Giám hộ là một chế định mang tính tổng hợp của nhiều ngành luật, đồng thời chế định giám hộ cũng có một ý nghĩa rất quan trọng trong thực tế. Các quy định của giám hộ trước hết được quy định như một chế định của Luật hôn nhân và gia đình (Giám hộ giữa các thành viên trong gia đình – Chương IX Luật hôn nhân và gia đình 2000) liên quan đến việc “chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên”; và được xác định cụ thể, chi tiết hơn ở điểm a khoản 2 Điều 58 BLDS. Người được giám hộ không chỉ là người chưa thành niên không còn cha, mẹ; không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế quyền làm cha, mẹ; cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc; mà còn là người mất năng lực hành vi dân sự.
Các quy định của chế định giám hộ thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt và người mất năng lực hành vi dân sự. Chế định giám hộ điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm khắc phục tình trạng không tương đồng giữa sự bình đẳng về năng lực hành vi dân sự của những người có năng lực hành vi một phần, những người không có năng lực hành vi, bị mất năng lực hành vi.
Để nghiên cứu rõ hơn quy định của pháp luật về chế định giám hộ, nhóm chúng em xin xây dựng tình huống thực tế để phân tích, qua đó có cái nhìn cụ thể, sâu sắc hơn về chế định giám hộ.
NỘI DUNG
I. Một số vấn đề lí luận chung về giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự
1.Người mất năng lực hành vi dân sự
1.1. Khái niệm người mất năng lực hành vi dân sự
Cá nhân bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì bị coi là mất năng lực hành vi dân sự. Để bảo đảm quyền và lợi ích của họ và tránh khỏi sự lợi dụng của người khác, pháp luật đã quy định giao dịch của người mất năng lực hành vi dân sự đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện (Điều 22). Trong trường hợp một người không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan (có thể là cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc người giám hộ), Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự dựa trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.
1.2. Đặc điểm của người mất năng lực hành vi dân sự
Người mất năng lực hành vi dân sự có đặc điểm: không có khả năng nhận thức về hành vi của mình và hậu quả của những hành vi đó, họ không làm chủ được hành vi của mình, tức là không có sự hòa hợp, thống nhất giữa ý chí và thể hiện ý chí.
Tùy từng mức độ, tình trạng của bệnh mặc phải, người mất năng lực hành vi có thể chỉ nhận thức được hành vi của mình trong một khoảng thời gian, một hoàn cảnh cụ thể; song cũng có những trường hợp người mất năng lực hành vi hoàn toàn trong trạng thái không nhận thức được hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh, mọi khoảng thời gian.
Vậy nên, khi xem xét tình trạng nhận thức và điều khiển hành vi của người mất năng lực hành vi dân sự, ta cần đặt trong từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh mà người mất năng lực hành vi mắc phải để có những đánh giá đúng đắn, khách quan.
2. Giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự
2.1 Khái niệm giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự
Khái niệm giám hộ được quy định tại khoản 1 điều 58 Bộ luật dân sự: Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Chế định giám hộ nhằm khắc phục tình trạng người có năng lực pháp luật dân sự nhưng không thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình. Người mất năng lực hành vi dân sự thì không thể thể hiện ý chí của mình trong các giao dịch dân sự vì vậy việc giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự là một trong nhưng chế định quan trọng của pháp luật nhằm đảm bảo sự ổn định trong các quan hệ dân sự.
2.2 Ý nghĩa của việc giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự
Việc giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho những người có năng lực pháp luật nhưng không thể bằng khả năng của mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày; là cơ sở để người được giám hộ có thể hiện thực hóa các quyền mà pháp luật quy định cho chính mình. Thông qua việc giám hộ, người mất năng lực hành vi dân sự cũng được hưởng sự bình đẳng như các công dân trong xã hội, có thể thực thi quyền năng mà pháp luật quy định trên thực tế. Quy định chặt chẽ về giám hộ là cơ sở pháp lí nhằm nâng cao trách nhiệm của người giám hộ trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Chế định này cũng góp phần đề cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là truyền thống tương thân tương ái, xây dựng và gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng xã hội, đồng thời thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của nhà nước đối với những người kém may mắn trong xã hội.
Người mất năng lực hành vi dân sự là những người có nguy cơ bị xâm hại, lợi dụng cao, chính vì vậy quy định về việc giám hộ cho họ góp phần tạo nên sự ổn định trong các giao dịch dân sự, cũng như bảo vệ người mất năng lực hành vi dân sự khỏi sự xâm hại bên ngoài.
II. Tình huống thực tế về việc giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự
• Vụ việc: “Tranh chấp quyền giám hộ: Giành giật nuôi người tâm thần”
Nguồn: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Mẹ nuôi mất chưa được bao lâu thì ông T. (bị bệnh tâm thần) lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu: Chị của mẹ nuôi và em ruột đều mong muốn được nuôi dưỡng ông. Hòa giải không xong, vụ việc đang có nhiều khả năng sẽ ra đến tòa…
Cô, cháu giành nhau
Hơn 40 năm trước, ông T. được mẹ nuôi (cũng là cô ruột) đưa về chăm sóc, nuôi nấng. Bà đã chạy khắp nơi chữa trị căn bệnh thiểu năng trí não cho ông nhưng đành bất lực. Đầu năm nay, biết mình không qua khỏi, bà đã nhờ một người chị giúp mình nuôi ông T. Thế rồi khi bà mất đi, một người xưng là em của ông T. đã đến xin rước ông về nuôi dưỡng, điều trị.
Người cô đang nuôi ông T. phản đối kịch liệt nên mới đây vụ việc được đưa ra ấp hòa giải. Tại đây, người em ông T. bảo vì chiến tranh khắc nghiệt nên mẹ đành phải nhờ cô nuôi em. Nay cô mất, là tình cảm ruột thịt nên bà có quyền đưa ông về chăm dưỡng…
Phía người cô căng thẳng đặt ngay vấn đề rằng em của ông T. giành nuôi ông là muốn làm người giám hộ để được thừa kế hơn tám công vườn bưởi của mẹ nuôi ông T. Do vậy bà không chấp nhận để cho người em ông T. được “toại nguyện”. Rồi bà bảo: “Cháu T. sống với gia đình tôi là ước nguyện của mẹ nuôi nó. Tôi nuôi là hợp lý”.
Buổi hòa giải diễn ra cả nửa ngày trời và chỉ toàn những lời đấu khẩu nặng nhẹ nhau của hai bên, không bên nào chịu nhượng bộ bên nào. Ông trưởng ấp than thở: “Vụ việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đến giờ này nó đã không còn đơn giản nữa. Giờ ấp chỉ hòa giải để làm cơ sở chuyển về trên chứ không còn đủ thẩm quyền xử lý!”. Trong khi đó, em ông T. quả quyết sẽ nhờ TAND huyện Bình Minh (Vĩnh Long) giải quyết.
• Ý kiến của những người có chuyên môn:
Theo luật sư Trương Thị Xem, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, nếu người em ông T. khởi kiện thì khó được tòa thụ lý đơn. Trường hợp này phải do mẹ ruột ông T. khởi kiện vì hiện bà đang còn sống. Theo khoản 1 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình, “Người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự là mẹ, cha hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự…”.
“Sau khi yêu cầu xác định được mình là mẹ ruột của ông T. thì mẹ ông mới có quyền nuôi dưỡng và giám hộ cho ông” – luật sư Xem giải thích thêm.
Một thẩm phán của TAND huyện Bình Minh cho biết trong trường hợp không chứng minh được mẹ ruột của ông T. thì quyền nuôi dưỡng cũng như giám hộ cho ông sẽ căn cứ vào di nguyện của người mẹ nuôi. Tuy nhiên, những người giám hộ cũng phải chứng minh được mối quan hệ mẹ con nuôi giữa ông T. với người đã mất và mối quan hệ của họ với hai người này. Mục đích cuối cùng là đảm bảo ông T. được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt nhất.
III. Quan điểm của nhóm về vụ việc trên
Để tiện cho việc theo dõi và phân tích, nhóm chúng em xin trình bày quan điểm của mình theo các câu hỏi được đưa ra trong nội dung bài tập.
Câu 1: Đây là quan hệ giám hộ đương nhiên hay giám hộ cử? Nêu trình tự thủ tục để xác lập quan hệ giám hộ?
Tồn tại hai hình thức giám hộ: giám hộ đương nhiên và giám hộ cử. Giám hộ đương nhiên là hình thức giám hộ do pháp luật quy định, người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân. Quan hệ giám hộ đương nhiên được xác định bằng các quy định của pháp luật về người giám hộ, người được giám hộ, quyền và nghĩa vụ về tài sản của người giám hộ đối với người được giám hộ. Giám hộ được cử là hình thức cử người giám hộ theo trình tự của pháp luật, trong đó, cá nhân, tổ chức đều có thể là người giám hộ.
Pháp luật quy định cụ thể và rõ ràng điều kiện để trở thành người giám hộ. Cụ thể:
Người giám hộ là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (Khoản 1 điều 60). Người giám hộ thực chất là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ trong các mối quan hệ dân sự và trong hầu hết các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người được giám hộ, vì vậy để thực hiện công việc giám hộ, pháp luật quy định người giám hộ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Người giám hộ phải là người có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác (Khoản 2 điều 60). Tư cách đạo đức của người giám hộ có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của người được giám hộ, pháp luật quy định như vậy đồng thời nhằm bảo vệ các quan hệ nhân thân, tài sản liên quan đến người được giám hộ.
Ngoài ra mối quan hệ ràng buộc và sự tin cậy trong quan hệ giám hộ cũng là yếu tố cần thiết, khi vận dụng quy định này cần xem xét từng trường hợp điều kiện cụ thể để đánh giá một cá nhân có khả năng trở thành người giám hộ hay không như điều kiện kinh tế, khả năng chăm sóc giáo dục cho người được giám hộ.
Trong tình huống trên, nhóm chúng em đồng tình với ý kiến của Luật sự Trương Thị Xem. Em của ông T không có thể khởi kiện ra tòa để giành quyền giám hộ cho anh trai của mình là ông T. Nếu khởi kiện để tranh chấp quyền làm người giám hộ thì người khởi kiện ở đây phải là mẹ ruột của ông T (tất nhiên ở đây cần phải chứng minh được quan hệ mẹ con ruột thì mẹ của ông T mới có quyền nuôi dưỡng và giám hộ cho ông) để phù hợp với quy định của khoản 1 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình: “Người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự là mẹ, cha hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự…”. Trong trường hợp không chứng minh được quan hệ mẹ con ruột của ông T hay mẹ của ông T không đứng lên khởi kiện để giành quyền giám hộ thì người giám hộ vẫn là người chị của mẹ nuôi ông T, bởi trước khi chết mẹ nuôi của ông T đã ủy quyền cho bà nuôi dưỡng và chăm sóc ông.
Dù là trường hợp nào thì quan hệ giám hộ trong tình huống này là quan hệ giám hộ đương nhiên. Với trường hợp người giám hộ là mẹ ruột của ông T, vì là mẹ ruột của ông T, bà đáp ứng đủ các quy định của pháp luật vê người giám hộ đương nhiên, theo khoản 3 điều 62 BLDS: “Trong trường hợp người thảnh niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.” Còn với trường hợp người giám hộ là người chị của mẹ nuôi ông T cũng là quan hệ giám hộ đương nhiên bởi bà là người đã được mẹ nuôi ông T ủy quyền chăm sóc ông trước khi mẹ nuôi ông T chết. Xét trong hoàn cảnh thực tế, ta cũng có thể coi người chị nuôi của mẹ ông T có quan hệ gắn bó, gần gũi với ông T, vì thế bà có thể trở thành người giám hộ của ông T.
Để tránh xảy ra sự cố trong việc giám hộ và để thuận tiện trong việc kiểm tra giám sát, việc đăng kí giám hộ phải được diễn ra theo một trình tự thủ tục theo luật định. Trong trường hợp người chị của mẹ nuôi ông T muốn trở thành người giám hộ cho ông thì cần phải chứng minh mình đã nhận được sự ủy quyền bằng cách xuất trình giấy ủy quyền của người mẹ nuôi trước khi chết và đăng kí việc giám hộ đương nhiên với Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của bà này hoặc nơi có trụ sở của cơ quan, tổ chức đảm nhận giám hộ thực hiện đăng ký việc giám hộ, đơn đăng kí giám hộ đương nhiên theo mẫu của cơ quan có thẩm quyền. Nếu người em của ông T được mẹ ruột của ông T đồng ý cho trở thành người giám hộ thì ông ta cũng phải đăng kí giám hộ với Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người em hoặc nơi có trụ sở của cơ quan, tổ chức đảm nhận giám hộ thực hiện đăng ký việc giám hộ. Trong trường hợp người chị của mẹ nuôi ông T và người em của ông đều có đủ điều kiện trở thành người giám hộ theo pháp luật mà giữa họ có sự thoả thuận về việc cử một trong hai người họ làm giám hộ, thì người đó phải xuất trình văn bản thoả thuận khi đăng ký giám hộ. Người giám hộ cần xuất trình một số loại giấy tờ bắt buộc theo quy định của pháp luật như: giấy khai sinh của người giám hộ; sổ hộ khẩu gia đình của người giám hộ; chứng minh nhân dân của người giám hộ.
Câu 2: Xác định người giám sát người giám hộ và phân tích vai trò của người giám sát việc giám hộ?
Trong từ điển Tiếng Việt, giám sát được hiểu là “sự theo dõi, xem xét làm đúng hoặc sai những điều đã quy định” hoặc được hiểu là “theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định không”. Từ đây có thể hiểu: giám sát việc giám hộ chính lá việc theo dõi, kiểm tra các hoạt động của người giám hộ trong việc thực giám hộ, xem xét giải quyết kịp thời những đề nghị, kiến nghị của người giám hộ có liên quan đến việc giám hộ; người giám sát việc giám hộ là người được pháp luật thừa nhận và bảo vệ thực hiện hoạt động giám sát việc giám hộ.
Theo quy định tại Điều 59 BLDS thì người giám sát của người giám hộ là một cá nhân, có thể là một trong số những người thân thích của người được giám hộ tự thoả thuận hoặc cử ra: “người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác, chú, cậu, cô, dì của người được giám hộ” (Khoản 1 Điểu 59 BLDS). Pháp luật ưu tiên quyền giám sát việc giám hộ đầu tiên sẽ thuộc về người thân thích gần nhất của người được giám hộ, nhằm bảo vệ tối ưu quyền và lợi ích của người được giám hộ, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hoá về đạo đức gia đình và xã hội của người Việt Nam. Điều 59 BLDS cũng không loại trừ trường hợp người được giám hộ không có người thân thích, hoặc trong số những người thân thích không cử được người giám sát việc giám hộ nên tại Khoản 2 của điều này có quy định rõ: “Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ cử người giám sát việc giám hộ”. Chỉ những người có đủ năng lực hành vi dân sự mới có đủ điều kiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá cũng như giải quyết chính xác, kịp thời các vấn đề liên quan đến hoạt động giám hộ, hoàn thành tốt được vai trò giám sát được pháp luật quy định, vì vậy việc giám hộ luôn phải được giám sát bởi cá nhân có trách nhiệm, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, do người thân thích của người được giám hộ hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú của người được giám hộ cử ra.
Điều 59 BLDS hiện hành đã quy định về vai trò của người giám sát việc giám hộ: “theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ, xem xét giải quyết kịp thời những đề nghị, kiến nghị cuả người giám hộ liên quan đến việc giám hộ”. Theo đó vai trò của người giám sát là nhằm đảm bảo việc giám hộ được thực hiện đúng theo Pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ, thông qua các hoạt động:
• Theo dõi, đôn đốc kiểm tra người giám hộ trong trong việc thực hiện việc giám hộ đã được quy định tại điều 65, 66, 67, 68 BLDS hiện hành.
• Giám sát người giám hộ trong việc định đoạt tài sản của người được giám hộ để dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ có đúng mục đích và trung thực hay không. Tránh người giám hộ lạm dụng tài sản của người được giám hộ. Giám sát một số giao dịch dân sự mà pháp luật quy định cần phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ như: “Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ”; hay“Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ” (Điều 69 BLDS).
• Xem xét, giải quyết các kiến nghị của người giám hộ có liên quan đến việc giám hộ một cách nhanh chóng kịp thời nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người được giám hộ.
Ngoài những điều trên pháp luật còn quy định các vai trò của giám sát trong việc chuyển giao giám hộ và chấm dứt việc giám hộ như sau:
• Giám sát việc chuyển giao giám hộ của người giám hộ được cử, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật tại Khoản 2, Khoản 3 - Điều 71 BLDS.
• Giám sát việc thanh toán tài sản của người được giám hộ khi người giám hộ chấm dứt việc giám hộ, bảo vệ quyền lợi về tài sản của người được giám hộđược ghi rõ ở Khoản 1 Điều 73 BLDS.
Trong tình huống “Tranh chấp giám hộ” trên không đề cập đến vấn đề người giám sát việc giám hộ nhưng việc xác định người giám sát việc giám hộ là điều bắt buộc khi thiết lập quan hệ giám hộ. Dựa vào các tình tiết sự việc thì người giám sát việc giám hộ có thể là một trong số những người thân thích của Ông T có đủ năng lực hành vi dân sự như là Bà Cô (chị của mẹ nuôi Ông T), cha hoặc mẹ Ông T – khi mà họ còn sống và chứng minh được quan hệ cha - con , mẹ - con với Ông T và được Toà tuyên bố về mối quan hệ này (theo khoản 1 điều 66 Luật hôn nhân và gia đình); hoặc người giám sát có thể là người em trai của Ông T chứng minh được quan hệ của họ khi cha/mẹ ruột của Ông T đã chết hoặc cha/mẹ của ông ta còn sống mà không có năng lực hành vi dân sự hoặc không muốn làm người giám việc giám hộ cho Ông T (theo khoản 1, Điểu 59 BLDS). Tuy nhiên, điều này xảy ra chỉ khi giữa những người này thoả thuận được với nhau và được sự đồng ý của toà. Còn nếu như giữa những người thân thích này không thể tự thoả thuận với nhau thì sẽ đưa vụ việc ra tòa để giải quyết như một vụ tranh chấp. Trong tình huống không chứng minh được quan hệ thân thích của của những người trên trước toà tức là Ông T không còn ai thân thích thì người giám sát việc giám hộ của Ông T là người mà Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ được cử ra ( theo khoản 2,Điều 59, BLDS).
Dù là ai làm người giám sát đi nữa thì người đó vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ của mình trong công việc giám sát người giám hộ, đó là theo dõi, đôn đốc giám sát các hoạt động của người giám hộ trong công việc giám hộ cho Ông T, bảo vệ cho quyền và lợi ích của ông, ví dụ như việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm việc được trị bệnh (theo Điều 67 BLDS về nghĩa vụ vủa người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự); bảo đảm giải quyết kịp thời các kiến nghị của người giám hộ liên quan đến việc giám hộ: giám sát xem xét các kiến nghị của người giám hộ liên quan đến giám hộ, xem xét việc định đoạt tài sản của Ông T như cất giữ, cho mượn, cho thuê mướn… Đặc biệt là khi người giám hộ thực hiện giao dịch có liên quan đến tài sản của Ông T thì người giám sát có quyền đồng ý giao dịch ấy nếu nó phục vụ lợi ích của người được giám hộ là Ông T, còn nếu ngược lại thì giao dịch này của người giám hộ của Ông T sẽ bị huỷ bỏ vì không được người giám sát chấp nhận (theo khoản 2 điều 69 BLDS).
Trong tình huống trên, Ông T có một số đất do mẹ nuôi để lại cho ông, số đất này sẽ do người giám hộ của ông quản lí nhưng người này chỉ được quản lí nó còn mọi hoạt động sử dụng hay giao dịch của người giám hộ trên khoảng đất này phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ khi mà người này thấy được các hoạt động khai thác sử dụng hay giao dịch đó đều vì lợi ích của Ông T. Ngoài ra người giám sát có có nhiệm vụ là người chứng kiến việc chuyển giao giám hộ khi có sự thay đổi người giám hộ của Ông T (tại khoản 2,3 Điều 71BLDS), giám sát việc thanh toán tài sản của người được giám hộ khi người giám hộ chấm dứt việc giám hộ khi người được giám hộ là Ông T qua đời (tại khoản 1 Điều 73BLDS).
Câu 3: Phân tích hiệu lực pháp luật của những giao dịch có liên quan đến tài sản của người được giám hộ trên cơ sở những quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành
Những giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ, (bắt nguồn từ quyền sở hữu tài sản theo pháp luật quy định) bao gồm giao dịch mua – bán và giao dịch tặng cho.
Đối với các giao dịch có liên quan đến tài sản của người được giám hộ, BLDSVN có quy định :
• Khoản 1 Điều 66 : Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.
• Khoản 2 Điều 69 : Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.
• Khoản 3 Điều 69 : Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Tức là theo BLDS Việt Nam hiện này, hầu hết mọi giao dịch liên quan tới tài sản của người được giám hộ đều được thực hiện thông qua sự đại diện của người giám hộ.
Như trong tình huống trên, người giám hộ của ông T (khi đã được xác định) có thể bán đi một phần hoặc toàn bộ 8 công vườn mà ông T được thừa kế từ mẹ nuôi để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ chăm sóc ông T khi không có điều kiện thực tế để chăm sóc ông T. Mọi giao dịch mua – bán này đều được pháp luật bảo hộ, mặc dù đó là tài sản của ông T và người thực hiện giao dịch lại là người giám hộ của ông T.
Hành vi thực hiện giao dịch của người giám hộ đối với tài sản của người được giám hộ, chỉ cần đúng trình tự, thủ tục và hình thức, đồng thời không vi phạm các quy định thuộc khoản 2, khoản 3 Điều 69 thì vẫn được thực hiện một cách bình thường. Bình thường ở đây, tức là hiệu lực pháp lý của nó vẫn được tồn tại, được nhà nước đảm bảo thực hiện giống như nhưng giao dịch dân sự bình thường khác.
Đối với những trường hợp vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 69 đối với tài sản của người được giám hộ, thì mọi giao dịch đã thực hiện đều trở nên vô hiệu.
Cùng tình huống trên, nếu như người giám sát việc giám hộ nhận thấy được rằng : người giám hộ của ông T vẫn có đầy đủ điều kiện thực tế để chăm sóc ông T, việc bán đi tài sản của ông T (8 công vườn) là không cần thiết thì mọi giao dịch của người giám hộ ông T đã thực hiện với một bên thứ 3 hoàn toàn bị vô hiệu. Khi đó, mặc dù giao dịch đã được kí kết nhưng người thực hiện giao dịch với người giám hộ của ông T (bên thứ 3) sẽ hoàn toàn không nhận được bất kì một phần nào tài sản của ông T mà chỉ có quyền yêu cầu người giám hộ ông T bồi thường thiệt hại (theo khoản 2 Điều 146 BLDS)
BLDS Việt Nam hiện nay đã quy định rõ, rằng người giám hộ có quyền đại diện cho người được giám hộ để thực hiện các giao dịch liên quan tới tài sản của người được giám hộ. Tuy nhiên, BLDS cũng đồng thời hạn chế quyền này thông qua Khoản 2 và khoản 3 Điều 69. Sở dĩ quy định như vậy, để tránh việc người giám hộ lạm dụng quyền đại diện của mình để thực hiện những giao dịch có lợi cho bản thân, gây bất lợi cho người được giám hộ.
Ví dụ như, người giám hộ của ông T thực hiện một giao dịch, đó là đem 8 công vườn của ông T đi cho người khác (ông K), nhưng ẩn giấu trong đó là cam kết mua – bán giữa ông K và người giám hộ. Giao dịch tặng – cho này được thực hiện nhằm mục đích trục lợi cá nhân, quyền tài sản của ông T đã bị xâm phạm. ( khoản 2 điều 69). Hoặc thay vì bán cho người khác, người giám hộ ông T đã đại diện cho ông T bán lại 8 công vườn đó lại cho chính người giám hộ với giá rẻ. Lúc này, cả 2 bên tham gia giao dịch đều là người giám hộ của ông T ( hỗn nhập tư cách chủ thể) , điều này gây ra sự bất bình đẳng trong giao dịch khi mà toàn bộ giao dịch đều được thực hiện theo ý chí chủ quan của người giám hộ ông T. ( khoản 3 Điều 69)
Để đảm bảo cho quyền lợi người giám hộ, BLDS 2005 đã cho phép người giám hộ thực hiện giao dịch dân sự với người được giám hộ liên quan tới tài sản của người được giám hộ nhưng chỉ ở một số điều kiện nhất định
• Phải vì lợi ích của người được giám hộ. Ví dụ như bệnh tình của ông T ngày càng trầm trọng, thì người giám hộ có quyền bán 1 phần tài sản ông T đi để chữa trị cho ông T.
• Phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ : điều này nhằm đảm bảo cho hệ quả của giao dịch dân sự không đi quá giới hạn cần thiết.
Đây là một quy định mới có trong BLDS 2005 mà BLDS 1995 trước đây không có.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bình luận khoa học Bộ Luật Dân sự Việt Nam, Tập 1 – Những quy định chung, Tác giả: TS. Hoàng Thế Liên – Nguyễn Đức Giao, Nxb Chính trị Quốc gia.
2. Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tác giả: TS. Lê Đình Nghị, Nxb Giáo dục Việt Nam.
3. Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia.
4. Khóa luận tốt nghiệp: Giám hộ – Một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Tác giả: Nguyễn Thị Sinh.
Cảm ơn bạn Chu Hồng Thủy - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment