thực tế đã được pháp điển hóa trong Công ước Luật Biển 1982. Bên cạnh đó, Đại hội đồng đưa ra thảo luận những vấn đề mới khi xét thấy cần thiết, có thể kể đến: Môi trường biển trong Luật Biển quốc tế về xác định bảo vệ môi trường biển cũng là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại.

Có thể thấy, việc hình thành các điều ước quốc tế về biển còn góp phần định hướng cho việc mở rộng và phát triển các điều ước quốc tế, cụ thể: trên cơ sở điều ước quốc tế về biển đã kí kết hoặc gia nhập, quốc gia có thể kí kết các điều ước song phương, đa phương về biển khác theo hướng cụ thể hóa và không trái với các điều ước đã kí kết hoặc gia nhập đó.

3. Đánh giá các vai trò của Liên hợp quốc trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật quốc tế về biển. 

Trong số hai vai trò nêu trên, có thể thấy, vai trò bảo trợ, tổ chức hội nghị đàm phán về vấn đề xây dựng Luật biển là vai trò nổi bật và thể hiện được vai trò của Liên hợp quốc trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật quốc tế về biển hơn cả. Trong hoạt động tổ chức hội nghị đàm phán về vấn đề xây dựng luật biển Liên hợp quốc chỉ đóng vai trò gián tiếp, tạo môi trường cho các bên tham gia thương lượng. Tuy nhiên, hoạt động này lại đóng vai trò rất quan trọng, diễn ra thường xuyên, việc tổ chức các hội nghị sẽ là nơi để các quốc gia có thể trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán, xây dựng một công ước song phương hoặc đa phương. 

Như đã phân tích ở trên, ba hội nghị Luật biển quốc tế của Liên hợp quốc mà đặc biệt là Hội nghị lần thứ 3, hội nghị này là nơi đại diện các quốc gia trên thế giới trực tiếp đàm phán về những quy định liên quan đến luật biển và và sau 9 năm đàm phán, Hội nghị đã đạt được một thoả thuận trọn gói là Công ước Luật biển năm 1982, đánh dấu bước phát triển mới của luật biển về cả hai phương diện nội dung và hình thức, tạo nên sự thống nhất chung của cộng đồng quốc tế trong việc thiết lập trật tự pháp lý quốc tế trên biển.

C. KẾT LUẬN 

Liên hợp quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển các nguyên tắc và quy phạm của Pháp luật quốc tế nói chung cũng như Luật biển nói riêng. Với tư cách là một tổ chức quốc tế lớn nhất, có uy tín và quyền năng trên phạm vi toàn cầu, LHQ thực sự đã trở thành một diễn đàn lớn - nơi các quốc gia tham gia thảo luận và thông qua các quy phạm pháp luật quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của thế giới

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật Quốc Tế, Trường Đại Học Luật Hà Nội, NXB CAND, Hà Nội - 2007.
2. TS. Nguyễn Thị Kim Ngân, TS. Chu Mạnh Hùng (đồng chủ biên), Giáo trình luật quốc tế (dùng trong các trường đại học chuyên ngành luật và ngoại giao), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.
3. Luật biển quốc tế hiện đại – Ts. Lê Mai Anh – Nxb Lao động – Xã hội. Hà Nội – 2005.
4. “Luật Quốc tế - Lí luận và thực tiễn”, Lê Mai Anh và Trần Văn Thắng, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2001.
5. Liên hợp quốc và quá trình pháp điển hoá luật pháp quốc tế - Khuất Duy Lê Minh – Đặc san 60 năm Liên hợp quốc – Tạp chí Luật học 2005.
6. Hiến chương Liên hợp quốc.
7. Các văn bản công pháp quốc tế và văn bản pháp luật Việt Nam có liên quan, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006
8. Những điều cần biết về Luật biển, TS. Nguyễn Hồng Thao, Nxb. CAND, Hà nội.
9. Hiến chương Liên hợp quốc.
10. Công ước Luật Biển 1982
11. Công ước Luật biển năm 1958
12. Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải (có hiệu lực từ ngày 10/9/1964).
13. Công ước về biển cả (có hiệu lực từ ngày 30/9/1962).
14. Công ước về đánh cá và bảo tồn các tài nguyên sinh vật của biển cả (có hiệu lực từ ngày 20/3/1962).
15. Công ước về thềm lục địa (có hiệu lực từ ngày 10/6/1964)
16. Khóa luận tốt nghiệp Cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Viengphim Latsachanh, năm 2011.
17. http://nld.com.vn/20110715094823328p0c1006/lien-hiep-quoc-co-thanh-vien-thu-193.htm
18. http:// biendong.com
19. http://chinhphu.com
20. Tạp chí khoa học Đại học Quốc Gia Hà Nội, Luật học 25 (2009), tr 33—40
21. S.V. Molsov, Lịch sử biển quốc tế và việc pháp điển hoá

No comments:

Post a Comment