22/01/2015
Thực trạng và một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường trong các vụ án hình sự - Bài tập học kỳ Khoa học điều tra hình sự
Hiện trường là nơi lưu giữ nguồn chứng cứ vật chất quan trọng đối với bất kì một vụ việc mang tính hình sự nào. Mỗi hành vi được thực hiện đều gây ra những tác động lên thế giới vật chất xung quanh. Công tác khám nghiệm hiện trường giúp khám phá được sự thật vụ án. Nhằm tìm ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác khám nghiệm hiện trường, cần thấy được những thành tựu cũng như tồn tại thiếu sót của công tác này. Để làm rõ vấn đề này em xin chọn đề tài: “Thực trạng và một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường trong các vụ án hình sự.”

NỘI DUNG

I. Khái niệm hiện trường và khám nghiệm hiện trường.

1. Hiện trường.

Hiện trường theo quan điểm của khoa học điều tra hình sự được hiểu như sau: “Hiện trường là nơi xảy ra, nơi phát hiện các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự.” Khái niệm này bao hàm hai nội dung:

Thứ nhất, hiện trường là một khoảng không gian nhất định, không gian này có thể là nơi xảy ra hoặc nơi phát hiện ra các dấu vết, vật chứng của vụ án hoặc vụ việc có tính hình sự. Nơi phát hiện có thể trùng với nơi xảy ra hoặc không.

Thứ hai, hiện tượng vật chất xảy ra tại hiện trường là vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự. Vụ việc có tính hình sự là những vụ việc xâm hại đến khách thể do luật hình sự bảo vệ nhưng do chưa đủ thông tin nên chưa xác định được các yếu tố cấu thành tội phạm.

2. Khám nghiệm hiện trường.

“Khám nghiệm hiện trường là biện pháp điều tra được tiến hành tại hiện trường nhằm phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự đã xảy ra.”

Khám nghiệm hiện trường là một biện pháp điều tra tố tụng và thẩm quyền, thủ tục, nội dung của nó được quy định trong Điều 150 Bộ luật tố tụng hình sự. Khi tiến hành biện pháp điều tra này, cần áp dụng các phương tiện kỹ thuật hình sự phù hợp để phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá các loại dấu vết vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự để lại tại hiện trường.

2.1. Các phương pháp khám nghiệm hiện trường

Thứ nhất, phương pháp khám nghiệm hiện trường theo khu vực (phương pháp chia ô). Phương pháp này được áp dụng khi khám nghiệm các loại hiện trường có phạm vi rộng lớn nhưng được phân chia tự nhiên thành những khu vực độc lập với nhau hoặc những hiện trường có cấu trúc phức tạp.

Thứ hai, phương pháp khám nghiệm dựa vào phương thức gây án đã nhận định. Áp dụng khi trên hiện trường qua dấu vết, vật chứng để lại đã xác định được lối vào, lối ra của thủ phạm và quá trình hoạt động của chúng ở hiện trường.

Thứ ba, phương pháp khám nghiệm theo hình xoáy ốc từ ngoài vào trung tâm hoặc từ trung tâm ra ngoài. Áp dụng khi đã xác định được trung tâm của hiện trường, tức là nơi tập trung nhiều dấu vết, vật chứng (nơi có xác chết, nơi bắt đầu cháy,…)

Thứ tư, phương pháp khám nghiệm theo cách cuốn chiếu. phương pháp này được áp dụng để khám nghiệm những hiện trường tương đối bằng phẳng, có chiều ngang nhỏ.

Thứ năm, phương pháp khám nghiệm theo đường song song. Áp dụng khi hiện trường có địa hình rộng, tương đối bằng phẳng.

2.2. Trình tự khám nghiệm hiện trường

Thứ nhất, chuẩn bị khám nghiệm. Trong giai đoạn này, bước đầu tiên là chuẩn bị lực lượng khám nghiệm bao gồm: Điều tra viên chủ trì khám nghiệm, các cán bộ kỹ thuật chuyên môn thuộc các chuyên ngành phù hợp, đại diện viện kiểm sát, người chứng kiến và những người khác. Bước thứ hai, chuẩn bị phương tiên khám nghiệm bao gồm: các phương tiên kỹ thuật phục vụ việc phát hiện, thu lượm, ghi nhân dấu vết vật chứng nhue valy khám nghiệm, các loại đèn chiếu sáng…, phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc, chó nghiệp vụ, các phương tiện hỗ trợ khác. Sauk hi đến hiện trường cần thực hiện một số công việc như: Nghe lực lượng bảo vệ hiện trường báo cóa và kiểm tra lại toàn bộ công tác bảo vệ hiện trường, bổ sung các biện pháp cần thiết; gặp gỡ trao đổi với cơ quan chủ quản hoặc chính quyền địa phương về sự việc xảy ra và các tình hình khác có liên quan; lựa chọn người đại diện chính quyền địa phương hoặc cơ quan xí nghiệp tham gia khám nghiệm và người chứng kiến cuộc khám nghiệm, giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ; họp lực lượng khám nghiệm và phân công nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia.

Thứ hai, tiến hành khám nghiệm. Bước đầu tiên là quan sát hiện trường, qua đó xác định được những vấn đề: phạm vi của hiện trường, vùng trung tâm và các vùng kế cận; Nơi có dấu vết, vật chứng, nơi tập trung nhiều dấu vết, vật chứng; quá trình diễn biến của sự việc, lối vào, lối thoát ra của thủ phạm; phương thức, thủ đoạn và công cụ, phương tiện phạm tội; nơi cần tập trung khám nghiệm và phương pháp khám nghiệm cụ thể; khả năng sử dụng chó nghiệp vụ. Bước thứ hai, khám nghiệm tỉ mỉ. Những công việc cụ thể được quy định ở khoản 3 Điều 150 Bộ luật TTHS.Theo đó, khi thực hiện, phải sử dụng các phương pháp và phương tiện phù hợp để phát hiện, thu lượm, ghi nhân, bảo quản và sơ bộ nghiên cứu đánh giá dấu vết, vật chứng; thu lượm và bảo quản các loại mẫu so sánh cần thiết…

Thứ ba, kết thúc khám nghiệm. Sau khi khám nghiệm xong, lực lượng khám nghiệm hiện trường phải giải quyết một số vấn đề cụ thể sau: họp rút kinh nghiệm và đánh giá kết quả khám nghiệm; quyết định bãi bỏ hay tiếp tục bảo vệ hiện trường; thông qua và ký nhận vào biên bản khám nghiệm hiện trường; đóng gói, niêm phong và bảo quản dấu vêt, vật chứng đã thu lượm.

II. Thực trạng khám nghiệm hiện trường

1. Kết quả đạt được.

Khám nghiệm hiện trường là một hoạt động mang tính kỹ thuật hình sự, do đó đội ngũ kỹ thuật viên đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điều tra này. Một thực tế hiện nay, các phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương vẫn là lực lượng chủ yếu tiến hành khám nghiệm hiện trường các vụ việc mang tính hình sự đã xảy ra mà đặc biệt là các vụ án có người chết. Với một khối lượng công việc đồ sộ như vậy, những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố cũng như lãnh đạo bộ Công an, hoạt động khám nghiệm hiện trường đã đạt được những kết quả khả quan.

Đối với những vụ việc mang tính hình sự, kết quả khám nghiệm hiện trường đã thực sự đóng vai trò to lớn trong việc xác định tính chất vụ án. Công việc này rất có ý nghĩa khi mà số lượng các vụ án ngày càng ra tăng như hiện nay. Việc xác định tính hình sự của vụ việc giúp loại trừ những vụ việc không thuộc phạm vi giải quyết của lực lược Công an, đồng thời giúp giải quyết nhanh chóng các vụ án. Điều này có ý nghĩa trong việc tiết kiệm không chỉ thời gian mà cả kinh phí và lực lượng cho hoạt động điều tra.

Ví dụ, tại phóng kỹ thuật hình sự Thành phố Hải Phòng, chỉ tính riêng số vụ việc có người chết được tiến hành khám nghiệm hiện trường trong các năm là rất lớn. Tuy nhiên, từ kết quả khám nghiệm tại hiện trường và khám nghiệm tử thi xác định một lượng lớn vụ việc này lại không phải là tội phạm.

Đối với các vụ án hình sự, kết quả các cuộc khám nghiệm đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc xác định phương hướng điều tra, giải quyết các vụ án. Trong thời gian qua, nhiều vụ án không phát hiện được quả tang nhưng do thực hiện tốt việc khám nghiệm hiện trường đã góp phần làm rõ các tình tiết của vụ án. Nhiều trường hợp vụ án đã được các cấp Tòa án xét xử khách quan, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị cáo vẫn kêu oan, đưa ra nhiều tình tiết mới như bị bức cung, mớm cung, nhằm phủ nhận lời khai của bị cáo trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa trước đó. Tuy nhiên qua xem xét lời khai của các nhân chứng, của các bị cáo khác, đặc biệt là căn cứ vào các vật chứng, biện bản khám nghiệm hiện trường vụ án đã xác định việc kết tội bị cáo là chính xác, không có căn cứ để kháng nghị.

Hơn nữa, thời gian quan, công tác khám nghiệm hiện trường đã có nhiều tiến bộ nhờ sự quan tâm chỉ đạo của ngành Công an và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chỉ thị số 02/CT/2006 – VKSTC – VP của Viện trường Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 6 nêu rõ: “Đối với các vụ trọng án không quả tang, những vụ án nghiêm trong phức tạp, Lãnh đạo Viện phải trực tiếp thâm gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi”. Do đó, hầu hết các vụ án có khám nghiệm hiện trường đã được Kiểm sát viện tham gian kiểm sát chặt chẽ việc khám nghiệm, tạo điều kiện nâng cao chất lượng các vụ khám nghiệm hiện trường, phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác điều tra.

2. Những tồn tại, thiếu sót và nguyên nhân.

2.1 Những tồn tại:

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhìn một cách tổng thể thì công tác khám nghiệm hiện trường còn một số tồn tại và thiếu sót. Điều này ảnh hưởng tới việc xác định phương hướng điều tra và đường lối giải quyết vụ án. Theo số liệu thống kê, các vụ án bị hủy ở cấp phúc thẩm có tới 97% là do thiếu sót trong công tác điều tra, trong đó có nhiều vụ án thiếu sót trong khâu khám nghiệm hiện trường. Riêng số vụ án vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông thường bộ theo Điều 202 của Bộ luật Hình sự bị hủy thì trong số đó có tới 55% số vụ án do công tác khám nghiệm hiện trường có sai sót.

Các sai sót chủ yếu của công tác khám nghiệm hiện trường đó là:

- Công tác khám nghiệm hiện trường còn chưa được chú ý và có phần xem nhẹ so với các hoạt động điều tra khác. Thông thường, các cán bộ điều tra chỉ chú ý vào người biết việc… để làm chứng cứ mà coi nhẹ các dấu vết, vật chứng thu được tại hiện trường.

- Việc thu lượm dấu vết, vật chứng còn chưa hiệu quả. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, lực lượng khám nghiệm thường chỉ chú trọng vào các dấu vết đặc trưng của từng loại hiện trường, do đó khi thu thập dấu vết, vật chứng đã bỏ lọt, bỏ sót nhiều dấu vết, thậm chí có những dấu vết quan trọng để chứng minh rõ vụ việc. Ngược lại, có trường hợp việc thu lượm dấu vết mẫu vật một cách tràn lan, thiếu định hướng gây khó khăn cho công tác giám định sau này.

- Các trang thiết bị dùng cho khám nghiệm hiện trường còn thiếu về số lượng và còn thô sơ, lạc hậu. Mặt khác, việc trang thiết bị thiếu đồng bộ đã dẫn tới việc sử dụng kém hiệu quả một số loại máy móc thiết bị và một số máy móc khác bị xếp xó, gần như không được sử dụng.

- Công tác khám nghiệm hiện trường đòi hỏi rất nhiều loại hồ sơ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều vụ việc cụ thể công tác hồ sơ khám nghiệm hiện trường không thống nhất, chưa đạt yêu cầu, biên bản khám nghiệm hiện trường trong nhiều trường hợp còn thiếu thông tin về tình hình hiện trường, các dấu vết không được phản ánh một cách khách quan.

- Việc bảo quản, niêm phong các dấu vết, vật chứng thu lượm được tại hiện trường không ít trường hợp còn có sai sót về kỹ thuật cũng như chưa đầy đủ . Trong thực tế cong những trường hợp Cơ quan điều tra không quản lý, bảo quản tốt vật chứng thu thập được, để thất lạc và không tìm lại được, điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc đánh giá chứng cứ vụ án.

- Về mặt tổ chức lực lượng, ở nhiều nơi, lực lượng công an quận, huyện, thị trấn chưa thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác bảo vệ cũng như khám nghiệm hiện trường một số vụ việc thuộc phân cấp của mình. Thực tế là lực lượng này khi tiến hành khám nghiệm chỉ thu giữ những mẫu vật nhìn thấy bằng mắt thường

2.2 Nguyên nhân dẫn đến các tồn tại.

Những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó những nguyên nhân chủ quan cần phải được quan tâm nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng công tác khám nghiệm hiện trường, phục vụ tốt cho quá trình điều tra vụ án. Các nguyên nhân chủ yếu gồm:

Thứ nhất, cán bộ làm công tác khám nghiệm hiện trường còn thiếu về lực lượng và yếu về trình độ chuyên môn, đặc biệt đội ngũ cán bộ kỹ thuật hình sự cấp huyện, thị. Thậm chí, nhiều huyện, thị không có đội ngũ cán bộ kỹ thuật hình sự hoặc có nhưng họ là cán bộ điều tra kiêm nhiệm, ít được đào tạo chuyên môn.

Thứ hai, phương tiện kỹ thuật hình sự còn thiếu và thô sơ, hầu hết có thời gian sử dụng đã lâu nên không còn đáp ứng yêu cầu.

Thứ ba, khám nghiệm hiện trường là một hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng trong thực tế vị trí pháp lý, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ chuyện trách về kỹ thuật hình sự chưa được xác định rõ. Điều này ảnh hưởng tới thái độ cũng như nhiệt tình làm việc của các kỹ thuật viên.

Thứ tư, do thái độ nhận thức của lãnh đạo, điều tra viên cũng như kỹ thuật viên hình sự chưa đầy đủ trong việc xác đinh vị trí, vai trò của công tác kỹ thuật hình sự nói chung và công tác khám nghiệm hiện trường nói riêng nên họ chỉ coi đây là biện pháp hỗ trợ hơn là biện pháp điều tra tố tụng hình sự mặc dù hoạt động khám nghiệm hiện trường đã được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định riêng tại Điều 150. Hơn nữa, việc kiểm tra của lãnh đạo về các yêu cầu pháp luật, nghiệp vụ trong hoạt động của cấp dưới chưa đầy đủ dẫn tới sự tùy tiện và mang nặng hình thức trong hoạt động của lực lượng khám nghiệm hiện trường.

Thứ năm, chính sách đãi ngộ cũng là một nguyên nhân dẫn đến những hạn chế. Tại hầu hết các tỉnh, thành của cả nước, chế độ chính sách đãi ngộ về trách nhiệm và độc hại cho lược lượng kỹ thuật viên hình sự chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến một số cán bộ thiếu nhiệt tình công tác, không phát huy được năng lực vốn có, một số không chịu học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, tìm cách chuyển vị trí công tác.

Trên đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới những hạn chế của công tác khám nghiệm hiện trường thời gian qua. Những nguyên nhân này có thể khắc phục được tuy còn nhiều khó khăn.

III. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của khám nghiệm hiện trường trong điều tra hình sự.

1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Pháp luật điều chỉnh mọi lĩnh vực, hoạt động trong đời sống xã hội. Riêng đối với hoạt động khám nghiệm hiện trường, những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự là hết sức quan trọng. Trong đó, tư cách pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các lực lượng tham gia vào công tác khám nghiệm hiện trường cần được quy định rõ ràng cụ thể, từ đó thúc đẩy công tác này theo một quy trình nhất định.

Trước đây, Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 có quy định điều tra viên phải báo cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, song Viện kiểm sát tham gia như thế nào vào công tác này vẫn chưa được quy định cụ thể. Do đó, Bộ luật TTHS năm 2003 đã quy định sự có mặt bắt buộc của Kiểm sát viên trong quá trình khám nghiệm hiện trường cũng như vai trò, quyền hạn của Kiểm sát viên. Điều này đảm bảo cho hoạt động khám nghiệm hiện trường tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 150 – Bô luật TTHS đã quy định riêng về khám nghiệm hiện trường, tuy nhiên quy định này còn chưa đầy đủ. Luật quy định lực lượng điều tra giữ vai trò chủ trì cuộc khám nghiệm hiện trường nhưng trên thực tế, các kỹ thuật viên khám nghiệm là những người thực hiện từ đầu đến cuối các công việc như: phát hiện, thu lượm, bảo quản dấu vết vật chứng đến hoàn chỉnh hồ sơ khám nghiệm. Khám nghiệm hiện trường là một công việc mang tính kỹ thuật do vậy, nó đòi hỏi những người tiến hành cần có trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, vai trò của các kỹ thuật viên khám nghiệm hiện trường lại không được luật quy định rõ. Điều này gây khó khăn cho quá trình làm việc cũng như tinh thần làm việc của các kỹ thuật viên cũng như điều tra viên.

Công tác điều tra hình sự nói chung và trong lĩnh vực khám nghiệm hiện trường nói riêng, Bộ luật TTHS giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Việc quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các lực lượng tham gia vào công tác này là cần thiết, điều này sẽ thúc đẩy công tác khám nghiệm hiện trường hoạt động theo một quy trình nhất định. Do đó, Bộ Luật TTHS cần quy định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò cũng như mối quan hệ giữa lực lượng kỹ thuật viên khám nghiệm, lực lượng điều tra và các thành phần khách tham gia khám nghiệm hiện trường.

2. Cần nâng cao năng lực của điều tra viên và kỹ thuật viên khám nghiệm hiện trường.

Các kết quả của công tác khám nghiệm hiện trường phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, khả năng thụ cảm, tư duy của cán bộ điều tra, cán bộ khám nghiệm.

Thực tế hiện nay lực lượng cán bộ kỹ thuật hình sự vừa thiếu lại vừa yếu. Do số lượng cán bộ được đào tạo ít, dẫn đến việc có những cán bộ không đúng chuyên môn để bù đắp thiếu hụt về số lượng. Việc làm này càng làm cho chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật hình sự không đáp ứng yêu cầu thực tế.

Khắc phục tình trạng này cần phối hợp cả việc đào tạo ván bộ mới với nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ hiện đang công tác. Cụ thể như sau:

Tăng số lượng học viên chuyên ngành kỹ thuật hính sự mỗi khóa của Học viên Cảnh sát nhân dân. Điều này giúp tăng số lượng cán bộ được đào tạo cơ bản chuyên ngành kỹ thuật hính sự, là tiền đề để bồi dưỡng những cán bộ có chuyên môn cao, tiếp cận với trình độ chung của các nước trong khu vực;

Những cán bộ bị điều chuyển làm những công việc không đúng chuyên môn cần được chuyển về đúng vị trí công tác của họ;

Có kế hoạch thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về công tác khám nghiệm hiện trường cho đội ngũ kỹ thuật viên hiện đang công tác. Điều này là thật sự cần thiết do sự phát triển ngày càng nhanh của công nghệ và thủ đoạn phạm tội của bọn tội phạm cũng ngày càng tinh vi hơn. Đồng thời lực lượng kỹ thuật viên hình sự hiện nay ở các cấp quận huyện, thị còn yếu, việc nâng cáo nghiệp vụ là cần thiết;

Cần tiến hành kiểm tra chuyên môn để từ đó có phương hướng bồi dưỡng và hướng dẫn cho lực lượng làm công tác khám nghiệm hiện trường. Bên cạnh đó, lực lượng này cần thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, thảo luận về khám nghiệm hiện trường các vụ điển hình.

3. Bổ sung phương tiện kỹ thuật hình sự hiện đại cho công tác khám nghiệm hiện trường.

Toàn bộ dấu vết, vật chứng thu thập được ở hiện trường là cơ sở để tiến hành các bước điều tra tiếp theo. Tuy nhiên để những dấu vết, vật chứng này hé lộ những thông tin quan trọng về sự thật của vụ án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong số đó là vấn đề phát hiện, thu thập, bảo quản vật chứng. Vấn đề này có liên quan trực tiếp tới các trang thiết bị kỹ thuật, để công tác khám nghiệm hiện trường đạt hiệu quả cao nhất thì việc được trang bị đầy đủ các phương tiên chuyện dùng là điều kiện cần thiết.

Hiện tại, việc trang bị ngay các phương tiện kỹ thuật hình sự hiện đại là điều khó khăn, do vậy đòi hỏi đặt ra đối với mỗi cán bộ đó là: Khai thác, sử dụng triệt để các trang thiết bị hiện có, phát huy tinh thần tiết kiệm, sang tạo trong công tác… đồng thời trong thời gian sớm nhất cần giải quyết một số vấn đề sau:

Nhanh chóng trang bị những phương tiện cần thiết cho công tác khám nghiệm hiện trường. Song song với việc bổ sung thiết bị cần tính đến việc đào tạo cán bộ sử dụng.

Tiến hành nối mạng thông tin nghiệp vụ nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho việc phối hợp hoạt động của các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường nói riêng và các hoạt động điều tra khác. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu vấn đề thiết lập cơ sở dữ liệu tội phạm.

Phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ phận liên quan như phòng hậu cần, Viện Khoa học hình sự… trong các vấn đề về công nghệ và kinh phí cho việc trang bị các phương tiễn kỹ thuật cần thiết.

4. Cần làm tốt công tác bảo vệ hiện trường.

“Bảo vệ hiện trường là việc sử dụng các lực lượng, biện pháp và các phương tiện phù hợp nhằm giữ nguyên trạng của hiện trường nói chung, dấu vết, vật chứng có ở hiện trường nói riêng cũng như phát hiện, ghi nhận những thông tin, thay đổi ở hiện trường có liên quan đến vụ việc đã xảy ra.”

Để làm tốt công tác bảo vệ hiện trường cần:

Thường xuyên mở các lớp tập huấn về nhiệm vụ bảo vệ hiện trường cho cán bộ cấp quận, huyện, thị và lực lượng cở sở gồm: Công an xã, phường, bảo vệ dân phố.

Tuyên truyền, giáo dục cho quần chứng nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và những vấn đề khác có liên quan đến công tác bảo vệ hiện trường.

5. Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường và với các lực lượng nghiệpvụ khác.

Bộ luật TTHS chưa có những quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của từng lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường, vì vậy phân công cũng như phối hợp hoạt động giữa các lực lượng này là yếu tố quan trọng dẫn tới sự thành công của một cuộc khám nghiệm.

Lực lượng kỹ thuật hình sự là lực lượng tiến hành khám nghiệm hiện trường còn điều tra viên là người chủ trì cuộc khám nghiệm, do đó để tránh tình trạng các cán bộ khám nghiệm không chủ động được kế hoạch khám nghiệm thì cần có sự trao đổi thông tin cần thiết giữ hai lực lượng này. Đại diện Viện kiểm sát tham gia vào qua trình khám nghiệm hiện trường là bắt buộc. Viện kiểm sát mà trực tiếp là kiểm sát viên phải thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khám nghiệm hiện trường, đảm bảo cho việc khám nghiệm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật viên khám nghiệm, Điều tra viên với cán bộ Công an cấp cơ sở để trao đổi thông tin liên quan đến vụ việc phục vụ cho công tác điều tra và khám nghiệm đạt hiệu quả. Các lực lượng nghiệm vụ khác tùy theo chức năng của mình và yêu cầu của cơ quan điều tra có trách nghiệm phối hợp, tạo điều kiện cho công tác khám nghiệm hiện trường được tiến hành thuận lợi đạt kết quả cao.

KẾT LUẬN

Công tác khám nghiệm hiện trường là một bộ phận trong chiến thuật điều tra hình sự. Nó có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống những biện pháp, phương tiện phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm.. Vì vậy, việc nghiên cứu về khám nghiệm hiện trường, đưa ra những vấn đề lý luận cơ bản cũng như trình tự và các yêu cầu pháp luật đặt ra đối với công tác khám nghiệm hiện trường nhằm mục đích rút ra những tồn tại của công tác này và nguyên nhân của nó. Từ đó, đưa ra một số giải pháp góp phần đẩy lùi hạn chế và nâng cao hiệu quả của công tác khám nghiệm, dáp ứng yêu cầu thực tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ luật hình sự năm 1999.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003

Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004.

Trường đại học Luật Hà Nội, giáo trình Khoa học điều tra hình sự.

Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam.

No comments:

Post a Comment