07/10/2014
So sánh hợp đồng mua bán hàng hóa (theo quy định của Luật Thương mại 2005) và Hợp đồng mua bán tài sản (theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2005)
Luật Thương mại 2005 không đưa ra định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hoá song có thể xác định bản chất pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hoá trong thương mại dựa trên cơ sở quy định của Bộ Luật dân sự về hợp đồng mua bán tài sản. Vậy cụ thể thì hai loại hợp đồng này có gì giống và khác nhau? Trong bài tập cá nhân một này, em xin so sánh hợp đồng mua bán hàng hoá (theo quy định của Luật thương mại 2005) và hợp đồng mua bán tài sản (theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005)

Sự giống nhau: Hợp đồng mua bán hàng hoá trong thương mại và hợp đồng mua bán tài sản trong dân sự đều là sự thoả thuận giữa bên bán và bên mua, theo đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua có nghĩa vụ nhận hàng, quyền sở hữu và thanh toán cho bên bán.



Cụ thể về mối liên hệ giữa hợp đồng mua bán hàng hoá trong thương mại và hợp đồng mua bán tài sản:

Luật Thương mại được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kì họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005. Luật này thay thế Luật Thương mại ngày 10/5/1997 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006 đã đánh dấu một bước phát triển mới của pháp luật thương mại nói chung và pháp luật về mua bán hàng hoá nói riêng.

Quan hệ mua bán hàng hoá được xác lập và thực hiện thông qua hình thức pháp lí là hợp đồng mua bán hàng hoá. Hợp đồng mua bán hàng hoá có bản chất chung của hợp đồng, là sự thoả thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán. Dù Luật Thương mại 2005 không đưa ra định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hoá song có thể các định bản chất pháp lí của hợp đồng mua bán hàng hoá trong thương mại trên cơ sở điều 428 của Bộ luật Dân sự về hợp đồng mua bán tài sản. Do đó, hợp đồng mua bán hàng hoá trong thương mại là một dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản, dù vẫn mang những nét đặc thù riêng về chủ thể, đối tượng, hình thức…, thoả thuận về việc mua bán hàng hoá ở hiện tại hoặc mua bán hàng hoá sẽ có ở một thời điểm nào đó trong tương lai đều có thể là một hợp đồng mua bán. Quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá sẽ hình thành bất cứ khi nào nếu một chủ thể mua hàng hoá bằng tiền hoặc phương thức thanh toán khác và nhận quyền sở hữu hàng hoá.

Sự khác nhau: Hợp đồng mua bán hàng hoá được coi là một dạng đặc biệt của hợp đồng mua bán tài sản, bởi phạm vi chủ thể, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá đều hẹp hơn hợp đồng mua bán tài sản. Cụ thể:

- Phạm vi chủ thể: Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá chủ yếu là thương nhân. Chủ thể của hợp đồng mua bán tài sản có thể là mọi tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự.

- Mục đích: Hợp đồng mua bán hàng hoá trong thương mại chủ yếu là để kinh doanh thu lợi nhuận cho các thương nhân. Chỉ phần nào đó phục vụ mục đích tiêu dùng và các mục đích khác cho cả thương nhân và những chủ thể không phải thương nhân tuỳ theo mong muốn và nhu cầu của họ trong từng thời điểm. Hợp đồng mua bán tài sản lại không nhất thiết là có mục đích kinh doanh mà có thể nhằm nhiều mục đích khác nhau như : tiêu dùng, tặng, cho, làm từ thiện hoặc đơn giản là vì sở thích…Sự khác nhau này là do yếu tố chủ thể quyết định. Vì chủ thể chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hoá là thương nhân, mà đã nói đến thương nhân thì khó có thể không nhắc đến lợi nhuận, hoạt động chính của họ là kinh doanh và thu lợi nhuận.

- Đối tượng của hợp đồng:  Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá là hàng hoá (bao gồm tất cả các
loại động sản (kể cả động sản hình thành trong tương lai))theo khoản 2 Điều 3 Luật Thương Mại. Tuy nhiên không thể hiểu theo nghĩa thông thường, hàng hoá là sản phẩm lao động của con người, được tạo ra nhằm mục đích thoả mãn nhu cầu của con người hay chỉ bao gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các động sản khác được lưu thông trên thị trường, nhà ở dùng để kinh doanh đưới hình thức cho thuê, mua, bán (khoản 3 Điều 5 Luật Thương Mại 1997). Luật Thương mại 2005 quy định :

“Hàng hoá bao gồm :
a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
b) Những vật gắn liền với đất đai.”

Như vậy, hàng hoá trong thương mại là đối tượng mua bán có thể là hàng hoá hiện đang tồn tại hoặc sẽ có trong tương lai, hàng hoá có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại và phải loại trừ một số hàng hoá đặc biệt chịu sự điều chỉnh riêng như cổ phiếu, trái phiếu…

Còn đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản rộng hơn là các loại tài sản quy định trong Điều 162 Bộ luật Dân sự 2005 : vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được phép giao dịch. Trong khi đó, đối tượng của mua bán tài sản là tài sản được phép giao dịch Điều 429 Bộ Luật Dân sự.

Qua phần so sánh trên, em thấy hợp đồng mua bán hàng hoá trong thương mại là một dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản. Đối với Luật Thương mại 2005, Bộ luật Dân sự 2005 luôn luôn là bộ luật gốc, việc xác định đối tượng điều chỉnh riêng đôi khi không dàng chút nào. Việc phân biệt hợp đồng mua bán hàng hoá trong thương mại và hợp đồng mua bán tài sản là điều hết sức cần thiết cho các nhà làm luật và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chọn luật áp dụng của từng trường hợp cụ thể.








DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật Thương mại tập II , Trường Đại học luật Hà Nội, NXB. CAND, năm 2009.
2. Bộ Luật Dân sự 2005.
3. Luật Thương Mại 2005.

No comments:

Post a Comment