27/01/2015
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản - Bài tập học kỳ Pháp luật kinh doanh bảo hiểm
I. QUYỀN LỢI CÓ THỂ ĐƯỢC BẢO HIỂM TRONG BẢO HIỂM TÀI SẢN

1. Một số khái niệm liên quan.

1.1. Bảo hiểm:

Theo quy định của LKDBH 2000 thì; Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

1.2. Tài sản:

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam tại Điều 63 BLDS quy định “ Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Như vậy khái niệm tài sản theo quy định của BLDS là mang tính chất liệt kê.

1.3. Hợp đồng bảo hiểm:

Điều 567 BLDS quy định: “ Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.

Như vậy trong HĐBH bao gồm bên bảo hiểm là bên sẽ nhận được phí bảo hiểm để thiết lập quỹ tài chính và chịu trách nhiệm chi trả hoặc bồi thường bảo hiểm; bên mua BH, là người tham gia bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm về việc ký kết và nộp phí bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm phải là người có đủ tư cách pháp lý khi tham gia bảo hiểm. Sự kiện BH là các sự kiện khách quan do các bên tham gia bảo hiểm thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định mà khi sự kiện bảo hiểm đó xảy ra thì bên nhận bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm. Các hợp đồng bảo hiểm có thể kí kết trực tiếp giữa bên bảo hiểm với người tham gia bảo hiểm hoặc kí gián tiếp thông qua môi giới, đại lý bảo hiểm.

1.4. Hợp đồng bảo hiểm tài sản.

1.4.1.Khái niệm.

Đến nay vẫn chưa có một khái niệm chính xác thế nào là HĐHTS nhưng từ những khái niệm về HĐBH trong BLDS, LKDBH cũng như một số khái niệm đã được các nhà nghiên cứu trước đưa ra và dựa trên đối tượng bảo hiểm thì: “HĐBHTS là sự thỏa thuận giữa hai bên, theo đó bên nhận bảo hiểm có trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với tài sản bảo hiểm cho bên bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra còn bên được bảo hiểm có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp phí bảo hiểm như đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật”�.

1.4.2. Đặc trưng của HĐBHTS

HĐHTS bao gồm các đặc điểm sau đây:

HĐBHTS là hợp đồng song vụ và mở sẵn;

HĐBHTS là hợp đồng có tính chất đền bù

HĐBHTS là loại hợp đồng may rủi

HĐBHTS cho phép áp dụng nguyên tắc thế quyền.

Đối tượng của HĐBHTS là tài sản

HĐBHTS có số tiền bảo hiểm bị giới hạn bởi giá trị thực tế của tài sản được bảo hiểm.

HĐBHTS cho phép các bên thỏa thuận bảo hiểm trùng.

1.4.3. Ý nghĩa của hợp đồng bảo hiểm tài sản.

Mọi thiện tại, dịch bệnh luôn rình rập con người, chúng ở khắp nơi không phụ thuộc vào ý muốn của con người, có thể đến và đi bất cứ lúc nào. Khi rủi ro đến sẽ kéo theo những tổn thất không lường trước được, để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống con người, cộng đồng dân cư và cả một xã hội. Các rủi ro gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản…làm cho con người lâm vào tình cảnh khó khăn, tự bản thân mình không thể tự khắc phục đươc. Người xưa đã có câu “Không ai giúp đỡ được mình bằng chính mình cả”. Do đó, mua BH là một sự lựa chon cần thiết và sáng suốt trong tình huống này vì bảo hiểm là một biện pháp hữu hiệu, chắc chắn trong việc khắc phục các tổn thất tài chính mà rủi ro mang lại, bình ổn cuộc sống vật chất, đem lại cảm giác bình an cho những người tham gia bảo hiểm vì BH là sự chuyển giao trách nhiệm gánh chịu rủi ro khi rủi do xảy ra.

Bên cạnh bảo hiểm tính mạng, sức khỏe thì phải kể đến việc bảo hiểm tài sản vì bảo hiểm tài sản sẽ giúp cá nhân, tổ chức ổn định sản xuất kinh doanh, tạo sự cân bằng trong nền kinh tế đất nước, tạo ra sự ổn định chung cho toàn xã hội, góp phần giảm chi, ổn định thu cho ngân sách nhà nước. Đối với bảo hiểm tài sản, mỗi cá nhân, tổ chức có thể tự xác định được những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra từ đó đưa ra những kế hoạch, chiến lược nhằm chủ động đối phó với những thiệt hại mà rủi ro gây ra. Mặt khác, DNBH cũng thu được một khoản phí bảo hiểm để bù đắp thiệt hại, đảm bảo cho xã hội chủ động đối phó với mọi hậu quả của rủi ro.

Bảo hiểm tài sản giúp cho người tham gia bảo hiểm có tinh thần thoải mái, ổn định cuộc sống, giúp bên bảo hiểm có khả năng tạo công ăn việc làm cho người dân, thu hút một nguồn vốn để hoạt động kinh doanh, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, nền kinh tế đất nước. Thúc đẩy mối quan hệ kinh tế đối ngoại với nước ngoài, tạo niềm tin cho các đối tác khi tham gia bảo hiểm tài sản cũng như trở thành doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tài sản tại Việt Nam.

Tóm lại, bảo hiểm nói chung vào bảo hiểm tài sản cũng như HĐBHTS nói riêng có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm mà còn đối với cộng đồng, xã hội và đất nước.

2.Bản chất bảo hiểm tài sản.

Bảo hiểm tài sản là loại hình bảo hiểm ra đời từ lâu, với mục đích bảo vệ tình hình tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi không may tài sản của họ bị tổn thất, mất mát vì nhiều lý do khác nhau. Ở Việt Nam, bảo hiểm tài sản có nhiều tên gọi, nhưng phổ biến tồn tại dưới ba loại đơn chính, đó là: BH cháy nổ bắt buộc; BH cháy và các rủi ro đặc biệt; Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản. Bên cạnh 3 đơn vị bảo hiểm chính này, còn có một số loại đơn BH khác được thiết kế phù hợp với nhu cầu thực tế và được “ nhập khẩu” từ nước ngoài về, đó là: BH mọi rủi ro văn phòng và BH mọi rủi ro nhà ở.

Cùng với sự phát triển của xã hội, bảo hiểm ngày càng phát triển. Chính vì vậy bảo hiểm tài sản càng trở nên phong phú và đa dạng hơn trước rất nhiều. Bên cạnh bảo hiểm con người, bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì bảo hiểm tài sản là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực bảo hiểm. Bảo hiểm tài sản là “một trong ba cái chân” làm nên cái kiềng ba chân vững chắc của bảo hiểm. Không chỉ tài sản mà cả những sản phẩm bảo hiểm phát sinh từ việc tài sản được bảo hiểm đều nằm trong phạm vi bảo hiểm tài sản.

Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm tài sản “ là loại hình bảo hiểm, theo đó, người bảo hiểm thu phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm và cam kết bồi thường cho bên được bảo hiểm khi tài sản bị những rủi ro trong phạm vi bảo hiểm dẫn đến tổn thất”�

Bảo hiểm tài sản có những đặc điểm nổi bật sau đây:

Đặc điểm về đối tượng của bảo hiểm tài sản: Đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm tài sản là tài sản-những yếu tố có thể định giá được bằng tiền. Dù tài sản là vô hình hay hữu hình, các bên cũng phải định gia được giá trị của tài sản. Đây là yếu tố quan trọng để xác định mức phí bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho bên bảo hiểm và phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của bên bảo hiểm. Cụ thể số tiền mà bên bảo hiểm bồi thường cho bên được bảo hiểm không vượt quá giá trị của tài sản bảo hiểm tại thời điểm và nơi xảy ra tổn thất. Cũng do đó mà quan hệ bảo hiểm tài sản là quan hệ bảo hiểm tương xứng- tương xứng với giá trị bảo hiểm của tài sản, tương xứng với mức phí bảo hiểm đã đóng.

Về nguyên tắc, mọi thứ tài sản đề có thể trở thành đối tượng của bảo hiểm tài sản. Có thể nói rằng, từ những tài sản cố định, tài sản lưu động và công trình xây dựng cơ bản của những doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp với những tư liệu dùng như nhà cửa, đồ dùng gia đình, đồ điện của cá nhân, từ những chiếc ô tô chạy trên đường, con tàu lướt song đại dương cho tới những chiếc máy bay đang bay trên trời cao, đều có thể trở thành đối tượng bảo hiểm tài sản. Đối với những tài sản quý hiếm, theo giá cả thị trường hay thay đổi thất thường hoặc không có giá cả cố định như vàng, bạc, châu báu, đồ trang sức, đồ cổ, tranh cổ, tem chơi, tác phẩm nghệ thuật, đều có thể thỏa thuận với bên mua bảo hiểm để mua bảo hiểm cho những loại tài sản này.

Tuy vậy, trong thực tế không phải bất cứ tài sản nào cũng được bảo hiểm. Đối với những vật không có tiêu chuẩn khách quan để nhận xét vê giá trị, khó dự đoán về tỉ lệ tổn thất, mức độ rủi ro cao như chứng khoán có giá, sec, văn kiện, sổ sách, biểu mẫu, tặng phẩm, không được coi là đối tượng bảo hiểm tài sản.

Đặc điểm về lợi ích được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản: Trong bảo hiểm tài sản, lợi ích có thể được bảo hiểm phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Một là, lợi ích được bảo hiểm phải là lợi ích hợp pháp, tức là phải được pháp luật thừa nhận. Bởi vì, cơ sở để hình thành nên quyền lợi được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản là quyền sở hữu hoặc quyền quản lý của bên mua bảo hiểm đối với tài sản. Chẳng hạn một người mua bảo hiểm cho tài sản do mình trộm cắp mà có, hay chủ hàng mua bảo hiểm vận chuyển hàng hóa cho những mặt hàng quốc cấm.. là điều không thể.

Hai là, lợi ích trong bảo hiểm tài sản phải là lợi ích tồn tại tại thời điểm giao kết hợp đồng. Một người mua bảo hiểm tài sản mà không chứng minh được lợi ích cần được bảo hiểm đang tồn tại thì không thể hình thành quan hệ bảo hiểm tài sản.

Ba là, lợi ích bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản phải định lượng được. Tức là có thể tính toán về mặt giá trị. Trong một số trường hợp, mặc dù các bên không định giá được chính xác giá trị của tài sản thì cũng phải dựa vào những tiêu chí nhất định để xác định giá trị của tài sản. Những tiêu trí này phải được nhà nước hoặc những tổ chức định giá hoạt động hợp pháp thừa nhận. Đối với tài sản mà các bên không thể định giá được hoặc không có cơ sở để định giá như một số cổ vật, các tài sản là vật đặc định quý hiếm… thông thường bên bảo hiểm sẽ từ chối bảo hiểm vì không có căn cứ để xác định trách nhiệm bảo hiểm.�

3. Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản.

3.1. Khái niệm

Theo Khoản 9 Điều 3 Luật KDBH thì quy định: Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm.

Như vậy, trong các quan hệ pháp luật, quyền lợi có thể được bảo hiểm có thể tồn tại hay không là tuỳ thuộc vào quy định cụ thể của Luật  pháp và của từng loại bảo hiểm.

Tuy chưa có một định nghĩa cụ thể về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản, nhưng từ khái niệm trên ta có thể hiểu quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản đối với đối tượng được bảo hiểm. Trong đó quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu hoặc quyền nắm giữ tài sản có gắn liền với trách nhiệm bồi thường. Quyền sử dụng là quyền của chủ sở hữu hoặc là người được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng. Quyền định đoạt là quyền của chủ sở hữu chấm dứt việc sở hữu tài sản đó.

3.2. Nội dung.

Về mặt lý thuyết, nguyên tắc quyền lợi có thể bảo hiểm dựa trên quan điểm: một người khi có nhu cầu ký kết một hợp đồng bảo hiểm là nhằm mục đích tìm kiếm sự bảo vệ trước các tổn thất hơn là để nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận từ sự tồn tại của đơn bảo hiểm. Theo luật pháp của nước Anh, thì một người sẽ phạm luật nếu họ cố tình ký kết hoặc giúp ký kết một hợp đồng bảo hiểm hàng hải khi người yêu cầu bảo hiểm không có quyền lợi có thể bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm và không có mục tiêu hợp lý trong việc hưởng lợi từ quyền lợi có thể bảo hiểm đó. Quy định này được chi phối bởi Luật Bảo hiểm Hàng hải về đơn bảo hiểm đánh bạc (Marine Insurance (Gambling policy) Act) 1909 của nước Anh, theo đó người phạm tội có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền cho hành vi phạm pháp của mình và toàn bộ số tiền liên quan sẽ được sung công, trong khi đó Điều 22.1(a) của Luật Kinh doanh Bảo hiểm Việt nam 2000 (LBH 2000) quy định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi người mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể bảo hiểm.�

Như vậy, nguyên tắc này yêu cầu người tham gia bảo hiểm phải có lợi ích bị tổn thất nếu đối tượng được bảo hiểm gặp rủi ro. Nói cách khác, người tham gia bảo hiểm phải có mối quan hệ với đối tượng được bảo hiểm và được pháp luật công nhận.

Khi người yêu cầu bảo hiểm thực sự sở hữu tài sản là đối tượng bảo hiểm thì quyền lợi có thể bảo hiểm chính là quyền sở hữu tài sản, đây chính là giá trị thực sự của tài sản bị rủi ro của người yêu cầu bảo hiểm. Trong thực tiễn quyền lợi có thể bảo hiểm của tài sản chính là quyền sở hữu của chủ sở hữu hay những người được chủ sở hữu ủy quyền được chiếm hữu và định đoạt tài sản. Chủ sở hữu “có quan hệ pháp lý và hợp lý” với tài sản và “họ có thể hưởng lợi từ tài sản, đồng thời họ cũng có thể bị phương hại bởi tổn thất hoặc hư hỏng của tài sản”. Do vậy chủ sở hữu rõ ràng có một quyền lợi có thể bảo hiểm đối với tài sản của mình và quyền lợi được duy trì một khi họ vẫn còn quyền sở hữu đối với tài sản đó ngay cả khi tài sản được đem làm vật thế chấp cho một khoản tiền vay. Quyền lợi có thể bảo hiểm của chủ sở hữu còn có thể bao gồm các quyền lợi bổ sung đi kèm.

Trong bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm phải chứng minh được tổn thất của tài sản phải có những ảnh hưởng đối với họ thì mới được phép mua bảo hiểm. Một người không có quyền sở hữu đối với tài sản thì không có quyền định đoạt các vấn đề liên quan tới nó. Ngoài ra, khi người được bảo hiểm bị mất quyền lợi có thể bảo hiểm của họ trước khi xảy ra tổn thất họ cũng không thể đòi bồi thường theo đơn bảo hiểm. Ví dụ trong trường hợp chủ sở hữu bán tài sản và ký một hợp đồng để bảo hiểm cho tài sản vận chuyển và việc chuyển giao quyền sở hữu cho người mua được thực hiện trong quá trình vận chuyển. Do quyền lợi có thể bảo hiểm của người bán kết thúc khi chuyển giao quyền sở hữu nên họ không thể đòi bồi thường theo đơn bảo hiểm đối với mọi tổn thất xảy ra sau khi họ đã mất quyền sở hữu đối với tài sản, ngay cả khi đơn bảo hiểm áp dụng cho toàn bộ quá trình vận chuyển tài sản. Thực tiễn, thông thường trong các trường hợp như vậy, người bán sẽ chuyển nhượng cho người mua toàn bộ quyền lợi của mình theo đơn bảo hiểm, theo đó cho phép người mua trở thành người được bảo hiểm và họ có toàn quyền trong việc khiếu nại đòi bồi thường đối với các tổn thất trong suốt thời gian vận chuyển. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi người được bảo hiểm không có quyền lợi có thể bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm vào thời điểm xảy ra tổn thất, thì họ không thể mua được một quyền lợi có thể bảo hiểm bằng mọi cách khi họ đã biết về tổn thất.

Cần chú ý rằng: khi quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản được bảo hiểm thuộc hai chủ thể khác nhau thì vấn đề sẽ phức tạp hơn. Trong trường hợp này cả chủ sở hữu và chủ sử dụng đều có quyền lợi được bảo hiểm. Chẳng hạn, chủ sửa chữa ô tô có quyền hợp pháp khi tham gia bảo hiểm cho chiếc xe ô tô mà anh ta đang đảm nhận sửa chữa. Đó là quyền chiếm hữu, đồng thời chủ xe ô tô cũng có thể tham gia bảo hiểm cho chiếc xe này.

Hay trường hợp một người có thể ký kết một hợp đồng bảo hiểm chỉ để bảo hiểm một phần của tài sản bị rủi ro. Như vậy khi một tài sản sở hữu bởi hai người thì bất kỳ ai trong số họ đều có thể ký kết một hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ phần tài sản của mình bất kỳ người kia có bảo hiểm phần tài sản của họ hoặc bảo hiểm với một người bảo hiểm khác hay không

Như vậy nguyên tắc về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản sẽ loại bỏ được khả năng trục lợi bảo hiểm bởi hai lý do sau:

Thứ nhất, trên thực tế, ít có khả năng người có lợi ích đối với tài sản lại hủy hoại nó trừ trường hợp người mua bảo hiểm tự hủy hoại tài sản không còn nhiều giá trị để được bồi thường hoặc hủy hoại thêm để được hưởng số tiền bồi thường lớn hơn. Mặt khác, nếu người mua bảo hiểm không có quyền lợi đối với tài sản bảo hiểm thì tổn thất xảy ra không liên quan tới họ.

Thứ hai, ở góc độ pháp lý, nếu một người không có lợi ích tài chính liên quan đến tài sản mà họ lại bảo hiểm cho tài sản đó thì thực chất đây là hành vi đánh bạc. Hành vi này thường bị pháp luật nghiêm cấm�.

3.3. Việc áp dụng nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản.

Một trong những nguyên tắc của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể bảo hiểm cho những rủi ro khách quan và mang tính ngẫu nhiên xảy ra đối với bên mua bảo hiểm. Không một doanh nghiệp bảo hiểm nào lại chấp nhận gánh chịu tổn thất cho bên mua bảo hiểm khi biết chắc rủi ro đã xảy ra đối với tài sản bảo hiểm. Ngoài ra, trong bảo hiểm tài sản, để được doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm thì bên mua phải có lợi ích bảo hiểm. Lợi ích bảo hiểm này phải thỏa mãn các điều kiện hợp pháp và xác định được. Như vậy, nếu tại thời điểm mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm (tài sản ) không còn tồn tại nữa thì bên mua bảo hiểm không còn lợi ích đối với tài sản và sẽ không thể giao kết hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều trường hợp, tài sản đã tổn thất rồi, bên mua bảo hiểm mới tiến hành mua bảo hiểm cho tài sản. Hình thức trục lợi bảo hiểm này không phải là hiếm.

VD: Tàu biển đã bị đắm, toàn bộ hành hóa bị tổn thất, chủ hàng hóa mới đi mua bảo hiểm. Thực tế cho thấy, có khi người bán bảo hiểm không biết là tài đã bị đắm, nhưng phần lớn là có cự “ bắt tay bẩn “ với nhau để ghi ngày giao kết hợp đồng bảo hiểm trước ngày xảy ra đắm tàu, làm cho hợp đồng bảo hiểm có giá trị pháp lý. Đúng ra là hợp đồng này vô hiệu vì sự kiện bảo hiểm đã xảy ra, đối tượng bảo hiểm ( ở đây là hàng hóa) không còn tồn tại nữa. (Điều 22 khoản 1 Luật KDBH).

Một trong các

trường hợp điển hình tại thị trường bảo hiểm Việt nam về các nguyên tắc bảo hiểm trong đó nguyên tắc quyền lợi có thể bảo hiểm được thể hiện rõ nét nhất đó là Vụ tàu Romaska. Tóm tắt vụ kiện như sau:

Ngày 01/03/1996 Công ty Sadaco mua bảo hiểm cho lô hàng 9.125 tấn bột mỳ nhập khẩu từ Ấn độ với trị giá hơn 24 tỷ đồng. Tàu hoàn tất xếp hàng vào 08/02 và thuyền trưởng đã phát hành vận tải đơn sạch, tuy nhiên do có tranh chấp về thanh toán cước phí với người vận tải và hợp đồng mua bán với người bán, do vậy tàu không thể khởi hành. Cho đến ngày 23/03 Sadaco đã từ chối thanh toán bộ chứng từ và ngày 31/05 ngân hàng xác nhận và chiết khấu là Standard Chartered Bank đã chấp nhận nhận lại bộ chứng từ, sau đó ngày 05/06 Sadaco cũng đã tuyên bố với người vận tải, TAND, VKSND TP.HCM, Cơ quan điều tra… về việc hủy hợp đồng vận chuyển và hợp đồng mua bán. Ngày 23/07 thì con tàu bị đắm do bão và ngày 31/07 Sadaco gửi hồ sơ khiếu nại Bảo Minh đòi bồi thường tổn thất toàn bộ lô hàng với số tiền 22,5 tỷ đồng. Căn cứ vào các bằng chứng và thông tin có liên quan Bảo Minh đã từ chối bồi thường dựa trên nhiều lý do nhưng lý do cơ bản và quan trọng nhất là Sadaco không có quyền lợi có thể bảo hiểm vào thời điểm xảy ra tổn thất vì họ không còn là chủ sở hữu của lô hàng do đã hủy hợp đồng mua bán và hợp đồng vận chuyển, cũng như không thanh toán tiền mua hàng. Sau khi bị từ chối bồi thường ngày 18/09 Sadaco đã kiện Bảo Minh, sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm TAND TP.HCM đã tuyên Bảo Minh phải bồi thường. Bảo Minh đã khiếu nại giám đốc thẩm và Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã nhận định Sadaco không phải là chủ lô hàng bột mì trên do vậy Sadaco không có quyền lợi có thể bảo hiểm, vì vậy đã ra quyết định hủy hai bản án trên giao TAND TP.HCM giải quyết lại từ đầu. Mặc dù về lý thuyết vụ kiện vẫn chưa kết thúc nhưng phán quyết của TAND tối cao đối với vụ kiện này là một trong những cột mốc quan trọng trong việc kiện toàn hệ thống pháp luật của Việt nam và nâng cao hiểu biết liên quan đến bảo hiểm cho các doanh nghiệp Việt nam trong tiến trình hội nhập với kinh tế thế giới.�

II. PHÂN TÍCH MỘT TÌNH HUỐNG THỰC TẾ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TÀI SẢN.

Theo từ điển thuật ngữ luật học: “Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng là tranh chấp giữa các bên trong việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng”. Vì thế tranh chấp HĐBHTS là sự xung đột bất đồng ý kiến giữa DNBH và bên tham gia bảo hiểm trong việc thực hiện các điều khoản của HĐBHTS.

Thực tế là có rất nhiều trường hợp khách hàng khi ký kết hợp đồng chưa hiểu hoặc hiểu chưa hết được các quyền và nghĩa vụ của mình trong khi các đại lý với các tư vấn viên muốn ký kết được nhiều hợp đồng với khách hàng thường nêu lên các quyền hoặc các ưu đãi do ký kết hợp đồng mang lại mà quên đi việc giải thích cho khách hàng các điều khoản có thể ảnh hưởng đến chính quyền lợi của họ như: điều khoản miễn trách nhiệm, điều khoản giá trị hoàn lại khi hợp đồng đã có hiệu lực trên 2 năm...Các quy định của luật là điều kiện để HĐBHTS được thực hiện, tránh tranh chấp xảy ra, tạo nên một môi trường pháp lý lành mạnh. Nhưng thực trạng áp dụng các quy định của pháp luật về BHTS ở Việt Nam vẫn tạo ra nhiều tranh chấp. Có rất nhiều các nguyên nhân khác nhau và các nguyên nhân phổ biến là do DNBH từ chối trả tiền bảo hiểm thiếu căn cứ pháp luật, do bên mua bảo hiểm cố ý gây ra sự kiện bảo hiểm để được nhận tiền bảo hiểm, do sự thiếu hoàn chỉnh trong quy định của pháp luật. Dưới đây là một tình huống thực tế tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản.

1. Nội dung của vụ tranh chấp.

Ngày 9/10/2002, Công ty TNHH Sông Tiền bán 2 lô hàng tôm biển cho Công ty Pizoler AG ( Thụy Sĩ) từ TP. HCM vận chuyển sang Đức. Trên đường đi, một lô hàng gần 16 tấn bị cháy, sự việc xảy ra sáng 11/11/2002.

Biết tin, vài giờ sau, Phan Hồng Thu ( Giám đốc công ty Việt Thái Phong) nhờ một nhân viên của Công ty Sông Tiền mang hai bộ hồ sơ liên quan việc xuất khẩu lô hàng tới chi nhánh Công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (Pjico) tại TP HCM để làm thủ tục mua bảo hiểm. Người tiếp nhận và hoàn tất thủ tục cho họ là Nguyễn Thị Bích Hợp ( nhân viên phòng bảo hiểm hàng hải. Theo đó, chấp nhận Công ty Sông Tiền đứng tên mua nhưng đơn vị được nhận bảo hiểm lại là Việt Thái Phong. Ngày 26/11/2002, nữ giám đốc này kí công văn gửi Pjico TP HCM đề nghị được trả tiền bảo hiểm cho lô hàng bị tổn thất gần 250.000 USD.

Quá trình điều tra xác định, Việt Thái Phong đã làm giả các tài liệu để chứng minh họ có đủ tư cách mua, thụ hưởng bảo hiểm và giá trị hàng được bảo hiểm. Tuy nhiên, sau đó tháng 9/2004 bà Thu từ TP HCM đã ra Hà Nội gặp lãnh đạo Pjico và những người trực tiếp giải quyết… Sau nhiều lần “ đàm phán” nữ giám đốc này đã thỏa thuận được với Vũ Dương Quý ( Trưởng phòng giám định bồi thường), Ngô Hồng Khoa ( phó phòng), TGĐ Pjico Trần Nghĩa Vinh và phó TGĐ Hồ Mạnh Quân chia chác tiền bảo hiểm.

Vì lẽ đó, VKSNDTC ra cáo trạng truy tố Phan Hồng Thu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hôi lộ; Bị can Trần Nghĩa Vinh và Hồ Mạnh Quân tội nhận hối lộ…

Đây là một trong những vụ án được hoãn đi, xử lại nhiều lần nhất. Cáo trạng thay đổi, có nghĩa tội danh các bị cáo cũng thay đổi đến “ chóng mặt”.�

2. Phân tích

Tuy đây là một bản án hình sự và đã có phán quyết thực tế nhưng rõ ràng có dấu hiệu trục lợi liên quan đến bảo hiểm. Ranh giới giữa việc bồi thường thông thường với việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là một danh giới mong manh. Hành vị trục lợi trong hợp đồng bảo hiểm tài sản này cho thấy sự kiện bảo hiểm đã xảy ra rồi mới mua bảo hiểm, bên mua không có quyền lợi có thể được bảo hiểm và có hành vi gian dối khi giao kết hợp đồng: làm giấy tờ giả mạo. Đây là hành vi trục lợi khá phổ biến thường xảy ra khi sự cố tai nạn đã xảy ra mà chủ sở hữu tài sản chưa mua bảo hiểm cho tài sản. Cùng với sự tiếp tay của cán bộ công chức của công ty bảo hiểm, hành vi này đã thành công. Rõ ràng, nếu không có sự “giúp đỡ” của doanh nghiệp bảo hiểm thì hành vi trục lợi bảo hiểm này không thể thực hiện được. Trong tình huống này, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng đã thông đồng với nhau bằng cách lợi dụng kẽ hở về giấy tờ, chứng từ, giấy chứng nhận bảo hiểm… để trục lợi.

Đây chỉ là một trong số các hành vi trục lợi bảo hiểm. Chúng ta còn có thể kể đến hành vi tự phá hoại tài sản để nhận tiền bảo hiểm, khai tăng số tiền tổn thất khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, trục lợi bảo hiểm thông qua bảo hiểm trùng… Hành vi trục lợi gây nên những hậu quả đáng tiếc không chỉ dối với doanh nghiệp bảo hiểm mà còn đối với cả những khách hàng là những người trung thực, những vị khách này phải chia sẻ một phần gánh nặng tài chính do các hành vi gian dối của những khách hàng không trung thực gây ra. Đồng thời hành vi trục lợi bảo hiểm tài sane tạo nen môi trường cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng dẫn đến pháp luật bị coi nhẹ, gây rối trật tự xã hội,ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước.

KẾT LUẬN

Từ những phân tích trên đã cho chũng ta hiểu rõ về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản. Bảo hiểm tài sản luôn gắn liền với xã hội loài người vì bảo hiểm sẽ giúp người tham gia có một chỗ dựa tinh thần, sự đảm bảo về vật chất để duy trì cuộc sống, phát triển xã hội. Đồng thời nghiên cứu tình huống về tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm tài sản trên thực tế cho chúng ta thấy những tranh chấp này do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do sự thiếu hiểu biết của khách hàng cũng có thể do sự quy định chưa hợp lý của pháp luật. Nhưng dù là bất kỳ nguyên nhân nào đi nữa thì những tranh chấp xảy ra đều ảnh hưởng xấu đến mọi mặt của xã hội và là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển. Vậy để có một thị trường bảo hiểm nói chung và bảo hiểm tài sản nói riêng phát triển thì cần có sự đóng góp của từng người dân, của nhà nước và của toàn xã hội. Bên cạnh đó cần có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh cùng các quy định cụ thể, chi tiết để mỗi người tham gia ký kết, mỗi doanh nghiệp thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Có như vậy thì tương lai của ngành này mới đảm bảo được ý nghĩa đích thực của nó đối với con người và xã hội loài người.

� Tr 5. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về hợp đồng bảo hiểm tài sản : Khoá luận tốt nghiệp. Đèo Thị Thuỷ 2011

� Tr 14. Nguyễn Thị Thủy, Xây dựng và phát triển pháp luật bảo hiểm tài sản ở Việt Nam, Luật án tiến sĩ luật học, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh 2009

� Tr 14, 15. Chế độ pháp lý về bảo hiểm thiệt hại thực trạng và phương hướng hoàn thiện. KLTN, Lại Thị Phương Thảo, Hà nội 2009

� Tr 9, 10. Chế độ pháp lý về bảo hiểm thiệt hại thực trạng và phương hướng hoàn thiện. KLTN, Lại Thị Phương Thảo, Hà nội 2009

� Tr 37, Anh Thư- Công nghệ “móc tiền” bảo hiểm từ Pjico

No comments:

Post a Comment