23/04/2015
Đề BÀI TẬP NHÓM MÔN LUẬT DÂN SỰ - MODUL1 K39 (Học kỳ 2 năm học 2014-2015)
1. Vụ việc thứ nhất:

Vụ án dân sự giữa guyên đơn là bàVõ ThịThành với bị đơn là bà Phan Thị Tòng tại thị xã T, tỉnh L.

Nội dung vụ án: Tháng 7-2005, bà Võ Thị Thành cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thành cho bà Phan Thị Tòng để vay l.000.000 đồng, nhưng bà Tòng chưa đưa tiền cho bà Thành và cũng không trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Thành, nên bà Thành khởi kiện yêu cầu bà Tòng trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà Tòng cho rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thành bà đã cầm cố cho bà Hồ Thị Mỹ Hương, bà Hương lại cầm cố cho ông Lưu Công Tấn nên không đồng ý trả.
Tại quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 50/2007/QĐST-DS ngày 31-7-2007, Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh L đã quyết định:


Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm thụ lỷ sổ 104/2007/TLST- DS ngày 15-3-2007 về việc “Đòi tài sản” giữa nguyên đơn là bà Vô Thị Thành với bị đơn là bà Phan Thị Tòng; người cỏ quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hồ Thị Mỹ Hương, ông Lưu Công Tấn.

Ngày 31-10-2007, bà Thành kháng cáo.

Tại quyết định dân sự phúc thẩm số 05/2008/QĐ-PT ngày 26-02-2008, Tòa án nhân dân tỉnh L quyết định:
Hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 50/2007/QĐST-DS ngày 31-7-2007 của Tòa án nhân dân thị xã T.

Giao toàn bộ hồ sơ về cho Tòa án nhân dân thị xã T giải quyết lại theo thẩm quyền.

Tại quyết định số 105/2011/KN-DS ngày 25/2/2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với quyết định phúc thẩm nêu trên, đề nghị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy quyết định dân sự phúc thẩm nêu trên và giữ nguyên quyết định sơ thấm số 50/2007/QĐST-DS ngày 31-7-2007 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh L với nhận xét:

Bà Thành chỉ yêu cầu Tòa án buộc bà Tòng trả lại cho bà Thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không tranh chấp về diện tích đất này, cũng không tranh chấp số tiền vay. Trong khi đó tại Mục 1 Chương III Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của đương sự về việc đòi các loại giấy tờ do các cơ quan hành chính nhà nước cấp cho các đương sự để xác định quyền sở hữu tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở... Hơn nữa, pháp luật cũng không xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là loại giấy tờ có giá nên theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự thì các loại giấy tờ trên không phải là tài sản để giao dịch trao đổi. Do đó, Tòa án cấp sơ thấm đã đình chỉ giải quyết vụ án là đúng. Tòa án cấp phúc thẩm xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thành là tài sản và cho rằng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân là không đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Hãy cho biết:
 1, Đối tượng tranh chấp của vụ kiện trên?
 2, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là tài sản không?Tại sao?
 3, Quan điểm giải quyết vụ việc trên của nhóm theo quy định của pháp luật hiện hành?

2. Vụ việc thứ hai.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 28.4.2001, anh Triệu Văn Kết và anh Nguyễn Văn Một cùng với anh Nguyễn Văn Bá (con trai bà Kịch) và anh Ngô Văn Tùng (con rể bà Kịch) đào đất làm nhà kho cho gia đình bà Nguyễn Thị Kịch (tại ấp Tây, xã Nhị Bình, Châu Thành, Tiền Giang). Trong quá trình đào nền nhà kho, anh Kết phát hiện một hũ thuỷ tinh gói trong bọc ni lông liền gọi anh Một đến xem, anh Một mở ra thấy bên trong có 3 gói vàng. Gia đình bà Kịch khi biết đó là hũ vàng thì cất luôn đi và cho anh Kết và anh Một mỗi người 200.000 đồng đề thưởng công tìm ra hũ vàng nhưng các anh này không nhận.

Ngày 30.4.2001, bà Kịch gọi anh Kết đến đưa cho anh Kết 1 chỉ vàng nhưng ngày hôm sau vợ anh Kết lại đem trả lại chỉ vàng đó và yêu cầu bà Kịch chia cho anh Kết một phần trong số vàng đào được, bà Kịch không đồng ý.

Ngày 30.9.2001, anh Kết làm đơn khởi kiện bà Kịch tại Toà án nhân dân huyện Châu Thành – Tiền Giang vì lý do đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Anh Kết yêu cầu mình là người phát hiện ra số vàng phải được chia một nửa số vàng đó.
Ngày 19.12.2001, Toà án nhân dân huyện Châu Thành tiến hành hoà giải giữa anh Kết và bà Kịch nhưng không thành.
Ngày 17.4.2002, Toà án nhân dân huyện Châu Thành mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “đòi quyền sở hữu tài sản” giữa nguyên đơn Triệu Văn Kết và bị đơn Nguyễn Thị Kịch.
Trong vụ này, lời khai của những người liên quan có sự mâu thuẫn nhau đó là:
Anh Kết và anh Một khai số vàng đào được là 30 lượng vàng 9999 gói thành 3 gói, mỗi gói 10 lượng, đựng trong một lọ thủy tinh hiệu MiLo. Hũ vàng nặng khoảng hơn 1 kg. Anh Kết, anh Một cho rằng số vàng này là của ai đó chôn giấu ở gần khu vực nhà bà Kịch rồi bị thất lạc.
Bà Kịch, anh Bá, anh Tùng khai 3 gói vàng mỗi gói chỉ có 1 lượng vàng 9999, tổng số là 3 lượng đựng trong lọ thủy tinh hiệu MiLo. Hũ vàng nặng khoảng 2-3 lạng. Gia đình bà Kịch cho rằng số vàng này là của ông Ba (chồng bà Kịch) chôn dấu, sau đó bị tai nạn mất trí nhớ nên quên không đào lên.
Hãy cho biết:
1, Đối tượng tranh chấp?
2, Xác định tình trạng pháp lý của số vàng được tìm thấy?
3, Hãy nêu trình tự luật định khi một chủ thể muốn xác lập quyền sở hữu đối với tài sản chon giấu được tìm thấy?
4, Quan điểm của nhóm giải quyết đối với tranh chấp trên?Tại sao?

3. Vụ việc thứ ba.

Tình huống 1: Việc ông Triệu Đức Nhật (chủ nhà nghỉ tại xã Ea Tý, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã quay clip cảnh ông NgVB - một cán bộ TAND huyện này mua dâm rồi sau đó tố cáo. Trong đơn ông Nhật trình bày, từ năm 2008 đến năm 2011, ông NgVB nhiều lần vào nhà nghỉ do vợ ông làm chủ để mua dâm, một trong những lần đó vợ ông Nhật đã quay lại được một clip dài 35 phút. Năm 2011, vợ ông Nhật bị bắt và bị xử năm năm tù tội chứa mại dâm. Vì vụ án này, ông Nhật đã bán nhà nghỉ và bỏ ra 200 triệu đồng để “chạy án” cho vợ. Ông NgVB nằm trong số người được ông Nhật đưa tiền “chạy án”, tuy nhiên vợ ông vẫn không thể thoát tội và ông nhiều lần đòi lại tiền nhưng không được. Mới đây, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, ông Nhật vô tình tìm được băng quay lại clip mua dâm của ông NgVB nên đã làm đơn tố cáo với mục đích đòi lại số tiền “chạy án”. Ông Nguyễn Xuân Cử - Phó Bí thư Huyện ủy Ea Kar cho biết ông NgVB đang là huyện ủy viên nhiệm kỳ 2010-2015, thuộc diện cơ cấu. Hiện Thường trực Huyện ủy đã mời ông NgVB lên làm việc và yêu cầu viết bản tường trình chi tiết, nếu đúng như tố cáo thì sẽ kiên quyết xử lý, không bao che.

Ngoài đơn tố cáo ông NgVB, ông Nhật cũng cho biết vợ ông đã quay lại clip mua dâm của nhiều cán bộ khác của huyện tại nhà nghỉ và sẽ tiếp tục làm đơn tố cáo trong thời gian tới...

Tình huống 2: Dư luận trong quá khứ cũng đã rất bức xúc về việc 2 bảo mẫu ở cơ sở mầm non Đông Phương với những hành động bạo hành các cháu nhỏ. Nhưng ít ai biết rằng, “anh hùng thầm lặng” trong vụ phát hiện các bảo mẫu này là một thợ xây với chiếc iPhone của mình. Anh H. (công nhân xây dựng, tạm trú Q.Thủ Đức, TP.HCM) chứng kiến cảnh bảo mẫu đánh đập, ép các cháu ăn rất đáng sợ. Anh H. cho rằng nếu không quay clip thì sẽ chẳng ai biết được sự thật tàn nhẫn bên trong nhà trẻ, vì ngôi trường của bảo mẫu Phương dài tới 30m và đóng kín cửa, không ai thấy được tường tận cảnh bên trong. Tranh thủ những lúc không có người ở phía sau nhà, anh H. chọc thủng mấy lỗ tròn trên tấm tôn để nhìn qua nhà trẻ và để quay lại toàn bộ sự việc. Sau khi quay được 3 đoạn clip, anh H. mang tới công an P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức để tố cáo.

Hãy cho biết:
1, Hành vi quay camera trong hai trường hợp trên có hợp pháp không? Tại sao?

2, Quyền đối với hình ảnh của cá nhân và quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân của người bị quay camera trong hai trường hợp trên có bị xâm phạm không?Tại sao?

3, Đưa ra quan điểm giải quyết của nhóm theo quy định của pháp luật hiện hành đối với từng trường hợp trên dưới giác độ so sánh.

4. Vụ việc thứ tư. 

Công ty cổ phần H có trụ sở tại quận T, thành phố K ký hợp đồng số 1 ngày 19/02/2009 trị giá 5,4 tỷ đồng và số 2 ngày 2/5/2009 trị giá 6,4 tỷ đồng để bán 320 tấn cà phê cho chi nhánh (hạch toán phụ thuộc) của công ty Z tại thành phố M (công y Z có trụ sở tại quận H, thành phố H). Thực hiện hợp đồng, chi nhánh công ty Z mới thanh toán cho công ty H số tiền 4 tỷ (gồm 2,7 tỷ cho hợp đồng số 1 và 1,3 tỷ cho hợp đồng số 2), số còn lại cam kết vào tháng 11/2012 thanh toán 2 tỷ và thanh toán hết vào quý I/2013. Quá các hạn định, đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ nhưng chi nhánh công ty Z không thanh toán nên công ty H đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an có thẩm quyền thành phố H vì cho rằng một số cán bộ công ty Z, chi nhánh công ty Z và công ty K đã lạm dụng chiếm đoạt tài sản qua hợp đồng mua bán. Văn bản trả lời của cơ quan công an kết luận đây là vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân và hướng dẫn khởi kiện tại Tòa án dân sự.Ngày 13/10/2011, công ty H khởi kiện công ty Z tại TAND quận H, thành phố H. yêu cầu đòi nợ đòi thanh toán số tiền còn thiếu và tiền lãi đối với số tiền chậm trả. Công ty Z có yêu cầu phản tố xác định hợp đồng số 1 và số 2 nói trên là vô hiệu do thiếu trung thực, mua bán lòng vòng; xác định đó là hợp đồng 3 bên (Công ty H mua cà phê của công ty K để bán lại cho chi nhánh của công ty Z, cùng ngày chi nhánh công ty Z lại bán lại cho công ty K cùng số lượng, chủng loại cà phê, chỉ khác nhau ở số tiền mua bán và cho rằng đó là việc tạo lập hợp đồng mua bán để che đậy mục đích giao dịch khác). Do vậy, công ty Z không đồng ý với yêu cầu kiện của công ty H, phản tố yêu cầu tuyên bố 2 hợp đồng vô hiệu và yêu cầu công ty H hoàn trả số tiền 4 tỷ  đã thanh toán, bồi thường cho công ty Z số tiền tạm tính là 500 triệu đồng do không sử dụng được số tiền 4 tỷ từ năm 2009.

Hãy cho biết:

1, Có bao nhiêu giao dịch được xác lập trong tình huống trên?Gọi tên chính xác các giao dịch đó?
2, Trong các giao dịch trên: giao dịch nào có hiệu lực, giao dịch nào vô hiệu? Tại sao?
3, Hướng giải quyết của nhóm cho tình huống trên dựa quy định của pháp luật hiện hành.

Phụ trách TBM Luật Dân Sự
TS. Vũ Thị Hồng Yến (đã ký)
Lưu ý: Có bất cứ thắc mắc gì, sinh viên có thể liên hệ với cô Vũ Thị Hồng Yến theo địa chỉ mail: vuthihongyenhlu@gmail.com; hoặc điện thoại: 0973586499.

Ngày nhận bài tập nhóm từ 20/4/2015
Ngày nộp bài tập nhóm từ 25/5/2015

Yêu cầu của bài tập nhóm:

- Mỗi nhóm chọn một vụ việc trong các vụ việc dưới đây, các nhóm thuyết trình trong một ca thảo luận không được trùng nhau về vụ việc.

- Phải có biên bản phân công công việc cho các thành viên trong nhóm và đánh giá kết quả làm việc của từng thành viên.

- Sản phẩm của mỗi nhóm gồm: 01 bản word nộp cho tổ bộ môn Luật Dân sự, 01 bản thuyết trình được chuẩn bị dưới dạng powerpoint hoặc sơ đồ tóm tắt mô tả vụ án được trình bày trên khổ giấy A0. 

- Nội dung: 8 điểm, phương pháp trình bày 2 điểm

- Yêu cầu về nội dung:
+ Phải gọi tên được vấn đề pháp lý cần giải quyết trong vụ việc là gì?
+ Mô tả chính xác những tình tiết pháp lý phát sinh trong vụ việc, quyền và lợi ích bị xâm phạm?
+ Chỉ rõ những căn cứ pháp lý theo pháp luật dân sự (BLDS 2005 và các VBPL có liên quan) điều chỉnh nội dung của vụ việc
+ Đưa ra quan điểm giải quyết vụ việc của nhóm gồm: giải pháp cụ thể kèm theo những lập luận và căn cứ pháp lý cho từng giải pháp đó.

- Yêu cầu về hình thức: Phần trình bày của nhóm từ 3 trang đến 7 trang đánh máy (không bao gồm đề bài)

No comments:

Post a Comment