27/01/2015
Hình thức của hợp đồng bảo hiểm và mối quan hệ giữa hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm - Bài tập học kỳ Luật Kinh doanh bảo hiểm
3. Hình thức hợp đồng bảo hiểm:

Theo Ðiều 570 Bộ luật Dân sự 2005 thì “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm là bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm”.


Luật kinh doan bảo hiểm (sửa dổi, bổ sung 2010) cũng có quy định: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định” (Điều 14).


Thực tiễn pháp luật và hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở các nước trên thế giới cho thấy, giao dịch bảo hiểm thường được thực hiện thông qua các hợp đồng được lập bằng văn bản. Có nhiều lí do khiến cho hình thức hợp đồng bảo hiểm bằng văn bản được đặt ra:

Thứ nhất, do yêu cầu an toàn trong kinh doanh bảo hiểm và tính phức tạp của hoạt động bảo hiểm trong khâu xác định rủi ro và định phí. Đảm bảo của người bảo hiểm đối với người được bảo hiểm không đơn thuần như việc bán một món hàng thể hiện bằng hiện vật cụ thể mà chỉ là những cam kết.

Thứ hai, thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài có khi nhiều năm thậm chí trên 20 năm như trường hợp bảo hiểm nhân thọ.

Thứ ba, hợp đồng bảo hiểm có khả năng chuyển nhượng. Đây là một quy định căn cứ vào thực tiễn đặc biệt là trong bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu. Người nhập hàng chính là người được bảo hiểm có thể bán hàng bằng hình thức chuyển nhượng chúng từ ngày khi hàng hóa đang được vận chuyển trên biển, nếu không có quy định Hợp đồng bảo hiểm có thể chuyển nhượng sẽ dẫn đến tình trạng hàng hóa không được bảo hiểm khi người nhập hàng bán hàng cho người khác.

Thứ tư, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng bồi thường; sau khi tổn thất xảy ra, lợi ích tài chính của người được bảo hiểm và công ty bảo hiểm là khác về nội dung mà họ đã thỏa thuận nếu các thỏa thuận đó không được ghi lại bằng văn bản.

Như vậy, pháp luật quy định hình thức của hợp đồng bảo hiểm là văn bản nhằm nâng cao độ chính xác thực về những nội dung đã cam kết. Khi có tranh chấp, hợp đồng được giao kết bằng hình thức văn bản tạo ra chứng cứ pháp lý chắc chắn cho các bên dễ dàng thực hiện quyền của mình.

II. PHÂN TÍCH MỐI LIÊN HỆ GIỮA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN BẢO HIỂM:

Một hợp đồng bảo hiểm  bao gồm ít nhất 3 loại văn bản: Đề nghị Bảo hiểm, Quy tắc bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm … Nếu thiếu một trong những loại văn bản này, hợp đồng sẽ mất đi tính đồng bộ và không còn giá trị pháp lý.

Giấy chứng nhận bảo hiểm là một loại chứng chỉ pháp lý do bên bảo hiểm cấp cho người được bảo hiểm, xác nhận hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết. Thông thường giấy chứng nhận bảo hiểm được cấp để sử dụng cho các trường hợp như hợp đồng bảo hiểm có nhiều người tham gia bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm được giao kết theo chế độ bảo hiểm bắt buộc. Giấy chứng nhận bảo hiểm có thể là chứng chỉ pháp lý xác nhận người sở hữu giấy chứng nhận bảo hiểm tham gia một hoặc nhiều chế độ bảo hiểm.

Giấy chứng nhận bảo hiểm là một bộ phận của hợp đồng bảo hiểm, và chúng có mối liên hệ như thế nào?

Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm:

Theo Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi, bổ sung năm 2010) thì bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate) là văn bản xác nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm phát hành, liệt kê những quyền lợi bảo hiểm chính của hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, khi doanh nghiệp bảo hiểm giao kết một hợp đồng bảo hiểm với người mua bảo hiểm, họ có trách nhiệm giao giấy chứng nhận bảo hiểm cho người mua bảo hiểm nhằm xác nhận rằng hợp đồng bảo hiểm này đã được giao kết.

Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng thể hiện sự tồn tại của thoả thuận bảo hiểm theo điều kiện nào đó. Thông thường doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cấp giấy chứng nhận khi người mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ khi có thỏa thuận khác. Điều này cho thấy giấy chứng nhận bảo hiểm hình thành sau khi hai bên đã thỏa thuận và giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trong một số trường hợp giấy chứng nhận bảo hiểm là một phần không thể thiếu của hợp đồng bảo hiểm, bởi vì khi có tranh chấp, đây sẽ là căn cứ chứng minh việc hai bên đã có giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm quyết định nội dung của giấy chứng nhận bảo hiểm:

Giấy chứng nhận bảo hiểm là một phần và là bằng chứng giao kết hợp đồng nên trong đó phải ghi nhận và thể hiện được một số nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm như thời hạn, điều kiện phát sinh bảo hiểm, giá trị bảo hiểm… Hợp đồng bảo hiểm ghi nhận đầy đủ và chi tiết nội dung của thỏa thuận bảo hiểm giữa các bên, trong khi đó, giấy chứng nhận là bằng chứng giao kết hợp đồng, vì vậy, những nội dung được ghi nhận trong hợp đồng bảo hiểm sẽ được rút gọn và tối giản trong giấy chứng nhận bảo hiểm. Thông thường nội dung của giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ bao gồm những điều khoản nói lên đối tượng được bảo hiểm, các chi tiết cần thiết cho việc tính toán bảo hiểm và điều kiện bảo hiểm. Qua đó, có thể nhận thấy, những nội dung chi tiết trong hợp đồng bảo hiểm đã được tối giản trong giấy chứng nhận bảo hiểm. Bởi vì, giấy chứng nhận bảo hiểm đơn giản chỉ là chứng từ được doanh nghiệp bảo hiểm cấp để xác nhận hàng hóa đã được mua bảo hiểm.

Ví dụ: Giấy chứng nhận và hợp đồng bảo hiểm Ô tô (nguồn: Trang web http://ebaohiem.com/ )

Giấy chứng nhận bảo hiểm:

Là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa chủ xe cơ giới và công ty bảo hiểm. Đây là nội dung tóm tắt thể hiện cam kết của công ty bảo hiểm với Người được bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm thường có 02 liên (01 cho khách hàng, 01 lưu tại công ty bảo hiểm). Công ty bảo hiểm chỉ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm khi chủ xe đã đóng phí bảo hiểm (trừ khi có thoả thuận khác).

Hợp đồng bảo hiểm:

Đối với những khách hàng có nhiều xe, ngoài việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho từng xe, giữa khách hàng và công ty bảo hiểm cần  phải ký hợp đồng bảo hiểm.

Nội dung Hợp đồng bảo hiểm thể hiện sau:

- Thời gian ký hợp đồng;

- Thời hạn bảo hiểm: Ghi rõ ngày bắt đầu và ngày kết thúc;

- Các loại hình bảo hiểm và số tiền bảo hiểm/ mức trách nhiệm;

- Tổng số phí bảo hiểm: ghi bằng số, bằng chữ;

- Các Điều kiện, Điều khoản bảo hiểm, điều khoản sửa đổi bổ sung

- Điều khoản thanh toán phí bảo hiểm, kỳ thanh toán, phương thức thanh toán

- Điều khoản giám định bồi thường

- Điều khoản giải quyết tranh chấp

C. KẾT LUẬN:

Bài làm trên đã nêu lên được những nội dung chủ yếu và hình thức của Hợp đồng bảo hiểm, ngoài ra đã phân tích mối liên hệ giữa hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm. Vì phạm vi nhận thức còn hạn chế do không có giáo trình chuẩn và không có nhiều tài liệu tham khảo nên bài viết không tránh khỏi những sai xót. Kính mong nhận được lời nhận xét của cô giáo để cho bài viết được hoàn thiện hơn.

Em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ThS.Trần Vũ Hải (2006), Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nhà xuất bản Tư pháp.

2. TS. Phạm Văn Tuyết (2007), Bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm theo pháp luật tại Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp.

3. Thái Văn Cách, Luận văn thạc sĩ luật học, Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm Việt Nam thực trạng và hướng hoàn thiện, Hà Nội, 2001.

4. Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành 5. Bộ Luật Dân sự năm 2005.

5. Các trang web:

Bộ Tài chính: mof.gov.vn

Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam: avi.org.vn

Cổng thông tin bảo hiểm Việt Nam: webbaohiem.net

http://vnexim.com.vn/

http://www.muabaohiem.net/

No comments:

Post a Comment