04/02/2015
Quảng cáo và khuyến thuốc chữa bệnh cho người - Bài tập học kỳ Luật Thương mại 2 - 9 điểm
Quảng cáo và khuyến mại là quyền của thương nhân trong hoạt động kinh doanh. Hai hoạt động này có ý nghĩa rất lớn trong việc mang lại cơ hội thương mại cho thương nhân. Với sự đa dạng, phong phú của hàng hóa dịch vụ, khách hàng có rất nhiều cơ hội lựa chọn. Điều này thực sự là thách thức lớn đối với thương nhân. Với ý nghĩa thông tin, quảng cáo và khuyến mại là công cụ hữu hiệu để thương nhân chiếm lĩnh thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác thông qua sự hiểu biết lẫn nhau. Nó còn là cầu nối giữa khách hàng và thương nhân, giúp thương nhân có những đánh giá, nhìn nhận về ưu nhược điểm của hàng hóa, trên cơ sở đó có các quyết định kịp thời và phù hợp. 

Thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, có những đặc điểm riêng biệt so với những loại hàng hóa thông thường. Thuốc được xếp vào hàng nhu yếu phẩm, có sức ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Thấy được vai trò và tầm quan trọng của thuốc như vậy, Nhà nước ta đã có một số quy định nhất định về hoạt động quảng cáo và khuyến mại rượu. Em xin chọn đề tài cho bài tập học kì này của mình là : “ Trình bày hiểu biết của em về quảng cáo và khuyến thuốc chưa bệnh cho người .”  Do kiến thức còn hạn chế nên bài viết không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong thầy cô góp ý để bài viết được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!

B. NỘI DUNG

I. Quảng cáo thuốc:

1. Khái niệm thuốc:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Luật Dược 2005 và Khoản 1 Điều 2 Thông tư 13/2009/TT-BYT định nghĩa về Thuốc: “ Thuốc là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, trừ thực phẩm chức năng.” 

Từ quy định trên, ta có thể thấy được, thuốc chữa bệnh cho người là những sản phẩm có thể có  nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng chất, hóa dược hay sinh học,tác động lên cơ thể con người, có các công dụng : phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi điều chỉnh chức năng của cơ thể, làm giảm triệu chứng bệnh, chẩn đoán bệnh, phục hồi hoặc nâng cao sức khỏe, làm mất cảm giác một bộ phận cơ thể hay toàn thân, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản, làm thay đổi hình dáng cơ thể... 

Thuốc tây (tân dược) hay thuốc nam (đông dược) đều phải được sản xuất tại các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc - theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới). Thuốc không phải là thực phẩm, phải cẩn trọng khi dùng, phải đúng liều đúng lượng. Rắc rối trong thực tế là việc phân chia không thể rạch ròi vì có nhiều chất khó phân ranh giữa thuốc và thực phẩm. Bản thân thực phẩm chức năng hoặc có chứa yếu tố có lợi với hàm lượng cao hoặc được “cải tạo” để có nhiều tác dụng sinh học hơn (như sữa có thêm canxi, sữa chuyên cho người đái tháo đường...), những thực phẩm chức năng này còn được gọi là thực phẩm thuốc hay dược phẩm dinh dưỡng. Thuốc không bao gồm thực phẩm chức năng.

2. Khái niệm quảng cáo thuốc: 

Theo Điều 102 Luật thương mại 2005: “Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình.”

Theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư 13/2009/TT-BYT về khái niệm quảng cáo thuốc: “ Quảng cáo thuốc là hoạt động giới thiệu thuốc do đơn vị kinh doanh thuốc trực tiếp tiến hành hoặc phối hợp, hoặc tài trợ, uỷ quyền cho một đơn vị khác tiến hành để thúc đẩy việc kê đơn, cung ứng, bán và/hoặc sử dụng thuốc trên cơ sở sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.”

Từ quy định trên, ta có thể thấy quảng cáo thuốc chính là một hoạt động xúc tiến thương mại bởi vì nó mang những dấu hiệu, tính chất của hoạt động xúc tiến thương mại. Quảng cáo thuốc là hoạt động mang tính chất giới thiệu hàng hóa là thuốc chữa bệnh cho người, chủ thể là đơn vị kinh doanh thuốc chữa bệnh và với mục đích thúc đẩy việc tiêu thụ thuốc. Nhưng cần lưu ý là đối tượng được quảng cáo ở đây là thuốc chữa bệnh cho người, là một loại hàng hóa đặt biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người nên quảng cáo thuốc cũng có những quy định riêng và hết sức chặt chẽ.

3. Ý nghĩa của hoạt động quảng cáo thuốc.

- Đối với người tiêu dùng: Thị trường tiêu dùng đã và đang trở nên rất cạnh tranh với những thương hiệu mới ra đời. Quảng cáo là để thông báo, truyền đạt một thông điệp của dịch vụ hay sản phẩm mới, mà đối tượng cụ thể ở đây là thuốc, đến người tiêu dùng. Quảng cáo sẽ giúp chonguowif tiêu dùng chủ động hơn trong việc lựa chọn thuốc với những công dụng, chức năng phù hợp bởi vì không phải loại thuốc nào cũng cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Đối với những người trực tiếp sử dụng sản phẩm, quảng cáo thuốc chính là một công cụ quan trọng, thúc đẩy sự tham gia chủ động của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thuốc cũng như sử dụng thuốc hiệu quả và phù hợp. Hơn thế nữa, đối với những người không trực tiếp sử dụng thuốc, như là các nhân viên y tế, y sĩ, bác sĩ, dược sĩ, quảng cáo thuốc chính là một kênh thông tin quan trọng cho họ, giúp họ nắm bắt được thông tin về thuốc một cách nhanh chóng để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chính xác.

- Đối với chủ thể kinh doanh thuốc: Khi mà thuốc là một mặt hàng mang tính chất đặc biệt và chịu sự quản lí chặt chẽ của Nhà nước, quảng cáo có một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến bác sĩ, y sĩ và người bệnh. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động quảng cáo thuốc, những thương nhân kinh doanh thuốc đã rất thành công khi gây dựng được những thương hiệu thuốc rất quen thuộc với người tiêu dùng như Tâm Bình, Dược phẩm Phúc Vinh.... Hoạt động quảng bá càng phát triển sẽ thúc đẩy lượng tiêu thụ sản phẩm và lòng tin của người tiêu dùng càng tăng.

4. Quy định của pháp luật hiện hành về quảng cáo thuốc:

a. Các loại thuốc được phép quảng cáo:

Theo quy định tại Điều 5 Luật Dược và Khoản 2 Điều 3, Điều 19 Thông tư 13/2009/TT-BYT thì các loại thuốc được phép quảng cáo là: 

“ 1. Thuốc thuộc Danh mục thuốc không kê đơn do Bộ Y tế ban hành và có số đăng ký đang còn hiệu lực được quảng cáo trên sách, báo, tạp chí, tờ rơi, báo điện tử, website của doanh nghiệp, website của đơn vị làm dịch vụ quảng cáo, pano, áp phích băng rôn, vật thể phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác và trên các phương tiện quảng cáo khác. 

2. Thuốc được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, có hoạt chất chính nằm trong danh mục hoạt chất thuốc được đăng ký quảng cáo trên phát thanh, truyền hình do Bộ Y tế ban hành được quảng cáo trên phát thanh, truyền hình.”

Quy định rên ta có thể hiểu là chỉ những thuốc đã được cấp sổ đăng kí lưu hành tại Việt Nam và thuoocskhoong kê đơn mới được quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo thuốc. Còn trường hợp thuốc đóquảng cáo trên truyền thanh, truyền hình thì cần phải đáp ứng điều kiện:

“trường hợp quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hoạt chất thuộc danh mục được phép quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình do Bộ Y tế ban hành;

b) Có số đăng ký tại Việt Nam đang còn hiệu lực.”

b. Quy định về chủ thể quảng cáo thuốc:

Cũng giống như chủ thể quảng cáo thương mại, chủ thể quảng cáo thuốc bao gồm: Người quảng cáo thuốc, thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người cho thuê phương tiện quảng cáo. 

- Người quảng cáo thuốc: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật Dược 2005: “ Việc quảng cáo thuốc do cơ sở kinh doanh thuốc hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện và phải tuân theo quy định của pháp luật về quảng cáo”  thì người quảng cáo là cơ sở kinh doanh thuốc hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và họ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 17 NGhị định 24/2003/NĐ-CP.

- Thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo: Theo quy định tại Điều 104 Luật thương mại 2005, kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại là : hoạt động thương mại của thương nhân để thực hiện việc quảng cáo cho thương nhân khác”. Quyền và nghĩa vụ của họ được quy định cujtheer tại Điều 113, 114 Luật thương mại 2005.

- Người phát hành quảng cáo: là người trực tiếp phát hành sản phẩm quảng cáo thương mại đến công chúng. Quyền và nghĩa vụ của họ được quy định tại Điều 116 Luật thương mại 2005.

- Người cho thuê phương tiện quảng cáo: Là người nắm giữa các phương tiện quảng cáo như báo chí, truyền hình...và sẵn sàng cho những người có nhu cầu thuê với mục đích phát hành quảng cáo.

c. Các quy định khác về quảng cáo:

- Đăng ký hồ sơ thông tin, quảng cáo thuốc

Thông tư 13 quy định rõ chỉ đơn vị đăng ký thuốc được đăng ký hồ sơ thông tin, quảng cáo thuốc do mình đăng ký. Trường hợp đơn vị đăng ký thuốc muốn ủy quyền cho đơn vị khác đăng ký hồ sơ thông tin, quảng cáo thì phải có văn bản ủy quyền. Đơn vị được ủy quyền phải là đơn vị có tư cách pháp nhân hợp pháp. Thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam được thông tin, quảng cáo theo quy định tại Thông tư này. Thuốc chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng đã được phép lưu hành ở nước khác chỉ được thông tin cho cán bộ y tế thông qua hội thảo giới thiệu thuốc.

- Các hành vi nghiêm cấm

Bên cạnh các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc đã được quy định tại Quyết định 2557, Thông tư 13 đã bổ sung và chi tiết hóa một số hành vi bị nghiêm cấm khác, điển hình như:

Thông tin, quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Sử dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y, dược, của cán bộ y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, khuyên dùng thuốc.

Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc.

Phát hành ra công chúng tài liệu thông tin thuốc cho cán bộ y tế.

So sánh với ý đồ quảng cáo thuốc của mình tốt hơn thuốc, hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác.

- Giới thiệu thuốc

Đơn vị kinh doanh thuốc có thể giới thiệu thuốc cho cán bộ y tế thông qua người giới thiệu thuốc, phát hành tài liệu thông tin thuốc cho cán bộ y tế, hội thảo giới thiệu thuốc cho cán bộ y tế và trưng bày, giới thiệu thuốc tại các hội nghị, hội thảo chuyên ngành y tế. Trong đó, đơn vị kinh doanh thuốc, văn phòng đại diện đã đăng ký hoạt động về lĩnh vực dược tại Việt Nam có quyền tổ chức hội thảo giới thiệu với cán bộ y tế các thuốc đã được phép sản xuất, lưu hành ở nước khác. Đơn vị nước ngoài muốn tổ chức hội thảo giới thiệu thuốc tại Việt Nam phải phối hợp với một cơ sở kinh doanh thuốc hoặc một cơ sở y tế Việt Nam như bệnh viện, viện chuyên khoa y tế, cơ sở đào tạo cán bộ y tế, Hội nghề nghiệp y, Hội nghề nghiệp dược.

- Quảng cáo thuốc

Đơn vị kinh doanh thuốc có thể quảng cáo thuốc trên các phương tiện như: Sách, báo, tạp chí, tờ rơi, áp phích; bảng, biển, pano, băng rôn, vật thể phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác.

Phương tiện phát thanh, truyền hình; báo điện tử, website của doanh nghiệp, website của đơn vị làm dịch vụ quảng cáo; Phương tiện thông tin quảng cáo khác.

Nội dung, cách thức quảng cáo thuốc trên các phương tiện được Thông tư 13 quy định chặt chẽ hơn, điển hình là hình thức quảng cáo trên website. Việc quảng cáo thuốc trên báo điện tử, website của doanh nghiệp (chỉ được quảng cáo thuốc mà đơn vị đó kinh doanh), website của đơn vị làm dịch vụ quảng cáo phải thực hiện ở một chuyên mục riêng. Chuyên mục này phải ghi rõ: “Trang dành riêng cho quảng cáo thuốc” và dòng chữ này phải in đậm với cỡ chữ to hơn cỡ chữ bình thường và liên tục xuất hiện ở đầu trang. Nếu quảng cáo thuốc trên website dưới dạng videoclip phải đáp ứng quy định như quảng cáo trên phương tiện phát thanh, truyền hình.

5. Những bất cập về hoạt động quảng cáo thuốc:

Hiện nay, việc quảng cáo thuốc chữa bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển một cách khá rầm rộ. Mặc dù đã được cảnh báo là “con dao hai lưỡi” nhưng thuốc vẫn đang được quảng cáo với tần suất khá cao. Đáng lưu ý là các quảng cáo chỉ nêu toàn ưu điểm của thuốc khiến nhiều người coi việc dùng thuốc trở nên quá bình thường, ai cũng có thể mua về tự uống, dùng càng nhiều càng tốt.

Thuốc chữa bệnh cho người là những hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì vậy thông tin, quảng cáo thuốc phải trung thực, khách quan, chính xác nhằm hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.Các show quảng cáo trên truyền hình thường theo một kịch bản giống nhau và nhiều khi rất phản cảm. Điều đáng tiếc là có khá nhiều diễn viên, người mẫu có tên tuổi tham gia quảng cáo.

Nhiều cơ sở, công ty quảng cáo các sản phẩm thuốc bất chấp những quy định của Bộ Y tế. Tại điều 13 trong “Quy chế thông tin, quảng cáo thuốc” của Bộ Y tế quy định: không được in tên thuốc, nội dung quảng cáo thuốc lên các bao bì để đựng thuốc bán lẻ cho người bệnh, cũng như phân phát những tài liệu thông tin thuốc dùng cho cán bộ y tế cho công chúng... Thế nhưng hiện nay, khắp các nhà thuốc, nơi nào cũng được các hãng thuốc cung cấp miễn phí bao bì đựng thuốc cho người mua, cũng như trên thân các xe buýt còn quảng cáo cho một số thuốc chữa bệnh chạy khắp phố phường, tại trạm chờ xe buýt cũng vậy... Trên một diện tích bé nhỏ như thế thì không thể nào chuyển tải được đầy đủ những thông tin về thuốc, nhất là tác dụng phụ của thuốc, mà người ta chỉ ghi những ưu điểm của thuốc. Một cán bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo dược phẩm tại sở y tế đã cho biết: chính họ cũng không thể nào theo dõi hết tất cả những hình thức quảng cáo sản phẩm thuốc bằng nhiều phương tiện truyền thông đa dạng mỗi ngày. Vì vậy quản lý quảng cáo và nội dung quảng cáo thuốc chữa bệnh vẫn còn nhiều bất cập.

Thực tế, các quy định về thông tin quảng cáo, ghi nhãn hàng hóa đã được ban hành. Riêng đối với quảng cáo thuốc chữa bệnh cũng đã có nhiều văn bản quy định cụ thể. Theo đó, quy chế xử phạt cũng đã được quy định rõ. Tuy nhiên, chế tài xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cục Quản lý Dược Việt Nam cho hay các vi phạm chủ yếu là: Quảng cáo khi chưa có hồ sơ đăng ký tại Cục, quảng cáo không đúng với hồ sơ đăng ký, sử dụng lợi ích vật chất để thúc đẩy sử dụng thuốc... Trong đó, có rất nhiều vụ vi phạm quy chế thông tin quảng cáo thuốc mà cơ quan quản lý không thể biết do lực lượng mỏng, địa bàn rộng. Chính vì vậy, các hãng thuốc đã dùng các thủ thuật kinh doanh, quảng cáo tiếp thị thuốc bằng các hình thức tài trợ, khuyến mãi, tặng thuốc, phát tờ rơi, trích hoa hồng cho bác sĩ... khiến cho việc sử dụng thuốc nhiều nơi đã rơi vào tình trạng chạy theo quảng cáo, chạy theo lợi nhuận chứ không phải vì mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Kết cục là chỉ có người bệnh đã đau khổ vì bệnh tật còn phải gánh thêm chi phí quảng cáo nhiều khi chiếm đến gần 50% giá trị của mỗi đơn vị thuốc.

Điều nguy hiểm hơn nữa là có tới 60% sốc phản vệ là do người dân tự xem quảng cáo rồi mua thuốc điều trị. Quảng cáo thuốc đang dần trở thành nguy cơ đối với người tiêu dùng.

Ở các nước tiên tiến, việc quảng cáo thuốc chữa bệnh cực kỳ khắt khe vì nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng của toàn thể người dân. Việc quảng cáo sai không chỉ công ty dược phải bồi thường mà cơ quan truyền thông cũng phải chịu trách nhiệm. Về nguyên tắc, quảng cáo phải nêu cả ưu điểm và tác dụng phụ của thuốc, nhưng nhà sản xuất, kinh doanh thường nhấn mạnh về ưu điểm và đưa thông tin về tác dụng phụ rất mờ nhạt. Thậm chí, họ còn sử dụng những thuật ngữ y học để người dân không thể hiểu hết các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Tình trạng quảng cáo thuốc chữa bệnh cho người bán theo đơn (bán lẻ tại các nhà thuốc) vẫn rất phổ biến. Thậm chí các thuốc chưa được cấp đăng ký hoặc hết hạn đăng ký, thuốc đã bị loại ra khỏi danh mục hoặc bị đình chỉ lưu hành vẫn trôi nổi trên thị trường.

Việc lập lại trật tự và quản lý chặt chẽ các show quảng cáo thuốc chữa bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng thực ra mới là bề nổi của tảng băng. Bởi vì chính các chương trình khuyến mãi, quảng cáo thuốc là một trong những nguyên nhân khiến cho mục tiêu dùng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và kinh tế cho người bệnh nhiều khi chỉ là hình thức.

II. Khuyến mại thuốc:

1. Khái niệm khuyến mại:

Theo Điều 88, luật Thương mại năm 2005: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.”

Các lợi ích mà thương nhân dành cho khách hàng có thể là: dùng thử hàng mẫu miễn phí; Tặng quà; Giảm giá; Tặng phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ; Tặng kèm phiếu dự thi; Tổ chức các chương trình may rủi; Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên; Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại; Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận. Trong thực tế, các hình thức này được các doanh nghiệp áp dụng khá linh hoạt và có sự kết hợp giữa nhiều hình thức một lúc, như vừa giảm giá vừa tặng quà, vừa giảm giá vừa bốc thăm trúng thưởng, giảm giá hoặc tặng quà trong những "giờ vàng mua sắm" nhất định trong ngày (thường là giờ thấp điểm để kích thích tiêu dùng)... Giảm giá thường là hình thức được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất.

2. Các quy định của pháp luật về hoạt động khuyến mại thuốc chữa bệnh:

a. Về nguyên tắc khuyến mại

Căn cứ theo khoản 7 Điều 4 nghị định số 37/2006/NĐ-CP có quy định: “Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người (kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông) để khuyến mại.” Quy định này đã gây khó khăn rất nhiều cho nhà sản xuất và những nhà phân phối bởi xem xét theo điều luật này, thì ngoài người tiêu dùng ra, những nhà sản xuất và những nhà phân phối cũng không được phép khuyến mại thuốc khi buôn bán cho nhau, trong khi thực chất quy định này chỉ hướng tới việc hạn chế khuyến mại thuốc tránh gây sự bùng nổ về lượng thuốc trên thị trường, tuy nhiên, những nhà sản xuất và phân phối không phải dùng thuốc, tất nhiên sức khỏe của họ không chịu ảnh hưởng khi không được khuyến mại tuy nhiên họ lại không thể xúc tiến buôn bán. Điều này dẫn tới cho ra đời nghị định 68/2009/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04/04/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại  theo đó Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại như sau:

“7. Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người, kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông để khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc”.

b. Về đối tượng hướng đến khi khuyến mại

Đối tượng hướng đến khi khuyến mãi sản phẩm lúc này sẽ không thể là những người tiêu dùng trên thị trường mà sẽ phải là những thương nhân khác khi tham gia hoạt động kinh doanh thuốc, như quy định đã nêu tại Nghị định 68/2009 về sửa đổi khoản 7 Điều 4 NĐ 37/2006.

c. Về hình thức khuyến mại

Các hình thức khuyến mại có thể kể tới là: 

- Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền (Điều 7 Nghị định 37/2006). Đây là cách mà các thương nhân thường sử dụng để khuyến mãi đối với thương nhân khác tham gia kinh doanh, giao dịch dược phẩm;

- Tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền; không kèm theo việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (Điều 8). Đây là hình thức tặng hàng hóa miễn phí, thường kèm theo việc mua sản phẩm; 

- Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó (Điều 9); 

- Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên (điều 13). Thương nhân cung ứng thuốc sẽ dành cho những khách hàng quen một số lợi ích nhất định, có thể là phát thẻ giảm giá.

Còn lại các hình thức sau  đây của khuyến mãi thuốc thường ít gặp trong thực tế do các hình thức này chủ yếu nhắm vào đối tượng là những người trực tiếp sử dụng thuốc, người tiêu dùng do tính công khai và đặc điểm thu hút của nó; mà theo quy định của pháp luật, ngoài khuyến mại cho các thương nhân kinh doanh thuốc, không được khuyến mãi thuốc dưới bất kỳ dạng nào, nên các hình thức sau thường không được dùng trong khuyến mại thuốc: Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (Điều 11); Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi (Điều 12); Khuyến mại hàng hóa, dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác; Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ (Điều 10).

d. Về nội dung khuyến mại

Các trình tự thủ tục đăng ký khuyến mại cần phải tuân thủ theo Mục 3 của Nghị định 37/2006. Nội dung khuyến mãi cần phải tuân thủ các quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa khuyến mãi, giá trị không được vượt quá 50% trừ trường hợp là các hình thức đưa hàng mẫu, tặng hàng miễn phí, bán kèm phiếu dự thi để trao thưởng, tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên. Tổng giá trị của thuốc dùng để khuyến mại mà thương nhân bán thuốc thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức đưa hàng mẫu. Cần lưu ý là nghiêm cấm các khuyến mại mà mức giảm giá đối với hàng hóa là trên 50%.

III. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật.

Nhà nước cần siết chặt hơn công tác quản lý đối với nội dung quảng cáo thuốc được phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cần có một chế tài phạt vi phạm nặng hơn nữa đối với những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, khuyến mại thuốc.  Điều chỉnh giá thuốc hợp lý để người dân có thể tiêu dùng trong khả năng của mình mà không phải mua lậu.

Thống nhất các định nghĩa, tên gọi trong pháp luật về quảng cáo, khuyến mại để không lúng túng khi áp dụng luật, tránh trường hợp áp dụng sai ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể kinh doanh; tạo môi trường minh bạch, giúp các nhà đầu tư, kinh doanh thuốc tự tin hơn khi tham gia kinh doanh thuốc chữa bệnh.

B. KẾT LUẬN

Hoạt động quảng cáo và khuyến mại của các doanh nghiệp đã và đang phát triển với tốc độ nhanh chóng cả về chất và lượng. Quảng cáo và khuyến mại đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành quả của các doanh nghiệp trong việc gia tăng doanh số bán hàng và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Khi tiến hành các hoạt động này, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nhiều người biết đến và tất nhiên đó là điều tốt đẹp. Nhưng nếu việc tổ chức hoạt động này không đúng theo quy định pháp luật thì doanh nghiệp cũng vô hình trung cũng đã quảng bá một hình ảnh không tốt đến khách hàng. Vấn đề về quảng cáo, khuyến mại thuốc chữa bệnh cho người càng ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà đất nước đang trong quá trình hội nhập, những doanh nghiệp kinh doanh thuốc với mục đích lợi nhuận cao hơn là sức khỏe con người sẽ càng có cơ hội bán thuốc tràn lan, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy,pháp luật về quảng cáo và khuyến mại thuốc cần được siết chặt và quản lí chặt chẽ hơn nữa.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại (tập 2), Nxb. CAND, Hà Nội, 2006;
2. Nghị định 68/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 7, Điều 4 Nghị định 37/2006; 
3. Nghị định 37/2006/NĐ-CP Hướng dẫn hoạt động xúc tiến thương mại, 
4.Thông tư 13/2009/TT-BYT Hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc;
5. Luật Quảng cáo 2012,
6. Luật Thương mại 2005.
7. Luật dược 2005.
8. Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành 1 số điều của luật quảng cáo.

No comments:

Post a Comment